Cát Lâm
1.
Cơm nước sớm, dọn dẹp xong, vào giường nằm mê mệt mãi không sao thiếp đi được. Người nửa như ốm, nửa như không. Mỗi lần về làng đầu óc thấy nặng nề, khó chịu. Tưởng ốm, vật ra đánh cảm, cạo gió, uống thuốc không khỏi. Nhưng cứ đi khỏi làng thì hết. Thật lạ! Tôi không dám nói điều ấy với mẹ, sợ mẹ buồn lại thêm lo nghĩ.

Ở bên, mẹ ngồi lặng thinh nhìn ra nền trời nửa đỏ nửa xám như hòn than sắp tàn. Ngày hè ở làng sao mà dài thế. Cái sự dài hóa thành nỗi cô đơn chập chờn hiện lên từng sợi tóc. Mái tóc mẹ vẫn buộc túm ổi dài và mỏng manh nằm bẹp sau gáy. Nhẩm đi nhẩm lại từ ngày đi học bán trú trên huyện rồi đi làm, thấm thoát cả chục năm trời tôi không ở nhà.

Với tôi đó là cách chạy trốn duy nhất. Bởi khoảng cách giữa tôi và mẹ. Trước mẹ, lúc nào tôi cũng như đứng trước dòng sông rộng mênh mông không cây cầu bắc ngang. Giữa tôi và mẹ không có sẻ chia, không tâm sự. Chỉ như hai bức tường chắn dựng song song với nhau, gần đấy mà cũng xa đấy. Là do xung khắc về tuổi tác như người ta vẫn nói hay vì điều gì, tôi không biết nữa. Những lần buồn bã vì áp lực công việc, vì cuộc sống, thêm việc sợ làng, ngại đối diện với mẹ, tôi viện lí do nào đó ở lại thành phố vài ba tháng mới về. Lần này cũng thế nhưng không được. Mẹ gọi tôi về để thông báo mẹ xin nghỉ hưu sớm hai năm. Văn thư ở xã việc cũng chẳng nặng nhọc gì, làm cũng như chơi, thế sao mẹ lại xin nghỉ sớm. Tôi nghĩ nhưng không dám hỏi vì biết ý mẹ đã quyết. Mẹ nói luôn chuyện sẽ tìm chồng gả cho tôi. Chỉ thế thôi nhưng sự phức tạp cứ lớn dần lên. Điều mà tôi có thể làm để lẩn tránh mâu thuẫn là viện lí do trở lại thành phố.

Trong gian buồng chập chờn sáng tối. Khi thì bóng trăng lấn gần hết hai phần ba khoảng giường. Lúc lại chỉ một màu đen có thêm hơi lạnh của gió. Chiếc giường mét hai nhưng nửa còn lại là phần của bụi. Ba chục năm có dư, quá bán cuộc đời vò võ một mình một bóng. Mẹ kể tôi nghe đúng một lần rằng: Ngay cả khi lấy chồng cũng chỉ được làm vợ sáu tiếng chưa tròn. Ngày đó lam lũ, đói khổ. Đám cưới tổ chức đơn giản trong buổi trưa, tối bố nhập toán đào đá đỏ đi Quỳ Châu. Và từ đó biền tiệt, chẳng tin tức báo về, rừng thiêng nước độc… “Sao mẹ không đi tìm?” “Địa chỉ ông ấy ghi, tìm đến, hỏi ra, người ta bảo chẳng có ai tên thế cả. Toán đào đá đợt ấy nghe bảo sập hầm chết cả”. Sau lần ấy tuyệt nhiên mẹ không bao giờ nhắc lại về bố.

Tiếng chó sủa nhấm nhẳng cắn ma. Bước chân cụ Bát rón rén đi tắt qua vườn nhà. Cụ với nhà tôi chẳng họ hàng nhưng lại thân. Thằng Hứa con cụ bằng tuổi với tôi. Hồi còn nhỏ, cụ hay chia đôi cho tôi và Hứa miếng cơm cháy ròn tan cụ nấu. Cụ bảo: “Nó còn ngon hơn bánh mì Hà Nội”. Nếu Hứa còn sống, biết đâu tôi lại là con dâu cụ. Cụ và mẹ tôi cũng đã định điều đó. Những phận lưu lạc thương nhau thì tốt.

Năm đó, chúng tôi mười bốn tuổi. Hứa, tôi hay bất kì đứa trẻ nào khác trong làng nứt mắt ra đã phải lam lũ, làm lụng. Làm đến không ngẩng được mặt lên vẫn thiếu ăn. Ngày ấy, Hứa đi mượn con trâu tranh thủ cày cố buổi ban trưa. Nếu khi đó tôi không nghịch dại, không nóng ruột bắt nó đi nhanh, có lẽ Hứa không chết. Tôi dùng sợi thừng quất mạnh vào cái bụng đang chửa của nó. Chẳng thể ngờ, nó hung dữ, lồng lộn tế lên điên khùng, nó húc vào bụng Hứa, Hứa văng ra đoạn xa. Thêm một lần húc nữa, Hứa vỡ bụng rơi xuống sông Mê mà chết.

Sau nhiều ngày buồn buồn tủi tủi cụ Bát già đi trông thấy. Thế rồi, cụ chỉ sống với những kí ức thuộc về Hứa. Cụ có thể quên bất kì ai. Duy chỉ có những gì thuộc về Hứa cụ chưa bao giờ quên.

2.

Làng lúc này ngày cũng như đêm.

Con người hình như không ngủ. Ma lực của đồng tiền khiến họ phấn khích quên ngày quên đêm. Tiếng nước khua oàm oạp của những chuyến đò đưa đón khách vào làng để xem bói, gọi vong tấp nập ngược xuôi. Người ta bảo phải đi sớm mới mong đến lượt, mới dễ gặp vong nhà mình. Cả tập đoàn người hi vọng vào những điều không tưởng.

Ngày xưa, có mỗi cái thuyền bé tí ti của cụ Tư lùn mà ế mốc mồm từ sáng tới tối. Giờ thì thuyền tấp nập chen nhau qua lại bên sông Mê. Tất cả từ ngày cô Biền điên mất tích trở về, nói là được lộc gọi hồn, áp vong. Thế rồi lập điện đỏ lòe cả một góc làng. Đèn hoa kết, chăng dài từ cổng nhà ra tận bến sông. Tiếng hú, tiếng hét vọng lại, nhiều lúc đi trên đường mà như đang đi giữa đoàn âm binh. Người thì đến áp vong tìm liệt sĩ. Người đến áp vong xem có động mồ động mả đâu không. Cứ thế, người với người ôm nhau khóc khóc cười cười, điên điên loạn loạn. Quỳ lạy sì sụp từ sáng tới tối.

Người làng quay sang làm vàng mã. Ngày cũng đôi ba trăm nghìn, nhiều đến cả triệu. Đi khắp làng đâu đâu cũng là vàng mã. Chòi lán dựng lên cũng là để vàng mã. Chợ lập ra cũng là chợ bán vàng mã.

Họ không có khoảng trống để nghĩ về cõi trần này nữa.

3.
Buổi sáng thức dậy, bao giờ cũng là ấm chè leo. Bộ ấm chén cọc cạch đủ sáu họa tiết, hình dáng khác nhau. Đồ đạc trong nhà, cái gì cũng chắp vá. Nồi cơn điện cháy mẹ dùng ruột làm bát múc canh. Phích vỡ mẹ lấy cái nắp làm cốc uống nước. Mẹ bảo: “Một thân một mình sống sao chẳng được”. Tôi im lặng. Nhưng bên ngoài tiếng trống khua, mõ gõ lại bắt đầu vọng vào. Tất thảy những âm thanh ấy cất lên đến lợn gà cũng phải giật mình.

– Sáng ngày ra không cho người ta ngủ, khua múa thế làm sao mà chịu được.

– Suỵt! Be bé cái mồm chứ. Lại vạ miệng. Đừng có đùa. Cô bảo chị có cái vong theo. Tôi cũng đốt hình nhân thế mạng cho chị rồi. Chỉ nay mai là có người đến tận nhà xin cưới.

Tôi cười khẩy. Lấy làm vợ? Lấy rồi người ta có bỏ tôi như bố từng bỏ mẹ, như người đàn ông nào đó từng đến với cụ Bát rồi đi? Phận đàn bà ở cái làng này nào có ra gì. Như cô Biền ngày chưa điên xinh đẹp nhất làng, rồi có đoàn ba người, một già, hai trẻ về khảo sát xây cầu qua sông Mê. Họ ở trọ trong làng, ngày ngày đo đạc, ngắm nghía góc này, góc kia ba tuần rồi đi. Ba tháng sau cả làng biết cô Biền chửa hoang. Sông Mê mùa lũ cuồn cuộn chảy. Cụ Tư lùn chống thuyền, lựa dòng đưa cô qua sông. Cô đi tìm người yêu, tìm cha đứa bé trong bụng. Ba tháng sau cô về điên điên dại dại, cái thai trong bụng bỏ hoài nơi xứ nào chẳng ai biết. Từ ấy ngày ngày cô ra bờ sông Mê thả lá xuống cho nước cuốn đi. Cầu sông Mê vẫn chưa xây. Một ngày cô lại qua sông…

– Không phải lo đâu.

Mẹ nói chắc nịch. Tôi lảng sang chuyện cụ Bát: “Đêm qua cụ Bát lại ra sông Mê. Mẹ ở nhà chịu khó để mắt tới cụ, đến lúc làm mồi cho hà bá thì khổ”. Mẹ không nói gì mang một đống áo cũ ra khâu. Tôi đi mở cổng.

– Ơ kìa cụ Bát, sao không vào nhà mà ngủ, ngồi đây cho muỗi nó khiêng…

Cụ đứng bật dậy mừng mừng tủi tủi:

– Bác về bao lâu lại đi?

– Mai cháu đi rồi.

– Thế để tối tôi qua có chuyện muốn xem ý bác.

Nói rồi cụ quay lưng đi. Vội vàng.

Chờ cả tối chẳng thấy cụ sang. Tôi bỏ ra đường, đi lang thang quanh làng một vòng. Tôi lẫn vào dòng người tấp nập trong thứ ánh sáng nhập nhoạng. Những khuôn mặt nhờ nhợ, những câu chuyện đều mang ra từ cái điện đỏ lòm nhà cô Biền. Chợ vàng mã vẫn đông. Tôi đi giữa những hình nhân thế mạng nhìn xoáy lấy trừng trừng oán hờn. Rõ ràng tất thảy đang cười sao tôi lại nhìn ra chúng buồn đau sầu thảm. Những đôi mắt ngân ngấn, trực trào khóc. Chẳng mê tín cũng dựng tóc gáy.

Tôi gặp cụ Bát ở bờ sông. Dáng người nhỏ thó, lưng gù không lẫn vào đâu được. Cụ đang vác trên mình một đống đồ. Nào hoa quả, nào vàng mã, nào hình nhân thế mạng. Hóa ra hàng đêm cụ chờ những chuyến đò để mang đồ thuê cho người ta. Bóng dáng in hằn vào bóng đêm. Xiêu vẹo. Khấp khởi. Cô đơn. Nhỏ dần, nhỏ dần rồi khuất lẫn vào đám đông.
Tôi chạy đến đỡ cụ mang đồ. Cụ thì thào:

– Tôi xách đồ cho người ta đủ tiền vào điện rồi. Còn tiền lễ lạt, công đức, bác cho tôi vay. Độ này tôi mơ thấy nó về suốt. Lần nào về cũng lục nồi cơm. Nhưng lại chẳng còn gì. Tôi gọi nó lên xem ở dưới đó có thiếu thốn gì thì bảo. – Vừa nói, cụ vừa lấy vạt áo lau mồ hôi.

– Cho cụ vay để làm gì thì cháu đưa. Chứ làm mấy việc vớ vẩn ấy cháu không đưa đâu.

– Nhưng nó cứ về. Gầy lắm. Ướt át, rách rưới nữa. Nhìn mà tội.

Cụ vừa nói vừa mếu.

– Tại cụ nghĩ nhiều quá đấy thôi.

Cụ buông tiếng thở dài, không chào, không nói thêm, lầm lũi đi vào đám đông. Câu nói của tôi chỉ mong cụ từ bỏ về nghỉ. Nhưng hình như, tôi đang dập tắt hi vọng của cụ. Trong cái ánh sáng nhập nhèm, nhờ nhờ hư ảo, tôi kịp thấy cặp lông mày của cụ chau lại. Ngày mai tôi đi. Mẹ có còn ngồi khâu áo? Cụ sẽ thế nào mỗi ngày cứ quanh quẩn bên cái điện đỏ lòe đỏ loẹt ấy?

(Minh họa của Lê Huy Quang)

Tôi lục đục chuẩn bị áo quần và đồ đạc xong đi ra thuyền là lúc trời nhờ nhờ sáng. Mẹ sắp sẵn cho tôi một đống đồ ăn. Từ quả chanh, gói muối đến quả trứng gà… Tôi lên thành phố như đi về miền kham khổ.

– Mẹ định cho cụ Bát vay tiền để gọi vong cho thằng Hứa, chị xem có giúp được ít nào thì giúp, chỗ này sợ không đủ.
Tôi im lặng, không phản đối cũng không đồng tình. Tôi tự xách đồ ra bờ sông.

Cụ đợi tôi ở đầu đường. Cụ đứng nhìn như muốn nói gì rồi lại quay lưng đi. Có lẽ cụ đang còn giận. Lúc này đây, tôi đang đi khỏi nơi ồn ào với một mớ những suy tư. Giá người mà con trâu húc chết hồi đó không phải là Hứa, mà là tôi, có lẽ lại tốt. Kí ức của tôi vẫn còn ắp đầy những hình ảnh về Hứa. Tôi của bây giờ mong tôi của mười bốn đừng qua.

4.
Vài ngày sau đó, tôi nhận được điện thoại từ quán nước đầu làng, kiêm cả trông xe vào điện cô Biền lẫn dịch vụ điện thoại cho các cụ già nhớ con nhớ cháu mà không biết dùng điện thoại di động: Cháu về ngay đi, mẹ cháu bị ốm nặng lắm, hôm qua phải nhờ xe đưa lễ đưa đi bệnh viện. Chẳng sắp quần áo, tôi về nhanh cho kịp chuyến xe chiều.

Hai ngày với những bon chen, chật chội, không có lấy một chỗ tử tế để ngủ khiến tôi bã bời. Bác sĩ nói mẹ tôi cần ở lại theo dõi thêm vài ngày nữa. Tôi tranh thủ về nhà lấy thêm ít đồ cho mẹ.

Bất giác thấy bóng đen lầm lũi trước cổng nhà. Cái bóng lòe nhòe chập chờn lúc ẩn, lúc hiện dưới tán cây hoàng lan bị gió đu trĩu xuống. Người hay ma tôi còn chưa tường. Chả nhẽ có ma thật. Phút chốc tôi lại tin vào điều ấy. Cái dáng cỏn con, lỏn thỏn. Tóc gáy dựng ngược. Vừa đi vừa nghe ngóng.

– Chờ mãi, bác cũng chịu về.

Tôi thở phào khi biết đó là cụ Bát. Cụ nắm chặt lấy tay tôi như sợ tôi bỏ chạy mất.

– Có việc gì mà giờ này cụ còn ở đây?

Tôi mở cửa mời cụ vào nhà. Đến hôm nay tôi mới tường rõ mặt cụ. Cụ xanh và yếu nhiều so với trước. Lưng còng hẳn xuống. Cụ bước lên bậc thềm nặng nhọc. Phải bấu víu mới lên nổi. Hai tay cụ đủ chạm tới mặt đất nếu bỏ cái gậy ra.

Cụ mếu máo nói với tôi. Đêm qua nó lại về. Nó cứ kêu lạnh với đói. Bác cho tôi mượn thêm, ít ra tôi cũng được nói chuyện cho khỏi nhớ. Nói đến đó, tôi thấy thương cụ. Tôi rút trong ví ra năm trăm nghìn, bảo với cụ cứ mua lễ gọi được vong thằng Hứa lên, nói chuyện cho khỏi nhớ, xem tình hình thế nào rồi sắm lễ sau. Nói là để cụ yên tâm và không đi xách đồ cho người ta nữa. Nhưng cụ lại lí do: “Tôi già cả rồi, mắt mũi lèm nhèm. Bác có rảnh đi cùng tôi sang đó một chuyến. Người ta tứ phương vượt rừng, vượt núi còn về được, nhà mình ngay đây mà lại khó”.

Cụ không nhận tờ tiền tôi đưa mà hỉ hả rút ra số tiền lẻ vuốt phẳng phiu quấn chặt trong lớp vải khâu tới bốn lớp cài kim băng nhờ cậy tôi cầm hộ, để lo việc luôn thể. Không đành lòng từ chối, tôi mang đồ vào viện, cho mẹ trong đêm và tính trở về khi trời vừa sáng để kịp đi với cụ sang nhà cô Biền. Âu cũng để cụ yên tâm.

Trong viện, mẹ tôi nằm nhìn ra cửa sổ, lần hạt tràng, miệng lẩm nhẩm đọc kinh. Nhìn thấy tôi mẹ đòi về ngay trong cơn sốt. Mẹ bảo ở trên này không quen. Mùi thuốc kháng sinh làm mẹ buồn nôn. Cuộc hẹn với cụ Bát tưởng lỗi hẹn. Thế mà cụ chống gậy lên tận bệnh viện tỉnh, chỗ mẹ tôi nằm để tìm tôi. Mồ hôi nhễ nhại. Cụ ngước cặp mắt đục mờ nhìn tôi thở hổn hển. Trịnh trọng bảo tôi cứ chăm cho mẹ tôi khỏi ốm. Cụ sẽ chờ. Cụ bảo, lần này cũng để hỏi luôn, không khéo ngày đó, tại cụ hứa hẹn lung tung làm Hứa vẫn còn hi vọng theo tôi nên tôi mới không lấy được chồng. Nếu đúng thế, để cụ xin. Để cụ làm lễ.

5.
Bao lâu rồi tôi không đặt chân sang nhà cụ Bát? Tôi chẳng nhớ nổi nữa. Vẫn cái không gian ẩm thấp lưu cữu ấy. Mọi thứ gắn với Hứa vẫn còn nguyên xi. Tuổi thơ của tôi và Hứa vẫn còn nguyên đây. Hứa như vẫn đang quanh quẩn ở góc nào trong căn nhà này nhìn tôi.

Cái bát cơm hoa hồng Hứa và tôi tranh nhau ngày nhỏ vẫn còn, cụ Bát đặt nó lên ban thờ trước di ảnh của Hứa với đôi đũa tre vắt ngang. Hứa thích ăn đũa tre tự vót hơn đũa mua ngoài chợ. Cái áo mới Hứa được mua trong mùa tết cuối cùng còn treo nguyên dưới đuôi giường. Cái chăn con công hình vuông đủ cho chúng tôi đắp ngày ấy cũng gấp gọn đặt ở nửa giường bên trong.

Để tránh đi nối đất, đêm nay tôi sẽ ngủ lại nơi này chờ qua giờ sửu sẽ đi.

Cụ Bát lục xục không ngủ. Cụ chuẩn bị đủ thứ, những món Hứa thích ăn. Chốc chốc cụ lại để ý xem hương trên ban thờ còn hay hết để châm thêm. Mũi tôi điếc đặc bởi mùi hương. Tôi cũng không sao chợp mắt được.

Dòng sông Mê vẫn tấp nập, người nối người lầm lũi đổ về đây. Tôi và cụ Bát cùng hòa vào đoàn người. Tôi bắt đầu thấy mình như đang đi giữa đám âm binh. Không ai nói với ai lời nào. Cụ Bát cũng dặn tôi trước: “Không được nói gì vong nhà mình mới theo đi”. Những khuôn mặt đỏ. Trang phục màu đỏ. Như cả biển người đang điên loạn, khóc khóc cười cười ngoài kia cũng màu đỏ. Cụ Bát đi bên tôi cũng màu đỏ. Lòng bàn tay cũng đỏ au theo ánh đèn tỏa ra từ điện nhà cô Biền. Ý niệm về thời gian khi đã vào trong này bỗng biến mất.

Tôi và cụ Bát ngồi xuống trước mặt cô Biền, đặt lễ, đặt tiền. Cô Biền cũng mặc bộ quần áo đỏ ngồi khật khừ giữa gian nhà. Cô Biền trong kí ức của tôi chỉ biết ăn vạ, khóc nhèo nhẽo như đứa trẻ lên ba. Roi vọt vụt cho sợ phải nín khóc cũng không ăn thua. Phải dỗ dành. Phải chiều cho đúng ý. Cô Biền của mười tám tuổi ngây dại chạy ngoài cánh đồng mùa hoa cải. Cô Biền chỉ thích làm cô dâu. Khum khum tay như đang bế đứa trẻ con rồi hát ru: “À ơi… à ời… Cái ngủ mày ngủ cho ngoan… Để mẹ đi cấy đồng xa chưa về Bắt được con cá con trê… Thòng cổ mang về cho cái ngủ ăn… À ơi… à ời… à ơi…”

Cụ Bát nhắc tôi chắp tay lại và nhắm mắt vào. Tôi bất giác làm theo. Cô Biền khua khua ba tiếng mõ rồi lầm nhẩm câu gì tôi nghe không rõ. Ngồi chờ hồi lâu vẫn không có động tĩnh gì. Bất chợt cô Biền quất mạnh cây roi xuống nền nhà khiến tôi và cụ Bát giật mình.

– Thế này làm sao mà lên được. – Ánh mắt cô Biền đảo liên hồi. Ngược xuôi. Giận giữ.

Cụ bát lẩy bẩy. Vái liên hồi không biết có chuyện gì.

– Làm gì có tiền đò đâu mà lên.

– Con vẫn đốt vàng mã cho cháu. Nhờ cô xem cho cháu thiếu gì để con gửi thêm.

– Gửi gì mà gửi. Thân cô thế cô. Mỗi lần gửi lắt nhắt, lắt nhắt. Gửi xuống tí nào chúng nó ăn chặn hết rồi. Nó giận lắm, không thích gặp đâu. Giọng cô đanh sắc. Từng câu nhả ra như dao, như lửa. Chỏng lỏn.

– Nhà con phải làm sao mới gặp được cháu?

– Làm một bữa khao chúng sinh. Chuẩn bị tươm tất vào may ra mới mong gặp được.

Cô Biền khua tay một cái, giọng người đàn ông ẻo lả, mặc áo bà ba ngồi bên cạnh hô to. Người khác lên đi. Cụ Bát thất thần xách cái túi đồ ăn hì hục chuẩn bị cả chiều mang về. Buồn rầu, cụ chẳng nói được gì hơn ngoài thở dài.

Thì ra dưới âm cũng có cả thảo khấu.

6.
Từ hôm đó cụ không còn đến tìm tôi, không còn kể cho tôi nghe những giấc mơ cụ gặp được Hứa. Cụ cũng bỏ luôn việc mang đồ thuê cho người ta. Tôi đã nghĩ, thế lại hóa hay. Đôi lần, tôi thấy cụ ở chợ vàng mã. Nhìn ngắm đôi ba bộ quần áo, mũ mã, vuốt ve một hồi, hỏi giá rồi bỏ đi. Mấy người bán hàng lầm bầm, suốt ngày ám quẻ. Lúc thì thấy đi lại vẩn vơ ở cửa điện nhà cô Biền. Cứ quanh quẩn, lầm nhẩm tính toán rồi đăm chiêu.

Và có ai ngờ ngày mẹ tôi ra viện cũng là ngày chợ hàng mã cháy rụi.

Cụ Bát gom hết tiền lẻ của người đi chợ cho vào quán nước đầu làng mua xăng. Xong dốc ngược chai đổ vào đống quần áo cũ của Hứa ôm theo người. Trong đó có cả cái áo thủng ngày Hứa mười bốn tuổi bị trâu húc. Cái áo thấm máu của Hứa và kí ức dai dẳng của tôi.

Mắt cụ long lên, cả đời cụ giây phút này là tỉnh táo nhất. Giật phắt đèn dầu của một nhà đang đóng quần áo, hài, mũ vào túi ni lông châm vào đống quần áo, rồi từ góc chợ chạy vụt ra lao qua các hàng vứt quần áo đang cháy trên tay vào. Cụ hóa vàng chợ hàng mã cho thằng Hứa con cụ. Cụ hóa vàng cả bản thân cụ cho con. Người trần lẫn người âm không ngăn được cụ. Lửa gặp giấy ngùn ngụt bốc, cháy hết chợ lan sang cháy những chùm đèn lồng nhờ nhờ đỏ treo gần đó, cháy về gần tới điện nhà cô Biền.

Tôi chạy ra xem, người ta bảo, cụ Bát ở trong đám cháy. Tôi chỉ hi vọng đừng có chuyện gì xảy ra với cụ. Nhưng điều tôi mong chẳng thể thành sự thật. Người ta tìm thấy xác cụ Bát trong đám tro tàn, đổ nát giữa chợ sau hai ngày tìm kiếm dọn dẹp. Cái xác cháy đen thui, bé cỏn con, nằm co quắp trong đống đổ nát.

Tờ cáo phó được viết vỏn vẹn hai chữ: Cụ Bát.

Người ta không nhớ họ tên đầy đủ của cụ. Càng không biết tuổi. Mẹ tôi cũng không nhớ. Cụ là dân ngụ cư. Đã là ngụ cư còn phá hoại làng xóm. Làm cho cái đám ma, có chỗ chôn thân là may. Trong đám tang, không có một mảnh khăn trắng hay vàng được phát ra. Không có ai đứng bên linh cữu để cảm tạ. Đám tang vẻn vẹn trong một buổi chiều, không kèn trống.

Trở về nhà. Mẹ đang nấu một mâm cơm chay, bắt tôi mang lại ra mộ cụ Bát. Mẹ bảo, phải làm lễ tạ mộ cho cụ khỏi tủi thân. Vò võ có một mình, giờ lại bỏ cụ thì ra làm sao. Tôi không phản đối, không khó chịu như mọi lần mà răm rắp nghe theo.

Trời chiều đang ngả về tây.

Những chuyến đò vẫn tấp nập đón đưa người qua sông Mê.

C.L
Văn nghệ Quân đội

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài