Đề cao giá trị văn chương

Những câu truyện về nhân vật Sherlock Holmes của Conan Doyle được dịch ra tiếng Việt từ những năm 1920 và đã có ít nhất hai bản dịch Sherlock Holmes toàn tập được lưu hành. Lần này, ngoài việc giới thiệu bản dịch mới hoàn toàn, đơn vị phát hành cũng làm mới diện mạo của bộ sách, với hai phiên bản khác nhau nhằm phục vụ nhu cầu của bạn đọc yêu thích và sưu tầm sách

.


Bộ sách Sherlock Holmes toàn tập được ấn hành từ năm ngoái, và chỉ trong thời gian ngắn đã được nhà phát hành tái bản. Điều này cho thấy sự yêu mến của độc giả với vị thám tử lừng danh chưa bao giờ “hạ nhiệt”. Bộ sách gồm 3 tập, bìa cứng, hộp ngang có thêm Phụ bản in màu ở cuối tập 3 về Bảo tàng Sherlock Holmes. Ngoài ra, còn có phiên bản bìa mềm được phát hành song song. Sách tặng kèm bookmark là hình ảnh các vật dụng quen thuộc của vị thám tử đại tài.


Không chỉ mang một diện mạo mới, bộ sách còn được chuyển ngữ bởi ba dịch giả mới là Trần Đức Tài (bút danh Đăng Thư), Lê Quang Toản và Thiên Nga. Ba dịch giả đã nỗ lực dịch thuật một cách nhất quán toàn bộ 4 đoạn thiên tiểu thuyết và 56 truyện ngắn kinh điển, sắp xếp theo lần xuất bản đầu tiên. Các dịch giả đã tiếp cận tác phẩm của Conan Doyle trên cả góc độ lịch sử và văn chương, không xem Toàn tập Sherlock Holmes như những truyện trinh thám phổ thông mà là một danh tác kinh điển. 


Bộ sách Sherlock Holmes toàn tập.


Dịch giả Trần Đức Tài chia sẻ: “Được tiếp xúc với nguyên tác, tôi như người bước vào một hành trình khám phá mới. Đối chiếu với nhiều nguồn khác, tôi phát hiện không chỉ là trinh thám, Conan Doyle đã nâng tầm vóc của thể loại văn học này lên một tầm mới. Và hơn cả là chất văn độc đáo trong tác phẩm. Phần lớn bạn đọc bị tài năng của Sherlock Holmes chinh phục mà quên mất rằng tài năng của Conan không chỉ nằm ở việc tạo ra nhân vật có sức thuyết phục lớn này. Với tôi, các tác phẩm về Sherlock Holmes còn có cả chất của tiểu thuyết lịch sử”.
Nguồn cảm hứng bất tận


Sherlock Holmes đã đến với nhân loại qua tài năng của Conan Doyle. Và Holmes cũng mang lại cho Doyle tiền tài lẫn danh tiếng. Không những thế, Sherlock Holmes còn trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho rất nhiều lĩnh vực nghệ thuật như hội họa, sân khấu, điện ảnh…


Trong lĩnh vực hội họa, Sherlock Holmes trở thành đề tài, thậm chí là tạo “công ăn việc làm” cho rất nhiều họa sĩ. Từ bốn bức tranh minh họa của David Henry Friston trên tạp chí Strand cho truyện ngắn đầu tiên – Cuộc điều tra màu đỏ; tiếp theo đó là những bức minh họa của ông Charles Altamont Dolye, cũng chính là thân sinh của nhà văn Conan Doyle. Rất nhiều họa sĩ lừng danh cũng chọn Holmes để vẽ như Sidney Paget, J.Frank Wiles,Waler, Frederic Dorr Steele…


Khi Holmes được xem như đã chết ở thác Reichenbach, nhiều cánh cửa đã mở ra để chuyển thể truyện Sherlock Holmes cho sân khấu. Sở dĩ Holmes phải chết là vì những mệt mỏi và phiền toái mà nhân vật này mang đến cho chính tác giả. Bởi vậy, Conan Doyle đã tự tay… giết đứa con tinh thần của mình trong truyện The Final Problem xuất bản trên tạp chí Strand vào tháng 12 năm 1893 thông qua cuộc đối đầu với James Moriaty.


Khi Holmes chết, làn sóng phẫn nộ đã nổ ra ở rất nhiều độc giả – những người yêu mến vị thám tử lừng danh từ trước đó. Và bởi vậy, các kịch bản sân khấu phần nào lấp đầy khoảng trống do Holmes để lại cũng như đáp ứng nhu cầu của công chúng luôn muốn thưởng thức những cuộc phiêu lưu mới của nhà đại thám tử. Nhiều vở kịch lấy cảm hứng từ Sherlock Holmes đã được ra đời trong hoàn cảnh đó, và trở nên nổi tiếng không kém phiên bản văn học. Có thể kể đến: Dưới chiếc đồng hồ (1893), Sherlock Holmes (1893), Sherlock Holmes: Vở kịch 4 hồi (1899), Arsène Lupin đối đầu Sherlock Holmes, Thập tự máu (1978), Sherlock Holmes: Cuộc phiêu lưu cuối (2007)…


Một lĩnh vực gắn liền với Sherlock Holmes không thể không nhắc tới chính là điện ảnh. Lúc sinh thời của Conan Doyle, những bộ phim câm dựa theo truyện Sherlock Holmes đã được thực hiện ở Anh quốc và Mỹ. Lịch sử Sherlock Holmes điện ảnh cũng dài gần bằng lịch sử của Sherlock Holmes văn học. Mười năm sau khi điện ảnh ra đời, bộ phim Sherlock Holmes đầu tiên đã được quay: phim thất bại do công ty Mỹ Mutoscope & Biograph Company thực hiện năm 1900, dài 30 giây và được thực hiện để chiếu ở những khu vui chơi bằng máy hát bóng Mutoscope.


Từ đó đến nay, rất nhiều bộ phim đã được ra đời dựa trên nguồn cảm hứng về Sherlock Holmes như: Sherlock Holmes (1922), Cuộc điều tra màu đỏ (1933), Con chó của dòng họ Baskerville (1939), Sherlock Holmes và vũ khí bí mật (1943), Sherlock Holmes đối diện tử thần (1943), Sherlock Holmes (2009)… Và cứ thế, Sherlock Holmes liên tục được tái sinh.


Theo dịch giả Trần Đức Tài, mặc dù Conan Doyle là “cha đẻ” của bộ truyện lừng danh nhưng trong khi Sherlock Holmes được dựng tượng, gắn bảng ở khắp nơi trên thế giới thì những bức tượng của Doyle chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Điều đó thêm lần nữa cho thấy, sự trường tồn của thám tử Sherlock Holmes trong lòng công chúng. Đó là “người đàn ông chưa từng sống nhưng không bao giờ chết”.


Theo An Sơn – Nguồn Zing
Exit mobile version