Nhà thơ Lê Đạt- ảnh Nguyễn Đình Toán
Và là con đường cho bao lớp nhà thơ đồng thời và hậu thế đi theo nếu muốn đặt chân vào cõi thơ đích thực. Vì thế về khía cạnh thi pháp sáng tạo, ông rất xứng đáng được tônvinh là người hẳn hoi nhất (chữ dùng của Tiến sĩ, cố nhà văn Hoàng Ngọc Hiến dành tặng cho nhà thơ Lê Đạt) trong làng thi ca Việt đương đại.
1.
Có một sự thật mà không phải ai cũng biết. Đó là sau ngày Bác ra đi, nhà thơ Tố Hữu có bài thơ khóc người Bác ơivà sau đấy ít lâu trường ca Theo chân Bác của ông được công bố rộng rãi, mà những người thuộc thế hệ chúng tôi hầu như ai cũng đã từng đọc. Nhưng có một trường ca khác cũng viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh và hoàn thành vào dịp giỗ đầu của Người của nhà thơ Lê Đạt thì phải đợi 20 năm sau mới được công bố. Và cũng nên nhớ rằng, trong cuộc đời cầm bút của mình, nhà thơ Lê Đạt chỉ duy nhất viết một trường này thôi.
Điều ấy nói lên một thực tế khác là viết về Bác vô cùng khó, viết hay lại càng khó gấp trăm ngàn lần, nên không phải ai muốn cũng có thể. Bởi lẽ, ngoài tư cách là lãnh tụ Đảng, người đứng đầu Nhà nước, Bác Hồ còn là danh nhân văn hóa thế giới.
Nhiều người nghĩ rằng sau vụ Nhân văn – Giai phẩm, những người như Lê Đạt, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Trần Dần,… không thể tiếp tục con đường văn chương của mình nữa. Nhưng như Nguyễn Du đã từng nói:
Văn chương sự nghiệp ngàn đời/ Dễ hay tâm sự ai người hiểu cho.
Nhà thơ Lê Đạt, ròng rã hơn 20 năm âm thầm và chờ đợi để đến ngày trường ca Bác (1) được nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành đúng vào dịp thế giới kỷ niệm 100 năm sinh danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh, năm 1990. Đối với ông, thế cũng là thỏa nguyện lắm rồi.
Theo chị Đào Phương Liên, con gái nhà thơ Lê Đạt trong bài viết trên báo Tuổi trẻ cuối tuần trước ngày giỗ đầu của bố, 12- 4- 2009, có đoạn chị nhớ lại ngày 3/9/1969, nhà trường hoãn khai giảng, con gái hỏi bố vì sao, bố Đạt nghẹn ngào, rơm rớm nước mắt và trả lời Ông mất. Ông của cả nước do vậy mà Bố, mẹ để tang Ông. Và đấy là cái ngày đầu tiên nhà thơ Lê Đạt bắt đầu cầm bút viết trường ca Bác, đến năm 1970 thì hoàn thành rồi…để đấy.
Có lẽ già Khương (nhà thơ Khương Hữu Dụng), tác giả của câu thơ nổi tiếng Một tiếng chim kêu sáng cả rừng và là người bạn vong niên của nhà thơ Lê Đạt, có may mắn được đọc trường ca Bác ngay từ khi còn là bản thảo. Già Khương còn cho biết thường giở ra đọc đi đọc lại nhiều lần. Bởi lẽ theo già Khương, trường ca Bác như một tòa tháp cao, có nhiều tầng, nhiều hành lang, cầu thang, nhiều góc khuất, nên mỗi lần đọc lại khám phá thêm một điều mới lạ. Chính ông là người được nhà thơ Lê Đạt tin cậy nhờ viết Lời bạt cho trường ca này. Ông cụ đã dầy công phân tích cái hay từ khía cạnh thi pháp với kiểu cắt dán (montage) mang đậm tính chất điện ảnh và hệ pháp đa nghĩa (système polysémique) của thơ phương Tây (2).
2.
Ngay mở đầu trường ca là hai câu thơ nói về hai sự kiện lớn:
Mở rằm/ nhớ/ một ông trăng/ Cái đèn/ băng đen/ tháng Tám….
Ở đây chúng ta thấy có bốn hình ảnh nổi lên là ông trăng, cái đèn, băng đen và tháng Tám. Rằm tháng Tám là Tết Trung thu. Các em nhỏ thường rước đèn dưới ánh trăng thu vời vợi sáng trong. Thế nhưng, cũng đúng vào dịp này năm 1969, dải băng đen cả nước để tang ngày Bác mất. Nói về ý, khởi đầu cho một trường ca về Bác như vậy thật sự trọn vẹn.
Điều làm ta suy nghĩ lại nằm ở chỗ chỉ có hai câu thơ mà tác giả đã trình bày tới 6 dòng. Đọc qua tưởng như vô lý, nhưng đọc kỹ lại thấy rất có lý. Bởi lẽ sự ngắt dòng ấy của khổ thơ hai câu tạo nên cảm giác hẫng hụt, như chúng ta vừa mất đi một cái gì đó hệ trọng lắm: mất Bác Hồ, một người cha muôn vàn kính yêu của cả dân tộc. Với cách ngắt dòng ấy của nhà thơ Lê Đạt, ta thấy ông thật sự cao tay trong ngón nghề tìm chữ cho thơ. Chữ nọ gọi chữ kia phải có mặt; dòng nọ hô dòng kia phải kế tiếp. Đối với những nhà thơ cao tay, tìm ý thường dễ hơn tìm chữ. Bởi lẽ tìm cho được chữ biểu đạt đúng cái ý mà mình cần là điều không đơn giản chút nào. Nếu không, con chữ ấy trở nên lạc lỏng, vô hồn. Hành trình tìm chữ của nhà thơ Lê Đạt cực kỳ lao tâm khổ tứ. Chả thế mà ông gọi nhà thơ là những kẻ phu chữ:
…Thuở long lanh/ Nước/ nức/ nở/ Ba Đình/ Sử mở/ trắng tang/ trang/ Ta gọi/ Việt Nam/ Ta khóc/ Bác/ Các cháu bây giờ cháu của ai?….
Không chỉ trong trường ca này, mà nhìn chung tất cả thơ của ông, nếu đọc theo kiểu ngẫm ý thông thường, hay đi tìm những vần điệu du dương thì hoàn toàn thất vọng. Trái lại, ta đi tìm hình, rồi từ hình gợi đến ý, tìm chữ rồi chữ gọi ra câu thì sẽ thấy thú vị biết chừng nào.
… Mây trắng đền Hùng/ Râu Bác ung dung/ Suối Lênin/ núi Mác/ Nắm đất nhỏ biên thuỳ/ Bác lặn lội/ nhân lên/ thành/ Nước/ đón/ Người về/…/
hay
… Từ gốc thật/ lòng mình/ Nhân loại/ tâm tặng/ Người/ Huân chương/ không huân chương nào/ so sánh được/ Mục/ HỒ CHÍ MINH/ tập Đại Toàn thư lịch sử/ Chỉ cần ghi/ hai chữ/ BÁC HỒ.
Lấy lời của Bác làm câu đúc kết về chính Bác còn gì hơn. Bình sinh Bác là người thấu hiểu hơn ai hết lẽ đời, tình người, nên mọi việc xảy ra Bác đều lường trước được và có cách giải quyết hiệu quả, ít hao binh tổn tưởng nhất. Đấy mới là diệu kế của vị tổng chỉ huy cao nhất, Bác Hồ:
… Qua thế kỷ đảo điên/ Bác điềm nhiên – Sự thật/ Qua hằn thù đâm giết nhau/ Bác quyết liệt – nhân từ/ Qua chia rẽ/ Bác không mỏi/ mệt/ “Đoàn kết… Đoàn kết… Đại đoàn kết/ Thành công – Thành công – Đại thành công/…/ Thấu hiểu/ hơn ai/ Những dối lừa/ những xấu sai/ nhân loại/…/ Cho đến cuối đời/ Bác vẫn/ nguyên hồn nhiên – từng trải/ chắt chiu/ Người tốt/ Việc tốt/ “Vì lợi ích mười năm… trồng cây/ Vì lợi ích trăm năm … trồng người
Dân gian ta thường nói chết là hết chuyện. Nhưng không, với Bác Hồ, sau cái chết lại là một sự hồi sinh mới vô biên và vô tận. Sau mùa Đông lụi tàn là đến mùa Xuân sinh nở. Bác ra đi nhưng để lại cho chúng ta cả một non sông gấm vóc, một dân tộc anh hùng trong đấu tranh dựng nước và giữ nước, trong cần cù lao động dựng xây cuộc sống hôm nay. Kết thúc trường ca là cả một mùa Xuân bất tận, cảnh vật Xuân, con người Xuân, đất nước Xuân và cả tương lai cũng Xuân:
… Đoàn Vệ xuân/ Đoàn Giải phóng xuân/ Đoàn du kích xuân/ Đoàn bạch đầu xuân/ Đoàn xung phong xuân/ Đoàn vận tải xuân/ Trai xuân gái xuân/ Đoàn đoàn dân xuân/ Bác/ vẫn/ hô xuân/ Cả nước/ Xuân/ Xuân/ Xuân/ Tiến quân/ tiếng xuân/ Việt Nam/ mới xuân/ mở xuân/ sáng xuân/ Quả xuân/ nhớ người/ trồng xuân/ Ta đi/ trồng xuân/ Trùng trùng xuân/ điệp núi/ điệp sông/ điệp Đồng Tháp/ điệp Trường Sơn/ Điệp điệp/ Bác/ Đi/ Xuân…
Toàn bộ trường ca Bác chỉ có 626 dòng, mỗi dòng thường gồm từ 1, 2 đến 3, 4 chữ. Thảng hoặc mới có dòng nhiều chữ hơn. Viết về Bác như vậy, vì nhà thơ Lê Đạt hiểu rằng bình sinh Bác thích nói ngắn gọn, xúc tích, không thích dài dòng dây cà ra dây muống. Điều này hoàn toàn thích hợp với thi pháp của nhà thơ Lê Đạt. Nếu tính trung bình mỗi dòng 3 chữ, thì toàn bộ trường ca có 1.878 chữ, mà nhà thơ phải làm mất gần 2 năm và chờ thêm 20 năm nữa nó mới đến được tay bạn đọc. Nhưng chính điều ấy đã tạo dựng được một thơ hiệu về thi pháp Lê Đạt, không trộn lẫn vào đâu. Và chắc chắn rằng các nhà thơ đương đại tự xưng cách tân còn phải cố gắng học hỏi nhiều, rất nhiều mới mong có thể tiến gần đến thơ Lê Đạt. Còn để bắt kịp được ông, dường như điều ấy là không thể.
3.
Tại Trung tâm Văn hóa Pháp, 24 Tràng Tiền, Hà Nội, ngày 31/3/2011, đã diễn ra buổi tọa đàm khá long trọng Đời và thơ Lê Đạt với tiêu đề nghe khá hấp dẫn: Bóng chữ ngả dài trên Đường chữ do công ty sách Bách Việt và Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội phối hợp tổ chức có sự tham gia của nhiều diễn giả là các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình như: nhà nghiên cứu văn học Đỗ Lai Thuý, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, nghệ sĩ sân khấu Ngọc Thụ, chị Đào Phương Liên (con gái út của nhà thơ), cụ Trần Đĩnh,…Có thể coi đây là một hoạt động để gia đình, bạn thơ tỏ lòng tri ân đối với ông, nhưng mặt khác, cuộc toạ đàm cũng là sự khẳng định thêm giá trị đích thực trong đời sống thi ca đương đại Việt.
Nhận được thông báo về buổi toạ đàm, tôi đến ngay. Bình sinh tôi quen biết nhà thơ Lê Đạt khi chúng tôi cùng tham gia trong một nhóm nghiên cứu khoa học thực tiễn độc lập về những vấn đề xã hội đương đại, đặc biệt là di chứng chiến tranh và sự nhiễu loạn tâm thể ở lứa tuổi thanh thiếu. Nhóm này có nhiều nhân sĩ trí thức tên tuổi như cố nhà thơ Lê Đạt, cố nhà nghiên cứu độc lập Kiên Giang, cố Nhà văn Tiến sĩ Hoàng Ngọc Hiến, Giáo sư bác sĩ Vũ Đình Hải,…cùng nhiều giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ trong ngành y tế, giáo dục đương chức hoặc đã nghỉ hưu do cố Giáo sư bác sĩ Đặng Phương Kiệt chủ trì.
Khi ấy, tôi là người trẻ nhất được mời vào làm chân chạy việc như đưa giấy mời dự hội thảo, nói chuyện chuyên đề, tổ chức in ấn tài liệu phục vụ công việc của nhóm, tổ chức những chuyến đi thực tế xuống các địa phương,… Nhóm chúng tôi hoạt động được chừng ba, bốn năm gì đó thì người đầu trò là Giáo sư Y khoa Đặng Phương Kiệt đã ra đi vĩnh viễn, nên đành giải tán. Từ dạo ấy cho đến khi nhà thơ Lê Đạt về cõi vĩnh hằng, tôi ít có điều kiện gặp ông.
Tôi còn nhớ, hồi còn sinh hoạt trong nhóm với nhau, nhà thơ Lê Đạt bao giờ cũng chọn chỗ ngồi ở một góc khá kín đáo của khán phòng, vừa yên tĩnh, vừa chắc chắn. Mặc ai muốn nói gì, ông cứ ngồi như chiếc bình vôi (chữ trong một câu thơ của Lê Đạt), đuổi theo những suy tư của riêng mình. Nhưng đến khi được mời phát biểu, thay vì thưa gửi dài dòng, bao giờ ông cũng nở một nụ cười thật sự hồn hậu, rồi vào thẳng vấn đề. Tuy là nhà thơ, nhưng ông lại có lối phát biểu theo phong cách của một nhà khoa học với những cái gạch đầu dòng rất cụ thể, rõ ràng, cứ như là đã được chuẩn bị trước. Không hẳn thế, tôi để ý nhiều lần thấy có những vấn đề chẳng dính dáng gì đến thi ca, thậm chí là những cái tưởng chừng như ông không mấy quan tâm, để ý, chắc chắn không thể nào chuẩn bị trước điều gì. Nhưng có lẽ do tư chất thông minh và khả năng phản xạ nhạy bén, cộng thêm khiếu hài hước bẩm sinh, nên mỗi khi ông phát biểu bao giờ cũng gây được sự hứng thú cao độ cho người nghe, nhưng vẫn không đi chệch chủ đề mọi người đang quan tâm bàn luận.
Nhà thơ Lê Đạt tên thật là Đào Công Đạt, sinh ngày 10/09/1929 tại xã Âu Lâu, huyện Chấn Yên, tỉnh Yên Bái, mất ngày 21/4/2008 tại Hà Nội, hưởng thọ 79 tuổi. Cha ông là Đào Công Đệ (mất năm 1975), quê phường Á Lữ, xã Mỹ lộc, Phủ Lạng Giang (Bắc Giang), làm việc trong sở hoả xa Vân Nam tại Yên Bái, gặp mẹ ông là Nguyễn Thị Sen (mất năm 1982), người làng Đình Bảng, Bắc Ninh, theo gia đình lên Yên Bái buôn bán. Lê Đạt học tiểu học ở Yên Bái, năm 1941, 12 tuổi lên Hà Nội, học trường Bưởi. Kháng chiến bùng nổ, trở về quê, tiếp tục học tại Á Lữ, rồi đi theo kháng chiến.
Sau hơn 30 năm, kể từ Vụ Nhân văn – Giai phẩm (1956 – 1958), những sáng tác của ông bị cấm in. Năm 1988 nhà thơ Lê Đạt đã được phục hồi và ông đã cho ra mắt bạn đọc tập Bóng chữ (3) và hàng loạt tác phẩm tiếp theo như:Hèn đại nhân(4), Ngó lời(5), Từ tình Effel(6), Mi là người bình thường(7), U75 từ tình(8); và năm 2009, sau khi ông mất được một năm, tuyển tập tác phẩm của ông được in thành Đường chữ(9).
4.
Bóng chữ, tác phẩm đầu tiên và cũng một tập thơ để đời của nhà thơ Lê Đạt đã tạo nên một danh hiệu văn chương riêng trong nền thi ca Việt đương đại. Ngay từ khi Bóng chữ ra đời, sau 30 năm treo bút, Lê Đạt đã bước lên thi đàn với tư cách một nhà thơ lớn. Ông cùng với Thanh Tâm Tuyền, Đặng Đình Hưng, Trần Dần, đã có công xây nền móng cho thơ Việt Nam hiện đại. Chính nhờ điều đó mà năm 2007, cùng với Trần Dần, Phùng Quán, Hoàng Cầm,… ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật.
Có lẽ do sự truân chuyên và số phận không may mắn trong đường đời đã hun đúc, nhào nặn nên một người thơ rất riêng mang đậm phong cách Lê Đạt. Nhiều người cho rằng Lê Đạt là một trong số những người thành công nhất trong việc đổi mới thi ca. Cùng với những câu thơ đầy ma lực, ám ảnh người đọc như:
… Chia xa rồi anh mới thấy em/ Như một thời thơ thiếu nhỏ/ Em về trắng đầy cong khung nhớ/ Mưa mấy mùa/ mây mấy độ thu/ Vườn thức một mùi hoa đi vắng/ Em vẫn đây mà em ở đâu/ Chiều Âu Lâu/ bóng chữ động chân cầu/…/(Bóng chữ)
hay
…Cây gạo già lơi tình lên hiệu đỏ/ La lả cành cởi thắm để hoa bay…
Nhà thơ Lê Đạt còn khẳng định một giá trị khác của thơ, đó là trí tuệ cảm xúc như cố nhà văn Hoàng Ngọc Hiến đã từng nói.
Đường chữ là tập hợp những gì tinh tuý nhất trong sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Lê Đạt và hoàn toàn xứng đứng với Giải thưởng Nhà nước về Văn học- Nghệ thuật, đợt III, năm 2007.
