Hà Anh

Người nghệ sĩ dù bình dị, gần gũi là vậy nhưng họ đã sống, đã đam mê như thế, họ đã cho đi trước khi nhận về. Họ đẹp và lặng lẽ như “Tiếng hạc trong trăng”.

Thoạt đầu, nghe tên cuốn ký chân dung “Tiếng hạc trong trăng” chắc hẳn sẽ có độc giả liên tưởng đến vở cải lương nổi tiếng cùng tên. Nhưng không, Tiếng hạc trong trăng không đề cập gì đến vở cải lương mà như một căn phòng nhỏ ấm áp có những người nghệ sĩ ngồi ở đó để cùng nghe họ tâm sự về chuyện đời, chuyện nghề.

Cuốn sách Tiếng hạc trong trăng của Nguyễn Quang Hưng không có những tình tiết gay cấn, li kỳ để người đọc phải cầm cuốn sách lên đọc một lèo từ đầu đến cuối, mà cứ nhẩn nha như thể tác giả đang dắt người đọc “làm quen” với từng người nghệ sĩ.

Họ là 30 con người khác nhau về xuất thân, tên tuổi, lĩnh vực… nhưng có điểm chung là đam mê, sáng tạo và giữ gìn cái đẹp của văn hóa, nghệ thuật, như:  PGS.TS Phạm Đức Dương và chuyện giữa những cuốn sách, Bùi Trọng Hiền như một dàn chiêng, Nghệ sĩ ưu tú Phó Thị Kim Đức – còn đây tiếng hạc trong trăng, Chị hai Lệ Ngải – Con đò không ngừng trôi, Nhiếp ảnh Hoài Linh – Từ mạch nguồn châu thổ, Họa sĩ Vũ Quốc Bảo – Lấy tên mình tôn vinh rối nước, Thi sĩ Hoàng Cầm – Tôi và kịch thơ Kiều Loan, Nhạc sĩ Trần Tiến- Những hoài niệm tuổi thơ, Lát cắt Trung Hiếu, Nghệ sĩ Văn Tân: Vai diễn Bác Hồ cho tôi ý nghĩa cuộc đời, Thạch sanh Tống Toàn Thắng – Người mạo hiểm…

Bìa cuốn sách

Còn lại, gần như những nhân vật trong cuốn sách, qua con mắt của Nguyễn Quang Hưng đều bình dị, gần gũi, đắm đuối, hết lòng với nghề. Những buồn, vui, hạnh phúc trong cuộc đời không thể không gắn liền với những năm tháng hoạt động, cống hiến với nghề, với niềm đam mê. Tác giả không chọn hay nhặt những gì dễ đánh vào sự tò mò của công chúng nhằm thỏa mãn sự hiếu kỳ đó. Nguyễn Quang Hưng đã cho độc giả thấy những người nghệ sĩ, hay giáo sư, phó tiến sĩ đi chăng nữa thì trước hết và trên hết họ vẫn là một con người đầy dễ mến, thân thiện, luôn mở lòng với mọi người.Dường như chỉ trừ nhân vật “MPK Phước Khùng” – nghệ sĩ nhiếp ảnh được tác giả phác họa “khác thường” theo đúng nguyên mẫu, bởi “Chuyện đời phong phú và kỳ dị của Phước thì dài lê thê”. Nhưng vì xả thân cho nghệ thuật, bất chấp những “dị nghị”, khó khăn gian khổ, tác giả mới có những bộ ảnh chân thực, độc đáo mà không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận đánh đổi. Nhưng ngay cả sự khác thường “tự thân”, phô diễn ngay ở bên ngoài mà bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng nhìn thấy thì nghệ sĩ nhiếp ảnh này qua ngòi bút của Nguyễn Quang Hưng độc giả gần như tìm được “chìa khóa” lý giải vì sao lại thế, chứ không phải sự “lập dị” của kẻ cố tình vặn vẹo để tự dán cho mình cái mác khác người, mác nghệ sĩ trước công chúng.

Trong những trang viết ở Tiếng hạc trong trăng, độc giả có thể dễ dàng nhìn thấy, tìm thấy những vinh quang, thành quả, danh hiệu này, danh hiệu kia mà người nghệ sĩ gặt hái được. Nhưng đó không phải là con đường bằng phẳng hay trải hoa hồng mà bất kỳ ai đi trên đó cũng thành công. Họ cũng phải trả giá cho sự thành công đó bằng lao động chân chính, bằng đam mê nghệ thuật mà khó có thể cân đong đo đếm cái nào hơn cái nào, thậm chí “đánh cược” cả sức khỏe, tuổi thanh xuân của mình.

Bên cạnh đó, cũng có những người nghệ sĩ dù cống hiến hết mình mà không màng đến danh lợi đằng sau, cứ cần mẫn, âm thầm như con ong hút nhụy làm mật cho đời.

Vậy đấy, người nghệ sĩ dù bình dị, gần gũi là vậy nhưng họ đã sống, đã đam mê như thế, họ đã cho đi trước khi nhận về, không so đo toan tính. Họ đẹp và lặng lẽ như “Tiếng hạc trong trăng”.

Nếu nghệ sĩ mang nghệ thuật đến công chúng thì dường như Nguyễn Quang Hưng là người làm cầu nối đem nghệ sĩ đến với công chúng gần hơn.

Văn học quê nhà

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài