Nhà văn Minh Chuyên, sinh năm 1948 tại làng Thọ Lộc, xã Minh Khai, Vũ Thư, Thái Bình. Sau 10 năm cầm súng chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ, ông trở về quê công tác tại Báo Thái Bình rồi chuyển lên làm việc tại Đài Truyền hình Việt Nam. Ông nổi tiếng với những bút ký và phim tài liệu đặc sắc viết về thời hậu chiến. Cho đến nay ông đã xuất bản được 17 tác phẩm truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký, kịch bản văn học và nhận được 37 Giải thưởng về văn chương, báo chí, truyền hình trong đó có 2 giải thưởng quốc tế. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông.

P.V:- Thưa nhà văn Minh Chuyên, nhiều người đọc những bài bút ký và xem phim tài liệu về thời hậu chiến của ông, họ cho rằng ông vẫn là một người lính trong thời bình?

Nhà văn Minh Chuyên:- 10 năm cầm súng chiến đấu chống Mỹ tại chiến trường miền Đông Nam Bộ đã đào luyện tôi từ một thanh niên nông thôn trở thành một người lính trận, những phẩm chất của người lính đã ngấm vào máu thịt của tôi do đó khi trở thành một người cầm bút, lại viết về những vấn đề nhạy cảm thời hậu chiến, tôi không né tránh mà luôn tôn trọng sự thật, chân lý cho dù gặp phải nhiều chông gai, cản trở. Có lẽ vậy mà bạn đọc đã cho tôi danh hiệu người lính trong thời bình chăng?

P.V:- Bài bút ký làm xôn xao dư luận “Thủ tục làm người còn sống” đã gây cho ông rất nhiều sóng gió, đây có thể coi là một cuộc chiến trong thời bình cam go không kém cuộc chiến ngoài mặt trận của ông?

Nhà văn Minh Chuyên:- Đúng là một cuộc chiến đầy cam go, một mất một còn đối với tôi. Bài bút ký nói về anh thương binh Trần Quyết Định ở Thái Bình bị thương được nhân dân cứu chữa, đơn vị tưởng anh đã hy sinh nên đã gửi giấy báo tử về quê, thế là khi khoác ba lô trở về nhà, anh phải gõ cửa các cơ quan chức năng để “Làm thủ tục người còn sống”. Anh Định vì bị cho là đảo ngũ, quá uất ức đã định uống thuốc sâu tự tử, 12 giờ đêm, tôi phải đến nhà khuyên can, anh Định mới từ bỏ ý định tự tử. Còn tác giả, bị người ta cho là bịa ra câu chuyện để bôi xấu chính sách địa phương và xã hội nên liên tục bị điều tra, truy vấn. Tôi đã phải bỏ trốn ra Hải Phòng, Quảng Ninh 2 tháng. 17 cuộc họp từ địa phương đến trung ương đã diễn ra, trong một cuộc họp, tôi đã thủ sẵn con dao rạch bụng mình để bảo vệ chân lý, sự thật, rất may là cuộc họp đó đã công nhận Trần Quyết Định là thương binh. Mất 10 năm từ năm 1979 đến năm 1989, anh Định mới làm xong “Thủ tục người còn sống” và mất 19 năm từ khi bài bút ký được in trên báo Văn nghệ thì anh Định mới nhận được sổ thương binh.

P.V:- Những tưởng sau cuộc chiến “Thủ tục làm người còn sống”, nếu ông không buông bút thì cũng phải e dè trước những vấn đề nhạy cảm thời hậu chiến, nhưng hàng loạt những bài bút ký, phim tài liệu sau đó của ông như: Người không cô đơn, Vào chùa gặp lại, Nước mắt làng, Nỗi oan trần thế, Cha con người lính , Linh hồn Việt cộng… vẫn đầy ắp tính chiến đấu. Ông không sợ một ngày nào đó ông có thể bị gục ngã?

Nhà văn Minh Chuyên:- Ngoài mặt trận, tôi ngã xuống thì đó là một cái chết vinh quang, sẽ được công nhận là liệt sĩ. Nhưng trong thời bình, trong cuộc bút chiến chống lại tệ nạn quan liêu và thủ tục hành chính rờm rà, phức tạp, để bảo vệ chân lý, để đem lại những điều tốt đẹp cho những người lính và gia đình họ, nếu tôi gục ngã thì chẳng những danh dự bản thân bị mất, gia đình bị coi thường mà những nhân vật trong bài viết cũng dễ bị rơi vào tuyệt vọng vì vậy mà tôi có thể chết để bảo vệ lẽ phải chứ không thể buông bút đầu hàng.

P.V:- Bộ phim tài liệu “Cha con người lính” do ông viết kịch bản và đạo diễn tham gia Liên hoan phim quốc tế lần thứ 10 tại Bình Dưỡng – Triều Tiên năm 2006, đạo diễn bị bị khán giả la ó, phản đối, ném cả đồ vật vào người?

Nhà văn Minh Chuyên: Bộ phim “Cha con người lính” kể về ba thế hệ trong một gia đình là nạn nhân của chất độc điôxin – da cam. Người ông đi bộ đội bị nhiễm chất độc da cam ở chiến trường, sinh ra con cũng bị di chứng, rồi con ông lấy vợ sinh ra cháu ông toàn thân bị phủ một lớp lông đen như lông thú. Sau này cháu ông được một người cựu chiến binh Mỹ từng tham gia rải thảm Điôxin ở miền Nam Việt Nam đưa về Mỹ làm giải phẫu thẩm mỹ, lột hết lớp da thú. Khi nhìn thấy mình trong gương khác hẳn, không còn da thú trên mặt, người cháu đã hồn nhiên thốt lên: “Người Mỹ tốt quá!” thế là bị khán giải Triều Tiên la ó, phản đối nhưng chính chi tiết rất thật này lại được Ban giám khảo đánh giá rất cao và quyết định trao Cúp vàng duy nhất cho thể loại phim tài liệu.


Nhà văn Minh Chuyên

P.V:- Ông quả là một đạo diễn cao tay và lão luyện khi kết thúc bộ phim “Cha con người lính” bằng chi tiết đắt giá này, nó bị khán khả phản đối dữ dội nhưng lại được Ban giám khảo đánh giá rất cao vì họ hiểu bức thông điệp nhân văn mà ông muốn gửi vào: “Chiến tranh đã qua rồi, hận thù nên để lại”. Nhưng có một điều hay rằng ông không qua một trường lớp nào về đạo diễn mà lại đạo diễn thành công rất nhiều bộ phim?

Nhà văn Minh Chuyên:- Tôi không có may mắn được học nghề đạo diễn một cách chính quy trong trường học nhưng tôi lại phải học hỏi rất nhiều ở các nhà đạo diễn và ở cả cuộc sống.

P.V:- Gần đây nhất, năm 2008, Bộ phim tài liệu “Linh hồn Việt cộng ” của ông tiếp tục gây xôn xao dự luận, nghe nói bộ phim cũng đã gây cho ông nhiều sóng gió?

Nhà văn Minh Chuyên:- Trong một trận chiến đấu trên quả đồi 467 ở Tây Nguyên vào ngày 18/3/1969, người lính Việt cộng Hoàng Ngọc Đảm bị người lính Mỹ tên là Homer kêu đầu hàng nhưng anh Đảm không những không đàu hàng mà còn dũng cảm xông lên và bị Homer bắn chết. Cái chết của anh Đảm là sự hy sinh anh dũng thế nhưng một số người ở quê anh (xã Thái Giang, Thái Thụy, Thái Bình) tin vào lời ông thầy bói nhảm nhí nói rằng anh Đảm đang sống ở Mỹ rất được tôn tờ và họ cho rằng anh Đảm là kẻ đảo ngũ hiện đang sống ở Mỹ. Sau gần 40 năm, Homer nghe được tin này, anh đã sang Việt Nam, đến nhà anh Đảm và đến cả quả đồi 467 để tạ lỗi với anh Đảm, nói với mọi người rằng: “Hoàng Ngọc Đảm là một anh hùng, anh ta đã không đầu hàng mà anh dũng xông lên…”. Sau khi bộ phim được phát sóng có rất nhiều dư luận đồng tình, cảm phục nhưng cũng không ít người nghi ngờ, phản đối. Tôi cũng bị cơ quan chức năng gọi lên làm việc nhưng rồi sóng gió cũng qua đi khi mà “Linh hồn cộng sản” được Giải thưởng quốc gia về báo chí , truyền hình, sân khấu (chuyển thể).

P.V:- Cho đến nay, ông đã xuất bản được 17 đầu sách tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, kịch bản văn học và nhận được 37 giải thưởng văn học, nghệ thuật, điện ảnh và báo chí trong đó có 2 giải thưởng quốc tế. Vậy người lính trong tác phẩm của ông hay người lính trong Minh Chuyên tạo nên thành công này?

Nhà văn Minh Chuyên:- Tôi nghĩ rằng cả hai. Người lính trong tác phẩm là những nhân vật có thật trong đời tạo nên những rung động, sự cảm phục trong tôi, làm chất xúc tác để tôi viết thành công về họ. Còn người lính trong tôi thì thôi thúc tôi viết nên những trang viết chân thực bằng sự lao động sáng tạo nghệ thuật miệt mài, nghiêm túc và cả bằng máu, mồ hôi, nước mắt.

P.V:- Có bao giờ ông viết vì tiền hoặc vì danh?

Nhà văn Minh Chuyên:- Một bài bút ký tốn rất nhiều công sức, chi phí nhưng khi in trên báo cũng chỉ được ba, bốn trăn ngàn nhuận bút. Làm một bộ phim tài liệu cũng mất rất nhiều sức lực, tiền bạc, thời gian nhưng khi phát sóng, nhuận bút cũng chỉ đủ chi phí hoặc dư giả chút ít. Có nhiều bộ phim tài liệu vì yêu thích, tâm huyết mà tôi tự bỏ kinh phí ra để viết kịch bản và đạo diễn. Ngay như bộ phim “Cha con người lính” được Giải Cúp Vàng liên hoan phim quốc tế, tôi làm vì tâm huyết, chi phí hết sức tiết kiệm, chỉ hết có 30 triệu đồng trong khi đó những bộ phim của Đức, Bỉ riêng phần hậu kỳ cũng chi mất 1 tỷ đồng!

Còn về danh? Nếu thành công thì không cầu danh cũng đến. Nếu thất bại thì không muốn điều tiếng cũng sẽ đến với anh.

P.V:- Thưa ông, nghe nói ông đang phải chiến đấu với chính mình?

Nhà văn Minh Chuyên:- Vâng, tôi đang phải chiến đấu với căn bệnh ung thư bàng quang. Tôi đã phải nằm ở Bệnh viện Việt – Xô 4 tháng, chạy hoá chất nhiều lần. Hiện nay thì sức khoẻ cũng đã khá hơn.

P.V:- Mang bệnh ung thư không khác gì mang án “tử hình”. Hỏi thật, ông có sợ chết không?

Nhà văn Minh Chuyên: – 20 năm trước, tôi đã định rạch bụng để bảo vệ sự thật trong bài bút ký “Thủ tục làm người còn sống”. Năm 2008 tôi cũng đã từng đem tính mạng ra để bảo vệ lẽ phải trong “Linh hồn Việt cộng” thì tôi không sợ đối mặt với cái chết. Cuộc đời nhìn chung là tốt đẹp nhưng vẫn còn sự bất công, điều ác mà mỗi chúng ta phải chiến đấu chống lại nó để cuộc sống mỗi ngày một tươi đẹp hơn.

P.V:- Hiện nay ông đang nghỉ ngơi dưỡng bệnh hay vẫn cầm bút?

Nhà văn Minh Chuyên:- Tôi vừa tiếp tục chữa bệnh lại vừa chạy đua với thời gian để viết. Hiện nay tôi đang làm bộ phim tài liệu về quần đảo Hoàng Sa thiêng liêng của Tổ quốc.

P.V:- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này. Xin chúc ông mạnh khoẻ, viết được nhiều bút ký, làm được nhiều bộ phim tài liệu đặc sắc về thời hậu chiến.

VŨ ĐẢM (Thực hiện)

Nguồn: Tapchinhavan.vn