Trong số các nhà Thơ mới, có thể nói Đông Hồ (cùng với Mộng Tuyết) ở xa nhất, mãi vùng cửa bể biên viễn Hà Tiên.


Nữ sĩ Mộng Tuyết và Đông Hồ (ảnh Internet)

Ở quê nhà, ông lập Trí Đức học xá (1926-1934). Từ rất sớm ông đã cộng tác với các báo khắp trong Nam ngoài Bắc, làm thơ, viết văn, du ký, phê bình, khảo cứu in trên Nam phong, Phụ nữ tân văn, Trung Bắc tân văn, Đông Pháp thời báo, Kỳ Lân báo, Mai, Tri tân… và trực tiếp chủ trương báo Sống (Sài Gòn, 1935). Mùa thu năm 1939, Đông Hồ cùng vợ ra thăm Hà Nội nhân tác phẩm Phấn hương rừng của Mộng Tuyết được Tự lực văn đoàn khen tặng đặc biệt và gặp gỡ các danh sĩ Nguyễn Trọng Thuật, Quỳnh Dao, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Tuân… Đương thời ông cho in hai tập: Thơ Đông Hồ (Nam Kỳ thư quán xuất bản, H., 1932) và Cô gái xuân (Vị Giang văn khố Nam Định xuất bản, 1935), rồi được Tản Đà, Phan Văn Hùm, Nguyễn Xuân Huy, 13 chàng, Nàng Lê (Lê Tràng Kiều), Trần Thanh Mại, Hoài Thanh – Hoài Chân, Vũ Ngọc Phan, Thiếu Sơn… cùng quan tâm trao đổi, luận bàn.

Có thể xác định chắc chắn trước khi đưa in tập Thơ Đông Hồ (1932), tác giả có gửi thư nhờ Tản Đà đọc thẩm định và viết tựa cho thơ mình. Tản Đà – bậc trưởng lão (sinh 1889) hơn Đông Hồ (sinh 1906) đến 18 tuổi và đã nổi tiếng trên văn đàn nước Việt – lại khiêm nhường tỏ bày sau trước cái lý do không viết được bài tựa và niềm cảm thông, trân trọng bạn thơ phương xa. Từ Hà Nội, Tản Đà thận trọng viết Một bức thư trả lời người xa in trên An Nam tạp chí (số 35, tháng 12-1931). Trên thực tế, cũng có thể coi đây là một bài Tựa đặc biệt kiểu Tản Đà cho tập thơ của Đông Hồ:

“Kính ông Đông Hồ, Hà Tiên,

Tôi từ khi An Nam tạp chí lại được ra ở Hàng Khoai, ngoài nhờ cảm tình của các bạn độc giả vẫn có lòng tin yêu, trong nhờ các anh em đồng sự trông coi các công việc, tự mình chỉ muốn giữ một mục Văn đàn, chuyên tâm về thơ ca, lấy đó làm một chỗ để tu, ngày ngày vun xới các hoa, vui cùng các khách thập phương vậy. Các câu chuyện tùng tạp trong xã hội lâu nay không muốn biết đến nữa, vì cũng không muốn nói đến nữa, vì có nói liệu cũng chẳng có ích gì đến ai. Việc đời như nước trôi, nó đi như sao, nó cứ đi như thế vậy. Đã nghĩ vậy mà lại không được hẳn như thế, thời vì cái thân ở vào ngay giữa chỗ ngôn luận, những sự trái tai ngang mắt ngày ngày đưa đến tận nơi; mình đối với tờ tạp chí An Nam lại là hơi có chút địa vị, không nhẽ chỉ ngồi mà làm thơ, cho nên lại phải nhiều lúc phải cầm bút để viết; đã cầm bút viết một bài nói trong tập báo, không thể rằng giữ hết mà toàn không nói động đến ai. Trước khi viết mà bất đắc dĩ phải có nói động đến ai, thực có riêng vô lượng đê hồi, tâm sự ấy khó cùng ai giãi tỏ.

Thế nhưng, đã là người trong báo giới, thời phải làm việc trong báo giới; trình độ báo giới của nước nhà hiện nay mới đến có như thế, thời phàm là người trong báo giới, trình độ cũng đều mới đến có như thế, cũng không cần phân biệt ai với ai như sao. Cứ như lời trong nguyên thư của Tiên sinh, kể cũng hơi là đa sự…

Trong thư Tiên sinh có bảo tôi gửi cho bức ảnh, tôi xem đến chỗ đó lại nhớ đến người đời xưa cùng ngồi đối nhau mà có câu: Hà tất kiến ngô diện (Cần gì phải trông thấy mặt tôi). Hai người cùng ngồi đối nhau mà không cần trông thấy mặt, huống chi ngoài nghìn dặm, sao Tiên sinh cần vậy làm chi!

Tôi từ năm 22 tuổi trở về sau tới nay, không có chụp ra cái ảnh nào cả; cái ảnh đã chụp năm 21 tuổi mà có bài đề ảnh còn lại, thời mờ nát đã lâu. Trong khi tôi ra tạp chí ở Bờ Hồ, có tiếp bức thư của một cô nữ học sinh ở Huế, người Quảng Điền, có nói chuyện muốn tôi gửi cho một bức ảnh, trong khi đó tôi chưa có trả lời. Lại thấy ở lời thư, cô nữ học sinh ấy nói chuyện rằng: có người trỏ cho cô ta một bức ảnh ở trong một hiệu buôn ở Nha Trang mà bảo là ảnh tôi. Câu chuyện thật buồn cười! Tôi có từng qua lại Nha Trang nhiều lần, thường ở chơi Mộng Lương thư quán là chỗ hiệu bán sách và chụp ảnh; song mà chưa từng có ảnh để lại đó bao giờ. Vậy thời câu chuyện ai nói đó, chẳng qua là một sự khôi hài; mà cô nữ học sinh trường Huế là ai, có lẽ vẫn bán tín bán nghi từ ấy đến bây giờ.

Tôi nghĩ như một sự chụp ảnh chẳng qua là muốn truyền ra một bức dáng điệu và tinh thần. Tinh thần có truyền được hay không, thời về phần ít; dáng điệu mà truyền được thời phần nhiều. Cứ như tôi thì dáng điệu và tinh thần trong khoảng mười năm nay đã gửi cả ở cái hình vẽ “người gánh” in ở sau bìa An Nam tạp chí trong lúc in ra ở Hàng Lọng và sau các bìa sách của Tản Đà thư cục mới in ra đây, tức là có một tôi ở bên chỗ ngồi; nếu lại mua cho một quyển nữa, tức là có hai tôi ở bên chỗ ngồi… Trà dư tửu hậu, nguyệt bạch phong thanh, tưởng đối nhau cũng là đủ; can chi phải cần một cái dáng điệu do phong trần bôn tẩu, ưu tư trác phạt, mà hôm mai đổi khác, tháng ngày suy hủ mãi ru?

Trong thư Tiên sinh lại có nói chuyện muốn đưa cho tôi coi lại tập thơ và viết một bài tựa, chỗ đó càng tỏ rằng Tiên sinh có lòng quá yêu; song về phần tôi nghĩ thực khó biết đối phó.

Nếu đã nhận tập thơ của Tiên sinh gửi đến, không nhẽ cẩu thả mà coi đi cho qua; nếu coi cho được tường tế để bàn cùng Tiên sinh chữ kém câu hơn, thời không phải dùng ít thì giờ có thể đủ. Nếu nhận mà để đó, thủng thẳng xem thời lại chậm sự xuất bản, thành ra lại chỉ là có lỗi. Như mà bây giờ nhận lời của Tiên sinh, nhất thời không tiện cho phần tôi. Lại nếu mà không nhận, thời người xử trí như thế dễ lắm, cho thấy chỉ là kẻ bạc đãi với người xa. Vậy thời không nhận lời của Tiên sinh cũng là không thỏa cho phần tôi. Cho nên tôi lấy làm một sự khó đối phó.

Hãy nói như nhận tập thơ để coi lại để cùng Tiên sinh đàm luận riêng, còn tự nghĩ lấy làm khó. Lại như viết bài Tựa, tức là biểu ra với một phần công chúng, nghĩ lại là khó thay! Nếu nhận lời của Tiên sinh, thời chỉ là tự đem lấy cái khó vào mình; nếu không nhận lời của Tiên sinh thời lại là cô phụ thịnh tình mà không lấy chi đối đãi với người xa vậy. Nhận không dám nhận, chối không dám chối, vậy thời có trả lời cũng như không trả lời. Tuy vậy mà có trả lời vẫn hơn không, hơn vì không phải vô tâm với bức thư gửi lại ấy.

Nay xin Tiên sinh hãy tạm biết cho là tôi đối với bức thư của Tiên sinh thật không phải dám là vô tâm; về phần tôi cũng được yên tâm rằng thực đã có một bức thư trả lời người xa.

Mây nước tuy xa, tháng ngày còn rộng; ngư nhàn lai vãng, trên văn đàn còn nhiều lúc gặp nhau.

Kính chúc Tiên sinh an hảo.

Nguyễn Khắc Hiếu bái phục“.

Thế rồi vào năm trước khi in Cô gái xuân (1935), Đông Hồ viết bài Nguồn thi cảm mới giới thiệu hai bài thơ nói là của ông Xuân Giang (kỳ thực là thơ mình) trên báo Việt dân số ra ngày 7-4-1934. Chẳng ngờ, bình giả Phan Văn Hùm “cắn câu’’ viết bài Thảo luận về Nguồn thi cảm mới trao đổi lại trên Phụ nữ tân văn (số 240, ra ngày 3-5-1934) – sau được Kiều Thanh Quế tuyển in trong Phê bình văn học (NXB Tân Việt, H., 1942) – đi sâu phân tích cả phương diện “biệt tài“ cũng như chỗ “sơ lậu“ ở hai bài thơ của thi sĩ Đông Hồ (Xuân Giang):

“Hai bài: 1) Cái hôn lần đầu, 2) Cô gái xuân – trích tập thơ này đăng ở báo Việt dân, có cái giọng thật là mới mẻ. Tôi không ngại gì mà không thú thật rằng khi đọc qua, ngẫm lại tôi đã buông ra lời: “In giọng Sully Prud’ home”: Nhưng mà đó là cái ý riêng của tôi, không đủ khinh trọng.

Ở đây tôi muốn dẹp lại những vấn đề lý luận cùng học phái. Tôi không muốn động đến vấn đề thơ cũ thơ mới, dẫu cho tôi hết sức hoan nghinh lối thơ sau, hết sức hoan nghinh “bát bất chủ nghĩa” của Hồ Thích, hết sức hoan nghinh tập Les douze poètes của bộ tùng thơ Horizon.

Tôi chỉ muốn đứng về phương diện nghệ thuật (art). Không, tôi còn muốn thâu hẹp ranh rấp hơn nữa; tôi chỉ muốn đứng về phương diện kỹ thuật (point de vue de la technique), muốn vào trong công trường (atelier), vào trong trung điện mật nhiệm của nhà nghề, để xem cái tay thợ đương kiến trúc.

Tôi sẽ xem được hay không, tôi xem mà sẽ thấy hay không? Mặc kệ, cứ bước sấn tới thử xem.

Trước hết, tôi không muốn để chữ quốc ngữ nó làm lầm tôi, vì tôi đã quen với sự in lầm nhiều lắm rồi. Nghề in xứ này, thật là bất tiện quá!

Hai bài thơ trích tập Nguồn thi cảm mới thể chất và cách điệu cũng như nhau. Hai bài thơ cũng chỉ có một chữ chỉ (un même thème) là cuộc cách mạng nổi dậy, do ái tình phiến động, làm khuynh đảo tâm hồn đương yên tĩnh êm đềm của người con gái, hoặc nói của “con người” cũng được.

