Tôi viết về ông không vì bất kỳ một lý do gì khác ngoài lòng kính trọng của một người học trò đối với một người Thầy, của một người có tuổi nghề còn non trẻ đối với một đồng nghiệp lão luyện, chín nghề nhưng luôn trẻ trung, tràn đầy nhựa sống và hết mình với sự nghiệp, luôn vì những người bạn xung quanh. Từ ngày được quen biết ông, tôi đã học hỏi được từ ông và vỡ ra nhiều điều. Sau một thời gian được cộng tác làm việc với ông, vô hình chung ông đã thổi và truyền vào tôi, làm nảy nở ở tôi tình yêu và niềm đam mê với nghề viết.


Tôi có duyên gặp nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Thiện từ năm 2006 khi được đăng bài viết nghiên cứu đầu tay trên Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam – Tạp chí mà ông làm Tổng Biên tập. Mặc dù bước vào nghề viết từ khi còn là sinh viên đại học, nhưng thời điểm gặp ông, tôi còn là thằng trẻ ranh “chưa sạch nước cản” (theo nhận xét của các bậc đàn anh), nhất là khi tôi vào làm nghề nghiên cứu với bấy nhiêu vốn kiến thức tích lũy được còn không ít thiếu hụt, các tiêu chí cần thiết về nghề viết. Nhiều lỗi học thuật “lổn nhổn”, dọc ngang trên bài viết, nhưng ông không bỏ qua, dù những chi tiết rất nhỏ mà ngược lại, luôn được ông cặm cụi chỉnh sửa, gọt rũa, biên tập các ý, trao đổi để thống nhất bổ sung hay lược bỏ, chỉnh sửa một số luận điểm trong bài viết để trở thành một bài báo nghiên cứu, dù còn sơ sài nhưng vẫn toát lên được hình hài của một công trình khoa học văn nghệ tương đối “chỉn chu”. Ngay từ thời gian đầu, nhà báo, nhà văn nói với tôi: Tôi biên tập bài của cậu thật vất vả. Và dặn tôi trong nghề viết có khi người ta suy nghĩ phóng túng, ý tưởng bay bổng nhưng phải luôn biết khuôn xếp nó lại trong một giới hạn của cái gọi là “văn học”, “văn nghệ”, “khoa học”, vì thế cần nghiêm khắc với mình, với từng ý tưởng và từng con chữ mình viết.

Đúng vậy, người làm nghề viết, tôi hiểu những điều ông nói và những gì ông đã và đang làm hiện nay – giữa cái thời phát ngôn xô bồ, xuất bản phẩm hay dở lẫn lộn như thế này, không phải ai vào nghề viết cũng dễ dàng làm được. Nhìn vào khối lượng công trình với gần chục cuốn in riêng, hàng chục cuốn sách chuyên khảo và công trình ông đứng chủ biên về mấy vấn đề lý luận và phê bình văn học Việt Nam hiện đại, chưa kể tới trăm bài viết khác- đã phần nào thấy được sức viết và sự sung mãn của một người gần nửa thế kỷ cống hiến cho nghề.

Không bao giờ quên được ngày tôi đến tòa soạn lấy báo biếu và tiền nhuận bút cho bài báo đăng lần đầu tại Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, ông nói rành rẽ về những lỗi mà tôi gặp phải, chỉ cho tôi những cái mà theo ông tối thiểu cần phải chấn chỉnh ngay khi mới bước vào nghề. Tôi cầm bài viết được in của mình đọc, ngắm nghía, suy ngẫm, rồi tự nói với mình rằng nếu không phải là người yêu nghề và nghiêm túc, khắt khe với mình, với nghề thì có lẽ ông đã không kỳ khu biên tập bài viết còn non nớt như của tôi ngày ấy.

Thời gian cứ trôi đi, hết bài này đến bài khác, ông như một người thầy dạy dỗ, uốn nắn tôi; những bài viết được ông sửa chữa, biên tập luôn là những động lực thôi thúc cho tôi, chắp cánh cho tôi cố gắng theo đuổi cái nghề đầy thi vị nhưng cũng không ít chông gai, thử thách này. Ông luôn nhắc nhở tôi rằng còn trẻ thì phải khiêm tốn, kiên trì học học để tiến bộ; tuổi trẻ làm được nhiều việc lắm! Và cũng chính từ những “cái thủa ban đầu ấy”, tôi học được cách làm việc, tích lũy kiến thức, đặc biệt là trực tiếp học được từ ông cách thao tác tư duy và tính cẩn trọng của người cầm bút và nghiên cứu khoa học văn học.

Không chỉ riêng tôi được ông ưu ái chỉ bảo đến nơi, đến chốn, mà còn nhiều cộng tác viên khác nữa. Ông bảo với tôi, đối với nhiều người không theo học nghề viết chuyên nghiệp, nhất là nhiều hội viên ở các Hội văn học nghệ thuật địa phương thì việc viết một câu chỉn chu, có chất văn đã khó chứ nói gì đến trình bày ý tưởng thành cả một bài viết dài. Nhưng đọc những bài và vấn đề họ viết, ông hiểu đó phải là những điều trăn trở, những suy tư, thậm chí cả những kinh nghiệm trong nghề của họ muốn giãi bày và khi họ đã viết ra được chứng tỏ họ phải tâm huyết và cố gắng lắm. Vì thế, nhiều bài ở vào trường hợp như vậy, nếu thấy có thể biên tập và đủ tiêu chuẩn thì cố gắng sửa chữa giúp họ. Việc này với ông không chỉ là vấn đề tình cảm mà còn là cách tạo niềm yêu thích nghề viết cho họ. Đúng như vậy, trước đây, do chủ quan mà có nhiều từ, câu đoạn của tôi vẫn còn lộn xộn, đến khi bài viết của tôi được Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam in ra, cầm trên tay đọc tôi mới thấy vỡ lẽ ra nhiều điều và thầm cảm ơn ông đã dành nhiều tâm huyết cho bài viết của tôi. Tôi trộm nghĩ, những người mới vào nghề, thậm chí cả những người không thường xuyên viết, mỗi lần nhận được cuốn Tạp chí văn nghệ có bài viết của mình trên tay có lẽ họ phải vui mừng lắm. Cũng giống như tôi, đó là những động lực khuyến khích lớn cho những quyết tâm dồn sức để những bài viết sau đó hay hơn, độc đáo hơn.

Với cương vị là Tổng biên tập, nhà báo- nhà văn, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thiện luôn dành nhiều thời gian của công việc văn chương cho công việc làm báo văn nghệ. Từ việc trực tiếp biên tập từng bài cho tới việc xem xét, chỉnh sửa từng chi tiết của những tin, bài, cho đến giai đoạn lên maket, sửa bông, ông đều dành hết tâm huyết và kiểm tra một cách chuẩn xác, cho đến lần cuối cùng trước khi tạp chí đưa đi nhà in. Đã có lần tôi hỏi ông sao không chọn ai đó cẩn trọng để giao việc này, ông bảo đã cho họ thử việc rồi, nhưng ông vẫn không yên tâm bởi vì chính họ cũng không thực hiện tỉ mỉ, chu đáo hết được. Hơn nữa đây còn là vấn đề của trải nghiệm và thâm niên trong nghề nghiệp nữa. Vì vậy, hằng tháng, mỗi số, ông đều phải tỉ mỉ làm cái việc chăm chút cho từng mẩu tin, bài viết. Đó là một việc làm đáng nể trọng của người làm công tác biên tập báo chí văn nghệ, nhất là trong tình hình báo chí thiếu tính chuyên nghiệp hiện nay. Ở đây không phải là sự ôm đồm, càng không phải là công việc “bếp núc” không thôi. Đối với ông, đó không chỉ là nguyên tắc của của người làm biên tập mà còn là đạo đức nghề nghiệm, là trách nhiệm đối với bản thân mình và với cả đồng nghiệp và độc giả; sự cẩu thả đôi khi vô hình trung là một sự tắc trách hay “tự tát vào mặt mình!”- nhà báo, nhà văn tâm sự.

Trong thời gian làm nghiên cứu sinh, đôi khi tôi cũng để ý và so sánh hình thức trình bày của một số tạp chí. Nhưng, đối với Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam thì đương nhiên không cần phải xét nét. Nguyễn Ngọc Thiện nói ông học được thêm nghề báo trong thời gian được đào tạo Tiến sĩ văn chương tại Cộng hòa Dân chủ Đức. Đồng thời cũng do ông rút được kinh nghiệm làm báo văn nghệ sau lần chủ trì công trình sưu tầm, nghiên cứu cấp Bộ do Viện Văn học giao là “Khảo sát và đánh giá tạp chí Tao Đàn do Lan Khai làm chủ bút, xuất bản ở Hà Nội hồi 1939” (sau này công trình này được nhà xuất bản in thành sách năm 1997).

Quả thật, so với nhiều Tạp chí mà tôi được đọc, thì Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam là một trong số ít tạp chí văn nghệ đứng ở vị trí hàng đầu, có cách trình bày mang tính chuyên nghiệp, vừa giản dị, nhưng cũng sang trọng.

Có lẽ sẽ không ít cộng tác viên, nhà báo và hội viên các hội văn học nghệ thuật có cùng suy nghĩ như tôi khi có dịp được cộng tác và làm việc với ông. Có lẽ, các bạn trẻ và những người mới cầm bút cũng sẽ giống như tôi ngày ấy, sẽ cảm thấy hạnh phúc biết bao khi sau đó đọc bài viết của mình được in. Chắc chắn họ sẽ yêu thích nghề viết hơn và cũng học được nhiều điều hơn từ ông- một nhà báo, nhà văn chuyên nghiệp đàn anh có tinh thần và thái độ làm việc luôn nghiêm cẩn mà hào hứng tận tình, tận lực với cả nghề báo và nghiệp văn.

Hà Nội, tháng 6/2012

Nguyễn Đình Lâm

Nguồn: Vanhocquenha.vn