Người đương thời thơ mới bàn về thơ Chế Lan Viên

Gần như đồng thời với cuộc luận chiến Trương – Chế, Xuân Phương trên báo Tràng An (số 314, ra ngày 22-4-1938) viết bài giới thiệu ba tập thơ cùng xuất hiện năm 1937 gồm “Hận chiến trường” của Thanh Tịnh, “Xác thu” của Hoàng Điệp và nhấn mạnh vị trí tập “Điêu tàn” của Chế Lan Viên:

Nhà thơ Chế Lan Viên.
Nhà thơ Chế Lan Viên.
… “Giữa lúc ấy, ông Chế Lan Viên lại ranh mãnh hơn, gan dạ hơn. Ông sụy xuống mồ vô tận để đánh thức yêu ma. Ông bay lên nguyệt điện để sai biểu tinh tú. Ông lang thang đi tìm người Chiêm nữ lúc ẩn lúc hiện trong đêm biếc, giữa dòng trăng. Ông điên hẳn lên, ông không phải là ông nữa, ông là cái sọ dừa vỡ rạn, ông là đám dân Chiêm sống lại, ông là muôn sao đang chới với, ông là máu, là xương, là tủy, là trăng, là mây, là gió, v.v…

… Các thi sĩ thường sung sướng hay đau khổ và thường sống trong những cảnh tưởng tượng. Họ sống riêng trong những thế giới riêng của họ. Nhưng thế giới ấy là bãi Chiến Trường của ông Thanh Tịnh, là cái tháp Điêu Tàn của ông Chế Lan Viên, là những Xác lá chết của ông Hoàng Điệp.

Nói tóm lại, làng thơ năm 1937 đã hiến cho ta ba viên ngọc quí: Hận chiến trường, Điêu tàn Xác thu”

Qua mười ngày sau, Trần Thanh Địch trên báo Tràng An (số 299, ra ngày 1-5-1938) ngợi ca Điêu tàn là “tuyệt tác” và xúc động chỉ ra ý nghĩa thanh lọc sâu lắng trong những vần thơ “say sưa và mê mẩn” với thi pháp của những tiếng khóc than thê lương và môtip bóng đêm tàn tạ:

“Một hôm, Chế Lan Viên viết thư cho tôi bằng những hàng này:

Trời hỡi trời! Hôm nay ta chán hết,

Những sắc màu hình ảnh của Trần gian!

Thịt bại rồi, nhãn quan đà lả mệt,

Thú điên cuồng ao ước vẫn khôn ngăn!

Đấy là một thi sĩ của sự Đau Thương.

Những xúc động của tâm hồn (manifestation de l’âme) ở Chế Lan Viên đã xúi giục thi sĩ viết nên những tiếng than rền rỉ, có thể vang động ngay đến lòng ta khi đọc nó. Tôi nhận thấy những tiếng rền rỉ ấy cũng đã có trong người Hàn Mặc Tử, ở một bức thư mà thi sĩ đã bàn với tôi về chuyện sắp cho xuất bản Thơ điên.

Nhưng hai nhà thi sĩ trẻ tuổi ấy – Hàn Mặc Tử mới được 25, Chế Lan Viên chỉ mới có 17 – khác nhau ở chỗ: Hàn Mặc Tử ca ngợi sự đau thương của riêng lòng mình, Chế Lan Viên ca ngợi sự đau thương của điêu tàn, của dân Chiêm quốc nghìn xưa.

Vừa mới một năm nay, trước Ban Thờ văn học Việt Nam chúng ta đã có thêm ba nhà thơ lẳng lặng dùng toàn những thành ngữ táo bạo: Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu và Chế Lan Viên.

“Táo bạo” đây không phải có nghĩa là vô nghĩa như thơ của Huy Thông hay khó chịu như những thi sĩ Parnassiens đã làm ra lối thơ khó hiểu (vers sibyllins). Cái táo bạo trong lối dùng chữ của ba nhà thơ này vẫn làm cho người đọc hiểu ngay ý thơ của mình bằng sự thâm trầm và kín đáo, nó làm giàu cho nền văn học chúng ta rất nhiều. Và sau cùng, ba người ấy cũng đang đi đến bờ cõi Triết Lý. (Một điều không ngờ là chính ba nhà thơ ấy cũng đều sinh trưởng vào một chỗ đất Quy Nhơn, nơi đã tạo ra bao nhiêu văn sĩ, thi sĩ hiện đang lẫy lừng trên võ đài Văn Chương).

Charles Plisnier, nhà văn sĩ đã được phần thưởng Goncourt năm vừa rồi, có viết: “Với thơ, không ai cấm sự dùng chữ táo bạo. Và tôi có thể bảo thêm rằng, nó lại rất cần nữa…”.

Điêu tàn là một áng thơ tuyệt tác. Với nó tôi thấy tâm hồn tôi rung động một cách khoan khoái. Đó là một cái rùng mình nhẹ nhàng của nhà du lịch đứng trước vẻ tang thương của một công nghiệp đã hằng vĩ đại, với lòng cảm động mến tiếc trong một sự bồi hồi. Người ta thấy rõ và nghe được trong thơ của Chế Lan Viên những cái dẫy dụa, quằn quại, chuyển động, những tiếng oán hờn, gào thét, khóc than, những mùi tanh hôi của máu trào và tủy chảy ở vạn cô hồn mất nước đang quờ quạng, rền rỉ để dìu dắt nhau đi giữa một bãi tha trường. Đọc thơ Chế Lan Viên ta có cái cảm giác ghê rợn như đang đọc bài Văn chiêu hồn của nhà đại thi hào Nguyễn Du trong một đêm trăng mờ ở một làng hẻo lánh.

Hồn ma ơi! Trong những đêm u tối

Mi tung mây về chân trời vòi vọi

Hãy mau nghiêng cánh lại ở bên mồ

Phủ lòng ta say đắm chút hương mơ!

Ta hãy nghe trong mồ sâu lạnh lẽo

Tiếng thịt người nảy nở tiếng xương rên

Ta hãy nghe mơ màng trong cỏ héo

Tiếng cô hồn lặng thở khí giời đêm…

Cũng như Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên chỉ thích sống với Ban Đêm, một Ban Đêm ghê rợn. Ban Đêm của Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên là cái ban đêm của Baudelaire, Mallarmé, Edgar Poe, Shakespeare. Nó chẳng mơ màng và huyền diệu cho đôi tình nhân ích kỷ. Những Trăng, Sao, Bóng Tối, Làn Gió Thoảng, nói chung lại là “Nàng Thơ” của nó, cũng khác luôn cả những trăng, sao, bóng tối, làn gió thoảng và nàng thơ của các thi sĩ ly tao. Những cảm giác gì, những âm thanh gì, những sự vật gì ghê rợn, hãi hùng và bí mật, đều tụ họp lại trong cái Ban Đêm của họ, của Chế Lan Viên:

Mây chắp lụa dài vây núi biếc

Sương xây mồ bạc dấu trăng vàng

Thuyền ai dỡn nước sông Ngân ấy

Mà để sao sa xuống cõi trần.

Phải hay chăng đêm qua khi thuyền mộng

Của Nàng Trăng vào đến bến mây xa

Một cô hồn về đây theo gió lộng

Trên mộ tàn tìm lại dấu ngày qua?

Điêu tàn là một áng thơ tuyệt tác của tủ sách Việt Nam.

Tôi đã thành một người dân Chiêm quốc để khóc than, kêu gào, rền rỉ, khi thấy người ta kể lại một thời vẻ vang nghìn xưa oanh liệt: lúc đọc Điêu tàn.

Tôi cũng đã đọc nó với một sự Buồn não nuột, một sự Chán ê chề…

Nhưng những Buồn Phiền não nuột ấy, những Chán Nản ê chề ấy, tôi lại tìm thấy nó ở trong sự say sưa và mê mẩn”.

Trong tầm quan sát của Nàng Lê (Lê Tràng Kiều), thơ Chế Lan Viên đã thành chứng dẫn cho nhiều trang tìm hiểu hệ thống chủ đề, thi tứ, cảm xúc thơ ca trên Tiểu thuyết thứ Năm. Ở bài viết Thu, thu, thu (số 3, ra ngày 20-10-1938), Nàng Lê viết:

“Nặng tình với thu nhất bây giờ có lẽ là nhà thi sĩ trẻ tuổi nhất của chúng ta: Chế Lan Viên:

Nặng tình với thu qua mà đến nỗi xuân trước vừa về mà thi nhân đã gọi:

Ai đâu trở lại mùa thu trước

Nhặt lấy cho tôi những lá vàng,

Với của hoa tươi muôn cánh rã

Về đây đem chắn nẻo xuân sang.

Ai biết hồn tôi say mộng ảo

Ý thơ góp lại cản tình xuân

Chao ôi mong nhớ, ôi mong nhớ.

Một cánh chim thu lạc suối ngàn.

Tuy thu buồn. Thu đến với vầng mây xam xám một màu xanh thảm đạm để khêu những đau thương của lòng người trống rỗng. Nhưng người ta vẫn say thu, mến thu. Như người ta đã đắm đuối người tình nhân có nhan sắc não nùng…

… Nhưng lúc thu đi người ta lại nhớ. Nhớ thắm thiết.

Năm ngoái thu vừa qua mà Chế Lan Viên đã vội rầu rĩ:

Ô hay, tôi lại nhớ thu rồi

Mùa thu rớm máu rơi từng chút

Trên lá bàng thu đỏ ngập trời.

Đường về thu trước xa lăm lắm,

Mà kẻ đi về có một tôi.

Thu đã qua rồi tự bữa qua,

Hồn tôi chậm trễ chưa theo kịp

Thì bóng thu xưa đã xóa nhòa.

Thu tàn, những suối đau thương cũ

Giữa nội hồn tôi bỗng cuộn dòng.

Chao ôi, Thu! Thu! Người đã làm gì tình của ta?

Người đến ta chán nản buồn rầu,

Người đi ta nhớ tiếc bâng khuâng.

Hay vì nắng thu đầy một màu hoàng yến, đã nhắc ta nhớ màu áo của ai xưa?”…

Đến bài Trăng trong thơ II (số 5, ra ngày 3-11-1938), Nàng Lê đưa thêm ý vị hài hước vào việc bình tán hình tượng trăng trong thơ Chế:

“Trong khi những người lẩn thẩn hỏi nhau, không biết trăng là “ông trăng” hay là “chị Nguyệt”, thì nhà thơ Chế Lan Viên lại nghiêm trang không cười bảo ta: trăng là… cái bể bơi. Vì, ta hãy đọc đây:

Ngoài kia trăng sáng chảy bao la,

Ta nhảy vào, quay cuồng, thôi lăn lộn.

Thôi hụp lặn trong ánh vàng hỗn độn

Cho trăng ghì, trăng riết cả làn da…

… Thôi hết rồi, bây giờ đầy ánh sáng,

(Trăng) Đã tràn lan, hể hả, chảy mênh mang.

Nhưng chẳng biết nghĩ thế nào, một lúc sau Lan Viên lại bảo trăng là một thiếu nữ đa tình đã làm chàng nhớ đến “nàng”:

Ô kìa run rẩy một đường trăng

Đặt vành “môi” sáng lên trên lá,

Lá đã quên hoa, ấy nhẹ nhàng,

Trong nguồn ân ái say sưa ấy,

Chẳng biết sao tôi lại nhớ Nàng.

À, thì ra trăng của ta có đôi môi rồi đấy”…

Tiếp đến bài Văn chương khi về cảnh cũ (số 9, ra ngày 1-12-1938), Lê Tràng Kiều khi bình về lối thơ hoài niệm cổ kim Trung – Việt đã nhận ra nét riêng độc đáo trong thi tứ của Chế:

“Thi sĩ ơi, trở lại làm gì nơi mà một lần mình đã qua? Vì nơi ấy thể nào cũng sẽ hiến cho ta những buồn đứt ruột, những đau tê tái:

Một ngày biếc, thị thành ta rời bỏ,

Quay về xem non nước giống dân Hời.

Đây những tháp gầy mòn vì mong đợi,

Những đền xưa đổ nát dưới thời gian.

Những sông vắng lê mình trong bóng tối,

Những tượng Chàm lở lói rỉ rên than,

Những cảnh ấy trên đường về ta đã gặp.

Tháng ngày qua ám ảnh mãi không thôi,

Và đáy lòng ta luôn tràn ngập,

Nỗi buồn thương nhớ tiếc giống dân Hời.

(Chế Lan Viên)

Nước Chàm là một nước đã diệt vong, dân Chàm là một dân đã gần tuyệt chủng.

Còn chăng chỉ là mấy cây tháp điêu tàn, và vài trang lịch sử ghi những ngày hiển hách vinh quang, nhưng cũng bị lu mờ trong mấy tiếng “vong quốc”. Vậy nhà thi sĩ Chàm (Chế Lan Viên) nay chỉ còn biết khóc, biết gào, biết kêu như điên trong những vần đầy oán hận, đầy đau xót. Ai hiểu cho, mà có cần ai hiểu!”…

Trong bài viết Cảm tưởng của tôi khi đọc Chế Lan Viên trên tạp chí Tao đàn (số 5, ra ngày 1-5-1939), Lê Thiều Quang triển khai thành 6 đoạn. Đoạn thứ nhất xác định vai trò của trí tưởng tượng của Chế trong tương quan tâm thế Điêu Tàn của mọi hồn người, mọi kiếp người, chung cho mọi xứ sở chứ đâu phải chỉ một nơi nào (khác xa mọi lối cảm thụ và phê bình bắt vít):

“Tập thơ Điêu tàn, mà tôi vừa đọc xong, là công trình sáng tác Chế Lan Viên, của một trí tưởng tượng mênh mang, không bờ bến. Tác giả của nó theo lời một vài người, là một thi sĩ mới trên mười bảy tuổi. Với tuổi này mà đã có tập thơ kia, thực Chế Lan Viên đã bất chấp cả thời gian và đã để xuất hiện dấu vết của một thiên tài.

Không rụt rè, tôi mừng rỡ đón tiếp tia sáng mới lạ ấy, nó bắt đầu lấp ló trong vườn thơ Việt Nam, bên cạnh và cũng không kém những tia sáng khác và đồng thời, nó không giống với một tia nào. Điêu tàn mới lạ quá đến làm ngạc nhiên và làm ngờ vực nhiều người.

Cũng làm thơ, nghĩa là cũng thi sĩ như Chế. Trong số đó, có một người – Lan Viên – đã viện những lẽ sau này để từ chối cái đặc sắc của tập thơ Điêu tàn:

– Hắn là một thi sĩ không thành thực. Là người An Nam, hắn giả làm người dân Chàm để khóc nước Chàm đã mất.

Lý lẽ dung dị quá.

Có nhà thi sĩ tưởng tượng mình là một kẻ ăn mày để than sự đói rét; có nhà thơ tưởng tượng mình là một tên tù bị án tử hình để mỉa mai một yếu hèn của Nhân loại.

Thì đồng bào Chế Lan Viên của chúng ta có giả làm một dân Chàm để oán hận, để khóc than sự diệt vong của Chàm quốc, có lấy gì làm lạ cho ai?

Vả chăng, chính đó lại là tất cả cái hay, cái đặc sắc, cái nghĩa lý của Chế Lan Viên và, tất cả là nhờ ở trí tưởng tượng không thường”…

Đoạn thứ hai, Lê Thiều Quang lý giải cơ sở căn rễ văn hóa của trí tưởng tượng và trực giác sáng tạo kiểu Chế:

“Sống bằng tưởng tượng, nó vốn là bản chất của Chế Lan Viên, và đây là một trí tưởng tượng thần bí, nó thành lập bởi hoàn cảnh, hoặc bởi một lẽ gì khác.

Tôi chưa được hân hạnh gặp Chế Lan Viên, như sở nguyện, nhưng nếu tôi không lầm thì có lẽ Chế Lan Viên là một người yếu ớt mỏng mảnh.

Sự yếu ớt về thể chất rất ảnh hưởng đến linh hồn và chính nó giúp cho sự phát triển hoàn toàn của trí tưởng tượng.

Nhưng vì sao sự phát triển của trí tưởng tượng này lại có khuynh hướng về thần bí?

Đó là một vấn đề thuộc về hoàn cảnh.

Tôi chỉ biết nói: hoàn cảnh mà không dám quyết đoán hoàn cảnh ấy thế nào, phải chăng vì lẽ tôi chưa quen biết, hay chưa, ít nhất, nghe nói đến ông Chế Lan Viên.

Nếu ta là người giàu trí tưởng tượng thì những chuyện yêu tinh, ma quỷ mà ta thường nghe khi còn bé cũng đủ kích thích trí tưởng tượng của ta và nhuộm nó một màu huyền bí. Hoặc giả đời ta có nhiều dịp trông thấy những người chết; có nhiều dịp phải qua lại bãi tha ma. Hoặc giả đã sống nhiều trong một nơi vắng vẻ, hoang vu.

Bấy nhiêu trường hợp cũng đủ làm ông Chế Lan Viên lúc nào cũng sợ hãi, hoảng hốt, đủ làm ông trở nên một người nhút nhát.

Những viễn tưởng huyền bí trước kia, đã chi phối ông. Nhưng, sau này, khi đã lớn, khi đã có đủ trí khôn, thì chính ông lại chi phối nó và dùng nó, những ám ảnh ấy, làm đề hứng cho thi ca.

Có linh hồn thần bí, Chế Lan Viên không phải là một trường hợp duy nhất. Trong văn hoá Việt Nam hiện đại có rất nhiều, nhưng không một bản chất thần bí nào được phát triển hoàn toàn như bản chất Chế Lan Viên.

Tôi có thể kể ra đây một ví dụ để so sánh: ông Thế Lữ, tác giả những chuyện rùng rợn.

Ở Thế Lữ, linh hồn cũng có khuynh hướng về thần bí, nhưng ở ông, cái thông minh lại phát triển dồi dào hơn.

Theo cách tâm lý học ở một người mà trí thông minh dồi dào mạnh mẽ thì trí tưởng tượng phải nghèo ngặt và hẹp hòi. Và trái lại.

Trái lại với Thế Lữ, ở Chế Lan Viên trí tưởng tượng mạnh hơn.

Một ảnh hưởng gì ghê gớm, một ý tưởng gì rùng rợn, nếu đập vào xúc giác Chế Lan Viên thì tức khắc chúng được tự do biến hoá theo ý muốn của trí tưởng tượng. Nếu ở Thế Lữ trái lại, nó bị giữ lại ở địa hạt của trí thông minh, để bị kiểm soát, để bị phân tích rồi, nhân đó để trở nên một cái ý thức, một vật có nghĩa.

Cho nên đọc truyện rùng rợn của Thế Lữ, ta thấy ngay công việc của thần trí. Mà đọc thơ của Chế Lan Viên, ta thấy nó như thực, như mơ, như ảo huyền, mộng mỵ. Muốn hiểu nó, ta phải dùng đến trí tưởng tượng, cộng thêm với trực giác của ta”…

Đoạn thứ ba, Lê Thiều Quang đi sâu phân tích nguồn mạch thi cảm và mối liên tưởng đậm niềm trắc ẩn và sắc thái nhân văn đã tạo nên khả năng dẫn truyền từ tâm hồn Chế đến người đọc:

“Ái tình và Đau khổ đã làm ra thơ văn và chính nó lại là nguồn văn vô tận cho thi nhân văn sĩ.

Chế Lan Viên cũng không ra ngoài hai thi cảm đó, nhưng cái đặc sắc của ông ở chỗ nào?

Luôn luôn người ta thấy ông kêu “Đau khổ” và ưu phiền. Nhưng không phải ông đau khổ và ưu phiền vì những lẽ nó thuộc về nhân tình thế sự. Những lẽ này đối với ông còn xa lạ lắm. Là vì ông chưa sống. Mặc dầu ông vẫn có “những ưu phiền, đau khổ, với buồn lo” nó phát sinh ở sự tàn phá của Thời gian, và sự chuyển di vô cùng của Vũ trụ.

Ngày mai đây muôn loài rồi tan rã

Vũ trụ kia rồi biến ra hư không.

và:

Cả dĩ vãng là chuỗi mồ vô tận

Cả tương lai là chuỗi huyệt chưa thành

Và hiện tại, biết cùng chăng bạn hỡi

Cũng đương chôn lặng lẽ chuỗi ngày xanh.

Thời gian qua… rồi hết thảy cái gì cũng sẽ lần lượt chôn sâu vào dĩ vãng, và như vậy, một cách rất nhanh:

Ta lặng đếm thử bao nhiêu thế kỷ

Đã trôi trong một phút vội vàng qua.

Chỉ một phút thôi, những cái gì thiêng liêng ở lúc này sẽ là hư không, sẽ là Điêu tàn. Non nước Chàm oanh liệt kia đã Điêu tàn… Rồi, biết đâu, non nước Việt Nam chẳng cũng sẽ điêu tàn.

Cái viễn tưởng ấy khỏi sao không làm cho ông đau lòng? Ông cất tiếng lâm ly khóc cho nước Chàm đã mất, ai bảo như thế, không phải là ông khóc trước cho nước Nam này, sau mấy nghìn năm nữa.

Một đôi khi, ta thấy anh hàng xóm khóc cha chết. Ta cũng khóc. Nhưng không phải như thế là ta khóc cha người hàng xóm chết đâu. Chính là ta khóc trước cho cha ta đó bởi ta lo không khéo một ngày kia, cha ta rồi cũng có thể chết.

Các bạn chắc đã hiểu vì sao Chế Lan Viên, nếu thực là người An Nam đã giả làm người dân Chàm để khóc sự diệt vong của Chiêm quốc?”…

Đoạn thứ tư, Lê Thiều Quang nhấn mạnh năng lực tưởng tượng, nhập thân, hóa thân của Chế vào lịch sử nước non Chiêm một thuở vàng son:

“Tưởng mình là người dân Chàm, Chế Lan Viên đã cảm thấy gì khi chạnh nhớ đến sự “điêu tàn” của Tổ quốc? Ông giẫy giụa… ông hoảng hốt… ông mê sảng… ông điên cuồng… ông gầm thét… rồi…

Rồi trần truồng, ta nằm trên điện ngọc

Hai tay cuồng vơ níu áo muôn tiên

Đầu gối lên hàng thất tinh vừa mọc

Hồn giạt trôi về bến nước non Chiêm.

Đây, Tháp cổ, đền xưa đã đổ nát…

Đây, nơi chiến trường còn sặc mùi máu và còn vẳng tiếng gầm vang của cô hồn tử sĩ.

Đây, chỗ ca hát vui chơi của những người Chiêm nữ lúc thời bình,

Đây, điện các huy hoàng đền đài tuyệt mỹ.

Đây, hàng chiến thuyền nằm mơ bên sông lặng và đàn voi Chàm trầm mặc dạo bên thành.

Đây trong ánh ngọc lưu ly mờ ảo

Vua quan Chiêm say đắm thịt da ngà,

Những Chiêm nữ, mơ màng trong tiếng sáo

Cũng nhịp nhàng, uyển chuyển uốn mình hoa…

… Những cảnh ấy trên đường về ta đã gặp

Tháng ngày qua ám ảnh mãi không thôi”…

Đoạn thứ năm, Lê Thiều Quang đề cao sức mạnh của cảm xúc, trí tuệ và sự thăng hoa, bay bổng của Chế trong những liên tưởng thi ca:

“Bị một sức ám ảnh, và nặng một u hoài, cho nên bất cứ lúc nào, và ở đâu, và nhìn đâu, Chế Lan Viên cũng thấy là những dịp để buồn, thương, nhớ, tiếc.

Xuân về, pháo nổ, chim hót, đào nở, hàng dừa cao say sưa, những cây xoan vươn cành trước gió la đà…

Hãy bảo ta: cành hoa đào mơn mởn

Không phải là khối máu của dân Chàm?

Cành cây thắm nghiêng mình trong nắng sớm

Không phải là hài cốt vạn quân Chiêm?

Cái đặc biệt của thơ Chế Lan Viên là khi đọc ông, người ta sẽ biết ông nói gì, nghĩ gì, cảm gì, cùng một lúc trong óc người ta nảy ra một ý tưởng gì, một cảm tưởng gì, hay một cảm giác gì.

Đọc thơ ông, người ta thấy ông là một cái gì, “nó thoát hiện tại, nó xối trộn dĩ vãng, nó ôm trùm tương lai”; một cái gì nó dài như thời gian, và rộng như không gian. Người ta không biết ông đã có từ bao giờ và còn sẽ có đến bao giờ, như thực, như hư, mơ hồ, huyền ảo:

Ai bảo dùm: ta có, có ta không

Lúc ông tắm ở sông Ngân Hà, lúc nằm ngửa đớp sao bên Tháp vắng. Lúc này ông đứng chơi trên sao Đẩu; lúc khác ông đã ẩn trong một chiếc đầu lâu.

Bầu trời, đối với ông, chỉ là một vườn hoa nhỏ muôn màu sắc.

Nước Chiêm xưa, đối với ông, chỉ là một cảnh chợ chiều vắng ngắt, sớm tối đi về.

Ông nhai xương, uống tuỷ, ông chơi với trăng, ông đùa với sao; ông ngậm ngùi lặng nhìn những hòn gạch trong tháp Chàm theo nhau rơi rụng; ông nức nở khóc tình với bóng người thiếu nữ, đến tự nước non Chiêm”…

Đến đoạn thứ sáu, đoạn kết, Lê Thiều Quang trở lại khẳng định thiên tài Chế nhưng cũng cảnh báo về khả năng lặp lại mình và kỳ vọng ở Chế một sự thay đổi, cách tân, tự đổi mới nguồn thơ:

“Chế Lan Viên, là một dấu hiệu của thiên tài. Tôi đã mạnh bạo nói thế. Nhưng tôi cũng mạnh bạo không kém khi phải nói rằng, cái thiên tài của ông chỉ như một tia sáng của một ngôi sao sa, vụt có đấy để rồi lại tắt đi ngay.

Trừ khi ông đi vào một con đường khác thì không kể. Với thi cảm này, mặc dầu lạ lùng, mặc dầu quý báu, ông sẽ không thể nói được nhiều. Nói nữa, ông sẽ không khỏi rơi vào sự “sáo”, ông tự “sáo” với chính mình ông.

Hỡi ơi! Trái tim của con người, thi nhân văn sĩ, trên bao nhiêu thế kỷ, đã nói đến nhiều rồi. Nhưng nó còn có nhiều cái để cho người ta sẽ nói đến nhiều nữa, và biết tìm những cái gì chưa ai nói để mà nói, ấy là sống. Nó là một nguồn thơ vô tận, nó là một suối cảm vô cùng.

Chế Lan Viên muốn đi trật ra ngoài điệu đập của trái tim, rồi đây ông còn biết nói đến cái gì, ngoài thời gian, hư vô, vũ trụ? Tuy nhiên, trước cái sọ đầu lâu vô tri giác, Chế Lan Viên còn biết băn khoăn hỏi:

Mi nhớ gì, tưởng gì trong đêm tối,

Mi trông mong ao ước những điều chi?

Thì một ngày kia, khi đã sống nhiều, Chế Lan Viên sẽ đem những câu hỏi ấy để hỏi “trái tim” ta, nó sẽ nhờ thi nhân mà nói lên cho ta biết nó là cái gì, nó nghĩ gì, tưởng gì, và trông mong ao ước những điều chi.

Chỉ lúc ấy, thi sĩ Chế Lan Viên mới thực làm ta hoàn toàn thoả mãn. Nhưng từ bây giờ chúng ta hãy biết công cho Chế Lan Viên, người đã đem đến cho ta một cảm giác lạ”.

Kiều Thanh Quế với bút danh Mộc Khuê trong chuyên khảo tổng kết Ba mươi năm văn học (NXB Tân Việt, H., 1941) khi điểm danh “Làng thơ mới (mới lẫn cũ) của văn học quốc ngữ trong vòng mười năm nay” đã ghi nhận: “Chế Lan Viên, Việt Nam trăm phần trăm trong huyết quản, giả làm đứa con vong quốc nô, than khóc cảnh Điêu tàn (1937) của Chiêm quốc”, đồng thời nhắc đến một cây bút khác đã chịu ảnh hưởng sâu đậm: “Sương Lam Tử với những “vần Chế Lan Viên” rất huyền bí”…

Rồi đến Lương Đức Thiệp trong chuyên khảo Việt Nam thi ca luận (Khuê Văn xuất bản cục, H., 1942) cũng có nhiều ý tưởng tương đồng với Trương Tửu khi ngợi ca thi pháp của cái “cùng độ” Chế Lan Viên, từ đó đoán định số phận “những bông hoa hiếm” chỉ nở một lần và mở rộng xếp hạng cùng thơ Hàn Mặc Tử:

“Đem trí tưởng tượng mênh mông làm tài liệu sáng tác trong thi ca, ta có ông Chế Lan Viên. Tập Điêu tàn là kết tinh của một năng khiếu trong người được kích thích đến cùng độ:

… Ngày mai đây muôn loài rồi tan rã,

Vũ trụ kia rồi biến ra hư không!…

… Cả dĩ vãng là chuỗi mồ vô tận,

Cả tương lai là chuỗi huyệt chưa thành,

Và hiện tại biết cùng chăng bạn hỡi,

Cũng đương chôn lặng lẽ chuỗi ngày xanh…

… Rồi trần truồng ta nằm trên điện ngọc,

Đầu gối lên hàng thất tinh vừa mọc,

Hồn giạt trôi về bến nước non Chiêm!…

… Hãy bảo ta: cành hoa đào mơn mởn

Không phải là khối máu của dân Chiêm,

Cành cây đẵm nghiêng mình trong nắng sớm

Không phải là hài cốt vạn quân Chiêm?…

Xu hướng tưởng tượng cho chúng ta nếm những hương vị lạ lùng, ngắm những sắc mầu kỳ dị. Tiếc thay những bông hoa hiếm ấy chỉ bừng nở có một thì rồi để mà tàn như muôn ngàn thứ hoa quý khác.

Cái “cốt” thơ dựa trên một dây thần kinh bị căng đến đứt không còn tìm đâu được một chỗ tựa nữa, một chỗ tựa dầu mỏng manh như “hơi” của “thi sĩ Chàm”. Cái mạch thơ “tưởng tượng” hồ như đã cạn hẳn, nếu không yếu ớt lừ đừ, vì nó chỉ bắt nguồn vào có một phần nhỏ của con người, vào có một mảnh nhỏ của con người toàn thể.

Về xu hướng, dầu không thật rõ rệt, ta có thể gạt ông Hàn Mặc Tử về phái ông Chế Lan Viên. Ông Hàn Mặc Tử mà chúng ta thương khóc đáng nhẽ truyền sang được chúng ta những cảm giác kỳ lạ, ghê rợn, kinh hoàng… Cái đau khổ ghê gớm của ông chưa đủ kết tinh trong ít nhiều “bài thơ” đã công bố trên mặt sách báo”…

Trong công trình tổng thành Thi nhân Việt Nam (Nguyễn Đức Phiên xuất bản, Huế, 1942), Hoài Thanh – Hoài Chân tuyển in 8 bài thơ của Chế (đồng hạng với Nguyễn Bính), xếp trên các tác gia Hàn Mặc Tử, Thế Lữ, Nam Trân (7 bài) và hết lời ngợi ca, khâm phục:

“(Chế Lan Viên không ưng cho chúng tôi đề tên thật và in ảnh của người).

Tôi cầm bút viết bài này thì văng vẳng bên tai tôi giọng ca Nam Bình đưa sang từ nhà bên cạnh. Giọng ca âm thầm ai oán, mỗi lần tôi nghe lại khiến lòng tôi bồn chồn, chân tay tôi rời rã.

Cũng lạ! Bị chinh phục đến tiêu diệt mà cảm được lòng những kẻ đã diệt mình một cách sâu sắc như thế dễ chỉ có dân tộc Chiêm Thành. Những nhạc công của chúng ta luôn luôn ca nỗi oán hờn của họ. Bao nhiêu thi nhân của ta bị ám ảnh vì những nỗi buồn thương của họ. Chúng ta lại còn dành riêng cho họ một nhà thơ, để vì họ giải dùm những nỗi uất ức bao nhiêu năm như nghẹn ngào trên núi sông này. Vong linh đau khổ của nòi giống họ đã nhập vào Chế Lan Viên, cho nên, dầu không phải người họ Chế, Chế Lan Viên vẫn là một nhà thơ Chiêm Thành. Quyển Điêu tàn đã đột ngột xuất hiện giữa làng thơ Việt Nam như một niềm kinh dị.

Nó dựng lên một thế giới đầy sọ dừa, xương máu, cùng yêu ma.

Chỗ này một yêu tinh nghe tiếng trống cầm canh chợt nhớ nơi trần thế:

Rồi lấy ra một khớp xương rợn trắng

Nút bao dòng huyết đẫm khí tanh hôi

Tìm những “miếng trần gian” trong tủy cạn

Rồi say sưa, vang cất tiếng reo cười.

Chỗ kia trong

… những cảnh ngàn sâu cây lả ngọn

Muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi.

Đừng ai hỏi những cảnh ấy thi nhân đã thấy ở đâu. “Hãy nghĩ lại! Có ai thấy, vào buổi chiều, rụng ở trong tháp một viên gạch cũ mà hỏi: Viên gạch ấy chu vi, diện tích bao nhiêu? Đúc từ đời nào? Ở đâu? Bởi ai? Và để làm gì?”. Chế Lan Viên đã trả lời trước như vậy (Trong tựa Điêu tàn).

Ta hãy theo dõi thi nhân trong cái thế giới lạ lùng ấy. Có khi ngồi trên bờ bể Chế Lan Viên bàng hoàng tự hỏi:

Ai kêu ta trong cùng thẳm. Hư vô?

Ai réo gọi trong muôn sao chới với?

Và say sưa nhớ lại một đêm ái ân giữa khoảng các vì sao. Có khi Chế Lan Viên điên cuồng:

… ngụp lặn trong ánh vàng hỗn độn

Cho trăng ghì, trăng riết cả làn da.

Lại có khi lặng đứng suốt đêm với một bóng ma hay nhìn một chiếc quan tài đi qua mà tưởng thi thể của mình nằm trong đó.

Hẳn có người sẽ nghĩ: Thơ muốn hay chứ muốn lạ thì khó gì, cứ nói trái sự thực là được. Sự thực người ta ngủ trong nhà thì cứ việc nói người ta ngủ trong sao.

Đừng tưởng! Lịch sử văn học cổ kim không từng có hai Bồ Tùng Linh. Nói láo đành dễ, nhưng cái khó là nói láo mà vẫn không biết mình nói láo; cái khó là có thể tin lời mình nói. Mà Chế Lan Viên tin lời mình ghê lắm. Khi Chế Lan Viên kêu:

Hồn của ai trú ẩn ở đầu ta?

Ý của ai trào lên trong đáy óc,

Để bay đi theo tiếng cười, điệu khóc?

tôi nhất quyết thi nhân thành thực hơn tôi khi tôi nói, chẳng hạn: tờ giấy kia trắng. Vì câu nói của tôi là một câu nói hờ hững, xuất tự tri giác, tôi vẫn tin mà không để vào đó tất cả lòng tin. Chế Lan Viên, trái lại, đã để trong tiếng kêu hốt hoảng của mình, một lòng tin đau đớn.

Ấy, người thường có những nỗi đau đớn tựa hồ vô lý vậy mà thành thực vô cùng.

Trong một năm người ưa nhất mùa thu. Mùa thu qua được một ngày người đã nhớ:

Ô hay, tôi lại nhớ thu rồi…

Mùa thu rớm máu rơi từng chút

Trong lá bàng thu đỏ ngập trời.

Đường về thu trước xa lăm lắm,

Mà kẻ đi về chỉ một tôi!

Nếu một nỗi đau đớn như thế mà có thể cho là bày đặt thì ở đời này không còn gì tin được nữa.

Một lần khác, cũng nhớ thu, Chế Lan Viên than:

Chao ôi! Mong nhớ! Ôi mong nhớ

Một cánh chim thu lạc cuối ngàn.

Nỗi mong nhớ ở đây đã thành thực, mà còn to lớn lạ lùng. Con người này quả là người của trời đất, của bốn phương, không thể lấy kích tấc thường mà hòng đo được.

Ưa mùa thu, ghét mùa xuân, trong khi xuân đến, người muốn:

Ai đâu trở lại mùa thu trước

Nhặt lấy cho tôi những lá vàng?

Với của hoa tươi muôn cánh rã

Về đây, đem chắn nẻo xuân sang!

Ý muốn ngông cuồng, ngộ nghĩnh? Đã đành. Trong cái ngộ nghĩnh, cái ngông cuồng ấy tôi còn thấy một sức mạnh phi thường. Chắn một luồng gió, chắn một dòng sông, chắn những đợt sóng hung hăng ngoài biển cả, nhưng mà “chắn nẻo xuân sang!”. Sao người ta lại có thể nghĩ được như thế?

Ngày xưa Tản Đà chán nản than:

Đêm thu buồn lắm, chị Hằng ơi!

Trần giới em nay chán nửa rồi!

Cái chán nản hiền lành của người Việt. Nó khác xa cái chán nản gay gắt, não nùng của Chế Lan Viên:

Trời hỡi trời! Hôm nay ta chán hết

Những sắc màu hình ảnh của Trần gian.

Có phải một cái chán nản mạnh mẽ và to lớn dị thường? Người ta chán đời người ta cầu một mảnh vườn hay hơn một chút nữa, một khoảnh núi để sống riêng. Chế Lan Viên trốn đời lại nghĩ đến một vì sao!

Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh,

Một vì sao trơ trọi cuối trời xa!

Để nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh

Những ưu phiền, đau khổ với buồn lo.

(Tiếc câu sau này không xứng với câu trên).

Cái mạnh mẽ, cái to lớn ấy, những đau thương vô lý mà da diết ấy, cái thế giới lạ lùng và rùng rợn ấy, ai có ngờ ở trong tâm trí một cậu bé mười lăm mười sáu tuổi. Cậu bé ấy đã khiến bao người ngạc nhiên. Giữa đồng bằng văn học Việt Nam ở nửa thế kỷ hai mươi, nó đứng sững như một cái tháp Chàm, chắc chắn và lẻ loi, bí mật. Chúng ta, người đồng bằng, thỉnh thoảng trèo lên đó – có người trèo đuối sức – mà trầm ngâm và xem gạch rụng, nghe tiếng rên rỉ của ma Hời cũng hay, nhưng triền miên trong đó không nên. Riêng tôi, mỗi lần nấn ná trên ấy quá lâu, đầu tôi choáng váng: không còn biết mình là người hay là ma. Và tôi sung sướng biết bao lúc thoát giấc mơ dữ dội, tôi trở xuống, thấy chim vẫn kêu, người ta vẫn hát, cuộc đời vẫn bình dị, trời xa vẫn trong xanh”…

Qua năm sau, nhà phê bình Lê Thanh trong bài Thanh niên Việt Nam với một cuộc cải cách văn học ngày nay trên tạp chí Tri tân (số 119, tháng 11-1943) đã tỏ ý phê phán lối thơ sầu muộn, ủy mị – trong đó có Chế – và mong chờ một sự đổi thay:

“Ta phải buồn rầu mà nhận văn chương ta ngày nay về một vài phương diện không khác gì văn chương Trung Hoa trước thời cách mệnh, ngày nay nếu muốn tìm trong làng văn ta một số nhà văn “không ốm mà rên”, như Hồ Thích đã nói, là một việc không khó khăn gì.

Chao ôi mong nhớ ôi mong nhớ

Một cánh chim thu lạc cuối ngàn!

(Chế Lan Viên)

Nhật ký nhòa đi mất cả rồi

Chỉ còn vết mực ố hoen thôi!

Biết rằng nên xé hay nên đốt

Hay để mà thương đến mãn đời?

(Nguyễn Bính)

Và trong những tập xuất bản trong vòng năm ba năm nay, nếu ta muốn nhặt những “sáo ngữ”, những hình ảnh thơ cũ kỹ, ta có một bộ khá nhiều: cũng “hồn đau”, “chiều tà”, giăng lạnh, gió về, “đau thương”, “sầu hận”, “chiếc bóng”, “đêm thâu”, “nhớ nhung”, “hồn lạnh”, “năm canh”, “sáu khắc”, “mơ màng”, “ngẩn ngơ”…

… Bỏ cái lối “không ốm mà rên, xuân đến thì khóc vì rồi xuân sẽ đi, thu đến thì khóc vì thu buồn…”. Những văn chương ủy mị chỉ làm nhụt chí khí, làm héo lả tâm hồn.

Phải bỏ… và bỏ, vì ngày nay nhà văn thanh niên Việt Nam còn có một trọng trách là gây lấy cái tinh thần mạnh mẽ cứng cỏi không những cho mình mà còn cho tất cả những người xung quanh mình. Cái tinh thần ấy đang cần cho sự kiến thiết một văn chương xứng đáng và một quốc gia đủ điều kiện để sinh tồn trong buổi cạnh tranh này”…

Trong bộ sách Nhà văn hiện đại, Vũ Ngọc Phan không đưa Chế Lan Viên thành một mục tác giả riêng nhưng có nhắc đến trong phần khái quát Các thi gia (Quyển ba. NXB Tân dân, H., 1943) và nhấn mạnh sự đối nghịch với tiếng thơ “hùng tráng, cứng cỏi… đanh thép” của Huy Thông, phác thảo những điểm tương đồng và khác biệt với chất thơ Hàn Mặc Tử, Phan Khắc Khoan:

“Phạm Huy Thông (tác giả các tập thơ Yêu đương (1933), Anh Nga (1934), Tiếng địch sông Ô (1936), và Tần ngọc (1937)) là người làm thơ hùng tráng trước nhất trong lối thơ mới. Thơ ông cứng cỏi, đanh thép nhưng không khỏi khô khan và kém về âm điệu.

Chế Lan Viên Tác giả tập thơ (Điêu tàn, 1937), trái lại, không cứng cáp chút nào. Thơ ông toàn là những tiếng khóc than; ông tả rặt những cái u sầu; ông có giống Hàn Mặc Tử thì chỉ giống ở chỗ hay nhắc đến linh hồn, chứ cái sầu của ông tràn lan hơn Hàn Mặc Tử nhiều, cái sầu của ông là cái sầu não nùng, thê thảm, cái sầu bát ngát, khó khuây. Thật là thứ sầu vong quốc, thứ sầu của dân tộc Chiêm Thành, tuy ông không cùng máu với họ.

Phan Khắc Khoan (Tác giả tập thơ Trần Can, Lý Chiêu Hoàng (1942) và những thơ đăng trong Hà Nội tân văn và Tri tân – Hà Nội) tuy cũng thuộc vào phái mới, nhưng khác hẳn Chế Lan Viên; ông tả tình không lấy gì làm đặc sắc, nhưng tả cảnh lại rất mầu mè, như những bài ở tập Trong sương gió; rồi có khi lời thơ ông lại rất hùng tráng, như nhiều đoạn trong vở kịch Trần Can”…

Cuối cùng, xin dẫn ý kiến của nhà phê bình Kiều Thanh Quế trong bài đọc sách Nhân đọc Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân trên tạp chí Tri tân (số 134, tháng 3-1944) đã nhấn mạnh sắc thái thơ Chế Lan Viên và xác định vị thế thơ ông trong tương quan với các thi nhân và dòng chảy Thơ mới đương thời:

“Thơ của Bích Khê, Hàn Mặc Tử đầy tưởng tượng. Nhưng các hình tượng, do óc tưởng tượng của hai ông tạo ra, rời rạc, vấp váp và rơi như lá vàng buổi chiều thu!

Tôi chỉ trọng sự tưởng tượng của thi sĩ Phan Ngọc Hoan núp dưới biệt hiệu Chế Lan Viên.

Thơ ca Việt Nam trong mười mấy năm gần đây đi từ cổ điển (với Tản Đà, Trần Tuấn Khải), trải qua lãng mạn (với Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận), sang tưởng tượng (Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên) rồi bây giờ đến tả chân (với Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ)”…

Từ những chứng dẫn trên có thể khẳng định vào đương thời Thơ mới, các nhà thơ và phê bình ứng xử trong hoạt động phê bình thực sự dân chủ, bình đẳng, cho phép tồn tại nhiều điểm nhìn, nhiều hướng tiếp cận trước mỗi hiện tượng tác gia cụ thể. Qua bức tranh phê bình của người đương thời, thơ Chế Lan Viên hiện lên thật sinh động với nhiều đường nét, màu sắc, chiều sâu suy tưởng và thế giới nghệ thuật khác nhau, có ý nghĩa khơi gợi tranh luận, mở đường cho tư duy sáng tạo thi ca cũng như phê bình văn học cùng phát triển.

PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn

Nguồn: Vanhocquenha.vn