(Đọc Mùa hạ mưa về của Trần Minh Tạo, Nxb Văn hóa – Văn nghệ TPHCM, 2017)

Thơ là kí ức mà ta đã cảm thấy và hình dung ra. Giống như cơn gió mát thổi qua hay hương hoa thoảng lại. Đáng tiếc là, ta không thể đưa tay ra nắm lấy. Nhưng may thay, thơ lại mở ra những cái nhìn đa chiều, mà ở đó những tưởng tượng là không giới hạn. Giống như việc tôi đã nhìn thấy người nhóm lửa trong mưa qua tập thơ Mùa hạ mưa về của Trần Minh Tạo.

Những hình ảnh mang đậm hồi ức nhưng không mất đi vẻ sinh động như thơ vốn diễn đạt cứ lần lượt hiện lên hay thi thoảng trở đi trở lại đã tạo nên một cơn mưa kí ức. Nhưng trong cơn mưa này người đọc có thể thấy được sự hiện hữu âm thầm, nhen nhóm của lửa. Đốm lửa ấy không bùng lên dữ dội để thiêu cháy mọi thứ mà nó đi qua nhưng đủ bền bỉ, dai dẳng để thắp sáng, sưởi ấm hay ít ra là để người đọc thấy được nó không hề mất đi trong con người thơ Trần Minh Tạo, để từ đó, mọi vẻ đẹp hiện ra cùng lúc với niềm nuối tiếc, những mất mát như mặt bên kia của trang giấy niềm vui Vọng về bao chớp lửa ầm ì chui ra từ kẽ hang kí ức xa xôi. Sự đồng hiện vốn không phải là khám phá mới mẻ trong nghệ thuật nhưng cái mà người đọc quan tâm sẽ là khả năng tồn tại của nó hay người viết sử dụng nó như thế nào. Ai đó nói, cuộc sống là một sự đồng hiện kì vĩ, tinh vi, nghiệt ngã và cũng là hạnh phúc. Còn Trần Minh Tạo viết: Phút trả nợ người là phút lại vay thêm.

Đọc thơ là đối diện với tâm hồn người viết và đối thoại với một con người – hoàn toàn thực thà, thánh thiện, có chăng là anh ta chỉ đang diễn đạt bằng ngôn ngữ và cách hiểu của riêng mình. Vấn đề còn lại là, liệu bạn có hiểu được anh ta không? Mỗi sáng mở mail/ gặp một dòng sông lặng lẽ mênh mông chảy qua trước mắt/ ngắm hoài/ không biết nó đang cất giấu điều gì bên dưới làn nước biếc xanh ngọt ngào đắm đuối kia/ rồi sờ sợ/ vì nhận ra đáy sông sâu quá/ cùng nhận ra những âm thanh thầm thì bên tai không phải là tiếng sóng/ chỉ là những vọng âm từ hố thẳm trái tim mình. Đọc những câu thơ này của Trần Minh Tạo, cảm giác bị choán ngợp bởi một dòng sông khác, dòng sông mà nhà thơ đã tạo ra.

Là cây bút nhiều thể nghiệm, Trần Minh Tạo có lúc hồn nhiên đến xa xăm. Như thể một cơn mưa rào ào đến làm mát mùa hè nóng nực và làm hồi sinh một điều gì tưởng đã không còn: Một lũ trẻ con trong mưa rơi trần truồng/ chúng reo vui/ chúng giỡn đùa/ trông thích quá. Để rồi soi vào những trong trẻo ấy, nhà thơ nhận ra mình, ta đứa bé ngày nào bị thoái hóa lâu năm. Thế nên, mới có những khắc khoải về thời gian: Tuổi ba mươi con nắng quá nửa ngày/ những dòng kênh chảy hoài qua nuối tiếc.

Và có thể, khi đã trải qua những cơn mưa cuộc đời với sự được mất và chiêm nghiệm nên ta lại gặp một Trần Minh Tạo trong cõi Phật, tưởng mênh mông, hư ảo mà lại trở nên rất đời, rất thực:Tự ta đốt nhang/ tự ta quỳ giữa thiêng liêng/ ta là Phật/ ta đâu cần tìm Phật/ giữa cõi vô thường chợt hiện điều mãi thật: – Ta vẫn yêu hoài dẫu sắc sắc không không… Tôi chợt nhớ đến câu chuyện thiền sư Viên Chứng nói với vua Trần Thái Tông khi xưa: “Sơn bản vô Phật, duy tồn hồ tâm”.

Cõi thơ của mỗi người được định hình bằng ngôn từ nghệ thuật mà người viết tạo nên và được nuôi dưỡng bởi cảm xúc. Hình hài của thơ chính là điều mà người đọc còn ghi nhớ lại. Như việc đọc thơ Trần Minh Tạo là tôi lại hình dung ra người nhóm lửa trong mưa, chẳng hạn.

NGUYỄN THỊ KIM NHUNG
 chọn và giới thiệu

Những người sẵn sàng nhảy ra khỏi dòng thời gian

Ánh mắt nắng
tóc xõa chiều
thẳng tắp hàng hàng lớp lớp những ngôi nhà phố
đóng chặt lạnh lùng bao cánh cửa bia mộ
bên trong là bên kia dòng thời gian

Tôi đứng thẳng người làm một nén nhang
có sợi khói cong cong vẽ lờ mờ hình tiền duyên trận địa địch
có sợi khói tản nhanh ra thành nhiều mũi đột kích
có sợi khói la đà úp mặt bao đồng đội tôi nằm vắt vẻo trên đất nâu

Đằng sau cánh cửa bia mộ kia là đâu?
sẵn sàng nhảy ra khỏi dòng thời gian là những người lính
bỏ trọn lại sau lưng lớp vỏ thi thể lặng nín
lớp vỏ chảy tuôn hết máu trắng dờ
cú nhảy gãy thủng lỗ chỗ cả thịt xương

Trước mặt cánh cửa bia mộ là quê hương
tất cả có đang còn bình yên trôi, bình yên trôi lặng lẽ?
không tìm được nơi đâu có một ngõ rẽ
để các anh có thể cầm súng trở về hay tôi tới thăm

Cánh cửa bia mộ đóng kín âm âm
không ai có thể thấy được gì bên kia dòng thời gian đó
nhưng có một điều tôi luôn tin mình biết rõ
còn sâu thẳm nơi mỗi người dòng máu đỏ ứa nơi tim.

Giấc mơ của chiếc lá đang rơi

Lặng lẽ rơi về dòng suối trong xanh
từng chiếc lá nhớ thương chìm xuống mắt em từ vầng trăng xẻ nửa
mang theo vòng tay chưa nồng ấm lửa
nụ hôn tận cùng chỉ một phía trao nhau

Chiều kín không gian nệm tóc rối nhàu
giữa ôm ấp rơi chút buồn nơi đáy sóng
bầu ngực tròn căng ngủ sau làn vải mỏng
có sợi nắng cuối chiều vừa giết một hoàng hôn

Côi cút bên nhau lạnh khuyết cả linh hồn
chiều đã cạn chưa chìm môi trong mắt
đôi tay thức giữa mùa yêu níu chặt
nửa miếng ngọt ngào nửa còn lại giấu sau tim

Quá lứa yêu đương vẫn mải miết đi tìm
sông vẫn chảy phơi trắng niềm bờ bãi
thèm nằm chết giữa mát râm hồn con gái
nghe êm đềm da thịt hát ru anh.

Mưa mùa hạ

Nửa chiều bất chợt mưa tuôn
vạt đất cày ngày xưa đã vỡ
có con dế lửa dế than chui ra từ nỗi nhớ
mài cánh gáy vang vang gọi lá úa rơi nhiều

mưa đổ nhớ thương về ôi trắng xóa biết bao nhiêu
cây cầu khỉ chông chênh đâu còn nữa
xuồng neo bến ông trăng cười trước cửa
xanh biếc đất trời hoa sậy vẫy tay nhau

Mưa mùa hạ đi ra từ hương cau
hun hút sông trôi
ngậm ngùi bãi vắng
ngôi nhà lá trống trơn cúi mặt ngồi lẳng lặng
dấu chân xưa mất hút tự bao giờ

Mưa mùa hạ trở về sủi bong bóng tuổi thơ
từng bong bóng vẫn tìm nhau hối hả
mới đó thôi mà bóng chim tăm cá
bạc cả hồn rồi mưa mùa hạ của ta ơi.

Văn nghệ Quân đội

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài