Trong phần khái lược chân dung thi sĩ “nhà quê”, “quê mùa” xứ Sơn Nam hạ, Hoài Thanh – Hoài Chân tuyển chọn 8 bài thơ (đồng hạng số bài với Chế Lan Viên, xếp trên các tác gia Hàn Mặc Tử, Thế Lữ, Nam Trân được tuyển 7 bài), từ đó đi sâu phân tích chất thơ hồn hậu in đậm phong vị ca dao cũng như chỉ ra những sự lệch pha, lạc bước, quá đà ở thơ Nguyễn Bính:

“Ở mỗi chúng ta đều có một người nhà quê. Cái nghề làm ruộng và cuộc đời bình dị của người làm ruộng cha truyền con nối từ mấy nghìn năm đã ăn sâu vào tâm trí chúng ta. Nhưng – khôn hay dại – chúng ta ngày một cố lìa xa nề nếp cũ để hòng đi tới chỗ mà ta gọi là văn minh. Dầu sau, những tính tình tư tưởng ta hấp thụ ở học đường cám dỗ ta, những cái phiền phức của cuộc đời mới lôi cuốn ta, nên ở mỗi chúng ta người nhà quê kia vốn khiêm tốn và hiền lành ít có dịp xuất đầu lộ diện. Đến nỗi có lúc ta tưởng chàng đã chết rồi. Ở Nguyễn Bính thì không thế. Người nhà quê của Nguyễn Bính vẫn ngang nhiên sống như thường. Tôi muốn nói Nguyễn Bính vẫn còn giữ được bản chất nhà quê nhiều lắm. Và thơ Nguyễn Bính đã đánh thức người nhà quê vẫn ẩn náu trong lòng ta. Ta bỗng thấy vườn cau bụi chuối là hoàn cảnh tự nhiên của ta và những tính tình đơn giản của dân quê là những tính tình căn bản của ta. Giá Nguyễn Bính sinh ra thời trước, tôi chắc người đã làm những câu ca dao mà dân quê vẫn hát quanh năm và những tác phẩm của người, bây giờ đã có vô số những nhà thông thái nghiên cứu. Họ chẳng ngớt lời khen những câu như:

Nhà em có một giàn giầu,

Nhà anh có một hàng cau liên phòng.

Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông,

Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?

Hay:

Lòng anh: giếng ngọt trong veo,

Giăng thu trong vắt biển chiều trong xanh.

Lòng em như bụi kinh thành,

Đa đoan vó ngựa chung tình bánh xe.

Tiếc thay Nguyễn Bính lại không phải là người thời xưa! Cái đẹp kín đáo của những vần thơ Nguyễn Bính tuy cảm được một số đông công chúng mộc mạc, khó lọt vào con mắt các nhà thông thái thời nay. Tình cờ có đọc thơ Nguyễn Bính họ sẽ bảo: “Thơ như thế này thì có gì?”. Họ có ngờ đâu đã bỏ rơi một điều mà người ta không thể hiểu được bằng lý trí, một điều quý vô ngần: hồn xưa của đất nước.

Kể, một phần cũng là lỗi thi nhân. Ai bảo người không nhà quê hẳn? Người đã biết trách người gái quê:

Hoa chanh nở ở vườn chanh,

Thày u mình với chúng mình chân quê.

Hôm qua em đi tỉnh về,

Hương đồng, gió nội bay đi ít nhiều.

Thế mà chính người cũng đã “đi tỉnh” nhiều lần lắm. Dấu thị thành chẳng những người mang trên quần áo, nó còn in vào tận trong hồn. Khi người than:

Đời có còn gì tươi đẹp nữa,

Buồn thì đến khóc, chết thì chôn.

Khi người tả cảnh xuân:

Đã thấy xuân về với gió đông,

Với trên màu má gái chưa chồng.

Bên hiên hàng xóm, cô hàng xóm

Ngước mắt nhìn trời đôi mắt trong.

ta thấy người không còn gì quê mùa nữa.

Thế thì những câu trên này nên bỏ đi ư? Ai nỡ thế. Nhưng vì có những câu ấy mà người ta khó nhận thấy cái hay của những câu khác có tính cách ca dao. Thành ra cái đặc sắc của Nguyễn Bính, chỗ Nguyễn Bính hơn các nhà thơ khác, ít được người ta nhìn thấy. Đó là một điều đáng vì Nguyễn Bính phàn nàn. Đáng trách chăng là giữa những bài giống hệt ca dao người bỗng chen vào một đôi lời quá mới. Ta thấy khó chịu như khi vào một ngôi chùa có những ngọn đèn điện trên bàn thờ Phật. Cái lối gặp gỡ ấy của hai thời đại rất dễ trở nên lố lăng”…


