“Máu và tội ác” là một trong ba tác phẩm vừa được Giải Nhất Cuộc thi về đề tài Thương binh- Liệt sĩ và Người có công. Nhân dịp này, tác giả- nhà văn Nguyễn Tam Mỹ đã chia sẻ thêm với độc giả báo điện tử Tổ Quốc về cuốn sách.

 

(Các tác giả đoạt giải nhất của cuộc thi – Ảnh bptv)

PV:  Điều gì thôi thúc nhà văn cầm bút viết tác phẩm “Máu và tội ác”?

Nhà văn Nguyễn Tam Mỹ: “Máu và tội ác” là cuốn sách viết về vụ thảm sát Sơn Cẩm Hà. Đây là vụ thảm sát lớn nhất miền Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng trong thế kỷ XX, trong giai đoạn giao thời năm 1954-1955.

Thực tế, khi viết về vụ thảm sát này đã có không ít bài báo phản ánh, nhưng hầu hết chỉ miêu tả lại sự kiện đau thương ấy, không đi sâu lý giải tại sao lực lượng “du kích quân” của đảng phái “quần dài đen” lại tàn ác đến tận cùng sự tàn ác.

Nhiều nhà văn sống trong chiến tranh chưa viết, còn tôi là lớp hậu sinh, ban đầu cũng không dám viết, vì đi tìm tư liệu giai đoạn đó rất khó. Nhưng niềm day dứt của tôi luôn ám ảnh về sự tàn ác, dã man đã xảy ra trong lịch sử. Và suốt 25 năm tôi đã đi tìm tư liệu để sau đó cầm bút viết. Khi tìm được tư liệu rồi thì tôi viết rất nhanh, chỉ khoảng 5 tháng là xong.


Tác phẩm Máu và Tội ác của nhà văn Nguyễn Tam Mỹ

 

Nhà văn Nguyễn Tam Mỹ: Cuốn sách của tôi in năm 2010, sau đúng 55 năm xảy ra vụ thảm sát.PV: Cuốn sách của ông đến tay độc giả vào năm nào?

PV: Có nghĩa là cuốn sách này đến nay đã ra đời được 7 năm. Xin nhà văn cho biết, 7 năm qua phản hồi của độc giả về cuốn sách như thế nào?

Nhà văn Nguyễn Tam Mỹ: Lúc đầu việc in ấn rất khó khăn, nhưng khi in ra rồi thì độc giả rất nồng nhiệt đón nhận, đặc biệt những em học sinh ở quê hương, có em đã nói: Bây giờ đọc sách của chú chúng cháu mới biết được bãi xương người vô danh, bởi không ai biết. Khi chú viết ra thì cháu mới biết mảnh đất thấm đẫm máu xương của những người đã khuất và chúng cháu phải cố gắng học để xứng đáng. Và vùng Tiên Sơn có những trẻ cực kỳ hiếu học.

PV: Xin hỏi nhà văn Nguyễn Tam Mỹ, cuốn sách “Máu và tội ác” được giải nhất trong cuộc vận động sáng tác đề tài Thương binh- Liệt sĩ và Người có công của ông thuộc thể loại gì?

Nhà văn Nguyễn Tam Mỹ: Cuốn “Máu và tội ác” thuộc thể loại tiểu thuyết lịch sử.

PV: Nghĩa là bên cạnh những yếu tố lịch sử vẫn có hư cấu, có phải không thưa nhà văn?

Nhà văn Nguyễn Tam Mỹ: Tôi có hư cấu. Nhưng hư cấu là ở những phần không thể diễn giải, bắt buộc phải hư cấu. Còn lại, khoảng 90% là sự thật.

PV: Vậy những phần hư cấu của nhà văn khi đưa vào cuốn sách có gây tranh cãi từ phía độc giả?

Nhà văn Nguyễn Tam Mỹ: Tôi không thấy. Vì tôi xác định phần nào cần hư cấu, phần nào không. Hơn nữa tôi thấy độc giả chấp nhận và ngay cả những người sống ở đó, từng chứng kiến cũng chấp nhận. Cuốn sách đã được Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam trao giải VHNT Đất Quảng lần thứ 2 năm 2009-2014.

PV: Nhà văn vừa chia sẻ rằng, ban đầu không hề có ý định viết cuốn tiểu thuyết này, và trước đó, ông cũng mới chỉ có một truyện ngắn về vụ thảm sát này đăng ở Văn nghệ Quân đội. Rồi phải đến hơn 20 năm sau ông mới hoàn thành xong “Máu và tội ác”, vậy nhà văn có thể chia sẻ  những khó khăn khi ông viết cuốn sách?.

Nhà văn Nguyễn Tam Mỹ: Khó khăn nhất khi viết là đồng nghĩa khơi dậy tội ác man rợ đến mức hơn cả thời trung cổ. Nhưng nếu không viết thì sẽ bị khuất  lấp, nhiều dòng họ đã chết hết, nhiều làng mạc giờ vẫn còn là khu rừng hoang không có người ở…

Các nhân vật trong tiểu thuyết hầu hết được thay tên đổi họ, ngoại trừ nhân vật chính là Nguyễn Đình Thiệp. Đó là điều tôi không mong muốn, song chẳng có cách nào khác hơn. Một số nhân vật chỉ “thoảng qua” như Nguyễn Quang Chung, Lê Trung Chi, Ngô Thành Nhân, Hồ Ngọc Tuấn, Lê Văn Bường… tôi vẫn giữ nguyên tên họ để làm bằng chứng cho một giai đoạn hắc ám. Tác phẩm với các sự kiện đan xen nhau và đồng hành hiện theo trình tự thời gian.

Khi viết “Máu và tội ác” tôi không phụ thuộc vào cách viết của các nhà chép sử, mà “trung thực với bản chất của vấn đề, trung thực với thân phận nhân vật và ý nghĩa của nó phía sau lịch sử”. Chính vì thế, “Máu và tội ác” có thể sẽ không làm hài lòng những độc giả vốn coi trọng “chính sử” và đó là điều tôi không mong muốn, song chẳng có cách nào khác hơn!. Viết cuốn sách là tôi làm công việc “phủi lớp bụi thời gian” nhằm bày tỏ lòng tri ân với những người đã ngã xuống vì cuộc sống hôm nay.

(Nhà văn Nguyễn Tam Mỹ – Ảnh: Báo Quảng Nam)


Nhà văn Nguyễn Tam Mỹ:
Tôi rất vui và xúc động với giải thưởng này vì rất nhiều người vô danh đã hi sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Và tác phẩm viết về họ lại được giải thưởng có lẽ là sự ghi nhận công lao của những người đã hi sinh, đồng thời cũng làm vơi đi nỗi trăn trở của tôi cũng như của bao nhiêu người.PV: Tác phẩm “Máu và tội ác” ngoài được vinh danh giải thưởng của Hội VHNT  Quảng Nam, còn được trao giải cao nhất trong cuộc vận động  sáng tác văn học về đề tài Thương binh – Liệt sĩ và Người có công, vậy  giải thưởng lần này có ý nghĩa như thế nào với nhà văn?

Xin cảm ơn nhà văn!

Nhà văn Nguyễn Tam Mỹ tên thật là Thái Nguyên Tài, sinh năm 1962, hiện sống và viết tại Quảng Nam.

Các tác phẩm đã xuất bản: “Than lửa và tàn tri”, “Lời ru oan nghiệt”, “Ma và người”, “Sấp ngửa bàn tay”, “Người đàn bà và hai người đàn ông”, “Nửa ngàn ngày đi gõ cửa quan”, “Nóc Ông Bền”, “Máu và tội ác”, “Thời tôi sống”…

Cho đến nay, nhà văn Nguyễn Tam Mỹ đã nhận nhiều giải thưởng văn học từ Hội Nhà văn Việt Nam, Hội VHNT Quảng Nam…

Hà Anh

Nguồn: Tổ Quốc

Phạm Thuý Quỳnh đưa bài