Báo chí và văn học có nhiều điểm khác biệt. Thế nhưng khi khai thác đề tài về người nghèo và nông dân thì có một điểm chung là mang trong mình tính thời sự và luôn được độc giả đón nhận.


Vì sao là đề tài không cũ

Người nghèo ở đâu cũng có, xét về mặt thời gian và không gian.

Người nghèo bị tác động mạnh nhất trong mọi biến đổi của xã hội kéo theo những bi kịch mang tính đương thời. Nói như vậy không có nghĩa người giàu không có bi kịch, nhưng đó không phải là đối tượng ảnh hưởng trực tiếp, điển hình của những biến động, thay đổi của xã hội.

Người nghèo bao gồm nhiều tầng lớp, trong đó có cả trí thức, nông dân…

Nói về người nông dân, nhà thơ Trần Đăng Khoa có một nhận định khá thú vị: “Nông dân thời nào cũng rất khổ. Hình như họ sinh ra để khổ. Có cho sướng cũng không sướng được. Có phủ lên vai họ tấm áo bào lộng lẫy của vua thì họ cũng không thể thành được ông vua. Họ có sức chịu đựng gian khổ đến vô tận. Nhưng mất hoàn toàn thói quen để làm một người sung sướng. Thế mới khổ. Họ khổ đến mức không còn biết là mình khổ nữa. Người nông dân ta dường như không có thói quen so sánh mình với người dân ở các nước tiên tiến, cũng như người dân đô thị. Họ chỉ so mình với chính mình thời tăm tối thôi. Và thế là thấy sướng quá”.

Với một đất nước thuần nông như Việt Nam, trừ những người nông dân đã phần nào “lột xác” để trở thành tầng lớp khác, còn lại nông dân thuần tuý hiện nay không phải không có người giàu trên chính mảnh đất của mình. Nhưng so với các giai tầng trong xã hội, họ vẫn là những người có thu nhập thấp, nghèo khổ hơn cả.

Nông thôn, nông dân đã và đang tồn tại nhiều vấn đề đáng quan tâm chú ý. Bên cạnh cái đẹp, văn hoá truyền thống… còn có hủ tục lạc hậu, phong tục tập quán địa phương, rồi đô thị hoá… giữa cái còn và cái mất lại nảy sinh vấn đề mới và tạo nên những mâu thuẫn mới. Vì thế tính thời sự luôn luôn hiện diện trong từng biến đổi, biến cố lớn nhỏ.

Nhìn lại những tác phẩm văn học viết về người nghèo và người nông dân có thể kể đến các tác giả như Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Phạm Duy Tốn, Hồ Biểu Chánh, Vũ Trọng Phụng, Kim Lân, Lê Lựu, Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Hữu Nhàn, Tạ Duy Anh, Nguyễn Ngọc Tư… Nói một cách không quá rằng, với mỗi nhà văn, tác phẩm “để đời”, được độc giả nhớ đến nhất cũng như đóng góp cho nền văn học nghệ thuật nước nhà đều là tác phẩm viết về người nghèo và người nông dân.

Có nhiều nhà văn, nhà thơ tâm sự rằng, viết về người nghèo, người nông dân như một lẽ tự nhiên, thân thuộc từ bản thân mình. Bởi con người, cuộc sống của người nghèo, người nông dân đã ăn sâu vào máu của họ. Nói một cách sâu xa thì quê hương với những người nông dân mộc mạc, hồn hậu, chất phác là gốc rễ, cội nguồn của đa số chúng ta.

Người nông dân có thể thay đổi vị thế của mình, trở thành tầng lớp khác với vị thế khác, nhưng không ai dám chắc một nguy cơ có thể xảy ra với tất cả chúng ta, đó là nguy cơ trở thành người nghèo. Với tác động chủ quan và cả khách quan, xuất phát từ con người đến tự nhiên thì bất kể một ai cũng rất dễ bị đẩy đến bức tường của người nghèo.

Ngòi bút đứng về phía người nghèo, người nông dân là đứng về lương tri. Bởi họ là những người “thấp cổ bé họng” cả về nghĩ đen lẫn nghĩa bóng. Bênh vực, lên tiếng, bảo vệ người nghèo, người nông dân cũng một phần là trách nhiệm của người cầm bút.

Hiện thực báo chí là bệ phóng cảm hứng cho văn chương

Nếu như trước đây, khi báo chí còn chưa phát triển rầm rộ như hiện nay thì những vấn đề của người nghèo, của nông dân mang tính điển hình, có ảnh hưởng lớn đến xã hội lại được phản ánh trước tiên trong văn học. Cho đến nay, những nhân vật của văn học vẫn còn tồn tại trong xã hội đương thời. Và dường như, các vấn đề được đặt ra trong tác phẩm văn học như Mảnh đất lắm người nhiều ma, Những bài học nông thôn, Thời xa vắng, Cánh đồng bất tận… vẫn chưa hề cũ. Độc giả tiếp nhận văn học để quay ngược thời gian tìm hiểu thực tế.

Nhìn lại hiện thực ngồn ngộn của ngày hôm nay, thì báo chí đang đi trước văn học. Báo chí đang khẳng định đúng chức năng, nhiệm vụ của mình khi phản ánh, phát hiện những vấn đề của người nghèo và nông dân. Tuy nhiên, không ít người đã đặt ra câu hỏi, tại sao hiện thực đầy “vấn đề”, cảm hứng mà chưa thấy các nhà văn nhào nặn thành tác phẩm?

Những vụ việc như Đoàn Văn Vươn, Văn Giang, những làng giặt túi bóng, làng nhặt rác với đồng tiền ít ỏi mà tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật không lường… rồi hiện tượng người phố về quê xây biệt thự hưởng thụ, còn người quê lại dật dờ lên phố kiếm sống, công nhân khu công nghiệp làm thêm đến kiệt cùng giấc ngủ vẫn không đủ nuôi mình, nuôi con… mảng hiện thực muôn màu này tác động trực tiếp, ngay lập tức đến báo chí. Và chắc chắn nó sẽ là cảm hứng để nhà văn thai nghén tác phẩm.

Nhà văn khác nhà báo về mặt thời gian sinh hạ tác phẩm. Khó mà đòi hỏi hay ấn định trong khoảng thời gian ngắn nhà văn sẽ có tác phẩm về những vấn đề vừa mới xảy ra. Nhưng nếu hiện thực đã được nhà văn sử dụng làm chất liệu và thành công thì sẽ có sức sống lâu bề hơn báo chí.

Đề tài về người nghèo và nông dân trong văn học hình như đang có sự thay đổi nhất là với các cây bút trẻ. Họ viết về nông thôn thường thấy ở dạng tản văn kiểu “thương nhớ đồng quê” trong cô đơn, hoài niệm… Dài hơi hơn như truyện ngắn, tiểu thuyết thì còn quá ít và càng ngày càng ít hơn. Chỉ có những cây bút trẻ đã và đang sống ở chính mảnh đất quê hương mình vẫn tiếp tục khai phá. Lý do là các cây bút trẻ sống nông thôn nhưng lại học tập và lập nghiệp ở đô thị. Cuộc sống đô thị đã tác động mạnh mẽ đến trang viết của các cây bút trẻ. Họ thường viết về cái tôi, về chính cuộc sống đô thị với quá nhiều thay đổi, mới lạ và cũng không ít bon chen, mệt mỏi. Bên cạnh đó không ít cây bút trẻ chạy theo trào lưu văn học ăn khách như đồng tính, 3S (sốc, sến, sex)… Người nghèo đô thị là mảng được đề cập đến, được khắc hoạ sinh động, phong phú trong tác phẩm. Còn mảng văn học về nông thôn, nông dân vẫn là sở trường của những nhà văn có tên tuổi, từng dành nhiều trang viết cho đề tài này và còn thấy mình mắc nợ, đau đáu. Cách đây chưa lâu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hội Nhà văn xét trao tặng các tác phẩm về đề tài tam nông thì đa số các tác giả đoạt giải đều là những tên tuổi của làng văn.

Cùng một hiện thực xã hội giữa nhà văn và nhà báo còn có sự “phân chia ngầm”. Không kể sự phân chia thời gian cho tác phẩm mà còn cả phân chia tuổi tác. Khi báo chí ưu ái cho người trẻ, nhanh nhạy hơn thì sự chín chắn lại dành cho nhà văn thời gian nghiền ngẫm.

Nhà văn Y Ban trong một cuộc trò chuyện đã nói rằng, vốn sống của mỗi nhà văn tích luỹ không ở đâu xa, nó ở ngay hiện thực của cuộc sống. Hiện thực cuộc sống là cảm hứng bất tận cho người cầm bút. Và hiện thực cuộc sống bất luận thế nào, tốt – xấu, hay – dở, công bằng – bất công… luôn cần sự hiện diện ngòi bút của nhà báo và nhà văn.

Sự song hành của báo chí và văn chương trong mảng đề tài người nghèo và nông dân luôn chứa đựng trong mình cái căn bản của đời sống, cái mới thời đại. Vì thế, nó sẽ là đề tài không bao giờ cũ. Chỉ có điều, sức khái quát và tác động đến đâu lại phụ thuộc vào cái nhìn, ngòi bút tâm huyết ở mỗi người.

Nguồn: vanhocquenha.vn