Tác giả dùng lời “bồi thấn”, tả hai cái hiện tượng tiếp nhau của một cái bản thể duy nhất, để làm cho càng hiển lộ những nét tế vi của nó ra.

Vẽ cái bản thể của ái tình là điều có phải dễ dàng đâu. Tác giả, trờ qua ý phía khác, mà cứ ở hiện tượng. Cái hiện tượng của ái tình, ở đây lại khéo mượn vật cụ thể (concret) để dụ dẫn, làm cho người đọc dễ cảm xúc hoặc lấy nước hồ khi bằng phẳng mà tả tâm hồn người chưa biết ái tình:

Mặt hồ lặng lẽ, xuân êm ái…

Lại lấy nước hồ khi gợn sóng, mà tả tâm hồn người đã vào ái tình:

Một hôm gió gợn mặt hồ xao,

Ngọn sóng lòng em bỗng dạt dào…

Hoặc lấy bóng râm, gió mát, bướm bay mà tả cái tâm hồn người chưa biết ái tình còn thưởng cảnh vật thiên nhiên một cách thản nhiên:

Lá rập cành xoài, bóng ngã ngang,

Cô em dừng bước nghỉ bên đường.

Cổi khăn phẩy giọt mồ hôi trán,

Gió mát lòng cô cũng nhẹ nhàng,

… Vội vàng để vở lên bờ cỏ,

Thoăn thoắt theo liền đàn bướm xinh.

Rồi lại lấy bóng râm, gió mát, bướm bay mà tả cái tâm hồn người đã vướng ái tình đối cảnh mà tình tha thiết:

Lá rợp cành xoài, bóng ngã ngang

Cô em dừng bước nghỉ bên đường

Cổi khăn phẩy giọt mồ hôi trán

Gió mát lòng cô những cảm thương.

… Ái tình nào phải bướm ngày xuân,

… Một thoáng bay qua không trở lại.

Trước sau, cảnh một mà tình hai, hiện tượng dẫu hai, mà bản thể vẫn một. Cái bản thể “một” không phải hai đó, tác giả biểu xuất được rất thần tình, là nhờ cái kỹ thuật “trùng phục”, đem lời tả cảnh trước, mà tả lại cảnh sau. Trước sau lời dẫu có như nhau, mà kỳ trung vẫn khác. Khác ở ý nghĩa, khác ở chỗ đổi thay thêm bớt hình dung từ (adjectif), hoặc trạng từ (adverbe):

Ánh sáng tưng bừng, em chẳng cảm

Mặc chùm hoa nở, tiếng chim kêu.

Là tâm hồn trước khi biết ái tình. Mà sao khi biết ái tình rồi thời:

Ánh sáng tưng bừng, em hớn hở,

Chim kêu, hoa nở, cảnh vui sao!

Thời cũng người ấy, cảnh ấy, bản thể ấy cũng:

Trong xóm làng trên, cô gái thơ,

Mà khi tình chưa nhồi sóng, khi:

Tuổi xuân mơn mởn vẻ đào tơ

Thời tấm lòng yên tĩnh:

Gió đông mơn trớn bông hoa nở,

Lòng gái xuân kia vẫn hẫng hờ

Mà tình chợt dậy rồi, thời:

Cũng xóm làng trên cô gái thơ,

Thời tấm lòng mất yên tĩnh mà:

Tuổi xuân hớn hở vẻ đào tơ,

Nó lại không hững hờ với gió đông được nữa:

Gió đông mơn trớn bông hoa nở,

Lòng gái xuân kia náo nức chờ,

Chờ… rồi chợt thấy gần như được. Nào ngờ thành ra một chuyến bắt bướm hụt mà:

Lững thững bên đường cô ngẩn ngơ.

Cô buồn, cô tiếc cô ngùi ngậm.

Cô nhớ ngày xuân, nhớ tuổi thơ.

Là cái tuổi “trong trẻo, bình minh”, còn lững thững lên trường buổi sớm chiều mỗi một lượt thấy “bướm bay qua bãi cỏ xanh” là mỗi một lượt “lòng phấp phới”.

Vội vàng để vở lên bờ cỏ.

Thoăn thoắt theo liền đàn bướm xinh.

Đó là hai chỗ xuất sắc trong kỹ thuật tác giả.

Một là dùng phép “bồi thấn”, hai là dùng phép “trùng phục”. Phép nào tác giả dùng, thời tác giả cũng làm chủ nó được, điều khiển nó được cả.

Ngoài ra, còn những cái đặc sắc, mà tôi không nỡ bỏ qua không nhắc đến. Như khéo dùng âm hưởng cho kêu câu văn:

Tuổi xuân hơn hớn vẻ đào tơ.

Khéo dùng vật cụ thể dụ dẫn sự vô hình:

Chim con nằm dưới tổ êm đềm.

Lòng anh ấm áp, em sung sướng,

Tình ái êm đềm như tổ chim.

Nhứt là khéo dùng hình linh hoạt và có thể sắc làm thành những bức tranh nhỏ, thần tình:

Ánh sáng tưng bừng…

Hồi hộp nhìn em ngẩn ngơ…

Quần đen, áo trắng, khăn hồng nhẹ.

Tác giả lại có cái tài khéo dùng tiếng nói chuyện thường ngày, mà để vào chỗ thập tình hạp tiết, thành ra “có duyên”, như những tiếng:

Lòng em trong trẻo; – Em không náo nức;

Ánh sáng tưng bừng; – hồi hộp nhìn anh;

Lững thững lên trường; lững thững bên đường; lòng em phấp phới…

Kỹ thuật được như vậy, thi tứ dồi dào, khó mà luyện tập cho nên. Tiếc vì, về tự nghĩa, sao chừng như tác giả không chắc cho mấy, hay là không lưu tâm đến mấy. Tôi không hiểu như nước triều mà tác giả dùng, nghĩa ra làm sao. Cứ như câu: Đầy đặn lòng em, mặt nước triều.

