Chuyên mục TRUYỆN HAY tuần này, Cầm Kỳ Official xin giới thiệu truyện ngắn:

Người sót lại sau cuộc chiến của nhà văn Trần Huy Quang

Nhà văn Trần Huy Quang

sinh ngày 9.1.1943.

Quê gốc: xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh  Lưu, tỉnh Nghệ An.

Hội viên Hội nhà văn Việt Nam (1988).

Ông tốt nghiệp khoa Lịch sử Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, ra nhập quân đội trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từng là bộ đội pháo binh, phụ trách Thanh niên xung phong, dạy văn hoá trong quân đội.

Sau khi giải ngũ, ông từng là phóng viên báo Độc lập nhiều năm, và sau này làm biên tập viên tuần báo Văn nghệ cho đến khi nghỉ hưu.

Tác phẩm:

Trần Huy Quang bắt đầu văn nghiệp từ lúc còn là một anh binh nhì. Truyện ngắn  đầu tay của ông: Anh: Họ được in trên tạp chí Văn nghệ quân đội (1968).

Có lẽ cái duyên văn của Trần Huy Quang gắn bó chặt chẽ và lâu dài với người lính, chiến tranh là từ tác phẩm trình làng này.

Tác phẩm đã xuất bản:

Các tập truyện ngắn: Trắc trở đã qua (truyện ngắn – 1984), Người làm chứng (truyện và ký – 1988)

Các tập tiểu thuyết: Ngày mới (1985), Ngọn khói (1985), Nước mắt đỏ (1988), Mối tình hoang dã (1990), Chị dâu (1994). Khúc hoàn lương (1995)

Và: Trần Huy Quang phóng sự (1995)…

Giải thưởng:

Giải Nhì cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ quân đội (1980) với truyện Khe Cỏ; Giải Nhất cuộc thi bút ký do tuần báo Văn nghệ và Đài tiếng nói Việt Nam tổ chức (1986) với bài ký Câu chuyện về ông vua lốp; Giải thưởng báo chí Hội nhà báo Việt Nam (1987) với bài ký Lời khai của một bị can.

Theo trang vanvn.net nhận định, Trần Huy Quang là nhà văn có tinh thần nhập cuộc, dũng cảm xông thẳng vào đời sống để phát hiện vấn đề. Một thời những phóng sự của ông như Câu chuyện về ông vua lốpLời khai của một bị can đã làm văn đàn trở nên sôi động.

Trần Huy Quang là nhà văn bến duyên với tiểu thuyết, có hai trên sáu tiểu thuyết của ông được bạn đọc và giới phê bình đón chào nồng nhiệt, đó là: Nước mắt đỏ (1988) và Mối tình hoang dã (1990). Trong các tác phẩm này, nhà văn khai thác sâu bí kịch của con người trong và sau chiến tranh. Tiểu thuyết chiến tranh của Trần Huy Quang ít tiếng súng, khói lửa, công sự và những trận công đồn. Ông nghiêng về mô tả dấu vết của chiến tranh trong đời sống tâm hồn con người. Ông tỏ rõ sự bình tĩnh khi nói về bi kịch, về nỗi đau, về thân phận con người.

Đọc tác phẩm của Trần Huy Quang, chúng ta thấy tin yêu con người hơn.

Thưa quý vị, do bệnh trọng nhà văn Trần Huy Quang đã tạ thế vào ngày 15-12-2022 tại BV Hữu nghị Việt Xô, hưởng thọ 80 tuổi.

Mời quý vị nghe truyện ngắn Người sót lại sau cuộc chiến củanhà văn Trần Huy Quang, do nhà văn Võ Thị Xuân Hà thể hiện. Là nén tâm nhang kính hương hồn nhà văn phiêu diêu miền cực lạc.

Người sót lại sau cuộc chiến – Truyện ngắn Trần Huy Quang

Bác tôi sống bí ẩn trong cánh rừng thộp sát bờ biển. Rừng thộp có chiều rộng gần cây số, còn dài thì rất dài. Nói dài là vì, tôi chưa đi đến tận đầu và tận cuối, chưa biết chỗ thủy và chỗ chung của dải rừng bao la ấy, chỉ biết nó kéo dài theo bờ biển, chạy mãi. Tôi đã đi xuyên rừng chẳng khác gì một người khảo sát đất và hết gần tiếng đồng hồ luồn rừng, lội trong biển cát thì trước mặt tôi đã là biển, đã là tiếng sóng “ào ào… oạp” triền miên mà rất rõ ràng từng âm thanh. Mỗi khi con sóng đổ vào bờ cát thì âm “ào ào… oạp” lại bị bờ cát đẩy bật trở lại cho biển, biển dù có gắng sức đến đâu cũng không thể làm cách nào để hòa hợp ba tạp thanh “ào ào… oạp” với bờ cát được. Còn với tôi, dù trước mặt là biển, là sự vô hạn của trời và nước, với một thứ ánh sáng rất dễ làm cho người ta choáng ngợp đi nữa, tôi cũng không thể ngạc nhiên bằng khi xuất hiện trước mặt tôi một tòa pháo đài bằng đá, xây thô mộc, gồ ghề và xám lạnh, dây leo và rêu mốc mọc tua tủa, đứng ngạo nghễ sát bìa rừng và chỉ cách bờ nước độ trăm mét. Một công trình của thiên nhiên hay của con người?

Sự hoang dã toát lên từ màu đá xám do nắng mưa làm cho phong hóa, dù cây dại mọc từng bụi chơ vơ trên tầng thượng của pháo đài nhưng vẫn không làm giảm sự rùng rợn và uy nghiêm của nó, thiên nhiên vẫn đầy vẻ huyền bí và uy lực. Tôi rùng mình và đứng chết lặng. Không biết dải rừng xanh có phải của bây giờ không, hay trong một chuyện ma quái nào đó… Quê tôi là cái nơi đã cho ra đời bao nhiêu chuyện huyền bí khiếp đảm về các loài ma cá, ma chim, ma lợn và các thần trùng, quỷ đói rất nhiều ở gò hoang. Ngày nay các bà còn thường kể chuyện ma đánh nhau. Đó là trận huyết chiến giữa giặc Triều và người Hóp, giặc Hóp thất bại bị bao vây và bị giết gần hết, còn rất ít những người Hóp cuối cùng thoát khỏi vòng vây, rút vào hang Trống, từ bấy cho đến nay chưa có ai đi ra. Không biết họ sống hay chết, nhưng đến bây giờ, mỗi khi chiều xuống người ta vẫn còn nghe tiếng trống trận giục giã từ trong hang Trống vẳng ra. Hang Trống là hang bên trái đền Ói. Bên phải đền còn một cái hang nữa gọi là hang Kèn, nghe nói cả hai đều xuyên sâu trong lòng núi.

Nhà văn Trần Huy Quang

Không hiểu sao tôi vẫn cứ tin đám quân anh hùng ấy dù có thất bại vẫn còn sống trong hang Trống và có thể họ đã giúp cho bác tôi xây dựng lên một công trình kì quái đang sừng sững trước mặt tôi.

Nói là pháo đài thì chưa hẳn đúng như vậy, vì ở đây không hề có một lỗ châu mai nào để chống trả sự tấn công hoặc những hoạt động phá hoại do con người và thú dữ gây ra, không có chiến hào, cũng không có thành lũy bao quanh, nhưng lại hoàn toàn đứng ở hai phía khác: xây bằng đá, hình lục lăng, các mặt đều có cửa (cửa ra vào hoặc cửa sổ), tường dày đúng nửa mét tây và chiều cao của pháo đài đến bốn mét. Đây là chỗ con người cố thủ để chống trả sự hoành hành của gió, cát để giữ lấy rừng mà tồn tại, dân làng bảo vậy.

Gặp tòa pháo đài kỳ lạ đó, tôi đã thấy ngạc nhiên, thế nhưng khi đối diện với bác tôi, tôi không còn ngạc nhiên nữa mà là gần như hốt hoảng, kinh sợ. Nếu như không được chị họ tôi căn dặn kỹ càng, mô tả theo lối nhân chủng học rất chi tiết như ngành cổ nhân loại học, về vẻ mặt, khổ người, chỉ số mũi, màu tóc lẫn với tính cách của bác tôi thì có lẽ tôi đã lạnh xương sống mà bỏ chạy. Tôi đứng trước tấm cửa nặng nề của pháo đài, chần chừ một lúc toan cất tiếng lên gọi thì bầy chim trên mái ngói vụt bay toán loạn, tôi ngẩng lên nhìn theo chợt nhận ra một cái đinh ba to lớn treo lặng lẽ trên đỉnh đầu, cái đinh ba ấy dính vào mái pháo đài bởi một cánh tay rắn chắc, nó có thể rời khỏi bàn tay cầm nó mà lao xuống đầu tôi. Tôi thấy đã rơi vào tình thế như cá trên thớt thì nên nói ngay tên họ, quan hệ và nhiệm vụ của tôi, tôi bèn hét to lên với cánh tay ấy như thế. Cánh tay ấy hiểu, và đã rụt vào, kéo theo cả chiếc đinh ba man rợ kia. Phải đến mười phút sau, từ trong vùng sáng lờ mờ đằng sau khung cửa, một bóng người xù xì hiện ra. Bóng người rõ dần khi người đó đứng ra ngoài bậc cửa của tòa pháo đài. Bác tôi đây chăng? Một ông già hết sức lạ lùng, khác xa người bố mà chị tôi mô tả, càng khác xa ông già mà tôi hình dung suốt cả dọc đường.

Thoạt đầu, trong lúc vừa tò mò vừa sợ sệt, tôi thấy ông như một pho tượng bằng đá với những đường nét gồ ghề, phóng túng mà lại có tính bi tráng. Chân tay của ông to lớn, gân guốc nhưng rất vụng về. Khổ người của ông cũng rất đặc biệt, giống như người dân đánh cá, vai vuông, ngực nở, hai cánh tay khuỳnh khuỳnh. Ồng có tầm vóc cao lớn, phi thường nhưng vẫn là dáng vẻ của một người khó nhọc. Khi ông đến gần tôi, tôi mới có dịp quan sát kĩ khuôn mặt ông. Mọi đường nét trên mặt ông cũng thô, khuôn mặt dài, to to, mũi cao nhưng rộng, miệng rộng. Đặc biệt đôi mắt như một sự tương phản lại tất cả, con mắt nhanh nhẹn và tinh anh đến lạ lùng, con mắt không biết đến tuổi tác, trông rất dữ nhưng cũng dễ tin.

Tôi phải nói ngay đển những người hay hoài nghi khỏi dự đoán nhọc công rằng, bác tôi đã sống ở đây trên nửa thế kỷ bởi một lý do có tính nghĩa hiệp chứ không phải vì một lý do nào khác. Thế là, bác tôi đã sống ở đây bình thường như tất cả mọi người dân khác trong cái nhà xây dựng như một pháo đài.

Tôi từ bé sống ở làng nhưng đây là lần đầu tiên được hạnh ngộ bác và bác tôi cũng lần đầu tiên nhận mặt thằng cháu. Bác tôi nói rằng do tôi ăn mặc không giống người làng và sự xuất hiện của tôi vào cái lúc mà người làng thông hiểu phong tục sẽ biết tránh, làm cho bác tôi hiểu lầm tôi là người đi săn bắt các đàn chim tự nhiên. Mà bác tôi thì sống không thể thiếu chúng. Có lẽ bác tôi và những con chim trời ấy có một mối quan hệ bí ẩn gì đó, tôi không biết. Hoặc không lẽ bác tôi sợ sự cô đơn? Mãi đến hôm sau, nhân có dăm ông ngư dân chờ con nước ngủ lại – chờ khuya khi có gió tây căng buồm ra biển – bác tôi mới nói là, cả năm có ba trăm sáu mươi nhăm ngày thì ba trăm ngày diễn ra cảnh tương tự thế này, tức là dân đánh cá có khi còn ở lại hàng tuần lễ hoặc hàng tháng, chỉ trừ mùa đông người ta ít xuống biển, còn thì nhà không mấy khi vắng khách.

Vậy bác tôi tìm thấy cái gì, trông đợi hay ràng buộc cái gì, ở cái âm chích chích của bầy chim luôn luôn tuôn xuống kia?

Bác tôi trở thành con người hấp dẫn, ngoài sự quái dị, làm cho tôi không thể rời ông và cũng không thể không theo dõi xem ông là người gì. Hôm sau tôi phải dậy rất sớm, tuy đêm qua tôi thức rất khuya một mình để xem trăng mọc trên biển, trong lúc bác tôi và những người đánh cá biển đã ngủ ngon lành từ chập tối trên những tấm ván hẹp, những mảng thuyền vỡ bạc phếch, lỗ chỗ những vết đinh đặt ngay trên cát bên trong hoặc bên ngoài cái cửa hẹp trông ra biển của tòa pháo đài. Đáng lý với phòng ngủ đầy gió và tiếng sóng đó, tôi có thể ngủ một giấc thật say cho đến sáng bạch, khi những chiếc thuyền đánh cá của dân đã ra khơi hết, trên bờ cát sẽ hoang vắng, chỉ còn lại những vết trượt của con thuyền được đẩy xuống nước và những dấu chân to lún sâu xuống lòng cát lẫn vào những con sò trắng như ngọc, lóng lánh những tia sáng tím nằm thành những đường cong mà nước thủy triều mới dạt vào đêm qua. Cho đến lúc ấy tôi sẽ lao xuống màu nước xanh biếc mà vùng vẫy một mình. Nhưng tôi đã gặp một giấc mơ đầy tiếng chim làm tôi sợ hãi vã mồ hôi.

Những người đứng quanh tôi có chung một dáng dấp hết sức kỳ lạ, ăn mặc cũng rất khác thường, tuy tôi cố gắng để nhìn rõ mặt họ nhưng không tài nào nhận ra được. Mãi một lúc sau, rất lâu, khi gió thổi hơi dịu đi một chút, tôi mới nhận ra loáng thoáng những người đứng đó là những cậu con trai, những tráng đinh rất hào hoa. Tất cả hầu như không dịch chuyển chỗ đứng, tay đưa ngang ra, hơi chếch lên một tý, trong bộ quần áo đồng phục thẳng tuột như được hồ cứng một cách đỏm dáng. Chỉ có cái đầu hơi lắc lư vì hình như họ đang hát, nhất là khi một luồng gió thổi tạt vào thì mới thể nghe rõ lời ca bi tráng, với một âm vực rất trầm nghe cứ như tiếng sóng hoặc tiếng sấm:

Ngọn lửa tràn qua mặt tôi

Thanh gươm đã cháy

Lời ca đã cháy

Ai là người sẽ chết sau cùng…

Những chàng trai đã hóa thành những cái cây. Còn những cô gái đâu? Kia rồi! Họ từ hai cánh kéo lại. Một từ hang Trống đi ra, lượn những đường rất mềm mại về phía tôi. Còn một cánh nữa, từ núi Rùa rẽ trên mặt nước đi vào. Núi Rùa giống như tượng không đầu. Người ta nói, khi thoát khỏi vòng vây, ông Tướng còn lại rất ít quân, cho quân trở về nhà làm ăn, còn mình ông lội ra giữa biển. Giặc Triều lại đuổi theo, cách trên mười dặm mà bụi bốc cao bằng ngọn tre. Ông Tướng quay lại, vũ khí không còn, hai tay ông giơ lên, giật cái đầu mình ra khỏi cổ, ném vào đám giặc. Đầu ông nay là núi Đầu, thanh gươm của ông trôi xuống phía dưới là núi Gươm… Những cô gái dưới hình thù loài cá, hai tay ngắn ngủn chỉ bằng hai cái vây, họ lượn rất uyển chuyển trên cát, trên những cái vỏ sò và vỏ ốc màu vàng óng bằng cái đuôi mỏng manh. Lời ca bi tráng của các chàng trai im bặt dường như bên cạnh những điệu múa siêu phàm của các cô nàng, lời ca không còn nghĩa lí gì.

Đột nhiên có tiếng gọi đâu như từ bãi đá, nhưng tôi không quay lại và lạ lùng nhất không biết ở đâu hiện ra, ngay trên đầu tôi lúc ấy, một bầy chim lao xuống như một cơn dông. Như mất hết sức mạnh, tôi rơi tõm xuống biển và tỉnh dậy.

*

Rồi bác tôi đi ra bãi đá, đó là nơi tôi không thích lắm! Bãi đá thật lạ lùng cả về hình thù lẫn sự tồn tại của nó ở một địa thế khá thơ mộng. Trông nó giống như một chiến trường cổ mà người ta đang dùng lối phương trận để đánh nhau vậy. Ở đấy nghe tiếng gió biển hú mới thật ghê sợ, như tiếng một con quái vật đang mắc bẫy.  Tôi không biết bác tôi ra lúc này để làm gì – những ngày vừa rồi bác tôi ít ra chỗ này, nhưng bác có vẻ chờ đợi.  Gió tự nhiên nổi lên như bão và từ phía núi tiếng gió hú khủng khiếp như tiếng hú của bầy sói. Bác tôi cứ đứng giữa luồng gió rờn rợn ấy mà không nao núng chút nào, đứng rất lâu, tôi không biết ông làm thế để làm gì hay có nghi lễ hay bùa chú gì chăng?

Không biết có chuyện gì mà hôm sau bác tôi rất vui vẻ, luôn luôn cười nói, đi đứng khoáng đạt, thung dung, bác kéo tôi ra biển, vào rừng, chỉ cho tôi xem những cây thộp đã sống qua gần sáu mươi năm, như cho xem những báu vật.

Chưa có loài cây gì quí bằng cây thộp đâu! Thật là những cây đến với kẻ khó, bác tôi nói. Bác ạ, tôi nói, không thiếu gì cây có giá trị kinh tế cao hơn mà dân làng mình lại trồng cây thộp. Nhưng thộp là loại cây thích hợp với cát biển và mau lớn đến mức cần thiết. Tôi kể cho bác tôi nghe hiện nay có khối loại cây mà khoa học vừa xác định được, có giá trị kinh tế cao mà vẫn thích hợp với cát. Nhưng thời ấy chưa có ai biết khoa học mà chỉ có số phận của một ngôi làng bị vùi lấp hàng ngày, bị xua đuổi, nguy cơ bị chôn hết dưới cát và họ đã trồng nên rừng thộp ngõ hầu còn một mảnh đất để trụ lại, bác tôi nói một cách đau đớn..

*

Cách đây một thế kỷ, làng tôi đang sống bình yên bên cạnh những đụn cát rất dài và cao. Những đụn cát ấy có nguy cơ khi gặp những luồng gió hung bạo thổi từ đại dương đến, nó như những hồn ma tự nhiên thức dậy bốc lên cao, xoáy tít mù rồi đổ ập xuống vùi lấp bất kể thứ gì bên dưới. Có khi một nửa cánh đồng lúa đang chín, có khi là cả một ngôi làng với người và gia súc bị chôn dưới mấy mét cát sâu.

Để chế ngự cát và gió, thiên nhiên đã gieo lên đó một loại cỏ lá gai gọi là cỏ xước sống được tràn lan trên cát, lá nhọn và khô, chỉ phát triển mạnh vào mùa xuân và hè, khô xáp suốt cả mùa thu và mùa đông. Lá và thân cây dài loằng ngoằng đan dày như tấm thảm phủ kín mặt cát. Thứ cỏ mỏng manh ấy, ai ngờ có sức bền vô cùng đã chế ngự được sức mạnh tàn phá luôn luôn đe dọa của bão cát. Dân làng sống và làm ăn trong sự che chở của loài cỏ mềm yếu ấy.

Cho đến khi gặp cuộc rút quân mà những nghĩa sĩ của một cuộc khởi nghĩa cuối cùng thất bại, giặc Pháp đuổi đến, dân làng tôi đã làm một cuộc đánh đổi quyết liệt: đốt làng để chặn bước tiến của giặc và xóa sạch vết tích cuộc rút quân để bảo vệ những người nghĩa sĩ còn lại. Toàn bộ đạo quân chiến bại ấy đã rút trọn vào hang Trống, chỉ trừ một mình bác tôi ở lại thực hiện một nhiệm vụ khủng khiếp mà dân làng đồng tình: đốt làng. Và đồng cỏ cũng bị cháy. Tàn quân đã vô tăm tích…

Tuy nhiên, có một kẻ trong làng phản bội, giặc Pháp biết được chỗ ẩn nấp của những nghĩa sĩ, đã quay trở lại lấp kín cửa hang chôn sống và vùi lấp gọn sạch một cuộc khởi nghĩa nông dân nổi lên chưa đầy nửa năm.

Mãi về sau này, vào những đêm sáng trời, biển lặng, trong tiếng sóng gầm, người làng vẫn nghe như có tiếng vó ngựa phi, tiếng trống luyện quân, tiếng gươm múa trong gió của những người đã rút vào hang Trống từ thời xa xưa ấy.

Ngọn lửa cháy trên cỏ mấy ngày sau vẫn còn cháy, không còn ngọn cỏ nào còn sót qua nạn hỏa tai đó. Thế rồi những đụn cát từ xưa bị chế ngự nằm im lìm, nay không còn gì để che phủ, kìm giữ, bỗng nổi cơn thịnh nộ. Nó lại bị gió bốc lên cao, nhẹ tưởng như một đám mây, và đổ ập xuống làm rung chuyển cả mặt đất. Kết quả đầu tiên kể từ thời kỳ ngọn cỏ không còn trên mặt cát là một phần làng bị chôn vùi dưới cát. Cây cối, vườn tược, nhà cửa, miếu mạo bỗng nằm sâu trong lòng cát. Không còn trồng trọt được gì trên lớp cát khô và nghèo dinh dưỡng ấy. Tự nhiên, người bị cát xua đuổi một cách tàn bạo ác liệt kéo dài hàng chục năm, cát biến thành kẻ xâm lược, dân làng trở thành kẻ thua trận, bị xua đuổi, trên nơi mình đã khai phá và sinh tồn.

*

Bác tôi đã sống như thế hàng nửa thế kỷ. Công việc duy nhất của người nghĩa sĩ bại trận thời ấy là trồng thộp và trồng cỏ. Cây thộp là loại cây dễ sống, dễ trồng, lớn rất nhanh mà yêu cầu của cuộc sống dân làng lúc bấy giờ là con người phải chế ngự được cát, khi gặp gió nó cũng phải ngủ yên, thuần dưỡng nó trở thành có ích. Vì vậy mà bác tôi đã trồng cây thộp. Chẳng có gì khó tin cả, khi cây thộp đã được trồng thành rừng thì chúng che đỡ cho nhau, lớn như thổi. Rừng thộp hiện tại là do bàn tay của nhiều thế hệ, nhiều làng và nhiều vùng dân biển bổ sung và bảo vệ, trở thành cái phên giậu vĩ đại của vùng quê tôi. Bác tôi chỉ là người lính thường trực, nhiệt tâm chăm lo, đưa cả cuộc đời không được chết trên chiến trường, cạnh đồng đội, vào những hạt cát khô bỏng. Pháo đài được dựng lên vào năm thứ ba khi cây thộp đầu tiên được bác tôi cắm xuống đất để sống và để chống chọi với nhiều thứ dã man khác nữa, nhưng bác tôi không về, sống cho đến ngày nay với rừng thộp và những cái giỏ tre và cả bao nhiêu thứ lạ lùng và lẩn thẩn khác.

*

Buổi sáng hôm ấy, bác tôi không có vẻ bí hiểm như mọi hôm, ông đang đi trên cát, suy tư như cát, tôi theo bác và nói hy vọng bác vui vẻ cho tôi đi theo, tôi không làm lộ bí mật của bác. Nhưng bác tôi chỉ dừng lại trong chốc lát, mắt chăm chú nhìn tôi, đôi mắt chợt dại đi nhưng chỉ một chốc thôi, rồi bác tôi bỏ đi, đến chỗ người ta đang đẩy thuyền xuống nước.

Sau mỗi chuyến đi biển về, những người ngư dân lại đẩy thuyền lên bờ cát để tránh sóng, đến chiều hôm sau những chiếc thuyền ấy lại được đẩy xuống nước trên những cái đòn lăn bằng gỗ tròn. Bác tôi giúp vào công việc nặng nhọc của họ như một bổn phận. Khi mọi người đã ghé vai vào be thuyền một người trong bọn họ hô: “dô ta… huầy…”, con thuyền chỉ trượt được một đoạn bằng mười bước chân lại hết đà.  Tiếng hô rải đều trên con đà lăn và con thuyền về sau như có chân đã nhẹ nhàng trườn xuống mép nước và chỉ cần có một con sóng nhỏ xô vào là nó đã tung hoành, nghiêng ngả, múa lượn.

Sau đó bác tôi đi lấy hàu, tôi theo dõi thì thấy bác chỉ lấy hàu vào một thời khắc nhất định. Chỉ từ lúc mặt trời chưa nhô lên khỏi mặt nước đến lúc mặt trời cao hơn mặt nước một đoạn. Tôi đã được chứng kiến đôi lần bác tôi lấy hàu đá như thế. Khi tất cả mọi thuyền chài đã xuống nước và xa dần thì bác tôi, như một nghệ sĩ đầy cảm hứng đi một lượt dọc bờ biển, vòng qua những hòn đá tay vỗ bồm bộp. Rồi bác tôi lội ra tận ngoài sâu trèo lên hòn núi Ông Tướng nhìn theo các đoàn thuyền và rồi bác lấy hàu liền đó một cách ngẫu hứng. Tôi biết rõ ràng, bác tôi sống tâm đắc với biển là vào lúc này. Ông đi dạo chơi, làm việc một cách đầy xúc động và mê say. Ông trò chuyện với cây như với một người có thật, và vuốt ve những hòn đá. Còn buổi tối, lúc hoàng hôn vừa tan, biển và rừng thộp “đóng cửa” rất sớm thì bác tôi cũng đi ngủ (mặc cho khách khứa thường rất đông cứ tự nhiên trò chuyện và sử dụng dụng cụ), và dậy vào lúc nửa đêm…

Đúng như thường lệ, bác tôi kết thúc công việc vào lúc mặt trời cất lên khỏi mặt nước một khoảng cách bằng đường kính của nó. Không hiểu thời khắc đó đối với bác tôi có ý nghĩa quan trọng như thế nào?

Khoảng gần trưa tôi theo bác tôi vào rừng. Toàn bộ khu vực hầu như không có gì đặc biệt chỉ trừ chỗ dưới gốc cây thộp già cụt ngọn đã chết, có một hòn đá cuội. Một hòn đá cuội to vào cỡ ấy đã hiếm, nhưng nó lại có hình dáng một cái đốc gươm thì lại càng lạ hơn. Không biết hòn đá này có liên quan gì với hòn núi Gươm phía dưới hay không bác tôi không nói. Nhưng tôi còn nhớ trong câu chuyện của người làng, bác tôi là người may mắn, trong một trận huyết chiến cuối cùng của cuộc khởi nghĩa Cần Vương cuối cùng không có tiếng vang lịch sử vì sớm bị thất bại, người tướng lĩnh của bác tôi chính ở khu vực đó, khi gươm đã gãy, ông đã dùng đá làm vũ khí chống trả cho đến khi rơi vào tay giặc.

*

Mọi việc không còn ý nghĩa gì nữa khi bác tôi bảo bác sẽ rời khỏi nơi này.

Bác tôi nói điều đó sau một buổi sáng, ông đã đi vĩnh biệt bạn bè. Tinh mơ ông đi lấy hàu, tuân thủ đúng quy phạm truyền thống. Rồi sau ấm trà buổi sáng, bác tôi lên bãi đá, nhặt mấy viên đá rất đẹp, mịn và trắng óng ánh, rồi nhẹ nhàng để nó tuột khỏi những ngón tay to và cứng như những đoạn cây. Sau đó bác tôi đứng ngẩn ngơ, mặt hướng ngược chiều gió tuồng như bác tôi đang đợi một sự đe dọa của luồng gió. Cuối cùng bác tôi trở vào rừng, đứng rất lâu giữa rừng như chứng tỏ với ông không có gì bí ẩn.

Trong những giờ phút chuẩn bị từ biệt pháo đài, bác tôi trông thật khủng khiếp, da mặt xanh ngắt, tròng mắt mờ đục, ánh mắt như đã tắt… Tưởng thế đã là khúc cao trào, đã thấy đau lòng, nhưng ai ngờ rằng chỉ sau đó ít phút bác tôi vô tình nhìn lên vòm mái, vòm mái vắng lặng, bác tôi vật ngửa ra, ngất lịm. Hai tay ông doãi ra. Tôi nhìn hai cánh tay ấy và tưởng sắp sửa được thấy những cái lông vũ mọc lên để ông trở về với loài chim tổ tiên của mình. Nhưng không, không phải, chỉ một chốc sau ông lại đã tỉnh táo như thường. Tôi cố gắng nói một điều hứa hẹn tốt lành để an ủi bác tôi, giảm cái nặng nề của buổi lên đường thì cũng vô ích, bác tôi đâu phải là một cây thộp non dễ rung rinh bởi cánh tay của con người, bác tôi là cái pháo đài đá…

Mặc dù thế nào thì buổi lên đường cũng đã đến.

*

Hóa ra chỉ vài tiếng đồng hồ sau thì tôi mới hiểu lời bác tôi, đã đến lúc ta phải đi khỏi nơi này nghĩa là gì…

Bác nắm chặt lấy tay tôi bảo, hãy đưa ta ra giữa rừng thộp để ta được nằm trên cát mà chết. Và hãy chôn ta trên bãi đá, đầu quay ra núi Rùa, chân xuôi về núi Gươm, để ta dưới đó còn nghe tiếng trống lệnh.

Bác tôi đang nằm giữa những người ngư dân quen thuộc, người ta đang đổ cho người những thìa cháo cuối cùng để hòng khi bác tôi từ giã cõi đời này cũng được no đủ và thanh thản như trăm năm người đã sống. Mọi người vẫn ở bên bác tôi, những người đánh cá, họ hàng, họ ngồi lặng lẽ trên nền cát mát lạnh. Không khí cũng lặng lẽ, chưa đến mức thành kính nhưng không nặng nề. Mọi người đang túc trực để đón đợi cái giờ phút bác tôi “đi” để được vĩnh biệt người lính già cuối cùng của cuộc khởi nghĩa văn thân cuối cùng… nhưng hình như cái giờ phút ấy lại chưa đến. Kỳ lạ đến mức giống như thần thoại, nửa đêm bác tôi tỉnh giấc, đòi ngồi dậy. Rồi dường như để làm cho mọi người ngạc nhiên hơn, ông bảo mở cửa để bác nhìn thấy biển. Mọi người im lặng, nín cả thở, chờ đợi một cái gì không bình thường sắp xảy ra. Nhưng bác tôi vẫn lặng lẽ, hiền từ, tôi vẫn nhận ra dáng dấp thường ngày của ông, ông đang đối diện với hòn núi Ông Tướng cụt đầu. Chỉ có tôi mới hiểu được bác tôi đang muốn gì, ấy là những giờ phút cuối cùng bác tôi nói chuyện với những cái mà bác ngưỡng mộ suốt cả đời mình. Nhất định là thế! Vậy là cái giờ khắc bác tôi ra đi chỉ còn lại chốc lát.

Nhưng sáng ra, mọi thứ lại hết sức bình thường, sóng rất êm, những con thuyền đi biển đã xa bờ, buồm đã bắt đầu kéo lên, tiếng gió vẫn hun hút trên bãi đá. Bác tôi nằm im như chờ đợi những tiếng động lạ trong hang Trống vọng ra, ông nằm lặng lẽ như một hòn đá, đầu gối lên núi Rùa, chân kê lên núi Gươm, rồi chìm vào giấc ngủ rất sâu, vĩnh viễn được bao bọc trong tiếng sóng, quên sự sống và quên cả cái chết.

TRẦN HUY QUANG

Exit mobile version