Nhà văn Nguyễn Xuân Hưng, Giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn có ý định lý giải sự phát triển lịch sử tư tưởng người Việt thời trung đại thông qua bộ tiểu thuyết “Bình minh Đại Việt” gồm 3 tập, đã xuất bản 2 tập “Hoa Lư”, “Thảo Đường”. Chúng tôi có buổi trao đổi cùng nhà văn về vấn đề này.
– Truyện ngắn và các tiểu thuyết trước của Nguyễn Xuân Hưng nói những chuyện quanh ta, của chúng ta, của thời đại… Bất ngờ rẽ lối sang tiểu thuyết lịch sử (lại khá dài hơi), có lẽ nhà văn đã tìm thấy những tư tưởng hay triết lý của người xưa vẫn còn đang “hầm hập” hơi thở thời đại?
+ Tôi tiếp tục viết truyện ngắn và tiểu thuyết về đề tài hiện đại. Nhưng vẫn hứng thú với đề tài lịch sử. Từ tiểu thuyết “An Lạc dưới trời” (về thời kỳ Nguyễn Hoàng mở đất phương Nam) được giải tiểu thuyết của Hội Nhà văn cách đây khoảng 10 năm, tôi có một số tiểu thuyết khác: “Bản năng nháp” (về thời Trần Dụ Tông), “Núi sáng” (về thời kỳ 1941-1945), rồi đến “Hoa Lư”, “Thảo Đường”. Lịch sử vốn tự thân chuyển tải các bài học. Lịch sử nước ta bấy lâu phổ biến các sự kiện chính trị, mà ít đề cập đến văn hóa, tư tưởng. Đó là thử thách của người viết.
– Bộ tiểu thuyết “Bình minh Đại Việt” gồm 3 tập: “Hoa Lư”, “Thảo Đường”, “Trúc Lâm” đã ra mắt tập đến tập thứ hai, “Thảo Đường”. Nhà văn có thể cho biết những tư tưởng chính muốn chuyển tải qua bộ tiểu thuyết này?
+ Tôi có ý định viết một bộ tiểu thuyết, mà qua đó, người đọc có thể thấy được sự phát triển lịch sử tư tưởng của người Việt thời trung đại. Muốn vậy, phải mổ xẻ lịch sử văn hóa, trong đó yếu tố quan trọng chi phối đời sống con người thời trung cổ là đức tin tôn giáo. Ở Việt Nam, lịch sử Phật giáo đồng hành cùng với lịch sử dân tộc. Muốn nghiên cứu đời sống xã hội, nhất thiết không thể bỏ qua sức sống của Phật giáo, trong sự tương tác của Nho, Lão và đạo Mẫu bản địa.
Có nhiều tác giả chọn cách tiếp cận lịch sử để tiểu thuyết hóa trên cơ sở lịch sử chính trị, sự hình thành và phát triển của nhà nước phong kiến, nhưng theo tôi, trong cách tiếp cận đó, lịch sử các vương triều rất rõ rệt, nhưng còn lịch sử dân tộc thì sao? Điều gì khiến dân tộc Việt khác với các dân tộc khác? Điều gì đã hun đúc nên người Việt ngày nay? Có phải chỉ là lòng yêu nước, tinh thần chống ngoại xâm, sự đoàn kết dân tộc…, những phẩm chất của người Việt đã làm nên chiến thắng và bảo tồn dân tộc? Đó phải chăng chỉ là hệ quả, chứ không phải căn nguyên. Yêu nước, quật cường và đoàn kết ư? Dân tộc nào chẳng có những yếu tố đó. Điều gì làm nên những phẩm chất ấy của người Việt mới là câu hỏi khó.
Tôi đã chọn 3 thời kỳ sóng gió của dân tộc, 3 mốc quan trọng trong lịch sử các vương triều phong kiến để làm bối cảnh cho 3 quyển trong bộ tiểu thuyết “Bình minh Đại Việt”. Đó là thời Đinh Tiên Hoàng lập nước, thời Lý Thánh Tông và thời Trần Nhân Tông. Cũng không thể bỏ qua các biến cố, nhưng quan trọng hơn là câu hỏi điều gì chi phối các biến cố lịch sử ấy?
Nhà văn Nguyễn Xuân Hưng.
Thời Đinh Tiên Hoàng lập nước, dẹp nạn cát cứ, là bối cảnh xã hội rộng lớn, nhưng các biến cố ấy không thể trở thành “lịch sử” nếu không xuất hiện Ngô Chân Lưu, một đại biểu Thiền phái Vô Ngôn Thông. Tư tưởng thiền của ông đã khiến Chân Lưu từ bỏ ngôi vua, trở thành sư Khuông Việt. Nhà Đinh nắm được tầm quan trọng của tư tưởng Vô Ngôn Thông thông qua Chân Lưu, một người từ vương triều Ngô. Đó là cách tốt nhất để vương triều và Phật giáo “đôi bên cùng có lợi”, nhà chùa thì hoằng pháp còn vương triều thì đạt mục tiêu chính trị là lập nước, trị nước, yên dân.
Cuộc thay đổi rung chuyển, thoát khỏi lệ thuộc để xây dựng nền độc lập, có sự cổ vũ của tư tưởng vô đắc và đốn ngộ của Thiền Vô Ngôn Thông. Nhà Đinh đã sử dụng tài năng của Chân Lưu, và chính Chân Lưu đã đặt cơ sở cho tư tưởng dân tộc của người Việt thời Đinh – Tiền Lê, xây dựng nền độc lập.
Tư tưởng của Chân Lưu đã quán xuyến đời sống tinh thần của Đại Cồ Việt, Đại Việt cho đến thời Lý Thánh Tông. Tôi bị hấp dẫn vì sự nghiệp và con người vua Lý Thánh Tông. Đất nước ta có thể coi thời Lý Thánh Tông là một bước ngoặt. Từ chỗ nhỏ bé, mà dân tộc lớn vụt dậy.
Lần đầu tiên chinh phục Chiêm Thành mở cõi, du nhập và đa dạng hóa văn hóa, cải tổ nông nghiệp mà điển hình là bắt đầu vụ lúa chiêm, xây dựng quân đội lớn mạnh, chiến tranh ngang ngửa với phương Bắc. Lý Thánh Tông phát triển tam giáo, mở ra một thiền phái mới Thảo Đường có thể coi là Phật giáo của cung đình. Về nhân cách, Lý Thánh Tông có bà phi xuất thân nông dân nên thấu hiểu dân chúng, phá vụ án Thảo Đường, tôn một tử tù thành thầy, sáng lập Thiền phái mà chỉ nhận là tổ thứ hai, đó là tấm gương đạo đức sáng chói.
Tiểu thuyết “Thảo Đường” chính là tìm lý giải kết cục Thảo Đường từ một tử tù vụt lớn lên thành Quốc sư, tổ thứ nhất Thiền phái Thảo Đường. Phải chăng tư tưởng phóng khoáng của Thảo Đường tiếp thu từ sơn môn Tuyết Đậu đã hấp dẫn nhà vua anh hùng. Nhu cầu về một sự phá chấp, không nệ cổ, không đào thải mà rút tỉa tinh túy của Nho và Đạo, nhu cầu về làm mới lý luận, phục vụ trị nước đã làm cho Lý Thánh Tông tôn sư Thảo Đường và trọng đạo Thảo Đường.
Hiện nay tôi đang sửa quyển tiểu thuyết “Trúc Lâm”. Còn quá sớm để nói về nó. Chỉ nói thế này: Ngày nay ai cũng nói đến Trúc Lâm, nhưng ít ai tóm lược được một câu để nói Trúc Lâm là gì.
– Vậy quan điểm của ông về tiểu thuyết lịch sử?
+ Không có gì mới. Đầu tiên và cuối cùng nó phải là tiểu thuyết. Bấy lâu nay, người ta thường mặc nhiên thừa nhận các tiểu thuyết viết về thời quá khứ, không phải thời hiện tại, là tiểu thuyết lịch sử. Quan điểm ấy không ổn về mặt phân loại. Ví dụ hôm nay, tôi viết về thời bao cấp 1980, hay thời 1954, 1965… có phải tiểu thuyết lịch sử không?
Tôi viết về sự kiện năm ngoái, có phải là tiểu thuyết về một sự kiện lịch sử không? Cho nên, theo tôi chỉ có nghệ thuật tiểu thuyết mới có thể phân loại, chứ không nên phân loại bối cảnh tiểu thuyết. Ví dụ, chẳng hạn có người phân loại tiểu thuyết (viết theo lối) cổ điển hay tiểu thuyết hiện đại, tiểu thuyết không nhân vật, tiểu thuyết tự sự, tiểu thuyết đồng hiện hay tiểu thuyết tư liệu, tiểu thuyết lãng mạn… vân vân. Phân loại như thế khá hợp lý.
Theo tôi, tiểu thuyết mà nhân vật được đặt trong bối cảnh lịch sử, nhân vật và tác giả dùng ngôn ngữ lịch sử, thì đó là tiểu thuyết lịch sử của thời đại đó. Nguyễn Huy Tưởng viết tiểu thuyết lịch sử thời Trần. Còn một vài tác giả ngày nay viết về thời Trần, nhưng lại là tiểu thuyết lịch sử của thời nay.
Một ví dụ: viết về hành vi ủng hộ vương triều, quyết tâm giết giặc, Nguyễn Huy Tưởng viết đội quân giương cờ “phá cường địch, báo hoàng ân”. Nhưng tác giả thời nay, nếu viết về hành vi đó, anh ta hoặc chị ta có thể cho cái cờ ấy có chữ: “Giết giặc mạnh, ủng hộ vua”, tức là không khí lịch sử hoàn toàn biến mất.
Có thể kể nhiều tác giả đã viết tiểu thuyết lịch sử thời nay lấy bối cảnh thời xưa, nhân vật không nói ngôn ngữ phù hợp với văn hóa thời đại đó, sự kiện cũng không thể xảy ra ở thời đại đó, ngôn ngữ kể chuyện dùng lối nói hiện đại. Ví dụ, cho nhà Trần xử tội bằng cách thiêu trên giàn lửa, hoặc vua Lê Thái Tổ ở tầng trên, quan lại ở tầng dưới chơi gái…
Không bao giờ có chuyện đó ở một vương triều tôn trọng Phật giáo (lửa là thiêng liêng chỉ dành cho bậc chân tu giác ngộ) và vương triều mà quân vương lập nước đang có quyền tối thượng (thời kỳ Lê Thái Tổ). Tôi không nói những quyển đó không phải tiểu thuyết. Nhưng mỗi người có một con đường nghệ thuật riêng… Tôi viết tiểu thuyết lịch sử theo truyền thống Nguyễn Huy Tưởng, ngôn ngữ nhân vật cố gắng phù hợp với thời đại của họ. Nhưng như thế thì cũng có gò bó. Cho nên trong các tiểu thuyết của tôi, có phần ghi chép của nhân vật dịch ra văn phong thời nay, để luận bàn.
– Nhà văn Nguyễn Xuân Hưng đã từng nhiều năm làm báo, trước đó ông là sĩ quan quân đội, kỹ sư. Nhà văn có thể tự sự chút ít về con người mình?
+ Cư trần lạc đạo là truyền thống Trúc Lâm, cũng là bản chất người Việt. Tôi cũng vậy thôi, giống mọi người, ở trong bụi bặm, hướng đến sự giác ngộ, mơ đến thanh cao. Cuộc sống thời bao cấp đi học, phân ngành nào ra kỹ sư ngành đó, có chiến tranh tổng động viên thì đi bộ đội, làm kỹ sư nhiều năm, rồi phải kiếm sống sinh ra nhu cầu phải làm báo thì làm báo, đến khi thích viết văn thì thành nhà văn. Cũng do cơ duyên mà thành nhà làm phim.
– Hơn chục đầu sách tiểu thuyết và truyện ngắn, ông tâm đắc nhất cuốn nào của mình…?
+ Đời viết văn, số phận tác phẩm khác nhau, nhưng tác giả thì yêu nó như nhau thôi. Có chăng thì vì mình biết có thể nói hay không về quyển nào, có thể tái bản quyển nào.
– Giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn Nguyễn Xuân Hưng có thể cho biết vài nét về công việc của Hãng và những bộ phim sắp tới Hãng thực hiện?
+ Chúng tôi đang làm một phim lịch sử về thời kỳ cận đại. Hiện công việc đang rất bận rộn và chưa kết thúc nên chưa thể nói gì.
– Viết văn là một nghề nhọc nhằn và khá phức tạp trong bối cảnh nước ta hiện nay. Vậy quan điểm của nhà văn Nguyễn Xuân Hưng…?
+ Viết văn thực ra là một việc mà nó chọn người, chứ người đôi khi muốn cũng không được. Nhưng với sự phát triển của đời sống ngày nay thì chân lý đó đã thay đổi. Viết văn ngày nay đúng là một nghề. Người làm nghề cũng cần lành nghề (và có vụng tay nghề), có truyền nghề, có thị trường, qua đó có quảng bá tiếp thị. Song, cũng còn một ngoại lệ, đó là thật sự đây là một nghề đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ, tâm và hồn nó soi chiếu vào sản phẩm một cách trực tiếp, chứ không như sản phẩm của các ngành khác.
Theo Cao Minh – Văn nghệ công an