Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ lần đầu tiên gặp nhà thơ Vũ Từ Trang tại nhà riêng của ông ở số 6 phố Nguyễn Cao (Hà Nội). Gọi là nhà riêng cho oách, chứ diện tích của nó chỉ vỏn vẹn 5m2 và bề ngang của nó hẹp đến nỗi mà mỗi khi mặc áo phải thò tay ra ngoài cửa sổ…
Thời điểm ấy, năm 1978, cuốn tiểu thuyết “Miền đất đợi chờ” của ông mới được ấn hành qua Nhà xuất bản Thanh niên, được trả nhuận bút 1.650 đồng và ông mua ngôi nhà này hết 1.550 đồng (chủ trước là nhà thơ Nguyễn Phan Hách). Theo lời ông nói: “Còn 100 đồng, để lại để chiêu đãi ăn uống với bạn bè, cũng đủ “nhòe” rồi”.
Ông bảo: “Vào thời điểm đầy rẫy khó khăn, được như thế cũng là may mắn lắm rồi. Dẫu sao thì cũng có chỗ “chui ra chui vào” và có chỗ để bạn bè tá túc chốc lát, giải tỏa những cơn khát văn chương cho qua ngày đoạn tháng”.
Chỗ ở thì hẹp vậy, nhưng tấm lòng của ông lại rộng. Tại đây, có nhiều nhà thơ đã ghé thăm, như: Tạ Vũ, Trúc Thông, Mã Giang Lân, Trúc Cương, Thanh Tùng, Đào Cảng, Nguyễn Tùng Linh… Vẫn theo lời ông: “Rất cảm kích. Có người vóc dáng to như con voi là Quang Dũng, nhỏ như con thỏ là Ngô Quân Miện, tuổi đời bậc cha chú, quý tôi, từng đi bộ tới thăm tôi. Có những nhà thơ cùng trang lứa, thỉnh thoảng vẫn ghé qua nhà tôi bất kể lúc nào. Quấy quả nhau, mà không cảm thấy khó chịu, vẫn thấy đáng yêu như thường. Có người hay đến xin tiền để uống rượu. Có người hay đến để đọc thơ cho tôi nghe”.
Tôi nhớ tại “tệ xá” ấy, ông đã đọc cho chúng tôi nghe bài thơ “Trăng Phồn Xương” thật ấn tượng của ông vừa mới đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Sau này, trước khi được in ở nhiều tuyển tập, trong đó có tuyển tập “Thơ Việt Nam thế kỷ 20” (thơ trữ tình), “Trăng Phồn Xương” đã được nhận tặng thưởng thơ Báo Nhân Dân năm 1978.
Đọc “Trăng Phồn Xương” mới thấy cái hiện thực trăng của mỗi người, ở từng khoảnh khắc rất khác nhau và nó là hiện thực riêng theo cách cảm của Vũ Từ Trang, lúc giống như “như một bát máu thề”, lúc giống như “ánh mắt dân quân gái” vậy.
Vẫn là vầng trăng ấy, nhưng vào thời điểm ở đại bản doanh của nghĩa quân Đề Thám chống Pháp thì:
Ấy là đêm trăng thành Phồn Xương
Đồi tung bụi lốc, cây ngả nghiêng
Giáo mác lập lòe dựng bên suối
Mây trời vần vụ, trăng đỏ ối
Mặt trăng như một bát máu thề…
Còn vào thời điểm “chống Mỹ cứu nước” lại khác:
Ấy là đêm trăng thành Phồn Xương
Trai làng gái làng đất Nhã Nam
Súng đón máy bay giặc bổ kích
Bao đạn bên sườn va lách cách
Vàng ươm mấy chiếc mũ rơm tròn
Hoa dẻ rừng thơm mái tóc ướt
Và trăng đêm ấy khi hiện khuất
Trăng như ánh mắt gái dân quân…
Sinh thời, nhà thơ Anh Vũ đã bình “Trăng Phồn Xương”: “Thể hành cổ điển nhập vào bài thơ thật tự nhiên. Thoạt tiên như lời kể, bất chợt cảnh gần lại hóa thực, thoáng lúc nào không biết, cảnh bỗng xa đi vời vợi rồi lại êm ả về hiện tại tràn đầy cảm xúc. Trong một đêm trăng mà thấy hiển hiện bao nhiêu đêm trăng khác trong lịch sử.
Địa danh Phần Xương – đại bản doanh của nghĩa quân Đề Thám chống Pháp xâm lược – nơi đó còn ấm nóng bao dấu vết di tích của một thời oanh liệt khi các nghĩa quân từ bốn phương tụ hội, son sắt một lời huyết thệ, khi đó mặt trăng thật dữ dội. Cũng ở nơi ấy, thời gian chống Mỹ sau này, vầng trăng trong trẻo trở lại trong những ý tình trẻ trung của thế hệ thanh niên ngẩng cao đầu đánh giặc giữ nước…”.
Mới đấy mà đã ngót nghét 40 năm rồi, thời gian gần đủ để hai thế hệ mới sinh thành. Ngẫm mới thấy thời gian đi tựa tên bay là vậy!
Thời điểm ấy, Vũ Từ Trang đang tại chức ở tờ báo Tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp có trụ sở ở số nhà 80 phố Hàng Gai (Hà Nội) và cả đời, ông có đến 20 năm chỉ làm phóng viên ở đấy cho đến lúc nghỉ hưu.
Như để bù lại cái thân phận nhỏ của mình ở tờ báo nhỏ, Vũ Từ Trang đã làm được những việc không nhỏ. Ngoài việc làm tin, viết bài, biên tập tin, bài…, ông đã bỏ ra khá nhiều tâm sức để viết những cuốn sách khảo cứu có giá trị về các nghề thủ công truyền thống, như “Nghề đẹp tỉnh Bắc” (1982), “Nghề cổ nước Việt” (2001, 2002)… Rồi cũng rất có thể do đi nhiều, nghĩ nhiều, tích lũy được nhiều kiến thức và kinh nghiệm về “nghề cổ” mà sau này, Vũ Từ Trang có thêm “hành trang” để gắn với nghề sản xuất và kinh doanh đồ gỗ truyền thống tương đối thành đạt chăng?
Mấy chục năm gắn bó với nghiệp viết, Vũ Từ Trang tập trung ở 3 mảng sách: Khảo cứu, thơ và chân dung văn học. Trong số này, thơ là cái nghiệp chính của ông. Còn mảng sách chân dung văn học lại là thế mạnh của ông.
Qua hai cuốn: “Phía sau con chữ” (2007) và “Nhà văn độc hành, độc bộ” (2013), nhiều nhà văn, nhà thơ đã được ông khắc họa và phục hiện rất sinh động, độc đáo. Đó là những Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Bản, Lê Bầu, Hoài Anh, Lưu Quang Vũ, Trúc Cương, Nghiêm Đa Văn, Đào Ngọc Vĩnh, Đào Cảng… trong đó có những người rất dễ, rất có thể đã bị làng văn, làng thơ quên lãng như Phương Thúy, Tuân Nguyễn, Nguyễn Ngọc Ly, Nguyễn Lâm (tức “Lâm râu”)…
Cái cảm giác cúi xuống (hoặc nghiêng về, thiên về, hướng tới) những phận người (những văn nghệ sĩ) cô lẻ làm xuất phát điểm khi đặt bút viết hai cuốn sách này trong ông là rất rõ. Và chính ông chứ không phải ai khác đã làm sống lại những khuôn mặt, những tính cách và cả một thời, họ đã sống và hết mình với văn chương qua những chi tiết sống thật tuy gần gũi, đời thường nhưng lại có những điểm khác lạ.
Có người hỏi ông “Sao không viết về những người nổi tiếng để nổi tiếng theo?”. Ông tâm sự: “Tôi không chủ trương thế! Chỉ tập trung viết về những cuộc đời, những thân phận khuất lấp, lận đận, long đong, trắc trở… thôi! Vì thời trẻ, tôi cũng nhiều long đong, lận đận… nên tôi dễ đồng cảm và có nhiều điều để suy ngẫm mà viết!”.
Có thể nói không quá rằng: Những cuốn sách ở dạng chân dung văn học, ở một chừng mực đáng kể, có thể coi là những bộ sưu tập, ghi chép tỉ mỉ, sống động về những người cùng thời một đi không trở lại của Vũ Từ Trang.
Vũ Từ Trang có vẻ không có duyên với các giải thưởng văn học. Năm 1999 và năm 2007, tập thơ “Ngược dốc” và tập chân dung văn học “Phía sau con chữ” của ông chỉ lọt đến vòng chung khảo giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn mà thôi. Mặc dầu vậy, ông cũng không vì thế mà buồn. Ông bảo: “Mình sinh ra để viết và viết cũng là nhu cầu tự thân của mình, như là đi, như là thở, như là sống vậy. Còn thành quả và giá trị của sự viết đến đâu, cứ để độc giả và bạn bè cùng giới đánh giá dài dài. Người ta còn quan tâm đến tác phẩm của mình, chia sẻ với mình qua tác phẩm của mình, dù ít hay nhiều, cũng là hạnh phúc của người cầm bút”.
Khi suy nghĩ về nghề văn, Vũ Từ Trang viết: “Làm thơ là cuộc hành trình đi tìm cái đẹp. Cuộc hành trình ngày càng thăm thẳm và mênh mông. Tôi rất trọng những người khó tính và quyết liệt trên cuộc tìm kiếm này”. Có vẻ như ở tuổi cận kề thất thập, Vũ Từ Trang vẫn đang tìm kiếm không ngừng và vẫn trọng sự “khó tính”, “quyết liệt” trong cái “thăm thẳm và mênh mông” của “cái đẹp”.
Theo Đặng Huy Giang – Văn nghệ công an