1 Nhà thơ Trần Đăng Khoa sinh năm 1958 ở làng Điền Trì, huyện Nam Sách, Hải Dương, vùng châu thổ sông Hồng, sông Thái Bình, xứ Hải Đông xưa. Những cánh đồng thẳng cánh cò bay, nương bãi mướt xanh cây lá, người dân thuần nông đôn hậu, cần cù. Làng quê đẹp, trù phú óng ả những câu hò, điệu hát dân ca và trầm mặc yên bình như tranh thủy mạc chấm phá trên đĩa xứ Hải Dương một thời: “Thấy trời xanh biếc mênh mông/ Cánh cò chớp trắng trên sông Kinh Thày”.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa

Cảnh đó, tình kia mãi mãi là nguồn cội hồn cảm ngân lên thành thơ, hát lên thành nhạc của Trần Đăng Khoa:

Đất ơi! Hãy nói dùm tôi núm nhau tôi mẹ vùi ở nơi nào

Mà cơn mưa xói mòn làn da tôi bỏng rát

Mà trận nắng chết cây làm tim tôi đau thắt

Đất ơi! Núm ruột tôi đất giữ ở nơi nào?

(Đất ơi)

Tuổi thơ của Khoa giống chúng ta, những đứa con đồng ruộng sống nhờ hạt lúa, bắp ngô những năm đất nước đói nghèo và chiến tranh. Tuổi học trò chân đất, áo vá, mũ rơm trông em, quét nhà cho người lớn đi xa đánh giặc: “Hạt gạo làng ta/ Có công các bạn/ Sớm nào chống hạn/ Vục mẻ miệng gầu/… Chiều nào gánh phân/ Quang trành quét đất” (Hạt gạo làng ta).

Tuổi thơ ấy gồng lên vượt khó chăm học, chăm làm “Trồng rau, quét bếp, đuổi gà! Thấy tàu bay Mỹ nhớ ra hầm ngồi” (Ảnh Bác)

Năm 1975 đang dở học xong cấp III, Trần Đăng Khoa khai tăng tuổi nhập ngũ khi cuộc chiến chống Mỹ vừa thắng lợi, non sông thống nhất, đất nước độc lập hoà bình. Nhưng phía biên giới, biển đảo còn nhiều bất trắc: “Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên/ Bão táp chưa ngưng trong những vành khăn trắng”. Từ lính bộ binh ông Khoa sang làm lính biển, hành quân trên những con tàu, hụp lặn cùng sóng gió, trụ bám từng mỏm đá, rạn san hô trên vùng biển đảo chủ quyền Tổ quốc. Không được thử lửa ở Trường Sơn như lứa đàn anh Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Thanh Thảo… Trần Đăng Khoa lại là người lính cầm bút sống dữ dội, máu thịt với từng mép sóng, cồn cát của đảo chìm đảo nổi, Gạc Ma, Sơn Ca… âm thầm, quyết liệt:

Nào hát lên cho đêm tối biết

Rằng tình yêu sáng trong ngực ta đây

Ta đứng vững giữa muôn trùng sóng gió

Tổ quốc Việt Nam bắt đầu ở nơi này

(Lính đảo hát trường ca trên đảo)

Trần Đăng Khoa là người cầm súng, cầm bút của một thế hệ nhà văn có lý tưởng và niềm tin xác định, vững bền. Hơn 50 năm cuộc đời ông là hành trình cùng dân tộc đấu tranh cho hoà bình, độc lập, dân chủ, công bằng và hạnh phúc cho Tổ quốc, cho nhân dân kính yêu. Từ cậu bé bầu bạn “với kiến đen, chó vàng” một thời “tên tuổi xủng xoảng” Trần Đăng Khoa vẫn là một thi sĩ đôn hậu ấm áp tình người với ước mong giản dị “Muốn làm làn mây trắng! Bay cho chiều bình yên”.

