NGƯỜI THƯƠNG BINH VIẾT NGHÌN TRANG SÁCH

Kiều Bích Hậu

Không phải là nhà văn, thậm chí chưa bao giờ viết nhật ký, vậy động lực nào đã khiến người thương binh 4/4 Trần Ngọc Phú viết cả nghìn trang sách về chiến trường biên giới Tây Nam, xuất bản bộ sách đồ sộ gồm ba tập “Từ biên giới Tây Nam đến đất Chùa Tháp”?

Tác giả Trần Ngọc Phú trao tặng bộ sách cho nhà thơ Trần Đăng Khoa, cũng là một cựu binh chiến trường biên giới Tây Nam

Từ nỗi trăn trở về thiếu vắng thông tin cuộc chiến

Ba tập sách của bộ hồi ký “Từ biên giới Tây Nam đến đất Chùa Tháp” (tác giả Trần Ngọc Phú) từ khi được xuất bản năm 2016 tới nay liên tục được bạn đọc, nhất là các cựu chiến binh từng chiến đấu trong chiến trường biên giới Tây Nam tìm đọc, bình luận. Bộ sách không chỉ là tư liệu quý, chân thực về cuộc chiến tranh biên giới, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ nước ta, giúp đồng bào Campuchia thoát nạn diệt chủng Pôn Pốt Yêng Xa Ry, xây dựng lại đất nước bạn, mà còn điêu khắc sống động hình ảnh người chiến sĩ Việt Nam dưới ngòi bút tả thực đến trần trụi. Sức nặng của cuốn sách, khiến người đọc phải suy tư về cái giá của hòa bình, để trân trọng những hy sinh, những người lính trận còn sống đến thời nay, để chiêm nghiệm và rút ra bài học sống cho chính mình.

Qua chiến tranh, Trần Ngọc Phú sống một cuộc đời bình thường như bao người cựu binh khác. Chỉ có điều, sau những thăng trầm của đời sống trong hòa bình, ông không nguôi nhớ thương những đồng đội đã nằm xuống trên cả mảnh đất quê hương và đất nước bạn Campuchia. Những thương nhớ đó, khiến ông muốn đi tìm lại ký ức về chiến trường, đồng đội. Trong một lần lang thang trên mạng, ông tìm thấy trang Quân sử Việt Nam, trong đó có mục “Một thời máu và hoa” với nhiều thông tin về chiến trường xưa. Ông tìm đọc những bài viết về chiến trường biên giới Tây Nam, thì thấy thông tin còn nghèo nàn. Nếu có một số bài viết, thì hầu hết là nội dung về những giai đoạn sau của cuộc chiến. Ông hoàn toàn không thấy có thông tin gì về giai đoạn đầu tiên của chiến trường biên giới Tây Nam. Trần Ngọc Phú rất trăn trở về sự thiếu vắng thông tin này.

Bên cạnh đó, trong sách giáo khoa mà ông tìm hiểu thì cũng chỉ có thông tin ngắn gọn về ngày tháng xảy ra cuộc chiến, có nhắc đến sư đoàn bộ binh 341 anh hùng. Ông suy nghĩ, cả một cuộc chiến gian lao, đồng bào ta bị giết hại, chiến sĩ ta hy sinh tới cả vạn người, đi đến chiến thắng đầy ý nghĩa, không chỉ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, mà còn cứu nhân dân nước bạn thoát nạn diệt chủng, nhưng lại chưa được viết ra một cách đầy đủ chi tiết. Với trăn trở này, Trần Ngọc Phú kêu gọi những anh em đồng đội còn sống, có năng lực và trình độ cao, tham gia viết bổ sung tư liệu về cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam. Tuy nhiên, anh em đều bàn lùi, cho rằng dù họ biết rất rõ, còn nhớ đầy đủ cuộc chiến này, nhưng để viết ra thì đâu có đơn giản.

Đến khám phá miền ký ức giàu có bằng viết hồi ký online

Khi vận động anh em đồng đội viết lại ký ức về cuộc chiến mà không được, ông quyết tâm tự mình viết. Để không bị nản lòng về những cản trở và khó khăn ban đầu của một người viết không chuyên, Trần Ngọc Phú viết theo lối kể chuyện, trần thuật chính xác những gì đã xảy ra trong cuộc chiến mà ông tham gia từ đầu đến cuối. Thật may, ông được trời phú cho trí nhớ phi thường. Thời còn trong quân ngũ, làm việc quản lý quân số, ông từng thuộc lòng họ tên, quê quán của hơn 500 lính trong một tiểu đoàn. Vậy nên, dù chiến tranh qua đi đã nhiều năm, khi viết lại hồi ký của mình năm 2007, Trần Ngọc Phú vẫn có thể nhớ chính xác từng trận đánh, diễn ra ngày nào, sự kiện lớn nhỏ xảy ra vào giờ nào, thậm chí nhớ tên từng đồng đội, ai hy sinh, ở đâu, như thế nào, ai bị thương, ai được thăng cấp, ai chiến đấu anh dũng, hy sinh anh hùng, ai lui lại phía sau đào ngũ… Ông còn nhớ các địa danh mà mình và đồng đội chiến đấu bên đất bạn, nhớ tên cả phiên hiệu đơn vị quân thù,… Thật khó có thể tưởng tượng, ông có thể nhớ chi li từng mẩu nhỏ trong đời sống chiến đấu của lính, đến nỗi khi đọc sách, một số người đã cho rằng khi trong quân ngũ, ông phải là người chép sử của sư đoàn 341.

Tuy nhiên, trong suốt thời gian chiến đấu, người lính – người sĩ quan Trần Ngọc Phú không viết sử, thậm chí còn chẳng ghi một dòng nhật ký. Thời đó, qua cuộc chiến tranh với giặc Mỹ, lính trận bên ta có lời đồn rằng, những ai viết nhật ký chiến trường, sau đó đều hy sinh. Vậy nên các anh kiêng không ghi nhật ký. Thật may, nhờ trí nhớ phi thường, và nhờ nhiệt huyết, niềm trăn trở về đời lính trận chiến trường biên giới Tây Nam, mà tác giả Trần Ngọc Phú đã viết nên bộ sách quý giá “Từ biên giới Tây Nam đến đất Chùa Tháp”. Bộ sách, như một nghĩa vụ thiêng liêng của ông, đối với nhân dân, đồng đội, và lịch sử đất nước.

Bộ sách “Từ biên giới Tây Nam đến đất Chùa Tháp”

Khá ngạc nhiên trước những tư liệu ngồn ngộn về các trận đánh dữ dội giữa quân ta với lính Pôn Pốt, một kênh truyền hình đã đưa bộ sách lên mạng. Trước đó, họ cẩn thận kiểm chứng một số trường hợp sĩ quan, binh lính được nhắc đến trong bộ sách, tìm về quê Cẩm Long, Cẩm Thủy, Thanh Hóa của Phó Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 273, đại úy Quách Thanh Tiễn, rồi tiếp đó tìm về nhà ông Nguyễn Văn Thắng – người viết sử sư đoàn 341 ở thị trấn Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), đại tá Hồ Gia Hiền, xã Sơn Phúc, Hương Sơn (Hà Tĩnh),  đại tá Phạm Văn Nhuệ, và tới gặp các ông Hoàng Quốc Lập, Trần Trọng Bình, Vũ Đức Dĩnh, Nguyễn Văn Vượng… là những người có tên trong bộ sách và cùng tham chiến với tác giả. Qua đó, họ càng cảm phục trí nhớ siêu phàm của tác giả Trần Ngọc Phú.

“Tôi viết thẳng từng bài lên trang mạng Quân sự Việt Nam. Viết vào buổi tối, sáng sớm, vào bất cứ lúc nào có thể dành thời gian để viết sau khi giải quyết công việc kinh doanh khá bề bộn. Viết và đăng bài lên trang đó xong, thì tôi lại tải bài về máy tính, rồi in ra giấy, lưu lại. Ngay từ bài viết đầu tiên đăng lên mạng, đã được anh em đồng đội và bạn đọc khắp nơi đón nhận nồng nhiệt. Họ bình luận, hỏi han rất nhiều. Các bài sau đăng lên, càng nhiều người đọc hơn, họ bàn luận, tranh luận với nhau về từng chi tiết tôi viết ra. Họ hối thúc tôi viết tiếp. Như được truyền lửa từ bạn đọc, tôi cứ thế viết ra những gì trong ký ức của mình, tuần tự từ đầu cho tới cuối cuộc chiến. Và tôi đã cố gắng trả lời hầu hết những câu hỏi của họ. Tính ra, số nội dung trả lời tương đương với số lượng chữ tôi viết trong bộ sách. Tôi đã viết ròng rã 7 năm trời thì hoàn thành hồi ký. Sau đó, tôi đóng thành tập A4 và tặng tập sách cho những người quan tâm. Cho tới năm 2014, tôi gặp anh Nguyễn Quốc Trung, trước cũng là lính chiến đấu trong tiểu đoàn chúng tôi, anh là một nhà văn, nhà báo. Anh đọc ba tập sách của tôi, rất ngạc nhiên và hỏi tại sao tôi không xuất bản chính thức. Tôi chẳng biết làm thế nào để xuất bản, nên nhờ anh Trung giúp. Năm 2016, bộ ba tập sách được chính thức ra đời, đến với bạn đọc, có sức lan tỏa lớn, vượt quá tưởng tượng của tôi. Cuốn sách thực sự giúp mọi người hiểu rõ hơn về cuộc chiến. Nhiều cơ quan gọi điện về cho tôi để xin bộ sách làm tư liệu. Kênh truyền hình tư nhân Win Win Việt Nam xin phép đọc toàn bộ cuốn sách trên kênh của họ, đổi tên là “Hồi ức chiến trường K”…” – Tác giả Trần Ngọc Phú cho biết.

Và không chỉ có vậy, ảnh hưởng của bộ sách “Từ biên giới Tây Nam đến đất Chùa Tháp” vẫn tiếp tục lan rộng. Nhiều gia đình liệt sĩ đọc được bộ sách, đã tìm gặp tác giả bằng được để hỏi rõ hơn về sự cam go của chiến sự và tình hình chồng, con họ đã chiến đấu, hy sinh như thế nào. Thậm chí trường hợp chị Lý ở xã Liên Giang, Đông Hưng (Thái Bình) cũng qua cuốn sách, gặp gỡ tác giả, và nhờ có thêm thông tin xác thực về hy sinh của chồng chị, đã làm được chế độ vợ liệt sĩ… Nhiều bạn đọc mê cuốn sách, yêu quý tác giả, vẫn hàng ngày điện thoại thăm hỏi, gửi thư, tặng quà cho tác giả. Với người thương binh Trần Ngọc Phú, thì đó chính là những phần thưởng quý giá, là thành công đầy bất ngờ mà ông có được, từ dư âm của cuộc chiến, từ chiến thắng đặc biệt, khi ông đã sống đời binh nghiệp đầy máu lửa, đã vượt qua để trở về với đời sống thường ngày hôm nay, và viết lại trọn vẹn.