Nhà phê bình Lương Đức Thiệp trong công trình khảo sát chuyên sâu Việt Nam thi ca luận (Khuê Văn xuất bản cục, Hà Nội, 1942) đã xác định tính hai mặt đỏng đảnh của thể thơ lục bát và so sánh, nhấn mạnh bước tiến từ Thế Lữ, Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương đến Nguyễn Bính:

“Thể lục bát phát sinh do cái tính cách đặc biệt về âm hưởng trong Việt ngữ. Hình thức này do quảng đại dân chúng tạo thành nên rất phổ thông. Nó phổ thông nhưng lại khó đạt tới được nghệ thuật cho những người chưa thấu lĩnh được hết cái tinh vi của Việt ngữ. Dùng thể này, một thi sĩ có thể dễ trở thành người làm vè. Chỉ một hay hai chữ dùng không đắc vị cũng đủ làm cho cả câu đáng nhẽ hay thành ra rất dở được.

Bởi vậy nhiều thi sĩ ngại làm lục bát. Ông Thế Lữ, ông Xuân Diệu, ông Vũ Hoàng Chương đã có một nghệ thuật khá vững vàng mà cũng không tránh được “đá vè” trong nhiều bài “sáu – tám”:

Hôm qua trăng khóc trên trời,

Để cho nước mắt nó rơi xuống trần…

… Nhỏ to bạn hữu quanh mình,

Trông ra vẫn có mà hình như không.

(Thế Lữ)

Ngó em chẳng dám ngó lâu,

Ngó qua một chút đỡ sầu mà thôi.

(Xuân Diệu)

Kẻ xuôi người ngược bấy nay,

Hằng năm một buổi thấy nhau họa là.

(Vũ Hoàng Chương)

Trong Lỡ bước sang ngang, ông Nguyễn Bính là cả một “bằng chứng” về sự khó khăn ấy.

Mà thể lục bát là thể thơ Việt Nam hơn hết”…

Sau nhiều trang phân tích, Lương Đức Thiệp tiếp tục chỉ ra các dòng mạch thi ca, trong đó có cả phái Tự nhiên – Hồn nhiên chiếm số đông mà đại diện lại chính là Nguyễn Văn Phúc và Nguyễn Bính:

“Một phái nữa lấy “tự nhiên” làm cốt cách cho thi ca. Theo chủ trương này, thơ phải hồn nhiên. Gột rửa câu văn, cân nhắc vần điệu làm mất cả đà tự nhiên của dòng thi cảm.

Hứng đến, thi sĩ chỉ cần bắt ngay lấy rồi dùng thanh âm thích ứng mà gọi nó lên. Thế là thơ rồi!… Cho nên thơ phải “nhất khí”, cho nên giọng thơ phải hồn nhiên:

…Cao siêu xuất chúng, cao siêu quá,

Trái núi cao siêu mấy kẻ trèo.

Đứng ở dưới chân mà ngắm núi,

Nhìn ngơ nhìn ngác dám đâu leo!…

Ngọc Bích hỡi anh buồn cho đời lắm!

Anh buồn đời chẳng đẹp chẳng xinh tươi…

…Thôi em ơi! tuy đôi ta xa cách,

Cứ vui đi thương nhớ mà làm chi!…

(Nguyễn Văn Phúc)

Lạ quá! làm sao tôi cứ buồn?

Làm sao tôi cứ khổ luôn luôn?

Làm sao tôi cứ tương tư mãi,

Người đã cùng tôi phụ rất tròn?…

(Nguyễn Bính)

Theo chủ trương này, nhân công gần như không có nữa…

Những mẩu thơ tự nhiên đến ngây ngô, chân thực đến dớ dẩn là kết quả dĩ nhiên của quan niệm đơn giản này. Nó không đứng vững được tự trong bản chất của nghệ thuật, bởi nghệ thuật nào mà phần nhân công không phải nhiều. Vật chất, kể cả âm thanh, mầu sắc, chỉ là những phương tiện của nghệ sĩ trong việc diễn tả ý tình, những phương cách biểu thị. Có thế thôi!

Mầu thuốc, giấy, lụa phải có thay họa sĩ mới thành được bức tranh. Cây đàn không người nắn, đâu phát ra được những âm thanh trầm bổng mê hồn. Khúc gỗ, tảng đá, khối đồng không có lưỡi đục nhà điêu khắc đụng vào, không có hồn nghệ sĩ truyền sang, hẳn không thành hình gì cả, dù gỗ có quý, đá có mịn, đồng có sáng.

