Người đương thời thơ mới bàn về thơ Hàn Mặc Tử (Phần 1)

Ngay sau khi Hàn Mặc Tử qua đời, nhà phê bình Trần Thanh Mại (sinh 1911, hơn Hàn Mặc Tử một tuổi) đã cất công điền dã, khảo sát, truy tầm, sưu tập, kiểm tra các nguồn tài liệu và nhân chứng để viết nên thiên truyện ký Hàn Mạc Tử (1912-1940) (Võ Doãn Mại xuất bản, Huế, 1942).

Trong bài Tựa viết ở An Cựu (Huế) vào tháng 10-1941, Trần Thanh Mại nêu rõ quan điểm biên soạn, kể lại chi tiết quá trình tiếp cận tài liệu, đánh giá cao giá trị thơ Hàn Mặc Tử và một lời kết mát mẻ với Quách Tấn:

“Hàn Mạc Tử mất đi, để lại cho tôi cái nhiệm vụ viết đời chàng.

Thuở sinh thời, chàng đã ngỏ ý ấy nhiều lần. Luôn trong hai ba thư gửi cho em tôi, Thanh Địch, chàng đã tỏ sự muốn nhờ tôi “nói đủ tất cả cái gì của thơ Trí và cái gì của lòng Trí”.

Việc đó, khi Hàn Mạc Tử còn sống, tôi đã không làm. Tôi không làm vì hai cớ. Một là kinh nghiệm đã cho tôi hay rằng đưa một thiên tài lên phát triển một cách hoàn toàn, thường có hại cho thiên tài lắm. Tài hoa như một nụ quả cây. Cứ để cho nó tự do lớn đã, chứ mó tay vào thì nó đứng ngay. Tôi không muốn làm cái giọt nước rơi trên dây pháo để làm cho nó tịt ngòi.

Lẽ thứ hai là vào khoảng năm 1938, 1939, tức là ngay giữa lúc nhà thi sĩ muốn cậy tôi “lăng xê” mình, Hàn Mạc Tử cùng với các môn đệ của chàng đang chủ trương trường thơ tượng trưng, theo lối Mallarmé và Valéry bên Pháp. Sự ấy tôi hết sức công kích. Tôi chỉ thấy trong ấy những cớ để cho kẻ bất tài vô học múa men trước lỗ mũi người độc giả khờ khạo hiền lành những mớ ngớ ngẩn và vô ý thức kết tinh. Khi có người cứ tưởng mình là Nã Phá Luân và ngồi gạch đặc lên nền bệnh viện những họa đồ của một trận giặc khổng lồ, tại sao không có người tưởng mình là thi sĩ để bôi nhọ họ? Nhưng mà điên hẳn như hạng người ấy vẫn còn dễ chịu hơn là những anh chàng cố đi vào thơ tượng trưng để làm bối rối sức lĩnh hội của người khác, để vừa che đậy cái dốt của mình vừa lòe đời bằng một cách lường gạt có tổ chức.

Hàn Mạc Tử thì không bao giờ bị ảnh hưởng của hai nhà thơ bí hiểm Pháp nói trên. Chàng cũng ít khi theo lối thơ bí hiểm. Nhưng chàng để cho môn đệ chàng theo nó, và chàng lại khuyến khích chúng vào sâu trên con đường ấy. Ca tụng Hàn Mạc Tử thuở ấy, tức là công nhiên thừa nhận sự bí hiểm của văn thơ, nghĩa là sự phá sản của tư tưởng. Tức là mở đường cho bọn vô học mà bảo chúng: “Đừng học nữa, vô ích. Ra làm thơ đi thì vừa. Miễn đừng cho ai hiểu cả là được”. Trời ơi! Có bao giờ mà tôi lại đi nối giáo cho bọn giặc.

Vì sao phải giấu quanh? Có một lúc tôi quả đã vô duyên với thơ Hàn Mạc Tử, đến nước tôi không để ý được đến chính cả những bài mà nhà thi sĩ ấy tặng riêng cho tôi nữa, những bài cao siêu hùng vĩ như Thượng thanh khí.

Một nhà thi sĩ trứ danh người Mỹ, Walt Whitman, trong một trang tuyệt diệu, đã phê bình nhà thi sĩ cùng người Mỹ và càng trứ danh gấp mấy là Edgar Poe như thế này:

“Lâu lắm và cho đến một thời gian gần đây, thi nghiệp của Poe đối với tôi thật có ác cảm. Trước kia mà ngay bây giờ cũng vậy, tôi vẫn yêu cầu, về thơ, như hơi gió thoảng, cứng cáp và mạnh mẽ như sức khỏe, chứ không như mê sảng, mặc dầu là nhà làm thơ đang trải qua những cơn dục tình giông tố, với lại cho có những nguyên tắc luân lý bất di bất dịch làm nền tảng luôn luôn. Thế mà, không cần phải chìu theo những điều yêu sách ấy, thiên tài của Poe vẫn chiếm được một địa vị đặc biệt, và đến cả tôi, rốt cuộc tôi phải nhìn nhận một cách hoàn toàn, và yêu chuộng nó, thiên tài ông ấy và ông ấy”…

Tôi tưởng không còn gì đúng hơn là mượn mấy lời trên để cắt nghĩa sự lãnh đạm ban đầu của tôi đối với thơ Nguyễn Trọng Trí và sự xoay chiều của tôi ngày nay.

Nhưng nay Hàn Mạc Tử đã chết. Bây giờ thì tình thế đã xoay ra khác.

Bây giờ thì là việc sắp đặt cái chỗ cho xứng đáng trong bản “Phong Thần” để đưa tên người tài hoa vừa quá cố vào sự chết, ghê gớm ở chỗ khác, ở đây vẫn có cái hay ấy.

Với những phương pháp mới, xưa nay chưa từng có trong lịch sử văn học Việt Nam, tôi đã phân tích ra từng cử chỉ, từng tính tình của nhà thi sĩ, từng giai đoạn trong đời người. Những cái ấy, mà bề ngoài tưởng như vô bổ ích, và chỉ để kéo cho dài dòng, tựu trung đều ăn nhịp với nhau như những vòng của một sợi dây chuyền để mà ảnh hưởng đến cái đích của người viết sách muốn đi tới: cắt nghĩa thi phẩm của nhà thơ.

Không rõ thấu hết những cái vặt vãnh thắc mắc trong đời một nhà thi sĩ thì không sao hiểu hết được thơ của người ấy. Phương chi, trong việc khám phá các nguyên nhân đã chi phối cho sự sáng tạo một thi phẩm, hẳn phải có một cái gì say sưa hứng thú như thấu được một điều bí mật của Tạo hóa. Còn chi vui thích bằng hiểu thấu được thế nào là một cục tròn bầu dục, ngoài có vỏ, có màu tươi như má cô gái Huế, và trong thì có mỏng, chất nhựa nửa trắng, nửa vàng kia lại hóa ra được một con gà?

Tôi nhận thấy trong những công việc khảo cứu như loại tôi đang làm, có ba nguồn ảnh hưởng to tát cần phải xét cho ra ngọn ra ngành. Ấy là ba cái ngôi bất di bất dịch: trời, đất, người; bao giờ cũng chính nó chi phối cho sự hưng vong của mọi sự nghiệp, và nó hơi giông giống cái thuyết tam tài của nền triết học Đông phương.

Khảo cứu về đời thi sĩ Hàn Mạc Tử, tôi phải xét rõ các thời đại chàng đã sống qua. Tôi phải viếng các xứ chàng đã ở, và sau cùng tôi phải hỏi tất cả các người có liên quan đến đời chàng. Và tôi nhận ra rằng học giả Tây phương tựu trung cũng không hành động ra ngoài phương pháp ấy.

Khảo cứu về đời Hàn Mạc Tử, tôi thấy rằng nhà thi sĩ ấy có một cuộc đời ly kỳ đặc biệt. Không phải bao nhiêu bậc thiên tài trên thế giới đều có những cuộc đời ly kỳ đặc biệt. Không! Người ta vẫn có thể vừa kéo dài một cuộc đời bằng phẳng êm ru, vừa vẫn là một bậc thiên tài. Tôi nói đi nói lại ở chỗ ấy là vì tôi thấy cần phải đánh đổi một quan niệm của thanh niên rất có hại cho họ. Thanh niên đều say mê thiên tài, và muốn thành những bậc thiên tài. Cái ấy rất hay. Nhưng thanh niên lại tưởng rằng muốn thành những bậc thiên tài, phải có một cuộc đời giang hồ luân lạc, rồi thanh niên ép bức đời mình cho ra như thế bằng cách ly dị gia đình, sống thất tha thất thểu, lăn lóc trong các hồng lâu tửu quán, phá sức khỏe, hại tinh thần.

