Nổi danh đa tài, từ thơ, điện ảnh, hội họa đến văn xuôi, lĩnh vực nào Đoàn Lê cũng có thành tựu, nhất là trong sáng tác văn xuôi. Chị còn được công chúng biết nhiều qua bài thơ “Cho một ngày sinh” của người em là Đoàn Thị Tảo viết tặng: “Ngày chị sinh trời cho làm thơ…/ Vấn vương với sợi tơ trời/ Tình riêng bỏ chợ tình người đa đoan”.
Nhà văn Đoàn Lê (ảnh: tuoitre.vn)
“Nàng Kiều” của Điện ảnh khóa I
Đoàn Lê sinh ngày 15 – 4 – 1943 tại Hải Phòng, là con một cụ đồ nho có nghề thuốc gia truyền. Cụ đồ muốn hướng cho con gái nối nghề tổ. Nhưng từ tuổi hoa niên Đoàn Lê đã là một hoa khôi của thành phố cảng, lại giàu mộng ước, yêu văn chương, nghệ thuật. Do vậy, nhiều thanh niên đất cảng mê Đoàn Lê. Và rồi, cũng có một mối tình sét đánh. Nó đến nhanh như sấm sét, và cũng biến nhanh như sấm sét, để lại trong Đoàn Lê một nỗi buồn mênh mông, may sao, “trời cho làm thơ”, và chị lấy thơ để lấp bớt nỗi buồn mênh mông đó. Đang là nữ sinh lớp chín, Đoàn Lê đã có thơ đăng trên các báo chí.
Biết không theo nghề thuốc là trái ý cha mẹ, nhưng hồn đầy mơ mộng và chí muốn bay nhảy, năm 17 tuổi, Đoàn Lê trốn lên Hà Nội thi vào Trường Điện ảnh, đã trúng tuyển khóa I (1959 – 1962) cùng với Lâm Tới, Trà Giang, Thụy Vân… Là sinh viên trường Điện ảnh, nhưng năm 18 tuổi chị lại nổi tiếng thiên hạ với bài thơ Bói hoa đăng trên báo Văn nghệ, được nhiều người chép chuyền tay nhau. Đây là thời thơ của Heinrich Haine rất được yêu chuộng ở nước ta, vậy nên một số người chép Bói hoa vào sổ tay đã ghi tên tác giả là…Haine: “Ngày xưa em ngây thơ/ Ngồi bói hoa hồng nở/ Đoán tình yêu sau này/ Vẹn tròn hay dang dở…”. Sau bài thơ Bói hoa, Đoàn Lê viết văn xuôi, và thật bất ngờ, mấy truyện ngắn đầu tay của chị: Đôi mắt hoa Nhài, Trương Viên, Cây xoan được đăng trên hai tờ báo danh tiếng là Văn nghệ và Đại đoàn kết. Những năm cuối thế kỷ XX, chúng tôi từng được nghe Đạo diễn – nghệ sĩ Nhân dân Hải Ninh và một số nghệ sĩ thế hệ đầu của Điện ảnh Việt Nam nhắc lại chuyện xưa rằng, Đoàn Lê da trắng bóc, thanh mảnh, bạn bè gọi là “cô Kiều của Điện ảnh khóa I”, bởi giỏi cả văn, thơ và hội họa. Chị yêu thích mỹ thuật chả kém gì yêu văn chương, nên đã theo học thêm về hội họa với một họa sĩ già hay vẽ phố cổ Hà Nội.
