Ít ai có thể hình dung ông già có xưởng vẽ ven đô của Sài Gòn này lại chính là nhà thơ Phan Vũ- Người đã từng có tên trong nhóm Nhân văn ngày nào và là tác giả của bài thơ nổi tiếng về Hà Nội: “Em ơi Hà Nội phố”…
Phan Vũ có vóc người tráng kiện, đi đứng nói năng mạnh mẽ, bấm smartphone vào nét nhoay nhoáy… không khác thế hệ trẻ là bao . Phan Vũ bảo giờ mỗi bữa vẫn làm được chén rượu và 2 lưng cơm, thuốc lá thì cứ một ngày cũng phải vài tẩu. Nghe ông nói thế, khó có thể hình dung năm nay Phan Vũ đã bước sang tuổi 90. Ông bảo: “Cách đây mấy năm tôi còn chạy xe máy, có khi cả trăm cây xuống Củ Chi chơi. Nhưng giờ con không cho chạy nữa tôi mới thôi đấy”.
Cuộc đời Phan Vũ cũng khá lận đận, sinh năm 1926 ở Hải Phòng nhưng 20 tuổi, ông đã đi bộ đội vào Nam. Mang tiếng đi bộ đội nhưng Phan Vũ không vác súng đi đánh nhau mà lại làm ở ban văn nghệ. Công việc thì, từ làm phim, dựng kịch cho tới tổ chức các đêm nhạc. Khi tập kết ra Bắc năm 1956, Phan Vũ đã có vốn liếng vài vở kịch, vài bộ phim, trong đó có cả vở Lửa cháy lên rồi đoạt giải Nhì do Hội Văn học Việt Nam trao. Vì thế, Phan Vũ được tổ chức phân công làm tại xưởng phim truyện Việt Nam, lương chuyên viên cao ngất. Phan Vũ tiếp tục viết kịch bản với những Dòng sông âm vang, Bà mẹ và thanh gươm được đánh giá cao về tài năng.… Thế nhưng, đùng một cái Phan Vũ đã dính vào tai ương như nhiều văn nghệ sỹ Hà Nội ngày đó: Vụ Nhân văn giai phẩm. Ông kể: “Tôi chơi với nhiều anh em nghệ sỹ, cũng tham gia nhiều sinh hoạt của anh em. Khi anh em ra tờ báo, tôi cũng tham gia trong nhóm biên tập. Thế là bị quy vào nhóm chứ tôi đã viết được bài nào trên mấy tờ báo đó đâu. Chính vì thế nên tôi chỉ bị cấm viết và bị hạ lương từ chuyên bậc 7 xuống cán sự 3. Nhẹ chán!”.
Cấm viết không có nghĩa là Phan Vũ… không viết. Ngoài thời gian của một công chức, ông vẫn viết nhưng chỉ đọc cho bạn bè thân tín nghe chứ chẳng dám xuất bản. Bài thơ Em ơi Hà Nội phố ra đời trong một lần như thế. Ông kể đó là thời điểm mùa đông 1972, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ vào giai đoạn khốc liệt nhất. Hà Nội đã bị bom B52 tàn phá dữ dội. Dân nội thành đi sơ tán hết nhưng vì nhiệm vụ nên ông phải ở lại Hà Nội. Phan Vũ kể: “Tôi vẫn nhớ tôi ở một mình trong một căn nhà trên phố Hàng Bún. Bom Mỹ đã phá hoại rất nhiều căn nhà chung quanh và dân đi sơ tán hết nên vắng vẻ lắm. Rồi bỗng nhiên, tôi nghe có tiếng dương cầm đang chơi một bản nhạc của Betthoven. Người chơi đàn là cô bé Nguyễn Thị Nhàn. Tôi biết cô bé này khá rõ, cô ấy rất yêu âm nhạc, từng học đàn cùng thời với Nghệ sỹ Thái Thị Liên nhưng không được vào đại học vì lý lịch gia đình. Ði sơ tán đàn piano nặng quá không đem đi được nên cuối tuần nhớ đàn quá cô ấy đã đi từ nơi sơ tán về Hà Nôi chỉ để chơi đàn. Căn nhà của cô ấy đã bị bom phá tan mái nhưng may mắn cây đàn còn nguyên. Thế là cô ấy chơi đàn. Trong khung cảnh tan hoang sau trận bom, tiếng đàn vẫn vang lên thật lạ. Rồi từ phía nhà thờ Cửa Bắc có tiếng chuông văng vẳng. Lúc đó tôi có cảm giác chiến tranh bom đạn tan biến hết, chỉ còn lại không khí của sự bình yên. Bom đạn cày xới có bao nhiêu nhưng không thể làm Hà Nội gục ngã. Thế là tôi viết, viết rất nhanh”. Bài thơ Em ơi Hà Nội phố của Phan Vũ ra đời như thế. Phan Vũ vẫn thích bài thơ bởi lẽ chỉ có người sống như ông ở thời điểm ác liệt đó mới có thể cảm nhận hết vẻ đẹp, sức sống mãnh liệt của Hà Nội.
Có lẽ bài thơ Em ơi Hà Nội phố vẫn cứ nằm trong ngăn kéo tủ của Phan Vũ mãi mãi nếu như không có một lần, Phan Vũ tình cờ gặp nhạc sỹ Phú Quang. Ðó là thời điểm năm 1984, khi ông vào Sài Gòn làm việc. Còn Phú Quang đang là một nhạc sỹ trẻ, xa Hà Nội để trải nghiệm. Cả 2 gặp nhau, cùng hàn huyên về một Hà Nội trong nỗi nhớ. Và Phan Vũ đọc bài thơ Em ơi Hà Nội phố cho Phú Quang nghe. Chỉ một lần nghe nhưng hai tâm hồn đồng điệu cùng nỗi niềm với Hà Nội đã chắp cánh để cho ca khúc Em ơi Hà Nội phố ra đời và nó nhanh chóng trở thành một trong những ca khúc hay nhất viết về Hà Nội. Bài hát được công chúng nồng nhiệt đón nhận. Phan Vũ trầm ngâm: “Tôi chỉ sống ở Hà Nội khoảng 20 năm, nhưng 20 năm ấy là quãng thời gian để lại cho tôi nhiều dấu ấn nhất. Tôi hay nhớ tới những người bạn đã kết thân khi tôi từ miền Nam trở về Hà Nội, đó là Tử Phác, Ðặng Ðình Hưng, Trần Dần, Lê Ðạt, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Phùng Quán, Phùng Cung, Hoàng Cầm, Hữu Loan… Tất cả các anh ấy đều đã ra đi. Tôi thì ở lại để thụ hưởng những gì mà đáng lẽ phải dành cho các anh ấy. Ðó là một Hà Nội và những nỗi niềm khắc khoải.” Hỏi Phan Vũ là Em ơi Hà Nội phố có liên quan chút gì đến “Phố” của Phái (Hoạ sỹ Bùi Xuân Phái) không thì ông cười: “Anh Phái vẽ phố rất nhiều, tôi cũng từng ngồi xem anh Phái vẽ phố. Có lẽ sự say mê với cái đẹp của Phố cũng có tác động đến tôi”.
Yêu Hà Nội, nhớ Hà Nội nhưng mãi đến năm 2010, ông mới được chính thức đọc bài thơ Em ơi Hà Nội phố… giữa Hà Nội. Trước hàng ngàn khán giả ở Thư viện Quốc gia. Phan Vũ- Người yêu Hà Nội đã run run xúc động khi đọc bài thơ đã gần 40 tuổi với: “ Em ơi! Hà – Nội – phố…Ta còn em mùi hoàng lan. Ta còn em mùi hoa sữa. Tiếng giày ai gõ nhịp đường khuya? Cọt kẹt bước chân quen-Thang gác- Thời gian- Mòn thân gỗ. Ngôi sao lẻ lạc vào căn xép nhỏ…” Phan Vũ đã khóc bởi ông không ngờ đứa con tinh thần của ông bao năm lưu lạc vẫn về được mảnh đất sinh ra nó. Nhiều khán giả cũng khóc bởi họ đã thấy một có vẻ đẹp Hà Nội rất riêng từ Phan Vũ.