Nhà đại thi hào Pháp, Baudelaire, tác giả bất tử tập Les Fleurs du Mal, vì muốn cho được giống hệt nhà đại thi hào Mỹ Edga Poe cũng đâm ra rượu chè đĩ thõa, và suốt đời kéo lê cái xác bệnh hoạn đau thương ấy ở dọc quán đầu đường. Buồn cười nhất là Poe có một người kế mẫu hết sức ghẻ lạnh với chàng, nên chàng mới buồn chuyện nhà đâm ra lêu lổng như thế. Còn Baudelaire thì cũng có một người cha ghẻ làm đến chức đại tướng, nhưng hết sức thương yêu chàng. Nhưng thế lại trái ngược đời Poe mất! Baudelaire bèn làm đủ cách để cho ông ta ghét, lừa gạt ông ấy, bắt ông trả luôn mấy bận nợ, rồi lại lập mưu đâm dao vào cuống họng làm bộ tự tử.

Về sau một đám môn đệ của Baudelaire lại bắt chước theo thầy mà đâm đầu vào trụy lạc. Rimbaud và Verlaine là hai tay lẫy lừng nhất trong sự sống những cuộc đời ô nhục. Ngoài ra còn biết bao thanh niên Pháp đã tự phá hoại tương lai mình vì những gương xấu ấy, mà rốt cục lại, đời không thèm biết đến tên tuổi, vì đều là những kẻ bất tài!

Đời Hàn Mạc Tử cũng là một đời ly kỳ đặc biệt đầy đau thương, đầy khổ não. Tôi nào muốn thế. Viết lại đời thi sĩ ấy, tôi không thêm thắt vẽ vời, tôi nào có muốn làm cho ê chề, làm cho cảm động những đoạn đời của Nguyễn Trọng Trí, để thêm phần quan trọng, mê luyến cho sách tôi! Tuổi tôi đã đi quá cái ưa thích ấy. Hàn Mạc Tử là một thiên tài. Tôi chỉ biết thế. Nếu như khảo cứu đời chàng, tôi tìm ra rằng chàng có một cuộc đời phi thường, đó chỉ là một sự tình cờ, và chỉ là thế. Một lần nữa, tôi không có ý ca tụng những cuộc đời kì lạ và không khuyên ai nên mua chác một cuộc đời như thế bằng cách tự rước cái bạc mệnh vào đời mình.

Các bạn độc giả yêu quý đọc đến tập sách hèn mọn này, có thể than phiền rằng tác giả đã quá tham lam hay dễ dãi mà trích lục hơi nhiều những thơ của nhà thi sĩ quá cố.

Nhưng thi phẩm của Hàn Mạc Tử mãi đến ngày nay cũng còn là những thi phẩm viết tay, hoặc giả trong ấy có ít bài đã cho đăng qua vào một tờ báo nào rồi. Như thế nghĩa là thi phẩm của thi sĩ hiện nay không được phổ thông một tí nào; và nếu có người đã biết đến, thì những người ấy đối với toàn thể quốc dân, chỉ là một số rất ít, số đã do một trường hợp đặc biệt nào mà được gần, hoặc một cách trực tiếp, hoặc một cách gián tiếp, nhà thi sĩ.

Nay nếu nghiên cứu tác phẩm của nhà thơ ấy mà không đưa một ít tác phẩm ấy ra làm đối chiếu, thì những kẻ chưa từng biết Hàn Mạc Tử ra thế nào, làm sao mà hiểu thấu được cái hay thấm thía, cái âm nhạc réo rắt, cái linh hồn siêu việt của thi phẩm người. Bao giờ thi văn của Hàn Mạc Tử in ra và bán khắp trần gian, và từ người bé đến kẻ lớn, ai ai cũng đều thuộc lấy làm lòng cả, khi ấy quyển sách này sẽ dọn lại mà bỏ bớt những trích lục ấy đi, cũng không muộn. Bây giờ tôi không muốn nói chi thêm nữa nếu không ngỏ lời cảm ơn các bậc thức giả, các bạn bè xa gần, đã hết lòng sốt sắng cho tôi những tài liệu quý hóa về cuộc sống của Hàn Mạc Tử. Trước hết, tôi xin trân trọng cúi dâng một tấc lòng thành kính cùng bà Nguyễn Thị Duy, sương phụ cụ Nguyễn Văn Toàn và thân mẫu của nhà thi sĩ. Tôi không thể quên được cái cảnh tượng đau thương tôi đã phải gợi ra cho bà khi tôi tò mò đến hỏi từng ly từng tý những chuyện thơ ấu của con bà. Tôi không thể quên cái hình ảnh gầy yếu, dịu dàng hiền hậu ấy, khi giữa hai câu chuyện, bà và tôi, mỗi người trầm ngâm, sững sờ đuổi theo mỗi dây ý nghĩ, rồi chốc chốc, bà cứ ngó xuống đất, giữa nền nhà, vừa chép miệng, vừa thủ thỉ khóc, mà nói một mình: “Hử, hử!… Nhỏ nhoi quá đi!”; hình như bà đương nhìn một đứa con bé bỏng đang đi lúc thúc đâu dưới gậm giường, chân ghế: “Hử, hử! Nhỏ nhoi quá đi!…”.

Bà Phước Mẹ de Saint – Venant, thuộc dòng Franciscaine de la Misson de Marie, Phó Giám đốc bệnh viện Qui Hòa, là người cho tôi tài liệu về những giờ cuối cùng của thi sĩ Hàn Mạc Tử. Ấy là một người đàn bà thuộc về hạng người hết sức hiếm hoi ở dưới trần gian, đã bỏ cả gia đình, cả tổ quốc với những văn minh, xa hoa cực điểm, đã bỏ đến cái tuổi thanh xuân với sắc đẹp huy hoàng lộng lẫy, tự đày mình ngoài trăm nghìn dặm, tự giam mình trong cái địa ngục gớm ghê rùng rợn hơn cả địa ngục của Cơ đốc giáo, để mong đỡ đần trong muôn một nguồn đau khổ vô hạn của loài người. Cái nhìn xanh biếc, nụ cười tươi tắn trên mặt trái soan đúc theo khuôn những vị nữ thần Hy Lạp ấy, chỉ biết gieo vào lòng người một niềm mộ đạo và kéo bao nhiêu ý về đức thuần túy cao siêu của Chúa Trời.

Mai Đình nữ sĩ mà số kiếp phong trần cứ đuổi theo mãi mãi, Mai Đình nữ sĩ mà hiện giờ tôi không biết ngọn gió đời đang thổi dạt vào nước non nào, là người thông minh nhất, và đủ đức tính nhất để giúp một kẻ khảo cứu thành công. Nàng là người thứ nhất tàng trữ được nhiều thơ chưa in của Hàn Mạc Tử, và là người thận trọng đến từng chữ thơ của người đã được nàng tôn thờ. Đó là một tâm hồn thất lạc mà lòng hy sinh, và chí khẳng khái bỗng làm thanh cao tốt đẹp. Tôi nhớ ngày vừa qua đây tôi vào Nam Việt, tìm nàng trong các tỉnh nàng đã có ở qua, để hỏi lại cho chắc một việc trong đời nàng, thì tôi hay rằng nàng đang ở Blao, một tỉnh hạt mới khai phá ở miền Nam Trung Việt. Tôi đánh điện tín nói rõ mục đích của tôi và hỏi nàng có thấy tiện cho tôi ngược Blao chăng? Ngày mai, vừa ngủ dậy thì tôi thấy nàng tất tả bước vào, và chính giữa hai hàng lệ cảm động khôn cầm, mà người đàn bà phiêu lãng ấy kể chuyện mình với Hàn Mạc Tử cho tôi nghe. Nhưng sự sốt sắng ấy chưa cảm động bằng khi đã trở về Blao rồi, mà sự nhớ hai chữ nhớ sai trong một bài thơ nàng đã chép cho tôi, nàng bèn làm lại một cuộc du lịch Sài Gòn thứ hai. Lần này tôi đi khỏi một ngày. Suốt một ngày, nàng đã đợi. Tôi không biết nàng đã ăn uống ở đâu, và không thể không bùi ngùi tự hỏi ở đâu ra số tiền nàng lộ phí đi về.

Xá đệ Trần Thanh Địch là người đã đóng vai trọng yếu nhất trong sự làm cho tôi nhất quyết viết quyển sách này, tôi đã ghi nhớ cái nguồn ảnh hưởng tốt đẹp ấy ra ở trang đầu sách.

Xá điệt Trần Tái Phùng đã giúp tôi rất nhiều tài liệu về nghệ thuật của Hàn Mạc Tử, chính do nhà thi sĩ tự đưa đến bằng những bức thư Trí đã gửi cho Phùng.

Sau cùng, tôi không quên nhắc đến nhà thơ Đường luật Quách Tấn, và xin gửi một lời cũng gọi là cảm ơn đi, vì tuy rằng ông đã giữ được một ít tài liệu về Hàn Mạc Tử, và tuy ông quyết giữ kỹ lấy cho một mình ông, nhưng ông đã thách tôi một câu nói làm cho tôi phấn khởi mà làm việc nhiều hơn”…

Trong phần chính văn, Trần Thanh mại đã xây dựng cấu trúc truyện ký theo trình tự đời Hàn Mặc Tử thành 21 đề mục: Đồng Hới, 1912 – Thơ Đường luật – Đời làm báo – Gái quê – Chứng “nan y” – Ảnh hưởng của bệnh trong thi văn Hàn Mạc Tử – Đau thương – Bệnh trạng – Cô liêu – Nghèo túng – Mộng Cầm – Những người đàn bà đã kinh qua vào đời Hàn Mạc Tử – Mai Đình nữ sĩ – Cuộc sống hàng ngày – Xuân như ý, Thượng thanh khí – Cẩm châu duyên – Nguồn cảm thụ lực ở Hàn Mạc Tử – Nghệ thuật của Hàn Mạc Tử – Âm nhạc trong thơ Hàn Mạc Tử – Thôn Tấn – Qui Hòa.

Sách vừa ra đời đã được nhà phê bình Kiều Thanh Quế giới thiệu với nhan đề Hàn Mạc Tử của Trần Thanh Mại trên tạp chí Tri tân (số 46, tháng 5-1942), trong đó gián tiếp là sự trình bày những cách tiếp nhận, bình điểm, đánh giá khác nhau về thơ Hàn Mặc Tử:

“… Từ Trông giòng sông Vị đến Hàn Mạc Tử, Trần Thanh Mại tiến rất nhiều!…

Lối phê bình thân thế và sự nghiệp văn chương của thi sĩ trong Trông giòng sông Vị hãy còn “giản dị” hơn trong Hàn Mạc Tử nhiều lắm.

Trong Hàn Mạc Tử, Trần Thanh Mại thường viết được nhiều đoạn đối chiếu (rapprochement) rất đúng (…).

… Đoạn đời phong cùi lở lói đau thương của tác giả Đau thương, Trần Thanh Mại trình bày một cách thành thật và rõ rệt. Ta thấy Trần quân chịu khó vào Sài Gòn tìm Mai Đình nữ sĩ – người bạn gái, người tình nhân của thi sĩ – để hỏi thăm về thi sĩ. Ta thấy Trần quân để bước đến Qui Hòa – quê hương dân cùi – để theo dấu Hàn Mạc tử. Lối săn tài liệu ấy kể cũng “cảm tử” chẳng kém lối Tam Lang năm xưa dùng viết thiên phóng sự Tôi kéo xe làm sôi nổi làng văn một dạo!

Nhiệt thành phơi ra ánh sáng tất cả chi tiết về đoạn đời đau thương của Hàn Mạc Tử, điều ấy cần cho một quyển sách biên tập về Hàn Mạc Tử lắm. Nhưng vì lòng xót thương Hàn Mạc Tử ảnh hưởng quá mạnh Trần Thanh Mại đôi khi để lộ một sự tán tụng thơ Hàn Mạc Tử quá đáng, khiến những độc giả thận trọng đố khỏi đâm ngờ vực thi tài của Hàn Mạc Tử!

Thi tài của một nhà thơ cần phải đem phân tích, rồi để độc giả nhân đó nhận thức, đánh giá trình độ cái hay của thi sĩ ấy. Nhà phê bình, nhà làm truyện ký khỏi cần phải lôi thôi thêu dệt bằng lắm lời hoa mỹ như ông Trần Thanh Mại đối với thơ ca Hàn Mạc Tử: “Những bài nho nhỏ như bài Đà Lạt trăng mờ, Huyền ảo, Mùa xuân chín, Đây thôn Vĩ Dạ, Siêu thoát… đã đủ tiêu biểu cho thiên tài bao quát của Hàn Mặc tử và có thể kể trong những bài hay nhất của nền thơ Việt Nam, của nền thơ hoàn cầu” (tr. 90).

Trừ những lối đã kể, trong văn học quốc ngữ cận đại, quyển Hàn Mạc Tử của Trần Thanh Mại vẫn đáng đặt cạnh những quyển hữu danh biên tập về thân thế, sự nghiệp văn chương của bao thi sĩ nước nhà khác; ví như Nỗi lòng Đồ Chiểu của Phan Văn Hùm, Hồ Xuân Hương của Nguyễn Văn Hanh, Nguyễn Công Trứ của Lê Thước, Cao Bá Quát của Trúc Khê, Thi sĩ Tản Đà của Lê Thanh, v.v”…

Thật tiếc rằng đồng thời khi đó nhà thơ Quách Tấn lại đâm đơn kiện Trần Thanh Mại và gây nên một vụ án văn tự rất không đáng có. Lấy lý do Trần Thanh Mại trích nhiều thơ Hàn Mặc Tử vào sách nên Quách kiện Trần ra tòa. Vụ việc được khởi đăng trên báo Tràng An (số 21, tháng 6-1942). Ngay sau đó Hoài Thanh hòa giải và bày tỏ: “Tôi chỉ thấy rằng trong làng văn mà xảy ra một vụ kiện như thế thực chẳng hay ho gì. Hàn Mặc Tử chết chưa được bao lâu vụ kiện này xảy ra, khách bàng quan sao khỏi nghĩ hai ông Quách, Trần giành nhau miếng ăn, chung quanh một cái xác chết” (Tràng An, số 23, tháng 6-1942). Thế rồi lời qua tiếng lại nối dài suốt hơn hai tháng trời. Trần Thanh Mại lên tiếng với bài Chung quanh vụ án Hàn Mạc Tử (Dân báo, số 884+885, ra ngày 3+4-6-1942; In lại trên Tràng An, số 31, ra ngày 1-7-1942). Quách Tấn gượng gạo bắt bẻ trên ba kỳ Dân báo (số 900, ra ngày 22-6-1942; số 901, ra ngày 23-6-1942; số 902, ra ngày 24-6-1942; In trên Tràng An số ra ngày 21+24-6 và số 37, ra ngày 18-7-1942). Trần Thanh Mại tiếp tục phản công với bài Chung quanh vụ án Hàn Mạc Tử, trả lời cho ông Quách Tấn (Tràng An, số 32, ra ngày 2-7-1942; Dân báo, số 919+920, ra ngày 16+17-7-1942). Quách Tấn lại vòng vo trên báo Tràng An (số 37, ra ngày 18-7-1942) và trên ba kỳ Dân báo (số 921, ra ngày 18-7-1942; số 923, ra ngày 21-7-1942; số 926, ra ngày 24-7-1942)… Hạ hồi, Trần Thanh Mại cắm cờ chiến thắng với bài viết chung kết đầy tự tin Chung quanh sách Hàn Mạc Tử, trả lời cho Quách Tấn in trên báo Tràng An (số 43, ra ngày 1-8-1942):

“Luôn tiếp trong mấy bài mạt sát tôi, Quách tiên sinh cứ đi lại mãi về chỗ viết quyển Hàn Mạc Tử, tôi đã phạm nhiều tội lỗi cùng thi sĩ và gia đình thi sĩ. Sự ấy chứng tỏ rằng tiên sinh đi ngược lại cả lẽ phải của loài người, tiên sinh bỏ hết cả tin tưởng của tiên sinh và lương tâm của tiên sinh. Ví một người thù ghét tôi đến đâu, đọc qua quyển Hàn Mạc Tử rất có thể cho nó không ra gì về giá trị nghệ thuật, giá trị phê bình và vứt nó vào sọt rác, chứ không thể nào bảo rằng làm sách ấy tôi đã phạm nhiều tội lỗi đối với thi sĩ. Tôi tự hỏi, thủ đoạn trái ngược với tin tưởng, trái ngược với lương tâm và thủ đoạn của người nào mà Quách tiên sinh lại có được?

Vì tiên sinh đã dụng tâm làm sai lệch ý nghĩa trong sách tôi để mà vu cáo cho tôi bôi nhọ gia đình Hàn Mạc Tử, bôi nhọ, các bạn yêu quý đã nghe chưa? Bôi nhọ người và gia đình người mà đáng hay không đáng, tôi đã “bất tử hóa”, tôi đã suýt “thần thánh hóa” như vẫn có nhiều bạn đã trách tôi!

Hai chỗ ở trong sách mà tiên sinh đã rút ra, biến hóa đi, để có cớ mà khiển trách tôi, mà dèm pha tôi với gia đình thi sĩ quá cố, là chỗ “bà thân mẫu thi sĩ uống rượu lậu” và câu “tha phương cầu thực” tôi đã dùng để chỉ hai chị em Tử.

1- Mới nghe nói “bà thân mẫu thi sĩ uống rượu lậu” thì hình như câu nói không nhã, nó trắng trợn khó nghe và vẫn có một ý nghĩa xấu! Nhưng sự thật, nào tôi có viết thế đâu? Để chứng tỏ lòng bất trung thực của Quách tiên sinh, tôi xin chép lại đoạn tôi đã nói về chỗ này ở trong sách tôi:

“Cách vài tuần ngày bà nằm nơi, nhà đoan có bắt được mấy đám rượu lậu to, nên trong nhà ông Nguyễn Văn Toản phải cất tạm không biết bao là vò thứ rượu hảo hạng ấy nữa. Cả nhà, từ chủ nhân cho đến đầy tớ, tha hồ múc uống, uống lấy vui, uống để mà cười. Bà Nguyễn Thị Duy vì thế mà cũng say sưa lướt khướt” (Hàn Mạc Tử, tr.26-27).

Xem như thế việc “bà thân mẫu thi sĩ uống rượu lậu” là một trường hợp bất thường, có thể gọi là “tải nhất hội”. Phương chi tôi đã tỏ rõ là cả nhà uống, từ chủ nhân cho đến đầy tớ, và uống để lấy vui, để mà cười chơi. Như thế tưởng chẳng có gì là thô lỗ, chẳng có gì là xấu xa nhục nhã, có thể thương tổn đến thanh danh người sương phụ đoan chính và vị thân mẫu hiền từ kia! Nào tôi có bảo là bà ấy có thói quen uống rượu lậu, có tật nghiện rượu lậu bao giờ? Còn như bảo nói như kia cũng là sai, vì sự thật vẫn không có như vậy, thì thật là vô lý. Quách tiên sinh nóng nẩy quá, hấp tấp quá hay liều lĩnh quá, chỉ chực vu cáo chứ không chịu điều tra kỹ càng. Chứ cái “đặc điểm” ấy, cái tài liệu ấy chính là bà cụ thân mẫu Tử cho tôi hay, tôi là người xa lạ, nếu không lấy tận gốc đó, làm sao mà biết được những cái vặt vãnh thường chỉ có những người mẹ mới hay nhớ kia? Tôi không cần kể lại trong trường hợp nào tôi được bà cụ thuật chuyện ấy cho nghe. Tôi sẵn lòng đợi ông Quách Tấn đưa ra những luận chứng trái ngược để cãi rằng câu chuyện ấy không có.

2- Về chỗ sau khi ông Mộng Châu, cột trụ chống của gia đình Tử mất, hai em Tử phải rời Qui Nhơn “tha phương cầu thực”, Quách tiên sinh viết: “Tha phương cầu thực nghĩa là quê người xin ăn, ông Trần Thanh Mại, một nhà viết văn đã lâu năm, không thể không hiểu ý nghĩa câu ấy!”. Không! Chính ông Quách Tấn, một nhà “làm thơ” càng lâu năm hơn, mới không hiểu ý nghĩa câu ấy đấy chứ. Chứ ông lấy ở đâu mà cắt nghĩa rằng “tha phương là quê người”, “tha phương” chỉ có nghĩa là “chốn khác”.

Chỉ có “tha hương” mới là “quê người”. Ông Quách Tấn đã hay lầm lỗi nghĩa chữ như vậy, sao đã vội cho người ta dốt? Thảo nào mà câu chuyện “Ô Y Hạng” nó đã bực mình cho Phan Khôi tiên sinh cùng Bách Thảo Sương tiên nữ!

“Cầu thực”, không bao giờ có nghĩa là “xin ăn”. Dễ thường Quách tiên sinh cho rằng “cầu thực” là “đi ăn mày” mất còn gì? Cầu thực chỉ có nghĩa là kiếm việc ăn để nuôi sống mình. Ở Qui Nhơn làm ăn không ra, phải dời đi Đà Lạt kiếm việc, và việc làm ấy chỉ đủ cung cho mình một lối sinh hoạt khiêm tốn, ấy thế là tha phương cầu thực rồi. Chưa biết chừng, Quách tiên sinh quê ở Bình Định, mà phải vào lập nghiệp ở Nha Trang, cũng là “tha phương cầu thực” cũng nên.

Sau cùng tiên sinh đem quyển sách ba trăm trang mà so với những bài báo mười hàng (tôi không kể về giá trị văn chương, chỉ nói về dung lượng mà thôi), tiên sinh cho rằng tôi chỉ là người “hùn gió”, nào có công trạng tài năng gì mà kể, không thể “lấy thúng úp voi được”.

Ở đây tôi lại thấy tiên sinh lại dùng cái lối chạy quanh mà tiên sinh rất sở trường, cái lối trốn sự diễn tả trực tiếp bằng một câu tục ngữ vơ càn vét bậy.

Chớ ví dầu tôi có kể công với gia đình Hàn Mạc Tử, tôi vẫn không thấy trong sự ấy cái gì là “thúng”, cái gì là “voi”? Còn như cho tôi “chỉ là người hùn gió” tại vì lẽ tôi còn viết quyển sách ba trăm trang, trong khi đã có vài bài báo mươi hàng rải rác đăng trên đôi tờ báo đã chết ngủn tự bao giờ rồi, thì có khác nào lấy trận bão táp của trời đất sánh với hơi thở của một vài cái ruồi, cái muỗi, mà bảo rằng trận bão táp “chỉ là hùn gió” với hơi thở của cái muỗi cái ruồi! Nhưng Quách tiên sinh bấy lâu nay đã tỏ ra người bạ ăn bạ nói, có nói cái gì mà tiên sinh ngượng mồm?

Quách tiên sinh chỉ là một nhà thơ kiểu xưa, vụng dại thật thà lắm, cứ nên tiếp tục việc ngâm hoa vịnh nguyệt đi thì hơn, chứ không thể là địch thủ bút chiến chững chàng được. Nhưng nếu tiên sinh cứ mãi không biết phận, mà cứ tranh biện cùng tôi, tôi sẽ không dám từ nan. Trong sự con mèo vờn con chuột nhắt bao giờ cũng có một cái thú vị”…

Khác biệt với những tranh luận sôi động trên, Lương Đức thiệp trong Việt Nam thi ca luận (Khuê Văn xuất bản cục, H., 1942) nhấn mạnh vị thế và đặc điểm thơ Hàn Mặc Tử:

“Về xu hướng, dầu không thật rõ rệt, ta có thể gạt ông Hàn Mặc Tử về phái ông Chế Lan Viên. Ông Hàn Mặc Tử mà chúng ta thương khóc đáng nhẽ truyền sang được chúng ta những cảm giác kỳ lạ, ghê rợn, kinh hoàng…

Cái đau khổ ghê gớm của ông chưa đủ kết tinh trong ít nhiều “bài thơ” đã công bố trên mặt sách báo.

Một người thấy đổ vỡ chung quanh mình cả cái hy vọng về tương lai, một người mất hết cả tình yêu và gia đình, một người sống trơ trọi giữa một trại hủi nơi bãi bể, một người thấy cái chết chậm rãi nhưng chắc chắn giơ bàn tay xương băng giá, giương cặp mắt không động sâu thẳm như muôn vực đêm dầy, nhe hai hàm răng trắng ghê rợn, lắc rắc lê bộ xương khô đến cấu dần từng mảnh thịt mình, rút tóp dần, bẻ gãy dần từng đốt ngón chân, ngón tay mình, hút tẹt cả sống mũi thối rỗng của mình, bứt dần từng sợi tóc của mình, một người cảm thấy cái chết gặm nhấm từng tế bào một trong cơ thể mình, đem dội từng tia tử khí trong mạch máu mình, giữa trái tim mình, một người – hơn nữa một thi sĩ – lại mắc bệnh rùng rợn như bệnh phong, nó phá hủy cả cuộc sống của mình, mà không trút được – bằng một giọng xiết bao ảo não – cả nguồn cảm giác đê mê, tê tái, lạ kỳ nó sùng sục trong xác thịt ê chề của mình, sang thơ, thật là một thiệt thòi lớn cho nghệ thuật.

Trong ít bài thơ của ông, ta có cái cảm giác những lời mê loạn của một bệnh nhân nói qua cơn sốt rét hay qua giấc ngủ mỏng manh:

… Tình đã húp sao ý vẫn còn sưng,

Sao giấy lại tháo mồ hôi ra thế?

… Thịt da tôi sượng sần và tê điến,

Tôi đau vì rùng rợn đến vô biên…

Dây thần kinh trong ông đã tê liệt, chừng não cầu nơi ông đang bị vi trùng bệnh phong tàn phá dữ dội. Cơn kịch bệnh đến, ông chỉ phát ra được những tiếng như vẳng tự trong vực sâu tiềm thức:

Gió rít từ cao trăng ngã ngửa,

Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô.

Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy,

Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra!

… Trăng vàng, trăng ngọc bán sao đang,

Trăng! Trăng! Trăng! là Trăng! Trăng! Trăng!

Trăng mới là trăng của Rạng Ngời,

Trăng! Trăng! Trăng! là Trăng! Trăng! Trăng!

Nhưng thực ra những bài thơ “điên” hay những bài cấu tạo bằng tưởng tượng chỉ thành hình được trong lúc ông tỉnh thôi, nghĩa là giữa hai cơn kịch bệnh. Cái cảm giác xiết bao rùng rợn chỉ để lại đôi chút dấu vết trong tác phẩm của ông. Ông không truyền nổi nó sang được vần thơ! Xét toàn thể (qua ít nhiều bài thơ) người ta cũng cảm ngay được sản phẩm của ông còn nhiều “nhân tạo”. Khí thơ trong ông dẫu có dài nhưng tài nghệ của ông đã bất lực…

Chúng ta lấy bình tĩnh và công bằng mà kết luận: ông cũng chỉ là một thi sĩ bình thường. Ông chưa phải là một thi sĩ vĩ đại, dầu cái đau khổ của ông vĩ đại hơn hết tất cả đau khổ của bao thi sĩ từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây. Những thi phẩm của ông về trước thời kỳ ông lâm bệnh đã chứng tỏ điều nhận xét này. Thi phẩm gần đây của ông cũng không phản đối điều ấy.

Biết qua thân thế của ông, biết đến bệnh hoạn ông, ai không ngậm ngùi. Nhưng định giá trị ông – tức định giá trị nghệ thuật – ta phải vô tư. Nghĩa bạn bè, cảm tình cá nhân đặt vào đây không phải chỗ. Nhu cảm không giúp ta nhìn rõ sự thực. Và, chỉ sự định giá được xác đáng về ông mới nâng nổi giá trị ông lên thôi”…

Tiếp đến Hoài Thanh – Hoài Chân trong công trình tổng thành Thi nhân Việt Nam (Nguyễn Đức Phiên xuất bản, Huế, 1942) đã tuyển in 7 bài thơ của Hàn Mặc Tử (đồng hạng với Thế Lữ, Nam Trân). Trong phần giới thiệu, hai ông có thêm chú thích ý nghĩa tên tác giả: “Hai chữ “hàn mạc” trong tự điển không có, chỉ có “hàn mặc” nghĩa là văn chương”, từ đó đi sâu phân tích, lý giải:

“Tôi đã nghe người ta mạt sát Hàn Mạc Tử nhiều lắm. Có người bảo: “Hàn Mạc Tử? Thơ với thẩn gì! Toàn nói nhảm”. Có người còn nghiêm khắc hơn nữa: “Thơ gì mà rắc rối thế! Mình tưởng có ý nghĩa khuất khúc, cứ đọc đi đọc lại hoài, thì ra nó lừa mình!”. Xuân Diệu có lẽ cũng nghĩ đến Hàn Mạc Tử trong khi viết đoạn này: “Hãy so sánh thái độ can đảm kia (thái độ những nhà chân thi sĩ) với những cách đột nhiên mà khóc, đột nhiên mà cười, chân vừa nhảy, miệng vừa kêu: Tôi điên đây! Tôi điên đây! – Điên cũng không dễ làm như người ta tưởng đâu. Nếu không biết điên, tốt hơn là cứ tỉnh táo như thường mà yên lặng sống” (Thơ của người. Ngày nay, ra ngày 7-8-1938).

Nhưng tôi cũng đã nghe những người ca tụng Hàn Mạc Tử. Trong ý họ, thi ca Việt Nam chỉ có Hàn Mạc Tử. Bao nhiêu thơ Hàn Mạc Tử làm ra họ đều chép lại và thuộc hết. Mà thuộc hết thơ Hàn Mạc Tử đâu có phải chuyện dễ. Đã khúc mắc mà lại nhiều: tất cả đến sáu bảy tập. Học thuộc hết và chọn những lúc đêm khuya thanh vắng họ sẽ cao giọng, ngâm một mình. Bài thơ đã biến thành bài kinh và người thơ đã trở nên một vị giáo chủ. Chế Lan Viên nói quả quyết: “Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ tan đi, và còn lại của cái thời kỳ này, chút gì đáng kể đó là Hàn Mạc Tử” (Người mới, số 5, ra ngày 23-11-1940).

Ngót một tháng trời tôi đã đọc thơ Hàn Mạc Tử (Do Ô. Trần Thanh Địch cho mượn). Tôi đã theo Hàn Mạc Tử từ lối thơ Đường đến vở kịch bằng thơ Quần tiên hội. Và tôi đã mệt lả. Chính như lời Hàn Mạc Tử nói trong bài tựa Thơ điên, vườn thơ của người rộng rinh không bờ bến, càng đi xa càng ớn lạnh.

Bây giờ đã ra khỏi cái thế giới kỳ dị ấy và đã trở về với cuộc đời tầm thường mà ý nhị, tôi thử xếp đặt lại những cảm tưởng hỗn độn của tôi.

THƠ ĐƯỜNG LUẬT. – Theo Ô. Quách Tấn (Người mới, số 6, ra ngày 30-11-1940), Phan Sào Nam hồi trước xem thơ Đường luật Hàn Mạc Tử có viết trên báo đại khái nói: “Từ về nước đến nay, tôi được xem thơ quốc âm cũng khá nhiều, song chưa gặp được bài nào hay đến thế (Chỉ ba bài Thức khuya, Chùa hoang, Gái ở chùa của Hàn Mạc Tử mà Phan Sào Nam đã họa lại cả ba)… Ôi hồng nam nhạn bắc, ước ao có ngày gặp gỡ để bắt tay nhau cười lên một tiếng lớn ấy là thỏa hồn thơ đó”. Thơ Đường luật Hàn Mạc Tử làm ra nhiều nhưng bị thất lạc gần hết, tôi không được xem mấy bài. Song trong những bài tôi được xem tôi cũng đã gặp ít câu hay, chẳng hạn như:

Nằm gắng đã không thành mộng được

Ngâm tràn cho đỡ chút buồn thôi.

Dầu sao tôi vẫn nghĩ cái khuôn khổ bó buộc của luật Đường có lẽ không tiện cho sự nảy nở một nguồn thơ dào dạt và lạ lùng như nguồn thơ Hàn Mạc Tử.

GÁI QUÊ. – Nhiều bài có thể là của ai cũng được. Còn thì tả tình quê trong cảnh quê. Lời thơ dễ dàng, tứ thơ bình dị. Nhưng tình ở đây không có cái vẻ mơ màng thanh sạch như mối tình ta vẫn quen đặt vào trong khung cảnh những vườn tre, những đồi thông. Ấy là một thứ tình nồng nàn, lơi lả, rạo rực, đầy hình ảnh khêu gợi. Ô. Phạm Văn Ký đề tựa tập thơ ấy là phải lắm: Gái quêUne voix sur la voie đều bắt nguồn trong tình dục.

THƠ ĐIÊN. – Thơ điên gồm có ba tập:

1) Hương thơm.

2) Mật đắng.

3) Máu cuồng và hồn điên.

HƯƠNG THƠM. – Ta bắt đầu bước vào một nơi ánh trăng, ánh nắng, tình yêu và cả người yêu đều như muốn biến ra hương khói. Một trời tình ái mới dựng lên đâu đây. Tuy có đôi vần đẹp, cảm giác chung nhạt tẻ thế nào.

MẬT ĐẮNG. – Ta vẫn đi trong mờ mờ. Nhưng thỉnh thoảng một luồng sáng lạ chói cả mắt. Nguồn sáng tỏa ra từ một linh hồn vô cùng khổ não. Ta bắt gặp dấu tích còn hoi hóp của một tình duyên vừa chết yểu. Thất vọng trong tình yêu, chuyện ấy trong thơ ta không thiếu gì, nhưng thường là một thứ buồn dầu có thấm thía vẫn dịu dịu. Chỉ trong thơ Hàn Mạc Tử mới thấy một nỗi đau thương mãnh liệt như thế. Lời thơ như dính máu.

