Anh có tên do cha mẹ đặt cho từ khi mới chào đời là Nguyễn Đình Khôi. Một cái tên hay đấy chứ? Trong tử vi, sao Thiên Khôi là chính tinh, chỉ sự thông tuệ, sáng láng, phẩm chất của những người đứng đầu. Nhưng sao anh lận đận đến nửa đời rồi mà vẫn chưa thoát khỏi phận kẻ vô danh tiểu tốt. Chức vụ cao nhất mà Khôi từng được giữ là thiếu uý công an, làm công tác an ninh trật tự của một phường ngoại thành. Nhưng cũng chính vì cái chức vụ này mà anh gặp hạn, phải ngồi nhà đá một năm.

Thoát khỏi tình trạng vô danh là một điều hết sức khó khăn, ngay cả với những con người kiệt xuất. Anh chưa phải là một người kiệt xuất nhưng cũng có thể coi là một người thành đạt, một nhà doanh nghiệp trẻ có tên tuổi sở hữu một tổng công ty kinh doanh đa ngành nghề, có bạn hàng không chỉ khắp đất nước mà gần như khắp các châu lục. Anh đã thoát ra khỏi đám đông vô danh để trở thành một người nổi tiếng. Nhưng không hiểu sao càng nổi tiếng, càng giàu có anh lại càng thấy dường như mình đang xa dần chính con người thực của mình. Tháng mười năm nay, anh mang theo năm tỷ đồng tiền mặt và hàng hoá, dẫn đầu đoàn của Tổng công ty vào Hà Tĩnh làm công tác từ thiện cứu trợ đồng bào bão lụt, lần đầu tiên anh được một bà lão run rẩy nắm tay khen một câu thấm thía: “Cháu ạ, già nghe nói cháu là tỷ phú, triệu phú, là Tổng giám đốc chi chi đó, nhưng già thì chỉ thấy cháu là con người có tấm lòng lương thiện”.

Ngồi trên xe trở về Hà Nội, anh trăn trở tự vấn: “Thực ra, mình đã thực sự trở thành người lương thiện chưa nhỉ?”.

Anh có tên do cha mẹ đặt cho từ khi mới chào đời là Nguyễn Đình Khôi. Một cái tên hay đấy chứ? Trong tử vi, sao Thiên Khôi là chính tinh, chỉ sự thông tuệ, sáng láng, phẩm chất của những người đứng đầu. Nhưng sao anh lận đận đến nửa đời rồi mà vẫn chưa thoát khỏi phận kẻ vô danh tiểu tốt. Chức vụ cao nhất mà Khôi từng được giữ là thiếu uý công an, làm công tác an ninh trật tự của một phường ngoại thành. Nhưng cũng chính vì cái chức vụ này mà anh gặp hạn, phải ngồi nhà đá một năm.

Có một vụ tranh chấp đất đai xảy ra giữa hai anh em ruột một gia đình trong phường. Lẽ phải mười mươi thuộc về người em. Vì thế mà Khôi đã ra tay giúp đỡ, chỉ cho cậu ta con đường pháp lí zích zắc mà cậu ta phải đi, những cái cửa mà cậu ta phải gõ để giành lại được quyền thừa kế chính đáng của mình. Khôi đã giúp cậu ta một cách vô tư, không hề có một cuộc mặc cả ra giá nào cả, chỉ vì anh căm ghét cái thói tham lam vô lối và trắng trợn của người anh cậu ta mà thôi. Nhưng đến khi được tòa xử thắng kiện, thu hồi được phần đất thừa kế thì cậu ta lại cảm thấy mình mắc nợ anh công an phường. Là một người tốt, ngấm đạo lí uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây nên cậu ta nhất định phải tìm cách trả ơn anh. Nhà thì nghèo, tiền bạc trong nhà chẳng có, cậu ta bắt vợ phải chạy ngược chạy xuôi, đi vay bằng được chục triệu đồng mang về để cho chồng mang đi trả nợ ân tình. Vợ cậu ta, như mọi người đàn bà bình dân nghèo và ít học khác, từ bé đến giờ chưa bao giờ nhìn thấy một đống tiền lớn như thế, mà lại là tiền đi vay của thiên hạ, lại sắp “đội nón ra đi”, đã không đủ bản lĩnh để giữ kín mục đích việc chồng mình phải “tiêu” một món tiền lớn như thế. Thế là câu chuyện về món tiền lớn cứ được ghé tai, rỉ rả, luồn lách khắp các ngõ xóm. Và cái con rắn nhiều đầu ấy chẳng khó khăn gì để chui được vào tai người anh cả tham lam, nhiều thủ đoạn, lại đang cay cú vì thua kiện. Thế là một âm mưu phục thù được bày đặt rất tỉ mỉ.

Nhưng, âm mưu gì thì cũng chẳng dễ hại được anh nếu anh tỉnh táo và không nổi máu tham lam. Trong câu chuyện này, cả người được cho là đi hối lộ và người bị khép tội nhận hối lộ đều ngây thơ. Khôi cũng chỉ nghĩ rằng mọi việc đã xong rồi, thân chủ có lòng tốt muốn có một cử chỉ để tỏ lòng biết ơn mà thôi. Vì thế nên khi được cậu em mời ra quán bia đầu phố uống vài vại bia để cậu ta nói lời cám ơn thì anh đã vui vẻ nhận lời. Và khi cậu ta dúi cho anh cái phong bì, nói rằng có chút quà gửi cho cháu thì sau khi nói lời từ chối, anh đã miễn cưỡng nhận. Thực tình anh nghĩ trong phong bì quá lắm cũng chỉ chừng triệu bạc, chứ không ngờ trong đó có tới hai chục tờ năm trăm ngàn đồng! Vì thế nên khi hai cậu hình sự mặc thường phục ập tới, xưng danh rồi yêu cầu anh xuất trình cái phong bì vừa nhận thì anh vẫn bình tĩnh đưa cho họ và nói: “Đây là chút quà anh bạn này vừa gửi cho con gái tôi”. Người bạn đồng nghiệp cầm cái phong bì lên, cười khẩy: “Con gái anh cũng có giá gớm nhỉ. Anh vui lòng để chúng tôi mở cái phong bì này rồi lập biên bản tại chỗ vì anh bị tố cáo là đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để nhận hối lộ”. Khôi ngớ người ra không nói được câu nào. Còn chú em thật thà và tình nghĩa kia thì mặt mày tái mét.

Anh kiên quyết đòi xoá mấy chữ “nhận tiền hối lộ” trong biên bản, nhưng vẫn phải kí xác nhận đã nhận 10 triệu đồng là món quà cám ơn vì đã “tư vấn” cho anh Nguyễn Văn Bê trong vụ kiện đòi quyền thừa kế đất ở!

Chỉ như thế thôi đã đủ để người ta khép cho anh cái án một năm tù. Anh bị đuổi khỏi ngành vì hành vi lợi dụng chức vụ và quyền hạn. Trong khi đó thì Văn Bê, chú em tình nghĩa lại phải ra tòa lần nữa vì ông anh trai của anh ta kháng án. Vụ án có tình tiết mới nên tòa buộc phải xử phúc thẩm. Tuy vậy, tại tòa phúc thẩm, may mắn sao anh ta đã không bị buộc tội dùng hối lộ, nhờ người có quyền chức làm sai lệch hồ sơ để thắng kiện, toà tuyên y án sơ thẩm. Anh ta vẫn bảo vệ được tài sản thừa kế của mình. Hôm lên thăm Khôi tại trại giam, anh ta nức nở nói trong nước mắt: “Vì em mà anh phải tù đày thế này, em thật có tội với anh quá”. Anh mỉm cười an ủi Bê: “Một năm là chớp mắt thôi mà. Hãy coi như đây là thời gian cần thiết để mình học lại bài học làm người”.

Quả thật, một năm sống trong vòng lao lý, Khôi đã học được nhiều điều. Nhiều đến nỗi, khi mãn hạn tù, trở lại với xã hội, anh như đã trở thành một con người hoàn toàn khác. Người thầy thực sự của anh trong những ngày thụ án chính là ông Thuyết, giám thị trại giam. Ngay từ ngày đầu vào trại, hiểu rõ trường hợp mắc án của anh, ông giám thị đã đặc biệt quan tâm đến anh. Ông gọi anh lên gặp riêng. Sau khi nghe anh trình bày tội lỗi của mình, ông trầm ngâm suy nghĩ giây lát rồi nói: “Không thể nói là cậu không có tội trong trường hợp này. Tuy nhiên, đó là cái tội do vô tình, do bất cẩn mà phạm phải. Nhưng cũng còn do cậu ít từng trải và bắt đầu có mầm mống của lòng tham nữa. Cũng còn may cậu bị phát hiện sớm đấy. Hãy cứ hình dung nếu như vụ đó trót lọt, cậu sẽ có cảm giác rằng hoá ra với cái nghề của mình, kiếm tiền cũng chẳng khó khăn gì lắm, sau đó cậu bắt đầu tận dụng mọi cơ hội để kiếm tiền. Cứ đà ấy, cậu sẽ sớm trở thành một kẻ hư hỏng và đến một lúc nào đó thì thật… vô phương cứu chữa”. Ông động viên anh cố gắng thụ án rồi hôm sau ông điều anh lên làm việc tại “nhà văn hóa” của trại, có nhiệm vụ trông coi thư viện, làm phát thanh viên, tối tối điểm báo cho phạm nghe. Khi giao nhiệm vụ cho anh, ông nói: “Tôi cho cậu làm việc này không phải để dưỡng nhàn cái thân tù của cậu đâu, tôi thực sự muốn cho cậu một cơ hội để học lại bài học làm người. Cậu có toàn quyền sử dụng tủ sách của trại, và nếu cần thì cả tủ sách riêng của tôi nữa. Tôi tin rằng cậu sẽ tìm được trong đó những điều cần cho cuộc đời của mình”.

Minh họa: Đào Quốc Huy

Phòng thư viện thường rất vắng người, cán bộ quản giáo thì chỉ đến thư viện vào ngày nghỉ, mà thường chỉ để đọc báo chứ ít người mượn sách về đọc. Phạm nhân thì chưa có phòng đọc an toàn tại thư viện, ai có yêu cầu mượn sách báo thì đăng kí với giám thị, rồi vào cuối ngày, khi phạm nhân hết giờ lao động hay học tập, Khôi sẽ mang đến tận phòng giam cho họ. Sau khi đi phát và thu lại sách báo phạm mượn, anh trở về thư viện và bắt đầu chương trình phát thanh buổi tối. Thời gian dài nhất của buổi phát thanh là dành để điểm báo, thi thoảng anh cũng tự viết bài về các hoạt động của trại, hoặc đôi khi cũng tóm được vài bài thơ của phạm nhân các tờ báo tường. Dĩ nhiên anh chỉ được đọc những gì đã được cán bộ tuyên huấn của trại thông qua. Nhưng đó chỉ là vài tuần đầu, những tuần sau đó anh trợ lí tuyên huấn phụ trách việc “kiểm duyệt” cũng đâm chán. Vả lại anh ta cũng đã hoàn toàn tin Khôi nên tuyên bố: “Từ nay cậu… thích cái gì thì cứ đọc cho phạm nghe, khỏi cần thông qua tôi nữa!”. Ngoài những công việc đó, hầu như anh không phải làm việc gì nhiều, toàn bộ thời gian còn lại để đọc sách. Hình như đã có một mệnh lệnh gì đó từ ông trưởng trại giam rằng, không ai được làm phiền anh khi anh đang đọc sách. Không ít lần anh thượng sĩ phụ trách nhà văn hóa tìm anh định sai làm việc gì đó nhưng thấy anh vội gấp sách đứng phặt dậy, dõng dạc hô lớn: “Phạm nhân Nguyễn Đình Khôi xin chào cán bộ”, anh ta vội xua tay: “Tự nhiên, tự nhiên… Đang đọc sách hả? Tốt lắm. Cứ tiếp tục đọc đi nhé. Không có việc gì cần đến anh đâu”.

Trong rất nhiều những cuốn sách mà anh đã đọc, có một cuốn mà anh phải đọc đi đọc lại nhiều lần, đó là cuốn “Thế giới phẳng” của Thomas L.Friedman. Cuốn sách kì lạ này đã cắt nghĩa được nhiều điều về sự biến đổi của thế giới ngày nay thông qua tác động của tri thức, của sự bùng nổ công nghệ thông tin và những yếu tố khác. Chưa thể khẳng định những luận điểm của tác giả cuốn sách là hoàn toàn đúng, nhưng rõ ràng ông ta đã chỉ ra được đặc điểm lớn nhất của thế giới ngày nay, đó là sự tác động mạnh mẽ của tri thức và công nghệ tới những vấn đề địa kinh tế, địa chính trị khiến cho thế giới dường như đang nhỏ lại, phẳng lại khiến cho các nền văn hoá đang nhích lại gần nhau. Toàn cầu hoá giờ đây đã không còn là một khái niệm trừu tượng mà đã trở thành một phương thức tồn tại và phát triển của nhân loại. Chính những điều đó đang khiến thế giới thay đổi, mỗi dân tộc, mỗi đất nước, mỗi con người cũng cần phải thay đổi để không bị bỏ lại phía sau, không trở thành vùng trũng trong thế giới phẳng.

Anh chỉ dám mon men đến tủ sách của ông trại trưởng khi đã đọc gần như hết những cuốn sách đáng đọc của thư viện trại giam. Thực ra số sách đó cũng không nhiều lắm. Trong tủ sách của ông giám thị có hai loại sách mà anh thích nhất, đó là những cuốn sách dịch về văn hóa, triết học cổ Trung Hoa và những cuốn sách về quản lí kinh tế, về nghệ thuật maketing, và những cuốn tự truyện của các tỷ phú, của những ông chủ lớn trên thế giới kể về con đường lập nghiệp, làm giàu của họ. Đọc về cuộc đời họ, anh bỗng ngộ ra một điều, từ trước tới nay trong anh tuy có rất nhiều thần tượng, nhưng hầu hết họ đều là những anh hùng chiến trận, những vị tướng, những bậc vua chúa, lãnh tụ; chứ chưa có hình bóng những con người khổng lồ biết tự mình dựng nên một sự nghiệp, một đế chế kinh tế, tự mình trở thành một thế lực không thể bác bỏ, tự mình trở thành một phần quan trọng làm nên thế giới, dù nó phẳng hay không phẳng. Đọc về cuộc đời của họ, anh bỗng thấy xấu hổ vì đã sống một cuộc đời thật tầm thường, nhạt nhẽo… Và bỗng thấy tội lỗi mà mình đã phạm phải tuy thật ngớ ngẩn nhưng cũng lại là một điều may mắn. Đúng là trong họa có phúc. Nếu không có tai nạn này thì có lẽ… anh sẽ tiếp tục sống tầm thường nhạt nhẽo như những năm tháng đã qua.

*

Khôi có tên trong danh sách xét đặc xá, giảm án tù nhân dịp Quốc khánh. Như vậy là anh có thể được ra tù trước thời hạn 3 tháng. Nhưng trước khi danh sách được Ban quản giáo trại giam gửi lên Hội đồng xét đặc xá, Khôi đã gặp ông giám thị trại và đề nghị rút tên khỏi danh sách. Ông giám thị ngạc nhiên, gỡ kính nhìn anh lom lom một lát rồi hỏi:

– Sao vậy?

– Cháu nghĩ… suất của cháu nên nhường cho người khác thì hơn.

– Cậu nghĩ sai rồi… Đây không phải là món quà cậu đương nhiên được hưởng mà cậu có thể tùy tiện đem cho người khác. Vả lại, cậu mới chỉ có tên trong danh sách đề nghị của trại, đã chắc gì được Hội đồng ân xá trung ương chấp nhận mà cậu đã vội…

Khôi vội nói chữa:

– Vâng… Nhưng cháu tự thấy nên ở đây thêm ba tháng nữa để học thêm.

– Học à? – Ông giám thị lại một lần nữa ngạc nhiên – Thế… ra cậu cũng nhận thấy ở đây cũng có nhiều điều đáng để học, phải không?

– Vâng… – Khôi chỉ lên những giá sách – Còn một số sách đáng đọc mà cháu chưa đọc hết, kể cả những cuốn trong giá sách của chú nữa. Bây giờ mà ra ngoài kia thì chắc cháu sẽ không có thời gian và cả tâm trí để nghĩ đến sách vở. Việc làm thì đã mất, hễ ra ngoài đó trước mắt cháu phải lo tìm việc làm. Lại còn chuyện vợ con gia đình nữa, bao nhiêu chuyện ngổn ngang?

Ông giám thị trầm ngâm suy nghĩ giây lát rồi gật đầu:

– Tôi hiểu rồi… Cậu chưa sẵn sàng để đối mặt với những thử thách mới của cuộc đời. Chuyện vợ cậu… tôi cũng đã biết. Kể ra thì cũng buồn. Nhưng một người đàn bà như thế cũng chẳng đáng để luyến tiếc đâu. Cuộc đời cậu còn dài lắm. Hãy tự tin ở mình đi.

Rồi ông bất ngờ tiến đến, đặt một bàn tay lên vai Khôi:

– Tôi ủng hộ cậu… Cho cậu ba tháng nữa để đọc sách và ngẫm nghĩ, chuẩn bị tốt hơn để bắt đầu một trang mới của cuộc đời mình.


*


Khôi vào tù mới được hai tháng thì vợ anh lên thăm với một gói quà hậu hĩnh, những giọt nước mắt và cuối cùng là lá đơn xin li hôn. Khi anh hỏi vì sao không cho con gái đi cùng vì anh rất nhớ con thì chị quả quyết lắc đầu:

– Không… Em không muốn con em chứng kiến cảnh bố nó mặc áo tù. Sau này, con cũng sẽ sống với em. Khi nào ra tù, trở thành người “lương thiện” rồi, anh mới được gặp nó.

Vậy là trong tâm trí của cô hiện nay, anh đang không phải là một người lương thiện. Anh cay đắng khi chợt nhận ra rằng người vợ mà bấy lâu nay thương yêu, tin cậy cũng chỉ biết xếp loại con người anh theo cách xếp loại khô khan vô tình của các văn bản pháp luật, theo những lời tuyên lạnh lùng, đanh thép của toà án. Cô ấy không thể hiểu được tuy anh phạm lỗi, mắc tội nhưng lòng anh chưa vẩn đục, con người lương thiện vẫn sống mãnh liệt trong anh.

Vì mấy lời ấy thôi mà anh đã nhẹ nhàng cầm lấy tờ đơn xin li hôn vợ đưa cho và kí tên, không quên ghi thêm bên dưới cái biệt danh mà vợ anh vừa mới tặng cho – Người chưa lương thiện!

Với sự trợ giúp pháp lí của ông bố vợ là một cán bộ công tác tại Viện kiểm sát nhân dân quận, việc li hôn của họ được tiến hành nhanh chóng, dĩ nhiên quyền nuôi con được giao cho cô vợ “lương thiện”. Nửa tháng trước khi biết mình có tên trong danh sách được xin giảm án, anh nhận được tin cô vợ của mình đã đi bước nữa với một ông giám đốc nào đó, đứa con gái tội nghiệp của anh được gửi lại cho ông bà ngoại nuôi. Có lẽ đó chính là điều mất mát lớn nhất của anh trong vụ tan vỡ gia đình này. Đó cũng là một trong những lí do khiến anh chưa muốn ra tù vào thời điểm này, ít nhiều, anh cũng chưa sẵn sàng đối diện với nỗi đau đó.

Ba tháng còn lại trong trại giam, anh tiếp tục vùi đầu vào sách. Nhưng thời gian này anh chỉ tìm chọn những cuốn sách về quản lí doanh nghiệp, về các ngành nghề để đọc. Thời gian còn lại, anh xin phép quản giáo được xuống các xưởng nghề của phạm nhân, với cái cớ là để viết bài cho đài phát thanh, nhưng thực ra là để lân la làm quen, hỏi chuyện những phạm nhân có tay nghề cao trong những xưởng đồ gỗ, đồ thủ công mĩ nghệ. Trong anh sôi sục một ý chí sắt đá, mình phải chuẩn bị tốt để khi ra ngoài có thể bắt đầu một chặng đường mới, bắt đầu sự khởi nghiệp, tìm đường thoát khỏi đói nghèo một cách lương thiện để có thể giành lại quyền nuôi dạy con gái yêu. Anh luôn có cảm giác rằng chính từ nơi này, anh đã dần tìm ra đường đi nước bước cho chặng đường sắp tới của đời mình.

Vào những ngày cuối cùng trước khi mãn hạn tù, anh xin được gặp ông Thuyết – giám thị trại để xin ý kiến về một việc hệ trọng. Lời đề nghị của anh được quản giáo chuyển đến ông và ông đã vui lòng tiếp anh tại ngôi nhà công vụ của giám thị trại trong một buổi chiều chủ nhật.

– Tớ nghĩ có lẽ cậu muốn gặp tớ vì việc riêng, nên mời cậu tới đây cho tiện. Hơn nữa, cậu cũng sắp mãn hạn tù, hôm nay coi như ta tâm sự bình đẳng trước khi chia tay, hả?

Khôi ngước nhìn vị ân nhân của mình, mạnh dạn nói:

– Hôm nay xin phép cán bộ trưởng trại cho cháu được gọi cán bộ là chú và được trò chuyện với chú “như một người lương thiện”.

Ông giám thị cười ha hả:

– Thì ngay từ hôm cậu vào tớ đã nói bản chất con người cậu là lương thiện rồi mà. Chính vì thế, bấy lâu nay tớ đã đối xử với cậu như với một người lương thiện, có phải thế không nào?

– Đó chính là món quà lớn lao nhất mà cháu được nhận trong cuộc đời đấy, chú ạ.

– Được rồi, không vân vi nữa. Hôm nay cậu có gì muốn nói với mình nào?

Ông giám thị kéo anh ngồi xuống bên bộ sa lông bằng gỗ quí, được chạm trổ rất cầu kì, tinh xảo với những hoa văn khá lạ mắt.

– Sản phẩm của anh em phạm nhân làm cả đấy. Cậu thấy không, xã hội gửi vào đây không ít người tài hoa đâu nhé…

Khôi hào hứng vào chuyện ngay:

– Hôm nay cháu muốn nói với chú về chính những con người này. Thời gian vừa qua cháu đã có dịp xem rất nhiều những sản phẩm độc đáo của họ…

Ông Thuyết lại cười ha hả:

– Và cậu… đang muốn trở thành con người có khả năng tập hợp liên kết nhưng thợ thủ công cựu tù nhân ấy chứ gì?

Khôi bỗng đỏ bừng mặt, lúng búng đáp:

– Cháu… mới chỉ có ý tưởng như vậy thôi… Chưa biết cháu có đủ quyết tâm và tài năng để làm điều đó không?

– Có ý tưởng, có khát vọng là đã có sự bắt đầu tốt rồi. Cứ làm đi, tôi sẽ ủng hộ cậu. Dưới mỗi sản phẩm mình có ghi chú cả tên họ, địa chỉ của những người thợ làm ra nó…

Cuộc gặp mặt với ông giám thị trại giam đã đánh tan những do dự cuối cùng còn vương vấn trong lòng Khôi. Và, vào một ngày đẹp trời đầu tháng cuối năm, anh ngẩng cao đầu bước ra khỏi trại giam để bắt đầu một chặng đường đời hoàn toàn mới mẻ và sôi động. Anh biết, từ ngày hôm nay, anh đã là một con người hoàn toàn khác.

 

Nguồn: cand.com