Ông là nhà thơ đàn anh, người đồng hương xứ Thanh của tôi, nơi nổi tiếng “địa linh, nhân kiệt”. Ông cũng thuộc lọai “nhân kiệt”, không chỉ là “hào kiệt” mà còn là “cùng kiệt”, một thường dân kiệt quệ theo nghĩa đen.

Hồi còn ở quê, Đò Lèn, huyện Hà Trung, giáp với huyện Nga Sơn quê ông, tôi chỉ biết ông qua lời đồn và giai thọai. Cha tôi từng đẩy xe thồ suốt những năm 60 thế kỉ trước, từng quen biết với ông Tú Loan, tức nhà thơ Hữu Loan một thời. Có lần cha tôi hỏi, mày đi học có biết thơ của ông xe thồ này không? Tôi nói không, (nhà trường hồi đó không dạy thơ Hữu Loan). Cha tôi nói ông Tú Loan hay chữ lắm, đỗ tú tài Tây, làm quan cách mạng thời khởi nghĩa bốn lăm, thời kháng chiến chống Pháp, làm thơ nổi tiếng, nhưng rồi chỉ vì cái tính ngang tàng, ngang bướng mà bỏ về làm dân đen, cũng bị bắt chẹt, bị nghèo đói xơ xác, đi thồ đá, thồ dưa, thồ chiếu, đủ thứ…Cha tôi cũng là dân nhà giàu phá sản sau thời kì “cải tạo kinh tế” nên rất thông cảm với ông Tú Loan và tỏ vẻ kính nể ông xe thồ này lắm…Cho đến đầu thập niên 70, sau mấy năm làm lính, khi theo học khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi mới được đọc thơ Hữu Loan. Rồi gần hai mươi năm sau tôi  mới được gặp ông…

Thành phố Hồ Chí Minh, một ngày thu năm 1988. Tôi đang điều hành cuộc họp cơ quan thường trú của báo Văn Nghệ, tại trụ sở 43 Đồng Khởi, chợt có người đến tìm gặp, xưng là nhà thơ Hữu Loan, từ quê vào. Lật đật chạy xuống phòng khách, tôi thấy một ông già hom hem, râu tóc lam nham, áo quần xốc xếch, hao hao giống đười ươi thi sĩ Bùi Giáng, ngồi co một cẳng lên ghế. Cái cách đó, đích thị Hữu Loan rồi, theo hình dung của tôi. Tôi ôm chầm lấy ông như người quen thân lâu ngày chưa gặp. Ông nói tuy chưa gặp tôi nhưng có đọc thơ tôi và rất vui mừng vì xứ Thanh bây giờ có “đứa” làm thơ được như vậy. Ông có thằng con đang làm thợ ở Đồng Nai, vào thăm con, rồi đạp xe đi lang thang thăm những ai mà ông muốn gặp… Tôi xin ông ngồi uống trà, chờ cho tôi kết thúc cuộc họp trong chốc lát nữa. Chừng mười lăm phút sau, tôi trở lại phòng khách cơ quan, thấy lão thi sĩ đang nằm thẳng cẳng trên ghế xalông, đầu gối lên cái cặp giả da to đùng, ngáy ngon lành. Chiếc xe đạp lấm láp của ông dựng giữa phòng khách và cạnh đó có đôi dép nhựa sứt quai.

Tôi gọi cho mấy người bạn văn nghệ, những người sùng bái thơ Hữu Loan. Chúng tôi quyết định đãi ông một bữa trưa sao cho ông thích thú. Hồi đó, ở công trường Mê Linh, trước tượng đức Thánh Trần, có một nhà hàng đặc sản, chuyên các món rùa và rắn. Hỏi, ông có sợ món rắn hổ mang bành không, rắn độc đấy. Ông nói rắn đâu có độc bằng người, người độc “tau” chả sợ, sợ chi rắn độc. Thế là, nhà hàng cho biểu diễn màn múa vờn rắn độc, một con rắn hổ cỡ hai kí, ngóc cổ, bành mang, phun khe khè… Sau đó, rượu huyết rắn, mật rắn, quả tim rắn đập thoi thóp trong cái li nhỏ dành cho ông nuốt sống, và các món khác mà ông gọi chung là một bữa tiệc “hùng vĩ”. Tiếp đến tiệc trà. Chúng tôi ngẩn ngơ nghe ông đọc thơ vanh vách, giọng sang sảng. Một bữa tiệc thơ “dữ dội”, những Đèo cả, Màu tím hoa sim, Hoa lúa, Những làng đi qua … Bài Vè Thanh Hóa “Khu bốn đẩy ra/ khu ba đẩy vào/ muốn chạy sang Lào/ thì Lào không nhận…” là do ông truyền cho tôi bữa đó. Rồi Hữu Loan kể vắn tắt về những năm tháng ông sống, cả trong kháng chiến, sau hòa bình, và nhất là thời gian cực kì gian nan, lận đận ở chính quê nhà, sau khi ông bỏ Hà Nội về làng. Một cuộc đời thật ngang tàng, ngang trái mà cũng thật hiên ngang. Một cuộc đời tất tả, bận rộn. Chúng tôi hỏi, ông bận việc gì nhất? Ông thản nhiên: “Bận việc làm người”…

Sau này, tôi đã mấy lần thăm ông tại quê, chuyện đời, chuyện thơ dài dài lắm, nhưng lần gặp đầu tiên năm 1988 ấy để lại trong tôi ấn tượng mạnh nhất. Cũng sau lần gặp đó, tôi có làm bài thơ bốn câu tặng ông mà đến nay mới có dịp chép lại:

THƠ TẶNG CỤ TÚ LOAN

Ngang tàng…ngang trái…nghênh ngang

Hồn sim tím một chiều hoang bên đời

Người thơ bận việc làm người

Một mai thánh hóa lên trời làm sao

Tp. HCM, 19.3.2010

Nguyễn Duy

Exit mobile version