Chuyên mục TRUYỆN HAY tuần này, Cầm Kỳ Official xin được giới thiệu chùm truyện ngắn của tác giả Võ Đào Phương Trâm.

Gồm các truyện sau:

– Rừng thiêng

Bắt đầu phát công chiếu vào 21h15’ thứ Hai ngày 25.9.2023

– Cầu thang tối

Bắt đầu phát công chiếu vào 21h15’ thứ Ba ngày 26.9.2023

– Tử tội

Bắt đầu phát công chiếu vào 21h15’ thứ Tư ngày 27.9.2023

– Người giữ mộ

Bắt đầu phát công chiếu vào 21h15’ thứ Năm ngày 28.9.2023

– Huyệt mộ

Bắt đầu phát công chiếu vào 21h15’ thứ Sáu ngày 29.9.2023

Tác giả Võ Đào Phương Trâm.

Sinh năm1983

Sinh sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh

Cử nhân Đông Nam Á học; Thạc sĩ Quản lý giáo dục.

Công việc hiện tại: Biên tập, sáng tác văn học.

Bắt đầu tham gia sáng tác vào năm 2021 bằng niềm yêu thích Văn chương và bản thân tác giả luôn có một tâm niệm được đóng góp một phần công sức, tâm huyết của mình vào con đường sáng tác để gửi đến quý độc giả một góc nhìn về cuộc sống được thu nhỏ qua tác phẩm của mình!

Các truyện ngắn được giới thiệu đều đã được in trên các báo trung ương và địa phương.

Mời quý vị đón nghe truyện ngắn Huyệt mộ qua giọng đọc của chính tác giả.

Người giữ mộ

Bà Biên thắp nén hương lên chiếc bàn thờ nhỏ trong căn nhà lụp xụp, hai bức tường bằng gạch ống cũ kỹ, lam nham những vệt xi măng trét vội, hai tấm vách còn lại thì một tấm dựng tạm bằng mấy mảnh tôn đã rỉ sét sau nhiều năm mưa gió, một tấm thì dựng bằng lá dừa nước xiêu vẹo. Những làn khói mỏng bay phảng phất trong ngôi nhà âm u, ngổn ngang những bức tượng thờ, quện vào cả những bức sáo màn kỳ dị mà bà thu gom được từ những nơi bỏ hoang, không khí trong ngôi nhà toát lên vẻ ma mị, rợn người đối với những ai lần đầu đi đến nơi đây, bước vào chỗ này và đứng trước một người đàn bà có giọng nói khàn đặc, vóc dáng thô kệch như một gã đàn ông.

Là một người phụ nữ tứ cố vô thân, bà Biên trải qua quãng đời trôi dạt từ bến xe đến góc chợ cá của miền nội đô phức tạp, nơi của dân chợ búa và những con người bặm trợn, hành xử nặng tính anh chị giang hồ, nhiều năm lăn lộn nơi chợ cá, từng chứng kiến những cuộc ẩu đả đổ máu trên gương mặt không biến sắc, kết quả sau những lần hỗn chiến là máu đổ ròng ròng, đặc lại thành từng bệt dưới nền xi măng lởm chởm. Cứ vài ngày, các băng nhóm bụi đời lại thanh trừng nhau để tranh giành lãnh địa, sự hỗn tạp, lồi lõm từ những câu thách thức, những lời nói đậm mùi anh chị để thị uy vây cánh rồi mạnh ai nấy cầm hung khí tấn công. Con dao, cây kéo của bà bán cá, cái thớt gỗ nặng trình trịch của bà bán thịt cũng trở thành vũ khí sát thương tơi tả, càng đâm chém, càng nghe mùi máu thì đám người đánh nhau càng hung hãn đến nỗi không còn sợ chết là gì.

Khu chợ cá ở vựa Cầu Muối những năm trước và sau năm 1975 là nơi nổi tiếng của vùng đất dữ. Những năm tháng trong băng đảng đó, bà Biên không ít lần nhìn thấy máu người, là những lần đầu óc ngập ngụa trong tiếng chửi bới, la hét thất thanh, những cuộc ẩu đả náo loạn đổ tràn lên sạp chợ, những bó rau, mớ thịt văng lên tung tóe, cá đổ lông lốc ra giữa sàn và những đòn chí mạng của những con người dữ tợn phang xả dồn dập lên nhau không một chút nương tay. Sau khi rời đi, cảnh chợ cũng hoang tàn như bãi chiến.

Không nhà cửa, sau những ngày tham gia trong băng nhóm bụi đời để giành giật vùng lãnh địa kiếm miếng ăn là những đêm trải tấm vải bố ngủ co ro dưới gầm cầu, trong sạp chợ ẩm ướt, tanh nồng mùi cá, mưa nắng như lớp áo phủ dày lên thân thể, da dẻ người đàn bà, bọc một lớp vỏ áo chai sần, sạm đen và đầy vết tích.

Một ngày nọ, khi băng nhóm tranh giành địa phận bảo kê, bà lãnh trọn vài vết chém trong trận hỗn chiến kinh hoàng rồi ôm cánh tay bê bết máu chạy thoát vào một con hẻm nhỏ, bà chạy một đoạn thật sâu đến khi kiệt sức vì mệt, vì máu ra nhiều, bà ngồi bệt xuống một gốc cây bên vệ đường rồi ngất đi lúc nào không biết. Đến khi mở mắt ra, bà loáng thoáng nhìn thấy nhiều người đang đứng xung quanh, ánh sáng nhập nhoạng, mơ hồ lướt qua đôi mắt đã nhoè nhoẹt vì mỏi mệt, đói lả và mất máu do thương tích, những vệt máu sẫm màu bê bết cánh tay, dính lên tận cổ và loang ra trước ngực. Khi đã nhìn rõ hơn một chút, bà thấy bóng một anh công an mặc bộ quân phục đang đứng trước mặt, rồi tiếng nói loáng thoáng của người dân đang đứng xung quanh đó, họ nhìn bà bằng cái nhìn sợ sệt lẫn thương hại, hoài nghi.

– Còn sống anh ơi.

– Trời, nãy giờ tưởng chết rồi nên không ai dám tới gần.

Thì ra người ta phát hiện ra bà đang nằm bất động dưới gốc cây, thân thể thì đầy thương tích, mình mẩy thì nhếch nhác những bùn đất nên họ cứ tưởng bà bị ai đó sát hại, họ gọi báo công an. Sau lần ẩu đả với vết thương khá nặng, bà đã rời bỏ địa phận của giới giang hồ và bắt đầu những ngày tháng lưu lạc tha phương, trên con đường tìm lại cuộc sống thiện lương, bà đã làm nhiều nghề để mưu sinh, từ rửa chén, phụ hồ, thậm chí khuân vác hàng cho kho bãi, những lúc khó khăn quá, bà xách cái bao để đi nhặt rác, kiếm sống qua ngày. Những ngày tháng nếm trải vô ngần vất vả đối với một người đàn bà nhưng cũng là những năm tháng bà có thể vô tư ngả lưng xuống hiên nhà người dân hai bên phố để ngủ một giấc ngủ sâu sau một ngày mưu sinh mệt mỏi, những ngày bà cảm nhận được sự bình yên trong tâm thức khi buổi sáng thức dậy, bà không còn đi cùng những gã có gương mặt đằng đằng sát khí, từ sáng đến tối phải chứng kiến cảnh hỗn chiến với gậy gộc, dao thớt, máu me, là những ngày bên tai không còn nghe âm thanh chát chúa, khó nuốt của những tiếng chửi thề và những cảm giác căng thẳng tột cùng khi nghe tiếng la hét thất thanh của những người bị thương khi tranh giành địa phận, những ngày mà bà phải ăn những vết chém vô tội vạ, nó đến ngọt và bất thình lình đến nỗi bà không kịp định thần.

Sau những năm tháng lăn lộn ở góc đen tối của dân xã hội, buổi sáng thức dậy, nguời đàn bà có thể bình thản mở mắt nhìn thấy xe cộ chạy lướt qua trên những con đường có màu ánh sáng, và bà bắt đầu bước vào cuộc sống cần lao, mồ hôi trong những ngày khuân vác, những buổi trưa nắng đẩy xe hàng vẫn đổ đầm đìa nhưng không mặn và không tanh như mùi máu.

Trong thời gian dong ruổi trên khắp con đường, lang thang ở nhiều ngõ ngách để mưu sinh, bà được một người đàn ông thương tình nên giới thiệu vào làm thuê cho một vựa thủy hải sản, hằng ngày, bà ra bãi lúc 3 giờ sáng để khuân vác, vận chuyển những thùng hàng từ những container đông lạnh. Một ngày nọ, người đàn bà theo chuyến xe buôn hàng chạy về Nha Trang – Khánh Hòa, hôm đó trời mưa tầm tã suốt chuyến đi, khi đã vào địa phận của tỉnh, bóng chiều càng âm u trì nặng, thỉnh thoảng mới có vài chiếc xe máy lẻ loi chạy lướt qua trong màn mưa xối xả.

Chiếc xe bán tải dừng lại ở một quán nước dựng tạm ven đường, Tâm – tên người tài xế cùng bà Biên vội vã tấp vào quán nước trú mưa và nghỉ tạm, khi đang ngồi uống vội ly café đặc khừ, khen khét thì lúc này, một người phụ nữ với bộ dạng hối hả, gương mặt bần thần bước vào quán trong bộ áo quần ướt đẫm, trên tay cô cầm một cái bịch nilong màu đen, mớ tóc xộc xệch bệt lại vì nước, gương mặt bịt kín khẩu trang. Bà Biên chỉ nhìn thoáng qua rồi tiếp tục nuốt những ngụm café đắng ngắt, họ không để ý đến người phụ nữ vì ở đây khách lai vãng cũng nhiều, cho đến khi người phụ nữ bật lên câu hỏi:

– Khu nghĩa trang thai nhi có gần đây không chị?

– Ở cách bên kia đường, em đi xéo xéo qua một chút, chỗ có chiếc xe tải màu xanh đang đậu, quẹo vô đó rồi chạy thẳng, thấy cái bảng ghi trại cá giống thì quẹo vô rồi hỏi người ta, dân trong đó chỉ cho.

Chị chủ quán chỉ đường một cách rành mạch rồi im lặng, lúc này, bà Biên chợt có cảm giác rùng mình như có dòng điện chạy dọc sống lưng, bà trấn an: “chắc Trời mưa lạnh, bà bị trúng nước”, bà khẽ đưa cặp mắt trũng sâu len lén nhìn người chủ quán thì bắt gặp sự bình thản lạ lùng.

Bóng người phụ nữ với cái bọc nilong đen lạc vào màn mưa rồi lướt đi nhanh về hướng người chủ quán hướng dẫn. Lúc này, chị chủ mới nhìn về phía cái bóng nhỏ đang rẽ vào cái ngã ba có chiếc xe tải xanh đang đậu, rồi nói với hai người khách, bằng cái giọng đều đều.

– Cô này đem thai nhi đi chôn.

– Ở đây có chỗ chôn thai nhi hả chị?

Bà Biên cất giọng khàn đặc, nửa vì lạnh, nửa vì lạ lẫm

– Đúng rồi chị, đi khoảng gần hai cây số là tới.

– Khu này nhiều mộ không chị?

Anh Tâm tài xế hỏi bằng giọng trầm lắng khác hơn mọi ngày.

– Mười mấy ngàn ngôi mộ, nhỏ nhỏ, tội lắm.

– Là mấy đứa nhỏ bị chết trong bụng mẹ hay sao vậy chị?

– À, có đứa là do hư thai, mà đa số là do mẹ nạo phá thai rồi bỏ ngoài đường, mấy người làm thiện nguyện đi gom lại rồi đem đến đây chôn cất.

Nói đến đây, giọng người phụ nữ chùn xuống, ánh mắt bà cứ nhìn về phía ngã ba vắng lặng phía bên kia đường. Anh tài xế và bà Biên cũng lặng im, không hỏi nữa. Chuyến xe hàng ngày hôm đó vẫn mặn tanh mùi cá nhưng có chút gì đó khác hơn mọi lần khi để lại một cảm giác kỳ lạ trong lòng bà Biên. Lần đầu tiên cảm giác bất an, bồn chồn xuất hiện trong lòng của người đàn bà chai sạn cảm xúc, thô kệch trong lời ăn tiếng nói và đậm chất bụi đời, nó không phải cảm giác bất an như khi đối diện giây phút nguy hiểm của những trận hỗn chiến mà là cảm giác bần thần rất đỗi mông lung.

Trải qua những năm tháng lao động khổ cực, màn Trời chiếu Đất, sức khỏe của bà Biên giảm sút thấy rõ, bà không còn đủ sự mạnh khỏe để thức khuya dậy sớm bưng bê, khuân vác những thùng hàng nặng trịch từ bến xe ra kho bãi, tay chân bà bắt đầu đau nhức, những cơn đau ngày một nặng dần, có hôm, đang khiêng thùng hàng, bà phải ngồi bệt xuống đường thở dốc rồi nhờ người khiêng phụ.

Một buổi chiều, người chủ vựa hải sản gọi bà Biên vô nghỉ mệt sớm hơn giờ quy định. Ánh mắt người chủ ánh lên sự xót thương khi nhìn dáng vẻ đen đúa, gầy gò của bà Biên và lồng ngực đang thở liên hồi vì mệt.

– Chị cầm ít tiền trang trải rồi tìm việc khác, công việc này nặng nhọc, chị làm không nổi nữa đâu.

Người chủ với giọng nói trầm trầm, ánh mắt vẫn không ngừng nhìn vào gương mặt người đàn bà kham khổ, bà Biên với gương mặt cúi gằm, bà chỉ lặng im, không nói được điều gì.

– Số tiền này đủ cho chị trang trải một năm, chị làm việc siêng năng, em cũng thương nhưng sức khỏe chị thế này, em không thể nào để chị làm tiếp được. Chị thông cảm!

Buổi chiều hôm đó cũng là buổi chiều cuối cùng của bà Biên ở nơi kho bãi, sau khi nhận số tiền kha khá từ người chủ vựa, bà Biên chưa biết phải làm gì, nhưng trong đầu bà lúc này, chỉ hiện lên hình ảnh cái quán café trong buổi chiều mưa xám đặc với con đường rẽ vào ngã ba vắng vẻ.

Sau hai ngày kể từ khi nghỉ việc, bà Biên bắt xe khách để quay trở về nơi có cái quán café ở tỉnh Khánh Hòa, đã 10 năm nay, trong lòng bà dường như chưa bao giờ yên ổn. Đêm đến, khi nằm xuống, bà lại thấy bồn chồn, những giấc ngủ đến với bà cứ chợt nông sâu, cảm giác thôi thúc bà phải quay trở lại nơi đó, nơi mà người phụ nữ với cái bọc nilong đen cầm trên tay, vội vã bước vô quán với dáng vẻ gấp rút khác thường, nơi mà cách đó xa xa trong tầm mắt bà là cái ngã ba vắng lặng và người phụ nữ bán café với cái giọng trầm trầm lạnh lẽo cứ hiện lên mồn một như trước mắt.

Rồi chuyến xe cũng đưa bà Biên đến với cái nơi mà bà muốn đến, đó là một ngôi nhà lá dựng tạm, nằm lẫn sâu bên trong khu đất rộng, xung quanh bốn bề vắng lặng, phía trước là một cây cổ thụ nhiều năm tuổi với cội rễ trồi lên cả mặt đất, những hốc mắt trên thân cây đen ngòm với những hình thù kỳ dị, bà hơi rờn rợn khi đứng phía trước cảnh cổng sắt cũ kỹ khép hờ, khi bóng tối bắt đầu lần mò phủ xuống một màn xám đục. Sau gần 20 phút đứng chờ, bà cũng gặp được một người phụ nữ ra mở cổng.

*

Bước vào bên trong vùng đất an nghỉ của những thai nhi, tim người đàn bà càng đập những nhịp nhanh có lúc như không thở được, trước mắt bà là hàng ngàn ngôi mộ nhỏ với đủ màu sắc, những ngôi mộ lướt qua sau lưng bà thành từng hàng, trải dọc theo mỗi bước đi.

Bà được chị chủ nhà cũng là người giữ mộ dẫn ra ngoài thắp hương cho những ngôi mộ nhỏ. Cầm bó nhang nghi ngút khói trên tay giữa buổi chiều tà nặng bóng, làn khói mờ ảo phủ một lớp mỏng manh làm mắt bà nhòe nhoẹt, mùi nhang trầm âm ấm tản lạc vào không gian đã giảm bớt phần nào sự cô tịch và lạnh lẽo của mảnh đất u buồn.

– Sao chị lại muốn ở đây?

Người phụ nữ coi mộ cất giọng hiền lành.

– Chị cũng không biết nữa, nhưng chị muốn tới.

Giọng bà Biên trầm xuống, vẫn cái giọng khàn đặc như người nghiện thuốc.

– Chắc có đứa nào nó dẫn chị về rồi, mấy nhỏ có tâm linh lắm chị!

Nghe đến đây, tự nhiên bà Biên khẽ rùng mình, bà thẫn thờ nhớ lại cái hôm cách đây 10 năm về trước, ở trong quán nước ven đường, người phụ nữ cầm cái bọc nilong đen đứng cạnh bà rồi lướt đi trong màn mưa xối xả, về phía nơi con đường rẽ vào con hẻm nhỏ…

Những hình ảnh trong buổi chiều mưa xám ngắt hiện về, loạng choạng nhảy múa trong đầu người đàn bà, như chưa bao giờ ngưng nghỉ khiến bà mơ hồ nhận ra, nó đã đeo đẳng theo bà suốt bao nhiêu năm, ngay cả trong giấc ngủ.

– Chị! Chị sao vậy?

– Dạ, không có gì cô.

Bà giật mình khi người phụ nữ nắm tay bà và hỏi như đánh thức.

– Cô có chồng con gì không? Sao lại ở đây coi mộ?

– Dạ, em có chồng, nhà em ở cách đây khoảng 5 cây số, em về đây coi mộ còn chồng em đi làm, thỉnh thoảng ảnh ghé qua giúp em cái này cái nọ. Em tên Hương.

– Chắc cô cũng có duyên nợ với mấy đứa nhỏ nên mới ở đây – Bà Biên hỏi bằng giọng thật thà.

Người phụ nữ cười tươi tắn, nụ cười đầu tiên từ lúc bà Biên bước vào khu nghĩa trang này và tiếp xúc với Hương.

– Đúng rồi chị, phải có duyên, có nợ mới ở đây và làm công việc này. Với lại cũng thương nữa chị.

– Em ở đây coi mộ, chồng em có nói gì không?

Bà Biên nhẹ nhàng dịu giọng, thay đổi cách xưng hô vì sự gần gũi của Hương.

– Dạ không chị, ảnh cũng hay qua đây phụ em, hôm nào có mộ bé nào bị hư hỏng thì ảnh qua sửa sang lại, ảnh là người xây mộ cho mấy con mà!

Giữa buổi chiều nhập nhoạng trong ngôi nhà tranh loang lổ ánh đèn vàng dây tóc, hai người phụ nữ ngồi trò chuyện cùng nhau về những ngôi mộ, những vong linh bé nhỏ đang an nghỉ trong khu đất rộng hoang sơ, ánh sáng không đủ soi rọi cho cả ngôi nhà vốn bị bao trùm trong màn đêm dày đặc. Lẫn trong tiếng nói trầm trầm và chậm rãi của hai người phụ nữ là tiếng ếch nhái ễnh ương bắt đầu rền rĩ về chiều, nghe cô quạnh đến lạnh người.

Có lẽ, đêm nay là lần đầu tiên bà nghe những cơn đau âm ỉ từ lồng ngực, những cơn đau khi hình dung về thân phận những hài nhi còn đỏ hỏn bị vứt lăn lóc ở bên vệ đường, chất chồng trong những bọc nilong, bị thải ra từ những phòng khám, những bệnh viện rồi được những bạn tình nguyện viên đi thu gom lại. Có những thi hài sơ sinh đã gần như đầy đủ chân tay, hình hài nhưng không được sống, khi đem đến cho khu mộ, trong bọc nilong đã bốc mùi thối rữa, có đứa thì còn nguyên vẹn, có đứa thì bị tách rời từng bộ phận, trở thành mớ thịt vụn vặt, nhàu nhĩ đỏ lòm. Khi chôn cất, tẩm liệm thi hài, khó ai tránh khỏi cảm giác đau đớn khi nhìn thấy những thi thể rụng rời, không lành lặn.

Sau hôm gặp Hương và được Hương hướng dẫn, chia sẻ cuộc sống ở nơi đây, bà Biên bắt đầu những tháng ngày phụ trông coi cho những ngôi mộ nhỏ. Vốn là người trải qua những năm tháng lăn lóc đầu sóng ngọn gió, giang hồ tứ chiến nên bà Biên không thiếu sự gan liều, nhưng có lẽ, điều giúp bà đủ mạnh mẽ để ở đây, giữa một rừng ngôi mộ nhỏ này chính là tình thương sâu thẳm của một người đàn bà dành cho những đứa trẻ vắn số.

Với bản tính đàn ông và quen làm việc nặng nhọc, thỉnh thoảng, bà Biên đẩy chiếc xe đạp đi xin tôn cũ về lợp lại tấm vách căn nhà, ai cho gạch cát xi măng thì bà tự trộn rồi xây mấy bức tường xung quanh cho mưa đỡ tạt, có hôm, bà đem về mấy bức tượng Phật đã cũ, bị hư hỏng, mấy tấm hình tâm linh người ta bỏ ở vệ đường, về lau rửa sạch sẽ rồi để trên cái bàn thô sơ thờ cúng. Thấy bà siêng năng và chịu khó, lại có tình thương cho những ngôi mộ nhỏ nên vợ chồng Hương cũng dành dụm trả công coi sóc khu mộ cho bà nhưng trả bao nhiêu thì bà đều dành để mua nhang đèn, bánh kẹo cho mấy đứa nhỏ. Mà nghĩ cũng lạ, từ hồi bà về đây ở và chăm sóc cho khu mộ thai nhi thì những căn bệnh của bà tự nhiên cũng khỏi.

Hôm nay, Trời mưa từ sáng đến chiều!

Cái vách bằng lá dừa nước bắt đầu xiêu vẹo, bà loay hoay bện lại bằng mấy thanh kẽm với tấm áo mưa. Tiếng mưa vẫn đổ ầm ầm trên mái tôn cũ, chảy thành từng dòng xuống phía hiên nhà, cuốn trôi những đám lá úa màu nằm lâu trên cái thềm gạch cũ.

– Mẹ! mẹ ơi!

Bà Biên dừng tay khi nghe tiếng gọi nho nhỏ, loáng thoáng lẫn trong tiếng mưa ào ạt.

Theo phản xạ, bà hướng mắt nhìn ra phía bên ngoài khu mộ rồi chợt lạnh người khi thấy một bóng đứa trẻ mặc đồ bông đang đứng ở phía xa xa. Bà chớp mắt nhìn lại lần nữa thì chỉ thấy màn mưa trắng xoá.

Bà đến phía trước bàn thờ, đốt 3 nén hương rồi cắm vào chiếc lư đồng đang cháy dở mấy cây nhang. Rồi bà lầm thầm khấn vái gì đó không ai nghe rõ.

Bà với tay lấy cái áo mưa cũ đang mắc ở vách nhà rồi đội ra phía khu mộ… cứ như có ai đó dẫn đường, bà đi nhanh về phía có đứa nhỏ mặc áo bông, ra đến nơi, bà đứng nhìn quanh mà chẳng thấy đứa nhỏ nào. Lúc này, bà nhìn xuống dưới chân khi nghe luồng nước chảy mạnh ngang qua thì thấy một ngôi mộ nhỏ đã bị nước mưa làm sạt lở một góc, nước đang tuôn xối xả vào bên trong, bà vội tháo chiếc áo mưa đang mặc che lên chiếc mộ rồi dằn lên bằng mấy cục đá tìm được ở xung quanh. Hình như lúc này, bà quên luôn cả lạnh.

– Chịu khó che tạm nha con. Khi nào tạnh mưa, Má làm lại cho kín.

*

Sáng hôm sau, khi mưa đã tạnh, trời còn hơi lạnh âm âm từ trận mưa đẫm ướt hôm qua, bà Biên đã vội dậy sớm, lục lấy mấy trăm ngàn tiền công rồi chạy vội ra cái cửa hàng vật liệu xây dựng gần đó mua một ít cát với xi măng. Bà chở về một bao nho nhỏ để ngày hôm đó trám lại phần mộ bị sạt lở. Trám mộ xong, bà quết lại nước sơn hồng cho ngôi mộ sáng sủa rồi đặt lên đó một cái bánh và vài viên kẹo ngọt.

– Hết bị ướt rồi nghen con! Nay ngủ ấm rồi – Bà lầm thầm khấn nguyện.

Chiều nay có vợ chồng Hương qua nấu nướng. Những tiếng nói chia sẻ đan xen làm cho không khí ngôi nhà giữa khu nghĩa trang cũng đỡ phần lạnh lẽo.

– Chiều nay có 12 thai nhi đưa về đây đó chị. Lát em ra mua thêm gạch cát xi măng. Để đưa về lúc nào là mình phải làm mộ lúc đó, mùa này mưa lớn, làm không kịp là nước xoáy xuống mộ hết.

Bữa cơm trở nên trầm lắng, không khí cũng u buồn nặng trĩu, vậy là 12 sinh linh lại phải ra đi từ sự chối bỏ của con người.

Ba bóng người nhập nhoạng trong màn đêm âm tịch của bữa cơm chiều nuốt vội, ngoài trời, những bóng mây nặng nề màu xám đục như sắp đổ những trận cuồng phong tạo thành không gian ma mị giữa vùng đất nhiều âm khí.

Bà Biên nhìn ra phía nghĩa trang, những ngôi mộ nhỏ thấp thoáng ẩn hiện giữa không gian đen đặc.

Gió rú lên hỗn loạn, va đập dữ dội trên những tàng cây, sự tĩnh mịch của bóng đêm như có bàn tay xé toạc, tiếng côn trùng lại rỉ rả nghe thê lương đến tận cùng tâm khảm. Trong mông lung, bà nghe tiếng xe chở những linh hồn đang chạy đến gần. Nén nhang trên bàn thờ đã cháy cong một nửa. Đêm nay, khu nghĩa trang lại có thêm những ngôi mộ chưa rõ hình hài…

                                                              

Exit mobile version