Những triền đồi lau trắng.

Những bờ suối lau trắng.

Trắng… trắng… trắng…

Và lãng đãng khói trời.

Và vấn vít sương rơi.

Tôi tê dại lịm mê… ngẩn ngơ đắm đuối… ngộp thở thăng hoa…

Cuộc giao hoan trời đất kéo lôi tôi dự cuộc.

Biên giới mùa lau…

Trinh nguyên ấy kích động tôi quá đỗi.

Cuốc xe máy lấm bụi chở tôi qua cung đường lau trổ. Những cọng dài mảnh khảnh bung nở trắng xốp, lả lơi, bồng bềnh. Gió ùa về, vạt đồi dạt dào sóng. Trôi cuối đất cùng trời, tôi chạm mặt biên viễn. Giữa hoang vu vẫn không thấy cô liêu, trái tim ắp đầy tình yêu nơi này, vùng giáp ranh bờ cõi. Cảm giác lặp lại khi tôi kính cẩn ướm bàn chân mình vào Mũi Cà Mau, chiếc ngón cái vĩ đại thiêng liêng của Mẹ Việt. Thấy hình hài Mẹ tựa một bông lau, mảnh mai mà dẻo dai bền bỉ, tưởng yếu đuối nhưng không đổ gãy gục ngã trước bão táp phong ba. Còn mình là cọng lông nhỏ trên cơ thể Mẹ. Muốn đưa tay sờ lên thật nhẹ làn da muốt trắng kia, muốn úp mắt vùi sâu vào thung lũng mềm như bông kia, nhưng biết làm sao, Mẹ thì mênh mông mà tôi chỉ đâu đó trên Người. Đành vậy, tôi men theo những hằn sâu trên Mẹ mà đi. Gặp những cọng lông khác nơi vùng hoang vu thân Mẹ. Những cọng lông mọc chung một làn da. Tôi, người lính biên phòng và đồng bào miền biên viễn.

*

Đầu đội mũ bảo hiểm chắn hàm. Cưỡi xe Honda đời 67. Vận áo quần bò mài bạc. “Phượt thủ” siêu hạng! Sau xe chất ngất thùng hàng: Quần áo, dầu ăn, nước mắm, hạt nêm, mỳ gói, bánh kẹo, đường, sữa… Gã buôn hàng xén lưu động! Với hình dong khá lạ, anh ta hoà vào đội hình những người mang quân phục biên phòng, lao đi rất nhanh sau cái gật đầu chào hỏi.

– Ai vậy?

– Trịnh Tư Thắng- Đại uý Đồn Biên phòng Roòn.

– À, thoạt nhìn tôi không nghĩ anh ta là một người lính.

– Lính đích thực!

– Nhìn rất nghệ…

– Nghệ đích thực!

– Thú vị vậy sao?

– Rất thú…!

Bị mấy lời giới thiệu ấy hấp dẫn, nhân lúc mọi người dừng chân ghé lại bên một bờ lau chụp choẹt PR bản thân trên Facebook, tôi lân la cà khịa:

– Nhìn anh rất lạ?

– Vì điều gì? Áo quần hay thần sắc?

– Cả hai. Và đôi mắt rất ảo.

– Bộ đội mà ảo thì… khó rồi.

– Cả dọng nói cũng rất lạ

– Em quê Sầm Sơn, Thanh Hoá.

– Quê hương của những đôi chân dài ?

– Cà kheo!

– Đó là nghệ thuật bước đi trên sóng biển.

Tôi ngắm nghía Thắng, không thấy đôi vai cuồn cuộn, không thấy đôi chân to bè, cũng không nghe tiếng sóng ầm ào trong thanh sắc. Thắng nhỏ con, mảnh khảnh và ăn nói lịch lãm.

– Thắng là một nghệ sỹ đi trên sóng biển?

– Em cũng biết nhưng không chuyên nghiệp lắm.

– Ra vậy.

– Ở quê em có hai nghề để sống: Một nghề nhờ nước và một nghề nhờ đất.

– …

– Nghề nhờ nước là vũ điệu của đôi chân. Nghề nhờ đất là vũ điệu của đôi tay.

– …

– Em lớn lên từ đôi tay của ông, của cha và của bản thân.

– Nông nghiệp?

– Đất và những bàn xoay.

– Nghề gốm?

– Chính xác! Từ lò gốm của cha, em bước vào khoa Điêu khắc Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. 3 năm không dài nhưng đủ để người ta đào tạo gần xong một nhà điêu khắc. Vậy mà em bỏ…

Có một chút tần ngần trên gương mặt, một chút nuối tiếc trong giọng nói của Thắng.

– Vì sao vây?

– Chuyện áo cơm cả thôi. Đó là những ngày khốn khó. Đối với nghề điêu khắc, ngoài niềm đam mê và tài năng còn cần nhiều thứ nữa. Gì cũng phải tiền. Nhưng tiền còn không đủ để ăn, lấy gì nuôi nghệ thuật ?

– Vậy là đi bộ đội?

– Chưa. Em bỏ trường, trốn nhà vào Vũng Tàu với mong ước kiếm được chút đỉnh, vượt qua cơn bĩ cực sẽ tiếp tục niềm đam mê điêu khắc. Đó là những tháng ngày biệt tích nhưng cha mẹ vẫn tự hào có con đang ở Hà Nội trong một ngôi trường nghệ thuật danh giá vào loại bậc nhất Việt Nam.

– …

– Ngày đi phu hồ. Đêm nằm lều chợ. Cũng may thời tiết miền Nam ôn hoà nên vẫn ổn. Sau có một bác bảo vệ chợ nhân hậu thương em cho em về ở nhờ với thoả thuận là giúp bác ấy xây chuồng heo. Em oke ngay tắp lự không vì điều gì cả ngoài cơ hội thoát khỏi cô đơn…

– Coi như quên điêu khắc?

– Không quên được. Làm công cho chủ, ban đầu thì phụ hồ, sau được cho xây. Những lúc rãnh rỗi em ngứa tay tỉa tỉa vẽ vẽ. Mấy ông chủ thấy thích hỏi Mày làm được cái này cái kia không em nhận lời làm nhưng không lấy công… Chỉ xin được tá túc và ăn cơm cùng họ.

– Cũng không vì điều gì khác ngoài cơ hội thoát khỏi cô đơn?

– Đúng vậy! Sau đó vì đam mê nặn tượng mà em gặp thêm một người tốt nữa. Chính nhờ ông ấy mà em cuộc đời em sang trang..

Cuộc đời Thắng đã có một khúc quanh hết sức bất ngờ từ khi gặp người đàn ông tốt bụng, yêu nghệ thuật ở thành phố Vũng Tàu xa lạ. Thấy Thắng hiền lành, ít nói, chăm chỉ và tài hoa ông cho anh mướn đất mở xưởng gốm ngay trước cổng nhà. Chưa hết, ông nhận anh làm con nuôi và cho anh nhập hộ khẩu với gia đình. Một năm sau, với tư cách con nuôi người đàn ông tốt bụng ấy, có hộ khẩu thường trú hợp lệ tại thành phố Vũng Tàu, Thắng được gọi nhập ngũ, biên chế vào lực lượng Bộ đội Biên phòng Bà Rịa Vũng Tàu- Côn Đảo. Năm 1998, anh mang ba lô ra đảo nhỏ tiền tiêu nhận nhiệm vụ – Chốt Biên phòng Hòn Cau thuộc Côn Đảo, bắt đầu đời binh nghiệp.

– Ngày ấy Hòn Cau là một đảo vắng. Chỉ có chưa đến mươi hộ gia đình và 3 người lính biên phòng. Ngày đêm làm bạn với lũ chim hải âu cãi nhau chí chóe và sóng gió. Không như bây giờ, Hòn Cau là địa chỉ du lịch hấp dẫn.

– Hòn Cau có nhiều cau?

– Đúng vậy! Đó là địa danh lịch sử. Khoảng giữa thế kỷ 14 có những người đầu tiên từ đất liền vượt biển ra Hòn Cau . Trong đó có một phụ nữ ra đây sinh sống cùng gia đình. Bà tên Thiết nên Hòn Cau có một xóm gọi là “Xóm Bà Thiết”. Khi đi bà mang theo nhiều hạt giống cau để trồng. Ngày nay những hàng cây cau vẫn còn tươi tốt trên hòn đảo nhỏ này.

– Thắng ở Hòn Cau mấy năm?

– Tưởng là hết hạn 3 năm nghĩa vụ là về, làm bạn với chiếc bàn xoay truyền thống nhưng may mắn lại mỉm cười với em, em được chỉ huy chọn đi học để phục vụ lâu dài trong lực lượng. Tức tốc tráng men lại dung nhan em mang ba lô vào thẳng Trường Trung cấp Biên phòng. Ở luôn trong trường 2 năm, sau đó về BĐBP Trà Vinh công tác. Ở đây em gặp một cô gái Quảng Bình. Yêu rồi lấy. Đồng đội thương góp gom lương lính cho em mượn tạm, đồng bào Trà Vinh cho em cây làm cột, lá lợp mái để dựng một ngôi nhà nhỏ bên mép ruộng.Chồng đi bộ đội. Vợ giăng câu, bủa lưới kiếm sống. Em thỏa mãn với cuộc sóng ấy.

– Đó là cơ duyên để Thắng về Quảng Bình.

– Hạnh phúc của cuộc đời em là luôn luôn gặp người tốt. Thằng Thắng hôm nay là con của những tấm lòng.

– Có lẽ đó là nguyên nhân cho những hoạt động thiện nguyện hôm nay?

– Chính xác. Từ tấm lòng đến tấm lòng!

– Con đường của tấm lòng được hình thành từ những chuyến hàng cứu trợ.

– Em không thích dùng hai từ “Cứu trợ”. Đó là mối quan hệ cho- nhận giữa hai đối tượng đối lập nhau về điều kiện vật chất. Em khác. Có ai kêu cứu đâu mà em cứu trợ ai. Chỉ là tự tìm đến với nhau thôi. Như là đứa con trai đi bộ đội về thăm nhà có chút quà biếu mẹ biếu cha, có tấm áo mới tặng chị tặng em. Đó gọi là chia sẻ! Nghe ấm áp hơn nhiều, tình cảm hơn nhiều, đúng nghĩa “Đồng bào” hơn nhiều. Đúng không?

Tôi lặng người nghe Thắng nói những điều đó. Chợt thấy mình thật vô cảm và nông cạn.

*

2 lần tôi đến Lòm. Lần thứ nhất cách đây tròn 10 năm. Ngày ấy, hệ thống đường giao thông không hoàn thiện như bây giờ. Đường 12A chưa được nâng cấp. Đường ra biên giới đang trong quá trình thi công. Xe hơi đời mới không được chào đón. Và đi bộ có vẻ là hình thức giao thông dễ chịu hơn nhiều. Vào được Lòm là kỳ tích của những đôi chân. Nay khác hẳn. Dù bằng phương tiện gì cũng như đi du lịch. Qua những cung đường lịch sử: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 12A, đường xuyên Á, đường Hồ Chí Minh tây, đường ra biên giới. Và những chiếc cầu treo uốn cong ngang suối như những nét nhạc thanh mảnh. Với lộ trình ấy tôi thấy được thực tế: Quảng Bình là một địa phương có hệ thống giao thông hoàn chỉnh vào loại bậc nhất cả nước và lãng mạn cũng vào loại bậc nhất cả nước. Thiên nhiên miền Tây Quảng Bình huyền ảo như tranh thủy mặc. Rừng xanh rời rợi. Thác đổ trắng núi. Lau trổ như mây. Hoa rừng thấp thoáng vàng, thấp thoáng đỏ, thấp thoáng lửa cháy. Chim ca. Suối reo… Sắc màu ấy, âm thanh ấy mời gọi, níu giữ chúng tôi. Thắng có vẻ vững lòng hơn, vẫn lao đi như tên mặc dù anh liên tục nhìn sang hai bên đường. Phía trước, lũ trẻ ở những bản nhỏ biên giới đang đợi anh.

Ngôi trường dành cho con em đồng bào Mày, Khùa các bản thuộc vùng Lòm nằm bên suối. Đang giờ ra chơi, sân trường râm ran tiếng trẻ. Chúng tôi đến, đúng hơn là Thắng đến, bọn trẻ ùa ra bu kín Thắng và bàn tán rất hăng, có lẽ là đoán già đoán non xem lần này Thắng sẽ mang đến thứ gì cho chúng. Ngay lập tức lũ trẻ được Thắng và các thầy cô giáo mặc cho quần áo mới, đeo cặp mới và phát kẹo. Gương mặt con trẻ rạng rỡ ngắm nghía nhau và chạy tung tăng khắp sân. Đồng bào mấy bản vùng Lòm nghe tin con em có áo mới tập trung rất đông trong sân trường. Ai cũng vui như Tết nhưng Thắng không vui.

– Sao vậy?

– Những đôi chân trần! Sao em không nghĩ đến điều này nhỉ?

– Đành dành lại cho những chuyến hàng sau.

– Tất nhiên rồi!

Những đôi chân trần của lũ trẻ miền núi bé nhỏ và đen đúa. Những đôi chân ngay từ khi biết đứng thẳng đã băng rừng theo mẹ theo cha làm rẫy, đã đạp lên đá núi săn con nai con mang. Những đôi chân bấm chặt vào con dốc đầu bản để đến trường. Những đôi chân chưa quen đi dép!

Thắng là đại diện của Hội thiện nguyện của những người yêu xe Hon đa 67 Việt Nam. Trong hơn 3 năm công tác tại Quảng Bình, anh đã có 6 chuyến hàng “chia sẻ” với đồng bào các dân tộc ít người trên tuyến biên giới phía Tây. Anh không làm từ thiện theo kiểu có gì cho nấy, thấm chí thừa gì cho nấy. Thắng nói rằng “Của cho không bằng cách cho”, tận dụng những ngày được nghỉ tranh thủ hoặc nghỉ phép, Thắng chỉ ghé nhà kiểm tra tình hình gia đình sau đó một mình một con 67 lao thẳng lên các bản làng biên giới để tìm hiểu hoàn cảnh cuộc sống của đồng bào. Biết đồng bào thiếu gì, cần gì anh sẽ tìm các mạnh thường quân hộ trợ thứ ấy. Lại tiếp tục nhận hàng, tập kết hàng, đợi những ngày nghỉ tiếp theo để mang đến giúp đồng bào.

– Không bị bà xã kiện sao?

– Cô ấy còn làm cửu vạn không công cho em.

– …

– Cũng như em, cô ấy thấm thía giá trị của tình người trong những ngày khốn khó. Cô ấy đã từng được nhận rồi thì cho đi là điều dễ hiểu.

– Có những thứ cho đi thì vơi bớt. Lại có những thứ càng cho càng đầy.

– Tình người là vậy!

Đang mùa khô, dòng suối chảy qua bản cạn và trong. Những khóm lau mọc bên bờ nước lay nhẹ theo chiều gió gây cảm giác bình yên và xa vắng. Tặng quà cho lũ trẻ xong, Thắng ra ngồi một mình bên suối. Có lẽ anh đang nghĩ về chuyến đi tiếp theo của mình với những đôi dép dành cho những đôi chân trần chưa quen đi dép.

Bút ký Trương Thu Hiền – Văn học quê nhà