Người đàn bà nghịch cát tập hợp 12 truyện ngắn hay, được tác giả viết bằng trải nghiệm, tấm lòng xót thương đầy bao dung với những kiếp người nhỏ bé trong xã hội. Tác phẩm đã gây được sự chú ý của đông đảo độc giả xa gần trong và ngoài nước đặc biệt là những nhận định, đánh giá của các nhà văn, nhà lý luận phê bình đối với tác phẩm này.
”Tập truyện ngắn “Người đàn bà nghịch cát” là một cuộc trở lại kỳ thú của Nguyễn Đăng An sau một thời gian tạm gác chuyện văn chương để lo chuyện đời. Vẫn mạch nguồn văn chương định hình định tạng, nếu có bứt phá thì chính là cuộc từ giã lối kể chuyện thô giản thật thà trước đây để Nguyễn Đăng An tiến tới cách viết nội dung truyện, mà thấy rất rõ ở thông điệp tư tưởng, ở biệt tài dựng truyện, ở chi tiết đặc sắc, ở ngôn từ giàu hình ảnh được tắm mình trong dòng sông cảm xúc chân thành, nồng nàn, trữ tình mà xót đau. Có thể nói văn của Nguyễn Đăng An là tiếng gọi của những thân phận trắc trở, éo le, đau đớn của những khát vọng không thành, của những cảm xúc nội tâm trữ tình, của những bi kịch cá nhân lẩn khuất trong bi kịch lớn xã hội.
Dường như số đông người đọc Việt Nam thích truyện có cốt truyện với những xung đột mạnh, rõ ràng, ràch mạch. Và cũng số đông nhà văn làm “người thư ký trung thành của thời đại” quyến rũ người đọc bằng nhưng câu chuyện kể, kể có duyên thì hấp dẫn, kể vô duyên thì nhạt như nước ốc. Người tài hơn thì vừa kể vừa tả và triết lý bằng cách viết nội dung câu chuyện. Nguyễn Đăng An là người kể chuyện có duyên. Cái duyên mộc và chân thành cộng với xốn xang thao thiết xúc động mà làm nên giọng văn chân mộc trữ tình đau đớn”
Nhà văn Sương Nguyệt Minh
”Nguyễn Đăng An có một lối văn nồng nàn, đắm đuối, tôi nghĩ, đáng lẽ đó là phẩm tính của một cây bút nữ cùng trang lứa như anh chẳng hạn. Công việc đặc thù đương lúc tại chức dường như buộc anh phải thường xuyên huy động tối đa lí trí để ứng xử và thậm chí đôi khi là đối phó trong cuộc sống. Cái phần tình, phần run rẩy xúc động và mê đắm vào thế giới của cái đẹp sáng tạo anh dành cho văn chương. Tôi là người đàn ông từng trải như anh nhưng không cầm lòng khi đọc những truyện như Người đàn bà ở bến đợi xe thành Rôm, Mẹ xóm Đoài, Đêm tân hôn, Giọt nước mắt người lính… Một bạn văn tỏ ra ngạc nhiên khi tôi xúc động như thế và có ý cho rằng tôi thuộc lớp người “muôn năm cũ”. Nhưng tôi vẫn cứ nghĩ quy luật của sáng tạo nghệ thuật là quy luật tình cảm. Truyện ngắn Nguyễn Đăng An thường có cái gây cấn, hồi hộp nhờ vào những tình huống tiêu biểu, giàu kịch tính và thường có những cái kết ấn tượng. Nhờ vào các tình huống nghệ thuật khá đặc sắc, mà tôi gọi đó là những “giá đỡ”, nên truyện của Nguyễn Đang An thường ngắn gọn, tập trung chủ đề như những cú “nốc – ao” nghệ thuật đối với độc giả.”
Nhà PBVH Bùi Việt Thắng
Thông tin sách:
Tên sách: Người đàn bà nghịch cát
Thể loại: Truyện ngắn
Tác giả: Nguyễn Đăng An
Khổ sách: 13 x 20,5 cm
Số trang: 191 trang
Trình bày bìa: Nguyễn Anh Vũ
Công ty Truyền thông Hà Thế liên kết với NXB Văn học, 2013