“Cô Kiều của khóa I”, hóa ra cũng long đong nhất trong các nữ diễn viên Điện ảnh khóa I. Tốt nghiệp, Đoàn Lê về làm việc tại Hãng phim truyện Việt Nam, nhưng thường chỉ được phân vào các vai phụ. Sau này, có ai khen chị là lớp diễn viên đầu của Điện ảnh Việt Nam, chị thường cười và nói như diễu mình: “Toàn đóng vai chạy cờ, lúc xem phim chả thấy mình đâu”. Ấy là Đoàn Lê lờ đi việc chị đã đóng vai chính duy nhất trong bộ phim truyện Quyển vở sang trang. Nhiều khán giả vẫn còn giữ được ấn tượng rất đẹp về cô giáo Hồng Vân (mà người trong nghề thường hay gọi là “cô giáo Đoàn Lê”) nền nã, dịu dàng thời ấy…
Khi nghiệp diễn viên đứt đoạn
Chiến tranh phá hoại của không lực Mỹ đã lan ra cả miền Bắc. Năm 1967, Đoàn Lê lấy chồng, rồi sinh con. Chồng chị, anh Huy, một nghệ sĩ Đoàn kịch điện ảnh, sau lại học thêm và trở thành đạo diễn, chí để cả vào nghiệp. Việc nuôi con, Đoàn Lê gánh cả. Chị về sống ở làng Lủ, quê chồng, từ đó lên xưởng phim mười mấy cây số, lại trong thời chiến, đi làm cũng thật cực nhọc. “Cô Kiều của Điện ảnh khóa I” mảnh mai giỏi cả văn, thơ, hội họa đã gồng mình lên để sống suốt mười năm trời như vậy. Cuối năm 1971, chúng tôi cùng nhà thơ Thanh Tùng và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, từ nhà sáng tác Quảng Bá, tìm đến thăm tác giả bài Bói hoa. Hôm đó Đoàn Lê rất vui. Mỹ Dạ thì ngây ra ngắm chị nói chuyện và chị hút thuốc nữa… Trên đường về Quảng Bá, Mỹ Dạ nhiều lần thốt lên: “Chị Lê tài mà đẹp quá chừng. Đẹp đến mức Dạ là con gái cũng mê luôn!”. Mỹ Dạ và cả chúng tôi chưa biết, khi đó, người phụ nữ tài sắc ấy đang chịu thật nhiều vất vả, khó khăn trong đời sống…
Hồi đó, xưởng phim truyện Việt Nam dựng phim nào Đoàn Lê cũng phải đi cùng đoàn làm phim, không được phân vai thì làm đủ việc vặt. Với tình yêu nghệ thuật, Đoàn Lê chịu được hết, chỉ mong được đóng góp cho điện ảnh. Với tuổi trẻ nhiều mộng ước, chị đã mong sao, khi xem phim thấy có mình trong đó… Nhưng rồi, sự nghiệp diễn viên của chị thật ngắn ngủi. Do có năng lực về hội họa, vài năm sau, chị được chuyển sang bộ phận thiết kế mỹ thuật. Trường quay thực hiện các bộ phim đều cần những phông vẽ lớn thay cho cảnh thật. “Cô Kiều của Điện ảnh khóa I” thường phải đứng trên giàn giáo cao, tay cầm chiếc máy phun màu nặng 5 kg để vẽ những cảnh bầu trời, cảnh đồng lúa mênh mông hay những khu nhà của thành phố nhấp nhô… Đã trải qua những năm bom rơi đạn nổ và vượt qua cả thói đời bủa vây, vậy mà đến khi làm việc vẽ phông màn cho trường quay, nhiều khi mệt đến đứt hơi, và cũng có lúc chán nản, chị muốn bỏ điện ảnh.
Tuy vậy, ngoài mồ hôi nước mắt đổ ra để có những phông màn vẽ trời vẽ đất, cũng đã lặng lẽ thức dậy trong chị một tình yêu hội họa mạnh mẽ. Mảnh mai, nhưng đầy ý chí, Đoàn Lê đã vượt qua hết cả. Và rồi chị quyết đi thi vào trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Trúng tuyển, nhưng Xưởng phim không cho chị đi học hội họa. Chị xoay ra hướng khác, viết bài cho các báo, hầu hết bài chị gửi được các báo đăng. Và, Đoàn Lê thấy việc viết mới là việc của đời mình, đã xin chuyển sang làm phóng viên báo Lao động. Báo chấp nhận, đã đi làm hơn một tuần, Xưởng phim lại buộc chị phải quay về.
Vậy là nghiệp điện ảnh không buông Đoàn Lê. Nhưng lúc này, chị đã ý thức rất rõ, viết là nghiệp của chị. Và Đoàn Lê viết kịch bản, hơn nữa còn âm thầm chuẩn bị để sau này sẽ trở thành đạo diễn! Những kịch bản điện ảnh của chị thực sự gây được ấn tượng tốt cho công chúng nghệ thuật điện ảnh, đó là các phim Bình minh xôn xao, Cha và con, và nổi tiếng nhất là Làng Vũ Đại ngày ấy (chuyển thể từ những truyện ngắn của nhà văn Nam Cao)… Và rồi, Đoàn Lê cũng đã trở thành một đạo diễn của Xưởng phim truyện, sau được chuyển thành Hãng phim truyện Việt Nam. Việc viết kịch bản và việc làm đạo diễn điện ảnh, Đoàn Lê vẫn làm suốt từ đó cho đến khi nghỉ hưu, và cho đến bây giờ vẫn làm. Nhưng, viết văn mới thực sự là cái nghiệp của đời chị. Và đến năm 1988, đời sống văn chương Việt Nam đã ghi nhận điều đó, khi Đoàn Lê công bố tiểu thuyết Cuốn gia phả để lại.
Duyên phận của đời văn
Kể từ khi đăng chùm truyện ngắn đầu tay, Đoàn Lê có hơn mười lăm năm nếm trải, tích lũy vốn sống và suy ngẫm về nghề văn, rồi mới bắt tay vào viết tiểu thuyết. Bởi vậy, Cuốn gia phả để lại được bạn đọc và nhiều bạn văn, trong đó có chúng tôi, thấy sửng sốt, vì nó hay. Và vì thấy Đoàn Lê đã tỏ rõ một nghệ thuật viết tiểu thuyết già dặn. Cả hệ thống nhân vật khá chằng chịt được tổ chức rất khéo léo, tự nhiên, tạo nên vẻ đẹp chỉnh thể của tiểu thuyết; và nó còn được diễn đạt bằng thứ ngôn ngữ dịu dàng, tinh tế, nhiều khi hóm hỉnh, lịch lãm. Nhân vật trong Cuốn gia phả để lại không chỉ là những số phận đơn lẻ, mà là loại nhân vật tập thể, ở đây là cả một dòng họ, mà hiển hiện rất sống động, đầy hồn vía. Chúng tôi cho rằng, văn chương Việt Nam ta nửa cuối thế kỷ XX hiếm có một tiểu thuyết phong tục với ngôn ngữ đẹp đẽ và cũng hiện đại như Cuốn gia phả để lại. Với phẩm giá văn chương của tiểu thuyết đầu tay này, nhà văn Đoàn Lê đã được trao Giải thưởng Hội Nhà văn 1989 – 1990.
Đã nhiều lần chúng tôi nghĩ rằng, Đoàn Lê về sống ở quê chồng, làng Lủ, và nếm trải nhiều buồn vui, khổ nhọc. Nhưng đối với đời văn của chị, đó lại là một duyên phận thật lạ lùng. Làng quê Đoàn Lê về cư ngụ, là nguồn cảm hứng sáng tác, với biết bao sự đời, biết bao con người sau thành nhân vật của chị, không chỉ trong Cuốn gia phả để lại, mà cả trong nhiều truyện ngắn và tiểu thuyết viết những năm sau này, với cái tên là xóm Chùa. Dòng họ mà chị gia nhập với tư cách là con dâu, rất vinh hạnh (hay bất hạnh?), có một cụ tổ là danh nhân. Đến thời mà Đoàn Lê viết trong Cuốn gia phả để lại, các thành viên trong họ tộc đều muốn giằng giật lấy một mảnh danh nhân cho riêng mình. Vậy nên đã nảy sinh xích mích, xô xát, kiện tụng. Do chuyện phế trưởng, lập thứ; chuyện vợ lẽ con thêm bị coi như đứa ở, con hoang; chuyện tranh giành mảnh đất có ngôi nhà thờ họ… khiến xung đột đổ máu có thể bùng nổ. Nhân vật – dòng họ dưới ngòi bút Đoàn Lê lúc mang màu sắc truyền thuyết, khi thì hiện đại, sinh động qua biết bao chi tiết đời thường. Vợ chồng Mỗ – Tự và bà mẹ sống hiền lành, trong sáng, nhưng khi cần thiết cũng biết phản kháng quyết liệt. Cánh họ Trần cùng nhóm mợ phán Ba, Ngọc Đường, Ty, là nhân vật quay quắt, xảo quyệt, mưu sâu kế hiểm, gian tham và độc ác đến trắng trợn.
Là tiểu thuyết phong tục, lại cũng nhiều yếu tố tự truyện, Cuốn gia phả để lại có sự hiện diện “cô Kiều của Điện ảnh khóa I” đã xông ra bảo vệ chồng, con, khi người trong họ rậm rịch giáo mác kéo đến bao vây nhà chị. Chị còn chủ động mặc chiếc áo bay của con gái, màu đỏ gắt với hàng khuy bạc lanh canh tiếng kim khí. Và thực sự có hiệu quả trước tình huống dữ dằn đó… Sau này, có người bạn đã hỏi nữ sĩ Đoàn Lê rằng, đơn thương độc mã vậy không sợ sao? Chị cười rất hiền: “Có, sợ chứ, nhưng tình thế khiến mình phải gồng lên đấy thôi”.
Với cái đà của Cuốn gia phả để lại, Đoàn Lê liên tục cho xuất bản: tiểu thuyết Người đẹp và đức vua (1991), tập truyện Thành hoàng làng xổ số (1992), tiểu thuyết Lão già tâm thần (1993). Nổi trội trong văn chương của chị vẫn là những chuyện đời, chuyện nhân tình thế thái ở cái làng ven đô mà chị gọi là xóm Chùa: Đất xóm Chùa, Nghĩa địa xóm chùa, Trinh tiết xóm Chùa, Người đẹp xóm Chùa, Giường đôi xóm Chùa… Những truyện về xóm Chùa đó, là đời sống nhiều tầng nhiều vẻ ở một vùng quê, từ Cuốn gia phả để lại, cứ dài sâu thêm mãi… Vâng, do đời văn có cái duyên phận lạ lùng, nên Đoàn Lê đã tạo nên một xóm Chùa trong văn học Việt Nam hiện đại, như hơn nửa thế kỷ trước Nam Cao tài năng đã tạo nên làng Vũ Đại. Mỗi cuốn sách chị xuất bản, không chỉ được bạn đọc trong nước đón nhận, và còn được các dịch giả chuyển ngữ, “xuất khẩu” ra nước ngoài. Độc giả nhiều nước đọc văn Đoàn Lê, và họ được biết, ở Việt Nam có một xóm Chùa!
Tình người đa đoan
Thời Đoàn Lê sống ở “xóm Chùa”, chúng tôi thỉnh thoảng có đến thăm. Có lần, thấy chị chỉ chuyên chú vào vẽ, tôi nghĩ, có lẽ con người họa sĩ trong chị đang trỗi dậy. Ướm hỏi, thì chị nói rằng, vẽ để nghỉ ngơi, viết văn xuôi nó đau đớn lắm. Chị mệt mỏi, như người đang ốm, nhưng chung quanh ngổn ngang những bức tranh sơn dầu. Vẽ để nghỉ ngơi, nhưng đùng một cái, Đoàn Lê mở triển lãm, và được công chúng mỹ thuật rất quan tâm! Đôi khi tôi nghĩ, Đoàn Lê họa sĩ? Đoàn Lê biên kịch và đạo diễn? Đoàn Lê thi sĩ? Đoàn Lê nhà văn? Và tôi tự khẳng định, nhà văn là đúng nhất với chị!
Năm 1998, Đoàn Lê nghỉ hưu, và hết sức bất ngờ, chị dứt khỏi làng Lủ, về Đồ Sơn, cùng em gái Đoàn Thị Tảo mua hai căn nhà, cách bãi biển vài trăm mét. Tạo dựng nơi ăn chốn ở mới, không thể nói là không cực nhọc, nhưng chị vượt qua hết, và lại có thể viết văn, năm 2006 chị đoạt giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học – Nghệ thuật Việt Nam về văn xuôi, ấy là chút ít bù lại cho người “viết văn xuôi nó đau đớn lắm”. Có người bạn văn hỏi chị, thế còn làm thơ? Người bạn ấy còn đọc “ngày chị sinh trời cho làm thơ…”. Ai có ngờ, câu ấy lại vận vào đời thơ Đoàn Lê. Tháng 3 năm 2008, người con trai duy nhất của chị bỗng lâm bệnh hiểm, qua đời ở tuổi 37! Chúng tôi biết, không thể viết hết được những đau đớn của Đoàn Lê trước mất mát lớn đến vậy!… Chỉ xin nói về một nét đau thương, là thơ đã bùng lên, vò xé trái tim chị:
Con ơi, sao con lại chỉ là tấm ảnh?…
Bát cơm giỗ con tuần cuối, tuần đầu
Chưa bát cơm nào mẹ nấu con ăn
Lại đắng lòng đến thế
Bài Tấm ảnh thờ là thơ phải viết mà tan nát cõi lòng:
Thảng thốt suốt đêm
Mẹ vẫn đợi chờ
Tiếng con gọi
Ngoài kia sương xuống lạnh
Con ơi, sao con lại chỉ là tấm ảnh?
Tấm ảnh nghe được gì đâu?
Nói được gì đâu?…
Đã hơn năm năm trôi qua, Đoàn Lê đã gượng lên, để lại viết, cả văn xuôi và thơ, năm 2010 chị đã cho xuất bản tiểu thuyết Tiền định. Chúng tôi viết về chị, đến đoạn này, bỗng thấy thật thương và quý trọng chị, nên gọi điện thoại hỏi thăm. Hóa ra Đoàn Lê đang cùng đoàn làm phim vào Nghệ An để làm bộ phim Cội nguồn thiêng, dựng lại cuộc đời bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chị vừa là tác giả kịch bản, vừa là đạo diễn. Chị nói: “Chi vào Nghệ An, làm khách của đoàn làm phim đi…”. Qua giọng Đoàn Lê, thấy chị khỏe, và thật mừng là biết chị đang rất hào hứng sáng tạo nghệ thuật: “Chi ơi, ngày 18 tháng 8 tới là bắt đầu bấm máy quay rồi”…. Vâng, đó là hình ảnh mới nhất về nữ sĩ Đoàn Lê tài danh!
(Văn nghệ số 49/2013)