Ở đây, người đọc thấy một Lê Đạt càng viết, càng say, càng say càng hay, càng được công chúng hâm mộ hồ hởi đón nhận. Thơ ông táo bạo, lạ lùng, không trộn lẫn vào đâu được. Lê Đạt là một cái gạch nối sâu đậm nhất giữa truyền thống và hiện đại về thi ca. Ông là một trong số ít những nhà thơ chủ trương theo đường lối thơ tạo sinhnghĩa mới cho chữ, cái làm nên văn bản thơ. Với ông, thơ phải đạt đến ý tại ngôn ngoại, phải cô đúc, đa tầng, đa nghĩa và đa ngã. Đọc thơ ông, buộc người ta phải nghĩ khác, vì nó không chỉ rất giàu nhạc điệu, sáng tạo, mà còn nhiều điển cố văn học và lịch sử, cùng với lối chơi chữ tạo hình hóm hỉnh, vừa mang đậm chất dân gian, lại vừa rất bác học. Bởi vậy, nó đòi hỏi ở người tiếp nhận một năng lực thưởng lãm cao vượt lên trên những cảm nhận thông thường theo lối đọc thơ truyền thống, một tấm lòng tri âm thực sự mới có thể rung được. Đấy cũng chính là cái mà ông gọi là bóng chữ. Chữ không chỉ là vỏ ngôn ngữ tạo nên hình hài của tư duy thơ, mà cần phải có hồn vía của chữ (bóng) mới có thể tạo thành thơ.
Người đọc tinh ý không quá khó để có thể thấy trong ông có hai con người cùng song hành. Một nhà thơ Lê Đạt vừa cách tân, theo truyền thống của Mallarmé (Pháp), Đỗ Phủ (Trung Quốc),…và một nhà thơ Lê Đạt với tư cách là người đi tiên phong mở ra một kỷ nguyên mới cho thơ Việt đương đại. Nhà thơ hôm nay cần tiếp cận với thời thế để khắc hoạ lại bộ mặt thật của xã hội toàn trị, xác định tính chất cơ bản của lịch sử:
… Lịch sử muôn đời duyệt lại/ Không ai lừa được cuộc đời…
Vậy là, ông phải lao vào lùng sục tận ngõ ngách của chữ và lời, của từ và tiếng, để rồi ngay lập tức bỏ qua cái vỏ bên ngoài của nó, tìm đến bản chất bên trong của chữ. Với phần lớn người thơ Việt đương đại việc tìm được chữ hợp với ý mình cho một câu thơ đã là một chuyện vô cùng khó, còn nói gì đến việc tìm được bóng của chữ. Có lẽ ngoài nhà thơ Lê Đạt, từ trước đến giờ, thậm chí đến cả mai sau cũng ít ai dám nghĩ và có thể làm được cái việc như ông đã từng làm. Không chỉ riêng lĩnh vực thơ, mà cả ở truyện ngắn, đoản ngôn,… mỗi con chữ ông dùng đều có một vị thế riêng, rất độc lập, nhưng cũng là rường cột như một sợi dây liên hệ nội tại tạo nên ý nghĩa liên văn bản của thơ, tạo nên các tầng giá trị ngữ nghĩa và thẩm mỹ độc đáo, mà dù ai có muốn cũng khó có thể thay chữ của ông bằng một chữ khác, nếu không muốn làm biến dạng cấu trúc câu thơ, mạch văn, sai lệch nghĩa chữ và giảm giá trị thẩm mĩ của thơ ông./.
……………………..
Chú thích
(1) Bác Lê Đạt, Trường ca, Nxb Thanh Niên, H, 1990.
(2) Lê Đạt đã từng viết trường ca về Hồ Chí Minh. Phong Lê. Xem tonvinhvanhoadoc.vn
(3) Bóng chữ, Lê Đạt, Thơ, Nxb Hội Nhà văn, 1994.
(4) Hèn đại nhân, Lê Đạt, Tập truyện ngắn, Nxb Phụ nữ,1994.
(5) Ngó lời, Lê Đạt, Thơ, Nxb Văn học, 1997.
(6) Từ tình Effel, Lê Đạt, Thơ, Cali, 1998).
(7) Mi là người bình thường, Lê Đạt, Truyện ngắn, Nxb Phụ nữ, 2007,
(8) U75 từ tình, Lê Đạt, Thơ và Đoản ngôn, Nxb Phụ nữ, 2007).
(9) Đường chữ, Lê Đạt, Tuyển tập, Nxb Hội Nhà văn, 2009.
ĐỖ NGỌC YÊN – Vanvn.net