Quan họ ơi… đừng (NXB Văn học 2012) là tập thơ thứ 2 của người quan họ Vũ Tuấn Anh. Với khuôn khổ 10 x 18, tập thơ khá nhỏ gọn, xinh xắn. Không ồn ào với những vấn đề nóng, Quan họ ơi… đừng tiếp cận với người đọc bằng những cảm xúc thơ về miền quê quan họ, về những cung bậc của cõi yêu…

Những nguồn mạch cảm xúc ấy được ủ bằng chất men quan họ rồi đựng trong chiếc bình lục bát. Có lẽ nhờ sự hòa trộn đẫm sắc màu dân tộc này nên thơ Vũ Tuấn Anh dễ dàng đến với đại chúng. Nhờ cái tiết tấu, vần điệu nhịp nhàng mà đường đi của thơ anh đến với người đọc rất gần.

Bài viết này xin được chạm miền quan họ bằng những cung bậc của tình người, tình thơ trong khoảng trời lục bát của anh. Đây, nét tình quê đằm thắm của nền văn hóa lúa nước, hình như đang ngày một lẻ loi, lạc lõng trong ồn ã phố phường:

Càng xa càng ước thiết tha/ Giá tình phố thị như là làng tôi (Nhớ làng)

Vũ Tuấn Anh dịu dàng trong miền hoài niệm, cái hoài niệm ấy gợi lên những sự liên tưởng giữa miền quê và kẻ chợ. Chữ “tình” trong câu kết khiến câu thơ đằm xuống, vẫn biết cái niềm ao ước ấy có lẽ chả bao giờ thành sự thật nhưng cứ lẩm cẩm thế, cứ mơ màng thế, biết đâu…

Men quan họ của Vũ Tuấn Anh được trộn vào vần điệu của thơ lục bát khiến ý thơ đằm ngọt, lời thơ dìu dịu. Kìa làn áo the cổ tích phất phơ ngày giã hội, bên tai còn văng vẳng lời người hát, mà miếng trầu cầm tay sao nặng trĩu nẻo về: Thắt lòng “người ở người ơi”/ Áo the gửi lại tím trời tìm nhau/ Qua cầu gió có biết đâu/ Lời yêu thầm gửi cánh trầu, lời ca… (Mặc ai…).

Đến với thơ Vũ Tuấn Anh xin đừng khổ công để tìm những câu chữ biến ảo, những tứ thơ lạ lẫm, hãy cứ chạm miền thơ anh bằng những lời cổ tích như đang đặt bước chân trần trên lối mòn quan họ ngày xưa rồi sẽ thấy văng vẳng lời yêu từ cây đa bến nước, từ nong tằm đang kéo kén, từ cơn gió hạt mưa mang lời nói dối qua cầu: Vẫn là như thể mọi khi/ Mượn lời quan họ thầm thì trao nhau/ Đừng lo môi, má phai màu/ Ta cùng nói dối qua cầu mưa xiên… (Về Hội Lim em nhé).

Câu chữ trong thơ Vũ Tuấn Anh duyên dáng ở chính những nét chân thành mộc mạc, ấy vậy nhưng trong cái mộc mạc cũng có những nét ý tứ lắm, e ấp lắm. Lời ướm, lời ngỏ, lời hẹn mang những nỗi niềm của cõi yêu trong thơ anh cứ trong trẻo cất lên giữa cái xô bồ ồn ã của cuộc sống và văn chương hôm nay: Chẳng ưng “bén rễ xanh cây”/ Thì xin cứ đợi tóc mây… hãy về (Hãy ở lại).

Người ơi, hương quan họ ủ trong lời dân dã, trong tảo tần cơ cực mấy ngàn năm, mùi hương ấy vẫn dâng lên từ phía ruộng đồng, bao đời qua đã ngấm vào bà, vào mẹ, vào em mà nên những nét duyên rất đặc trưng của người phụ nữ thôn quê: Đói, nghèo – chuyện đã thành xưa/ Nhưng anh vẫn thấy như vừa hôm qua/ Theo chồng phố thị em ra/ Chẳng quên mình vốn đã là nhà nông/ Hình như em hiểu lòng chồng/ Nên mang luôn cả hương đồng đi theo (Hương quyến rũ).

Nếu ai đã từng đọc những sáng tác của Vũ Tuấn Anh, sẽ nhận ra chân dung thật của người thơ ấy. Này nụ cười hiền hậu, này gương mặt vuông vức đổ bóng lên những câu thơ dịu dàng, thuần hậu, chân chất. Này ánh mắt lấp lánh, tinh nghịch (dù người đã chạm ngũ tuần, đã ở tuổi tri thiên mệnh) đã khiến những câu thơ anh đôi chỗ ánh lên nét hóm hỉnh khá duyên dáng: Tóc che cho gió khỏi vờn/ Đừng nhìn ngang dọc… đường trơn giật mình/ Điều này nữa… nói thật tình/ Em mà mặc váy… không xinh… bằng quần (Anh có ý kiến). Trong mạch thơ này anh vẫn làm chủ được ngôn ngữ để câu chữ của anh vừa cụ thể, chi tiết mà không thô thiển, dung tục: Anh đừng lấy cớ…/ xuân về/ Để mà vẫn cứ…/ đam mê…/ như là…/ Nghe chưa…/ gà gáy đằng xa/ Ngày mai…/ vẫn phải làm mà!!!/ Nhớ không? (Lời nhắc)

Lời người vợ nhắc chồng trong đêm nồng nàn quá, âu yếm quá. Hình như mấy câu thơ này được viết sau những phút đất trời hòa làm một, và câu thơ “Ngày mai vẫn phải làm mà… nhớ không” đâu chỉ đơn thuần là một ngày làm việc mới, nó còn ý nhị nhắc “một nửa của mình” rằng chuyện đam mê ấy còn “dài tập” lắm!

Vũ Tuấn Anh yêu lục bát, hiển nhiên rồi, vẫn còn nhiều ý kiến về bài thơ Cây chanh của anh in trong tập Thì thầm đường quê (NXB Văn học 2011). Bài thơ ấy chỉ với hai mươi tám chữ mà gói được những vấn đề chưa bao giờ cũ về thế thái nhân tình: Cây chanh trồng ở ban công/ Tốt tươi mà chẳng nở bông hoa nào/ Mùi hương cũng bị hư hao/ Thì ra đâu phải lên cao mà mừng. Ở tập Quan họ ơi… đừng này cũng vẫn là những câu lục bát, dẫu không còn nhiều cái vô tư, tươi mới hớn hở như ở tập thơ đầu, nhưng đã thấy nhiều hơn những ý thơ gói trong khuôn khổ lục bát bằng sự chiêm nghiệm đa chiều: Thu vơi lặng lẽ bao giờ/ Dường như lấp ló đông chờ… để sang / Biết rằng hao khuyết nồng nàn/ Ta còn yêu lắm dịu dàng heo may (Thu ơi!). Tập thơ này của Vũ Tuấn Anh sẽ có nhiều câu thơ lục bát ở lại nơi người đọc. Này đây, lời tỏ tình đẫm chất quan họ thả bồng bềnh trên sông nước Tiền Giang. Đẹp quá người ơi, mượn tấm áo the quan họ đặc trưng, người thơ ướm lời cùng miền vọng cổ: Đổi câu vọng cổ đầy vơi/ Anh xin tặng lại những lời giao duyên/ Ta cùng ngồi tựa mạn thuyền/ Áo the in bóng sông Tiền được chăng? Câu thơ tưởng viết nỗi xúc động riêng mình mà bỗng hóa cái mênh mông thăm thẳm của hai miền quê văn hóa. Lục bát thật lạ, câu chữ đâu cần phải gầm ghì về hình thức, phải đao to búa lớn mà vẫn tải những điều lớn lao về cuộc sống này.

Đi dọc lời quan họ, ta nhận ra có khá nhiều những mầm lục bát xinh xinh khe khẽ nứt lên từ sự chân thành: Biết rằng, đâu phải chuyện đùa/ Lại càng không thể/ bán, mua… chợ đời/ Nhận ra …dù đã… / lỡ thời…/ Gặp em,/ …chẳng nén được lời bâng quơ… (Bâng quơ). Những phút vu vơ, bâng quơ, thật lòng thơ như thế này nhiều lắm. Sự vô tư hớn hở trong thơ Vũ Tuấn Anh của ngày xưa nay đã mang dấu ấn sự trau chuốt và chọn lọc. Dẫu những câu thơ này là sản phẩm của “trí năng” nhưng chắc hẳn cũng có nhiều người đồng cảm với anh! Mà thật ra cái “ngộ năng” có phải người viết nào cũng được trời cho đâu. Nếu nhà thơ nào cũng có cái “ngộ năng” thì Nguyễn Du; Nguyễn Bính, Nguyễn Duy; Đồng Đức Bốn… không bao giờ là số ít của cõi văn chương! Trở lại với Quan họ ơi… đừng và những cảm xúc trong cõi yêu, ta lại ngỡ ngàng trước những câu thơ chân thành của Vũ Tuấn Anh, sự chân thành dịu dàng ấy có vẻ như đã làm nên cái nét riêng cho thơ anh: Tháng tư trắng nở loa kèn/ Theo em xuống phố… nắng mềm mắt anh/ Nói ra mang tiếng chòng chành/ Nếu không… e lại trở thành… dối nhau (Nếu không). Hoa ấy, người ấy, nắng ấy và ánh mắt ấy… thì phút xao xuyến kia mấy ai không vướng phải, có vội vã không khi áp lên người thơ hai chữ “đa tình”. Bỗng dưng lại nhớ đến cái nic “Người lẩm cẩm” của anh trên cõi ảo. Ừ, cứ “lẩm cẩm” thế này thì ai chả mong có được cái “lẩm cẩm” đáng yêu của người quan họ: Bao nhiêu tan hợp, hợp tan/ Xét soi có cả trăm ngàn căn nguyên/ Mới hay vạn sự tùy duyên/ Cho nên ta cứ ở hiền. Biết đâu… (Tùy duyên).

Quan họ ơi, xin khép lại mấy dòng cảm nhận này. Ừ thì cũng bởi có căn duyên mà hồn quan họ mới hòa vào câu lục bát, ừ thì cũng bởi căn duyên nên đang không người lại vận vào mình mấy sợi lơ mơ, lại vướng vào nàng thơ. Khách thơ ơi, tập thơ nhỏ nhắn còn đó đôi chút dễ dãi về cấu tứ (ở những bài như: Có ai cho vay không; ướm hỏi; Tự trách; Thì ra; Ngóng bạn thơ; “Hoang tưởng”...), còn đó chút xáo rỗng của ngôn ngữ (ở những bài như: Sét trái mùa; Có thể; Khi xa…; Giản đơn; Chuyện tình một người lính; Phải chi…) Nhưng thôi xin cứ thuận duyên để Quan họ ơi… đừng neo lại ở cõi thương này bằng chút tình thơ của người quan họ.

N.T.K

Nguồn tin: TCNV 11-2012