Phái này gồm các thi sĩ “cảm hứng”, thi sĩ “nhất thời”, thi sĩ “bất đắc dĩ”… một số thi sĩ linh tinh mà tài bộ chưa kết tinh được trong một tác phẩm nào. Kể về số lượng, phái này trội hơn tất cả”…

Thế rồi đến nhà phê bình Lê Thanh trong bài Thanh niên Việt Nam với một cuộc cải cách văn học ngày nay in trên tạp chí Tri tân (số 119, tháng 11-1943) cũng lên tiếng phê phán quyết liệt lối thơ bi lụy, ủy mị, sáo ngữ, thậm chí bị/ được gọi là “hủ bại” (trong đó có cả Chế Lan Viên và Nguyễn Bính), giống như lối thơ mới Trung Quốc đã diễn ra hồi đầu thế kỷ, từ đó định hướng cho một dòng thơ giàu sức sống và tinh thần tranh đấu:

…“Ta phải buồn rầu mà nhận văn chương ta ngày nay về một vài phương diện không khác gì văn chương Trung Hoa trước thời cách mệnh, ngày nay nếu muốn tìm trong làng văn ta một số nhà văn “không ốm mà rên”, như Hồ Thích đã nói, là một việc không khó khăn gì.

Chao ôi mong nhớ ôi mong nhớ

Một cánh chim thu lạc cuối ngàn!

(Chế Lan Viên)

Nhật ký nhòa đi mất cả rồi

Chỉ còn vết mực ố hoen thôi!

Biết rằng nên xé hay nên đốt

Hay để mà thương đến mãn đời?

(Nguyễn Bính)

Và trong những tập xuất bản trong vòng năm ba năm nay, nếu ta muốn nhặt những “sáo ngữ”, những hình ảnh thơ cũ kỹ, ta có một bộ khá nhiều: cũng “hồn đau”, “chiều tà”, giăng lạnh, gió về, “đau thương”, “sầu hận”, “chiếc bóng”, “đêm thâu”, “nhớ nhung”, “hồn lạnh”, “năm canh”, “sáu khắc”, “mơ màng”, “ngẩn ngơ”…

…Bỏ cái lối “không ốm mà rên, xuân đến thì khóc vì rồi xuân sẽ đi, thu đến thì khóc vì thu buồn…”. Những văn chương ủy mị chỉ làm nhụt chí khí, làm héo lả tâm hồn.

Phải bỏ… và bỏ, vì ngày nay nhà văn thanh niên Việt Nam còn có một trọng trách là gây lấy cái tinh thần mạnh mẽ cứng cỏi không những cho mình mà còn cho tất cả những người xung quanh mình. Cái tinh thần ấy đang cần cho sự kiết thiết một văn chương xứng đáng và một quốc gia đủ điều kiện để sinh tồn trong buổi cạnh tranh này”…

Trong công trình nghiên cứu tổng thành Nhà văn hiện đại, quyển ba (NXB Tân dân, Hà Nội, 1943), nhà phê bình Vũ Ngọc Phan tuy không định vị Nguyễn Bính thành một tác gia độc lập nhưng cũng đã nhắc đến ông trong bài khái quát Các thi gia và xác định đặc tính thi phái Nguyễn Bính trên dòng chảy con đường tiến hóa của nền thơ Việt đương thời:

“Người ta có thể kể những thi sĩ dùng lời thật cũ, thỉnh thoảng điểm một vài ý thật mới như Đái Đức Tuấn (Tchya), Nguyễn Bính.

Nguyễn Bính – tác giả những tập thơ Lỡ bước sang ngang, Tâm hồn tôi (Lê Cường – Hà Nội, 1949), Hương cố nhân (Á châu – Hà Nội, 1941) – dùng một lối thật cổ, lối lục bát phong dao để diễn một thứ tình quê phác thực. Nhiều câu của ông gần như vẽ và thật thà, rõ ràng, như hai lần hai là bốn”…

Vốn là thi sĩ nổi tiếng, có nhiều bài thơ in báo và nhiều tập thơ đã được xuất bản ngay từ trước 1945 nhưng tiếng thơ Nguyễn Bính chưa phải đã được người đương thời bàn rộng và đánh giá cao. Trên văn đàn, Nguyễn Bính được đón nhận trước hết như một nhà thơ chân quê, gắn bó với con người và cảnh vật đồng quê, tình yêu thôn quê dân dã. Thơ Nguyễn Bính được đánh giá cao với chất liệu ngôn ngữ đồng quê và phong vị ca dao dễ nhớ dễ thuộc. Điều đó cho thấy ngay từ đương thời phong trào Thơ mới đã xuất hiện những cách tiếp nhận khác nhau về thơ Nguyễn Bính, bao gồm cả những ý kiến đồng cảm, ngợi ca cũng như tiếng nói phản biện, phản ứng, phê phán gay gắt. Qua trường hợp thơ Nguyễn Bính đã thấy thấp thoáng một sự đổi thay, yêu cầu hướng về nghĩa vụ công dân, tranh đấu cho lợi quyền xã hội, dân tộc và đất nước. Về cơ bản, đó là những tiếng nói của những người có nghề, trung thực, phản ánh sát đúng chất lượng thơ Nguyễn Bính và cũng chứng tỏ tinh thần khách quan, dân chủ, đa phương của chính đời sống phê bình văn học đương thời.

PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn