Chị vừa về đến cổng, đặt gánh củi xuống, bóp vai cho đỡ mỏi. Hải – thằng con lớn chạy đến đón chùm quả rừng, mách ngay:
– Mẹ ơi, bố lại sang nhà ông Vừng đánh bài rồi mẹ ạ.
Máu trong người chị sôi lên. Sáng nay, chị bảo gã đi hái củi, gã nằm khò khoăm trên giường rên hừ hừ kêu sốt, kêu đau bụng. Ai nỡ bắt người ốm đau đi làm. Chị lủi thủi xách dao ra cổng hòa vào đám người cười nói.
Bình thường, một gánh củi giá 30 nghìn giờ là 50 nghìn. Gánh củi nào thẳng, đều cây được giá 55 nghìn. Trước đây, dân bản Lim rất ít người đi hái củi bán nhưng tình thế đã thay đổi. Những người còn lại ở bản Lim đua nhau đi hái củi. Đa số thanh niên ở bản sang Quảng Đông, Quảng Tây, Trung Quốc làm công nhân. Trung niên ở bản Lim và vùng lân cận cũng sang đó. Rất ít người xuống thành phố tìm việc.
Ngày trước, chị cũng có thời như thế. Sáng đi làm, nô đùa vui vẻ, trưa nghỉ ăn cơm. Không tăng ca, 8 giờ tối được về, tăng ca thì 9 – 10 giờ. Đám thanh niên chưa bao giờ biết mệt. Cả hội ngồi đánh bài quá ngày hôm sau. Hôm nào không chơi bài, cả hội rủ mấy người Trung Quốc nhờ dạy tiếng Trung.
Hôm ấy, chị được nghỉ làm. Chị và Chí Cường thi uống rượu táo mèo, hắn gục trước thế mà lúc tỉnh dậy, hai đứa không mảnh vải che thân. Hắn bảo sẽ chịu trách nhiệm. Chị cười có hậu quả thế nào được. Dễ gì? Ấy nhưng, tháng sau, chị chậm, tháng sau nữa chị lại chậm. Ý(1) ơi, chị có thai thật rồi. Que thử thai hai vạch.
Chị bỏ về nhà, lên rừng kiếm thuốc lá phá thai. Thấy chị về, Hùng sang chơi. Bố chị bảo con gái 22 tuổi, ế rồi sang Trung Quốc làm gì nữa, lấy chồng, sinh con cho bố có cháu bế. Đang chán mà cha cằn nhằn suốt, chị gật đầu.
Đám bạn kể Chí Cường tìm chị mãi. Không tìm được, hắn bỏ làm. Bố hắn đi ô tô đến đón. Nhiều đứa bảo chị ngu. Hắn vừa trẻ, vừa giàu không thích lại về đi nương. Chị đâu có biết gì về hắn, cả tình cảm của hắn chị cũng không biết. Chị thích hắn nhưng nhà hắn tận Phúc Kiến. Từ bản Lim sang Quảng Châu mất gần một ngày, nghe nói, từ Quảng Châu sang Phúc Kiến là gần hai ngày. Xa quá. Bao giờ mới được về thăm mẹ.
* * *
– Mẹ Hải(2) ơi, bố Hải(3) không đi cùng à? 50 nghìn một gánh đấy. Bà Chao đứng bên trên sườn núi nói với sang.
– Đau bụng bà ạ. Đang nằm co rúm ở nhà. Chị vừa dóc cành củi vừa đáp lại.
– Mẹ Hải đi xuống bản Mần, ông thầy lang giỏi lắm. Bệnh gì cũng khỏi.
Chị ừ rất to mà lòng mặn chát. Chữa bệnh hả? Từ nhà sang bản Mần mất đứt 150 nghìn còn mất cả ngày công. Liệu có khỏi không. Khỏi bệnh chưa chắc gã chịu đi làm.
Vợ chồng bà Chao hơn 60 tuổi còn chặt được 3 gánh. Chị làm cật lực mới bằng nửa họ. Củi kiếm ngày càng khó. Rừng chặt mãi cũng hết. Lấy củi thì chỉ lấy cành, cây phải để lại cho ra mầm. Xin cái gì của rừng không bao giờ được phép lấy hết. Không nhanh thì chẳng còn phần chị.
Chưa kịp rửa mặt, vẫn nguyên bộ quần áo loang lổ nhựa, chị đi nhanh sang nhà lão Vừng. Lão già chết tiệt. Nếu lão chịu đi rừng thì ai chứa chấp chồng chị. Nhìn mặt chồng đang chảy chữ nải, mắt nhíu lại thế kia là mất rồi. Chị điên quá. Mái tóc đầy mồ hôi bết xuống trán, chị hất mấy sợi tóc thưa ra sau rồi xắn tay đi gần chiếu bạc:
– Bố Hải khỏi ốm rồi đấy à?
– Vớ vẩn, ốm đau gì mà khỏi. Nói xong, gã mới giật mình.
– Về thôi. Chị đứng chống nạnh. Cả chiếu bạc ngừng chơi, ngỏng mắt lên xem vợ chồng chị định làm gì.
– Về trước đi. Tý tôi về. Gã nói nhẹ như không rồi chơi tiếp.
Chị buộc vội mái tóc rũ rượi cho gọn gàng. Chị nhảy vào chiếu bạc ngồi trước mặt chồng. Cả đám đàn ông ngơ ngác. Một gã cười khẩy đứng dậy. Phủi mông, gã nói giải tán mẹ đi cho mát. Đàn bà đã dây vào là đen như chó. Mấy người khác đứng dậy. Đám bâu nhâu ngồi chầu rìa cũng chán. Gã ném toẹt xấp bài xuống chiếu, vơ mấy đồng bạc vào túi, lừ mắt nhìn vợ, mặt hằm hằm ra cửa.
Bản mất điện. Trong ánh đèn dầu vàng vọt, mâm cơm đạm bạc với rau muống luộc và đỗ đũa sào. Hai đứa trẻ nhồm nhoàm ăn ngon lành. Đỗ đũa sào vốn là món khoái khẩu của chúng. Nước mắt chị lăn dài. Thấy chị khóc, gã lơ đi, vui vẻ gắp rau tỏm vào miệng. Chị vờ vén tóc, lau vội nước mắt. Rốt cuộc, gã là ai trong cái nhà này?
Nửa đêm chị thức giấc. Ánh trăng trong vắt chiếu xiên qua khe cửa như ban ngày. Trăng hình lưỡi liềm nhọn hoắt. Cái móc nhọn kia mà móc vào da thịt chắc là mát dịu. Không hiểu sao, chị lại nhớ đến nụ cười của hắn. Hắn có cái răng khểnh bên trái rất duyên. Da trắng trẻo, mặt phúng phính láng mịn không một cọng râu. Đẹp trai. Công nhận là đẹp trai! Chắc hắn cũng lấy vợ và có con rồi. Chị chìm dần vào giấc ngủ.
* * *
– Anh có lấy tiền trong tủ không?
– Không. Anh không sang nhà lão Vừng nữa.
– Mẹ ơi, sáng nay, con thấy bố mở tủ lấy tiền đút vào túi quần. Bố với bác Sơn đánh đề. Thằng con lớn đang học bài quay ra nói với chị.
Chị rít qua kẽ răng:
– Anh trả tiền cho tôiiiiiii.
– Trượt hết rồi.
Nửa tháng còm cọm của chị chỉ đủ hắn chơi một phát. Chị ngồi thụp xuống ghế khóc nức nở. Vừa khóc chị vừa than.
– Im đi. Điếc tai quá. Gã đập tay xuống bàn.
– Tôi khổ tôi khóc. Giời ơi, sao cái số tôi khổ thế này hả giời. Nước mắt chị giàn giụa.
Gã gầm gừ không thành tiếng. Bất ngờ, gã lao đến. Chị chỉ kịp nghe tiếng bốp rồi hoa hết mặt mày. Chị đau điếng. Má rát và sưng vù ngay.
– Tôi khóc thì liên quan gì đến anh.
Chị vừa dứt lời. Gã vơ ngay cái gậy đập chuột bằng cổ tay trẻ con ở góc nhà quất chị liên tiếp. Chị ngã dúi dụi, ấp mặt vào cái chày ở góc nhà. Mắt trái đau điếng khiến cả đêm chị khó ngủ. Hôm sau, vùng mắt sưng vù tím đen.
Chị nghỉ đi rừng mấy hôm nhưng chị phải đi phụ cỗ đám cưới thằng em họ. Ba hôm mà người vẫn đau ê ẩm. Chắc nó bị chồng đánh. Hai hôm nay không thấy bố Hải chơi bài? Đúng là vết tím bị đánh rồi. Thằng cha đã xấu còn cờ bạc lại vũ phu. Chị chỉ cười tếu táo, bảo tối qua đi vệ sinh không may dẫm vào lưỡi cuốc. Cái cán bổ vào mặt.
* * *
Trời mưa. Không ai đi chặt củi. Chị lấy tấm nilong rạch từ bao tải phân đạm khoác lên người rồi đi vào rừng. Gã đứng giữa cửa xoa bụng rồi quay gót đi vào. Gã ngán đến tận cổ cái cảnh chặt củi. Chặt củi vừa vất lại ít tiền. Chỉ cần đỏ một lúc là bằng nửa tháng chặt củi. Thua chả đáng bao nhiêu.
Mưa rừng lạnh thấu xương. Chị trú mưa dưới bụi rậm, lạnh run người. Đám muỗi trú mưa vẫn vo ve kiếm ăn. Nhìn màn mưa trắng xóa, chị uất nghẹn. Lấy chồng nhục thế này, sao phải lấy. Từ ngày mới cưới, gã đã bộc lộ thói lười nhưng chị nghĩ có con gã sẽ chăm. Giời ơi, giang sơn dễ đổi bản tính khó rời.
Đôi vai chị oằn lại mỗi khi chị bước. Các ngón chân phải xòe rộng bám chặt xuống đất để khỏi trơn ngã. Thích nhất là đi qua bãi cỏ. Cỏ mềm mại dưới chân, không sợ ngã. Bó củi này có vẻ to và thẳng hơn những bó khác. Chị giấu gánh củi dưới đống lá rừng. Chị luôn nghĩ cứ chăm chỉ ắt sẽ có miếng ăn. Chị đang cần ít vốn để nuôi lợn. Phải luôn nghĩ đến mục tiêu và phấn đấu vì nó.
Cửa nhà mở toang hoang. Không gian im lặng chỉ có tiếng mưa rả rích. Mấy con gà choai đứng rỉa lông, bậy ở hiên tanh ngòm. Chị xua tay. Chúng lừ dừ chạy ra sân. Hai đứa con đang ngủ. Gã không có nhà. Chị trèo vội lên gác xép. Thôi rồi, đổi chỗ mà gã vẫn biết.
Nửa đêm, gã về. Gã say túy lúy, quát tháo ầm ĩ. Đập phá ấm chén loảng xoảng. Hai đứa trẻ tỉnh dậy, sợ hãi ôm chặt lấy mẹ. Chị ôm con, nước mắt rơi lã chã.
* * *
Hoàng hôn đỏ ối xuyên qua vành nón thủng chiếu vào mặt chị. Chi vứt cái nón xuống rệ đường, bỏ khẩu trang để vác củi cho dễ. Vừa nhìn thấy mặt tay lái buôn, Chị vội đeo khẩu trang. Chị kéo cao khẩu trang.
– Mày phải không? Củi đẹp thêm 3 trăm nhé.
– ….
– Này, tao đây mà. Ngửng mặt lên đi.
– Thôi không cần, có bao nhiêu trả bấy nhiêu.
– Củi chất lượng cao. Lần sau, cứ mang qua đây nhé.
Đã năm năm rồi, hắn vẫn nhận ra chị hay sao. Chưa bao giờ chị nghĩ đến tình huống này.
Sau khi ăn cơm, chị ngồi xem ti vi với hai đứa nhỏ. Chiếc điện thoại rung ì ì. “Mày đừng ngại. Củi đẹp tao trả cao hơn. Chồng mày đâu mà mày phải đi bán củi?”.
Chị ném điện thoại xuống giường. Nó lại rung lên:
“Hái củi không được bao nhiêu. Tao mời mày sang nấu cơm cho xưởng nhà tao. 300 nghìn/ ngày”.
Chị đặt điện thoại xuống, xoa đầu hai đứa nhỏ, 3 trăm to đấy nhưng ai sẽ chăm mấy con lợn này. Hay sang đấy vài năm rồi về nhỉ?!
* * *
Củi ngày càng khó kiếm. Đi cả ngày mới được một gánh nặng. Đôi vai nhỏ bé của chị đau thành chai. Đặt củi lên vai, chị chỉ thấy nặng chứ không đau nữa. Chị biết chồng chị luôn kiếm cớ đau ốm để ở nhà. Việc lớn bé trong nhà đã bao giờ vắng tay chị. Ngay cả lúc con ốm, gã cũng chỉ hỏi thăm vài câu rồi đi đánh bạc hoặc đàn đúm rượu chè. Uống thôi chưa đủ, gã còn mang con gà mái đãi bạn. Tìm được con gà mái lông đẹp, đẻ đều trứng, biết chăm con không phải dễ dàng. Nó đang đưa con mà lìa đời, đàn gà con được gần tháng, bơ vơ đến tội nghiệp. Chị cắn răng nuốt tất cả cho yên cửa nhà.
Chị vừa về đến đầu bản. Đám đông đang tụ tập ở cổng nhà lão Vừng. Chị rảo bước, nhìn họ, máu trong người chị như sắp sôi lên.
– Này, mẹ Hải kìa. Mẹ Hải vào đây. Đến đây nhanh lên. Ông Chao gọi chị.
Bao nhiêu người, bấy nhiêu con mắt đổ dồn về phía chị. Chị hạ gánh củi xuống, đi ngược lại. Gì thế kia. Chồng chị đang bị trói dưới đất. Mặt mày thâm tím, quần áo tả tơi. Chị đứng như trời trồng không nói nên lời.
– Chồng mày ăn trộm xe máy nhà tao, chơi bạc hết rồi. Đền đi. Lão Vừng trừng mắt nhìn chị.
– Tôi không biết. Ông chứa bạc. Ông tự giải quyết đi.
– Không đền, tao đánh chết.
– Tôi không có tiền.
– Mẹ ơi, mẹ cứu bố về đi. Huhu. Mẹ cứu bố về đi. Thằng Hải ôm chân chị khóc nức nở. Cái Thảo ôm chặt bố không rời.
Không kìm được lòng, chị đau đớn quyết định:
– Bao nhiêu?
– 3 triệu.
Chị rơi tõm xuống dòng suối cạn, giập người vào sỏi đá, buốt nhói tận xương. Chị vừa đi vừa khóc. Chị đào cái hũ nhỏ ở sau nhà. Tròn 3 triệu.
Nhà tối om. Chị mở cửa. Gã liêu xiêu ngả lưng xuống giường. Chị vục tay vào thùng gạo chạm tận đáy.
– Khốn nạn. Người đấy sao không cắm đi. Cắm gạo con lấy gì ăn. Chơi cho lắm vào. Đập thế còn nhẹ chán.
– Mất dạy. Mày nói cái gì? Gã vùng dậy toan tát chị. Chị giơ giá gạo lên đỡ. Gạo bắn tung tóe khắp nhà.
Hai đứa con chạy đến ôm chân bố. Gã khựng lại quay về giường. Ba mẹ con cúi nhặt từng hạt gạo.
* * *
“Tao mời thật. Sang làm cho tao nhé”.
….
“Sao không thấy mày mang củi đến?”.
….
“Mày ốm à?”.
…. “Không ốm, chưa đủ xe”.
“Không cần, có bao nhiêu đến bán chừng ấy”.
….
“Ăn cơm chưa?”.
….
“Mai mang củi ra nhé”.
… “Ừ”.
Tối tối, chị lại có việc để làm. Chờ đợi là cảm giác rất tuyệt. Chị thấy mình như trẻ lại, háo hức đầy mong chờ. Cảm giác hệt như ngày xưa chị nhắn tin với hắn. Kỳ lạ thật, bao năm rồi, cảm giác vẫn không thay đổi. Nếu như đây là giấc mơ, chị không bao giờ muốn tỉnh. Vì đây là thật, chị mong rừng lớn thật nhanh, củi còn mãi.
– Dì nghe nói ông thầy ở bản Mần chữa đau dạ dày giỏi lắm. Sang đấy mua thuốc cho bố Hải. Khỏi bệnh còn đi làm. Suốt ngày ôm bụng, chết đói. Bà dì khuyên chị.
– Kệ. Cháu không quan tâm.
– Ai lại nói thế.
– Sống chỉ làm khổ người khác. Kệ nó dì ạ. Chị chua chát.
Bà dì chột dạ, ngày trước chính bà làm mối cho hai đứa nó.
* * *
Chiếc điện thoại rung ì ì dưới gối rất lâu. Đúng như chị nghĩ, cuộc gọi không phải tin nhắn. Chị nhìn điện thoại mỉm cười nhưng không bắt máy. Thêm một cuộc nữa, chị cười rất tươi, vẫn không bắt máy. Một dòng suối mát chảy nhẹ từ đỉnh đầu chị xuống tận gót chân. Dòng nước mềm mại, thoang thoảng hương cuốn trôi tất cả những muộn phiền. Chí Cường vẫn quan tâm chị ư? Lẽ nào là yêu? Chí Cường rất phong độ, nghiêm túc, là một trụ cột vững chãi cho bất kỳ người đàn bà nào, bất kỳ đứa con nào. Lẽ ra, chị lấy phải Chí Cường mới đúng. Lẽ ra…Trời ơi, lúc trẻ, chị dại quá!
Từ ngày lấy chồng, chẳng có ai quan tâm chị nữa. Cảm giác kiêu kiêu thật hạnh phúc. Chắc hẳn đối phương đang sốt ruột, mong ngóng lắm đây. Chính vì thế, ta sẽ cho đối phương chịu đựng nỗi nhớ nhung khổ sở ấy. Đến khi hắn tuyệt vọng ta mới ra mặt. Khi ấy, hắn sẽ sung sướng biết nhường nào. Phải cho hắn cảm thấy có được tin nhắn của ta là món quà tuyệt vời. Chị nhắm mắt, nghiêng cổ cười mãn nguyện.
Tin nhắn đến: “Mày giận tao à? Tao xin lỗi, hôm qua bận quá nên để thằng em nhận hộ. Lần sau, tao bù cho nhé”. Chị suýt bật cười thành tiếng. Chị giận gì đâu chứ, hơi dỗi thôi, đi vắng mà chẳng nói một lời. Người ta mong mãi.
Bịch! Bố ơi, bố ơi. Thằng lớn lay bố dưới nền nhà. Bày trò. Xem ti vi thì im mà xem. Mất trật tự. Chị nhìn điện thoại rung lòng phơi phới mừng thầm. Chị soạn tin nhắn: “Đáng ghét”. Chị chưa kịp gửi thì thằng bé khóc ré lên. Chị vứt điện thoại, vội vàng chạy lại.
Gã nhắm nghiền mắt, bất động. Chị sợ hãi chạy ra cửa kêu cứu. Mưa phùn lất phất. Chị gửi các con cho nhà hàng xóm rồi đưa chồng lên trạm y tế xã.
Lúc lên xe để chuyển lên tuyến trên. Gã mở mắt nhìn chị. Chị thấy mắt chồng sủng nước đọng lại thành giọt. Từ trong giọt nước ấy chị thấy thằng Hải và con Thảo đang đứng trước mái hiên nhà.
Chị lấy di động gọi cho Chí Cường:
– Chồng tao mổ, mày cho tao ứng trước ít tiền được không?
Hà Nội, 18/6/2015
(1). Theo tiếng Tày mế, ý, ah là mẹ.
(2), (3). Người Tày gọi tên bố mẹ theo tên của con cả trong nhà.
Đối thoại nhiều, và đối thoại đó đủ sức tạo dựng nhân vật, bối cảnh cũng như dẫn truyện – một thành công của Ngô Diệp trong truyện ngắn dưới đây. Câu chuyện rất hoạt, chuyển cảnh liên tục. Và điều thú vị là nó dừng rất đúng lúc, để lại một khoảng trống đa nghĩa giàu sức gợi.
Tác giả trẻ Ngô Diệp là người mang nhiều hoài vọng với con chữ. Cô sống và làm việc ở Hà Nội.
Theo Tiền phong