Bút kí. PHẠM QUANG ĐẨU

Một ngày giữa tháng 8 năm 2008, đoàn nhà báo chúng tôi đặt chân tới thị xã Chăm Pa Xắc, đúng lúc có đoàn cựu chiến binh Việt Nam cũng vừa sang. Các bác đều ở tuổi bảy tám mươi, ai cũng tóc bạc da mồi, hồng hào, khỏe mạnh, trên ngực đeo kín huân, huy chương các loại. Chúng tôi sang đưa tin, còn các bác là người trong cuộc, sang dự lễ kỉ niệm sáu mươi năm quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu ở Lào và thăm lại chiến trường xưa. Đến khi hỏi chuyện, tôi quen được với bác Phạm Ngọc Khuê nhà ở phường Thuận Phước, thành phố Nha Trang, trong đoàn bác là người có thâm niên chiến đấu ở Lào lâu nhất, từng có mặt trong đoàn chiến sĩ tình nguyện đầu tiên. Hôm đó ban tổ chức dành cho các đoàn buổi chiều để nghỉ ngơi. Thấy tôi là phóng viên quân đội bác “ưu ái” rủ riêng đi thăm bản Na Lan của người Nha Hởn ở vùng ven thị xã. Bác bảo: Bao năm rồi vẫn không quên bản cùng người em gái kết nghĩa ở đây tên Xão Xọi. Dẫu vật đổi sao dời, cảnh quan khác nhiều mà từ xa bác vẫn nhận ra cây bồ đề mọc trên đường vào bản. Dưới gốc cổ thụ này, năm tám năm về trước Xão Xọi đã đón bác và Chăn Tha đi diệt tên ác ôn Xu, Đồn trưởng đồn Mường Mun…

Bản Na Lan với hơn chục ngôi nhà sàn thấp thoáng sau những vườn cây ăn quả. Nhiều năm qua đi bác Khuê vẫn còn nói sõi tiếng Lào, vào bản hỏi bà Xão Xọi những người trung niên trở lên đều biết. Họ bảo bà mất vì bệnh sốt rét ác tính từ mười lăm năm trước, thọ sáu mốt tuổi. Chồng bà cũng người trong bản, lâm trọng bệnh mất trước bà vài năm. Hiện ông bà còn người con gái lấy chồng ngoài thị trấn Pạc Xoòng. Nghe chuyện, bác Khuê không khỏi bất ngờ, nỗi đau buồn hiện rõ trên nét mặt. Bác nhờ một người dân bản đưa ra thăm mộ.

Nghĩa địa của bản ở chân đồi, tiếp giáp với cánh đồng lúa, việc chôn cất tự nhiên không ra hàng lối. Chỉ thấy lô nhô những nấm đất không cắm bia mộ. Người dẫn đường chỉ vào ngôi đầu tiên tiếp giáp với chân đồi, bảo đây chính là mộ bà. Trước lúc đưa khách ra mộ, người dẫn đường đã chuẩn bị một thẻ nhang, bác Khuê thấy bên sườn đồi mọc nhiều khóm sim mua lúp xúp, có những chùm hoa tím thấp thoáng, thì bước nhanh đến bẻ thành một bó hoa tươi, nhiều bông còn đọng hạt sương long lanh. Bác đặt bó hoa rừng lên mộ, cầm thẻ nhang khói vương vấn chắp tay vái, miệng lầm rầm nói điều gì với vong linh người đã khuất. Rồi bác cắm hương vào mộ, cùng chúng tôi gập người vái ba vái.

Mặt trời như cái mâm đỏ ối còn cách đỉnh núi xanh thẫm phía xa chừng một con sào. Không khí buổi chiều miền sơn cước trở nên mát mẻ, dễ chịu lạ thường. Chúng tôi ngồi xuống bãi cỏ cạnh ngôi mộ bà Xão Xọi và nghe bác Phạm Ngọc Khuê kể về người em gái kết nghĩa, câu chuyện của gần 60 năm về trước.

***

Qua một mùa rèn cán chỉnh quân, anh em tình nguyện quân chúng tôi được đồng chí Nguyễn Chính Cầu, Bí thư Ban Cán sự Hạ Lào, mà anh em vẫn gọi là Chính ủy Cầu lên lớp mấy buổi những nét khái quát về các mặt lịch sử, kinh tế, xã hội và con người nước bạn. Đồng chí cho rằng, tình hình ở Hạ Lào lúc này địch để lộ nhiều sơ hở, cần tranh thủ thời cơ để phát triển sâu vào sào huyệt của chúng, tiến công các hướng bằng mọi phương thức như: Tổ xung phong công tác, trung đội vũ trang tuyên truyền và đại đội tác chiến độc lập, xây dựng căn cứ địa cách mạng khu Hạ Lào ngày càng vững mạnh.

Đầu tháng 11 năm 1949 tổ xung phong công tác của tôi có ba người, tôi tổ trưởng, anh Phạm Quang Bường và một bạn Lào tên là Chăn Tha thâm nhập vào bộ tộc Nha Hởn, một địa bàn ở phía Đông Nam cao nguyên Bô Lô Ven. Bộ tộc này có khoảng 3000 người, sống rải ra 6 tổng, 36 bản, dân rất nghèo khổ. Nhiệm vụ của chúng tôi là ba cùng với dân, xây dựng cơ sở. Hai đội viên thay nhau đi nắm tình hình địch, còn tôi đảm nhiệm việc tìm hiểu đời sống của dân. Việc sâu rễ chuỗi buổi đầu ở các bản khá thuận lợi, hầu hết dân ngầm ủng hộ bộ đội Lào Itxala của ông Xithôn Cômađam. Trừ nhà tộc trưởng, là nhà có của ăn của để, còn dân đều nghèo xác xơ. Nhà nào cũng mái tranh cũ nát, liếp nứa, sàn bương ọp ẹp, cột kèo xiêu vẹo. Thức ăn hàng ngày thì rau tầu bay hay măng rừng trộn bột ngô nấu chung trong một cái chảo gang. Đến bữa, già trẻ ngồi xung quanh cái chảo, chờ chia suất ra miếng lá chuối, động tác cuối của người ăn bao giờ cũng dùng ngón tay vét sạch mọi thứ hẩu lốn còn sót lại trên mảnh lá. Muối trên cao nguyên quý như vàng. Có lần vào buổi trưa, tôi giở món cơm nắm chấm muối của mình cùng ăn với một gia đình. Nhà này vợ chồng trẻ mà đông con, năm đứa lốc nhốc cỡ trứng gà trứng vịt, khi mọi thứ đã sạch bong, tôi vô tình vo mảnh giấy đựng muối ném qua cửa sổ ra vườn. Đứa lớn liền len lén đi xuống cầu thang và thấy nó bới tìm vo giấy ấy, cẩn thận giở ra rồi dùng đầu lưỡi liếm dọc liếm ngang một hồi.
Vào một ngày tháng 7 năm 1950 tôi đến bản Na Lan. Bản cách đồn Mường Mun khoảng vài cây số. Cơn mưa ập đến. Tôi vội chạy vào bản, trú dưới chân cầu thang của một nhà gần đường chưa quen biết. Lúc tôi vừa cởi áo mưa để ở cầu thang thì chính “cậu bé liếm muối” từ đâu chạy đến, hổn hển nói:

– Xá tu ma! Xá tu ma! (Có địch!)

Tôi nhác thấy bóng mấy tên lính thấp thoáng sau lùm cây ngoài đường, vội trèo thang lên nhà. Ngó lên, trên sạp bương ở phía ngoài trời không mái che, một bà đang ngồi xe sợi. Bà ngửng đầu thấy tôi, bảo ngay:

– Vào buồng đi! Xão Xọi đợi chồng nửa ngày rồi, nó bị mệt đấy.

Dưới sân tiếng chân lạo sạo, chó sủa tứ phía, tôi nhìn xuống, hai tên lính Âu Phi cùng một lính ngụy vừa tới. Ngỡ ngàng giây lát trước lời bà mẹ, tôi chợt hiểu, bước lên sàn đẩy cánh liếp buồng liền kề cầu thang. Phía trong, một cô gái đang lúi húi làm một việc gì đấy, thấy động cô ngửng lên, ánh mắt hốt hoảng. Bên ngoài buồng, có tiếng hỏi lớn:

– Ai vừa đến đây?

– Con rể. Nó đi rẫy về. Tiếng bà mẹ trả lời khá to hẳn là để đánh tiếng cho tôi và con gái bà nghe được.

Hai tên lính Âu Phi xì xồ. Tôi vội ngồi xuống cạnh cô gái có tên Xão Xọi, đúng lúc ba gương mặt ác ôn hiện trước cửa buồng.

– Chồng cô hả? Tên lính ngụy Lào sừng sộ nhìn Xão Xọi hỏi.

– Ừ! Có việc gì mà hỏi chồng tôi? – Xão Xọi bật ra câu trả lời gần như tức thì. Tên lính nhìn tôi hỏi tiếp:

– Đi đâu về?

– Lên nương – Tôi cố giữ vẻ mặt bình thản trả lời, ánh mắt chiếu thẳng vào tên lính. Vợ mình bị mệt kêu về, không thì phải đến chiều tối mới về.

Hai lính lê dương đưa mắt nhìn quanh, căn buồng hẹp như cái lỗ mũi, chẳng có thứ đồ gì, chúng nói với nhau vài câu rồi khoát tay ra hiệu, cả toán quay lui. Mảng sàn bương lại rung lên theo bước chân rầm rập xuống cầu thang. Một lúc sau, trong bản mới tắt hẳn tiếng chó sủa, tiếng giầy đinh.

Xão Xọi nhích người vào sát liếp. Cô còn trẻ quá chỉ khoảng mười tám, đôi mươi, khuôn mặt trái xoan trắng trẻo bỗng đỏ bừng vì ngượng ngập. Rồi cô hơi cúi người về phía tôi, giành lấy cái gối đang trong tay ông khách bất đắc dĩ là tôi, ôm vào lòng mình, dựa hẳn lưng vào vách.

– Cảm ơn Xão Xọi nhé! Tôi nói mà tay mình lóng ngóng không biết để đâu. Đúng lúc ấy bà mẹ ngó vào, bảo:

– Nó đi cả rồi! Có lẽ thấy hai người còn đang ngô ngọng đối diện nhau như vậy, bà cười nói tiếp – Con ơi, theo tục lệ Nha Hởn, đã bước vào buồng người con gái là chồng thật rồi đấy, nếu không lấy nhau thì ma quỷ sẽ quấy nhiễu nhà mẹ. Xão Xọi con mẹ chưa có ai đâu.

Tôi vội đứng lên, vẫn thấy nóng ran mặt, nói với bà mẹ:

– Con cảm ơn mẹ đã cứu…

Bà mẹ ngắt lời:

– Cơ duyên Phật độ đấy con ạ – Rồi bà bảo con gái – Ra ngoài này ngồi chơi với anh.

Có lẽ Xão Xọi còn chưa hết bàng hoàng, sự việc diễn ra quá nhanh, mặt cô vẫn đỏ lựng, mãi sau mới nói được một câu:

– Mẹ, anh ra trước đi.

Ngồi ngoài sạp, bà mẹ nhìn tôi nhỏ nhẹ hỏi ngay:

– Mẹ hỏi thật, con đã có vợ Việt Nam chưa?

Tôi bối rối, trả lời:

– Chưa. Nhưng…

Không để tôi nói hết câu, bà mẹ đã nói ngay:

– Vậy là được rồi.

– Kỉ luật quân tình nguyện không cho phép…

– Mẹ sẽ gặp chỉ huy của con nói cho – Bà mẹ lại ngắt lời.

– Không được đâu mẹ – Tôi bật ra một câu để chống chế – Con đã có vợ chưa cưới bên Việt Nam rồi.

Bà mẹ hơi nhíu cặp lông mày, vẫn giọng quả quyết:

– Chưa cưới coi như chưa có vợ. Tục lệ người Nha Hởn con trai vào buồng con gái là chồng rồi đấy.

– Mẹ ơi! – Bỗng Xão Xọi bước nhanh đến bên mẹ, nói – Sao mẹ cứ bắt ép anh ấy thế? Anh ấy có vợ chưa cưới rồi mà.

Lúc ấy tôi thực sự cảm thấy có lỗi với người vừa cứu mình, chẳng biết nên nói thế nào. Bà mẹ khẽ thở dài, lát sau nhìn tôi, bảo:

– Mẹ không ép con đâu.

– Con rất biết ơn mẹ và Xão Xọi. Con đang làm nhiệm vụ, không thể…

– Thế thì khi xong nhiệm vụ – Bà mẹ lại ngắt lời – đừng quên con gái mẹ là được rồi. Nó sẽ chờ. Vậy là con đã quen biết nhà mẹ, nhớ đến thăm mẹ và Xão Xọi luôn đấy.

Tôi hỏi:

– Bố con đi đâu?

Bà mẹ im lặng giây lát, nói:

– Ông ấy theo Itxala của Xithôn Cômađam đánh vào thị trấn Pạc Xoòng bị Tây bắn chết rồi, năm ngoái. Xão Xọi và mẹ vừa về Pạc Xoòng thăm mộ ông ấy đấy. Ông ấy chẳng có cái ảnh nào, bàn thờ chỉ thắp hương không thôi.

Giờ tôi mới nhìn thấy một bàn thờ nhỏ để giữa nhà, xin bà mẹ cho thắp một nén hương. Tôi cầm cây hương vái, bà mẹ cùng Xão Xọi đứng hai bên vái theo.

Sau đó vài ngày, tôi có lệnh gọi về họp ở căn cứ đóng trên núi Pha Luông. Chỉ mình tôi lên đường lúc quá nửa đêm. Vừa đến đầu bản, dưới gốc cây bồ đề bỗng thấy có bóng người đứng chờ, đến gần là Xão Xọi. Gương mặt cô nhạt nhoà lẫn trong sương đêm mù mịt, giọng run rẩy, đầy lo âu, hỏi:

– Anh đi thật à?

Tôi bị bất ngờ, hỏi lại:

– Sao Xão Xọi biết tôi đi vào giờ này?

 

Minh họa: Nguyễn Anh Minh

– Em không ngủ được, nóng ruột quá. Em đứng ở đây từ nửa đêm, không biết anh đi lúc nào. Anh có còn quay lại Na Lan nữa không?

Cô đến sát tôi hơn, ánh mắt nhìn như sáng rực lên trong đêm. Tôi cảm thấy lúng túng chưa biết nên xử sự ra sao. Năm ấy tôi hai lăm tuổi. Tôi đã nói dối mẹ con Xão Xọi, thực ra ở quê tôi chưa có người yêu. Quê gốc tôi Bình Tường, Tây Sơn, Bình Định, thoát li gia đình đi hoạt động từ năm mười chín tuổi. Năm 1948 đang học bổ túc văn hóa ở Trường Trung học bình dân Nam Trung Bộ thì có lệnh về tập trung ở thôn Đề An thuộc huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi trong đoàn chiến sĩ tình nguyện Việt – Lào. Đoàn chiến sĩ tình nguyện ngày ấy gồm một trăm chín sáu người Việt và bốn mươi bốn chiến sĩ Lào Itxala. Anh em Việt Nam được học một tháng tiếng Lào, cùng những quy định khi làm nghĩa vụ quốc tế. Tuy thời gian tiếp xúc với các bạn Lào trong đơn vị còn ngắn ngủi, mối quan hệ đầu tiên của chúng tôi chỉ bằng nụ cười và một câu “Xá hải xam bai đi bò?” (Đồng chí có khỏe không?). Đoàn quân Tây Tiến lên đường ngay sau buổi lễ xuất quân, chúng tôi đã là những người anh em kết nghĩa, chung một lời thề, sống chết có nhau. Và mỗi chúng tôi đều ghi nhớ trong lòng kỉ luật dân vận, khi sang nước bạn không đụng đến cái kim, sợi chỉ của dân, đặc biệt đối với phụ nữ phải cư xử hết sức nghiêm túc, đúng đắn…

Tôi nói với Xão Xọi:

– Tôi còn trở lại mà. Em về nhà đi.

Cô cứ đứng ngây nhìn tôi. Tôi hiểu tấm lòng yêu thương thuần phác của em và thú thực trái tim tôi lúc đó không phải không có xúc động trước một người con gái trẻ đẹp, thơ ngây như thế. Thấy Xão Xọi cứ đứng im, không muốn về, tôi thì thào vào tai cô:

– Em về đi kẻo lạnh…

Nói xong tôi dứt ra, cắm cúi bước thật nhanh. Được một đoạn, quay lại vẫn thấy bóng Xão Xọi mờ mờ giữa con đường lạnh vắng.

Cấp trên lệnh các đội trưởng về căn cứ họp. Ngày đó đã xảy ra một sự việc ở bản Huổi Xòi, ông trưởng bản bị giết ở bìa rừng, địch đổ diệt cho bộ đội Việt Nam. Đây là kịch bản chúng dựng lên để làm mất uy tín bộ đội Việt Nam và bộ đội Itxala. Thực ra thời gian đó cũng có đội tuyên truyền vũ trang có những việc làm quá tả, như không tôn trọng phong tục tập quán của dân, phá tề trừ gian có phần mạnh tay, giết nhầm cả người cầm đầu có uy tín trong thị tộc. Chúng tôi được triệu tập về cứ để cấp trên chấn chỉnh quan điểm và điều động nhân sự cho một số đội. Tan cuộc họp, một mình tôi ra phía bãi cỏ rộng dưới chân núi, có những hòn đá mồ côi lớn nhô lên, định ngồi thư giãn chốc lát trước khi trở lại Na Lan. Tôi hóng gió ngàn, mắt đăm đăm nhìn về phía bản Na Lan. Mấy ngày qua cũng có lúc tôi nghĩ đến người con gái thơ ngây, xinh đẹp ở đó, thương mến mà không biết cách nào khác là chủ động lảng tránh cô, không để cho tình cảm lấn át lí trí. Bất thần bên tai tôi có người hỏi bằng tiếng Việt:

– Sao đồng chí ngồi đây một mình?

Tôi giật mình nhìn sang bên. Một người đội mũ nan, mặc bộ đồ xanh rêu, hông đeo túi dết đến từ lúc nào mà tôi không hay. Nhìn ra, chính là Chính ủy Cầu. Đứng cách ông không xa còn có một người trẻ, cũng đội mũ nan, tôi đoán là chiến sĩ cận vệ của ông. Có lẽ thầy trò đang trên đường đến căn cứ Pha Luông.

– Đồng chí thuộc đội nào? Chính uỷ Cầu hỏi tiếp.

– Đội công tác khu vực Na Lan, Huội Koòng. Tôi cũng mới về chưa được một năm ạ. Tôi trả lời.

– Địch chú trọng xây dựng lực lượng dân vệ người địa phương ở vùng bộ tộc Nha Hởn để chống ta, đội công tác của đồng chí có gặp trở ngại khi tiếp cận dân không? Chính uỷ lại hỏi.

Tôi nhớ đến cuộc họp chẳng mấy vui vẻ ban nãy, nói ngay:

– Báo cáo thủ trưởng, tôi không đồng ý với phương thức hoạt động gần đây của một số đội tuyên truyền vũ trang và đã bầy tỏ quan điểm, song trong hội nghị cũng có ý kiến không đồng tình, chụp cho tôi cái mũ hữu khuynh. Không biết thủ trưởng có cần nghe nói lại điều vừa trao đổi với cấp trên trực tiếp của tôi không?

Ông Nguyễn Chính Cầu liền ngồi hẳn lên tảng đá lớn, xoay người đối diện với tôi, nói:

– Đồng chí cứ nói hết, nói thoải mái. Chuyến công tác của tôi lần này lấy trọng tâm là tìm hiểu tình hình chuẩn bị cho kế hoạch giải phóng cao nguyên Bô Lô Ven của quân tình nguyện ta phối hợp với quân đội bạn.

Tôi nói lại những việc làm của một số đội vũ trang tuyên truyền khi xâm nhập các bộ tộc trên cao nguyên. Họ đã không thật sự tôn trọng phong tục tập quán của bộ tộc, phá tề trừ gian không có cân nhắc, chọn lọc, nhiều trường hợp nhằm cả vào những tộc trưởng, trưởng bản còn có thể tranh thủ, phân hoá được. Hậu quả là có một số tộc trưởng Nha Hởn từ chỗ ủng hộ ta đã xa lánh, có nơi đối mặt hẳn với ta. Quân Pháp dẫu đang bận tranh chấp quyết liệt ở phía Tây Bắc cao nguyên và đang sa lầy với du kích huyện U Đôm Xỉn, cũng đã chớp lấy cơ hội này, nhảy vào Nha Hởn lập ra các cứ điểm mới, nhằm tạo một đội quân người dân tộc thiểu số bảo vệ vòng ngoài cho chúng. Như vậy, chỉ vì một sai lầm quá tả đã dẫn đến việc mất dân, mất đất. Song ý kiến của tôi bị chính cấp trên nghi ngờ, cho rằng việc thời gian qua tôi đi lại thân thiết với một số tộc trưởng là hữu khuynh, lơ là cảnh giác. Theo tôi nhiệm vụ cấp bách giờ đây ở địa bàn cần phải làm lại từ đầu để lấy lại niềm tin của dân Nha Hởn.

Chính uỷ chăm chú nghe, sau khi tôi nói hết mới hỏi lại:

– Nếu ta thay đổi, thực lòng muốn giúp bộ tộc Nha Hởn khỏi nạn tuyệt chủng, đồng chí có dám chắc là sẽ lấy lại được lòng tin của những tộc trưởng, trưởng bản ấy không?

Suy nghĩ giây lát, tôi khẳng định với ông là nếu làm dân vận tốt, tránh manh động thì sẽ lấy được lòng dân. Bất ngờ Chính ủy Cầu hỏi tiếp:

– Nhưng vẫn không loại trừ khả năng phải dùng đến vũ lực trong một vài trường hợp chứ?

Lâu nay các đội công tác đến bản đều lấy tuyên truyền là chính mà chưa khi nào dùng đến vũ lực, vả lại chúng tôi cũng không được trang bị súng. Nghe Chính ủy hỏi, tôi thấy khó trả lời, chỉ nói chung chung:

– Nếu tên nào cố tình chống lại thì cũng phải diệt để răn đe. Nhưng tôi biết nhiều người phía họ hoạt động hai mang, ta cần tranh thủ họ để gây dựng phong trào là chính, không nên coi họ hoàn toàn là phản động.

– Nhất trí với đồng chí! Chính ủy Cầu cười vui vẻ bắt tay tôi. Giờ tôi về cứ nắm thêm tình hình. Cảm ơn đồng chí đã nói thẳng, nói thật.
Chúng tôi chia tay. Ba năm sau lần gặp bất ngờ ấy, đợt chỉnh huấn bốn bài học tư tưởng ở khu Hạ Lào tôi lại được điều về Bộ Chỉ huy Quân khu và trong Chiến dịch Đông Xuân 1953 -1954 trực tiếp được chỉ định là phụ tá cho Chính ủy Cầu. Sau ngày nước nhà thống nhất năm 1975, tôi nghe tin thủ trưởng từ nước bạn trở về giữ chức vụ Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng.

Vào mùa khô năm 1952 là thời điểm ác liệt nhất, địch nống ra chiếm các địa bàn phía nam thị xã. Chúng sử dụng cả máy bay khu trục, tàu chiến đánh vào thị trấn Mường Mun. Một số đồng chí cốt cán trong chi bộ xã Kẹo bị địch bắt, tra tấn, giết rất dã man. Để bám trụ được, đội công tác của tôi phải rút vào rừng, ban đêm mới về làng, đến mùa mưa thì gặp cơ sở ngay tại chòi ruộng hoặc ven rừng. Mỗi khi về làng chúng tôi đều chuẩn bị sẵn các món “quà”: Củi thật khô, thật chắc để các mẹ đun không khói, măng thái thật mỏng, luộc sắn để các chị nấu ăn, chọn vỏ cây chay thật dầy ngon cho các mẹ ăn trầu; còn mang theo cả tảng nhựa cây cà boong để các nhà có cái thắp sáng, cây khua cao ho trên rừng thì phơi khô thái nhỏ xắc trong ấm đất thay thuốc kí ninh trị sốt rét; có khi chúng tôi còn tranh thủ đan cả cà típ đựng xôi hay đánh tranh dọi lại nhà dột cho các mẹ, các chị… Bằng những việc làm nhỏ, thiết thực như thế, chúng tôi đã tạo được quan hệ rất tốt với cơ sở để dần phục hồi phong trào ủng hộ kháng chiến ở một số bản.

Trước sức ép của địch, các đại đội vũ trang ta rút cả về phía Đông, trong quần chúng nẩy sinh tâm lí bi quan và phong trào có vẻ bị lắng xuống. Địch càng tỏ ra hung hăng, xuất hiện nhiều tên ác ôn chống phá cơ sở cách mạng, đặc biệt là tên sếp Xu Đồn trưởng đồn Mường Mun. Hắn từng theo đội tuyên truyền vũ trang của Đại đội trưởng Bun ở Chăm Pa Xắc cách đấy vài năm. Buổi đầu hắn tỏ ra hăng hái, mẫn cán, được tin cậy đề bạt đến chức Huyện đội trưởng. Khi địch trở lại nắm quyền kiểm soát thì hắn trở cờ rất nhanh. Vốn là người địa phương, sếp Xu thông thạo địa hình, biết rõ quy luật hoạt động của ta và tình hình cơ sở cách mạng ở từng thôn, xã. Hắn trở nên nguy hiểm hơn bất cứ tên đồn trưởng ngụy nào khác. Đến tháng 9 năm 1952, anh Phạm Quang Bường có lệnh về cứ chuyển sang địa bàn khác, đội tôi chưa kịp bổ xung thêm người, hôm đó tôi và Chăn Tha đang ẩn trong khu rừng khộp, bỗng nghe phía bản Na Lan có tiếng súng nổ đùng đoàng. Lát sau, bà mẹ Xão Xọi hớt hải chạy đến báo: Thạo Mai, Thạo Xiêm vừa bị sếp Xu bắn chết tại Noong Cà Tu rồi!

Em Xiêm mới 15 tuổi, là cứu thương của đơn vị Liên Đại Xay. Lúc em đang đi trên bìa rừng vào làng thì đụng toán địch lùng sục. Sếp Xu vằn mắt tra hỏi em nơi đơn vị đóng quân. Xiêm lặng thinh không đáp. Điên tiết, hắn thúc giầy đinh vào ngực em, rồi đấm đá túi bụi, ra lệnh trói em dẫn về đồn. Xiêm kiên quyết không đi, em nói: Đi với chúng mày là mọi người nghĩ tao đầu hàng. Đừng hòng! Bất lực, tên sếp Xu rút khẩu colt bên sườn, dí nòng vào đầu em, bóp cò. Sọ em vỡ tan, máu và óc tóe ra dính cả vào mặt vào quần áo tên ác ôn. Sau vụ đó, hắn còn dẫn quân phục kích giết thêm hai đồng chí là Đoàn Mai và Lương Viết Xiêm, cán bộ Việt kiều mới từ Thái Lan về. Dư luận quần chúng căm phẫn cực độ. Câu hỏi gợi ý của Chính ủy Cầu hôm gặp tôi trên cứ, giờ đây bỗng giúp tôi và Chăn Tha nhận thức đầy đủ hơn tình hình, nhiệm vụ để có câu trả lời dứt khoát, phải trừng trị ngay tên sếp Xu!

Trước hết cần tìm hiểu kĩ địch ở đồn Mường Mun và vị trí nhà ở của tên sếp Xu, nửa đêm tôi và Chăn Tha tìm đến nhà Xão Xọi. Trong nhà tối om, bà mẹ và Xão Xọi định bật lửa, tôi ngăn lại, sợ ánh sáng lộ ra ngoài bọn địch trên đồn nhìn thấy. Chúng tôi ra ngồi ở sàn ngoài trời, bà mẹ kể với chúng tôi về quy luật lính đi tuần và của tên đồn trưởng. Từ ngày sát hại được nhiều cán bộ ta, hắn thường đắc ý bảo lũ đàn em: “Bọn Keo (quân tình nguyện Việt Nam) chạy cả vào rừng rồi, sắp chết đói phải ăn trái cây như khỉ”. Hắn còn rêu rao: “Lâu rồi không có tai của bọn Keo nhắm rượu, nhớ quá!” Hắn chủ quan cho rằng “Keo” không thể vào được bản, hắn không ngủ ở đồn như trước mà hàng ngày về nhà. Nhà hắn chỉ cách đồn khoảng vài trăm mét, lại mới tu sửa, bốn cái cột hiên sát bên đường được quét vôi trắng toát rất dễ nhận ra. Diệt tên ác ôn đầu sỏ thì sẽ tạo được khí thế mới trong quần chúng, song nếu việc không thành, địch sẽ có cớ khủng bố trắng. Phải chuẩn bị kĩ cho các tình huống và chắc thắng. Năm trước, sau trận diệt đồn Thà Pười, tôi được Đại đội trưởng Thanh Hương tặng khẩu súng ngắn Pháp chế tạo từ Thế chiến thứ Nhất, nhãn hiệu Xanh tê chiên. Súng quá cũ, lại không có đạn, tôi có “sáng kiến” cưa ngắn đầu đạn súng cạc bin rồi làm rông đen đệm vào cho chặt. Đã bắn thử, phát được phát xịt, song tôi tin trong số sáu viên của ổ quay chả lẽ không viên nào nổ. Chăn Tha sẽ yểm trợ cho tôi bằng con dao nhíp sắc nhọn mở sẵn. Nhưng chúng tôi không rành đường vì đến Mường Mun phải băng qua ba cánh đồng và khu dân cư khá đông đúc, nhà sếp Xu lại ở lẫn với nhà dân. Xão Xọi ngồi bên tôi hồi lâu giờ mới lên tiếng: Em đã nhiều lần đến Mường Mun thăm bạn. Để em dẫn đường. Lúc đó tối mờ mờ, tôi không nhìn rõ mặt em. Từ hôm ở cứ về, tôi không gặp lại em và em cũng không chủ động vào rừng tìm tôi. Tôi hiểu lòng tự trọng của người con gái Nha Hởn. Nay thì em xung phong dẫn đường, thâm tâm tôi không muốn kéo em vào việc làm đầy mạo hiểm thế này. Tôi giao hẹn: Em chỉ đưa chúng tôi đến gần nhà sếp Xu rồi trở về. Chăn Tha thì không biết tình huống tôi từng suýt bị bắt nếu không được Xão Xọi nhận là chồng nên anh ủng hộ ngay: Được Xão Xọi dẫn đường vào Mường Mun thì tốt quá! Chúng tôi hẹn, vào lúc nửa đêm ngày mai sẽ đợi Xão Xọi ở dưới gốc bồ đề cổ thụ trên đường vào bản.

Nửa đêm hôm sau, đã thấy Xão Xọi chờ dưới gốc cổ thụ và chúng tôi lặng lẽ xuất phát. Em đi trước một đoạn ngắn đủ để chúng tôi bám theo. Ở nhà là cô gái yểu điệu, yếu đuối, giờ mới thấy em nhanh nhẹn, rắn rỏi, có lúc phải qua một mương nước nông, em cứ để váy ướt mà ùa lội qua. Đi được khoảng một giờ đồng hồ thì đến khu vực gần đồn Mường Mun. Tôi nhìn đồng hồ: ba giờ sáng. Giờ thì tôi có dịp nhìn rõ em hơn, ánh mắt chúng tôi gặp nhau, tôi cảm nhận được sự trìu mến, tin cậy trong đôi mắt nai thơ ngây ấy. Rồi em bảo nhỏ, các anh ngồi đây, em đi trước thăm dò đoạn đường vào thị trấn. Lát sau quay lại, em chỉ về phía rừng dừa nói với chúng tôi: Anh có thấy ngọn dừa cao nhất không? Nhìn cho kĩ, cứ nhắm vào ngọn dừa ấy mà tới, nhà của sếp Xu ở dưới ấy đấy. Em đợi tin thắng trận.

Đường vào thị trấn vắng lặng, chúng tôi hành tiến rất nhanh, lọt vào rừng dừa trong thị trấn. Ngước mắt tìm ngọn cao nhất, đến đây mới biết mình ngốc quá, đã vào trong rừng rồi thì còn phân biệt cây nào cao cây nào thấp nữa. Bà mẹ Xão Xọi đã chỉ dẫn trước, nhà sếp Xu vừa quét vôi lại, tôi liền ra phía đường nhìn một lượt. Kia rồi, nhà có bốn cái cột trắng hiện ra rõ mồn một. Chúng tôi mau chóng đến dưới sàn ngôi nhà, thấy bên trên có đèn sáng, tôi ghé tai Chăn Tha thì thầm nhắc lại giao ước từ nhà: Tôi bắn, nếu trượt, cậu đứng sau ập ngay vào, dùng dao nhíp đâm tiếp. Chúng tôi bước nhẹ lên cầu thang, bỗng đèn trên sàn phụt tắt. Nhưng vẫn im ắng. Dẫu sao đứng giữa cầu thang dễ lộ, tôi và Chăn Tha lại lùi xuống dưới sàn tính tiếp. Trên sàn vẫn im ắng, không có động tĩnh gì. Gần sáng rồi, hay là ta về, tối mai tiếp tục anh ạ, Chăn Tha thì thào vào tai tôi. Không được, tôi gạt phắt, phải đêm nay, nếu không hỏng kế hoạch, truyền đơn đã rải khắp rồi. Chăn Tha đã bình tâm trở lại, chợt anh nhắc nhở tôi: Anh quên rồi sao, thằng Xu ngủ ngoài sàn, đầu hướng về phía cánh đồng cơ mà. Tại sao ta lại từ cổng đi vào? Tôi sực nhớ ra điều đã bàn nhau từ nhà và hai chúng tôi đi vòng phía sau, lên cầu thang phụ. Đã thấy trên sàn thấp thoáng cái màn trắng, có tiếng ngáy khe khẽ phát ra. Tôi rút súng, bẻ lẫy lên đạn và đến bên, khẽ nâng tấm màn, Chăn Tha thì loay hoay bật máy lửa để nhìn cho rõ mặt tên ác ôn. Bỗng hắn mở choàng mắt. Đôi mắt lờ đờ nửa say nửa tỉnh ngây nhìn giây lát, rồi nhắm lại. Trống ngực tôi đánh dồn dập. Ánh lửa cho tôi thấy rõ bộ mặt phì nộn của tên ác ôn, hắn nằm mình trần, mặc độc chiếc quần đùi đen. Tôi nhằm vào đầu hắn định bóp cò thì chợt thấy bên cạnh hắn còn đứa con trai khoảng năm tuổi đang ngủ. Phải bắn trúng thằng bố, không được trệch sang con, tôi tự nhủ và dí gần nòng vào trán hắn. Cắc! Căc! Tôi bóp cò hai lần, cả hai viên đạn đều lép. Sếp Xu bật choàng dậy. Tôi liền hướng mũi súng xuống phía ngực hắn, bóp cò tiếp. Đoàng! Hắn vật ngửa, gẫy đành đạch trong màn. Thằng bé tỉnh ngủ ngơ ngác, rồi khóc thét. Tôi và Chăn Tha vọt xuống nhà.

Sáng hôm sau cả Mường Mun, cả tỉnh Chăm Pa Xắc rung động khi nghe tin sếp Xu bị bộ đội Itxala khử. Những tờ truyền đơn đã được tung ra mọi nơi: Đây là đòn trừng phạt đầu tiên với tên ác ôn như sếp Xu, cũng là lời cảnh cáo nghiêm khắc đối với những kẻ gây tội ác với cách mạng và nhân dân. Hãy nhớ lấy! Bộ đội Itxala tỉnh Chăm Pa Xắc.

Diệt được tên ác ôn khét tiếng, địch trong các đồn hoảng sợ, không dám ra ngoài, còn khí thế quần chúng lên mạnh. Phong trào ở phía Nam Chăm Pa Xắc được phục hồi, chúng tôi thống nhất chủ trương chuyển hướng lên phía Bắc, tạo thế liên hoàn cơ sở dọc tuyến bờ sông Mê Kông.

Suốt thời chống Pháp đến thời chống Mĩ, tôi ba lần trở lại làm nhiệm vụ ở tỉnh Chăm Pa Xắc và mỗi lần có dịp về tổng Nha Hởn tôi đều đến bản Na Lan thăm nhà Xão Xọi. Sau lần diệt được sếp Xu, tôi có lệnh về nước. Hôm chia tay có sự chứng kiến của bà mẹ cùng anh bạn Chăn Tha, tôi và Xão Xọi đã nhận nhau là anh em kết nghĩa. Theo tục lệ Nha Hởn, lễ vật bày trước mặt là quả trứng luộc, quả chuối chín, nắm gạo để trong chén, lễ Phục Khẻn (buộc chỉ cổ tay) diễn ra. Xão Xọi mỉm cười, nhẹ nhàng cầm sợi chỉ trắng buộc vào cổ tay tôi, thể hiện sự chân thành, trân trọng và tin tưởng của em gái Lào với người anh kết nghĩa Việt Nam.

Lần thứ ba tôi về Nha Hởn là vào đầu năm 1968, sau mười ba năm trở lại. Chúng tôi đều đã có một gia đình riêng êm ấm, Xão Xọi còn tham gia công tác, là Hội trưởng Phụ nữ xã, bà mẹ em thì đã mất từ mấy năm trước.

Và lần về thứ tư này, người em gái kết nghĩa của tôi không còn nữa. Song hình ảnh em lúc nào cũng hiện rõ, một cô gái thơ ngây trong trắng có gương mặt trái xoan, nước da trắng hồng… Em trẻ mãi không già trong lòng tôi!

Hà Nội, tháng 6/2017
P.Q.Đ

 

Văn nghệ Quân đội

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài