Chuyên mục TRUYỆN HAY tuần này, Cầm Kỳ Official xin giới thiệu 2 truyện ngắn của nhà văn Đặng Chương Ngạn. Sẽ phát vào 21h15’ thứ Hai ngày 4.3.2024 và thứ Ba ngày 5.3.2024.

Nhà văn Đặng Chương Ngạn còn có bút danh khác là Đặng Trung Nhân
Ông đã đoạt được những giải thưởng sau:
Giải thưởng cuộc thi viết cho nhi đồng của Hội nhà văn và NXB Kim Đồng năm 1985-1987;
Giải thưởng cuộc thi truyện châm biếm với bút danh Đặng Hồng – Báo Văn Nghệ – Hội Nhà văn Việt Nam năm 1982-1983;
Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn “Người lao động hôm nay” báo Người Lao động 2018-2019;
Giải thưởng truyện ngắn Cuộc thi truyện ngắn, ký về nông thôn của Quỹ Văn học Lê Lựu 2018-2020.

ĐÃ IN:

  • Gọi tên những lỗi lầm -truyện dài -Nxb. Trẻ 1990.
  • Nghệ sỹ dế -tập truyện- NXB Thanh Hóa -1993.
  • Thiếu nữ xa lạ – tập truyện ngắn – NXB Văn học 1996
  • Kẻ chăn dắt – tiểu thuyết – NXB Văn Học 2012
  • Chiếc vòng cổ màu xanh – truyện dài- NXB tổng hợp 2019
  • Người hát xẩm ở Trì Câu – tập truyện ngắn – NXB tổng hợp TP.HCM 2023

Người hát xẩm ở Trì Câu

Truyện ngắn Đặng Chương Ngạn

Người thì nói ông ấy là một người lính già mới rời quân ngũ, người thì nói ông ấy là một nghệ sỹ chơi guitar trong đoàn ca múa nhạc, người thì nói ông ấy vốn là một nhà thơ, người thì nói rằng ông ấy là một nông dân chân chỉ quen việc cày cuốc. Ông đến Trì Câu để tìm xác đứa con trai theo đám bạn đi đào đá đỏ… Ông lăn lộn trong bãi đá hơn chục ngày, chứng kiến bao nhiêu thảm cảnh ở đấy, chứng kiến tất cả những chuyện dã man, tàn bạo ở đấy, để biết rằng những con người bị cuốn vào cơn lốc đá sẽ không tìm thấy gì nơi bãi Trì Câu ngoài đói, rét, bệnh tật… Hơn chục ngày tìm con, bị bọn bưởng trưởng, bọn côn đồ canh bãi hành hạ, đánh đập, xua đuổi như một con chó, hơn chục ngày khóc con trong đau đớn, ông bị mù luôn hai con mắt…

Bị mù và hết sạch tiền bạc, đau đớn, thất vọng… người đàn ông lê được thân xác ra ngã ba Trì Câu, đã ngả cái nón cối rách nát không còn vành xin thiên hạ bố thí chút thức ăn… Rồi ít ngày sau người ta thấy ông trở thành một xẩm mù nơi ngã ba với giọng hát não nề, bi ai, thê lương làm tan chảy lòng người… Một thanh niên đi vào bãi, khi bị bưởng trưởng bắt bỏ lại các đồ thừa đã cho ông cây đàn guitar gỗ, từ đó ông xẩm mù vừa đàn guitar vừa hát…

Câu chuyện về người xẩm mù đó, mãi sau này, khi đã vào bãi, Văn mới nghe kể…

Nhà văn Đặng Chương Ngạn

Còn lần đầu tiên gặp ông ở Trì Câu, nơi ngã ba dẫn vào bãi đá, Văn chỉ ngồi đấy mê mẩn nghe tiếng đàn guitar phập phừng và tiếng hát của ông. Tiếng hát ấy xoáy vào lòng Văn tâm trạng đang ngổn ngang, mù mịt:

“Đoàn người ly hương đang tiến vào đồi tỷ

Đoàn người ly hương vượt mọi hiểm nguy

Họ ra đi tìm đá màu để đổi thay

Vượt qua phong ba hiểm nghèo

Đạp lên cái chết dốc đèo

Họ kiếm tìm

Ra sức moi đào

Chui sâu vào lòng đất

Lạnh buốt lắm… người ơi

Lạnh buốt lắm… người ơi…

Đoàn người ơi, đó là viễn tưởng ước mơ

Đoàn người ơi, không ai ngờ

Hiện thực phũ phàng, giông tố bẽ bàng, tàn nhẫn, dã man…”

Chỉ hơn chục tiếng đồng hồ trước đó, trước thời điểm ngồi nghe ông xẩm mù hát ở ngã ba Trì Câu, Văn còn nằm vạ vật trên nóc toa tàu khách Hà Nội – Vinh. Còn mấy ngày trước, Văn rời khỏi cổng trường Đại học Địa chất ở Thái Nguyên với tất cả tiền vay mượn bạn bè người quen dự định buôn một chuyến thuốc lá sợi vàng Lạng Sơn về chợ Vinh bán, hi vọng kiếm chút tiền tàu xe trở lại trường sau kỳ hè. Văn đã chịu khó đi đến nơi trồng thứ thuốc lá sợi vàng Lạng Sơn để mua tận gốc. Mệt mỏi vì mấy ngày đường đi bộ, nhảy xe, đổi tàu nên khi lên được nóc chuyến tàu khách lèn chặt người Hà Nội – Vinh, neo mình vào ống thông gió trên nóc toa, Văn đã ngủ lịm đi lúc nào không hay biết.

Khi Văn tỉnh dậy, cái ba lô lèn chặt thuốc lá sợi vàng Văn đã cẩn thận tròng mấy vòng dây vào người mình và nắm giữ bằng tay trái đã biến mất. Bọn khốn nạn đã cắt đứt mấy sợi dây để lấy cắp ba lô. Trong cơn hoảng sợ bị mất ba lô ( tất cả tài sản), Văn kinh ngạc vì những gì mình nhìn thấy, chưa bao giờ trên nóc tàu đông kín như vậy. Cả một chợ người ngổn ngang, la liệt nằm ngồi với xô, chậu, xẻng, cuốc… Nhìn xuống, hai bên hông tàu cũng đu bám đen đặc. Hình ảnh giống hệt mấy tấm ảnh Văn từng thấy đâu như tàu xe bên Ấn Độ… Tìm ở đâu cái ba lô giữa biển người này! Văn như phát rồ, miệng lẩm bẩm: “ba lô của tôi”, “ba lô của tôi”, bươn dọc theo nóc đoàn tàu đến cuối, rồi ngược lại. Mắt đảo phải, đảo trái quét tất cả người ngồi trên nóc toa. Văn dừng lại ở một gã đàn ông tóc dài quá vai, mặc áo cài khuy, quần bò rách ôm chiếc ba lô giống hệt cái ba lô của Văn. Văn hít mạnh một hơi: ba lô có mùi thuốc lá sợi vàng. Nhanh như chớp, Văn nhào tới giật cái ba lô và thét lên: “Ba lô của tôi!”. Cũng nhanh không kém, gã đàn ông quay người quật Văn ngã ngửa và bẻ gập tay Văn: “Mày ăn cướp à !”. Mặt bị dí sát sàn tôn, Văn bật khóc: “Cái ba lô của tôi, ba lô của tôi mà”. “Mày mất ba lô?”-“Tôi ngủ, ba lô buộc vào người, chúng cắt dây”- “Thăng ngu!” – gã đàn ông thả tay Văn ra – “Mày nhìn đây, ba lô này của tao, quai còn nguyên. Ba lô mày có gì?”. Văn sụt sùi kể câu chuyện đi buôn thuốc lá sợi vàng để có tiền học. Gã kia cười sằng sặc, mở ba lô ra: “Đây, ba lô tao chỉ đựng gạo, đầy gạo, chỉ túi tao có gói thuốc sợi vàng thôi! Mà mày còn tìm gì! Bọn cướp chúng xuống tàu rồi. Nếu không xuống tàu nó cũng đã vứt ba lô của mày cho đồng bọn dưới tàu!”.

Một người đàn ông nằm gối đầu trên chiếc túi cói, nay mới ngồi bật dậy. Ông ta có đôi mắt sâu, râu ria tua tủa: “Thôi đừng tiếc cái ba lô thuốc lá nữa chú em. Mất ngựa biết đâu là điều may. Chú em đi với bọn anh đi!”- “Đi đâu ?” – “Trời thằng này, cứ như người trên trời, nhìn kìa, cả ngàn người này đi đâu?”. Anh ta khoát tay dọc đường tàu. Mấy người ngồi gần đấy cười rộ lên. Rồi một tay gõ gõ lên cái xô, cất giọng khàn khàn:

 “Dòng người ra đi tìm đến Trì Câu

 Từng đoàn đưa nhau vào tận rừng sâu

 Con đường chông gai không sá hiểm nguy

 Một lòng ra đi tìm đá ruby…”

Người đàn ông râu ria tua tủa kéo Văn ngồi xuống: “Chú mày không nghe gì về đá đỏ Trì Câu?” – “Không !“

“Cả nước này đang lốc, bão, sốt vì đá đỏ Trì Câu đấy. Trên tầu này, phần đông là dân đi đào đá đỏ Trì Câu. Xe ô tô, xe máy, xe công nông cũng đang kéo về đấy. Đoàn quân đi đến Trì Câu còn đông và thần tốc hơn cả quân Tây Sơn kéo ra Bắc Đại phá quân Thanh. Quân đi như bão. Thôi chú mày theo bọn anh, đến đấy chú mày chỉ vớ được một cục đá bằng ngón tay đủ sống suốt đời. Một mảnh bằng móng tay cũng có giá gấp ngàn lần chiếc ba lô chú mày vừa mới mất…”.

Văn bị cuốn vào dòng người đi tìm đá đỏ khi họ xuống ga Hành vào lúc nửa đêm, rồi đi bộ một mạch gần 15 km về ngã ba Trì Câu. Nhóm của Văn mà ông râu tua tủa làm đại ca vào nghỉ ngay ngôi nhà sát bên đường. Đại ca tuyên bố: ngủ lấy sức 90 phút sẽ lên đường vào đồi tỷ. Mọi người đặt lưng xuống nền nhà là ngáy như sấm, Văn nằm lui vào góc trong cùng, trằn trọc mãi mới ngủ được…

Sáng ra, khi Văn tỉnh dậy, căn phòng trọ vắng tanh, mọi người đã ra đi bỏ lại mình Văn. Cả những đám người tối qua đông đặc ở ngã ba cũng không còn. Thấy Văn đang ngơ ngác, ông chủ phòng trọ, một người thương binh cụt tay, nghe chuyện giải thích: Họ ra đi ban đêm, không gọi, chỉ bấm vào người nhau lặng lẽ lên đường vì cần giữ bí mật. Có thể do ngủ say quá người ta bấm tay, ra đi mà mày vẫn không biết.

Văn bước ra khỏi phòng trọ, nhìn thấy bên kia đường một người đàn ông đầu tóc bạc trắng mặc bộ đồ lính cũ nhàu nát ngồi trên một khúc gỗ đàn guitar và hát. Nhìn gần khuôn mặt ông nhăn nhúm như một quả nho khô, cái cằm nhô ra phía trước. Hai bàn tay ngón thô, còng queo như nhánh củi khô nhưng rất dài. Khi nhìn những ngón tay ấy chạm vào phím đàn, Văn nhận ra ngón tay của nghệ sỹ guitar có nghề:

“Đừng đi theo đám đông

Đừng cuốn theo đám đông

Đừng chạy theo đám đông

Những đám đông kinh hoàng

Những đám đông rồ dại

Những đám đông sợ hãi

Những đám đông lừa dối

Những đám đông hoang mang

Những đám đông tham lam

Những đám đông tàn bạo

Chẳng tương lai gì đâu

Chẳng hi vọng gì đâu

Chẳng tìm được gì đâu

Chẳng mang lại gì đâu

Hãy trở về nhà

Hãy trở về nhà

Hãy trở về nhà

Nhà còn có mẹ già…”

Văn đi lại gần ông xẩm mù bỏ vào cái nón cối một tờ năm trăm đồng. Người xẩm mù dừng đàn quay qua anh:

“Cậu mới nghỉ hè?”

Văn hết sức ngạc nhiên trước câu hỏi ấy.

“Vâng, cháu mới nghỉ hè! Sao bác biết?”

“Tôi ngửi thấy mùi học trò ở cậu. Về nhà đi cậu. Tạng người như cậu không chịu đựng được sự vất vả, lương tâm cậu không chịu nổi sự khốn nạn ở bãi đá đâu! Về nhà đi. Cậu không bao giờ tìm được đá ruby như người ta đồn thổi. Cậu có tìm được cũng sẽ bị cướp, cũng không mang ra khỏi bãi được. Cuối cùng, cậu vẫn tay trắng…”

Trong tâm trạng chán chường vì bị bỏ rơi, Văn buột miệng, hỏi móc ông xẩm mù một câu độc ác:

“Ông ở đây hát để xin tiền hay để dạy đời cho những kẻ đi tìm đá?”

“Lão không dạy ai. Thực sự, lão ở đây là để khuyên can mọi người. Còn để xin tiền ta chỉ cần đến mấy ga tàu…”

“Có ai nghe lời ông khuyên không?”

“Hình như không. Cả cậu rồi cậu cũng không nghe lời khuyên của ta dù đó là lời khuyên gan ruột của một người cha”

Ông xẩm mù đưa tay gạt qua mắt, Văn nhận ra nước mắt ứa ra trên hai mắt mờ đục của ông và anh thấy ân hận vì câu hỏi độc ác của mình, vì thái độ cộc cằn thô lỗ của mình. Lòng Văn chùng lại. Người hát xẩm, nâng cây đàn lên, hát tiếp với giọng khàn đục:

 “Chẳng ai nghe lời khuyên

 Chẳng khuyên được ai đâu

 Chẳng ngăn được ai đâu…

 Những con người  

 Đói khổ tận cùng

 Bất hạnh tận cùng

 Mất mát tận cùng…

 Họ đi đến đây để tìm lối thoát

 Để tìm tương lai

 Để tìm ngày mai…

 Chẳng ngăn được họ đâu

 Chẳng khuyên được họ đâu!…”

Văn đứng im nghe người xẩm mù hát và nhìn dòng người đang đông dần lên ở ngã ba, ào ào lướt qua trước mặt anh đi vào đồi Tỷ…

Tranh của họa sĩ Lê Trần Thanh Thủy

Ông xẩm mù, chợt ngưng đàn:

“Cậu vẫn chưa đi à. Nếu cậu không nghe lời ta quay về vẫn quyết định vào bãi, thi hãy chọn đoàn nào đó đông đông, họ có máy bơm, có máy phát điện, có mang đầy đủ xà beng, dao phay… thì xin nhập bọn. Không phải theo đoàn ấy cậu kiếm được đá đâu. Không kiếm được đá đâu! Nhưng theo họ sẽ đỡ bị sập hầm, sẽ đỡ bị bọn giang hồ bắt nạt… May còn mạng sống…”

Văn đã đứng quan sát và cuối cùng xin nhập theo một nhóm như ông xẩm mù khuyên: nhóm có máy bơm, có máy phát điện, đông người… Trưởng bưởng tên là Xoắn, họ kéo nhau từ một bãi vàng tít tận Quảng Nam về để tìm vận may ở bãi đá Trì Câu…

***

Ngay khi nhập vào bưởng Xoắn, chen chân cùng đại quân trên đường vào đồi tỷ, Văn đã nhận ra mình lạc loài giữa đám đông ghê sợ này. Những tiếng “đéo”, “đớp”, “hốc”, “chó chết”, “thằng khốn kia”, “con đĩ kia”… những ánh mắt gườm gườm, những bộ mặt dữ dằn… làm Văn kinh hãi.

Ngày hôm đó, khi đặt chân đến bãi đá, hiện lên trước mắt Văn là cả một khu đồi trơ trụi không còn một bóng cây, đất đá đào phá tơi tả như bị nhiều trận bom B52 rải thảm (cảnh mà Văn nhìn thấy trong phim) cày nát. Lúc nhúc người là người, cả một đồi người, chen chúc…

Văn quan sát bãi đá và rùng mình. Hàng ngàn con kiến, con dế, con dũi người đang tranh nhau đào đào bới bới, xô đẩy, gầm gừ với nhau và nhảy bổ vào xé xác đồng bọn bất cứ lúc nào… Trông họ không ai còn bộ dạng người, áo quần nhăn nhúm, xộc xệch, tóc tai rối bù, mặt mũi xanh lét, nhăn nhó, cạu cọ…

Không thể len chân vào đồi tỷ, Xoắn kéo bưởng xông vào đâu lập tức xuất hiện những kẻ xăm trổ đẩy lui ra. Chiều đó, sau khi đệ tử tia được một nhóm chỉ có mấy thanh niên và phụ nữ đang chiếm cứ khu đất gần cây muỗm khô, Xoắn quyết định tử chiến để giành bãi. Cuộc tử chiến ấy, một đệ tử Xoắn bị chém sả cánh tay, bên kia, bưởng trưởng bị Xoắn đâm trọng thương, cuối cùng cả bọn bị đuổi bật xuống chân đồi.

Văn, Thanh, một gã lực lưỡng tên Mông và ba đàn ông khác được giao nhiệm vụ khai thác, một nhóm vận chuyển, một nhóm đãi, các đệ tử Xoắn giám sát và bảo vệ. Toán khai thác sáu người chia hai ca thay nhau đào và chống hầm.

Thực ra, hơn mười ngày làm cho bưởng Xoắn, chỉ có hai ngày đầu vào lúc thay ca Văn được lên khỏi mặt đất, được đi xuống chân đồi. Còn thì Văn cùng phu đá khác sống cuộc sống của chuột chũi. Làm việc, ăn, ngủ, vệ sinh cũng ngay trong hầm… Chỉ đêm đến mới được lên ngủ ở chỗ ngách thông với giếng có chút khí trời. Hay được ngủ trong lán bên cạnh hầm khai thác khi đệ tử Xoắn gọi lên tăng cường bảo vệ.

Hoá ra, mấy lần chạy xuống chân đồi… là dịp thoải mái nhất, được hít khí trời, được nhìn ra xung quanh, được thấy cái đám kiến người, được giao tiếp một vài câu với phu đá bưởng khác… Trong một lần, như vậy, Văn gần như chạm trán với một người quen, một cô gái học trường kinh tế Hà Nội đang còng lưng vác bao tải bổi xuống khu vực đãi. Cái khuôn mặt nhìn qua là nhận ra ngay, da trắng với mái tóc dài, một mái tóc đen đặc biệt dài. Lần đi, từ ga Vinh – ra Hà Nội, Văn trốn vé nhưng dại dột đi vào toa khách, lúc bị mấy tay kiểm vé chận lại may cô gái nhanh trí lên tiếng và chìa cái vé ra cứu mới được giải thoát… Văn chạy theo và gọi, nhưng bị ngay một cánh tay lực lưỡng chận lại…

Chỉ ba ngày vào bãi, quan sát và qua vài lần trò chuyện với đám chuột chũi dưới hầm, Văn hiểu ra đã vào bãi là chấp nhận một xã hội vô pháp, không có luật lệ, không có lẽ phải, tình thương…, nơi thống trị của luật rừng, của các băng nhóm, giang hồ, mặt rô… Văn nhận ra những điều ông lão hát xẩm nói là chân lý: Đám đông cuồng dại sẽ chẳng tìm thấy gì, rồi tay trắng vẫn hoàn tay trắng. Đá quý nếu tìm thấy cũng rơi vào tay trưởng bưởng, khi bán đi may mắn chỉ được chia một phần nhỏ, nhưng có nhiều tay trưởng bưởng đã biến mất cùng với đá quý, bỏ lại đám quân ngơ ngác. Đá tìm thấy có thể sẽ bị cướp ngay ở bãi, bị cướp ngay trên đường mang ra khỏi bãi. Có rất nhiều bọn giang hồ, mặt rô… chỉ canh trên bãi, canh trên đường ra bãi để chận cướp. Chúng cướp ngang nhiên và hầu như nạn nhân không bao giờ dám chống lại. Nếu chúng biết nhóm nào đã đào được đá thì chắc chắn sẽ bị chúng cướp. Có tay bưởng trưởng đã nuốt đá vào bụng, chúng chận đường khám người không thấy đá, lập tức kéo nạn nhân vào sâu trong rừng vắng bắt uống thuốc xổ tống đá ra bằng được…

Ngày thứ 5, thì mỏ bị cướp. Một đám xăm trổ đầy mình nửa đêm kéo tới, chém luôn hai đệ tử của Xoắn. Khi bưởng trưởng nghe tin hô quân xông lên, bị ngay một nhát đâm bằng xà beng gục xuống. Trong suốt thời gian ấy, Văn và mấy người đào bị giam ngay dưới hầm, hai thằng cầm súng AK báng gấp chận ngay ngách lên miệng hầm. Khi đã giết được Xoắn, chúng gọi đám dưới hầm lên tuyên bố từ nay chúng là chủ hầm và tất cả phải làm việc cho chúng. Thằng Khàn (nó xưng tên như vậy) quỳ xuống lạy chúng xin về vì ốm không làm được nữa. Gã xăm trổ hình con hổ nhe răng trên ngực bước tới lạnh lùng xả môt nhát, rồi đạp rơi xuông giếng, trợn mắt :

“Chúng mày ốm hay khoẻ ?”

Năm thằng chuột chũi thành nô lệ của đám mới, quay xuống hầm, thay nhau tiếp tục đào. Xác của thằng Khàn chúng cho vào bao mang khỏi hầm như một bao bổi. Đám mới chỉ chăm chăm việc thu hoạch bổi mang lên để đi đãi, chúng thúc ép nhóm Văn đào liên tục, đêm thay ca nhau ngủ. Chúng không đưa ván, cây xuống để chống hầm. Khi một người trong nhóm kêu vật tư chống hầm, chúng quát: “Làm đi, đất đá ong rắn, sập đâu mà bày đặt chống”

Ngay hôm sau, hầm sập, may mắn Văn và Thanh, Mông đang ngồi ăn bên ngoài. Chúng xuống moi xác hai người bị sập ra, nhưng vứt ngay chỗ ngách rồi thúc báng súng vào Văn, Thanh, Mông… tiếp tục đào. Thanh thì thầm vào tai Văn: “Chúng ta sẽ chết vì hầm sập, nếu không sập, chúng cũng sẽ chôn sống chúng ta ở đây khi chúng rút đi”.

Nửa đêm, nghe tiếng hò hét chém giết trên hầm. Tên cầm súng canh chỗ ngách trèo thang lên hỗ trợ đồng bọn.

“Có bọn cướp hầm. Cũng có thể đệ tử Xoắn gọi viện binh đến chiếm lại hầm. Đây là cơ hội chúng ta thoát được ra ngoài. Xông lên chém chúng rồi bỏ chạy vào rừng, ngày mai tìm gặp lại nhau”- Thanh nói.

Văn nhào lên, cầm cây xà beng trong tay vung loạn xạ vào đám người đứng trên miệng hầm, rồi lao nhanh xuống đồi về phía rừng cây. Ngoái nhìn lại, anh thấy Thanh đang vung xẻng đập túi bụi vào đám đuổi theo. Chạy vào rừng, Văn chờ mãi không thấy Thanh…

Sau một đêm vạ vật trong rừng, sáng mai vác cái xà beng dính máu trên vai, Văn đi lên đồi. Văn đi về hướng Nam đồi tỷ, ở đây, tất cả những gì Văn nhìn thấy không khác bên mạn Bắc… Chỉ có bây giờ với cái xà beng trên vai, lòng đã đóng băng, tâm trạng tuyệt vọng, Văn đi băng qua những bưởng đào đá không một chút run sợ trước ánh mắt sắc lạnh của đám mặt rô, không giật mình khi nghe chúng quát: “Thằng kia đi đâu?”, “Vào cướp hả?”. Văn tính sẽ tìm một bưởng nào đó xin nhập bọn.

Văn lên đến lưng đồi bên phải anh đang có một đám đông đang lao vào chém giết nhau bằng cuốc xẻng (có lẽ lại một cuộc chiếm bãi), bên trái lối đi có mấy xác chết lấm lem bùn đất, kéo từ hầm lên vứt ngay trước cái lán tạm che bằng bạt sọc. Đám đông vẫn im lặng đào, xúc, chuyển như không có chuyện gì ghê gớm xảy ra…

Một tiếng cười hố hố làm Văn quay nhìn qua bên phải, nơi có một cái hố nước để đãi đá ngầu đỏ, sền sệt bùn. Một gã đàn ông đầu trọc lốc, lưng xăm trổ hình con quạ đang xé quần áo một cô gái và đè nạn nhân xuống bên cạnh cái máng đãi đóng bằng gỗ ván. Nhìn cái đầu trọc lốc và hình con quạ, Văn nhận ra đó là tay Phong trùm giang hồ đồi tỷ mà Thanh đã kể. Thanh nói rằng ở bên đồi triệu, hắn có thể cưỡng hiếp bất cứ cô gái nào trên bãi mà hắn thích, giữa thanh thiên bạch nhật, ngang nhiên bên cạnh đám dế người đang cuốc cuốc, đào đào… Ngay cạnh hắn, một cụ già đang gào khóc, dù bị đàn em Phong túm áo giữ lại, vẫn cúi gập xuống vái lạy lia lịa: “Tha cho con gái tôi đại ca ơi, tha cho em nó đại ca ơi. Tôi cắn rơm cắn cỏ đại ca, tôi đội ơn suốt đời!…”. Ngu thật, Văn đau đớn nghĩ: sao ông ta dám mang con gái vào bãi đá này. Văn định bước đi, nhưng mắt anh bắt gặp mái tóc dài, mái tóc thật dài. Mái tóc không lẫn vào đâu được…

Văn quay ngoắt lại. Chiếc xà beng trong tay anh bất ngờ vung lên nhanh như chớp, phang ngay vào đầu tay giang hồ. Đầu hắn vỡ toác, máu phun ra cả người cô gái, hắn ngã vật, giãy giãy như con ếch bị chặt đầu…

Văn cầm xà beng trên tay, lững thững đi chậm chậm xuống chân đồi. Văn chờ đám đàn em của Phong lao tới chém, giết… nhưng lạ lùng thay chúng không làm gì cả. Chỉ có đôi người trên bãi đá len lén nhìn Văn…

Buổi sáng đó, Văn đi ngược lại dòng người đang kéo vào đồi tỷ, có lẽ hàng ngàn người vì anh nhiều khi phải chen lấn họ mới đi được:

“Hãy về đi về đi

  Hãy về đi về đi

 Vào đây mà làm gì

 Chẳng có đá ruby

Sẽ chết dưới hầm sâu

Bỏ xác trong rừng thẳm

Gậy chúng phang vào đầu

Dao nhè ngực chúng cắm”

Văn lẩm nhẩm lời của ông già hát xẩmNhiều lúc, anh muốn nhảy ra, giang tay ra chận đám người điên cuồng lại…

***

– Cậu ra rồi à?

– Vâng …

 Ra lúc này, mà ngửi thấy mùi máu, chắc cậu đã giết người…

– Thưa ông! Sao ông nghĩ vậy ?

– Người từ bãi đá ra, chỉ là người đã trúng đá, xác chết, hay đã phạm tội. Cậu không trúng đá, không phải xác chết, vậy thì chắc chắn cậu đã giết người!

– Sao ông không hỏi cháu đã giết ai?

– Chắc chắn cậu giết bọn người ác, người xấu!…

Văn ngồi xuống bên ông xẩm mù, quan sát cái nón cối. Trong đó, có một ít tiền… Văn đưa tay, nhẹ, rất nhẹ nhón lấy tất cả số tiền lẻ nắm chặt vào lòng tay rồi bước ra đường…

“Này cậu! Này cậu!…”

Ông xẩm mù đã buông đàn, hướng hai hố mắt tối sầm về phía anh và tay lần sau lưng rút ra xấp tiền vẩy vẩy…

“Chừng đó tiền lẻ không đủ để ra bến xe đâu. Cậu cầm lấy số tiền này. Hãy ra bến ô tô, kiếm bất cứ phương tiện gì, rời Trì Câu nhanh trước khi bọn giang hồ đuổi theo cậu trả thù!”.

Mãi sau này, Văn vẫn không hiểu sao ông mù biết anh lấy cắp tiền. Có lẽ tai ông thính hơn người bình thường hàng chục lần chăng? Hay ông có một khả năng nhận biết đặc biệt khác. Văn quay lại, chộp lấy cục tiền từ tay ông xẩm, không kịp nói câu cảm ơn, chạy vội ra ngã ba… Cả khi lên chiếc xe khách liên tỉnh, anh vẫn còn dáo dác nhìn quanh xem có bọn giang hồ bãi bám đuổi theo không.

Văn trở về nhà, cả mùa hè, anh lăn lộn ngoài đồng giúp mẹ. Văn quay lại cái nghề thủ công hồi còn học phổ thông đan nơm, thúng, mủng bằng tre mang ra chợ bán. Cuối hè, anh cũng gom được đủ tiền để trở lại trường… Chỉ số nợ vay của bạn bè, người thân mua thuốc sợi vàng, thì mãi sau mấy năm, Văn mới thanh toán hết… Trong năm học cuối cùng, Văn luôn tìm thông tin về mỏ đá Trì Câu. Theo những gì anh đọc được trên báo: sau mấy vụ tàn sát đẫm máu giữa các nhóm giang hồ, sau mấy vụ sập hầm chết cả trăm người, chính quyền đã cho bao vây khu vực đá đỏ, hàng ngàn đặc nhiệm tràn vào bắt hết bọn giang hồ, côn đồ… Tất cả người dân đào đá đỏ bị đuổi ra khỏi bãi, phải quay trở về địa phương… Chấm dứt cơn sốt đá đỏ ở Trì Câu…

****

Ngay năm đầu kiếm được việc, đi làm, ứng thêm mấy tháng lương, Văn quyết định quay lại Trì Câu tìm ông già xẩm mù. Văn muốn trả lại món nợ ngày nào, và hơn hết anh muốn gặp lại ân nhân, muốn được trò chuyện với ân nhân, muốn nói vài lời cảm ơn…

Ngã ba đã thay đổi nhiều, nhưng vẫn còn tìm thấy những hình ảnh cũ: Mấy hàng quán bán nước chè, căn nhà phía sau rặng tre ngà, nơi trước đây toán quân của bưởng trưởng Xoắn và Văn đã nghỉ lại, mấy gốc xà cừ vỏ xám hằn vết khắc trái tim, với những dòng chữ kỷ niệm chia ly, tạm biệt của dân đi đào đá… Quốc lộ 48 hẹp, dài ngoằng ngoẵng, uốn lượn sau những khu đồi… Cả cái cột cây số bằng bê tông sứt mẻ, nằm đổ nghiêng…

Mọi người hầu như đều biết ít nhiều về vụ đào đá đỏ, đồi triệu, đồi tỷ, nhưng chỉ nghe nói lờ mờ, chút ít về ông già hát xẩm. Không có ai biết tên và ông già bây giờ sống ở đâu. Khi Văn hỏi họ có phải chính quyền đã giải tán bãi đá không? Một người đàn ông trung niên đang ngồi uống chè xanh cười lớn: À, hình như các nhà báo, các báo đều viết vậy. Thực tế, chính quyền có giải tán cũng không giải tán nổi đám đông ô hợp, cuồng loạn ấy. Hàng ngàn cảnh sát chận hết các ngả vào bãi nhưng dân đi tìm đá như trên trời rơi xuống, đưới đất ngoi lên vẫn đông như quân Nguyên… Đám đông đào đá chỉ biến mất vì đến một ngày đám đầu nậu đi xe hơi, ăn mặc lịch sự, khuân theo những bao tải tiền mua đá… bỗng dưng biến mất. Đám người này từ đâu tới cũng không ai biết, họ là ai, không ai biết. Rồi họ biến mất như bong bóng xà phòng vậy. Đá tìm được từ bãi bán không ai mua. Có mấy tay bưởng trưởng mang ra thành phố bán thì các chủ tiệm vàng sau khi thử đều nói đó là đá giả… Chỉ trong chốc lát, tất cả, người đào, đám giang hồ, bọn mặt rô, bọn cướp… biến mất khỏi Trì Câu như chưa hề xuất hiện, như chưa hề có…

Văn quyết định đi vào ngôi nhà trọ phía sau rặng tre đằng ngà. Một phụ nữ trẻ, ngớ ra khi nghe Văn hỏi: “Vậy là anh muốn gặp cha tôi. Năm năm trước, ông là người quản lý dãy phòng trọ”. Người đàn ông thương binh cụt tay, đầu tóc nay đã bạc trắng, vỗ vỗ lên đầu khi Văn hỏi về người xẩm mù:

“Anh không biết à? Ông ấy đã chết từ hồi đá đỏ. Một bọn trẻ mới tốt nghiệp mười hai hơn chục đứa chất nhau trên xe công nông rủ nhau đi đào đá để kiếm tiền vào đại học. Chúng dừng xe lại ở ngã ba, trong lúc chờ mua thêm đồ bu quanh ông xẩm mù nghe hát. Ông hát hết bài này đến bài khác, hát bất kỳ bài nào mấy đứa trẻ ranh hiếu kỳ yêu cầu. Hát đi hát lại những bài hát chúng thích. Rồi to nhỏ khuyên chúng quay trở về nhà. Khuyên không được thì năn nỉ chúng. Ông hứa cho chúng tất cả tiền ông dành dụm được, số tiền đó sẽ đủ cho chục đứa chúng nhập học. Bọn trẻ cười nhạo ông. Khi chúng ra xe, ông xẩm mù thậm chí còn quỳ khóc trước đầu xe công nông, năn nỉ… Một đứa trẻ ma lanh nói với ông, chúng sẽ quay đầu xe, quay về nhà, nhưng ông hãy hát bài “Đừng đi theo đám đông” cho chúng nghe trước khi từ biệt. Ông xẩm tưởng thật, đứng sang bên cạnh, ôm đàn hát… Đám trẻ rồ máy chạy… Bị bất ngờ, ông xẩm vứt cây đàn, chạy theo và vượt lên trước chận chiếc xe công nông lại. Bọn trẻ vẫn cho xe lao đi, húc ông ngã vật, đầu đập xuống mặt đường. Chiếc xe công nông chở hơn chục đứa, cán qua người ông ấy, chạy thẳng vào đồi tỷ… Khi tôi hay tin chạy ra đường, xác ông ấy không còn đó nữa. Ai đấy đã mang đi… Đám trẻ đó hình như cũng chết hết sau vụ hầm bị sập cuối năm trên đồi tỷ, lần ấy đi cả trăm mạng…”

“Ông xẩm bị mù làm sao chạy đuổi theo chiếc xe công nông được?”

“Người ta cứ đồn mắt ông ấy mù, nhưng hình như ông ấy đâu có mù!”

Văn nâng bát nước chè xanh lên uống một ngụm. Chè chát đắng. Rồi anh chia tay ông chủ nhà thương binh cụt tay. Anh đi ra ngã ba. Sau mắt kính cận đang nhoè đi, anh như thấy lại cảnh năm năm trước: người hát xẩm già khắc khổ ngồi kia, bên đường, trên khúc gỗ, mặc bộ quần áo lính cũ nát nhàu. Cây đàn ghi ta trên tay… Trước mặt vẫn là cái nón cối cũ nát mất vành.

Văn ngồi xuống bên vệ đường, gần khúc gỗ ông xẩm ngồi ngày trước. Anh ngồi đấy im lặng giữa một chiều tháng năm đôi khi mấy bông hoa xà cừ bung xuống, xoay tròn trước gió…

Văn ngồi rất lâu, trong im lặng. Rồi bất ngờ, Văn lẩm nhẩm hát, lời hát của ông xẩm năm nào, anh gõ gõ lên cuốn sách cầm trên tay theo nhịp:

“Đừng đi theo đám đông

Đừng cuốn theo đám đông

Những đám đông kinh hoàng

Những đám đông hỗn loạn

Hãy trở về lại nhà

Hãy trở về lại nhà

Hãy trở về lại nhà

Nhà có mảnh đất nhỏ

Vẫn có thể trồng cà

Nhà có mảnh vườn nhỏ

Vẫn có thể trồng bông

Đừng đi theo đám đông

Đừng cuốn theo đám đông

Đừng chạy theo đám đông

Những đám đông kinh hoàng

Những đám đông rồ dại

Những đám đông sợ hãi

Những đám đông dối lừa

Những đám đông hoang mang

Những đám đông tham lam

Những đám đông tàn bạo

Chẳng tương lai gì đâu

Chẳng hi vọng gì đâu

Chẳng tìm được gì đâu

Chẳng mang lại gì đâu

Hãy trở về nhà

Hãy trở về nhà

Hãy trở về nhà

Nhà còn có cha mẹ

Nhà còn có ông bà

Nhà còn có chồng vợ

Nhà còn có các con

Nhà có mảnh vườn nhỏ

Vẫn có thể trồng rau

Vẫn có thể gieo hạt

Vẫn có những mùa màng

Vẫn có thể thu hoạch

Vẫn sẽ có mùa sau

Đói có thể ăn rau

Nghèo có thể ăn cháo

Đừng đi theo đám đông!

Đừng đi theo đám đông!

Sẽ phơi xác ngoài đồng

Chìm nghỉm dưới đáy sông

Thây chôn vùi hầm sâu

Chẳng còn tìm thấy đâu

Sẽ chết không còn xác

Nếu may còn sống sót

Linh hồn cũng chẳng còn

Đừng đi theo đám đông

Đừng đi theo đám đông

Đừng đi theo đám đông

Đừng đi theo đám đông!…

Exit mobile version