Hồn cảm thơ Trần Đăng Khoa dồn sóng cho ba dòng chảy chính: Tình thân yêu máu thịt gia đình, tình yêu ân nghĩa quê hương đất nước, tình yêu thương hoà đồng với thiên nhiên. Ba dòng chảy trong vắt, tinh khiết, mê đắm tạo lên hồn vía vóc dáng thơ Trần Đăng Khoa. Bây giờ đọc lại thơ Trần Đăng Khoa khi đất nước cùng có hơn 50 năm biến đổi lớn lao, tôi muốn cùng bạn đọc soi chiếu thêm một người thơ cần cù, bền bỉ giữ nguồn, vun nước, khơi mạch cho dòng sông thơ của mình luôn đầy ắp niềm mê cảm.

Tình thân yêu đùm bọc, đức hiếu thảo con cái vối mẹ cha là gốc rễ phẩm hạnh của gia đình Việt. Ngôi nhà mái rạ, chiếc sân nho nhỏ, lối ngõ quanh quanh là chiếc nôi nuôi dưỡng tâm hồn và ước mơ của cậu bé Khoa: “Chiếc sân nho nhỏ mới xây/ Chiều chiều em đứng nơi này em trông” và:

Chiếc ngõ nhỏ

Thở sương đêm

Ông trăng lên

Cười trong lá

Ngôi nhà của Khoa thành lâu đài cổ tích. Có tiếng võng ngày hè bè bạn, có bé Giang “Nhăn nhăn cái mũi hở mười cái răng” vào thơ Khoa hồn nhiên sinh động tình người: “Kẽo cà kẽo kẹt/ Cây na thiu thiu/ Mắt na hé mở/ Nhìn trời trong veo” (Tiếng võng kêu). Rồi tấm lòng làm anh bao dung chở che:

Dặn em đừng có chơi xa

Máy bay Mỹ bắn không ra kịp hầm

… Mẹ cha bận việc ngày đêm

Anh ngồi trong lớp lo em ở nhà

(Dặn em)

Người cha kính yêu tạc đẹp hình tượng trong thơ Khoa ngời sáng vóc dáng làm chủ gia đình làm chủ đất trời: “Bố em đi cày về! Đội sấm/ Đội chớp/ Đội cả trời mưa” (Mưa). Người mẹ thuần hậu, người nuôi nguồn đức, sông thương neo đậu trong thơ Khoa tình ân nghĩa. Bài thơ Mẹ ốm thao thiết lòng biết ơn ấy qua vần lục bát giản dị, rung cảm:

Cả đời đi gió về sương

Bây giờ mẹ lại lần giường tập đi

… Mẹ vui con có quản gì

Ngâm thơ kể chuyện rồi thì múa ca

Giọng thơ thủ thỉ tâm sự cho ta nhớ chuyện Lão Lai trong Nhị thập tứ hiếu của nước Trung Hoa xưa đã 70 tuổi vẫn xuống sân nhảy múa gõ trống cho mẹ cha hơn 90 tuổi vui. Nếp gia phong đạo hiếu phương Đông hôm nay có còn không. Đọc bài thơ mà thăm thẳm nỗi niềm: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”(Ca dao).

Sau này trưởng thành ngang dọc trời Âu đất Á, Trần Đăng Khoa vẫn vọng ngóng về nơi ấy, Làng Điền Trò có dáng mẹ, hình cha:

Con đang viết thư bên cửa sổ máy bay

Và nhớ mẹ

Con nhìn ra vòm xanh

Bỗng thấy những ngôi sao lang thang như hạt gạo giữa trời

Hạt gạo nào cũng sáng và đẹp

Nhưng chỉ hạt gạo mẹ sàng trên mặt đất

Mới hiểu được mẹ

Mới nuôi con thành một chàng trai

Bay trên bầu trời

(Thơ viết bên cửa sổ máy bay)

Những câu thơ kéo dài mạch suy tưởng hiện đại mà cổ điển nguồn cội. Tâm và tài đã tạo ra thi pháp mới cho thơ Khoa. Nó có được là từ tình yêu ân nghĩa với mẹ, với cha với người thân gia đình.

Quê hương, Tổ quốc trong thơ đương đại có nhiều bài hay thành công về thi ảnh, thi pháp tràn đầy cảm xúc. Trần Mai Ninh quyết liệt ở Tình sông núi“Có mối tình nào hơn thế nữa! Trộn hoà lao động với giang sơn/ Có mối tình nào hơn! Tổ quốc”. Nguyễn Đình Thi là hào sảng tự chủ của thế đứng Tổ quốc: “Nước Việt Nam từ trong máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng loà”. Tổ quốc, quê hương trong thơ Trần Đăng Khoa là trang sử oai hùng của cha ông: “Máu còn thấm qua từng trang tập đọc/ Vó ngựa Triệu Đà còn đau đến hôm nay”. Và “Nhớ vận nước có một thời chìm nổi/ Bắt đầu từ một tình yêu”. Để từ đây người lính, nhà thơ Trần Đăng Khoa hoà nhịp trái tim mình với nhân dân, với vận mệnh sống còn của đất nước. Thật may mắn cho Trần Đăng Khoa làm lính biển những năm 80 thế kỷ trước. Ông là trong số ít người viết va đập, chứng nhân cho những cuộc chiến âm thầm, quyết liệt của người lính trong trận chiến giữ biển đảo một thời còn tranh tối tranh sáng thù và bạn. Ông là nhà thơ có nhiều bài hay vạm vỡ xứng tầm với đảo là chủ quyền nghìn cây số biển của cha ông. Trần Đăng Khoa hát thơ để khẳng định chủ quyền đó:

Tổ quốc Việt Nam một lần nữa nối liền

Những quần đảo long lanh như ngọc dát

Nói chẳng đủ đâu, tôi phải hát

Một bài ca bằng nhịp trái tim tôi

Đảo à! Đảo ơi!

(Hát về một hòn đảo)

Những câu thơ cuồn cuộn sóng cồn, mênh mang tầm thời đại, trung thực hình tượng để hôm nay đọc lại như còn nghe tiếng gầm bão tố, mặn mòi vị biển, đỏ hồng giọt máu và nhịp đập trái tim người lính:

Đảo tự dấu mình trong làn nước lam xanh

Có giọt máu thiêng giữa ngầu ngầu bọt sóng

Tổ quốc ơi! tiếng chúng tôi kêu lên và mắt chúng tôi nhìn xuống

Bóng chúng tôi trùm khắp đảo Thuyền Chài

(Đồng đội tôi trên đảo Thuyền Chài)

Và:

Anh ở đây. Đá hoang thành Tổ quốc

(Nhớ)

Câu thơ tạc tượng đài người lính giữa trùng khơi. Tổ quốc neo đậu vững bền trong trái tim người lính Trần Đăng Khoa. Hồn cảm thơ lắng nhịp sóng vỗ, đắm nhìn cánh chim hải âu chao lượn đảo xa, mong cơn mưa mờ mịt phía chân trời. Tổ quốc còn đập trong trái tim Trần Đăng Khoa chính ở nơi này:

Dẫu chẳng có mưa chúng tôi vẫn sinh tồn trên mặt đảo

Đảo vẫn sinh tồn trên đại dương gió bão

Chúng tôi như hòn đá ngàn năm đập trong trái tim người

Như đá vững bền như đá tốt tươi

(Đội mưa trên đảo Sinh Tồn)

Câu thơ hào sảng, tự chủ xiết bao. Hai từ “Tổ quốc” được nhắc nhiều trong thơ Trần Đăng Khoa. Ngay cả ở dòng thơ êm lắng về tình yêu ông Khoa vẫn lấy Tổ quốc làm chỗ dựa, cảm xúc của niềm tin yêu đôi lứa. Bài “Thơ tình người lính đảo” không chỉ thuần tuý là thơ tình. Trần Đăng Khoa không mặn mòi như “Thuyền và biển” của Xuân Quỳnh, không vồ vập “Biển và bờ” của Xuân Diệu, ông muốn tình yêu ấy, vững bền hơn cùng tình yêu Tổ quốc. Bài thơ được phổ nhạc, thành bài hát hay trên cả hai cung bậc: tình yêu đôi lứa, tình yêu đất nước:

Biển ồn ào, em lại dịu êm

Anh như con tàu lắng sóng từ hai phía

Biển một bên và em một bên

… Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên

Bão táp chưa ngưng trong những vành khăn trắng

(Thơ tình người lính đảo)

Nhiều nhà phê bình nói về thơ Trần Đăng Khoa cứ cặn kẽ phân chia thơ thiếu nhi và thơ người lớn. Tôi ủng hộ nhà văn Đình Kính: “Tôi không nghĩ có sự rạch ròi đứt đoạn như vậy. Đọc thơ anh ta nhận ra sự thống nhất liền mạch trong cảm xúc, trong bút pháp, trong suy tưởng”. Ta hãy đọc kỹ, đầy đủ các tập thơ, trường ca và cả văn xuôi nữa của Trần Đăng Khoa gặp một tâm hồn nhạy cảm, đồng điệu với đất trời cây lá muông thú. Trần Đăng Khoa lấy thiên nhiên làm bà đỡ cho hồn cảm thơ mình: “Đất trời cách một gang mây! Và tôi cùng với luông cày toả hương”.

Trong thơ cổ điển Việt Nam nhiều bậc túc nho ký thác nỗi niềm, tâm trạng vào thiên nhiên:

Nguyệt xuyên há dễ thân lồng trúc

Nước chảy ăn mòn xiết bóng non

(Nguyễn Trãi)

Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước một nhành mai

(Mãn Giác Thiền Sư)

Mấy chùm trước dậu hoa năm ngoái

Một tiếng trên cao ngỗng nước nào

(Nguyễn Khuyến)

Trần Đăng Khoa cũng vậy, những rung cảm tinh tế sâu lắng trước cảnh trí thiên nhiên ai đọc cũng sửng sốt bất ngờ. Tưởng gặp một thi tài nổi chìm trong dâu bể đường đời mới có. Linh khí đất trời, hồn vía núi sông nuôi dưỡng hồn thơ quy tụ tình người, tình thiên nhiên:

Tiếng chim vách núi nhỏ dần

Rì rầm tiếng suối khi gần khi xa

Ngoài thềm rơi chiếc lá đa

Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng

“Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng” là câu thơ trời cho, xuất thần của thi hứng. Thính giác nghe đến thị giác nhìn một chiếc lá nhỏ nhoi rơi trong bao la trời đất. Phải là người lắng tâm, dồn trí để cảm cái thực, cái ảo trong hai từ “mỏng” và “nghiêng”. Câu thơ như thơ thiền của một bậc cao tăng ở ẩn non cao rừng thẳm.

Cõi người có được có mất, còn thiên nhiên phồng thực sinh sôi. Ngoài kia mẹ đất trường tồn tươi non:

Tiếng gì dưới cỏ non tơ

Xôn xao trong đất nắng trưa bồn chồn

Và:

Luống cày còn thở sủi tăm

Sương buông cho đồng hoang nằm chiêm bao

Trần Đăng Khoa đã thổi hồn vào đất đai vô tri thành mẹ đất bao dung sống động qua những trạng từ “xôn xao”, “bồn chồn” và các động từ “thở”, “nằm” điệu nghệ. Rồi đây nữa tâm thế con người kư thác, hoà đồng trong chiều sâu, chiều rộng của không gian:

Một tiếng gì không rõ

Xôn xao cả đất trời

(Nửa đêm tỉnh giấc)

Hơn thế nữa nhà thơ còn đưa cả trời đất về nhà mình:

Chiều xay thóc góc nhà

Tóc lại bay gió núi

(Côn Sơn)

Thiên nhiên ùa vào thơ Trần Đăng Khoa đâu chỉ ở cấp độ vĩ mô: vòm trời, biển lớn, núi cao, sông dài mà còn ở những cảnh vật nhỏ mọn, vi mô: Con kiến, bác giun, chó vàng, cây lúa, lá trầu, ngọn cỏ… Những sinh linh thoáng có, thoáng không liên kết một cộng đồng tồn tại với con người. Một hành tinh xanh của muôn loài bình đẳng gắn bó bởi lòng thương yêu đùm bọc. Những bài thơ đầu tiên của Trần Đăng Khoa đã xốn sang với chú bướm vàng: “Con bướm vàng/ con bướm vàng/ Bay nhẹ nhàng/ trên bờ cỏ…” Một ánh trăng trong ngần, báu vật của đất trời cho Khoa một bài thơ hay mê cảm điệu hồn:

Ông trăng tròn sáng tỏ

Soi rõ sân nhà vem

Trăng khuya sáng hơn đèn

… Ông trăng tròn sáng tỏ

(Trăng sáng sân nhà em)

Bài thơ Đánh thức trâu hôm nay đọc lại mới thấy tầm tư tưởng, độ nhìn xa nhà thơ về không gian xanh tồn tại của chúng ta. Triệt phá những cánh rừng nguyên sinh, đào bới những tầng sân của đất, tận diệt những loài cùng ở với con người hàng triệu năm hành tinh đầy bất trắc. Trần Đăng Khoa dóng hồi chuông ân tình máu thịt với “một lá trầu” nhỏ bé. Đây là một khúc tụng kinh ơn nghĩa với cây trồng vật nuôi:

Trầu ơi hãy tỉnh lại

Mở mắt xanh ra nào

… Tao hái vài lá nhỏ

Cho bà và cho mẹ

Đừng lụi đi trầu ơi!

“Đừng lụi đi trầu ơi!” câu thơ thăm thẳm một niềm ước nguyện, khẩn cầu còn mãi với hành tinh xanh này. Một thế giới thần tiên Walt Disney của Trần Đăng Khoa về các loài vật. Đám ma bác Giun sao mà đông đúc thánh thiện thế. Sự mất đi của một sinh linh để nảy mầm cho cuộc sống mới:

Bác Giun đào đất suốt ngày

Trưa nay chết dưới bóng cây sau nhà

… Đám ma đưa đến là dài

Qua những vườn chuối, vườn khoai, vườn cà.

(Đám ma bác Giun)

Chú chó vàng nghe bom nổ hoảng chạy lạc nhà. Một khoảng trống vắng lớn trong lòng cậu bé Trần Đăng Khoa, cả một bài thơ dài là tiếng lòng nức nở, khôn nguôi của người với vật nuôi quý yêu, đọc ứa nước mắt mà trong trẻo lại tình yêu thương:

Chân trước chồm mày bắt

Thế là mày tất bật

Đưa vội tao vào nhà

… Sao không về hở chó

Tao nhớ mày lắm đó

Vàng ơi! là vàng ơi!

(Sao không về vàng ơi)

Bài Hạt gạo làng ta lại là khúc tụng ca hay nhất về cây lúa ở đất nước của nền sản xuất nông nghiệp. Bài kinh thơ về sức lao động hàng nghìn năm của con người một nắng hai sương làm ra hạt lúa, hạt gạo. Cấu tứ bài thơ lộ rõ, hình tượng quen thuộc, câu thơ chắp nối tầng lớp theo hành động kết vần nâng nhịp điệu. Chỉ vậy thôi mà vang vọng với thời gian. Bài thơ được phổ nhạc, nhạc lại nâng bay cho hồn cảm thơ đến với mọi người: “Hạt gạo làng ta/ Có vị phù sa/ của sông Kinh Thày/ Có hương sen thơm/ Trong hồ nước đầy! Có lời mẹ hát! Ngọt bùi đắng cay/… Hạt gạo làng ta/ Có bão tháng bảy/ Có mưa tháng ba…” Điệp khúc “Hạt gạo làng ta” là thi pháp thành công của Trần Đăng Khoa tiếp nối khúc hát đồng dao trong sáng và ấm áp của cha ông. Bây giờ mới thấm thía điều nghìn năm ông cha đã có, đã cho con cháu. Càng ngộ ra một điều là thơ hay là thế nào. Đâu cứ kéo câu, vặn chữ cao đàm thuyết giáo mà có được thơ. Càng tâm đắc với Trần Đăng Khoa: “Thơ hay là thơ giản dị xúc động và ám ảnh. Suối đời luôn có ý thức vươn tới loại thơ đó” (Tự thuật Trần Đăng Khoa).

Nửa thế kỷ, gần một đời người chúng ta có đủ thời gian để đánh giá văn tài Trần Đăng Khoa. Một “thần đồng” được đất nước này tôn vinh có mấy người trong lịch sử văn hiến của mình. Không chỉ thành công ở thơ, Trần Đăng Khoa còn cứng cáp bút lực ở tiểu thuyết, nghị luận, tạp văn… Nhà văn Nguyễn Văn Thọ khen “Một nhà văn sắc sảo thâm thuý đến sâu sắc và tinh tế”. Trần Đăng Khoa nhận được nhiều giải thưởng văn chương danh giá và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt I năm 2001. Nhưng cái còn lại bền vững, trường tồn của Trần Đăng Khoa là thi sĩ – Người Thơ đúng nghĩa của nó: “Thuở nhỏ ước nguyện làm kỹ sư nông nghiệp và suốt đời làm thơ về làng quê, cảnh quê, những vui buồn của người dân quê ở nơi xóm mạc” (Tự thuật của Trần Đăng Khoa).

2.

Thi pháp hay nói nôm là kỹ thuật diễn đạt phô diễn hồn cảm thành cấu tứ, hình tượng ngôn từ trong công nghệ làm thơ. Hồn cảm có trước, còn thi pháp có sau. Thi pháp thơ Trần Đăng Khoa có cội gốc khúc hát đồng dao dân ca cổ xưa của người Việt. Gọn lời, ngắn câu, điệp khúc, nối vần có nhạc điệu theo bàn tay xoè múa, nhịp chân nhún nhẩy của con người trước thiên nhiên, trước niềm vui nỗi buồn nhân thế. Thi pháp đồng dao ấy ám vào tuổi thơ Trần Đăng Khoa như một bản năng theo suốt cuộc đời cầm bút. Ngay cả lúc thu nạp kiến văn đa sắc tộc, cùng cơn lốc cách tân trong thi ca, các trường phái đua chen hiện đại Khoa viết thơ có thi pháp mới, bung phá mạch câu, trăn trở làm mới câu chữ nhưng âm hưởng xuyên suốt vẫn là nhịp khúc đồng dao:

Bén rễ nào lúa ơi!

Đất đây mà. Đất! đất!

Hoặc:

Một bài ca bằng nhịp trái tim mình

Đảo à! đảo ơi!

Thi pháp đồng dao giúp cho Trần Đăng Khoa có nhiều bài thơ hay về thiên nhiên: Chiếc ngõ nhỏ, Hương đồng, Ó ò o, Mưa, Hạt gạo làng ta, Đánh thức trầu, Sao không về vàng ơi!, Gửi bác Trần Nhuận Minh. Trong đó đáng kể Con bướm vàng, Trăng sáng sân nhà em là hai bài thành công cả về hồn cảm, thi pháp và nhịp điệu, âm hưởng đậm đặc của thể đồng dao:

Con bướm vàng

Con bướm vàng

Bay nhẹ nhàng

Trên bờ cỏ

Em thích quá

Em đuổi theo

…Con bướm vàng

Và đây nữa:

Ông trăng tròn sáng tỏ

Soi rõ sân nhà em

…Trăng khuya sáng hơn đèn

Ơi ông trăng sáng tỏ

Soi rõ sân nhà em

Đọc bài thơ như được hát khúc đồng dao cổ xưa thời bé con nắm tay nhau rồng rắn chạy theo ngõ làng, rộn rịp sân đình: “Tập tầm vông/ Tay nào không/ Tay nào có…” hoặc “Dung dăng dung dẻ/ Dắt trẻ đi chơi/ Đến cổng nhà trời/ Dung dăng dung dẻ”. Mau thuộc, dễ hát, hoà cảm cùng trái tim rung nhịp, bàn tay, bước chân nương cùng mây gió ánh trăng. Tâm hồn cả trẻ con người lớn thanh thản, thoát tục quên đi gian khó cuộc đời. Thế thôi! sao cứ phải rút gan, vắt óc đề cao đạo giáo huấn ở cõi tham sân si này nữa. Hỡi nhà thơ hãy cho con người thêm một niềm vui, niềm yêu thương trái tim trong sáng rũ quên những cực nhọc đời thường:

Trả niềm vui cho cỏ

Trả nỗi buồn cho cây

Lại áo tơi nón lá

Ta về với luống cày

(Bửi bác Trần Nhuận Minh)

Chất đồng dao và chất “uy mua” của người Việt cho Trần Đăng Khoa một dòng thơ đẹp về hồn cảm, hay về nhịp điệu mà ấm áp tình người.

3.

Sau rằm tháng giêng Bính Thân tôi đến chúc xuân nhà thơ Trần Đăng Khoa ở trụ sở HNV số 9 Nguyễn Đình Chiểu. Do yêu cầu tổ chức ông Khoa thôi giữ chức Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Đài TNVN sang làm Phó chủ tịch HNV Việt Nam. Chẳng biết công việc nào bận hơn nhưng mấy tháng nay phòng làm việc của ông Khoa luôn rôm rả bạn bè. Tầm chiều tối đến cứ ngỡ sau những ngày tết ồn ã, hội thơ Nguyên tiêu thành công thì ông Khoa rỗi. Không phải vậy, gõ cửa bước vào chao ôi! Ông Khoa lại bận khách. Khách là các cô giáo dạy văn trường THPT Hai Bà Trưng Hà Nội. Họ đến tham kiến ông Khoa quá trình viết tiểu thuyết “Đảo chìm” cho bài giới thiệu sách cuộc thi của bộ GD và ĐT. Các cô giáo trẻ trung sôi nổi cặn kẽ hỏi, còn ông Khoa nhiệt tình, khúc triết trả lời. Các cô giáo cứ một hai gọi “Bác Khoa”, còn ông Khoa cười hiền hóm gọi “các thím” thân mật, dân dã.

Chiều muộn các cô giáo ríu rít chào ra về sau khi cùng vỗ tay hát say mê Hạt gạo làng ta. Bác Khoa hẹn khao bún ốc ngon ở Hà thành để các cô giáo ra đến cửa còn quay lại hua tay: “Bác Khoa tâm lý quá!”. Căn phòng yên ắng, ngoài trời mưa xuân dày hạt. Nhà thơ Trần Đăng Khoa ngồi lặng ngóng ra cửa sổ nơi một chú chim sâu đến trú kêu líu ríu. Trần Đăng Khoa trầm giọng nói cùng tôi: “Một đời người sống được bao năm, cái gì qua sẽ qua, cái gì đến sẽ đến, cái gì còn sẽ còn. Tôi mong có vài câu thơ, dòng văn góp cho cuộc đời này một chút niềm vui, một chút tình, một chút yêu thương”.

Tôi khẽ đọc một câu thơ chiêm nghiệm đắng đót của Khoa:

Mây trắng về với sắc trời xanh

Hương về với hoa tươi quả ngọt

Chồi biếc về nảy sinh vườn tược

Nụ cười về mặn chát vành môi

(Nói với cháu)

Nhà thơ Trần Đăng Khoa ơi! tình yêu nào mà chẳng có đắng cay, hạnh phúc nào mà chẳng có khổ đau. Nước non ngàn dặm, cõi người mênh mang phồn thực non xanh trong khúc – hát – thơ – đồng dao của Khoa. Xin thi nhân mãi là “hạt vàng” trên cánh đồng thơ Việt.

Em vui em hát

Hạt vàng làng ta

(Hạt gạo làng ta)

Hà Nội, mùa xuân Bính Thân 2016

Nguyễn Ngọc Quế – Nguồn: Tạp chí Thơ HNV

(Đăng lại từ Vanvn.net)

Exit mobile version