Trong mục “Những điều cần biết về luật vận của thơ tám chữ” trong sách “Khảo luận luật thơ mới” (Huế, 1940), in lần ba có chỉnh lý với nhan đề “Khảo luận luật thơ” (Sơn Quang xuất bản, Sài Gòn, 1967), nhà phê bình Lam Giang đi sâu phân tích cơ cấu thể cách câu chữ, âm điệu, vần luật, từ đó dẫn giải bài thơ Kinh Kha của Huy Thông gắn với đặc điểm tiết điệu:

“Câu thơ tám chữ có thể chia làm 2 phần:

– Phần thứ nhứt 3 chữ, phần thứ hai 5 cữ

– Phần thứ nhứt 5 chữ, phần thứ hai 3 chữ

– Phần thứ nhứt 3 chữ, phần thứ hai 2 chữ, phần thứ ba 3 chữ.

8: 3/5, 5/3 hay 3/2/3

Ví dụ:

Em cười đi/ Sao em còn e ngại

Gió mưa nào gợi lại chuyện sau xưa?

Hoặc:

Trống mão điểm/ trời sâu tăm tối mãi,

Và dòng sông Dịch Thủy năng nề trôi.

Đưa tráng sĩ lên đường/ không trở lại,

Lòng cô gia đau đớn/ hỏi bao nguôi?

(Kinh Kha – Huy Thông)

Tiếp theo Lam Giang khảo sát kịch thơ Kinh Kha của Huy Thông từ hệ qui chiếu luật bằng trắc:

“Câu thơ tám chữ có thể cắt mạch sau chữ thứ ba, thứ năm và cố nhiên là sau chữ thứ tám, vậy luật bình trắc phải căn cứ vào những chữ ấy mà thực hiện thế quân bình.

Nếu chữ thứ ba, thứ tám đặt trắc thì chữ thứ năm phải đặt bình.

Nếu chữ thứ ba, thứ tám đặt bình thì chữ thứ năm phải đặt trắc.

Tuy nhiên trong câu trắc, nghĩa là câu thơ sau cùng có tiếng trắc, chữ thứ ba có thể đặt bình.

3 5 8

t b t

b t b

Và trường hợp chữ thứ ba câu trắc đặt bình thì:

3 5 8

b b t

Ví dụ, kịch Kinh Kha của Huy Thông kể tội hiếu chiến của vua Tần bằng những câu:

Đã bao đêm trời khuya đang tịch mịch

Loa thúc đi rộn rã dưới chòi canh

Dân tất tả ùa nhau đi nghe hịch

Rồi điếu kiều loang loáng dãy gươm xanh.

Đoàn chiến sĩ lên xe giong ruổi ngựa

Đã từ lâu chôn rõi dưới non xa

Mà bờ thành thê nhi còn lần lữa

Lắng tai nghe làn gió lắng chinh ca.

Nhưng ai hỡi! đợi chi bên cờ tía

Lũ chinh phu im mãi điệu say hồn

Mà xe vỡ tan tành nơi chiến địa

Không quay về lướt dưới khải hoàn môn.

Nhưng bao nước khiếp kinh thời loạn lạc

Rủ rê nhau say đắm thuyết Tô Tần

Riêng chưa muốn chán tường quăng giáo mác

Riêng còn ham binh lửa một vương Tần!”…

Tiếp đến ở mục Thơ chín chữ, Lam Giang xác định vị trí điểm nhấn âm điệu của câu thơ và chứng thực bằng việc trích dẫn kịch thơ Kinh Kha của Huy Thông:

“Không phải là thể cách độc lập, thường được dùng xen vào những bài thơ tám chữ. Âm điệu của thơ chín chữ căn cứ vào chữ thứ ba, thứ sáu, thứ chín. Chiếu theo luật quân bình:

– Chữ thứ ba, chữ thứ chín bình, chữ thứ sáu trắc.

– Chữ thứ ba, chữ thứ chín trắc, chữ thứ sau bình.

Và chữ thứ ba trong câu trắc vẫn được miễn luật.

Ví dụ, trường hợp tbt thường:

Ánh trăng lạnh vọng tiếng gà ai vẫn đợi (tbt)

Chờ tin thơ mòn mỏi cả mùa xuân.

Hoặc như trường hợp miễn luật cho chữ thứ ba câu trắc:

Đến nơi rồi! Dừng chân, tân khách hỡi!

Và nuốt đau, dâng chén rượu cuối cùng

Nâng ngang mày, vĩnh biệt khách anh hùng.

Vì:

Sau mấy buổi lăn xe trong mây bụi,

Đến Tần đô, qua sông núi xa xôi.

Dù đâm sai hay đâm trúng gã Tần vương (btb),

Chàng cũng thôi! Không trông thấy chói vầng dương (btb)”…

Trong công trình khảo cứu Ba mươi năm văn học (NXB Tân Việt, H., 1941), nhà phê bình Mộc Khuê (Kiều Thanh Quế) đã điểm danh tác phẩm: “- Phạm Huy Thông, trong Yêu đương (1933) cô Anh Nga (1934) và cô Tần Ngọc (1937), trầm hùng cao đưa Tiếng địch sông Ô (1935)”; liền đó xác nhận tầm ảnh hưởng của phong cách thơ Huy Thông đến người đương thời: “- Phan Khắc Khoan với những “vần Huy Thông” rất trầm hùng”…

Trong bài Thơ tự do in liền ba kỳ trên Tạp chí Tri tân (số 16, tháng 9-1941; số 18, tháng 9-1941; số 19, tháng 10-1941), nhà phê bình Lê Thanh đã giới thuyết các vấn đề Thơ mới, thơ tự do; diễn giải chân điệu bằng nguồn thơ Thế Lữ, Thao Thao và Huy Thông:

…Chân điệu (Le pied rythmique)

Một chân điệu thơ là một hay nhiều tiếng chân tiếng hợp lại: chân ấy có thể gây nên nhiều tiếng nhạc hợp với nhau để gây nên một điệu nhạc. Thứ nhất là cần phải đủ nghĩa để người ta có thể ngừng đọc lại được. Tôi có thể vẽ những điệu ấy. Hoặc: Tôi lấy một ví dụ: Tiếng sóng đổ xen từng hồi yên lặng (Thế Lữ – Mấy vần thơ) ta hãy tưởng tượng một làn sóng đổ vào bờ rồi từ từ và lặng lẽ xa ra…

Một nhà thông thái Pháp, muốn khảo cứu về thơ, sáng chế ra một cái máy để chép lấy những điệu thơ. Hai cái ống cao su để vào hai lỗ mũi, một cái ống nói để sát vào miệng. Ngâm một câu thơ hay, có âm điệu, ta thấy điệu ấy được vẽ trên mảnh giấy bằng một cái bút của máy. Đọc thơ của mỗi một người ta lại có một thứ đường (tức là điệu) có một đặc sắc riêng.

Giở lại với chân về điệu của thơ, ta hãy phân tách:

Một câu thơ: một đan vị thuần nhất.

Đêm mờ mờ khoảng không gian mờ mờ

Thuyền, lặng lờ như trôi trong giấc mơ.

(Thao Thao)

Ta có ở mỗi câu tám tiếng và ba chân. Mỗi chân có đủ nghĩa để người ta ngừng giọng lại một lát ngắn. Một hay nhiều chân hợp lại thành một câu thơ. Nhưng nếu chân thứ nhất đã đủ nghĩa thì sao không đặt thành một câu thơ:

Đêm mờ mờ.

Khoảng không gian mờ mờ.

Thuyền lặng lờ

Như trôi trong giấc mơ.

Đặt như vậy ta vẫn có 4 câu thơ tự do. Trả lời câu này ta đã tìm ra một đặc sắc nó định nghĩa thơ tự do một cách chắc chắn hơn. Lấy thí dụ khác:

Huyền Trân ơi!

Xin mãi mãi chia phôi…

(Huy Thông)

Theo luật nào ta xếp những chân về âm điệu ấy. Nếu ta xếp:

Huyền Trân ơi, xin mãi mãi chia phôi

ta phải ngắt hơi ở đâu? Đây ta phải viện hai lẽ nữa, hai lẽ chính phân biệt hẳn thơ Đường, thơ cổ thể với thơ tự do. Câu thơ phải là một đan vị thuần nhất. Mà đặc sắc là ba duy nhất: duy nhất về ý nghĩa, duy nhất về thị giác, và duy nhất về nhạc điệu.

Từ trước, về thơ nào người ta cũng vẫn có những luật ấy nhưng sau dần dần cái luật duy nhất về âm điệu được người ta chú trọng đến hơn. Trong một bài thơ người ta làm những câu có số tiếng nhất định, là để cho có cái duy nhất về âm nhạc. Người ta còn nói đến nhiều duy nhất khác nữa nhưng tóm lại chỉ ở trong ba duy nhất trên mà thôi. Những câu thơ hoặc giải phóng có thể là những duy nhất ấy nhưng không phải câu nào cũng là những duy nhất ấy cả”…

Sau khi viết Khảo luận luật thơ mới (1940), Lam Giang tiếp tục mạch nghiên cứu thi pháp hình thức với mục bài Luật thơ mới in trên Tạp chí Tri tân (số 68, tháng 10-1942) hướng đến đúc kết, mô hình hóa các khía cạnh nhạc luật và mở rộng liên hệ, so sánh:

… “Phụ thêm một luật thứ ba: Trong một câu thơ trắc, chữ thứ 6 phải đặt bình, nếu đặt trắc sẽ khổ độc. Trong một câu thơ bình, chữ thứ 7 cần phải đặt bình, nếu đặt trắc sẽ khổ độc.

Lại có thể một thể tám chữ khác, cắt mạch sau chữ thứ ba, thứ 6 và thứ 8. Ta có ba cách cắt mạch:

8 = 3-5 hay 5-3 hay là 3-3-2

Vậy, chữ thứ 3 thứ 8 bình thì chữ thứ 6 trắc và chữ thứ 3 thứ 8 trắc thì chữ thứ 6 bình. Tóm lại, nguyên tắc quân bình là một nguyên tắc tuyệt đối của nhạc luật, không hề di dịch, không thể không theo.

Nếu phải biện chứng thì xin cử ra đây hai đoạn thơ để đối chiếu.

Trống mão điểm (t) trời sâu

(b) tăm tối mãi (t) và giòng sông

(b) Dịch thủy (t) nặng nề trôi (b)

(Huy Thông)

Cây không hẹn (t), đến ngày mai (b) sẽ mát (t)

(Xuân Diệu)

Miễu luật. Chữ thứ ba trong câu thơ trắc có thể đặt bình. Ví dụ:

Người là nàng (b), ta gặp nàng (b) đêm trước (t).

(Bích Lam)

… Tôi không bảo luật tôi đề nghị đó là tuyệt đối, tôi chỉ nói luật đó là một phương tiện hoàn mỹ để làm thơ”…

Nhà phê bình Phạm Mạnh Phan đồng thời là thư ký tòa soạn Tạp chí Tri tân trong bài giới thiệu Đọc Hương cố nhân của Nguyễn Bính (Tri tân, số 54, tháng 7-1942) trong khi đánh giá cao Nguyễn Bính cũng đã khẳng định vị thế Huy Thông:

“Ít lâu nay trong làng “thơ mới” của nước ta đã sản xuất ra được một số thi sĩ khá đông.

Ngoài những tên đã quen biết như Thế Lữ, Trọng Lư, Huy Thông, Huy Cận, vân vân, một số những người khác chỉ vào dạng “thợ thơ” (versificateus) nhưng cũng lăm le ôm mộng lớn muốn người ta liệt tên mình vào hạng “thi bá”!

Làm được vài bài thơ, xuất bản được đôi ba tập thơ trong đó chỉ tuyền những câu gò gẫm, những vần ép uổng một cách ngượng nghịu, đâu đã đáng lĩnh chức thi nhân mà người đời trao tặng.

Hôm nay tôi giới thiệu với bạn đọc, ông Nguyễn Bính, tác giả tập thơ Hương cố nhân rồi các bạn sẽ định giá trị thơ ông”…

Đến công trình tổng thành Thi nhân Việt Nam, 1932-1941 (Nguyễn Đức Phiên xuất bản, Huế, 1942), Hoài Thanh – Hoài Chân đã tuyển hai tác phẩm Anh Nga và Khúc tiêu sầu với 261 đơn vị dòng thơ (xếp sau Xuân Diệu với 15 bài thơ và 336 đơn vị dòng thơ; xếp trên Thế Lữ với 7 bài và 241 đơn vị dòng thơ; trên Hàn Mặc Tử với 7 bài và 230 đơn vị dòng thơ; trên Huy Cận với 11 bài và 212 đơn vị dòng thơ…), đồng thời đi sâu phân tích, lý giải đặc điểm thơ Huy Thông:

“Người thiếu niên ấy cũng như hầu hết những thiếu niên, đã sống những giấc mộng ái ân êm dịu. Và cũng như hầu hết những thiếu niên, chàng đã tưởng ở đời không có gì quan trọng hơn những nỗi vui buồn thương nhớ của mình. Chàng đã kể lể dông dài và lắm lúc đã quên rằng người nói đành không bao giờ chán nhưng người nghe rất dễ chán.

Cũng may thỉnh thoảng Huy Thông biết vờ quên mình đi để những giấc mộng ái ân của người đượm một vẻ mơ hồ riêng.

Hoặc người tạo ra một cái không khí lạ lạ khiến ta nhớ đến những chiêm bao chính ta đã từng trải qua hay những chiêm bao Shakespeare đã đưa lên sân khấu.

Hoặc người cầu cứu đến lịch sử là cái môn người vẫn sở trường để dẫn nẻo cho nguồn mơ. Người mượn lời một thiếu nữ trong mộng để gợi lại cảnh xưa:

Ngân lang! Ngân lang! Chàng còn nhớ

Chiều xuân xưa, trên ngựa, đỡ kim cầu,

Chàng thảo mấy dòng thơ như nhạn múa

Trên tờ mây thiếp vẫn giữ bên tim sầu?

Người lưu luyến cái hình ảnh Tây Thi, người ước ao cái sung sướng của Phù Sai, Phạm Lãi. Người gọi bạn:

Đi! Cùng anh tới Cô Tô cảnh cũ

Chờ giăng lên mơ nữa giấc mơ xưa.

Nhưng Huy Thông không phải chỉ biết những giấc mộng ái ân êm dịu. Khi yêu người còn có những khát vọng lạ lùng:

Tôi muốn hóa một con chim để cùng gió

Bay lên cao mơn trớn sợi mây hồng;

Muốn uống vào trong buồng phổi vô cùng

Tất cả ánh sáng dưới gầm trời lồng lộng;

Muốn có đôi cánh tay vô ngần to rộng

Để ôm ghì cả vũ trụ vào lòng tôi!

Một người có những ham muốn dị thường như thế ắt phải ưa sống cái đời những vị anh hùng thời trước, hồi thế giới còn hoang vu, hồi một người trượng phu còn có thể tin rằng mỗi hành vi của mình đều làm xao động cả trời đất. Đặc sắc của Huy Thông chính ở những bài anh hùng ca như bài “Tiếng địch sông Ô” tả bước đường cùng của Hạng Tịch (Bài này đã dài quá mà lại không toàn bích nên không thể trích theo đây). Chưa bao giờ thi ca Việt Nam có những lời hùng tráng như trong tác phẩm của người thiếu niên hiền lành và xinh trai ấy. Hãy nghe Hạng Tịch than:

Nén đau thương, vương ngậm ngùi sẽ kể

Niềm ngao ngán vô biên như trời bể.

Ôi! Tấm gan bền chặt như Thái Sơn,

Bao nhiêu thu cay đắng chẳng hề sờn!

Ôi! Những trận mạc khiến “trời long đất lở”!

Những chiến thắng tưng bừng!

Những vinh quang rực rỡ!

Ôi! Những võ công oanh liệt chốn sa trường!

Những buổi tung hoành,

lăn lộn trong rừng thương!

Những tướng dũng bị đầu văng trước trận…!

Nhưng, than ôi! Vận trời khi đã tận,

Sức “lay thành nhổ núi” mà làm chi?

Hơi văn mà đến thế thực đã đến bực phi thường. Anh hùng ca của Victor Hugo tưởng cũng chỉ thế. Giữa cái ẻo lả, cái ủy mị của những linh hồn đương chờ sa ngã, thơ Huy Thông đã ồ ạt đến như một luồng gió mạnh. Nó lôi cuốn bừa đi. Người xem thơ ngạc nhiên và sung sướng vì thấy mình vẫn còn đủ tráng khí để buồn cái buồn Hạng Tịch.

Chỉ tiếc rằng Huy Thông, người anh hùng trong mộng tưởng ấy, lại cũng là một người thiếu niên khao khát yêu đương và rất lễ phép với đàn bà. Có khi vô tình người đã phác họa Hạng Tịch theo hình ảnh của mình. Đã đành Hạng Tịch mê Ngu Cơ, đã đành ái tình không chia kim cổ, nhưng tình yêu của Hạng Tịch hẳn phải thế nào chứ!”…

Huy Thông sáng tác và có những đóng góp đặc biệt rõ nét ở chặng đường đầu của phong trào Thơ mới. Giới phê bình cũng như sáng tác đương thời đánh giá cao thơ Huy Thông không chỉ bởi ông ở vị trí tốp khởi đầu mà chính ở phẩm chất giọng điệu mới mẻ “nó vừa lạ vừa hay” và khả năng tạo lập một phong cách bi hùng độc đáo “biệt ra một lối riêng”… Vào thời cực thịnh và chặng đường sau, Huy Thông không còn đam mê sáng tác nữa và một lớp nhà thơ mới trẻ hơn đã bứt phá, vượt lên. Qua ý kiến của người đương thời bàn về thơ Huy Thông có thể thấy được không khí phê bình văn chương một thời thực sự có nghề, chuyên nghiệp, cởi mở, dân chủ, đa phương, khách quan và sòng phẳng…

Nguồn: Vanhocquenha

Exit mobile version