Thời chữ TRIỀU có nghĩa là yên lặng. Mà thuở nay thời cái nghĩa của nó là lưu động, xem như câu Truyện Kiều nói:

Ngọn triều non bạc trùng trùng…

Còn về cái tổ (ổ) chim, thời có thể dùng tiếng DƯỚI mà chỉ cái đáy nó hay không mà nói:

Chim non nằm dưới tổ êm đềm?

Lại còn tiếng MƠN TRỚN, tác giả hiểu nghĩa nào mà nói là:

Gió đông mơn trớn bông hoa nở?

Tôi cũng lại không biết NGẨN NGƠ tác giả hiểu làm sao mà:

Hồi hộp nhìn anh, em NGẨN NGƠ, LỮNG THỮNG bên đường cô NGẨN NGƠ.

Tôi không dám nói nhiều lời nữa, chỉ còn muốn hỏi xem tác giả dùng tiếng Nam tiếng Bắc trộn trạo là ý làm sao.

Tổ chim (Bắc) – mồ hôi (Nam) – giọt lệ (Bắc) – rỏ lệ (Bắc).

Mà đó chỉ là những chỗ sơ lậu cỏn con, không có nghĩa gì, không có phương hại gì cho cái thi tài của tác giả, là người thật có biệt tài. Tôi chưa được dịp biết thi sĩ nào trong làng văn chữ nho, hay quốc ngữ, mà lìa bỏ được những cái phong tư mơ màng, đuổi rượt những cái tư tưởng vu vơ theo gió trăng non nước, cùng những cái tư tưởng thông thường về nhân tình thế sự, nghĩa là lìa bỏ được cái ngoại giới mà quay trở về mình, chú lực vào trong thân trong mình, để miêu tả nội giới hay không? Thật tôi chưa từng thấy có, mà cũng có lẽ tại kiến văn tôi lậu thật.

Nay thấy ông Xuân Giang là một. Cái ráng sức mà nội quan đó (cet effort d’introspection), cái ráng sức mà phân tích (cet effort d’analyse) những nỗi u ẩn trong tâm hồn đó là một điều rất đáng hoan nghinh và tưởng lệ. Giá thử tôi mà có văn tài thế lực thời tôi không ngại gì giới thiệu ông Xuân Giang một cách sốt sắng, về phương diện kỹ thuật mà thôi. Tôi nói “về phương diện kỹ thuật mà thôi” là vì khen kỹ thuật vị tất là khen người về phương diện khác, một là bởi không bằng cứ được ở kỹ thuật nghệ thuật mà biết người, một là bởi không bằng cứ được ở nơi sự thành tựu của một người phụng sự một cái chủ nghĩa nghệ thuật nào, mà dám quyết rằng người ấy sẽ thành tựu khi phụng sự một cái chủ nghĩa nghệ thuật khác, nhất là cái chủ nghĩa nghệ thuật có hàm lý tưởng xã hội”…

Liền sau đó thi sĩ Đông Hồ thành thực khai báo chuyện đóng kịch của mình và viết bài Thảo luận về thơ (Đáp lời ông P.V.H) in trên Phụ nữ tân văn (số 243, ra ngày 24-5-1934), sau cũng được Kiều Thanh Quế tuyển in trong Phê bình văn học (NXB Tân Việt, H., 1942). Đây là lời thanh minh, trao đổi và cũng là lời giải của chủ thể sáng tác đối sánh với cách đọc của nhà phê bình:

“Trước khi vô bài, xin mở cái dấu ngoặc.

Tôi xin chịu tội với Phan Quân và với cả các bạn độc giả báo Việt dân số 6 và độc giả Phụ nữ tân văn số 240, cái tội đã nói dối. Nói dối vì tôi đã đem hai chữ XUÂN GIANG mà che đậy cái tên mình, rồi lại giới thiệu thơ của mình làm, một cách ân cần, tội nhất là trong lời phê bình đó có một ít tiếng khen, là lời giới thiệu mà sự thật là tự mình lại khen mình.

Nguyên tôi muốn đem hai bài thơ nọ đăng báo, khi toan gởi đi, tôi lại sợ để trơn như vậy, khi đăng báo, tất nhà báo cho đăng lộn vùi trong đám rừng “thơ nay”, độc giả tất không để ý xem đến. Tôi có cái ý nghĩ đó vì khi làm xong hai bài thơ, không dám nghĩ được xứng đáng như lời khen lao của Phan Quân, chớ cũng tự biết là nó có một tí đỉnh giá trị đặc biệt. Và đem đăng báo là tôi cố ý muốn cho độc giả nhận thấy cái đặc biệt của nó ở chỗ thoát được cái tư tưởng ý tứ “xôi thịt” của thi ca ta, chính tôi cũng đã từng châu tuần một lúc lâu trong cái phạm vi tư tưởng ý tứ “xôi thịt” đó rồi. Đó là bởi thành thực muốn mở một thể thế, một cách lập luận mới cho thi ca nước nhà, chớ quyết không phải bởi lòng tự khoa tự đại. Vậy thì cần phải có một ít lời giới thiệu. Đáng lẽ thì viết bài giới thiệu đó là về phần toà soạn của báo Việt dân, nhưng tôi ở xa xôi cũng bất tiện. Nơi gần thì tôi không kiếm được ai – ở một nơi cô lậu hẻo lánh nó có những sự thiệt thòi cho học vấn như thế – nơi xa thì bất tiện. Đánh bạo, tôi đành phải dùng cái phương “giả thác” – giả thác ra đó là thơ của một người bạn mà mình đứng ra giới thiệu, nên trong lời giới thiệu tôi dùng tiếng để gọi tác giả là “anh Xuân Giang” là cái cách kêu gọi thân thiết như tiếng thường dùng trong văn tiểu thuyết, chuyện bịa đặt, chớ không dám ngay thẳng mà gọi là “ông Xuân Giang”, vì theo phép giao tế, đem một nhà thi sĩ giới thiệu với quốc dân trên báo chương thì phải gọi là “ông”, chớ sao lại được gọi là “anh”.

Nay Phan Quân đã phê bình đến một cách nghiêm trọng thành thực thì tôi thực không dám giấu cái tên mà không xưng; không dám nuôi sự giả thác hay muốn nói là sự giả dối cũng được ấy mãi mà phải thành thực cùng Phan Quân tiếp chuyện, bày tỏ cái duyên cớ như trên, để trước là khỏi làm lầm nhà phê bình sau là khỏi để lầm cho độc giả. Lại một sự giả thác đó, cũng nên cải chính, sớm muộn rồi cũng phải làm để tránh khỏi nhiều điều lầm lẫn về sau trong thi giới.

Xưng tội xong, tôi xin đóng cái dấu ngoặc.

Đóng cái dấu ngoặc rồi, tôi tác giả Nguồn thi cảm mới đã chính thức nhận xin trân trọng cám ơn Phan Quân đã phê bình, chỗ sở trường cũng như chỗ sở đoản, rất là ngay thẳng thành thực, và phê bình một cách phân minh cẩn thận, khảo hạch phân tích một cách thấu đáo tinh vi, chẳng những có bổ ích cho đại giới nước ta mà riêng phần tôi cũng lĩnh hội được nhiều điều lợi ích cho văn nghiệp, cho học vấn.

Sau này, xin bàn lại với Phan Quân mấy chỗ còn ngờ nghĩa:

1) Khoảng đầu này đáng lẽ nên nói về câu: “Đầy đặn lòng em mặt nước triều”, nhưng đoạn này phải dẫn chứng một chuyện dài quá, nên tôi để lại khoản sau cùng. Câu “Chim non nằm dưới tổ êm đềm” Phan Quân ngờ không biết “dưới” ấy có nghĩa là “dưới đáy” tổ chim không. Đáng lẽ thì câu đó phải viết là: “… nằm trong tổ êm đềm”. Tiếc vì chữ “trong” là chữ bình sai thi luận, không được, chữ “dưới” đó khi tôi dùng cũng không nghĩ gì, buột miệng nói lên một cách tự nhiên theo cách nói thường của ta. Nay Phan Quân đã đem văn pháp ra định nghĩa thì “dưới” là ở dưới cái tổ, nghĩa là đã ra ngoài cái tổ rồi, mà không phải nằm trong lòng cái tổ nữa. Tôi cho là có lý và phải lắm. Nhưng tôi nghĩ lại, tiếng ta có nhiều cách nói phải hiểu khác với nghĩa chữ một, lâu thành thói quen, nếu không văn pháp định nghĩa thì ai cũng có thể hiểu ngầm được, như nói:

Thuyền chạy dưới nước (có nghĩa là chạy trên mặt nước).

Hành khách ngồi dưới tàu có nghĩa là ngồi trong tàu, chữ “nằm dưới tổ chim” của tôi đó nó cũng quen miệng bởi cái cách nói như thế.

Cái đó, không biết bọn cầm bút ta từ đây nghĩ thế nào: nên chiều và để y như cái cách nói như thế, hay là trong văn thơ ta phải nên cải lại là dùng chữ đặt câu cho phân minh, chắc chắn. Riêng tôi, tưởng nên cải lại cho phân minh chắc chắn là phải hơn. Câu thơ của tôi đó tôi chữa lại:

Chim non trong đáy tổ êm đềm.

2) Câu: “Gió đông mơn trớn bông hoa nở”. Theo tôi hiểu và tưởng tượng thấy thì chữ “mơn trớn” là đùa giỡn, nũng nịu, vuốt ve, có vẻ thương yêu âu yếm, như chữ caresser của Tây, chữ “mơn trớn” ở chỗ đó, tôi dùng có bao đời. Thường chữ mơn trớn là để nói cho người mà thôi, chớ chưa từng nói cho vật khác, như nói: “gió mơn trớn cái bông hoa”. Tôi muốn dùng bạo như thế để thêm cách nói cho văn, mới nghe hơi ngang tai, lâu dần có lẽ quen. Như câu: “gió xuân ôm cánh hồng ân ái” lại càng bạo lắm. Thiệt là gió thổi cuốn ốp những cánh hoa hồng lại như cái tay ai ôm cái thân mình mơn mởn của ai một cách gọn ghẽ ân ái.

3) Hai câu:

a. Hồi hộp nhìn anh, em ngẩn ngơ

b. Lững thững bên đường, cô ngẩn ngơ.

Theo tôi nghĩ thì chữ ngẩn ngơ là để tả cái dáng điệu, trạng thái của một người ngừng tắt hết các tri giác, mất lý trí khi gặp phải cảnh hoặc thất vọng kinh mang, hoặc hoảng hốt tê tái, hoặc buồn rầu đau khổ, hoặc vui mừng sung sướng đến cực điểm, đến quá độ. Ví như nói: “Hai người xa cách nhau lâu rồi, không dễ mà gặp nhau, nay chợt gặp nhau mừng quá rồi đứng ngẩn ngơ không biết nói gì” là ngẩn ngơ về hoảng hốt và cảm được cái sung sướng quá. Như câu: “Càng trông mặt càng ngẩn ngơ” ở thơ Kiều tả lúc Thuý Kiều, Thúc Sinh gặp nhau trước mặt Hoạn Thư, là tả cái cảnh hốt hoảng kinh mang. Nay câu “Lững thững bên đường cô ngẩn ngơ” là tả cái điệu người thất vọng buồn rầu, tưởng là đã nắm bắt được cái mình khát khao chờ đợi, không ngờ mà cái công việc ước vọng mong chờ đó thành ra chuyện mây tan khói toả, buồn rầu quá, rồi thấy trong người yếu đuối, các thần kinh tri giác như ngừng cả lại. Còn câu “Hồi hộp nhìn anh, em ngẩn ngơ” là tả cái trạng thái người hoảng hốt, lần đầu tiên chợt cảm được cái sung sướng trong da thịt khi nằm trong lòng người yêu, không ngờ có như thế, mà có như thế, sung sướng quá rồi trong người thấy yếu đuối, các thần kinh tri giác như ngừng lặng cả lại, trong lúc đó chính là lúc không còn có lý trí để suy xét nữa, mọi cách hành động đều theo cái sở dục của tình cảm. Cho nên cái “ngẩn ngơ” đó đi sau cái “hồi hộp” mà tiếp đến cái “e ấp môi em…”. Hai chữ “ngẩn ngơ” ở hai câu, tuy ở khác cảnh mà thiệt là có một nghĩa vậy. Đoạn này tôi rất tiếc tôi không phải là nhà tâm lý học để có đủ danh từ về tâm lý học, mà nói cho được rõ ràng hơn. Tôi hiểu ngầm thì rõ lắm, mà phô diễn ra tất lúng túng khó nghe, khó hiểu. Chữ “ngẩn ngơ” còn có một nghĩa là “ngây thơ con trẻ” nữa, nhưng trong hai bài thơ không có dùng.

