Vậy là người giữ bưu điện đến làm việc ở U-la-pơ, ngôi làng nhỏ gần một nhà máy sản xuất thuốc nhuộm. Ông chủ sở hữu nhà máy vốn là người Anh nên đã tìm cách đặt bưu điện ở trong làng.

Quê ở Can-cút-ta, người trông coi bưu điện khá lạc lõng trong một túp lều tranh có một phòng làm việc và một phòng khách. Cách túp lều không xa là một cái ao sình lầy nhão nhoét với bụi cây lúp xúp dày đặc bao quanh.

Mấy người công nhân nhà máy thuốc nhuộm chẳng có thời gian giải trí và cũng không thích hợp để đánh bạn với những người làm việc văn phòng. Anh chàng Can-cút-ta cũng chẳng mấy thông thạo việc kết giao với người khác. Nói chung là anh có rất ít người quen và cũng chẳng có nhiều việc để làm.

Lương chẳng được mấy, người giữ bưu điện phải tự nấu ăn. Anh vẫn chia sẻ chút thức ăn ít ỏi của mình với Ra-tan, một bé gái mồ côi ở trong làng, thường tới làm việc vặt giúp anh.

Mỗi tối, khi khói bắt đầu cuộn lên từ mấy cái chuồng bò trong làng và lũ ve kêu inh ỏi trong mỗi bụi cây; khi những giáo sĩ khất thực phái Ba-un bắt đầu tụ tập lại và cất tiếng hát ông ổng; khi bất cứ nhà thơ nào đang ngắm nhìn đám lá tre dày đặc rung rinh bỗng thấy cơn rùng mình chạy dọc sống lưng thì anh chàng Can-cút-ta sẽ châm chiếc đèn nhỏ của mình lên và gọi: “Ra-tan!”.

Minh họa: Anh Khoa.

Ra-tan như thường lệ vẫn ngồi chờ, nhưng thay vì vào ngay, con bé sẽ hỏi: “Chú gọi con sao?”.

Người giữ bưu điện sẽ hỏi: “Con sẽ làm gì nhỉ?”.

“Con sẽ nhóm bếp”, Ra-tan trả lời.

Anh chàng Can-cút-ta sẽ lại nói: “Ồ, cứ để cái bếp đấy. Vào châm tẩu cho ta đã”.

Cuối cùng Ra-tan cũng bước vào, miệng thổi phù phù vào đám than củi để lấy lửa châm thuốc. Người giữ bưu điện sẽ hỏi: “Ra-tan này, con còn nhớ gì về mẹ không?”. Đây bao giờ cũng là chủ đề màu mỡ cho câu chuyện. Ra-tan phần nhớ, phần quên; con bé yêu bố hơn và nhớ được nhiều hơn về bố. Bố con bé thường về nhà vào mỗi tối sau khi hết việc, rõ nét như một bức tranh trên bức tường ký ức của con bé. Ra-tan sẽ ngồi dưới sàn nhà, dưới chân người giữ bưu điện, ký ức phủ mờ trong mắt. Con bé sẽ nhớ tới đứa em trai và lờ mờ nhớ cái cách hai chị em chơi câu cá với chiếc cần câu tưởng tượng bên cái ao này. Những sự kiện nho nhỏ đó bỗng nhiên trở nên to lớn trong tâm trí con bé. Cả hai cứ nói chuyện và trời thì cứ tối dần. Đến lúc người giữ bưu điện ngại không muốn nấu nướng gì nữa thì Ra-tan sẽ vội vã nhóm lò, nướng chút bánh mì không lên men, vừa đủ để hai người ăn cùng với mấy thứ đồ nguội còn lại từ bữa sáng.

Cũng có vài buổi tối, người giữ bưu điện ngồi trước bàn làm việc trong căn lều trống lần lại ký ức gia đình. Nhớ về mẹ và em gái khiến anh thấy buồn mỗi lúc đi xa. Ký ức luôn ám ảnh, nhưng anh thì không thể dốc bầu tâm sự với những người công nhân nhà nhuộm. Dẫu vậy, anh lại kể rất tự nhiên những chuyện đó trước mặt con bé, đến độ con bé thuộc nằm lòng và nói về những người thân của anh như thể nó đã từng biết họ cả đời này vậy.

Một buổi trưa, khi cơn mưa vừa ngớt, gió mát thổi thứ mùi lá, cỏ ẩm ướt bốc lên trong cái nắng nóng khiến người ta liên tưởng tới hơi thở ấm áp của đất mẹ mệt mỏi trên cơ thể con người. Một con chim kiên nhẫn suốt buổi chiều lặp đi lặp lại lời phàn nàn với thính phòng của thiên nhiên.

Người giữ bưu điện chẳng có gì để làm ngoài việc ngồi ngắm thứ ánh sáng lấp lánh phản chiếu từ những chiếc lá ướt nước mưa và những đám mây còn sót lại. Anh nghĩ: “Giá mà có người thân ở đây, chỉ cần một người nào đó để ta có thể yêu thương!”. Và anh nghĩ đó cũng là những suy nghĩ mà con chim kiên nhẫn và đám lá cây đang thì thầm ngoài kia đang tìm cánh diễn đạt. Không ai biết, hoặc không ai tin, rằng cái ý tưởng đó lại có thể chiếm lấy suy nghĩ của một người giữ bưu điện với khoản lương còm vào lúc nghỉ giữa ngày yên ắng như vậy.

Người giữ bưu điện thở dài, gọi: “Ra-tan!”. Đang nằm ườn nhai ổi dưới gốc cây, Ra-tan vội chạy tới: “Chú gọi con ạ?”.

Người giữ bưu điện nói: “Ta sẽ dạy con học đọc”. Suốt buổi chiều hôm đó, anh dạy con bé học thuộc bảng chữ cái. Rất nhanh, con bé học thuộc tới cả phụ âm đôi.

Những cơn mưa dường như không dứt. Kênh, mương, rạch đầy ắp nước. Tiếng mưa rơi tí tách hòa trong tiếng ếch kêu ộp oạp cả ngày lẫn đêm. Nước ngập khắp làng và các phiên chợ phải họp trên những chiếc thuyền thúng.

Một buổi sáng trời vẫn mọng nước, cô học trò nhỏ đợi mãi không thấy có tiếng gọi. Con bé cầm cuốn sách quăn mép giấy, chầm chậm bước vào phòng. Người giữ bưu điện nằm dài trên giường. Con bé tưởng anh đang nghỉ, định lui ra thì có tiếng anh gọi: “Ra-tan! Ta mệt quá, sờ trán ta xem có phải là rất nóng không?”.

Trong nỗi cô đơn xa nhà và cơn mưa đang tới, người giữ bưu điện mong mỏi chút chăm sóc dịu dàng. Anh nhớ bàn tay mềm mại leng keng những vòng những lắc rờ lên trán, hình dung ra sự hiện diện của mẹ và chị gái mình. Và anh cũng không phải thất vọng. Ra-tan nhanh chóng nhập vai của một người mẹ. Nó gọi ngay cho bác sĩ tới, cho người bệnh uống thuốc đúng giờ, ngồi canh cả đêm bên giường bệnh và nấu cháo cho anh ăn. Thỉnh thoảng nó lại hỏi: “Chú đã thấy đỡ chưa?”.

Cũng phải mất kha khá thời gian, người giữ bưu điện mới có thể rời giường bệnh. Vẫn còn mệt lử, nhưng anh đã quyết định: “Không thể thế này được. Mình phải chuyển”. Anh viết đơn xin chuyển nơi làm việc với lý do sức khỏe.

Người giữ bưu điện đã khỏi ốm; Ra-tan lại trở về vị trí của nó. Nhưng nó không còn nghe tiếng anh gọi vào như mọi lần. Đôi khi nó lén ghé nhìn vào trong thì thấy anh ngồi trên ghế hoặc nằm dài trên giường, mắt nhìn trân trối vào khoảng không. Cả hai cùng chờ đợi! Ra-tan đợi anh gọi nó một câu, còn anh thì chờ hồi âm về đơn xin chuyển nơi làm việc. Con bé đọc đi đọc lại những bài học cũ. Nó sợ rằng người giữ bưu điện bất chợt gọi tới mà nó quên mất những phụ âm đôi. Cuối cùng, sau một tuần, có tiếng gọi “Ra-tan!”.

Con bé chạy vội vào phòng khấp khởi: “Chú gọi con?”.

“Ngày mai ta sẽ rời nơi này”.

“Chú đi đâu?”.

“Ta về nhà”.

“Khi nào chú quay lại?”.

“Ta không quay lại nữa”.

Người giữ bưu điện kể về việc đơn xin chuyển của anh bị từ chối, vì thế anh đã xin thôi việc và đợi để về nhà.

Cả hai không nói gì một lúc lâu. Ngọn đèn vẫn sáng leo lét. Những giọt nước mưa tong tong nhỏ từ lỗ dột trên mái lá xuống chiếc bình đất trên nền nhà.

Lúc sau, Ra-tan đứng dậy, đi về bếp chuẩn bị nấu ăn. Con bé không nấu nhanh như mọi ngày. Có nhiều điều mới mẻ để cái đầu non nớt phải suy nghĩ. Khi xong bữa, con bé hỏi: “Chú có cho con về nhà cùng chú không?”.

Người giữ bưu điện bật cười: “Ý kiến thật là hay!”. Anh không nghĩ mình cần giải thích vì đâu điều đó trở nên vô lý.

Cả đêm hôm đó, con bé cứ chập chờn mộng mị, ám ảnh với câu trả lời và tiếng cười của người giữ bưu điện: “Ý kiến thật là hay!”.

Sáng hôm sau, thức dậy, người giữ bưu điện thấy nước tắm đã được chuẩn bị sẵn. Anh vẫn giữ thói quen tắm bằng nước ở trong bình mà không ra sông như dân làng ở đây. Vì không hỏi được khi nào thì anh đi, Ra-tan đã đi lấy nước cho anh từ rất sớm. Tắm xong, người giữ bưu điện gọi Ra-tan vào: “Đừng lo, Ra-tan. Ta sẽ bảo người tới thay ta tiếp tục trông nom con”. Đó là những lời nói thật tâm, chắc chắn là thế. Nhưng trái tim phụ nữ thì không dễ hiểu như vậy.

Ra-tan chưa bao giờ phàn nàn về những la mắng của người giữ bưu điện, nhưng giờ đây con bé bỗng òa khóc: “Không, không. Chú không cần phải bảo ai bất cứ điều gì về con cả. Con không muốn ở đây nữa”.

Người giữ bưu điện chết lặng. Anh chưa bao giờ thấy Ra-tan như vậy.

Nhân viên bưu điện mới đã tới và nhận bàn giao. Chỉ giữ lại một chút nhỏ để đi đường, anh đưa cả phần lương của mình cho Ra-tan: “Con cầm lấy chút này; sẽ đủ cho con dùng một thời gian nữa”. Ra-tan phục xuống dưới chân anh, khóc: “Chú ơi, đừng đưa con thứ gì cả, đừng lo lắng gì về con, con sẽ cầu nguyện cho chú!”, rồi con bé vùng bỏ chạy.

Người giữ bưu điện thở dài, xách túi hành lý, vác ô lên vai, cùng người khuân vác chầm chậm xuống thuyền.

Con sông đang trào dâng dòng nước, như nước mắt của mẹ Trái Đất, tạo thành những dòng xoáy nơi mũi thuyền. Ngồi trên thuyền, người giữ bưu điện bỗng thấy tim mình đau nhói. Khuôn mặt buồn đau của con bé với anh chẳng khác nào nỗi đau bao la chẳng thể nói thành lời của mẹ Trái Đất. Đã có lúc anh thấy có điều gì đó thôi thúc anh quay lại, mang con bé vô thừa nhận đó theo mình, bất chấp thế giới này rồi sẽ ra sao. Nhưng gió đã căng buồm; con thuyền đã lao ra giữa dòng nước xoáy; ngôi làng đã ở sau lưng.

Người giữ bưu điện giờ đã ở giữa dòng sông; nước đang chảy xiết. Anh tự an ủi lòng mình với cái triết lý rằng cuộc đời là vô vàn những cuộc gặp gỡ và chia ly cho tới khi người ta ra đi mãi mãi không bao giờ trở lại.

Nhưng với Ra-tan thì không có triết lý nào cả. Con bé thơ thẩn quanh bưu điện, nước mắt vòng quanh. Có thể trong lòng con bé vẫn còn vẩn vơ chút hy vọng người giữ bưu điện sẽ trở về; và đó là lý do con bé không thể bỏ đi. Những lỗi lầm cơ bản cứ lặp đi lặp lại. Tiếng gọi của lý trí phải mất nhiều thời gian để tìm được chỗ đứng, trong khi những bằng chứng chắc chắn nhất lại chẳng được tin vào. Những hy vọng sai lầm cứ thế bám lấy, dai dẳng cho tới một ngày người ta trở nên khô héo, mỏi mòn rồi mới chịu bỏ đi. Thế nhưng, điều bất hạnh là ở chỗ khi ngộ ra điều đó, con người ta lại tiếp tục mong mỏi đến mãnh liệt được rơi trở lại vào cái mê cung lỗi lầm đó một và nhiều lần nữa.


Hữu Dương dịch – Nguồn QDND