Ngày Văn học châu Âu (17-18 tháng 5 năm 2013) sẽ diễn ra tại Hà Nội với việc giới thiệu hàng loạt các tác phẩm văn học châu Âu mới được chuyển ngữ gần đây. Ba Lan góp một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Cô gái không là gì” (xuất bản năm 1994) của nhà văn Tô-mếch Tờ-ri-dờ-na do Lê Bá Thự dịch, được NXB Hội Nhà văn và Phương Nam Book phát hành.

Lê Bá Thự là cái tên quen thuộc của giới dịch thuật với công lao giới thiệu văn học Ba Lan đương đại đến với độc giả Việt Nam. Con đường tạo dựng tên tuổi của Lê Bá Thự khá vòng vèo, chứ không trải đầy hoa hồng ngay từ đầu. Phải chăng Lê Bá Thự tuổi ngựa (sinh năm Nhâm Ngọ 1942) nên cái số của ông cũng phải rong ruổi từ nhiều vùng đất cho tới nghề nghiệp?

Năm 1963, nhờ sức học xuất sắc, chàng trai sinh ra ở miền quê Thiệu Hóa (Thanh Hóa) Lê Bá Thự đã thi đỗ vào Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Rồi Lê Bá Thự được chọn đi học nước ngoài, nhưng oái oăm là ông lại được cử đi học tại Khoa Trắc địa – Bản đồ ở Trường Đại học Bách khoa Vác-xa-va (Ba Lan). Cái nghề mà ông mất 7 năm (1964-1970) học ở Ba Lan, lại chỉ được ông hành nghề trong 2 năm (1971-1972) khi giảng dạy ở Trường Đại học Mỏ – Địa chất Hà Nội. Bước ngoặt trong cuộc đời của ông đến vào năm 1972 khi ông chuyển sang ngành ngoại giao và làm việc cho đến khi về hưu.

Trước khi đi du học, Lê Bá Thự còn chưa đọc bất cứ một tác phẩm nào của văn học Ba Lan và cũng chỉ có thể tưởng tượng đất nước Ba Lan xa xôi qua những câu thơ của Tố Hữu: Em ơi, Ba Lan mùa tuyết tan/ Đường bạch dương sương trắng nắng tràn… Mãi đến khi học đại học, ông mới đọc các tác phẩm văn học Ba Lan đầu tiên là những truyện ngắn của nhà văn Ba Lan đoạt giải Nobel năm 1905 Hen-rích Si-en-ki-ê-vích (1846-1916). Những truyện ngắn Hen-rích Si-en-ki-ê-vích đã quyến rũ Lê Bá Thự, khiến ông bắt đầu niềm say mê văn học Ba Lan kéo dài suốt cuộc đời. Và để chia sẻ niềm say mê của mình với những người khác, Lê Bá Thự đã sớm nung nấu ý định dịch văn học Ba Lan sang tiếng Việt.

Dịch giả Lê Bá Thự

Từ dịch phẩm đầu tiên được in là tập truyện ngắn “Trên bờ biển sáng” của Hen-rích Si-en-ki-ê-vích dịch chung với Nguyễn Hữu Dũng năm 1989, đến nay Lê Bá Thự đã dịch được 22 đầu sách văn học Ba Lan. Để có được số lượng dịch phẩm ấn tượng này, Lê Bá Thự đã dành nhiều đêm tranh thủ ngồi dịch để hưởng sự yên tĩnh và cảm hứng ùa về. Việc dịch văn học đã trở thành thói quen của ông kể cả khi bận rộn nhất với vai trò là Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan.

Hỏi ông về tác phẩm dịch nào ông thích nhất? Ông lưỡng lự rồi trả lời đó là tiểu thuyết “Xin cạch đàn ông!” (NXB Hội Nhà văn-2008) của nữ văn sĩ Ca-ta-di-na Grô-chô-la. Không phải vì lý do đây là cuốn sách bán chạy mà tiểu thuyết này đã kể lại câu chuyện có ý nghĩa sâu sắc về một phụ nữ bị chồng bỏ nhưng vẫn vươn lên làm tốt công việc, nuôi dạy con cái thành người tử tế và tự xây một… biệt thự; xuyên suốt tiểu thuyết là văn phong trào lộng ở trình độ nghệ thuật bậc thầy.

Trên hết, lý do sâu xa để Lê Bá Thự dịch các tác phẩm văn học Ba Lan đương đại là để bạn đọc Việt Nam hiểu cuộc sống và con người Ba Lan ngày hôm nay; qua đó nối nhịp cầu văn hóa giữa hai dân tộc, hai đất nước vốn đã có quan hệ bang giao tốt đẹp. Một nền văn học có tới 4 nhà văn và nhà thơ đoạt giải Nobel Văn học nhưng lâu nay văn học Ba Lan vẫn chưa được dịch có hệ thống ở Việt Nam thì việc làm của Lê Bá Thự có thể nói đã mang nhiều ý nghĩa cả hiện tại và tương lai.

Không chỉ đáp ứng về số lượng mà Lê Bá Thự gây ấn tượng với chất lượng các bản dịch được giới dịch giả đánh giá cao. Điều này có được khi ông luôn tâm niệm một bản dịch hay phải thể hiện cái tôi của người dịch nhưng phải trung thành với bản gốc, phải giữ được văn phong của tác giả và hình thức của tác phẩm. Ông cũng cho rằng, một dịch giả giỏi không chỉ giỏi ngoại ngữ và tiếng Việt mà cần thực sự uyên thâm để hiểu thấu đáo tất cả những gì mà nhà văn viết trong tác phẩm.

Lê Bá Thự không “khoe” quá trình mà ông phấn đấu trở thành một người có “phông” kiến thức rộng lớn. Nhưng chỉ cần nhìn sự đa dạng của các tác phẩm mà Lê Bá Thự đã dịch từ tiểu thuyết lịch sử về Ai Cập cổ đại “Pha-ra-ông” của Bô-lét-lát Pờ-rút (1847-1912) cho đến cuộc sống thiếu niên đương đại Ba Lan trong “Cô gái không là gì” của Tô-mếch Tờ-ri-dờ-na, cũng đã chứng minh ông là một dịch giả đáng tin cậy.

Theo: vanvn.net

Nguồn: Quân đội nhân dân cuối tuần

Exit mobile version