MÁU CUỒNG VÀ HỒN ĐIÊN. – Đến đây ta đã hoàn toàn ra khỏi cái thế giới thực và cả thế giới mộng của ta. Xa lắm rồi. Ta thấy những gì chung quanh ta? Trăng, toàn trăng, một ánh trăng gắt gao, ghê tởm, linh động như một người hay đúng hơn như một yêu tinh. Trăng ở đây cũng ghen, cũng giận, cũng cay nghiệt, cũng trơ tráo và cũng náo nức dục tình. Hàn Mạc Tử đi trong trăng, há miệng cho máu tung ra làm biển cả, cho hồn văng ra, và rú lên những tiếng ghê người… Ta rùng mình, ngơ ngác, ta đã lục lọi khắp trong đáy lòng ta, ta không thấy có tí gì giống cái cảnh trước mắt. Trời đất này thực của riêng Hàn Mạc Tử ta không hiểu được và chắc cũng không bao giờ ai hiểu được. Nghĩ thế ta bỗng thương con người cô độc. Đã cô độc ở kiếp này và e còn cô độc đến muôn kiếp. Hàn Mạc Tử chắc cũng biết thế nên lúc sinh thời người đã nguyền với Chúa sẽ không bao giờ cho xuất bản Thơ điên. Một tác phẩm như thế, ta không có thể nói hay hay dở, nó đã ra ngoài vòng nhân gian, nhân gian không có quyền phê phán. Ta chỉ biết trong văn thơ cổ kim không có gì kinh dị hơn. Ta chỉ biết ta đương đứng trước một người sượng sần vì bệnh hoạn, điên cuồng vì đã quá đau khổ trong tình yêu. Cuộc tình duyên ra đời với tập Hương thơm, hấp hối với tập Mật đắng, đến đây thì đã chết thiệt rồi, nhưng khí lạnh còn tỏa lên nghi ngút.

Một nhà chuyên môn nghiên cứu những trạng thái kỳ dị của tâm linh người ta xem tập Máu cuồngHồn điên có lẽ sẽ lượm được nhiều tài liệu hơn một nhà phê bình văn nghệ. Tuy thế, đây đó ta gặp những câu rất hay.

Như tả cảnh đồi núi một đêm trăng, có câu:

Ngả nghiêng đồi cao bọc trăng ngủ

Đầy mình lốm đốm những hào quang.

Lên chơi trăng, có câu:

Ta bay lên! Ta bay lên!

Gió tiễn đưa ta tới nguyệt thiềm.

Ta ở cõi cao nhìn trở xuống:

Lâng lâng mây khói quyện trăng đêm.

Đọc những câu ấy có cái thú vị ở xứ lạ gặp người quen, vì đó là những cảm giác ta có thể có. Lại có khi những cảm giác ở ta rất thường mà trong trí Hàn Mạc Tử rất dễ sợ. Một đám mây in hình dưới dòng nước, thành ra:

Mây chết đuối ở dòng sông vắng lặng

Trôi thây về xa tận cõi vô biên.

Cái ý muốn mượn lời thơ để tả tâm sự mình cũng trở nên điên cuồng và đau đớn dị thường:

Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút;

Mỗi lời thơ đều dính não cân ta.

Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt,

Như mê man chết điếng cả làn da.

Cứ để ta ngất ngư trong vũng huyết,

Trải niềm đau trên mảnh giấy mong manh;

Đừng nắm lại nguồn thơ ta đương siết,

Cả lòng ta trong mớ chữ rung rinh.

Tôi chỉ trích ra vài đoạn có thể thích được. Còn bao nhiêu đoạn nữa tuy ta không thích vì nó không có gì hợp với lòng ta, nhưng ta cũng biết rằng với Hàn Mạc Tử hẳn là những câu tuyệt diệu. Nó đã tả đúng tâm trạng của tác giả. Lời thơ có vẻ thành thực, thiết tha lắm.

XUÂN NHƯ Ý. – Mùa xuân Hàn Mạc Tử nói đây có khi ở đâu hồi trời đất mới dựng lên, có khi ra đời một lần với chúa Jésus, có khi hình như chỉ là mùa xuân đầu năm. Nhưng dầu sao cũng không phải là một mùa xuân thường với những màu sắc, những hình dáng ta vẫn quen biết. Đây là một mùa xuân trong tưởng tượng, một mùa xuân theo ý muốn của thi nhân, đầy dẫy những lời kinh cầu nguyện, những hương đức hạnh, hoa phẩm tiết, nhạc thiêng liêng, cùng ánh trăng, ánh thơ. Nhất là ánh thơ. Với Hàn Mạc Tử thơ có một sự quan hệ phi thường. Thơ chẳng những để ca tụng Thượng đế mà cũng để nối người ta với Thượng đế, để ban ơn phước cho cả và thiên hạ. Cho nên mỗi lần thi sĩ há miệng – sao lại há miệng? – cho thơ trào ra, là chín từng mây náo động, muôn vì tinh tú xôn xao. Người ta sẽ thấy:

Đường thơ bay sáng láng như sao sa

Trên lụa trắng mười hai hàng chữ ngọc

Thêu như thêu rồng phượng kết tinh hoa.

Hình như trong các thi phẩm xưa nay có tính cách tôn giáo không có gì giống như vậy.

Hàn Mạc Tử đã dựng riêng một ngôi đền để thờ Chúa. Thiếu lòng tin, tôi chỉ là một du khách bỡ ngỡ không thể cùng quỳ lạy với thi nhân. Nhưng lòng tôi có dửng dưng, trí tôi làm sao không ngợp vì cái vẻ huy hoàng, trang trọng, linh lung, huyền ảo của lâu đài kia? Có những câu thơ đẹp một cách lạ lùng, đọc lên như rưới vào hồn một nguồn sáng láng. Xuân như ý rõ ràng là tập thơ hay nhất của Hàn Mạc Tử.

Với Hàn Mạc Tử Chúa gần lắm. Người đã tìm lại những rung cảm mạnh mẽ của các tín đồ đời Thượng cổ. Ta thấy phảng phất cái không khí Athalie. Cho nên mặc dầu thỉnh thoảng còn sót lại một hai dấu tích Phật giáo, chắc những người đồng đạo chẳng vì thế mà làm khó dễ chi với dị thảo của thi nhân.

Huống chi thơ Hàn Mạc Tử ra đời, điều ấy chứng minh rằng đạo Thiên chúa ở xứ này đã tạo ra một cái không khí có thể kết tinh lại thành thơ. Tôi tin rằng chỉ những tình cảm có thể diễn ra thơ mới thiệt là những tình cảm đã thấm tận đáy hồn đoàn thể.

THƯỢNG THANH KHÍ. – Một vài bài đặc sắc ghi lại những cảnh đã thấy trong chiêm bao, ở đâu giữa khoảng các vì tinh tú trên kia. Đại khái không khác cảnh Xuân như ý mấy, chỉ thiếu tính cách tôn giáo. Huyền bí nhưng không thiêng liêng.

CẨM CHÂU DUYÊN. – Một hai năm trước khi mất, sự tình cờ đưa đến trong đời Hàn Mạc Tử hình ảnh một giai nhân có cái tên khả ái: nàng Thương Thương. Nàng Thương Thương có lẽ chỉ yêu thơ Hàn Mạc Tử và Hàn Mạc Tử hình như cũng không biết gì hơn hai chữ Thương Thương. Nhưng như thế cũng đủ để thi nhân đưa nàng vào “tháp thơ”. Nàng sẽ luôn luôn đi về trong những giấc mơ của người. Có khi người mơ thấy mình là Tư Mã Tương Như đương nghe lời Trác Văn Quân năn nỉ:

Đã mê rồi! Tư Mã chàng ôi!

Người thiếp lao đao sượng cả người.

Ôi! Ôi! Hãm bớt cung cầm lại,

Lòng say đôi má cũng say thôi.

Song những phút mơ khoái lạc ấy có được là bao. Tỉnh dậy, người thấy:

Sao trìu mến thân yêu đâu vắng cả?

Trơ vơ buồn và không biết kêu ai!

Bức thư kia sao chẳng viết cho dài,

Thơ khăng khít nồng nàn thêm chút nữa.

Ta tưởng nghe lời than của Huy Cận.

Nhưng cuộc đời đau thương kia đã đến lúc tàn, và nguồn thơ kia cũng đã đến lúc cạn. Hàn Mạc Tử chốc chốc lại ra ngoài biên giới thơ, lạc vào thế giới đồng bóng.

DUYÊN KỲ NGỘ QUẦN TIÊN HỘI – Mối tình đối với nàng Thương Thương còn khiến Hàn Mạc Tử viết ra hai vở kịch bằng thơ này nữa. Quần tiên hội viết chưa xong và không có gì. Duyên kỳ ngộ hay hơn nhiều. Đây là một giấc mơ tình ái, ngắn ngủi nhưng xinh tươi, đặt vào một khung cảnh tuyệt diệu. Thi nhân dẫn ta đến một chốn nước non thanh sạch chưa từng in dấu chân người. Ở đó tiếng chim hót, tiếng suối reo, tiếng tiêu ngân đều biến thành những lời thơ tình tứ. Ở đó Hàn Mạc Tử sẽ gặp Thương Thương mà người không mong được gặp ở kiếp này. Nàng sẽ nói với người những lời nồng nàn âu yếm khiến chim nước đều say sưa. Nhưng rồi người sẽ cùng tiếng tiêu cùng đi như vụt nhớ đến cái nghiệp nặng nề đương chờ người nơi trần thế. Và giữa lúc nàng gục đầu khóc, cảnh tiên lại rộn rã tiếng suối ca.

Trong thi phẩm Hàn Mạc Tử có lẽ tập này là trong trẻo hơn cả. Còn từ thơ Đường luật với những câu:

Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối;

Gió thu lọt cửa cọ mài chăn.

cho đến Gái quê, Thơ điên, Xuân như ý và các tập khác, lời thơ thường vẩn đục.

Tôi đã nói đến cảm tưởng của tôi trong lúc đọc thơ Hàn Mạc Tử. Không có bao giờ tôi thấy cái việc phê bình thơ tàn ác như lúc này. Tôi nghĩ đến người đã sống trong một túp lều tranh phải lấy bì thư và giấy nhựt trình che mái nhà cho đỡ dột. Mỗi bữa cơm đưa đến người không sao nuốt được vì ăn khổ quá. Cảnh cơ hàn ấy và chứng bệnh kinh khủng đã bắt người chịu bao nhiêu phũ phàng, bao nhiêu ruồng rẫy. Sau cùng người bị vứt hẳn ra ngoài cuộc đời, bị giữ riêng một nơi, xa hết thảy mọi người thân thích. Tôi nghĩ đến bao nhiêu năm người bó tay nhìn cả thể phách lẫn linh hồn cùng tan rã…

Một người đau khổ nhường ấy, lúc sống ta hững hờ bỏ quên, bây giờ mất rồi ta xúm lại kẻ chê người khen. Chê hay khen tôi đều thấy có gì bất nhẫn”…

Một năm sau, trong mục từ Hàn Mạc Tử (Nguyễn Trọng Trí) ở sách Nhà văn hiện đại, Quyển ba (NXB Tân dân, H., 1943), nhà phê bình Vũ Ngọc Phan trân trọng ghi nhận:

“Từ ngày Hàn Mạc Tử từ trần đến nay, mới trong khoảng hai năm trời, mà người ta đã nói rất nhiều và viết rất nhiều về Hàn Mạc Tử. Chứng bệnh của thi sĩ, cuộc đời đầy đau thương của thi sĩ, lời thơ thành thực của ông, khi nghẹn ngào, khi hoạt bát, nhưng bao giờ cũng chứa chan tình tứ hay một tin tưởng cao xa, đã làm cho nhiều người chú ý đến đời ông và thơ ông.

Song dư luận bao giờ cũng rất kỳ, đã chú ý đến người và đến thơ thì dư luận gần như trộn lẫn người với thơ làm một. Cho nên nói một cách công bằng, thì gần đây, “người” của Hàn Mạc Tử đã làm quảng cáo cho thơ của Hàn Mạc Tử rất nhiều. Đến nỗi về ông, người ta đã viết một giọng say sưa, ông là một thi sĩ mà trên thế giới không một thi sĩ nào sánh kịp!

Vậy thơ của Hàn Mạc Tử như thế nào? Thơ ông gồm những bài Đường luật đã đăng báo, tập Gái quê (1936) và những thơ ở mấy tập ông chưa xuất bản lúc sinh thời, bây giờ người ta lựa chọn vào một tập, tập Thơ Hàn Mạc Tử.

Cũng như Thế Lữ, Hàn Mạc Tử là một thi sĩ luôn luôn ca ngợi ái tình, nhưng cái quan niệm về tình yêu của Hàn Mạc Tử không được thanh cao như của Thế Lữ. Cái tình yêu của Hàn Mạc Tử tuy diễn ra trong tập Gái quê còn ngập ngừng, nhưng đã bắt đầu thiên về xác thịt:

Tiếng ca ngắt. Cành lá rung rinh…

Một nường con gái trông xinh xinh…

Ống quần vo xắn lên đầu gối,

Da thịt, trời ơi! Trắng rợn mình…

(Nụ cười, Gái quê, tr.7)

Sự gợi tình ấy, không phải chỉ do ở người con gái xinh đẹp. Theo tưởng tượng và nhờ sự cảm thông của Hàn Mạc Tử với muôn vật trong trời đất, ngọn gió thoảng qua cũng rất có tình, cho nên ông mới đặt vào miệng một cái có chồng những lời lo sợ tình tứ sau này:

… Vô tình để gió hôn trên má,

Bẽn lẽn làm sao, lúc nửa đêm…

Em sợ lang quân em biết được,

Nghi ngờ tới cái tiết trinh em…

(Bẽn lẽnGái quê, tr.10)

Đến bài Hát giã gạo (Gái quê, tr.31) của ông thì lời suồng sã quá, thứ tình yêu ở đây đặc vật chất, làm cho người ta phải lợm giọng.

Nhưng đây mới thật là mối tình man mác, mối tình quê, mối tình ở nơi đồng ruộng. Tôi lấy làm lạ rằng sao từ bài Hát giã gạo mà tác giả lại lên tới được sự tuyệt vời như thế. Bài Tình quê (tr.35) tỏ ra ông có một hồn thơ thật là đầy đủ, trái hẳn với bài Hát giã gạo là một bài tỏ ra tác giả là một người dễ sa ngã, đắm đuối.

Hãy nghe bài Tình quê để thưởng thức lấy cái nhạc điệu êm ái và những lời rất ý nhị, nhẹ nhàng:

Trước sân anh thơ thẩn,

Đăm đăm trông nhạn về;

Mây chiều còn phiêu bạt,

Lang thang trên đồi quê;

Gió chiều quên ngừng lại;

Giòng nước luôn trôi đi…

Đối với một thi sĩ đã có một bài thơ mà nhạc điệu du dương đến như thế, không ai lấy làm lạ khi thấy thi sĩ ấy là tác giả nhiều bài Đường luật rất già giặn. Hãy nghe bài này trong quyển Thơ Hàn Mạc Tử:

Buồn thu

Ấp úng không ra được nửa lời,

Tình thu bi thiết lắm, thu ơi!

Vội vàng cánh nhạn bay đi trớt,

Hiu hắt hơi may thoảng lại rồi…

Nằm gắng đã không thành mộng được,

Ngâm tràn cho đỡ chút buồn thôi.

Ngàn trùng bóng liễu trông xanh ngắt,

Chỉ có thông kia chịu với trời.

Thật là những lời sầu não và đầy tình tứ, ai có thể tưởng thi sĩ là một nhà Tây học? Câu hai thảm thiết và giọng còn ra vẻ một người thiếu niên, còn toàn bài lời chín chắn chẳng khác nào lời một vị lão nho.

Thơ Đường luật của Hàn Mạc Tử không phải bài nào cũng được toàn bích như bài trên này. Nhiều bài ý cũng rất sáo và phảng phất có cái giọng thời thế, nửa lối Tú Xương, nửa lối Thanh Quan. Thí dụ bài sau này đăng trong Phụ nữ tân văn (số 97 – 27 Aout 1931, trang 16) và ký tên là P.T. (Qui Nhơn) (Nguyễn Trọng Trí còn có biệt hiệu là Phong Trần (tức P.T.) và một biệt hiệu nữa là Lệ Thanh, trước khi lấy biệt hiệu là Hàn Mạc Tử ):

Chùa hoang

Mái sụp, tường xiêu, khách ngẩn ngơ,

Hỏi thăm duyên cớ, Phật làm lơ!

Vắng sư bụt đá toan hồi tục,

Lạnh khói hương cây sắp thoát chùa.

Hoành cổ nhện giăng treo lỏng chỏng,

Bình phong rêu bám đứng chơ vơ.

Tiếng chuông tế độ rày đâu tá?

Để khách trầm luân luống đợi chờ!

Thơ Hàn Mạc Tử hồi đầu như thế, mà chỉ bảy tám năm sau đã thay đổi hẳn, thay đổi cả ý lẫn lời. Trong thời kỳ đổi mới này, ông soạn được rất nhiều thơ và chia ra nhiều tập: Thơ Điên, Xuân như ý, Thượng Thanh khí, Cẩm châu duyên, Duyên kỳ ngộ và Quần tiên hội.

Những thơ ở mấy tập trên này có một ít bài đã đăng rải rác trong mấy tờ báo trong Nam, còn phần nhiều chưa xuất bản. Tôi sở dĩ biết được một ít thơ trong những tập chưa xuất bản trên này là xem những bài trích lục trong quyển Hàn Mạc Tử của Trần Thanh Mại, tập Thơ Hàn Mạc Tử do Đông Phương (Sài Gòn) xuất bản và trong Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh.

Những người ác cảm với thơ của Hàn Mạc Tử coi hầu hết thơ mới của Hàn đều là “thơ điên” cả, tuy Hàn chỉ có một tập mang cái nhan này, vả ý nghĩa cũng khác, không phải “điên” như người ta đã tưởng.

Tuy vậy, những người không ưa thơ Hàn Mạc Tử cũng không phải hoàn toàn vô lý. Trong cái thời kỳ thơ Hàn đổi mới thì “con người” của Hàn cũng thay đổi vì bệnh hoạn. Bởi thế, lời thơ ông, ý thơ ông, nhiều lúc thật dị kỳ. Hãy nghe:

Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút,

Mỗi lời thơ đều dính não cân ta,

Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt,

Cho mê man chết điếng cả làn da.

Cứ để ta ngất ngư trong vũng huyết,

Trải niềm đau trên mảnh giấy mong manh,

Đừng nắm lại nguồn thơ ta đang siết,

Cả lòng ai trong mớ chữ rung rinh…

(Rướm máu “Đau thương”Hàn Mạc Tử, tr.77)

Thật là những giọng ghê gớm, những giòng tưởng như sắp gây án mạng dưới mắt người đọc. Nhưng cũng chưa ghê gớm bằng những giòng sau này:

Gió rít từng cao trăng ngã ngửa,

Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô,

Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy,

Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra.

(Say trăng “Đau thương”Hàn Mạc Tử, tr.84)

Người ta thấy bệnh phong đã ảnh hưởng đến tư tưởng Hàn Mạc Tử đến thế nào. Thi sĩ bị rặt những cảnh chết rùng rợn ám ảnh, nên trí não không còn bình thường nữa.

Lúc nào ông cũng nhìn thấy máu; đến nỗi đối với một bài thơ của người yêu gửi cho, ông cũng viết:

… Bởi vì mê mẩn, vì khoan khoái,

Anh cắn lời thơ để máu trào…

(Hàn Mạc Tử, tr.142)

Xác thịt ông bị cắn rứt quá, nên hình như ông đã cố gắng sống vớt vát lại cho nhiều hơn trong phần hồn. Bài Hồn lìa khỏi xác trong tập Đau thương (Thơ Hàn Mạc Tử) của ông làm một bài mà ý và lời rất mạnh. Hãy đọc đoạn này:

Vì không giới, nơi trầm hương vắng lặng,

Nên hồn bay vùn vụt tới trăng sao,

Sóng gió nổi rùng rùng như địa chấn,

Và muôn vàn thần phách ngã lao đao…

… Hồn cảm thấy bùi ngùi như rớm lệ,

Thôi hồn ơi! Phiêu lạc đến bao giờ!

Thật là buồn thảm và lạnh lẽo vô cùng. Thật là lời của người nằm thiêm thiếp mơ màng trong những giờ hấp hối.

Nhưng không phải lúc nào ảnh hưởng của bệnh cũng làm cho ông muốn thoát ra ngoài xác thịt và chỉ thấy rặt những cái chết ghê sợ; ông cũng có những phút bình tĩnh để lắng tai nghe “những lời năn nỉ của hư vô”:

Đang khi mầu nhiệm phủ ban đêm,

Có thứ gì rơi giữa khoảng im,

Rơi tự thượng tầng không khí xuống,

Tiếng vang nhè nhẹ dội vào tim…

… Ánh trăng mỏng quá không che nổi,

Những vẻ xanh xao của mặt hồ;

Những nét buồn buồn tơ liễu rủ:

Những lời năn nỉ của hư vô.

(“Huyền ảo”Thơ Hàn Mạc Tử)

Lời thơ trong sáng, êm như ru; còn ý thơ nhẹ nhàng, man mác, tỏa ra như mây khói. Mà cảm động, huyền diệu biết bao. Tình tứ đến thế là cùng, cảm động đến thế là cùng. Một người mang bệnh rất đau đớn mà có một tâm thần thư thái, bình tĩnh như thế, thật là lạ.

Sự tín ngưỡng đã giúp sức cho Hàn Mạc Tử rất nhiều. Có lẽ ông là người Việt Nam ca ngợi thánh nữ đồng trinh Marie và chúa Jésus bằng thơ trước nhất. Ông ca tụng đạo Gia Tô một giọng rất chân thành, chẳng khác nào một thi sĩ Âu Tây. Lần này cũng là lần đầu, thi ca Việt Nam thấy được một nguồn hứng mới:

Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh!

Run như run thần tử thấy long nhan,

Run như run hơi thở chạm tơ vàng…

Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến…

(Thánh Nữ Đồng Trinh Maria, “Xuân Như ý” – Thơ Hàn Mạc Tử)

Thơ tôn giáo đã ra đời với Hàn Mạc Tử. Tôi dám chắc rồi đây còn nhiều thi sĩ Việt Nam sẽ tìm nguồn hứng trong đạo giáo và đưa thi ca vào con đường triết học, con đường rất mới, rất xa xăm, mà đến nay chưa mấy nhà thơ dám bước tới.

Hàn Mạc Tử có những thi hứng rất dồi dào, nhưng thơ ông phần nhiều khúc mắc, nhạc điệu trong thơ ông hình như không phải là phần quan hệ, lời thơ ông nhiều khi rất thô; bệnh ông lại làm cho ông có những ý tưởng khác thường, nên nhiều bài thơ của ông chỉ là những bằng chứng rất lạ cho những người muốn khảo sát một tâm trạng, một linh hồn đau khổ. Về sự thành thật, có lẽ Hàn Mạc Tử hơn hết cả các nhà thơ hiện đại. Cũng vì ông rất thành thật nên thơ ông theo sát hẳn tính tình cùng tư tưởng của ông; bên những bài tầm thường, người ta thấy dưới ngòi bút ông những tuyệt tác.

Nhân loại chả tạo nên bởi những cái hay và cái dở là gì?”…

Đến chặng đường cuối, trong bài viết Nhân đọc Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh – Hoài Chân (Tri tân, số 134, tháng 3-1944) có ý nghĩa như một lời góp ý, phản biện lại công trình tổng thành Thi nhân Việt Nam, nhà phê bình Kiều Thanh Quế tỏ ý không chấp thuận và không tiếp cận được với lời thơ tân kỳ kiểu Hàn Mặc Tử (bên cạnh cả Huy Cận, Chế Lan Viên):

“Trong số các nhà thơ có tên trong quyển Thi nhân Việt Nam, tuy cũng có người đáng lẽ không nên liệt vào – và đọc họ bao nhiêu lần tôi cũng không có được cảm giác nào rõ rệt cả – nhưng có hai thi sĩ làm tôi bực tức nhất là: Hàn Mặc Tử và Bích Khê. Cái chết của Hàn Mặc Tử đã ồn ào lắm. Và các nhà phê bình không phải đã khen thơ Hàn Mặc Tử một cách vu vơ… Nhưng nhà thơ ấy đã đưa ra nội một bài Ave Maria cũng đủ làm mất hết thiện cảm của tôi rồi. Tôi xin mời tất cả ai sáng suốt hiểu giùm tôi những câu này trong bài thơ quái dị ấy:

Như song lộc triều nguyên: ơn phước cả,

Dâng cao dâng thần nhạc sáng hơn trăng,

Thơm tho bay cho đến cõi Thiên Đàng,

Huyền diệu biến thành muôn kinh trọng thể

Và Tổng lãnh Thiên Thần quỳ lạy Mẹ,

Tung hô câu đường hạ ngớp châu sa

Hương xông lên lời ca ngợi sum hòa.

Trí miêu duệ của muôn vì rất thánh

Những mái giáo đường hình vòng cung không sao có được vang bóng trong tâm hồn tôi nó chỉ lấy dòng máu Việt Nam chảy trong huyết quản tôi mà cảm động trước cái mái chùa cổ cong vắt thôi. Đó là cảm tưởng của tôi sau khi đọc bài thơ quái dị trên của Hàn Mặc Tử…

… Thơ của Bích Khê, Hàn Mặc Tử đầy tưởng tượng. Nhưng các hình tượng, do óc tưởng tượng của hai ông tạo ra, rời rạc, vấp váp và rơi như lá vàng buổi chiều thu!

Tôi chỉ trọng sự tưởng tượng của thi sĩ Phan Ngọc Hoan núp dưới biệt hiệu Chế Lan Viên.

Thơ ca Việt Nam trong mười mấy năm gần đây đi từ cổ điển (với Tản Đà, Trần Tuấn Khải), trải qua lãng mạn (với Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận), sang tưởng tượng (Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên) rồi bây giờ đến tả chân (với Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ)”…

Trong tầm nhìn của người đương thời, Hàn Mặc Tử là “thiên tài” hay “bình thường”, hay chỉ là “tầm thường”, hay có thể là sự hòa trộn của cả ba dòng tầm mức tư chất ấy? Có người khen đến hết lời, có người chê đến tận độ và cũng có sự khen chê chừng mực hơn. Tựu trung có thể xác định dòng chủ lưu các ý kiến của người đương thời – người trong cuộc là ngợi ca, đánh giá cao năng lực cách tân và những sáng tạo mới mẻ của Hàn Mặc Tử. Ngay cả với những người chưa thật hiểu Hàn Mặc Tử, họ vẫn chấp nhận, ghi nhận và trân trọng những đóng góp của ông với nền phong trào Thơ mới 1932-1945.

PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn

Nguồn: Vanhocquenha.vn.