Chuyện lão giám đốc


Đám tang mẹ lão xong đã cả tuần, tang gia bối rối chẳng có sơ suất nào, vậy mà khổ chủ vẫn đau buồn. Cái mặt trơn mịn, loáng mỡ rầu rĩ. Mí mắt mọng sụp xuống khiến người ta nhìn vào không biết lão đang mở hay nhắm. Má núng xệ kéo xệch mép ngoác tới sát cằm y hình chóp nón. Nhiều người đoán, lão quá thương xót bà cụ và tấm tắc khen lão có hiếu. Chỉ đám đàn em biết chắc chắn đó không phải nguyên nhân khiến lão giở chứng, nhưng có tài thánh chúng cũng chẳng rõ sao lại thế. Điều ấy, chỉ mình lão biết. Chuyện là hôm đám tang, có ông thầy tướng số người Tàu ở đâu đến. Chuyện vãn, ông ta nhìn lão rất lâu rồi bảo nhỏ: Ông Giàu – Sang – Phú – Quý đủ cả, chỉ thiếu mỗi chữ Thọ. Những mánh khóe làm giàu, lão chưa từng hé nửa lời với ai, chưa có kẻ nào – dù chỉ là học lỏm được một tí ti, thế mà ông ta biết tuốt! Ông ta còn nói ra những điều “sống để bụng, chết mang theo” của lão. Ông ta là ma quỷ gì thế? Lão sợ lắm, lão nhốt mình trong phòng, vật vã tính suy. Vốn nhạy bén, vấn đề có nan giải đến đâu, lão cũng giải quyết gọn, nhưng lần này thì quả, đầu lão đã sệt lại. Nằm chán lão tiến lại chỗ tủ rượu. Cái tủ âm tường lát gỗ hoàng đàn này, lão đã phải thuê thợ giỏi làm cả tháng mới xong. Nó không đáy và thông thẳng xuống đất tới chục mét. Tủ được chia nhiều ngăn nhỏ, mỗi ngăn là một thứ rượu quý hiếm, đại bổ, vừa được ủ bằng hơi đất, vừa có hương quyến rũ của gỗ quý. Lão đặc biệt say mê những thứ rượu của người dân tộc. Xa xôi đến đâu, lão cũng tìm đến, tận mắt chứng kiến đủ các công đoạn phức tạp, tinh vi để có một hũ đúng chất, đúng hiệu.

Rượu đắng nghét khẳn trong cổ chứ không thơm ngon như mọi khi… Lão lấy một hũ nữa… hũ nữa. Cảm giác vẫn thế. Cái tên thầy tướng dở hơi, nói càn. Lão chết làm sao được. Hắn lừa lão ư? Nhưng hắn ta có xin lão cái gì đâu? Phải tìm hắn! Lão lập cập lục mảnh giấy ghi địa chỉ… Lão không thể chết! Tiền, nhà, xe, vợ cả, vợ hai, bồ bé, bồ lớn… bao mưu mô, quỷ kế, bao thủ đoạn nhẫn tâm mới có được, lão không thể chết! Có tiền mua tiên cũng được cơ mà! Chân nam đá chân chiêu, lão ợ một hơi toàn mùi rượu lao ra khỏi nhà. Cần phải gặp tay thầy tướng số kia… May quá, ngôi nhà vẫn sáng đèn. Chẳng kịp gõ cửa, lão xô thẳng vào. Như biết trước thế nào lão cũng đến, vẫn điềm nhiên ngồi trên phản, giọng ông ta âm âm:

– Đáng ra số ông thọ trăm tuổi, nhưng chuyện ác ông làm nhiều quá. Hại người ta đến chết vẫn không nhắm mắt được nên bị cắt đi… Mà chưa chắc chết rồi ông đã được yên đâu, còn phải đọa địa ngục nhiều nữa…
Chân tay bủn rủn, lão sụm xuống lắp bắp:

– Có… có… cách… cách… gì không… Giá nào tôi cũng… cũng… trả.

– Được, thứ ông cần mua là sự tử tế. Sẽ phải rất nhiều tiền.

– Sao… sao? Nhưng… nhưng mua của a… ai.  Mua thế… thế nào?

– Ông cứ quan sát. Sẽ thấy…

Nói rồi ông ta đứng dậy rũ áo, cầm tay nải bước ra ngoài mất dạng vào bóng đêm.
Trên đời có chuyện kì quái không? Rõ ràng có. Có mà như không. Lão chắc chắn đã gặp ông thầy tướng số, nói bao nhiêu chuyện, vậy mà người nhà cứ khăng khăng là tìm mãi mới thấy lão nằm bẹp bên ngoài ngôi nhà bỏ hoang từ lâu đầy rẫy chuyện ma quái thần bí chẳng ai dám bén mảng. Lão gần như bất tỉnh ở đó, nồng nặc mùi rượu, mùi chua khẳm bốc lên từ đống hỗn độn mà dạ dày lão thay vì thải ra theo đường quen thuộc, nó đã làm ngược lại. Họ đưa lão về. Từ hôm ấy, lão ở rịt trong phòng với vẻ mặt đờ đẫn, môi mím chặt, mắt đảo liên hồi, sợ nước, sợ ánh sáng, sợ tiếng động mạnh… Lảm nhảm nói một mình.

Mấy tuần sau lão khỏi. Lão bắt đầu lang thang, dò xét các nhà xung quanh…


Chuyện nữ công chức


– Nhà cô Mai vừa lắp máy lạnh.

– Nhà Tiến mới mua dàn karaoke.

Chán nản quá! Chồng chị chả biết vô tình hay cố ý, cứ oang mồm kể hàng xóm mua cái này, cái kia. Chị không nhìn chồng cũng chẳng trả lời, mặt xưng xưng. Không khó chịu sao được! Người ta bảo vợ chồng bằng tuổi nằm duỗi mà ăn. Nằm duỗi ở đâu chẳng biết, mới cất cái nhà cấp bốn tàm tạm đã vay tứ phía. Cứ nghĩ tới đồng lương ít ỏi, nợ ngân hàng chưa trả xong là đau hết cả đầu. Chị thèm thuồng và ghen tị khi thấy người ta chắt bóp mỗi tháng để ra được vài triệu sắm sửa hoặc đi chơi. Vào phòng lấy ví đi chợ, mở ra kiểm tra, chị thở dài thườn thượt. Nó như bao tử con nhà nghèo, chưa kịp vào đã hết. Nào phải chị hoang phí gì cho cam, dạo này đình đám nhiều quá. Từ đầu tháng tới giờ, ba đám đẻ, hai đám cưới, hai đám hiếu họ tộc, vị chi là hai triệu sáu, đi đứt gần tháng lương công chức còm cõi. Vừa đạp xe, chị vừa lẩm nhẩm tính và ước ao giá mà người ta thay đổi cách cưới xin đi, chỉ cần đến uống nước, ăn ít bánh kẹo để chứng kiến là được rồi, vừa đỡ cho chủ lại tiện cho khách, tiết kiệm biết bao. Đằng này càng ngày cưới càng sang, đãi ở nhà hàng lớn. Rồi đám ma linh đình…

Qua nhà ông giám đốc có ngôi biệt thự sang trọng nằm ngay ngã ba đường, chị chợt nhớ hôm rồi làm ma mẹ ông ta, xe ô tô đậu kín các ngả. Nghe nói chi phí cho tang lễ cả mấy tỉ. Mấy tỉ! Chị ứa nước miếng. Chi như thế thì thu vào phải gấp đôi, gấp ba ấy chứ. Sao người ta giàu sang quá chừng! Bao giờ ngang qua ngôi biệt thự ấy, chị cũng nhìn. Nhìn mấy năm nay không chán mắt. Chỉ cái cổng thôi cũng đủ để chị có cái nhà như mơ ước. Cây cối xum xuê, toàn cây to, cây quý mà giá của nó có lẽ cả đời chị cũng không kiếm nổi. Ông chủ nhà khoảng chừng ngoài năm mươi, mập tròn, có cái vẻ lạnh lùng của kẻ giàu sang. Giá như… đã bao lần chị ước ao. Phải, giá như ông ta giúp chị một ít… Nghĩ tới đó, chị nhếch mép cười chua chát. Họ giàu bởi họ chả bao giờ giúp ai, nếu có cái đức ấy, thì lấy gì mà giàu! Chị có tật “vác tù và hàng tổng” như chồng chị vẫn trêu. Ai cần chị cũng không ngại ngần. Mẹ con bà ve chai cuối xóm mỗi lần túng thiếu lại chạy đến nhà chị vay nóng. Bà chị chồng ở quê muốn mua bò, mua dê mà hụt vốn lên nhờ cậy, chị không tiện từ chối, bấm bụng đi vay lãi rồi hàng tháng lại phải cắt chỗ này một tí, xẻo chỗ kia một tị để bù vào. Anh em, họ hàng có đám tiệc, dù xa đến đâu, chị vẫn cố đến để giúp góp. Chồng chị còn bảo tự mình làm khổ mình còn trách ai. Chị nào có trách ai, chỉ là không làm được như thế chị day dứt, khó nghĩ lắm. Ai cũng khen chị tử tế, rộng rãi. Tử tế nên mới nghèo, mới khổ. Bán được cái tử tế, chị cũng bán. Buôn bán – chị chả có khiếu, mà cũng không có vốn. Lô đề, bài bạc hay những việc phi pháp khác thì chị nhát cáy, đố dám nghĩ tới. Những ý nghĩ cứ ong ong khiến đầu chị rần rần bốc hoả… Trong khoảnh khắc ấy, như vừa bước hụt một cái, ngẩn người, chị sợ hãi thấy mình đang ở trong ngôi nhà vừa quen vừa lạ. Cái cổng… đám cây… chiếc xe… Sao thế nhỉ? Chị hoảng quá định quay người chạy nhưng chân quýnh quáng không sao nhấc được. Trong khoảng không lung linh như vườn thượng uyển, dưới tán lộc vừng lớn hoa đỏ chót rủ từng chùm, ông giám đốc đang ngồi ở bộ bàn ghế gỗ kiểu cách tinh xảo. Ông ta nhìn chị chăm chú, như hiểu hết những khát khao chị che giấu bấy nay. Ông ta khẽ nhếch mép, tiếng nói khè khè phát ra không phải từ miệng mà ở cái mũi nhọn cồm cộm những cùi.
– Chị muốn bán sự tử tế? Tôi đang rất cần và sẵn lòng mua với giá cao. Mời chị ngồi! Chúng ta sẽ thương lượng.

*

*   *

Giờ thì chị giàu, nhà chị có tiền tỉ do chồng trúng số. Vận may đến vừa khéo, chẳng biết có liên quan đến việc “bán sự tử tế” mà chị cho rằng tại mình nghĩ ngợi nhiều quá nên đâm ra lẩn thẩn không, nhưng tiền là thật, tiền của chị, chị phải giữ cho thật kĩ, không bao giờ chị muốn quay trở về thời nghèo khó nữa. Chị mỉm cười thỏa mãn đi qua nhà hàng xóm nhờ chiều đón con giúp để đi thẩm mĩ viện. Cổng mở sẵn, hình như họ có khách. Chị khẽ đi vào.

– Úi dào, giàu chưa chắc đã sướng nhé. Vợ chồng bà Thu mới cãi nhau om sòm đấy.

Tiếng mấy mụ hàng xóm rảnh rỗi đang tụ tập buôn dưa lê. Lại ganh tị chứ gì? Chị cười nhạt, đứng nép sau cánh cổng để xem họ nói gì về mình.

– Lúc chưa có nhiều tiền, chị ta vẫn rộng rãi, tử tế nên ai cũng thương, cũng quý.

Vợ chồng sống hạnh phúc, cười đùa luôn miệng. Giờ thì chả hiểu sao cứ cãi nhau như cơm bữa.

– Dào ôi. Bà Thu giữ tiền ghê lắm, chồng làm gì cũng không cho. Có người đến nhà chơi là mặt lạnh tanh, lạnh ngắt, chỉ sợ người ta nhờ vả, vay mượn gì, giờ chả ai dám đến. Hôm rồi, nghe nói em chồng gặp tai nạn mà bả cũng không chịu giúp đỡ, lại còn hỗn hào gì đó. Anh chồng cho cái bạt tai và đòi li dị. Nghe đâu dạo này mụ ấy còn lợi dụng bạn bè bức bách tiền nong để cho vay nặng lãi…

– Đến thế cơ à, sao bả thay đổi nhanh thế?

– Vậy mới nói, chồng bả tâm sự với anh nhà em, bả lạ lắm, như bị ma nhập. Mắt cứ sáng quắc, láo liên, có chuyện gì cũng coi như không phải của mình, còn chẳng nhòm ngó gì đến chồng con, lúc nào cũng như con rô bốt giữ tiền ấy. Hai đứa con ngày xưa tíu tít với mẹ là thế, giờ mỗi lần giáp mặt, chúng cứ len lén nhanh nhanh chóng chóng lủi về phòng!

Chị khẽ nhếch mép, quay ra đóng sập cổng cho mấy con mụ biết chị đã nghe thấy hết. Đúng là vợ chồng chị cãi nhau đấy, đúng là chồng chị muốn li dị đấy, đúng là chị cho vay lãi ngày đấy! Thì sao nào! Chị chỉ muốn tiền sinh sôi nảy nở thôi. Chị tử tế đủ rồi, giờ phải sống cho mình chứ. Trời đã thương thì phải biết tranh thủ mà tận hưởng!


Chuyện bà ve chai


Bà nằm bẹp trên giường, cơ thể ươn ao nhầu nhĩ, cố lắm mới he hé đôi mắt nhìn đứa con gái đi ra đi vào vẻ sốt ruột và ba đứa cháu vô tư đang chơi đùa ngoài mảnh sân bé con. Nhìn chúng, nghĩ phận mình, bà ứa nước mắt. Chắc chẳng còn người phụ nữ nào trên đời khổ sở hơn bà được. Đẻ bà có năm người con, bốn anh chị em đều cao to, thành đạt duy có bà vừa gầy, vừa thấp lại ốm yếu, thất học. Bà chỉ trông vào sự cần cù chịu khó và tấm lòng lương thiện để mong một tấm chồng. Bà quyết chí đến với ông ta dù cả gia đình ngăn cản rồi từ mặt. Thế nhưng không ngờ, chồng bà là kẻ nát rượu, một tuần thì sáu ngày say, hở ra là đánh mắng vợ con. Nhà cửa đã chẳng lúc nào yên lại thêm xé gan, xé ruột vì những lời xỉa xói cá không ăn muối cá ươn. Cực chẳng đã, bà phải ôm đứa con gái bỏ trốn, sống lay lắt bằng nghề mua bán ve chai. Nuôi con gái trưởng thành đến khi có tấm chồng hiền lành, chăm chỉ dù rằng nó nghèo chẳng kém mẹ con bà, bà mới yên tâm. Hai vợ chồng làm công nhân cạo mủ cao su, đẻ lần đầu sinh đôi hai đứa con gái, chúng bảo bà ở nhà chăm cháu. Nhưng hỡi ôi, đầu năm ngoái, thằng con rể bị một chiếc xe ô tô đâm phải trong một đêm sương mù dày đặc, sáng người ta mới thấy xác nó nằm giữa khoảng máu bết lại bên lề đường. Bà rã rời tay chân, mụ mị nhìn con gái khóc vật vã, nhìn hai cháu mồ côi. Qua đám tang, con gái lại phát hiện có thai. Vậy là bà cọc cạch đẩy xe cóp nhặt ve chai nuôi đoàn tàu năm miệng ăn. Giờ thì các cháu đủ lớn để trông coi lẫn nhau. Nhưng đến lượt tuổi già hành hạ, đời bà cơ cực, lam lũ mà ăn uống lại kham khổ, mới ngoài năm mươi mà cơ thể rệu rã như cỗ xe hết thời. Bà ốm không cất đầu dậy được, con gái phải xin nghỉ ở nhà. Lương công nhân của nó được mấy đồng thì phải trả nợ mà còn nghỉ thế này có mà đói. Nó chăm làm nhưng cũng chẳng vực nổi cái cảnh túng quẫn này. Nó ghé giường bà, hỏi chua xót:

– Mẹ xem mai đã đỡ chưa, chứ trong nhà không còn gì cả. Lương tháng này con chưa được lãnh mà còn nghỉ mất mấy buổi thì cắt hết.
Bà hoa mắt, đầu nhức như búa bổ, chân tay bủn rủn nhưng cũng đành an ủi con:

– Để mẹ cố…

– Mẹ ốm thế này còn làm gì nữa, để con nghĩ xem xoay xở vào đâu được. Ít ra cũng phải sống đến cuối tháng nữa chứ.

Bà định bảo con sang nhà cô Thu vay lãi tạm mấy bữa, nhưng nhớ đến vẻ mặt lạnh lùng, thái độ hắt hủi của cô ấy hôm trước, bà đành im lặng. Cô ấy đã từng giúp bà nhiều lắm, bà cũng chưa thất tín lần nào, vay mượn bao giờ bà cũng trả sòng phẳng. Trong vườn nhà có nải chuối, mớ rau tươi bà đều sai con mang sang biếu gọi là chút lòng biết ơn. Vậy mà giờ cô ấy… Bà cố nén tiếng thở dài xuống mà sao nó cứ thượt ra hết cả đằng mũi và đằng miệng. Bà mà không gượng được thì con bà, cháu bà chỉ có chết thôi. Tiếng sấm nổ uỳnh uỳnh báo hiệu một cơn mưa lớn, bà giật mình, đám cháu lúi húi chạy vào nhà ngã sập, ngã sụi. Lại còn đến mùa mưa nữa, mấy tấm tôn trên mái đã rỉ hết ra và thủng lỗ chỗ, cả nhà lại ướt như chuột. Nẫu cả ruột, bà ước gì có tiền cho con, cho cháu… Bà mong sao sau này đừng ốm đau gì, cứ vậy mà chết đi, chứ cái thân già nằm liệt thế này thì con, cháu làm sao đây. Bà lim dim mắt để mặc con đi kiếm xô, chậu vừa hứng nước mưa nhỏ giọt trên mái nhà vừa làu bàu than khổ. Bà chóng mặt quá, nằm trên giường mà như nằm trên võng, mọi thứ xoay chuyển như đang bay. Bà sợ hãi mở mắt nhìn. Quái, đang ở đâu đây? Một căn phòng rộng và sáng, dưới chân là lớp thảm êm mượt hình một con báo nằm duỗi dài tứ chi, xung quanh toàn thứ đẹp đẽ mà bà chưa thấy bao giờ. Chỗ này không phải những nơi bà thường đến. Chắc bà đang mơ rồi… Nhưng sao y như thật ấy. Bà kín đáo nhéo vào tay mình, tay đau. Thế là thế nào nhỉ? Chưa kịp tìm ra câu trả lời, một người đàn ông vén cái rèm được kết bằng nhiều hạt pha lê lóng lánh bước ra. Ông ta bận một bộ đồ vải nhẹ, đôi mắt lạnh lẽo nhìn bà chẳng chút ngạc nhiên. Ông ta trông quen lắm, đã gặp rồi thì phải. Bà cố nhớ nhưng trí nhớ phản bội bà. Bà tự nhủ làm sao mình có thể quen với những người thế này được… Ông ta chỉ bộ bàn ghế bọc nhung đỏ mời bà ngồi. Bà run bắn, ngồi khép nép tận mép ngoài cùng, chỉ cần người kia ho một tiếng là bà chui tọt xuống gầm bàn.

– Bà có muốn bán sự tử tế không? – Người đàn ông lên tiếng.

– Cái gì cơ? Tôi sống nghèo khổ, có giúp được ai đâu mà tử tế.
– Bà sống lương thiện, hết lòng vì con vì cháu, chưa từng làm gì xấu, chưa từng hại ai. Ấy là sự tử tế.

– Vậy bán rồi, tôi sẽ ra sao? – Bà ngập ngừng hỏi.

Người đàn ông khẽ nhếch mép cười.

– Bà biết cô Thu cùng xóm chứ! Cô ta đã bán sự tử tế cho tôi đấy. Bà sẽ giàu có như cô ta thôi. Bà cứ suy nghĩ. Khi nào bà bắt đầu làm một việc không tử tế thì đó chính là lúc bà bán sự tử tế cho tôi.

*

*    *

– Ối, mẹ ơi!

Tiếng con gái gọi làm bà giật mình mở mắt. Nó lao đến giường với vẻ mặt xúc động chưa từng có.

– Mẹ nhìn này, mẹ nhìn này!

Bà nheo mắt nhòm vào tay con. Vàng lấp lánh một vốc đầy, từ nhẫn trơn đến nhẫn kiểu, lắc tay, dây chuyền và cả vàng miếng. Bà ngồi bật dậy như chưa từng ốm đau gì.

– Con vừa soạn lại đống ve chai mẹ chưa kịp bán để mang đến vựa kiếm ít đồng mua gạo. Con đập bẹp một cái lon sữa bò…

Bà mang máng nhớ, hình như đống ve chai ấy nhặt ở một nhà giàu vừa có đám tang. Sau đám, con cháu dọn hết đồ của bà mẹ vừa đốt, vừa vất đi cho khỏi rác nhà. Bà nhặt nhạnh được kha khá những thứ linh tinh, người già là chúa hay tích trữ đồ. Có lẽ bà cụ có của chìm mà con cháu không biết, cũng không kịp trối lại. Mẹ con bà giàu rồi ư? Con bà sẽ sung sướng, cháu bà sẽ đến trường, tuổi già của bà không cần lo nghĩ nữa. Ông trời còn thương mẹ con bà thế này sao? Số vàng này có thuộc về mẹ con bà không? Nhưng giấc mơ hôm trước như hiện về trước mắt, giấc mơ như có như không khiến bà bàng hoàng, hoảng hốt. Bà suy nghĩ đắn đo. Đây có phải lúc bà bán sự tử tế cho người ta không? Bà sẽ giống cô Thu sao? Người phụ nữ tốt bụng vẫn thường giúp đỡ mẹ con bà đã trở nên giàu có nhờ cơ may vậy mà thay đổi đến không ngờ. Bà không muốn giống cô ấy, nhưng giàu thì con, cháu bà sẽ sung sướng. Bà nghĩ ngợi. Đói cho sạch, rách cho thơm, bà vẫn dạy con cháu thế. Mẹ con bà dù đói khổ bao nhiêu cũng chưa từng làm gì có tội với lương tâm. Bà cau mày băn khoăn nhìn con gái. Con gái hiểu ý bà, vội bảo:
– Mẹ có nhớ là nhặt được ở đâu không? Con sợ lắm mẹ ạ, nhặt vàng độc lắm, mẹ lại đang ốm đau thế này… lỡ có mệnh hệ gì… bao nhiêu tiền của cũng không bằng con có mẹ.

Con gái bà thật tốt. Nó còn trẻ, nó nghèo mà không tham. Bà yên tâm về con lắm, bà mỉm cười.

– Có, mẹ nhớ!

Hai mẹ con đến gặp ông chủ ngôi biệt thự. Bà bảo ông ta hãy xem lại số vàng có đúng của nhà mình không. Chẳng thèm liếc nhìn gói vàng con gái bà cẩn thận buộc trong vuông vải, ông ta chỉ chăm chú nhìn bà, vừa ngạc nhiên, vừa tức giận lại có vẻ buồn rầu. Sau cùng, ông ta chỉ bảo chia đôi số vàng, cho mẹ con bà một nửa, một nửa nhờ bà đi làm phúc hộ. Bà từ chối, ông ta nói số vàng này chẳng thấm vào đâu so với của nả nhà ông. Hơn nữa, ông có giữ thì chúng cũng sẽ chẳng còn. Chi bằng mẹ con bà cứ lấy mà làm tí vốn. Nói rồi, ông ta thở hắt ra. Với vẻ ảo não chưa từng có, ông lê bước vào trong mặc mẹ con bà không biết phải làm sao…


Chuyện mười năm sau


Bọn trẻ con mỗi lần đi qua ngôi nhà hai tầng khang trang có một cây roi, quả đỏ sai chi chít trên cành và rụng xuống đầy sân cũng chỉ dám liếc nhìn thòm thèm rồi vội vã chuồn cho nhanh. Ở đó có một phụ nữ sống một mình, khuôn mặt lạnh lẽo, đôi mắt vô hồn, giữ của như thần. Bà ta cũng đã về hưu non do cơ quan tinh giản biên chế nên suốt ngày chỉ ngồi thừ trên ghế lẩm nhẩm những gì không ai hay. Nghe nói chồng bà nhất quyết li dị, hai đứa con đòi theo bố chứ không chịu ở cùng mẹ. Hàng xóm không ai qua lại, chỉ duy có mẹ con bà ve chai thỉnh thoảng vẫn sang. Họ đã khấm khá hơn trước nhiều. Ngôi nhà đã sửa sang lại, các cháu đều được đi học. Cô con gái vốn rất khéo tay học được nghề cắm hoa, làm hoa giả rồi mở một tiệm nhỏ ở ngoài chợ. Thế nhưng mỗi tháng, tiệm hoa ấy lại đóng cửa một ngày để bà và con đến thăm ân nhân –  một người tù. Người tù đó chính là ông chủ ngôi biệt thự. Nghe người ta nói ông buôn hàng cấm, có người lại bảo ông tham nhũng, đục khoét công trình… Công an điều tra ra tất cả những thứ thối nát mà ông ta đã rất kín kẽ giấu đi. Tất cả tài sản, dù ông ta không đứng tên nhưng họ vẫn chứng minh được từ nguồn tiền của ông. Của thiên trả địa, ông ta mất tất. Giờ ông ta đang sống trong tù, vợ con bỏ đi đâu không ai biết. Mỗi tháng, bà lại thấy người tù ấy đổi khác, đôi mắt trở nên dịu dàng, vẻ mặt đã tươi tỉnh trở lại, thân hình mập mạp phương phi trước kia đã thon gọn hơn nên dáng đi nhẹ nhàng, từ tốn. Ông ta trò chuyện với bà cởi mở, ông tin có kiếp sau và thường hỏi bà, sau này ra tù, ông có thể đến ở chùa nào…

Tôi đã đến khu phố nhỏ ấy trong một lần về chơi nhà người bạn cách đó không xa. Khu phố mới ở ven thành, khá đông dân cư nhưng chủ yếu là những người thập phương về đây sinh cơ lập nghiệp. Người giàu có bạc vạn ở chung với những kẻ bần hàn cơ cực tạo nên một diện mạo có phần hơi luộm thuộm, thiếu quy củ. Xen kẽ với những dãy nhà cấp bốn thấp bé, là biệt thự nguy nga đến bất ngờ ngạo nghễ như một tay đàn anh đang khẳng định sức mạnh và đẳng cấp của mình. Một vài nhà tầng khang trang mới được xây dựng bên cạnh những bãi đất trống mà bò, dê đang ung dung gặm cỏ. Tấp nập nhất khu vực này vẫn là cái chợ, người bán hàng tràn từ trong những dãy ki ốt ra đậu kín mặt đường. Hàng hóa bày la liệt, chủ yếu vẫn là rau, thịt, tôm cá. Người bán ngồi xổm cân đo, đong đếm; người mua chễm chệ trên yên xe thò tay lấy mớ hàng rồi đi luôn cho khỏi mất thì giờ. Vậy mà ở nơi ngột ngạt ấy, có một tiệm hoa khá tao nhã. Nó khiêm tốn nằm ép giữa cửa hàng tạp hóa và tiệm vàng. Tôi chọn nơi đó để trú khi cơn mưa đang sầm sập lao đến. Mưa mà được ngắm hoa thì còn gì bằng! Tiệm hoa này vừa bán hoa thật lại vừa bán hoa giả do chính tay cô chủ làm. Ngắm những bông hoa thật, giả chen chúc nhau trên các kệ hàng, chả hiểu sao tôi lại nhớ một lần tới chùa nghe giảng kinh Phật. Đại khái có hai người trước món đồ, một người nói thật, một người nói giả. Vậy trong hai người đó, ai ngu ai trí? Thật có khi là thật giả còn giả đôi khi lại là giả thật. Cái thật, cái giả vẫn lẫn lộn ngoài đời đấy thôi, người đời mấy ai nhận ra. Thấy tôi cứ mân mê mấy bó hoa, lại nói vu vơ như thế, bà cụ bán hàng bật cười, mời tôi uống nước. Bà kể cho tôi nghe câu chuyện trên. Người già vốn hay tin vào những điều hoang đường, kì quái, nhưng câu chuyện của bà ngẫm nghĩ cũng hay hay. Tôi đành mạn phép bà, ghi chép lại. Ai không tin, hay cần tìm hiểu thêm, xin đến tiệm hoa số 37A1 ngách 48/9 phố Mới.

Nguồn VNQĐ