4) Dùng tiếng Nam và tiếng Bắc xen lẫn nhau. Theo ý tôi và cũng theo cái thói quen khi cầm bút viết: Gặp đâu viết đấy, không phân biệt tiếng nào là tiếng Bắc, tiếng nào là tiếng Nam cả, nhất luận tôi đều cho là tiếng nói chung của nước nhà mà tôi đều dùng hết cả. Tôi nghĩ cái sự phân biệt có tiếng Bắc, tiếng Nam rất là không nên. Tiếng nói của ta rồi phải nhất thống mới được.

Hiện nay tôi viết văn, mỗi khi gặp một tiếng nào mà Nam, Bắc phát âm khác nhau thì tôi chọn tiếng nào nghe nhã và đẹp và có ý nhị hơn thì tôi dùng. Như cái hôn, tôi nghe nó dịu dàng, âu yếm hơn cái hun. (Bài thơ tôi viết là “hôn”: Báo Việt dân sửa chữ “hôn” làm “hun”. Như đọc câu:

Lơ thơ tơ liễu buông mành

Con oanh học nói trên cành mỉa mai.

Tôi nghe nó có một cái thanh âm đẹp hơn đọc trên nhành. Đó là tuỳ ở tai nghe mỗi người, khó mà phân biệt quá!

Nay tôi nói về mấy chữ mà Phan quân đã trích ra: tổ chim (Bắc).

– Tôi dùng chữ “tổ” vì nó có ý nhị trong câu tục ngữ “chim tìm tổ, người tìm tông” – chữ tổ đó nó đồng âm với chữ tổ là tổ tiên, tổ tông. Chớ nói: chim tìm ổ, người tìm tông thì nó mất cái ý nhị và cái khéo của câu ấy đi.

– Tôi dùng chữ “mồ hôi” (Nam) vì tôi đọc “bồ hôi” (Bắc) nghe nó không đẹp lời – Và chữ “rỏ lệ” (Bắc) tôi nghe có ngộ hơn là “nhỏ luỵ” (Nam).

Ấy, đại khái sự dùng tiếng lẫn lộn là thế. Có một đôi khi cũng vì quen tay khi viết, vì bởi đọc nhiều sách và báo chí xuất bản ở Bắc quá mà thâm nhiễm cũng có. Những khi đó thì quên hẳn đi không dè là người trong Nam ta không nói như vậy. Mà tôi tưởng cũng có nhiều người như tôi.

5) Câu: “Đầy đặn lòng em, mặt nước triều”, Phan Quân dẫn một câu thơ Kiều mà định nghĩa rằng, triều là cảnh lưu động, sợ đem dùng vào câu thơ của tôi muốn tả cảnh êm lặng không được. Câu thơ tôi ở chỗ đó muốn tả về cảnh đầy đặn nhiều hơn, là để sáng nghĩa câu trên: “không náo nức”, vì tấm lòng đầy đặn, không khát khao, không thiếu thốn cái gì nên không thèm muốn, không náo nức gì cả, còn sự nước chảy hay không cũng ít quan hệ ở chỗ đó. Tuy nói thế chớ nếu cứ như nghĩa chữ “triều” ở câu thơ Kiều đó mà dùng vào cảnh muốn tả của tôi quyết là không được, vì chữ “triều” đó rất là mãnh liệt, náo động: “ngọn triều, non bạc, trùng trùng”, sáu chữ đó đều khêu gợi lên cái cảnh ba đào sôi nổi, đọc câu ấy tất ai cũng thấy như thế.

Ở đây tôi dùng chữ “triều” mà tôi dùng với chữ “mặt”, nó có khác nghĩa với chữ “ngọn” – Chữ “ngọn nước” thấy được giọt nước tuôn chảy, mà “mặt nước”, thì thấy cảnh nước đã đứng bằng. Chữ “triều”, chữ Tàu nguyên nghĩa là nước lớn, nước đầy, nước dẫy tràn ngập lên, không có nghĩa gì là náo động như ở câu thơ Kiều tả cảnh sông Tiền Đường lúc Kim Trọng lẽ Thuý Kiều lúc đó cả. Chính thơ Kiều, nơi khác, cũng có câu: “Triều dâng hôm sớm, mây lòng trùng sau” thì cũng vẫn là cảnh êm ái mà thơ Tàu, ở bài Xuân giang hoa nguyệt của Trương Nhược Hư cũng có câu: Xuân giang triều thuỷ liên hải bình (Sông xuân, nước triều liền với mặt biển phẳng lặng) thì cũng vẫn là cảnh êm ái lặng lẽ.

Câu “Ngọn triều non bạc trùng trùng” là tả cái trường hợp đặc biệt ở sông Tiền Đường ở trong cái trường hợp đặc biệt, không biết câu đó mà làm định nghĩa cho chữ “triều” nghĩa thường được.

Tôi biết là nhờ một bài du ký Tám năm tôi ở nước Tàu của ông Trúc Đình, đăng ở báo Đông Tây ngày 7/5/1932. Đến đây xin lục cả nguyên văn bài du ký ấy như sau, cũng là để hiến các độc giả một câu chuyện hay hay (…).

… Mấy điều thảo luận cùng Phan Quân như trên là lấy một tấm lòng thành thực để đáp tạ lòng Phan Quân đã lấy lời ngay thẳng thành thực mà chỉ vạch cho.

Nếu có điều gì không phải, xin Phan Quân cũng ngay thẳng báo lại cho biết, tôi lấy làm vinh hạnh và đợi nghe chỉ giáo”…

Kịp đến khi Cô gái xuân chính thức ra mắt bạn đọc, Nguyễn Xuân Huy có ngay bài Phê bình quyển thơ Cô gái xuân in trên Tân Thiếu niên (số 2, tháng 2-1935), sau đó in lại trên báo Sống (xuất bản tại Sài Gòn do Đông Hồ chủ trương, số 7, ra ngày 12-3-1935), chủ yếu nhấn mạnh dòng xúc cảm yêu đương tình tứ:

“Tuy không cùng theo một con đường như Tú Mỡ, tuy không sở trường về lối thơ trào phúng như Tú Mỡ nhưng Đông Hồ cũng là một nhà thơ đã đứng tuổi mà tình cảm hãy còn cái hương vị của ngày xuân. Đông Hồ, tác giả thơ Đông Hồ, với Đông Hồ ngày nay thực khác xa. Đông Hồ xưa là một người đạo mạo, nghiêm trang như một nhà triết học, tuổi trẻ mà tâm tính đã cỗi già: những lời thơ như tiếc thương như hờn giận. Nhưng Đông Hồ ngày nay đã biến thành một người thanh niên có những cảm tình mơn mởn như một cô gái đương xuân. Những câu thơ gần đây của Đông Hồ thực là nhẹ nhàng, uyển chuyển:

Chiếc áo năm xưa đã cũ rồi,

Em đâu còn áo mặc đi chơi.

Bán thơ, nhân dịp anh ra chợ,

Đành gởi anh mua chiếc mới thôi!

– Hàng bông mai biếc màu em thích,

Màu với hàng, em đã dặn rồi.

Còn thước tấc, quên! Em chưa bảo:

Kích tùng bao rộng, vạt bao dài?

– Ô hay! nghe hỏi mà yêu nhỉ!

Thước tấc anh còn lựa hỏi ai?

Rộng hẹp, tay anh bồng ẩm đó,

Ngắn dài, người mới tựa bên vai!

(Cô gái xuân – Mua áo)

– Rồi miệng cười ai với mặt hồ,

Cho ta thêm lắm vẻ nên thơ.

Với bao vẻ đẹp trong trời đất;

Hoa, lá tưng bừng, chim liếu lo.

– Ngòi bút ly tao ta vẽ vời,

Say xưa cảnh thú, nét tình vui,

Rồi muôn cảnh vật muôn hình sắc,

Đều cũng vì ta, nở nụ cười…

(T. K.)

Trái lại với Huy Thông, Đông Hồ gọt rũa lời thơ thực là nhẵn nhụi, công phu. Nhưng theo quan niệm về thơ của tôi, tôi phải xét xem những lời thơ nhẵn nhụi ấy có gợi trong lòng ta được một chút cảm giác gì không.

Căn cứ vào quyển thơ Đông Hồ, có người cho rằng thơ của Đông Hồ không đáng kể. Vì nó khô khan, không có chút chi là tình tứ.

Nhưng tôi đọc một bài thơ trong quyển ấy trích ra in vào Cô gái xuân, thì thấy rằng Đông Hồ không phải là người vô cảm mà thơ Đông Hồ không đến nỗi khô khan.

Trong Cô gái xuân, Đông Hồ thực nặng cảm tình với bạn bè (Mừng ông Chung Tử vào chơi Phương Thành), với nước non, với cây cỏ (Dưới cây – Thi sĩ), nhất là với giai nhân: trong tập Cô gái xuân có tất cả ba mươi bài thì có tới hai mươi sáu bài mô tả chút tình nhớ nhung mong đợi, hoặc lúc vui thỏa bâng khuâng với một người tình nhân không biết có thực bên hồ Đông hay chỉ là trong mộng tưởng. Thế thì cái mối tình cảm ở Đông Hồ cũng lan ra được rộng rãi lắm.

Xem Cô gái xuân ta thấy được một mối cảm xúc man mát như ngọn gió chiều xuân”…

Vào dịp cuối năm, bình giả với bút danh 13 Chàng tiếp tục có bài giới thiệu Cô gái xuân trên báo Phong hóa (số 158, ra ngày 18-10-1935), rộng lòng xẻ chia những khúc ca êm dịu và trung thực chỉ ra những câu chữ vụng về, thô tháp:

“Cô gái xuân ra đời từ mùa xuân năm nay, nhưng vì non nước hững hờ, hay vì một duyên cớ chi chẳng biết, mà mãi đến bây giờ mưa thu sùi sụt, tôi mới thấy bóng cô khép nép hiện ra trong phòng sách và nhìn tôi bằng đôi mắt oán hờn.

Vậy nên tôi phải vội vàng dắt tay cô ra mắt quốc dân.

Nghĩa là – nói theo cách thực thà hơn – tôi đem quyển thơ Cô gái xuân của ông Đông Hồ ra nói chuyện với độc giả.

Nếu tin ở bức phụ bản đầu sách thì Cô gái xuân là một người đàn bà đứng tuổi, sắp gieo mình xuống ao tự tử. Hay ít ra cũng cũng là một bà vợ dữ tợn, mắm miệng sắn tay áo, sắp sửa cho ông chồng một trận đòn ghen.

Nhưng không hề gì! Cô gái xuân, theo bài thơ đầu của ông Đông Hồ, chỉ là một cô gái thơ ngây, thản nhiên sống giữa cảnh hoa bướm đa tình…

Trong xóm làng trên có gái thơ,

Tuổi xuân mơn mởn vẻ đào tơ.

Gió xuân mơn trớn bông hoa thắm,

Lòng gái xuân kia vẫn hững hờ.

Cô hững hờ cho đến ngày khôn lớn. Lúc đó thì bông hoa đón gió, trông con bướm lăng băng bay lượn, cô đã thấy xúc động tâm tình. Nghĩa là cô yêu. Nhưng cô mới yêu có tình yêu. Nên cô mong mỏi, nhớ tiếc, ngậm ngùi một cách phảng phất dịu dàng cũng như lời thơ phảng phất dịu dàng của nhà thi sĩ.

Tên bài thơ đầu ấy lấy làm tên cho cả tập sách gồm có ba chục bài thơ vừa dài vừa ngắn, đựng trong vừa đúng ba mươi trang. Lối thơ ở bài này có thể làm đại biểu cho phần nhiều các bài khác.

Ông Đông Hồ có một ngọn bút mềm mại để ghi chép vẻ đẹp của sự yêu đương. Sự yêu đương bình thản và có chừng có mực của một người thấy “đời xuân lạnh lẽo sắp tàn” nhưng vẫn còn cố nhớ lại những hồi đắm say của lòng trai trẻ.

Một buổi chiều xuân nọ, đứng bên mặt hồ êm ái gió hiu hiu, ông ngắm:

Mây tàn mấy áng hồng lơ lửng

Mà cảm động một cách… rất hoa mỹ, khi thấy cô tình nhân của ông mỉm miệng cười:

Đối cảnh tà dương nàng mỉm cười,

Nét cười rực rỡ, áng hồng phai.

Ôi! bao lộng lẫy, bao êm dịu,

Đem góp vào trong cả một người!

Câu thơ cũng có sức thu góp cả vẻ đẹp rộng rãi của nước mây vào trong lòng nó.

Và khi nhắc đến chuyện mua áo cho người kiều mị, ông có đủ các lời tình tứ nũng nịu của một người biết nếm cái thú man mác của lòng yêu. Tôi xin trích cả bài thơ ý vị ấy ra đây, cho những ai có tình nhân đòi mua áo cùng hưởng:

Chiếc áo năm xưa đã cũ rồi,

Em đâu còn áo mặc đi chơi?

Bán thơ nhân dịp anh ra chợ,

Đành gửi anh mua chiếc mới thôi!

– Hàng bông mai biếc, mầu em thích,

Mầu với hàng, em đã dặn rồi.

Còn thước tấc, quên! Em chưa bảo:

Kích tùng bao rộng, vạt bao dài?

– Ô hay! Nghe nói mà yêu nhỉ!

Thước tấc anh còn lựa hỏi ai.

Rộng hẹp, tay anh bồng ẵm đó,

Ngắn dài người mới tựa bên vai.

Thực, nghe nói mà yêu quá đi mất! Tôi tưởng tượng đến lúc tình nhân của tôi thu người bé nhỏ ở bên mình và nũng nịu đòi tôi mua áo cho; tôi cũng thấy êm dịu cả tâm hồn. Nhưng đó chỉ là sự tưởng tượng. Vì, xin thú thực, tôi rất sợ lúc tình nhân của tôi vòi tiền.

Những tiếng rủ rỉ của đôi bạn yêu nhau với bao nỗi ái ân quấn quít, ông tả ra một cách ý nhị kín đáo, chứ không bồng bột sôi nổi. Cho nên ái tình trong thơ Đông Hồ là hơi gió ấm, là bàn tay dịu dàng ve vuốt, là ánh sáng mơn man và là những cái hôn ngượng nghịu, rụt rè của của người thiếu nữ thơ ngây, mới thấy động lòng vì tình yêu thứ nhất:

E ấp môi em kề cạnh má,

Ái tình ngan ngát vị say sưa.

Chữ ái tình không phải là vị khoái lạc chua cay mà chúng ta ham, không phải thứ rượu nồng mà chúng ta tranh nhau uống, cũng không phải là cái bể sóng gió dữ dội mà chúng ta đòi đâm đầu xuống đấy để có cớ mà khóc gào.

Cái đẹp của thơ Đông Hồ là cái đẹp nhẹ nhàng thôi. Và thơ Đông Hồ cũng chỉ có cái đẹp ấy thôi. Ta đừng đợi ở ngòi bút ông những nét mạnh mẽ, khỏe khoắn, những lời đắm đuối mê mải là những điều ông muốn ca, muốn vẽ, nhưng chưa ca, vẽ được nên.

Cứ thế, ông cũng đủ cho tôi mến tài ông.

Cứ dùng thứ son phấn ấy mà tô điểm cho Cô gái xuân cũng đủ làm cho “cô” đáng yêu và làm cho chán anh mê tít.

Có lẽ Cô gái xuân cũng chưa được hoàn toàn đến thế: thỉnh thoảng “cô” cũng sống sượng khi nghĩ đến cái “thú mưa gió của hai người” (trang 11, Giấc mộng tình), thỉnh thoảng cô quá quê mùa như khi mừng làng báo năm mới (trang 13); cô lại trẻ con quá khi đòi học quốc ngữ, đòi chơi thuyền và làm một vai trò vô ích khi cô nhắc lại tuổi xuân (trang 14). Một đôi khi cô cũng lải nhải sùi sụt nghe khó chịu quá (Quả tim, trang 9 và Lời kêu van của quả tim, trang 10); và cũng có lần, cô nói ngọng nữa:

Ái ân, âu yếm, yêu, vui sống,

Hơi ấm âu yếm mẹ em hôn…

Cõ lẽ cô còn một vài nốt dỗ hoa hoặc một vài nốt ruồi trên nước da trắng trẻo của cô.

Nhưng “nhân vô thập toàn” là một câu lý thú của thánh hiền khuyên ta nên quên nết xấu của cô. Vả lại, tôi còn mong ông Đông Hồ sẽ tìm cách chữa dần cho Cô gái xuân những lỗi nhỏ ấy”…

(còn nữa)

Nguồn: Vanhocquenha.vn