Người đàn bà sinh ra từ mưa là tập thơ của một người chuyên viết phê bình. Có lẽ với năng khiếu, cộng với sự ý thức một cách nghiêm túc về nghiệp cầm bút nên Hoàng Thụy Anh rất cẩn trọng trong việc dùng câu, chữ, hình ảnh thơ. Là tập đầu tay nhưng tôi cho rằng đây là tập thơ có chất lượng, dù những hình ảnh, câu chữ có thể gây khó hiểu với người đọc vì cách sử dụng từ ngữ mới, lạ, trừu tượng… Nhưng đó cũng là thế mạnh trong thơ chị nói riêng và thơ trẻ đương đại nói chung.
Hoàng Thụy Anh cho rằng “Muốn có thơ hay, bản thân mỗi người viết phải biết tự làm mới mình, phải không ngừng học hỏi và tạo ra cho mình cái mới, mang nét riêng biệt. Để làm được điều đó không phải chỉ có ngày một ngày hai mà phải luôn phấn đấu, sáng tạo không ngừng nghỉ…”.
Người đàn bà sinh ra từ mưa của Hoàng Thụy Anh có cách viết mới, ẩn chứa nhiều những bất ngờ và thú vị. Chị biết làm mới trên từng con chữ, tứ thơ, hình ảnh để tạo được nét riêng. Đó là điều đáng quý và đáng trân trọng đối với một cây bút thơ trẻ.
Tình yêu trong thơ Hoàng Thụy Anh có sức ám gợi. Người nữ vốn dĩ đa tình và đã lại là thi sĩ nữa nên lại càng đa tình hơn. Thơ chị nồng nàn, đầy khao khát. Người phụ nữ trong thơ chị bao giờ và lúc nào cũng ăm ắp những ước mơ, những khát vọng, những nỗi nhớ cồn cào ngay cả khi có anh, gần anh và tha thiết hơn, dữ dội hơn khi xa anh.
ừ, ngày không anh / cũng không hẹn hò/ em gom nhặt lấp vá/ ươm trái ngang oằn cả vai thơ (nhớ anh)
anh biết không/ dẫu chiều mênh mang gầy đổ bóng buồn dài/ em cứ yêu và cứ tin về ngôi nhà của chúng mình/ nơi bắt đầu tiếng cười trong veo/ và chẳng bao giờ kết thúc hành trình yêu (tình đã về đấy thôi).
Anh là đối tượng trữ tình khắc khoải trong trái tim em (người đàn bà). Trong tình yêu người đàn bà dù cứng rắn và mạnh mẽ đến cỡ nào thì cũng có lúc cũng yếu mềm trước những va đập của ngoại cảnh. Em – người đàn bà trong thơ Hoàng Thụy Anh cũng không nằm ngoài quy luật chung ấy.
Khảo sát trong 58 bài của tập thơ thì có đến 121 lần nhà thơ nhắc tới em, 101 lần nói về anh và 65 lần đề cập đến đêm. Mưa, bóng tối, giấc mơ… cũng là những đối tượng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các bài thơ của chị. Phải chăng nỗi buồn của nhân vật trữ tình thường trỗi dậy vào những lúc ấy. Hay nói cách khác lúc mưa, đêm, bóng tối… thì em có thể giãi bày, gửi gắm những nỗi niềm sâu thẳm của lòng mình về anh, về những khát khao chưa được thỏa mãn, về những mất mát, hoang hoải của cuộc đời một cách mãnh liệt và đầy đủ nhất. Điều đáng chú ý là có lúc nhân vật trữ tình đã nhập vai anh để nói với em, trò chuyện với em. Đó cũng là cách để nhân vật trữ tình thấu rõ mọi cung bậc, mọi sắc thái, khía cạnh trong tình yêu cũng như trong cuộc sống thường nhật.
(Nhà thơ trẻ Hoàng Thuỵ Anh)
Những biểu tượng mưa, nắng, đêm, tình yêu… được Hoàng Thụy Anh sử dụng khá thành công tạo nên những hiệu quả nghệ thuật rõ nét. Đặc biệt, đêm trong thơ Hoàng Thụy Anh là thời gian được phản ánh với nhiều dạng, nhiều vẻ tạo nên sự độc đáo. Qua cảm nhận của thi nhân, đêm như những sợi tơ giăng chi chít, gợi lên tấm chân tình. Nó đan kết, hòa quyện để nối ngày qua đêm, nối các mùa trong năm, giữa ngày xưa và ngày nay, giữa quá khứ và hiện tại. Đêm trong thơ Hoàng Thụy Anh là hiện thực cuộc sống, là thân phận con người. Đêm gợi cảm giác cô đơn, buồn, đau, khao khát sống, khao khát yêu, nhiều khi có cả sự ám ảnh: đêm qua những giọt nước mắt em lẩn thẩn vắt ngang tờ giấy trắng/ búng vào đó vệt xước như một tiếng thở dài mùa cũ/ nhắc về em hình hài thuở ban đầu (giấc rời). Người đàn bà với nỗi đau triền miên, dai dẳng: người đàn bà ngồi gặt đêm/ gặt những nỗi đau chằng chịt trên môi/ nhặt mãi vẫn chưa đi hết cuộc mong manh/ người đàn bà ngồi vớt đêm/ vớt phận mình/ vớt mãi cũng chẳng thể nào ra ngoài cái nhân vị bão bùng được thắp từ muôn kiếp trước. Chơi vơi, lạc lõng, đầy những bi ai: người đàn bà treo mình lên vách đêm/ thấy bóng mình lặn sâu vào bóng đêm/ nghe tiếng thở còm cõi/ nghe buồn đau nứt gầy/ rót xuống bốn mùa. Để rồi, cái nhận về là: người đàn bà và đêm/ chấm đen câm lặng/ chấm đen câm/ chấm đen/ chấm (người đàn bà và đêm).
Thao thức với đêm dài, Hoàng Thụy Anh nhận thức ở tầm sâu nhất, cao nhất, tự lắng lòng và chị đã chiêm nghiệm nhiều điều: đêm ngoái đầu ráo hoảnh/ lời hẹn đã vắt sang 24h thừa hơn 1 phút/ em nghẹt thở chiếm vị trí độc tôn trên bàn phím mặc những ký tự thò tay đút túi lạnh lùng/ không ánh sáng nào đẩy lên từ cuốn ngày non/ không tình yêu nào bắt nhịp từ ý nghĩ di cư/ con dối lăn dấu vân tay bằng viền miệng/ viền miệng đóng dấu giáp lai bằng tráp lưỡi/ tráp lưỡi hà hơi nhám giọng/ mọi thứ đang mang vác hơi thở khác/ ván cờ chưa bước qua ranh giới 14 tháng 7 bao giờ (nhấn enter đến khi nào sang trang mới thôi). Trước cảnh thanh vắng của đêm, trước sự tan loãng hun hút của bóng đêm, nhân vật trữ tình lắng lòng lại và nghĩ: đêm lõa quá mượn kiếng che sầu/ mượn nón giấu đắng mông muội/ mượn guốc gõ nền thinh không lóc cóc/ em bó mình buộc tóc rêu (bay).
Thơ Hoàng Thụy Anh được viết theo cảm quan hậu hiện đại, chị dùng nhiều ẩn dụ, biểu tượng làm cho hình tượng thơ có tính trừu tượng và khái quát cao. Ngoài những biểu tượng: mưa, đêm, bóng tối, giấc mơ được nhắc nhiều lần; nhà thơ còn dùng nhiều biểu tượng khác như: biển, rừng, biển, cánh đồng, con đường, gió… tạo nên những vần thơ ám ảnh, quặt thắt. Đến với thơ Hoàng Thụy Anh, ta có cảm nhận cuộc sống đang được phơi bày với những điều nhức nhối; cách nhìn nhận, phản ánh, triết lí mới, lạ về cuộc sống và tình yêu.
biển lềnh bềnh/ gạt nước mắt tự bịt miệng tự trói chân/ em thọc tay vốc ngụm buồn thả lên trời/ anh đóng mình lướt sóng/ mặc những con phèn buốt xương/ chờ siêu thoát/ cá ngừ xa bờ tươi mới rưng rưng em/ thuốc lào từng cánh khói say anh/ sao niềm vui cứ ế ẩm cứ chênh chao/ cứ phơi đắng đót oằn miền Trung
biển trơ ngực lép đau tháng nay/ siêu âm hoài/ xét nghiệm hoài/ vẫn bẹp rúm/ trước cuộc chơi/ khăm (xỏ) cực chất
bao nhiêu khăn trắng quấn đủ cái chết chùm
(chết chùm)
Nỗi đau đến tột cùng khi biển miền Trung đã bị ô nhiễm nặng, nhiều cái chết sẽ ập đến, những hệ quả xấu đang bủa vây “bao nhiêu khăn trắng quấn đủ cái chết chùm”. Điều này thể hiện sự quan tâm của chị về những vấn đề thời sự nóng hổi của đất nước.
(Bìa tập thơ Người đàn bà sinh ra từ nước)
Tình yêu trong thơ Hoàng Thụy Anh mang nhiều màu sắc và cung bậc khác nhau. Và bao giờ cũng đầy những đợi chờ, khao khát, luôn muốn được dâng hiến, muốn được thỏa mãn… qua những vần thơ đầy hình tượng. Những hình ảnh không hề suồng sã, thô kệch mà đa dạng, nhiều vẻ, nhiều cung bậc.
đêm chìa tay đón những linh hồn hồi sinh/ sau tấm màn đen/ em vẫn thao thức khát điều kì diệu/ từ phía không anh (dấu tích).
buồn nở rêu thấm từng cọng/ ẩm mốc cuối nụ hôn/ lời gian dối treo mành/ thách thức nắng (bọc).
từ đáy huyệt buồn/ mầm khát nhú/ giấc mơ nụ cười hồn nhiên làm tổ giữa thinh không/ giấc mơ cánh diều gọi mùa trăng lên (rót).
Thơ chị là tiếng nói riêng, theo cách của riêng mình về tình yêu cũng như sự thể hiện nó. Tình yêu được nhìn nhận, so sánh, ví von, liên tưởng với tất cả vạn vật trong tự nhiên này. Sự đan kết, hòa hợp giữa con người với tự nhiên trở thành vô tận và có hồn cốt. Biển, chiều, nắng, hoàng hôn, đêm, con sông, cánh đồng, rừng… cũng luôn quẫy đạp, trăn trở đồng hành với con người.
biển run rẩy/ sóng cài sóng/ từng đốt thời gian trườn bến khát
anh len em/ những nụ hôn vắt mình trên lớp thông khô/ rụng xuống đường cong dấu chấm ngọt
vết tích hoàng hôn / để lại hoa ngực / đê mê đôi chân chiều/ xoay/ xoay
ngoài kia / biển động kinh /trần truồng khúc vĩ cầm/yêu
(mùa len)
em kể anh nghe/ những cánh rừng biết khóc/ những dòng sông biết đau/ những cánh đồng biết sầu/ mượn hơi thở lẫn nhau mà thở giữa vùng trời thiếu oxy thánh thiện/ mượn đôi cánh xuân mà bay qua thời kì chát đắng/ vẫn không vén được sự tịch lặng đang bao phủ/ tuyệt vọng nối tuyệt vọng/ bi kịch nối bi kịch/ cái chết nối cái chết (em kể anh nghe).
Tôi thích cách chị dùng những hình ảnh lạ: mưa rẽ nhánh dậy thì, em cứ thế mua cả gánh mưa, em buôn nắng chao chát, gánh nắng lang bạt khắp cơ thể em, những cơn mưa ăn đêm, chiều gội tóc trong mưa, tiếng đêm vẫn khàn khàn kéo sợi đêm bọc miệng thời gian, cơn gió hả hê đuổi thời gian về phía hoàng hôn, nỗi đau như co quắp nhú từng ngón xương đêm bội nhiễm, máu ngửa mặt lưu vong xuôi theo dòng nhật lệ, thớ não anh đang mang thai hi vọng, chiều mọc rễ đắng, con sông mặc niệm và cánh đồng thinh lặng trĩu đêm, ngọn gió đã lưu vong, tình đã di cư… Những hình ảnh thơ độc đáo với những so sánh, ẩn dụ, hoán dụ… làm người đọc liên tưởng đến nhiều cung bậc, sắc thái yêu. Mà ở đó vừa mãnh liệt, khao khát, tuôn trào nhưng cũng đầy nữ tính.
Hình ảnh người phụ nữ tảo tần, đau khổ, khát sống, khát yêu với hàng loạt những hệ từ tương ứng: khát, nhớ, buồn đau riu ríu mắt, vay mượn, nước mắt, giấc rời, rời giấc, giấc mơ, tàn, chết chìm, nghịch lý, chờ, chờ đợi, nguyện cầu, run rẩy, bay, người đàn bà ăn bóng tối, người đàn bà và đêm, rỉ máu, muộn phiền, hóa giải, vết xước, đau thương, cô lạnh…
Hình ảnh người đàn bà và đêm, người đàn bà ăn bóng tối, người đàn bà sinh ra từ mưa, em mua gánh mưa, em buôn nắng… gây ám ảnh, khắc khoải đến tâm can người đọc. Đó không chỉ là sự lỡ nhịp, chông chênh của cuộc tình mà còn là cuộc sống, là số phận của người phụ nữ, những người luôn chịu nhiều thiệt thòi nhất so với cánh đàn ông.
Cái tôi buồn, khắc khoải nhưng không đến mức chán chường. Ở đó vẫn còn niềm tin, sức mạnh và vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ. Nhân vật trữ tình thành thật giãi bày với anh: anh biết không?/ từng sợi muối bay ra từ mắt em mắt đêm/ cũng làm hạt nắng thôi nảy mầm lên men/ trở mình/ hấp hối/ gối đầu vào bóng tối
tổn thương cứ thế nén mình vo lại/ mọc rễ nhọn/ lầm lì thách thức/ tim nắng cứ thế gầy guộc giữa/ rỗng không mùa/ rơi/ rơi/ rơi/ có một nhát cắt mạnh lên/ tim em
(mặn)
Khi tình yêu gặp trắc trở, khi cuộc sống có những biến cố bất thường con người ta tìm đến những giấc mơ – tìm đến sự hóa giải khi đời sống thực không có kết quả như mong muốn. Đó cũng là điều dễ hiểu.
Em yêu bằng cả trái tim, bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ – hừng hực yêu – hừng hực cháy nhưng vẫn không nhận được gì. Nhân vật trữ tình nhận ra những nghịch lý và cảm thấy xót xa:
có thể ngày mai em ra đi/ và quên hết mọi thứ thuộc về chúng mình/ như thể/ chưa bao giờ hóa giải nút rêu đóng môi anh/ chưa bao giờ kiễng chân điêu khắc bến vô thức/ chưa bao giờ hẹn tiếng thơ tíu tít cuối ngày
nơi em đến/ không màu không mùa không anh/ nỗi tuyệt vọng dệt bước thời gian/ thấm em/ thấm em/ cơn say/ mẫu tự ly biệt (nghịch lý).
Tuy vậy, em không hề oán trách, giận hờn hay có những lời lẽ xúc phạm đến anh: ngày anh đi/ con đường úp mặt khóc/ nỗi buồn rụng đầy lối/ lời hẹn ước ốm o không đủ sức bước tiếp/ em gửi bao nhiêu tin nhắn vào tim gió vẫn không gọi anh về kịp chuyến tàu em/ em gom bao nhiêu dấu chân vẫn không tìm được dấu chân anh/ em điêu khắc vòng tay nụ hôn cuối dốc làm vật chứng vẫn không đủ căn cứ giữ tình yêu ở lại/ em ghim anh vào đời em vẫn không đủ sức gấp khúc lãng du đang dấy lên trong anh (tình).
Buồn, cô đơn trong thơ Hoàng Thụy Anh là hành trình đi tìm hạnh phúc, tìm sự hoàn mỹ trong tình yêu cũng như trong cuộc sống thường nhật. Dẫu biết rằng sự hoàn mỹ là điều không bao giờ có thật. Đó là cuộc hành trình đầy gian nan: em yêu anh bằng trái tim tình si của người đàn bà cỏ may/ em chỉ biết thêu cuộc tình bằng đường bay của gió/ mỗi đêm/ mỗi đêm/ tự nghiệm/ buồn buốt vỡ van tĩnh mạch/ cơn đau nhoài lưng vật vờ/ tìm điểm tựa (căn cước tình).
Tuy vậy, em vẫn một niềm tin tưởng “tình đã về đấy thôi”: em cõng nắng về tưới môi anh/ hong lại một giếng cười vạn thuở/ mặc bầu mưa nẩy mình thách thức/ mặc cơn gió hả hê đuổi thời gian về phía hoàng hôn/ chúng mình vẫn ôm vẫn hôn vẫn xiết nhớ xiết khát lên nhau. Nhà thơ chủ động đi tìm mình, giãi nghĩa, giũ bỏ mọi muộn phiền để sống và yêu.
Đọc qua từng câu thơ, bài thơ và cả tập thơ ta thấy Hoàng Thụy Anh sử dụng lớp ngôn từ, thi ảnh mới, trong sáng và đẹp. Bên cạnh nói về tình yêu, những câu chuyện về tình yêu chị cũng khéo léo gửi vào đó những vấn đề thế sự. Nếu người đọc tinh ý sẽ nhận ra điều đó. Nhiều câu hỏi đặt ra, nhiều nghịch lý đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ quanh ta. Và đó là những sự thật nhói buốt tâm hồn. Độc giả đọc qua các bài: em kể anh nghe, thế gian còn nhiều điều lạ em ơi, em ơi, cuộc đời này cần bao nhiêu cơn mưa tự do, lan man chuyện chúng mình, chết chùm, những con chữ của em, đối thoại, trò chuyện với hai chú cá về những điều ngoài cơn mưa, người đàn bà ăn bóng tối… sẽ thấy rõ điều đó. Để rồi nhà thơ phải ngậm ngùi xa xót: em đừng luận về cõi khác/ bóng đời là thế/ sau cái chết lâm sàng/ giả dối và đố kị vẫn đua nhau khoét ngực chữ/ vẫn vục môi lên rốn ngày/ những chuỗi giập/ bầm/ em ơi em ơi em ơi (em ơi).
Điều đặc biệt, trong cả tập thơ Hoàng Thụy Anh chỉ viết toàn thể thơ tự do. Đây là thế mạnh của chị. Vì có lẽ với thơ tự do không vần sẽ không là rào cản của cảm xúc. Chính cảm xúc, năng lượng nội tại sẽ kết dính các hình ảnh, chi tiết và ngôn ngữ thi ca.
Lao động nghệ thuật rất cần tài năng và sự nghiêm túc. Bởi sự hời hợt, cẩu thả trong sáng tạo nghệ thuật là điều tối kỵ. Hoàng Thụy Anh đã ý thức sâu sắc điều đó, nên tôi tin Hoàng Thụy Anh sẽ còn tiến xa và gặt hái nhiều thành công trên con đường lao động nghệ thuật đầy gian nan này.
Người đàn bà sinh ra từ mưa là tập đầu tay của tác giả Hoàng Thụy Anh, bên cạnh những ưu điểm còn có những hạn chế nhất định của một tác giả làm thơ trẻ. Đó là việc chị dùng nhiều ẩn dụ, hoán dụ, nhiều liên tưởng; có những ẩn dụ, hoán dụ đi quá xa làm cho người đọc phải “vắt óc”, phải “mệt nhoài” chạy theo thơ. Tuy nhiên, tôi đánh giá cao thơ chị.
Nhà thơ trẻ Hoàng Thụy Anh đang bắt đầu đi những bước đầu tiên trên con đường thơ đầy chông gai, thử thách. Trên con đường ấy có cả những niềm vui nhưng cũng lắm nhọc nhằn, khắc nghiệt với người cầm bút. Hi vọng con đường thơ ca của Hoàng Thụy Anh sẽ có nhiều khởi sắc trong tương lai, chị sẽ là một tiếng thơ mới hòa cùng với vườn hoa thơ đa sắc hương trong dòng chảy của thơ trẻ đương đại.
Người đàn bà sinh ra từ mưa của Hoàng Thụy Anh là một tập thơ đáng để đọc. Bởi chị đã tạo ra một phong cách độc đáo, mới mẻ với nhiều ẩn dụ, biểu tượng và lạ hóa trong cách miêu tả.
Bài: Nguyễn Văn Hòa
Ảnh: Lương Sa
Tổ Quốc
Phạm Thuý Quỳnh đưa bài