Nhà thơ Tế Hanh tên thật là Trần Tế Hanh, sinh ngày 20 tháng 6 năm 1921 (Sách Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh – Hoài Chân ghi ngày sinh theo âm lịch: 15 tháng 5 năm Tân Dậu), quê làng Đông Yên, phủ Bình Sơn (nay thuộc xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Chính quán cách một con sông, ở làng Giao Thủy (thuộc xã Bình Thới, cùng huyện Bình Sơn). Cha là Trần Tất Tố, dạy học và làm thuốc. Lúc nhỏ Tế Hanh học ở trường làng, trường huyện. 15 tuổi đậu sơ học rồi ra Huế học trung học ở trường Khải Định. Tại đây ông quen biết Huy Cận và được Huy Cận chỉ vẽ cho việc làm thơ. Những bài thơ sáng tác ở thời kỳ này tập hợp lại trong tập Nghẹn ngào, được nhận giải khuyến khích của Tự lực văn đoàn năm 1939; sách Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh – Hoài Chân ghi “đã được giải khuyến khích” (Từ điển văn học, Bộ mới (2004) ghi “giải chính thức”, “được Giải khen tặng”); sau ông bổ sung thêm và lấy tên Hoa niên (NXB Đời nay, H., 1945; nhiều tài liệu ghi năm xuất bản 1944 nhưng sự thực bản thảo đưa in cuối năm 1944, in xong và phát hành đầu năm 1945)… Đương thời thơ Tế Hanh đã được nhà thơ Thế Lữ, nhà văn Nhất Linh, nhà phê bình Hoài Thanh – Hoài Chân… cùng quan tâm tìm hiểu, phân tích, đánh giá.


Trong mục Tin thơ trên báo Ngày nay (số 121, ra ngày 31-7-1938), nhà thơ Thế Lữ viết lời đề từ nêu rõ quan niệm về việc điểm tin thơ, đọc thơ, luận bình và phân tích mọi nhẽ những bài lai cảo:

“Mục Tin thơ mở trên báo Ngày nay chỉ có một chủ ý khiêm tốn: làm một thứ thi đàn nhã nhặn cho các nhà thi sĩ. Đó cũng là một hộp “lá thắm”, nhận và đưa tin cho các bạn trong cuộc giao tiếp với Nàng Thơ. Trong công việc đưa tin, tôi thường nhân cơ hội để ngỏ những ý kiến riêng về thơ văn, và thường được các bạn chú ý. Những bức thư hoan nghênh, và nhất là những tác phẩm gửi về ngày một thêm nhiều, một thêm sốt sắng, bao giờ cũng khiến tôi sung sướng mà yêu mến thêm cái gánh nặng êm ái của mình.

Ngoài bạn làm thơ, các độc giả Ngày nay cũng vui lòng để câu chuyện hoa mĩ này chiếm của mình chút thì giờ quý báu. Người ta không dửng dưng với một cuộc đàm đạo thân mật của chúng tôi, một vài bạn qua chốn thi đàn lại ghé vào chơi và nhận thấy rằng trong những chuyện hoa, trăng, sương, nước dìu dặt êm đềm cũng còn “những hương thơm, những ánh sáng khác”. Tôi tiếp được nhiều thư tỏ ý ưa thích của bạn đọc và trong số đó một đoạn tôi trích dịch sau này (vì bức thư viết bằng chữ Pháp) tóm tắt dư luận của nhiều người: “Tôi không biết làm thơ, song những lời phê bình của ông mở cho tôi được thấy một thế giới lạ. Tôi yêu đọc thơ hơn trước và yêu những tác phẩm của các thi sĩ một cách thông minh hơn”. Câu quá khen ấy vuốt ve lòng tự ái của tôi; tôi vui mừng vì thấy công việc mình không đến nỗi vô ích nhiều quá.

Sở dĩ tôi không theo thói nhũn nhặn, phô bày ra đây những lời nói tốt cho mình; là vì thấy một tờ báo (Chuyện đời, hồi mới, mục Chuyện thơ, và gần đây, trong một kỳ nói đến Tin thơ của Thế Lữ) nhìn mục này bằng con mắt lầm lạc nếu không hẳn là ghen ghét. Tôi muốn bạn đồng nghiệp hiểu cho rằng, tôi không tự phụ dạy ai cả, và ai cũng có quyền chân thực đem tư tưởng mình hiến cho mọi người. Nếu trong câu chuyện, lời nói của một người có vẻ mạnh bạo là vì người ấy tin ý tưởng của mình vững chãi. Mập mờ, quanh quẩn chỉ là cách ăn nói của những người tư tưởng nông nổi và hồ đồ. Tôi lên tiếng công kích sự trễ nải trong thơ, mời các thi sĩ dụng công chau chuốt lời và nâng cao thi hứng; tôi nói đến những đường lối tiện lợi và đáng tránh và nhắc đến những điều cần thiết trong phép làm thơ; đó chỉ là những lẽ phải thông thường ai cũng đã biết qua, nhưng phần nhiều tính lơ đãng không chịu nhớ đến, chỉ có thế. Bạn đồng nghiệp thấy đó là một bài dạy học, tức là trông thấy nhiều lý thuyết sâu xa mới lạ ở những ý đơn giản của tôi. Đối với bạn đồng nghiệp tôi có vẻ đạo mạo trang trọng như một giáo sư, hân hạnh ấy quả thực tôi không dám nhận”…

Từ đây Thế Lữ cảm nhận và đi sâu dẫn giải đặc điểm thơ Tế Hanh:

“Cũng đáng yêu, những câu thơ sau này, tả cái buồn buổi chiều của Tế Hanh, một bạn làm thơ không nản chí. Ông Tế Hanh trước có gửi thơ nhưng tôi không nói đến vì tôi còn đợi ở ông những bài có ý vị hơn bài Chiều là dấu vết một sự tấn tới đáng mừng:

Làn gió đen đêm tự xứ Buồn,

Đưa chiều từng mảnh choáng trời luôn.

Quanh tôi, bóng tôi bao vây đặc,

Vài mảnh dần lên tới đáy hồn.

Hoa để hương ra, bước ngập ngừng,

Cây chìm trong tối. Tiếng kêu nương (?)

Đàn chim chắp cánh về mong đợi (?)

Vơ vẩn trên trời mây nhớ thương.

Nhưng cũng như ông Huy Tiến, ông Tế Hanh vẫn chưa chịu kén chọn lời thơ. Hai câu tôi đánh dấu trên kia, ý còn hồ đồ vì những lời còn ngượng. Ở bài Chiều cũng như bài ở Ý xuân, trong đó tôi thấy ông chịu ảnh hưởng rõ ràng của Xuân Diệu, và cũng như ở bài Nhớ tôi trích ở dưới đây, ông Tế Hanh diễn tả những ý kín đáo và thắm tươi bằng những lời hơi bối rối:

Nghìn năm trước tôi sinh bên khóm liễu,

Nhớ nhung nhiều cúp ngọn kiếm xa xôi.

Ở căn nhà lặng ngắm bóng buồn trôi,

Về mong đợi, từ từ trong nước yếu.

Dáng dượi dượi ngày đi như lẻ thiếu,

Trời xanh buồn, mây trải mảnh hồn tôi.

Hương muôn màu bừng bực muốn chia phôi,

Cùng với tiếng chim chờ luôn hoa điệu.

Những câu lúng túng này mang những tình cảm mới mẻ và phong phú. Nhưng người đọc phải nhân nhượng quá và phải cố đoán mới thấy được. Nhà làm thơ nên lấy điều đó làm bất mãn và tìm những lời thơ xứng đáng với ý thơ của mình”.

Sau khi tập Nghẹn ngào được nhận giải khuyến khích của tổ chức Tự lực văn đoàn, nhà văn Nhất Linh – người đứng đầu văn đoàn – đã viết bài Nghẹn ngào của Tế Hanh in trên báo Ngày nay (số 209, ra ngày 25-5-1940), trong đó trân trọng giới thiệu gương mặt nhà thơ trẻ 19 tuổi với ba năm tuổi nghề:

Nghẹn ngào là thơ của một người có tấm lòng giàu, dễ rung động trước muôn nghìn cảnh, hoặc tầm thường hoặc éo le ở đời. Tập Nghẹn ngào gom góp lại tất cả những rung động phức tạp của một đời thiếu niên và không có một chủ ý gì về sự liên lạc của toàn thể như Bức tranh quê.

Cuốn Nghẹn ngào có độ hơn mười bài về tình và độ hai mươi bài về các việc linh tinh ghi chép lại vì đã cảm động tác giả. Ông Tế Hanh là một nhà thơ cũng thuộc về một loại với Xuân Diệu và Huy Cận, có lẽ gần Huy Cận hơn.

Ngay trong bài thơ đầu ông đã tỏ ra là một người đa cảm và có những rung động bâng quơ trước cuộc đời:

Chiều chiều đến tựa người bên cửa sổ

Đợi hồn nào trở lại ở trên sông

Hay nghe ngóng ý gì trong tiếng gió.

Cho nên trong tập thơ Nghẹn ngào có đủ các cảnh rất khác nhau; lẫn trong các bài thơ về tình, có những bài nói về quyển vở nháp, những ngày nghỉ học ra ga tiễn vu vơ, những bài nói về “ông và tôi”, lời một con đường quê…

Đặc biệt nhất trong tập thơ có hai bài Quê hươngNhững ngày nghỉ học, có thể gọi là hai bài thơ hay của thi ca Việt Nam và hai bài đó đủ định giá trị của nhà thơ Tế Hanh.

Tiếc rằng trong tập thơ được độ mười bài khá như: Cắn đào, Tấm lịch đời, Độc ác, Ao ước, Chuyện buồn, Người hà tiện, Sầu tên, v.v... ít quá để có thể nghĩ đến việc tặng thưởng.

Dẫu sao, ông Tế Hanh rất nhiều hứa hẹn trở nên một nhà thi sĩ có tài; ông có một linh hồn rất phong phú, có những rung động rất sâu sắc và để diễn tả linh hồn, ông có đủ nghệ thuật và cách đặt câu, tìm chữ. Ông chỉ còn chờ thời gian để có thể gặp được nhiều cảnh và viết thêm được nhiều bài hay”.

Theo chủ soái Tự lực văn đoàn Nhất Linh thì hai bài thơ hay nhất của Tế Hanh chính là Quê hươngNhững ngày nghỉ học và nhấn mạnh “ít quá để có thể nghĩ đến việc tặng thưởng”. Cả hai bài đều được Hoài Thanh – Hoài Chân tuyển vào Thi nhân Việt Nam. Riêng bài Những ngày nghỉ học nổi tiếng vốn có trong tập Nghẹn ngào lại được đổi tên thành Vu vơ được Tế Hanh ghi “Tặng Nguyễn Văn Bổng”. Toàn văn bài thơ như sau:

Những ngày nghỉ học tôi hay tới,

Đón chuyến tầu đi, đến những ga…

Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt,

Lòng buồn đau xót nỗi chia xa.

Tôi thấy tôi thương những chiếc tầu,

Ngàn đời không đủ sức đi mau.

Có chi vương víu trong hơi máy,

Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau.

Bánh nghiến lăn lăn quá nặng nề!

Khói phì như nghẹn nỗi đau tê;

Lâu lâu còi rúc nghe rền rĩ:

Lòng của người đi réo kẻ về.

Kẻ về không nói bước vương vương…

Thương nhớ lan xa mấy dặm trường.

Lẽo đẽo tôi về theo bước họ,

Tâm hồn ngơ ngẩn nhớ muôn phương.

Qua năm sau, hai nhà phê bình Hoài Thanh – Hoài Chân tuyển 4 bài thơ Quê hương – Lời con đường quê – Vu vơ – Ao ước của Tế Hanh vào Thi nhân Việt Nam (Nguyễn Đức Phiên Xb, Huế, 1942), ngang bằng số bài của các bậc thi bá (Đông Hồ, Anh Thơ, J. Leiba, Đoàn Văn Cừ, Vũ Hoàng Chương) và nhấn mạnh:

“Tôi thấy Tế Hanh là một người tinh lắm. Tế Hanh đã ghi được đôi nét rất thần tình về cảnh sinh hoạt chốn quê hương. Người nghe thấy cả những điều không hình sắc, không thanh âm như “mảnh hồn làng” trên “cánh buồm giương”, như tiếng hát của hương đồng quyến rũ con đường quê nho nhỏ. Thơ Tế Hanh đưa ta vào một thế giới rất gần gũi thường ta chỉ thấy một cách mờ mờ, cái thế giới những tình cảm ta đã âm thầm trao cho cảnh vật: sự mỏi mệt say sưa của con thuyền lúc trở về bến, nỗi khổ đau chất chứa trên toa tàu nặng trĩu, những vui buồn sầu tủi của một con đường. Tế Hanh luôn nói đến những con đường. Cũng phải. Trên những con đường ngưng lại biết bao nhiêu bâng khuâng hồi hộp!

Nhưng Tế Hanh sở dĩ nhìn đời một cách sâu sắc như thế là vì người sẵn có một tâm hồn tha thiết. Hôm đầu tôi gặp người thiếu niên ấy, người rụt rè ngượng nghịu như một chàng rể mới. Nhưng tôi vẫn nhớ đôi mắt. Đôi mắt nồng nàn lạ. Tôi nghĩ ở một người như thế những điều cảm xúc, những nỗi đau xót sẽ quá mực thường và có khi khác thường.

Như khi yêu, người thấy:

Kìa em, lên! Rực rỡ bốn phương trời;

Đôi mắt to ném lửa sáng nơi nơi;

Vừng trán rộng, hào quang lòa chói rực.

Ta thấy sáng! Hồn phiêu diêu thoát tục,

Lòng lâng lâng không muốn ước mơ chi,

Mắt lim dim đầu cúi gục chân quỳ…

Tuy lời thơ còn có gì lệch với hồn thơ nhưng không có một tâm hồn đắm đuối không thể viết nên những lời như thế.

Khi thất vọng thi nhân ước cho người yêu chết đi để được ngồi trên mồ nhỏ từng giọt nước mắt thấm xuống tấm thân lạnh lẽo.

Tệ hơn nữa, người muốn hưởng cái thú tàn nhẫn được thấy người yêu “đau quằn quại”, được nghe tiếng khóc của người yêu, tiếng khóc:

Rách đau thương như lụa xé tơi bời.

Chúng ta sẽ ngạc nhiên và băn khoăn không biết ở những chỗ sâu kín trong lòng ta có gì giống như thế không. Dầu sao, sự thành thực của thi nhân không thể ngờ được.

Nhưng tôi chưa muốn nói nhiều về Tế Hanh. Tế Hanh còn trẻ lắm và cũng mới bước vào làng thơ, chưa có thể biết rõ những con đường người sẽ đi”…

Thơ hay không đợi tuổi. Tế Hanh thuộc số những nhà thơ trẻ nhất trong số các nhà thơ trẻ thời Thơ mới. Người đương thời đã trìu mến đón nhận ông, cảm nhận đầy đủ vẻ đẹp một giọng thơ dịu nhẹ, chân thực và thẳng thắn chỉ ra cả những câu chữ, lời thơ chưa thật trau chuốt, qua đó kỳ vọng một sự bứt phá, hoàn thiện. Từ bản thảo Nghẹn ngào đến Hoa niên, quả là Tế Hanh đã cố gắng tự vượt lên chính mình, phần nào đáp ứng sự kỳ vọng của đồng nghiệp và đưa tập thơ đến với đông đảo công chúng bạn đọc.

Nguồn: Tổ quốc

Exit mobile version