Ngôi nhà nằm khuất sau nhiều cao ốc. Phải hỏi đường mất dăm lần tôi mới tìm được đến nơi có những giàn hoa giấy đúng theo mô tả trên một trang web rao vặt. Người chủ nhà cần tìm một sinh viên để viết hồi ký.

Người già thường ám ảnh về những điều xảy ra trong quá khứ. Ví như, một ông cựu chiến binh đường Láng kể về cái chết của trung đội sau Cuộc tổng tiến công Mậu Thân “sáu tám”. Từng cái tên hiện về, từng địa danh tôi chưa từng nghe qua, kỷ niệm đột nhiên sống dậy… Cái đói khủng khiếp lẩn trốn mấy chục năm đột nhiên nhảy ra từ chỗ khuất nào đó. Ông ôm đầu gào lên, lăn lộn dưới đất như con thú sa bẫy. Cái chết nhảy ra từ từ gõ cửa từng chiếc võng. Mới nhìn nhau cười ngầm động viên nhau cố gắng lúc nhìn lại đã đào đất chôn nhau, cái chết âm ỉ khó khăn hơn ngàn lần cái chết bom đạn. Tập thư lấy ra từ đáy tủ sau hồ sơ, sổ sách, ba-lô và nhiều tấm huân chương. Những lá thư úa mầu vì thời gian, lớp mực nhòe, nét chữ cố thẳng mà vẫn nghiêng ngả. Cả đời ông đi tìm người thân của đồng chí mình để trao lại vài dòng cuối cùng mà không được. Nhà bỏ làng đi, nhà chết hết vì bom đạn. Lúc bà còn sống khuyên ông hãy nghỉ đi. Chiến tranh mà…

 

*


Người mang quân hàm đại tá vẫy chào cuộc đời sau vài hôm nhập viện trong tình trạng hoảng loạn.

Phải bấm chuông đến hai lần mới có người ra mở cửa. Cánh cửa sắt thiếu dầu kêu lên khô khốc, chùm hoa trắng bám vào cánh cửa đứt lìa rơi xuống đất. Ánh mắt người đàn ông chừng sáu mươi tuổi nhìn xoáy lấy tôi không mấy thân thiện.

Ðột nhiên gió thổi qua làm tung tà áo pijama mầu xanh nhạt rộng thùng thình. Mảng da bụng đen sạm có vết sẹo đỏ chạy quanh rốn, rõ ràng khi mặc ông ta không để ý là mình chưa đóng hết cúc. Lấy tay lúng túng cài lại hai cúc áo dưới, dúi cho tôi mẩu giấy nhàu nát rồi ông bước nhanh vào. Tôi chẳng hiểu sao nữa. Lòng chờn chợn, từ thời cha sinh mẹ đẻ đến giờ chẳng gặp ai có vết sẹo quái quỷ thế. Nó tạo thành một vòng tròn ôm trọn lấy cái rốn lồi to như con ốc nhồi. Vẫn tiếng két két thiếu dầu khô khốc, người đàn ông đã đi vào nhà từ lúc nào mà tôi vẫn chưa hoàn hồn. Có cái gì đó ám ảnh, cuốn lấy.

Ðứa em học khóa sau nhờ làm bài tập về biểu tượng học. Nó cứ làm như tôi giỏi lắm không bằng. Giáo dục đại học ở ta, có cố đến mấy, tung vào nhiều vốn đến mấy nhưng nếu không may mắn thì cũng chẳng có gì. Lời ông bán trà đá sau trường vẫn vang lên trong đầu tôi như thế ngay từ những hôm đầu nhập học.

Tấm giấy tôi vẫn để ở trong cặp, nét chữ cứng rắn nhưng linh cảm mách bảo rằng trong nét chữ đó vẫn có gì đó bất ổn. Cái hẹn ba ngày sau quay lại. Nếu con bạn không vội đi nghỉ ở Trung Quốc với anh người yêu hơn hai giáp thì tôi đã trả quách cái công việc này lại cho nó rồi. Ngõ 374 đường Giải Phóng, tìm đến phát hoảng. Trong định nghĩa lâu nay, Hà Nội là phố, là nhà mặt đường, là xe, là ồn ào, chẳng hiểu sao lại có cái góc mà người ta dễ bị lẫn với nông thôn đến thế. Dày đặc các bức tường dẫn vào là đỏ xanh chữ khoan cắt bê-tông và số điện thoại. Vào cái ngõ ấy con người ta dễ nhầm mình đang đi vào mê cung. Vài khuôn mặt u buồn dắt nhau qua lại, vài tiếng nói rất khẽ, bước đi rất nhẹ. Ngôi nhà tôi đến cũng không khác gì các ngôi nhà khác. Lối kiến trúc Hà Nội sau giải phóng, ảnh hưởng bởi quá trình tản cư với sân, vườn, giàn hoa, bàn uống nước, thêm bàn thờ lộ thiên. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở ngoài đường cách xa ba cây số ngoằn ngoèo.

Giờ đây tôi đang ngồi đối diện với người đàn ông mà ba hôm trước từng sợ hãi. Cái dáng nhỏ thó lấp không đầy chiếc ghế xỉn mầu thời gian. Giọt nước mắt lăn nhanh, vội, nóng. Nó lan nhanh từ ông ta sang tôi, mắt có gì đấy cay cay, đây là lần đầu tiên tôi thấy đàn ông khóc. Một người xấp xỉ tuổi bố tôi ở quê, xấp xỉ vị mang quân hàm đại tá. Nhưng ông ta không khóc mà ông ta gào, cả đời ông ta khóc đủ rồi. Phút cuối đời ông còn cố gọi tên ai đó. Anh con cả ở cùng nhà trong một lần gặp tôi trên Bờ Hồ kể thế.

Ðắn đo mãi cuối cùng tôi cũng quay trở lại căn nhà có người đàn ông mặc pijama xanh nhạt. Có điều gì đó khó diễn giải thúc giục tôi phải đúng hẹn. Và cũng chẳng rõ làm cách nào tôi có mặt ở ngôi nhà những giàn hoa giấy một cách chóng vánh mà không cần hỏi đường. Ngôi nhà như in hằn vào bộ não. Giàn hoa giấy rụng nhiều cánh trắng, giờ tôi mới để ý giàn hoa chỉ có hoa trắng mà tuyệt nhiên không một cánh hồng.

Người đàn ông có vẻ hốc hác hơn lần gặp trước. Ðôi mắt trũng sâu, râu ria mọc tua tủa, dáng đi cà nhắc. Giờ tôi mới để ý thấy là ông ta bị tật ở chân trái. Trên mục rao vặt thấy đề tên ông ta là Phạm Hối. Cái tên mang nhiều ý nghĩa. Số điện thoại tôi gọi mấy lần đều không liên lạc được. Thường thì trong mỗi lần đi viết thuê thế này tôi đều chuẩn bị một số thứ mà người thuê yêu cầu. Khi thì đọc trước quyển thơ, quyển truyện mà người ta yêu thích để cần thì trích dẫn. Lúc lại là tìm hiểu sự kiện lịch sử mà họ từng tham gia để viết cho sát thực tế. Cũng chẳng to tát gì, nhưng đó là kinh nghiệm bất thành văn mà bất cứ ai bước vào nghề đều phải biết.

Cửa hé, căn nhà trống hoác, tối om. Thứ ánh sáng duy nhất tồn tại là chiếc bóng đèn dây tóc đỏ lòm gắn lơ lửng trên trần. Cửa sổ bị bịt kín bởi nhiều vỏ bao xi-măng. Tất cả gợi nhớ đến một ngôi nhà hoang hơn là có người ở. Tôi thấy ớn lạnh.

Như đoán được suy nghĩ của tôi, chủ nhà lặng lẽ đi lại mở tung hai cửa sổ và cửa chính. Bụi từ hai chiếc cửa lâu ngày được mở bay tứ tung. Ngôi nhà bừng sáng lên. Bàn tay phụ nữ chắc lâu rồi không xuất hiện nơi đây. Hai chiếc ghế sa-lông để khuất trong góc, không có bàn. Gần giữa trưa mặt trời mới lên, nắng xua tan hơi lạnh hắt dần những tia mỏng vào phòng. Chiếc bóng mờ của ông in hằn xuống ghế. Im lặng.

*

Trích hồi ký của một đại tá:

“…Tết vẫn còn ngậm lại chút dư vị bởi hoa mai trên cành vẫn chưa tàn. Trung đội chúng tôi bị mắc kẹt lại trong rừng. Phía trước là đồn kiểm soát giặc mới dựng lên để ngăn chặn tiếp tế. Phía sau là núi, bạt ngàn núi. Thật là tiến thoái lưỡng nan…

Lương thực cạn dần. Ngay nước cũng không đủ uống. Hứng từ hốc đá cả ngày cũng chỉ được tráng đáy bình tông thứ nước đục nhờ, đậm đặc mùi hóa chất. Mấy hôm nay giặc quần dữ quá, máy bay bay trên đầu cả ngày lẫn đêm. Ðói lả. Ðến cả giấc ngủ cũng không trọn. Chúng thả cả chất độc hóa học và thuốc diệt cỏ làm chết hết cây rừng. Chỉ ước được một bữa rau tầu bay thỏa thuê…

Thằng Tín ra đi đầu tiên. Sốt rét rừng quật nó không gượng dậy được, thân héo xanh như tàu lá. Anh em vùi nó xuống mảnh đất gần suối. Con suối cạn gồng lên tiễn nó về với đất. Lúc hấp hối mắt nó vẫn nhìn đằm đằm về hướng bắc. Ở ngoài kia mẹ nó, vợ nó, con nó vẫn đợi. Nó mới nhận được thư nhà hồi đầu chiến dịch, vui là thế…

Thằng Hội đi tìm rau bị thám báo giết. Xác nó ở chỗ nào không rõ. Anh em cố chia nhau đi tìm. Nhưng tìm sao được, còn sức nữa đâu. Ðành để thân nó tự cháy rực dưới bom đạn này thôi. Thằng Huân đi cùng may mắn chạy về được cứ di súng vào đầu mình đòi tự sát theo…

Thằng Tâm, thằng Thanh, thằng Hải, thằng Hùng,… vẫn nằm đợi về cùng thằng Tín và Hội. Mọi người viết sẵn di chúc cho mình, viết thư về cho gia đình, cho người yêu. Những lá thư được gom lại treo lên thân cây to nhất. Thằng Huân đòi cắt chân mình cho mọi người ăn. Không ai đồng ý. Nó là thằng trẻ nhất người Hà Nội…

Chỉ mong ai đó sống để đem những lá thư này ra Bắc. Chiếc võng dù đã không còn đung đưa. Anh em chẳng còn sức mà chôn nhau nữa. Thần chết lởn vởn soi vào mặt từng người. Những khuôn mặt trẻ măng đầy sức sống mà giờ đành lấy luôn võng làm quan tài cho mình…

Mầu đỏ quạch của vài chiếc lá lưa thưa còn sót lại trên cành. Mầu xanh nõn da người. Mầu xanh bàng bạc áo lính, võng dù. Mầu xanh ngắt của da trời. Mầu đen của AK. Mầu xam xám của đất.

Mùi thuốc súng. Mùi hóa học. Mùi xác chết. Mùi nhớ thương. Mùi thức ăn bay lởn vởn trong trí tưởng tượng.

Kinh thành Huế xa lắm với những người con đất Bắc.

*

Tôi đã in lại cái này của cô trên mạng… Tôi ở đó, cô hiểu không? … Có thể cô không hiểu nhưng tôi đã trốn… Tôi là một thằng hèn… Một thằng hèn không hơn không kém…

Người đàn ông khóc, gục mặt xuống sa-lông. Ở phía đối diện tôi vẫn quan sát và nghe ông ta nói. Chắc nhiều năm qua ông vẫn ngồi như thế, tự chất vấn cái khoảng không trước mình. Tự chất vấn quá khứ của mình. Nắng đã rọi kín căn phòng hẹp. Người đại tá cũng may mắn sống trở về. Ông Hối cũng sống trở về. Hai con người ở hai chiến tuyến.

Ông ta chỉ có duy nhất một yêu cầu là ngồi nghe ông ta nói, lúc nào chán thì lấy tiền trên cửa sổ ra về chứ không phải ghi chép gì cả. Cuốn hồi ký của vị đại tá ở đường Láng tôi đưa lên mạng cách đây vài tháng là đã đủ cho ông.

*

Tôi đã bàn giao lại công việc viết hồi ký cho bạn. Rồi tự động gỡ những bài hồi ký viết thuê ở trên blog xuống. Tôi sợ những mảnh đời đã quên lại vô tình gặp nhau.

Ðứa em gọi điện thoại giục làm nhanh hộ bài biểu tượng học. Vết sẹo tròn nơi bụng người đàn ông ngõ 374 chợt hiện về.