Ông Nguyễn Đình Quang vẫn miệt mài làm tranh tre hun khói.

Tranh tre hun khói là một dòng tranh độc nhất vô nhị chỉ có ở thôn Xuân Lai, xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Sau một thương vụ bán “tranh xông hơi” cho người Nga, dòng tranh này phát triển đến đỉnh điểm, tuy nhiên từ đó lại đi vào thoái trào.

Hiện cả làng Xuân Lai chỉ còn sót lại duy nhất một người làm nghề này – đó là gia đình ông Nguyễn Đình Quang.

Kỳ công như làm tranh hun khói

Tôi tìm đến làng Xuân Lai trong một buổi chiều gió lạnh đầu mùa. Trong khung cảnh ấy, tôi có dịp ngồi trò truyện với “họa sĩ tranh tre” Nguyễn Đình Quang. Làng Xuân Lai vốn là một làng nghề có tiếng về làm mây tre đan. Tuy nhiên, trước đây, người dân chủ yếu sản xuất các loại dụng cụ đơn thuần như thang, sào, bàn, ghế… Sản phẩm làm ra kỳ công nhưng bán chẳng đáng là bao.

Trong lúc khó khăn ấy, có 3 người thợ trong làng là ông Nguyễn Đình Quang, Nguyễn Văn Kỷ và Lê Văn Điệp đã thử nghiệm in hoa văn lên một số sản phẩm, ban đầu là dát giường để thu hút người mua. Cách làm này của 3 ông đã gây được thiện cảm và chiếm lĩnh thị trường. Sản phẩm dát giường cạo hoa văn làm ra đến đâu bán hết đến đó. Thấy việc làm có hiệu quả, những người thợ này đã nhân rộng mô hình cạo hoa văn lên nhiều sản phẩm khác như bàn, ghế, khay…, rồi họ bắt đầu sản xuất tranh tre.

Những sản phẩm tranh tre độc đáo ra đời từ đó. Ông Quang chia sẻ, để làm ra được một bức tranh tre, người thợ phải mất gần một năm ròng. Ban đầu là khâu lựa chọn tre, họ phải chọn lựa kỹ lưỡng từng cây tre sao cho chất lượng tốt nhất rồi tiến hành cắt khúc và ngâm. Mùa hè phải ngâm tre trong vòng 4 tháng, mùa đông phải ngâm 6 tháng. Khi tre đã “chín”, người dân mới vớt tre lên cạo thật sạch và phơi khô. Sau khi những thân tre đã mềm mại, dẻo dai, họ mới tiến hành cho vào hun khói. Đây là một trong những bí quyết của thợ làm tre Xuân Lai. Người thợ cho tre vào lò nhưng chỉ lấy khói bếp hong tre mà không được làm cháy cây tre – điều này đòi hỏi người thợ phải có tay nghề rất cao.

Ông Quang tiết lộ, để có những cây tre hong khói, họ phải dùng nguyên liệu đốt là rơm rạ, hoặc lá tre, bít lò hun thật kín với lửa vừa phải để làm sao đủ nhiệt hun mà không làm tre cháy. Quá trình này thường diễn ra từ 3 – 5 ngày và phải được trông chừng cẩn thận, bởi chỉ cần sơ ý để lửa to hoặc lò không kín là cháy cả mẻ tre. Sau đó, người thợ dùng lá chuối đánh tre thật bóng.

Khi đã có những cây tre hun khói vừa ý, người thợ làm tranh mới tiến hành chẻ tre đan thành những phên tranh. Sau đó, họ sẽ vẽ hoặc in những họa tiết của tranh lên những phên tranh này – công đoạn này đòi hỏi người thợ phải khéo tay như họa sĩ. Sau khi bức tranh được định hình, người làm tranh mới trao lại cho thợ phụ để cạo theo đường nét được vạch sẵn.Những bức tranh tre ra đời kỳ công là thế nên dù chỉ có hai mầu đơn giản mà vẫn toát lên thần thái, sự tinh tế và tỉ mỉ.

Mẫu “tranh xông hơi” từng gây sốt ở làng Xuân Lai.

Bước ngoặt trong thương vụ “tranh xông hơi”

Sau khi ra đời một thời gian, dòng tranh này “rộ” lên khắp nơi, từ trong Nam tới ngoài Bắc, thậm chí “vượt biên”, nhiều du khách tìm đến tận nơi để tham quan và mua tranh. Ông Quang bảo, có những buổi gian hàng nhà ông chật cứng cả lối đi. Thế rồi, cách đây 5 năm, cả làng Xuân Lai nhận được một đơn đặt hàng lớn khiến dòng tranh này phát triển đến đỉnh điểm, nhưng cũng từ đây tranh tre Xuân Lai đi vào thoái trào.

Ông Quang cho biết, vào năm 2010, gia đình ông bất ngờ gặp một vị khách người Nga đến đặt hàng với một loại tranh nghe rất lạ tai là dòng “tranh xông hơi”. Họ đưa cho ông những mẫu vẽ bằng tay với những nét vẽ rất ngộ nghĩnh thậm chí là trào phúng về hình ảnh những người đang tắm xông hơi rồi yêu cầu ông thể hiện trên những phên tre. Ban đầu, họ chỉ đặt vài trăm bức nhưng sau đó họ đặt những lô hàng lớn lên tới hàng nghìn bức.

Sau khi nhận được đơn hàng lớn này, do gia đình không làm hết, ông Quang đã nhượng lại cho các hộ khác cùng làm và thế là cả làng cùng “đổ xô” vào sản xuất tranh tre. Vụ kinh doanh này đến bất ngờ khiến họ không chuẩn bị kịp tâm lý. Khi bắt tay vào sản xuất số lượng lớn, nhiều gia đình có tâm lý “ăn xổi” đã sản xuất ăn bớt công đoạn, làm ẩu khiến những bức tranh tre ra đời kém chất lượng. Chính điều này là nguyên nhân tiềm ẩn làm lụi tàn một trào lưu chơi tranh tre.

Sau vài đơn đặt hàng, khách hàng nhận phải những bức tranh kém chất lượng từ đó mất niềm tin, tranh tre Xuân Lai từ đó thưa dần khách. Mất thị trường, những người thợ làm tranh cũng trở nên chán nản và dẫn tới bỏ nghề gần hết.

Trước thực trạng đó, ông Nguyễn Đình Quang đã ý thức được trách nhiệm của mình là cần phải giữ lại dòng tranh này. Ông Quang tâm sự, bản thân ông nhiều khi cũng chán nản vì tranh sản xuất ra không còn người mua, bị xếp vào kho rất nhiều. Nhưng vì trách nhiệm với làng nghề, với đời sau, ông vẫn cố sống lay lắt để bám trụ giữ nghề cho mai sau.

Hiện nay, xưởng tranh của ông thường xuyên có khoảng 6 thợ cạo tranh, đa phần là các bạn trẻ. Ông vừa thuê họ vừa truyền nghề cho họ. Ông chia sẻ, nhiều khi ông còn phải bù lỗ để trả lương cho những thợ cạo này. Mặc dù gia đình cũng không giàu có, dư giả gì nhưng ông hy vọng việc làm của mình phần nào góp phần bảo tồn được một nghề quý cho mai sau.

Theo Lao động online

Exit mobile version