Đầu năm 1990, trên văn đàn cả nước nhất là trong ngành giáo dục xôn xao với cuốn tiểu thuyết Đám cưới không có giấy giá thú của nhà văn Ma Văn Kháng do Nhà xuất bản Lao động ấn hành. Một trong những cuốn sách có kỷ lục về các bài phê bình và các cuộc hội thảo. Nội dung các bài phát biểu, khen nhiều, mà chưa đồng tình cũng không ít, cuối cùng giá trị đích thực của nó, thời gian phán quyết

Ma Văn Kháng đến hôm nay không còn lạ với người đọc. Anh xuất hiện trên văn đàn từ năm 1967, qua cuộc thi truyện ngắn của báo Văn nghệ đoạt giải nhì, với truyện Xa phủ (cuộc thi không có giải nhất). Sau đó các truyện ngắn của anh được tập hợp với tên sách Xa phủ do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 1969. Thời bao cấp, các đầu sách phần lớn các nhà xuất bản dành cho những cây đa cây đề, chứ những cây bút trẻ muốn in được một tập sách là rất khó, phải có chất lượng cao. Đây là tập sách đầu tay của Ma Văn Kháng, còn truyện ngắn đầu tay của anh được in lần đầu tiên trên tờ báo lớn Văn học, năm 1961 là truyện Phố Cụt. Sau khi phát hành Xa phủ thì trên Nhân dân chủ nhật, ra ngày 5-10-1970 có bài phê bình của Nguyễn Đại: “Đọc Xa phủ chúng ta thấy trong từng truyện có những nét khá hấp dẫn, Ma Văn Kháng cố gắng tạo cho mình một cách viết riêng, phản ánh chân thực con người và cuộc sống của các dân tộc miền núi Tây Bắc…


Nhà văn Ma Văn Kháng


Từ đó, từng năm, từng năm Ma Văn Kháng viết đều, in đều. Ngoài hàng trăm truyện ngắn với nhiều vùng đất và đề tài khác nhau, còn có những cuốn tiểu thuyết dung lượng đồ sộ. Lúc này người đọc nhận ra, Ma Văn Kháng chẳng những thành công về đề tài miền núi, mà các đề tài khác cũng có nhiều thành tựu. Thì ra, địa lý chỉ là phương tiện, là cái cớ, còn cái tâm, cái lực của định hướng tư tưởng mới là cái chính cho nhà văn biểu hiện. Ma Văn Kháng đa dạng trong đề tài, phong phú trong tạo dựng, nắm bắt tương đối nhanh những vấn đề của thời cuộc. Nhiều tác phẩm của anh đã là những đề tài nghiên cứu cho những luận văn tốt nghiệp đại học hoặc luận án Tiến sĩ của nhiều nghiên cứu sinh. Những năm gần đây các nhà phê bình văn học đã gọi “hiện tượng Ma Văn Kháng” quả không quá lời. Qua những sáng tác của mình, anh như chơi trò ú tim với người thưởng thức và các nhà phê bình. Ma Văn Kháng không sáo mòn trong đề tài, không giẫm chân ở một vùng đất (cả nghĩa đen và nghĩa bóng). Ở đâu và viết gì, anh luôn trung thành với chủ đích, ca ngợi đề cao cái mới, cái nhân bản làm người, phê phán đả phá cái xấu, chủ nghĩa cơ hội.
Ma Văn Kháng là một trong những người có duyên đoạt giải thưởng văn học ở các ngành, địa phương, nhất là hai lần đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1986, anh đoạt giải thưởng tiểu thuyết với cuốn Mùa lá rụng trong vườn, năm 1995 với tập truyện ngắn Trăng soi sân nhỏ, cũng chính tập truyện ngắn này, anh lại đoạt giải Văn học Asean năm 1998, là giải văn xuôi đầu tiên Việt Nam tham dự giải Asean, sau tập thơ Một tiếng đờn của Tố Hữ­u được trao giải năm 1997.
Cho đến năm 2003 Ma Văn Kháng đã in gần 40 đầu sách, trong đó có hơn 30 tập truyện ngắn và 10 tập tiểu thuyết, có nhiều cuốn đã được tái bản nhiều lần. Có điều lạ là cuốn sách nào của Ma Văn Kháng in ra đều có bài phê bình, ít nhất một bài, nhiều nhất có tới 30 bài. Không kể các tiểu thuyết được đánh giá cao được đông đảo bạn đọc yêu thích như Đồng bạc trắng hoa xòe (1979), Mưa mùa hạ (1982), Vùng biên ải (1983), Trăng non (1984), Mùa lá rụng trong vườn (1985), Côi cút giữa cảnh đời (1988), Đám cưới không có giấy giá thú (1989), Chó Bi đời lưu lạc (1992), Ngược dòng nước lũ (1999)… Nhiều tập truyện ngắn của Ma Văn Kháng được nhiều độc giả chú ý như Ngày đẹp trời (1981), Trái chín mùa thu (1988), Heo may gió lộng (1992), Trăng soi sân nhỏ (1994), Ngoại thành (1996), Vòng quay cổ điển (1997), Một chiều giông gió (1988), Mối tình si (2000), Cỏ dại (2003)… Tập nào cũng có những truyện xuất sắc. Xin đơn cử một truyện mà năm 1998 báo Văn nghệ đã tặng thưởng là truyện ngắn hay: Một chiều giông gió. Ban xét thưởng nhận định: “Đúng là truyện ngắn này có nhiều cái để bàn. Ở môi trường khắc nghiệt như vậy, con người dễ buông thả và đang có nguy cơ sa vào tẻ nhạt, hoang dã thì cô gái xuất hiện thắp sáng lên niềm vui ham sống. Con người trở nên tươi tốt trong trạng thái thăng bằng, nhân tính được thức tỉnh. Thoa là gì? Là điểm dừng của sự tha hóa. Sự ra đi của Thoa và lời kêu thét cuối truyện là lời cảnh báo về một môi sinh khô khốc và sự phi nhân trở lại… “Trường đại học Hồng Đức mở một cuộc hội thảo phong phú ý kiến. Thử nhặt ra vài dòng: “Cái hay cái độc đáo hấp dẫn của Một chiều giông gió thể hiện ở nhiều phương diện. Nhà văn có vốn ngôn ngữ khá phong phú, giàu chất tạo hình để miêu tả cảnh vật. Anh có năng lực quan sát, cảm nhận tinh tế, sắc sảo, cho nên cảnh vật, sự việc và con người hiện ra một cách tự nhiên cái hình thể bên ngoài cả cái linh hồn bên trong. Đối với Tua, cơn giông gió chiều nay như một sức mạnh vô hình, một khối lượng tinh thần to lớn. Cơn giông xoay đảo đất trời, chiếm trọn tâm hồn Tua. Cơn giông giải nồng xua đi những nỗi buồn bực, bứt rứt tích tụ cả ngày, cả tuần, cả tháng, cả đời người. Những chàng trai ở cung đường này chưa bao giờ dám ước ao có một người phụ nữ để cùng ăn, cùng ở, cùng làm với họ. Đến nay xuất hiện Thoa xinh đẹp, đầy nữ tính. Cô có sức biến cải hoàn cảnh, thức tỉnh những kẻ độc thân tuổi trẻ…” (Lê Quốc Lập).
Không phải ngẫu nhiên mà những năm gần đây, qua khối tác phẩm đồ sộ nhiều màu nhiều vẻ, người đọc đã tôn phong Ma Văn Kháng là “cây văn xuôi – một hiện tượng văn chương”. Có lần tôi hỏi anh: “Viết một truyện ngắn thành công có khó không?” Ma Văn Kháng cười: “Đó là kết tinh giữa cái ảo và cái thực, nên rất khó. Tôi viết lai rai, viết đi viết lại nhiều lần, kéo dài hàng năm mới xong một truyện ngắn. Nhưng tôi có thói quen như gà đẻ trứng đẻ liền một ổ rồi nghỉ”. Khi đài truyền hình Trung ương phát hình các bộ phim chuyển thể từ các truyện ngắn của Ma Văn Kháng như Ngõ hẻm, Côi cút giữa cảnh đời, Anh thợ khóa, Người giúp việc… và nhất là bộ phim truyền hình nhiều tập Mùa lá rụng, do Đặng Minh Châu chuyển thể từ hai tiểu thuyết về đề tài giáo dục Mùa lá rụng trong vườn (Nhà xuất bản Phụ nữ, 1985) và Đám cưới không có giấy giá thú (Nhà xuất bản Lao Động, 1989)… Thì nhiều tác phẩm của Ma Văn Kháng càng được phổ cập chẳng những vì tò mò mà còn cả sự ngưỡng mộ mến phục.
Có một điều ít người biết Ma Văn Kháng còn là một nhà báo. Chẳng phải vì anh phụ trách tờ Tạp chí Văn học nước ngoài một tờ báo đối ngoại của Hội Nhà văn Việt Nam, mà anh là người viết báo thật sự và sung sức. Anh hay nói vui là “lấy báo nuôi văn” vì quả thật những năm gần đây nhuận bút báo có khá hơn nhuận bút sách. Ngoài bút danh Ma Văn Kháng, khi viết báo anh còn ký nhiều bút danh khác nhau như: Kiều Trung Hòa, Hồ Ngọc Khánh, Hoàng Liên Sơn, Đình Kim Liên… Những bút danh này không chỉ là bút danh, mà còn là những địa danh có gắn bó với nhà văn của một thời sống và viết.
Ma Văn Kháng đã có nhiều tác phẩm được dịch và giới thiệu ở nước ngoài. Đó là Mưa mùa hạ được in ở Nhật, Ngược dòng nước lũ được in ở Mỹ, Mùa lá rụng trong vườn được in ở Nga, Vợ chồng Sùng Mí được in ở Đức, Mẹ và con được in ở Pháp, Hoa gạo đỏ được in ở Hàn Quốc…
Bản chất hiền lành và vui tính Ma Văn Kháng là người quảng giao có nhiều bạn bè ở mọi thành phần, nhiều lứa tuổi ở mọi miền đất nước. Có một số bạn đọc cứ tưởng anh là nhà văn người dân tộc miền núi bởi cái bút danh Ma Văn Kháng. Xung quanh bút danh đó đã có nhiều giai thoại. Một lần, ở một trò chơi trên VTV3 người dẫn chương trình đã đố thí sinh là có những nhà văn nào mang tên họ người miền núi mà là gốc người Kinh? Đó là Bế Kiến Quốc và Ma Văn Kháng. Nhà văn Ma Văn Kháng tên thật là Đinh Trọng Đoàn, hậu duệ Đinh Bộ Lĩnh từ thời “bóng cờ lau” ở Hoa Lư – Ninh Bình. Ông sinh ngày 1-12-1936 tại làng Ái Mỗ, Sơn Lộc (Tùng Thiện) tỉnh Hà Tây. Ông sống và theo học lớp Đồng Ấu trường Bà sơ nhà thờ Sơn Lộc và học Tiểu học ở Ecole Gargson Sơn Tây. Năm 1954, ông mới trở về quê gốc ở làng Kim Liên – một trong tứ trấn của Thủ đô Hà Nội: Phương Nam trấn, thờ Cao Sơn đại thần. Nổi tiếng cùng thời với các trấn: trấn Phương Đông, thờ thần Long Đỗ ở đền Bạch Mã, trấn Phương Tây, thờ Linh Lang Đại Vương ở đền Voi Phục, trấn Phương Bắc, thờ Huyền Thiên Trấn Vũ ở đền Quán Thánh. Lắm người tò mò về bút danh của anh, dù đã có vài lần anh giải thích trên một số tờ báo. Nhưng có người còn chưa bằng lòng. Một số bạn cùng thời ở Đại học Sư phạm với anh thì lại nói khác. Theo họ, hồi đó anh giải thích Ma là Matrôxốp (một vị anh hùng của Hồng quân Liên Xô) văn là văn học Việt Nam, Kháng là kháng chiến chống Pháp. Hỏi lại thì Ma Văn Kháng cho đó là chuyện vui suy diễn thẩm mỹ lãng mạn của thời sinh viên, cũng như một ông bạn nhà thơ ở Nghệ An chơi chữ, với bút danh Hà – Mạc – Bắc là ba chữ đầu của Hà Nội – Mạc Tư Khoa – Bắc Kinh, ở một nhà văn Nam bộ với bút danh là Rum-Bảo-Việt là các chữ đầu tiên của rừng U Minh bảo vệ Việt Nam, hoặc xa hơn nữa có T.Y.P.N (tôi yêu phụ nữ) hay TCHYA (Tôi chưa yêu ai)… Theo anh, bút danh Ma Văn Kháng có từ hồi anh 19 tuổi, khi lên công tác ở Lào Cai. Ở đây anh quen thân và kết nghĩa anh em với một cán bộ người Kinh có họ là Ma. Thế là bí danh Ma Văn Kháng được báo cáo chính thức với tổ chức cơ quan để sử dụng dùng cả trong đời thường và trên giấy tờ giao tiếp kể cả thời kỳ làm Hiệu trưởng trường cấp III Lào Cai, thư ký cho Bí thư Tỉnh ủy và Phó tổng biên tập báo Lào Cai hồi đó. Bút danh lúc bấy giờ không nhằm để viết văn. Cũng từ cái bút danh họ Ma, mà có một chi họ Ma ở Nghệ An mời Ma Văn Kháng về nhận họ và tự hào họ mình có một nhà văn nổi tiếng. Sau này khi đã thành một nhà văn thì danh vị của bút danh trở nên một thiên chức, chứ không phải là hư danh. Bút danh đẹp, hay mà viết văn không ra gì thì cũng trở thành vô nghĩa. Viết văn là một nghiệp, phải cần cù đọc, đi và viết… nhưng thiếu tài năng thì không thể có tác phẩm lớn được. Ma Văn Kháng còn nói: “Viết văn là một công việc, quá khó khăn, ở ngoài cả sự cố gắng, ở trên cả sức người. Đã gần 40 năm hành nghề, vậy mà bây giờ hễ cứ bắt đầu viết một cái gì lại thấy bồi hồi run rẩy như trẻ nhỏ tập đi những bước đầu tiên… viết văn có sự tương hợp giữa thành nhân và đắc đạo…”
Nói về bút danh Ma Văn Kháng, ông bạn thân Hoài Anh, một nhà thơ thông tuệ đông tây kim cổ, giỏi tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Hán đã tặng Ma Văn Kháng bài thơ khi ma Văn Kháng giật giải thưởng của Hội Nhà văn năm 1995 và giải thưởng văn học Asean với tập truyện ngắn Trăng soi sân nhỏ: Kháng ma, kháng tặc, kháng tà gian/ Ma mộc toàn trang võ đảm can/ Nguyệt chiếu tiêu đình, ma kiếm bút/ Đả ma tê lợi náo văn đàn.
Tạm dịch: Chống bọn ma đêm, chống giặc chống tà/ Không hề tê cứng mà tăng thêm can đảm/ Trăng soi sân nhỏ, mài gươm bút/ Sắc bén biết bao, náo động văn đàn
Cũng chính bút danh này mà Ma Văn Kháng trong một lần đi xe máy ngược chiều từ tạp chí Văn nghệ công an ra đường Lê Duẩn, bị công an giao thông giữ lại phạt, nhưng khi xem giấy CMND, thấy tên Ma Văn Kháng do công an Lào Cai cấp, đồng chí công an tưởng anh là người miền núi dân tộc Mông về Hà Nội chưa thạo đường nên chỉ nhắc nhở và còn hướng dẫn Ma Văn Kháng quay lại đường Yết Kiêu để về khu Ngọc Khánh.
Tạp chí Văn hóa văn nghệ công an tổ chức cuộc thi truyện ngắn về đề tài an ninh. Nhiều nhà văn quen tên như Nguyễn Khải, Nguyễn Quang Sáng, Đỗ Chu,… cả Ma Văn Kháng tham gia. Và Ma Văn Kháng đã giật giải Cây bút vàng rất giá trị. Nhân đó, nhà văn Xuân Thiều viết tặng Ma Văn Kháng bốn câu thơ: Người ta bút sắt, bút lông/ Bút tre, bút gỗ – Còn ông bút vàng/ Không giàu, cũng gọi là sang/ Xin ông cho được bắc quàng làm thân.

X.T

Nguồn tin: TCNV 12-2012