1.
Tú về ở khu tập thể bãi Nghĩa Dũng được hai năm thì bà Tuất mới từ quê ra bế cháu nội. Bà còn trẻ, khoảng ngoài năm chục, tóc đen nhánh, người thấp nhỏ nhưng bền sức, nhanh nhẹn. Có được mẹ già còn khỏe ra trông cháu là may mắn vô cùng. Khi nói chuyện với con trai và con dâu bà Tuất, Tú thường bảo: “Đẻ luôn một loạt hai đứa hay ba đứa nuôi cho gọn, có bà trông là đỡ lắm”. Anh chồng thì cười tủm tỉm nhưng cô vợ phản đối ngay: “Em có phải là cái máy đẻ đâu, còn công việc của em nữa chứ”. Chồng tên là Dũng, kỹ sư của một nhà máy cơ khí, vợ tên là Liên, cán bộ nghiên cứu văn học của một viện, là một cặp vợ chồng trí thức, tiền tiêu đủ, bạn bè rộng, sinh hoạt gia đình vào bậc thượng lưu của xóm.
Tú là cán bộ tuyên huấn của một tỉnh, viết báo cáo, viết tin tức thì quen nhưng chưa bao giờ viết văn mà lại được về một tờ báo Văn Nghệ của trung ương cũng là giỏi. Anh cũng đã được tòa soạn cử đi làm phóng viên mấy năm viết phóng sự, viết bút ký, đi rất chăm, đọc rất nhiều và viết cũng rất nhiều mà chưa có bài nào được dùng cả. Người viết thì không ngượng nghịu, không tự ái. Mà người đọc duyệt lại như ái ngại rất nhiều, khổ tâm rất nhiều. Có vẻ như họ đều muốn nói với Tú một điều gì đó nhưng lại rất khó nói ra thì phải. Anh nên tự hiểu thì tốt hơn. Nhưng tự hiểu về cái gì nhỉ? Anh có chí với nghề nghiệp lắm mà!
2
Nhà của Tú và nhà của Dũng giáp vách. Vợ chồng Dũng vẫn coi vợ chồng Tú như anh chị, nên Tú phải coi bà Tuất là bề trên, dầu bà chỉ hơn anh có chục tuổi. Trong ngày cũng chỉ có hai người ở nhà, một ông là văn nghệ sĩ làm việc tự do và một bà láng giềng nấu cơm trông cháu. Lại bếp chung, nhà tắm chung, vòi nước chung, luẩn quẩn như trong một gia đình. Bà Tuất có ba con, một trai đầu và hai gái kế. Đứa đầu và đứa út đều đã có gia đình, chỉ riêng cô gái giữa đã gần ba mươi vẫn ở nhà, coi như ế. Bà góa chồng từ lúc còn trẻ, chỉ làm tương mà nuôi được các con khôn lớn. Nay con trai lớn lấy vợ đã có con, bổn phận của bà là phải theo nó nếu nó bảo lên cùng ở. Lấy chồng theo chồng, chồng chết theo con trai, dầu ở trong quê bà vẫn đang hái ra tiền. Thêm nữa, có con làm việc ở Hà Nội đón mẹ lên thành phố cung dưỡng là một vinh dự, một thèm muốn của nhiều bà mẹ một đời vất vả. Nhưng chỉ sống chung được vài tháng cả mẹ lẫn con đều thất vọng về nhau. Bà mẹ quá quê mùa. Các con quá tân tiến. Sự không bằng lòng đầu tiên giữa mẹ chồng với con dâu là cách thức trông trẻ. Bà thích ẵm cháu mà mẹ nó lại muốn bà để cháu nằm nhiều trong nôi. Mẹ nó nói:
– Bà vừa vào bếp lại ra ẵm cháu luôn là không vệ sinh.
Bà cãi:
– Nhưng nó khóc ngằn ngặt thế ai mà cầm lòng được.
Con dâu lại nói:
– Tã lót gì toàn mùi khói hở bà?
Mẹ chồng đáp:
– Mưa cả ngày không hong tã lên bếp dầu làm sao khô được?
Rồi thằng bé đi ỉa lỏng, chắc bà nấu sữa chưa kỹ lửa. Thằng bé ho, chắc là bà lại ẵm cháu ra gió. Mọi sự đều tại bà cả. Bà trông cháu đã không ra gì, đến sửa soạn bữa cơm cũng luộm thuộm, món ăn thì quê mùa và mặn đến nghẹn cổ. Vợ nói mẹ thế mà chồng lại ngồi im, có ý như nể vợ. Không nể sao được vì vợ là người gốc Hà Nội, lại được dạy dỗ theo kiểu cách thị thành từ nhỏ, sở dĩ cô chịu lấy một anh chồng gốc gác nông dân cũng là nhờ cái mã đẹp trai khỏe mạnh của anh mà thôi. Chồng nể vợ, nể mọi đằng. Vợ có ý khinh chồng, vừa khinh vừa đùa giỡn. Cứ mỗi lần thấy cô ả nhướn mày, cong môi nói với chồng: “Ông quê chết đi được” là ông hàng xóm chỉ muốn bật ra một câu thật cay độc để trả hờn cho cả giới mày râu. Nhưng anh chồng lại cười, cười tõn tẽn như đứa em có lỗi, nói nhú nhí: “ờ, thì đã làm bao giờ mà biết”. Còn bà mẹ không dám nhìn vào mặt con trai, rón rén bước vội ra chỗ khác.
3
Tú là người tháo vát, lại rất biết thân phận mình khi được về một tờ báo văn học, nên trở thành người chạy vòng ngoài các việc tạp vặt của cơ quan. Các văn nghệ sĩ vốn lười, kém am hiểu những việc không tên của đời sống. Lại gặp thời buổi cái gì cũng có nhưng đều rất khó mua nên rất cần có người giúp đỡ, chỉ bảo. Thoạt đầu, Tú chỉ mua giúp mấy ông lớn tuổi trong cơ quan vài thứ cần thiết: Một bộ bàn ghế gỗ tốt, một cái quạt bàn Liên Xô, mấy thước lụa đen may quần cho các bà. Dần dà nhiều người cũng đến nhờ, về sau hầu như khắp cơ quan. Ai đã nhờ Tú đều nhận, tiền nong rất sòng phẳng, coi cái việc mua bán giúp như một trò giải trí. Anh cũng đọc sách, viết văn như mọi người, còn vất vả hơn mọi người, cũng có một gia đình với bốn đứa con để lo toan, mà vẫn còn thì giờ mua bán giùm thiên hạ thì tài thật. Chẳng qua Tú rất thích quan tâm và có cái nhìn bén nhạy về mọi nhu cầu trần tục của thế gian này. Lại thêm cách giao tiếp, cách nói năng của Tú vừa tự nhiên, vừa thân tình, dầu chỉ mới biết anh lần đầu cũng không ai nỡ từ chối khi anh nhờ sự giúp đỡ. “Anh em thì nhờ tôi, tôi lại nhờ những người khác, chứ tài cán quái gì”, Tú vẫn thường nói thế. Trong thế giới vật chất Tú là nguyên soái, trí tuệ sáng láng, hành động táo bạo, nói năng sắc bén. Nhưng khi bước sang cái thế giới trừu tượng, cái thế giới của triết học, của văn học thì sự có mặt của anh luôn luôn là thừa. Những ý kiến riêng của anh dầu đã được cân nhắc rất thận trọng vẫn ngớ ngẩn và vô duyên. Anh chỉ có thể ngồi im hoặc nói theo ý kiến của người khác. Mà anh lại không muốn thế. Một lần có một bạn viết trẻ tới tòa soạn đưa bài mới và lãnh tiền nhuận bút bài trước, rồi nhân có Tú ngồi đó liền mời anh đi uống cà-phê ở cái quán trước cổng tòa báo. Ngồi với khách văn thì phải nói chuyện văn chương, dĩ nhiên rồi. Vả lại, người kia là cây bút mới, chưa có tên tuổi gì nên Tú không phải e ngại. Tú nói về một cuốn tiểu thuyết đang được nhiều bậc đàn anh bàn tán, lời bình đã có sẵn, anh lại cũng có đọc, thật là chắc chắn nhé! Người kia nghe rất hờ hững rồi lại nói về một truyện ngắn với mới đăng trong số báo trước. Theo anh ta, cái truyện ngắn ấy mới thật sự là một cách tân đáng kể cả về cách nghĩ đến cách viết. Tác giả là ai vậy? Tú cũng có đọc truyện đó, chỉ đọc lướt qua vì anh không thích và cũng không hiểu. Anh còn lấy làm lạ tại sao ban biên tập dám cho đăng một truyện non nớt đến thế. Tú ngồi im lặng một lát rồi anh nói với một vẻ mặt khinh khỉnh của bậc lão làng: “Mình không thích cái truyện ấy, chả hiểu người viết định nói gì”. Nếu là tiên chỉ hoặc chức sắc của làng văn mà ban lời vàng ngọc ấy lập tức thành dư luận và cái dư luận nhỏ hẹp ấy có thể đảo ngược dư luận của số đông. Khốn nỗi lại là lời bình của Tú, một kẻ vô danh tiểu tốt trong nghề, nên anh tác giả trẻ kia mới dám buông một câu thật hỗn láo: “Mấy ông làm hành chính thì hiểu thế chó nào được!”. Nói xong anh ta xỉa tiền trả rồi đứng dậy quay đít đi luôn.
4
Bà Tuất chỉ ở với các con có nửa năm đã trở thành một bà của tỉnh thành. Bà muốn thế để các con khỏi khinh, để bạn bè của con khỏi chê cười. Bà không chít khăn nữa mà búi tóc, mặc áo cổ bẻ, tay áo có khuy cài, quần thâm nhưng đũng cao. Như một bà cán bộ đã về hưu. Chỉ có hàm răng đen là vẫn giữ nguyên nên nhìn không được thuận. Tú bảo: “Sao bà không cạo trắng đi, để răng đen nom hãm lắm”. Bà nói: “Bà già để răng trắng, nói anh bỏ lỗi, trông như con nhà thổ”. Cách nói năng của bà cũng đổi khác, lịch thiệp và giả dối, đúng là cách giao tiếp của người thành thị. Nói chuyện với Tú bà cũng thưa, cũng dạ, cũng chúng tôi, một điều “nói anh bỏ lỗi” hai điều “mong anh bỏ quá cho”. Giọng nói thì uốn éo, cười thì gượng gạo, thớ lợ. Một buổi sáng chủ nhật vợ chồng Dũng đèo con về ngoại từ sớm, một cô bạn đem con gái đến chơi, chắc còn có việc gì cần nên cô ngồi lại chờ bạn về. Tú bắc ghế ngồi đọc sách ở hè nhưng tai vẫn lắng nghe hai người đàn bà trò chuyện ở gian nhà bên cạnh. Cô bạn:
– Bác ở quê ra chơi đã lâu chưa?
Bà Tuất:
– Dạ, chúng tôi ra Hà Nội cũng được nửa năm.
Cô bạn:
– Bác đã đi chơi những đâu rồi? Ra đất kinh kỳ mà không đi chơi cũng hoài.
Bà Tuất:
– Thưa, xưa kia chúng tôi cũng buôn bán ở Hà Nội mãi. Hà Nội ngày xưa vui hơn bây giờ nhiều cô ạ.
Cô bạn:
– Bác sinh các anh chị chắc là ở Hà Nội cả?
Bà Tuất:
– Thưa, chỉ có Dũng thôi.
Cô bạn:
– Ôi giời! Thảo nào chàng Dũng hào hoa phong nhã thế. Đúng là dân Hà Nội trăm phần trăm.
Bà Tuất:
– Bố nó ngày còn trẻ ăn chơi cũng vào loại phá gia chi tử đấy cô ạ.
Rồi bà Tuất hỏi:
– Tôi hỏi khí không phải, cô năm nay đã hăm mấy rồi?
– Hăm mấy thế nào hả bác, cháu cùng một tuổi với Dũng mà.
Bà Tuất:
– Nói cô bỏ lỗi, cô trẻ như gái mười tám ấy, trẻ hơn cả con Liên nhà này. Người như cô chắc không bao giờ phải lo nghĩ đến tiền bạc.
ít ngày sau, vào một buổi tối, bà Tuất bế cháu chơi nhà hàng xóm, hai vợ chồng Dũng nói lầm rầm với nhau những gì đó, rồi nghe thấy cô vợ nói to:
– Anh giáo dục mẹ anh ấy chứ giáo dục thế nào được tôi. Quê không ra quê, tỉnh không ra tỉnh, ăn nói ẩm ương ấm ớ cứ như bà dở người, rõ chán!
Anh chồng cũng to giọng:
– Tôi yêu cầu Liên phải tôn trọng mẹ tôi. Dẫu là quê mùa cũng là mẹ kia mà.
Cô vợ gào lên:
– Nhưng bà cụ cũng phải tôn trọng tôi chứ. Bạn bè đến chơi với tôi cũng nhảy ra ngồi đấu hót cả giờ, hết khoe của lại khoe con, sao mà thối thế!
Anh chồng kêu ảo não:
– Cô khinh mẹ tôi thế thì ở chung thế nào được.
Cô vợ vẫn la hét:
– Tôi không khinh nhưng tôi không chịu nổi nữa. Tôi sắp điên lên đây. Anh không biết chúng nó vẫn đem bà cụ ra riễu ở cơ quan tôi à?
5
Ông trưởng ban hành chính của báo đến tuổi nghỉ hưu. Anh em trong cơ quan đều muốn Tú sẽ đảm nhận chức vụ đó. Tú cũng biết vậy nhưng anh cố trốn né. Nếu làm công việc hành chính thà ở tỉnh lại khỏe. Với cái tài rất thực tế của Tú chỉ nửa bước là tới cái ghế phó giám đốc Sở Văn hóa. Anh về trung ương là cốt trở thành một nhà văn. Cứ bảo viết văn khó, ở đời chẳng có gì khó nếu mình không nản chí. Mười năm lập nghiệp đâu phải đã dài. Năm mươi tuổi mới trở thành nhà văn cũng chưa thể bảo là muộn. Anh không cần viết nhiều, chỉ cần viết vài cuốn sách để lại với đời là hả rồi. Mình chết đi nhưng sách vẫn còn đấy, con cháu vẫn đọc được tâm sự của cha ông, chức vụ nào, tiền bạc nào sánh được.
Anh đã nói hết với tổng biên tập báo như anh đã nghĩ, đã tính toán. Tổng biên tập báo cũng nói thật với Tú về nỗi khó xử của báo khi nhận người về cơ quan báo mà lại không có năng lực làm báo. Đây là nơi làm việc chứ không phải nơi tập dượt, ông ta nói thế và theo sự nhận xét của nhiều người thì Tú sẽ không bao giờ thành nhà văn được. Trời sinh ra Tú không phải để viết văn mà làm những việc khác có khi còn ích lợi hơn văn chương nhiều, kể cả văn chương của những nhà văn có tên tuổi. Tú về nhà buồn bã, lần đầu anh bực dọc với mọi người, bực dọc với cả chính anh. Tối hôm đó thì xảy ra vụ cãi cọ to tiếng của vợ chồng nhà hàng xóm vì bà mẹ đã trở thành người thừa, đã thừa còn gây ra lắm sự khó chịu. Nghe đâu cô vợ sẽ mướn một bà cụ trên phố về ẵm con. Sống với người lạ vẫn tự do hơn phải sống với mẹ, dầu là một bà mẹ rất biết điều. Tú cân nhắc, tính toán một đêm rồi anh trả lời với cơ quan rằng anh bằng lòng nhận nhiệm vụ mới. Anh có nói thêm, một năm cơ quan nên cho anh nghỉ hai tháng để đi đây đi đó vì anh vẫn còn ham viết lắm. Nửa tháng sau Tú chính thức nhận việc, là ông chủ đầy quyền uy trong mọi hoạt động vật chất của tờ báo. Cũng vào dịp này bà Tuất sang chào vợ chồng Tú để hôm sau bà sẽ về ở hẳn trong quê. Bà vừa khóc tấm tức vừa nói với hai vợ chồng: “Chỉ nhớ thằng chó thôi anh chị ạ, bà cháu bện hơi nhau rồi, có về cũng phải cả tháng mới nguôi nhớ”.
6
Tú làm trưởng ban hành chính có nửa năm mà bộ mặt của cơ quan thay đổi hẳn. Lịch Tết và sổ tay của báo in đẹp, giá bán rẻ, cơ quan thu lãi hơn chục triệu đồng. Số lượng phát hành báo tăng gấp rưỡi. Cơ quan sửa xe cũ và mua thêm một xe mới cho phóng viên đi công tác ngắn ngày. Sửa lại trụ sở của báo và thay lại hầu hết bàn ghế ở các phòng làm việc. Thư viện, phòng đọc sách báo còn đẹp hơn cả bên Hội nhà văn. Lương của mỗi người đột ngột tăng thêm gấp hai ba lần bởi đủ thứ tiền được lĩnh trong tháng. Các ngày lễ tết đều có quà và tiền cho cả những anh em đã về hưu. Không có cuốn tiểu thuyết nào khiến những trái tim đã chai lỳ của giới viết phải xúc động sâu xa đến thế. Tú đã tuyên bố một câu gây chấn động: “Các anh cứ lo cho nền văn học của quốc gia, còn tôi sẽ xin bảo đảm mọi điều kiện làm việc của các anh”.
Vào một ngày chủ nhật, Tú lấy xe đi cùng với hai phóng viên về làng Cự Đà. Các phóng viên muốn viết bài về một làng làm tương nổi tiếng, còn Tú thì muốn được gặp lại bà lão láng giềng. Cả hai người đều là những quái kiệt nhưng đã có lúc nhận lầm đất dụng võ, hình như là thế. Bà Tuất vừa nhìn thấy Tú bước vào sân đã kêu ầm lên: “Anh Tú về chơi kìa, quý hóa quá!” Bà gầy đi, đen hơn, như ngày bà mới lên Hà Nội ở với con trai. Vẫn cái khăn vấn vải nâu, áo cánh cũng nhuộm nâu, quần ống cao ống thấp, hai bàn tay nhây nhớp nước đậu. Sân nhà làm tương cũng đã rộng mà xếp gần chật những chum, thống, vại đủ loại. Ba gian nhà giữa chỉ kê xuềnh xoàng có hai bộ phản mộc còn dưới đất bày la liệt nhưng nong ủ mốc phủ lá nhãn và đắp tải. Bà Tuất lấy một cặp chiếu trải ngay ở hè rồi mời khách uống nước chè tươi đã nguội rót vào bát. Bà bảo:
– Mấy hôm ngả tương đến nấu miếng cơm ăn cũng vội. Nhà chỉ có hai mẹ con.
Tú hỏi:
– Cô Dịu đi đâu bác?
– Nó đang rang đậu dưới bếp, rang xong mẻ này em nó sẽ lên chào các anh.
Như lời anh em ở xã giới thiệu, làng này chỉ còn lại vài nhà làm tương ngon, đúng là tương Cự Đà, nhà bà Tuất là một. Một tháng mỗi nhà phải bán đến bốn năm trăm lít tương, người các nơi đổ về mua chứ không phải đem đi bán. Một phóng viên hỏi:
– Làm tương đã có công thức, tại sao lại còn có nhà làm ngon, nhà không ngon?
Bà Tuất nói:
– Làm tương chả có gì là khó, nhưng làm được chum tương ngon lại rất khó. Ví như rang đậu, nếu rang bên ngoài cháy, bên trong sống là sẽ chua tương, hạt sống hạt chín cũng thế. Phải có mấy loại sàng để lọc ra các loại đậu, mỗi loại phải rang riêng từng mẻ mới chín được đều. ủ mốc cũng vậy, ủ sao cho hạt gạo vàng đều mầu hoa hòe thì mầu tương mới đẹp. Phơi tương phải đặt mua những chum, thống miệng rộng, vỏ mỏng nhưng được nung già, chum non miệng hẹp là thối tương ngay.
Tú nói:
– Bác nên mở lớp dạy cách làm tương cho bọn trẻ để cái tiếng tương Cự Đà khỏi bị mai một.
Bà Tuất cười:
– Mỗi người có một cái duyên riêng anh ạ. Ví như mẹ tôi làm tương từ thuở con gái nhưng chả bao giờ ngả được một chum tương ngon. Làm nhà ăn chứ không dám bán. Tôi cũng chỉ nhìn mẹ làm rồi làm theo chứ có học ai đâu. Nhưng chum tương của tôi thì khác hẳn.
Dịu đã từ dưới bếp lên chào Tú và các phóng viên của báo. Cô rất xinh, chỉ hơi mỏng người một chút, người thế mà muộn chồng là sao nhỉ? Tú hỏi:
– Cô Dịu có theo được nghề của bác không?
Bà Tuất nhìn con gái một thoáng rồi lại nhìn chàng phóng viên trẻ đẹp nhất bọn, được là một đôi thì đẹp quá. Bà nói hãnh diện:
– Nó ngả tương còn hơn cả tôi. Nước tương vừa sánh vừa ngọt, chỉ rưới cơm ăn không cũng đã ngon. Tôi làm tương thường mặn, ăn hơi cứng.
Bà Tuất chỉ hỏi qua loa về vợ chồng Dũng và thằng nhỏ, vì mới cách mấy ngày Dũng đã đưa vợ con về quê chơi bằng xe máy do bà cho tiền mua, Dũng khoe thế. Vợ Dũng nói về mẹ chồng cũng khác hẳn, cái này “mẹ em cho”, cái kia “mẹ em bảo mua rồi đưa về quê cho cụ”, nghe cứ ngọt xớt. Tú ngồi chơi khoảng một tiếng rồi xin phép về dầu bà Tuất đã cố níu giữ ở lại ăn một bữa cơm gạo mới với rau muống luộc chấm tương. Dịu xách bốn cặp chai tương ra tận xe, nói ngượng nghịu, gọi là quà đất Cự Đà mong các anh đừng chê. Xe chạy về phố Bình Đà, anh phóng viên trẻ nói với Tú:
– Có được một bà mẹ như bà Tuất thật tuyệt anh nhỉ?
Tú cười:
– Chắc là cậu nghĩ tới cái hầu bao của bà cụ.
Cậu kia cũng cười:
– Có một phần, nhưng em thích nhất cách nói chuyện của bà cụ. Cứ viết đúng như thế cũng đủ hay rồi. Em xin làm rể có được không?
Một phóng viên khác hỏi Tú giọng nịnh nọt:
– Thủ trưởng định chi bao nhiêu cho bữa ăn trưa ở Bình Đà đây, có bia không?
Tú nói, giọng của người có quyền:
– Có chứ, bia lon. Mỗi người hai lon, lái xe thì một.
3-1991 – Nguyễn Khải