Nhà thơ Nông Quốc Chấn
Nhắc đến nhà thơ Nông Quốc Chấn là gợi nhớ trong tôi về một vùng văn hóa phong phú, đa dạng và sống động của đồng bào Tày sống trên vùng núi phía Bắc nước ta. Ông chính là người lưu giữ hồn vía văn hóa Tày trong các tác phẩm thơ của mình. Có thể nói nhà thơ Nông Quốc Chấn là đại biểu xuất sắc nhất của dân tộc mình về lĩnh vực thơ ca và văn hóa từ sau Cách mạng tháng Tám đến nay.
*
Nhà thơ Nông Quốc Chấn tên thật là Nông Văn Quỳnh, sinh ngày 18/11/1923, tại xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn, mất ngày 4/2/2002, tại Hà Nội.
Trước Cách mạng tháng Tám, Nông Quốc Chấn từng tham gia Mặt trận Việt Minh và Giải phóng quân. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ông vẫn tiếp tục hoạt động trong Mặt trận Việt Minh trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ.
Ông gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1958. Em trai ông là Nông Viết Toại cũng là hội viên Hội nhà văn Việt Nam.
Cuộc đời hoạt động Cách mạng của ông từng kinh qua nhiều vi trí công tác quan trọng như Đại biểu Quốc hội khóa II, Thứ trưởng Bộ Văn hóa kiêm Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa, Hà Nội, Hiệu trưởng Trường Viết văn Nguyễn Du, Chủ tịch Hội Văn hóa văn nghệ các dân tộc thiểu số, Phó Chủ tịch Ủy ban Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn học- Nghệ thuật khu Việt Bắc, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn, Tổng Biên tập Tạp chí Toàn cảnh sự kiện và dư luận…
Sự nghiệp hoat động văn chương- nghệ thuật của nhà thơ Nông Quốc Chấn đã để lại một số tác phẩm thơ bằng tiếng Việt gồm 4 tập: Tiếng ca người Việt Bắc, Dòng Thác, Bài thơ Pác Bó, Suối và biển. Đặc biệt là những tác phẩm viết bằng tiếng dân tộc Tày gồm 6 tập: Việt Bắc đánh giặc, Dọn về làng (bài này đã từng được đưa vào sách giáo khoa phổ thông trung học), Đi Berlin về, Tiếng lượn cần Việt Bắc, Cần Phja Bjoóc, Dám kha Pác Bó; Mười điều kháng chiến. Tác phẩm dịch từ tiếng Việt ra tiếng Tày; Tiểu luận- phê bình có 3 tập: Một vườn hoa nhiều hương sắc,Đường ta đi và tiểu luận. Ông nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học- Nghệ thuật, năm 2001.
Trước đấy ông cũng đã từng đoạt nhiều giải thưởng về văn học nghệ thuật có uy tín: Giải thưởng ở Đại hội Thanh niên, Sinh viên thế giới tại Berlin, năm 1951 cho bài thơ Dọn về làng; Giải thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam năm 1954; Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, năm 1958.
Nhà thơ Nông Quốc Chấn được xem là cánh chim đầu đàn của những người cầm bút các dân tộc thiểu số. Ông cũng là một trong số ít người dịch thơ văn từ tiếng Việt sang tiếng Tày, mà người ta quen gọi là dịch ngược. Đây là một công việc rất khó. Nó không chỉ đòi hỏi vốn ngôn ngữ (từ vựng- ngữ pháp) của hai dân tộc Kinh và Tày, mà còn đòi hỏi vốn văn hóa sâu, rộng, am hiểu thấu đáo các phong tục tập quán, cách cảm, cách nghĩ và lời ăn tiếng nói hàng ngày của cả hai dân tộc ấy. Dẫu biết rằng cùng sống chung trên dải đất hình chữ S, nhưng mỗi dân tộc lại có địa bàn cư trú khác nhau về không gian địa lý, có truyền thống lịch sử và văn hóa, phong tục tập quán do tổ tiên họ để lại không giống nhau. Vì thế, đến nay không có nhiều người làm được công việc này như nhà thơ Nông Quốc Chấn, mà chủ yếu là dịch từ tiếng Tày sang tiếng Việt.
*
Có thể khẳng định rằng văn chương nói chung, thơ ca nói riêng, nếu tác giả là người dân tộc thiểu số sẽ rất có lợi thế phô diễn bản sắc của dân tộc mình, tạo nên khác biệt về sự phong phú, đa dạng, nhiều hương sắc cho văn chương và văn hóa Việt. Tuy nhiên cũng như người Kinh, không phải người dân tộc thiểu số nào làm thơ cũng đều hay cả. Và ngay cùng một tác giả, không phải làm bài nào cũng hay, đấy là điều đương nhiên và dễ hiểu.
Trong số các tác giả thơ là người dân tộc Tày như Nông Quôc Chấn, Y Phương, Dương Thuấn, Mai Liễu, Ma Văn Đức, Tống Đại Hồng, Hà Tuấn Đôn, Hà Thuấn, Nguyễn Đôn,… mỗi người một vẻ, nhưng chắc chắn chưa ai có thể vượt qua được cây đại thụ Nông Quốc Chấn. Bởi ngoài năng khiếu trời cho, ông sinh ra và lớn lên phần lớn thời gian đều sống ở vùng núi phía Bắc, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Như thế có nghĩa là Nông Quốc Chấn được tắm mình trong môi trường văn hóa các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc Việt Nam từ bé cho đến khi luống tuổi.
Đã vậy, từ rất sớm, ông đã tham gia các hoạt động chính trị, xã hội như Mặt trận Việt Minh, Giải phóng quân và làm cán bộ văn hóa ở địa phương và trung ương, nên tầm hiểu biết được khai mở rất nhiều. Các cụ ta đã bảo rồi mà: Đi ngày đàng, học sàng khôn hay Đi ra biết đó biết đây/ Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn. Cái được của nhà thơ Nông Quốc Chấn chính là ở chỗ ấy.
Tuy nhiên, dù đi nhiều, biết lắm, nhưng cái quí nhất ở nhà thơ này là không bao giờ đánh mất bản sắc dân tộc Tày của mình, trong công việc nhiệm sở, sinh hoạt hàng ngày cũng như trong thơ ca. Cho nên, nói đến thơ Nông Quốc Chấn là nói về một vùng văn hóa phong phú, đa dạng và sống động của đồng bào Tày sống trên vùng núi phía Bắc nước ta. Ông chính là người lưu giữ hồn vía văn hóa Tày trong các tác phẩm thơ của mình.
Bởi lẽ, ngoài tư cách nhà thơ, Nông Quốc Chấn còn là một nhà nghiên cứu, lý luận và một nhà văn hóa mang tầm cỡ quốc gia. Ý thức về việc cần phải bảo vệ, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình xây dựng một nền văn hoá Việt Nam hiện đại luôn thường trực trong ông. Ông coi việc thể hiện, ngợi ca những vẻ đẹp của nền văn hóa các dân tộc nói chung và văn hóa Tày nói riêng ở vùng núi phía Bắc Việt Nam là sứ mệnh cao cả và thiêng liêng của các văn nghệ sĩ.
Có thể nói những bài thơ của Nông Quốc Chấn như những bức tranh được vẽ
nên bằng lời về phong cảnh thiên nhiên của núi rừng Việt Bắc với đủ các loại cây, hoa rừng, sông, suối, trời, mây,… Khuất xa là những bản làng của người Tày, Dao, Mông. Ở đấy chứa đựng bao phong tục, tập quán tốt đẹp, bao số phận con người đang ngày đêm sống, lao động, chiến đấu chống lại kẻ thù chung của dân tộc, chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt đang rình rập ngày đêm hòng cướp đi mạng sống của con người.
Dù vậy: Đọc thơ ông, người ta nhận thấy rất rõ: cách cảm, cách nghĩ, cách nói, cách diễn đạt của người miền núi với thứ ngôn ngữ thơ mộc mạc, giản dị, giàu hình ảnh với giọng điệu thơ vui tươi, hồn nhiên, chân thật nhưng cũng rất lãng mạn, bay bổng. Và đó chính là những yếu tố làm nên tính dân tộc trong thơ ông, làm nên phong cách nghệ thuật của ông (1).
Thiên nhiên trong thơ Nông Quốc Chấn là hình ảnh núi rừng Việt Bắc vừa hùng vĩ, hoang sơ và dữ dội, vừa bí ẩn, vừa gần gũi, thân quen, hiền hoà. Đấy chính là cảnh Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù (Việt Bắc- Tố Hữu) trong những năm tháng chiến đấu chống Pháp trước đấy và chống Mỹ sau này.
Những người mẹ tảo tần lượm củi, hái măng, trồng ngô, cấy lúa… để nuôi chồng, nuôi con, nhưng cũng sẵn sàng động viên họ lên đường tòng quân đánh giặc khi chúng nó đến xâm phạm bờ cõi, làng bản quê hương mình. Các chàng trai, cô gái Tày khoẻ mạnh, ngực căng đây nhựa sống, ngày đêm hăng say lao động, làm ra lúa ngô để nuôi sống mình và người thân, nhưng cũng rất ngoan cường, anh dũng trong chiến đấu chống lại kẻ thù bảo vệ quê hương, bản làng.
Tất cả những hình ảnh ấy, chúng ta có thể bắt gặp ở hầu hết những trang thơ của Nông Quốc Chấn. Đặc biệt hình tượng Bác Hồ đã được ông khắc họa, giống như một cụ già Tày- Nùng trong bài thơ Bộ đội ông cụ: Lại có Cụ Già chân đi đất,/ Mặc bộ quần áo Nùng,/ Tay cầm cái gậy mây rừng,/ Miệng ngậm một điếu can không khói,/ Bộ râu dài vừa trắng vừa đen,/ Chân tay nhanh nhẹn như thanh niên/…/ Cụ Già cười, vẫy chào người đứng đón/…/ Khi ǎn cơm chiều,/ Bộ đội đếm: một, hai… ngồi trật tự./ Cụ đi từng bàn xem bát đũa./ Cho thổi còi, rồi Cụ ǎn sau/ Mọi người rủ nhau/ Đốt đuốc đến xem quân Ông Cụ./ Người già đến, Cụ mời ngồi niềm nở,/ Trẻ con lại, Cụ bế xoa đầu./ Cụ nói, dân nghe rõ từng câu- / Muốn cách mệnh thành công mau!/ Ta phải đoàn kết như bó đũa…!/ Gà đã gáy lượt đầu,/ Nhưng tiếng vỗ tay còn như nứa nổ/…/ Hôm sau, Cụ rời bản lên đường,/ Cho bộ đội xếp hàng,/ Cụ cảm ơn, Cụ trả tiền – dù chủ nhà không nhận;/ Cụ bắt tay từng người./ Cụ đi khỏi rồi,/ Ai cũng thương nhớ,/ Người hỏi người không ai biết rõ:Tên Cụ Già là chi?/ Tóc bạc vẫn còn đi,/…/ Bước sang rằm tháng bảy,/ Được nhậnmột tin mừng:/ Giải phóng quân đã vào Hà Nội/ Khắp nơi mở hội tưng bừng…!/ Có nhiều ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh!/ Nhìn đôi mắt, bộ râu, ta nhớ nhớ/ Giống Cụ Già trước đến bản ta!/ Đúng! Đích đúng!/ Đây là Ông Cụ!/ Sung sướng thay! Bản ta toàn nam nữ/ Lần đầu tiên đã được đón Bác Hồ/ Chúng ta xin gửi một bức thư/ Rằng: Cả bản Mường vẫn nhớ lời Người nói.
Rõ ràng, chỉ có người Tày mới có cách cảm, cách nghĩ và cách vẽ về chân
dung vị cha già kính yêu của toàn dân tộc ta như vậy.
Hay khi diễn tả cảnh rình rập muốn chiếm đóng quê hương miền núi thân yêu của mình, Nông Quốc Chấn đã nói theo cách của người Tày rất tài tình. Đặc biệt, nhà thơ Nông Quốc Chấn là người có có ý thức và có tài sử dụng lời ăn, tiếng nói thường nhật, các thành ngữ, tục ngữ, điển cố cũng như các truyện thơ dân gian của người Tày trong các thi phẩm của mình: Người không biết thì gỗ tốt cũng thành gỗ mục/ Người biết thì gỗ đánh sơn thành ngọc, thành vàng/ Nửa người bị nước xô, nửa người bị lửa cháy/ Chặt chuối- tơ không đứt… (Người Núi Hoa).
Rồi: Qua cầu- nhớ người làm cầu/ Ăn quả- nhớ người trồng, người chăm/ Người già bảo: Người không biết/ thì cầm tiền cũng trở thành kể làm thuê/ Còn người biết cầm (cái gì) cũng có giá trị… (Thăm bản).
Hay: Báo xem lợn, báo chưa vồ được/ Tối sáng nào báo cũng đi rình/ Mèo chưa bắt được chuột để ăn/ Mèo còn tìm chỗ ngồi rình ở đầu mái gianh… (Người Núi Hoa)… Nhìn bức ảnh thấy đúng giống mặt/ Không sai- đây chính là ông cụ đã đi qua đường này/ Ai cũng đoán là người gốc Việt Minh/ Ai cũng đoán là người tốt, người làm to, đứng đầu…(Bộ đội ông cụ)… Lần lượt mười bốn mùa bánh Tải/ Ơn cụ Hồ đã đổi đời, mở mắt cho chúng ta… (Việt Bắc- Tây Nguyên).
Còn khi nói về niềm vui của những bà mẹ miền núi trong chiến thắng ở Cao- Bắc- Lạng, nhà thơ không giấu nổi tâm trạng vui sướng khi quê hương mình được giải phóng: Mẹ! Cao- Lạng hoàn toàn giải phóng/ Tây bị chết bị bắt sống, hàng đàn/ Vệ quốc quân chiếm lại các đồn/ Người đông như kiến, súng dày như củi./…/ Hôm nay Cao- Bắc- Lạng cười vang/ Dọn lán, rời rừng, người xuống làng/ Người nói cỏ lay trong ruộng rậm/ Con cày mẹ phát, ruộng ta quang…/ (Dọn về làng).
Để kết thúc bài viết, chúng tôi xin mượn lời của PGS-TS Nguyễn Ngọc Thiện khi nhận xét về thơ Nông Quốc Chấn:Tính chất khẩu ngữ, bình dị, thật thà của câu chữ, bộc lộ cách cảm, cách nghĩ chất phác… Những câu thơ nhìn bề ngoài ngỡ như là viết theo kiểu ứng tác, khá dễ dàng, không màu mè, rào đón, bọc giấu mà cứ trần trụi, thật như đếm và thẳng như cây bương (2).
…………………
Tham khảo:
(1), (2). Trần Thị Việt Trung- Nguyễn Thế Thành trong bài: Nông Quốc Chấn- Nhà thơ Tày xuất sắc. Trong tập: Văn học Dân tộc thiểu số Việt Nam thời hiện đại – Một số đặc điểm. Nxb Đại học Thái Nguyên, 2011.
Đỗ Ngọc Yên – Vanvn.net