1.
Tùng, Quân cùng mấy người dân Vân Kiều dừng lại đầu cánh rừng le. Ngày ấy Tùng một mình đào huyệt, gởi Dũng nằm lại nơi này, nhưng cụ thể ở đâu thì anh không nhớ. Bấy giờ nơi đây chỉ bầm bầm một màu đất đỏ. Tiến lên nữa về bên phải hay trái đây? Rừng le bạt ngàn, biết nơi nào mà cắm lưỡi xẻng đào xuống… Anh lấy di động gọi về cho ông Quyết. Một giọng khàn khan vang trong máy: “Đốt một điếu thuốc rồi đi chếch lên về bên trái. Tàn hết thì dừng lại, nhìn thấy cây săng máu, nhắm mắt lại, đi đúng mười bước sẽ gặp tảng đá. Mở mắt ra, đào cách tảng đá hai mét bên phải sẽ gặp”.

Làm theo lời dặn, quả nhiên Tùng thấy cây săng máu và tảng đá mồ côi. Anh đặt ba lô xuống, lôi ra hai quả trứng luộc, nải chuối, nén hương và gói thuốc. Khói nhang bốc lên rồi sà ngay xuống, tỏa là là trên mặt đất thành một vũng trắng đục. Mấy người Vân Kiều bắt đầu dùng xẻng đào bới ngay vũng khói ấy. Hết lớp đất chằng chịt rễ cây, tới lớp đất thịt, dẻo và mịn. Cả Tùng và Quân đều căng mắt chờ đợi, mồ hôi rịn ra, chảy giọt giọt nóng bỏng.

Một người Vân Kiều dùng tay moi lên lưỡi lê ba cạnh, bị gãy ở chỗ gắn vào nòng súng. Tùng khóc nấc lên thổn thức. Vậy là đúng mày rồi Dũng ơi. Mày tha thứ cho sự chậm trễ của tao. Vậy là từ nay mày thôi lạnh lẽo một mình giữa rừng le quạnh vắng.

Dưới kia, dòng Đắc Krông vẫn ào ào cuộn chảy. Thị trấn Khe Sanh vẫn tưng bừng nhộn nhịp. Gió Lào vẫn thổi từ bấy đến giờ.

2.
Tiểu đoàn chốt chặn trên ngọn đồi A6 tới ngày thứ năm, quân số chỉ còn lại gần trung đội. Lệnh của trung đoàn: Phải giữ cho bằng được cao điểm. Pháo nã xuống dồn dập. Hết pháo tới bom. Ngọn đồi rung chuyển rần rần như động đất. Dũng bị hơi bom rách cả hai màng nhĩ. Gương mặt ngơ ngác, lâu lâu lại gào lên: Còn ai không? Tùng cũng không biết nữa. Chỉ nghe tiếng AK, RPĐ mà đoán là vẫn còn.

Tới chiều ngày thứ bảy, trận địa đang rền rền tiếng súng bỗng im bặt. Có thể tụi nó tập trung quân, chuẩn bị cho trận quyết tử vào sáng mai. Sự im lặng trên chiến trường cũng như mắt bão. Tùng biết phải tranh thủ lúc này bò đi tìm đồng đội, tìm thêm súng và đạn, nhất là phải gom thêm nước uống. Cả ngày nay, anh và Dũng chỉ chia nhau nửa bi đông, cổ họng khô rát, mồm miệng đắng nghét. Lắc đầu nghe óc long lọc sọc.

Công sự đầu tiên mà anh gặp, người lính vô tuyến điện ngồi dựa lưng vào thành đất, tay phải vẫn cầm tổ hợp điện thoại, đầu gục xuống, tóc tai rũ rượi, ngực áo ướt đẫm máu. Nhấc tổ hợp lên bóp mạnh, Tùng nghe có tiếng người léo xéo: “Sông Hương gọi Hồng Hà, nghe rõ trả lời!”. Áp vào miệng, Tùng hào hển: “Hồng Hà đây! Tôi là Trần Mạnh Tùng C6. Đinh Văn Thiết thông tin hi sinh rồi. A lô, Sông Hương nghe rõ không?”. “Sông Hương nghe rõ. Lệnh cho Hồng Hà rời trận địa. Tập kết ở N. Sông Hương gọi Hồng Hà, nghe rõ trả lời!”. “Sông Hương, Sông Hương, Hồng Hà nhận lệnh”. Tiếng nói trong tổ hợp tắt phụt.

Tùng leo lên khỏi công sự, tiếp tục trườn về phía trước. Tất cả tám người, chỉ có bốn là lành lặn. Một bị thương ở đầu, băng che kín nửa mặt, hai bị ở tay trái. Một người nữa bị ở bắp đùi chân phải. Dũng là đại đội trưởng, hai tai đã điếc đặc, Tùng chỉ là trung đội trưởng, nhưng phải đứng ra chỉ huy cả tiểu đoàn nát vụn sau mấy ngày bám trụ trên cao điểm.

Khoảng chín giờ tối, tám người lần lượt rút xuống phía sườn tây. Hơn hai trăm tay súng, sau mấy ngày, chỉ còn một dúm xác xơ đói và khát. Họ băng qua suối, xuyên sâu vào một cánh rừng rồi dừng lại chăm sóc cho những người bị thương, gần như đã lả ra vì kiệt sức.

Hừng đông, từng đàn phản lực bổ nhào cắt bom xăng xuống cao điểm. Lửa bốc bùng bùng. Như vậy là tụi chủ lực Sài Gòn đã bỏ tấn công cao điểm. Cần phải rút nhanh về N. Gần trưa, họ tới được cánh rừng le loang lổ hố bom hố pháo. Đang đi, Tùng chợt nhận ra mùi thuốc bastos. Biệt kích! Tùng ra hiệu cho tất cả nằm xuống, ém nhẹm để quan sát. Đúng lúc ấy, người lính bị thương ở đầu bỗng la lên chói lói: Bắn! Bắn! Tiếng súng lập tức rộ lên. Cuộc tao ngộ chiến không hề cân sức. Cả một đại đội biệt kích thi nhau xả súng vào đội hình tám người…

Tùng và Dũng trườn sát bên nhau, dìu theo người lính quấn băng trắng trên đầu. Không hiểu sao anh ta rất tỉnh, hai mắt rực lên như có lửa. Khi đã thoát ra khỏi vùng đạn, cả ba chạy lúp xúp thành hàng ngang. Đang chạy, người thương binh vấp phải một gốc cây, ngã lăn ra. Không biết từ đâu, một thằng lính gù gù như con gấu, nhảy xồ ra. Hắn không bắn mà rút phắt dao găm từ thắt lưng bổ nhào vào. Chỉ có lính chiến mới táo gan như vậy. Tùng nhìn thấy Dũng tuốt lê xông tới. Ánh thép lóe lên, lạnh như sao băng. Thằng lính nhanh hơn, nó nghiêng mình về bên trái. Dũng mất đà, lao chúi xuống đất. Lưỡi lê đâm trúng một phiến đá, gãy nghe băng một tiếng khô khốc. Một tiếng nổ vang lên đanh chát. Dũng đổ sập xuống. Tùng quạt gần nửa băng đạn vào thằng lính. Nó ngã ngửa ra phía sau, toàn thân giật giật như cá bị đập đầu.

Sau cú vấp ngã, người thương binh đã nhắm mắt từ giã cả cánh rừng đang rộ tiếng súng. Còn Dũng, hai tay ôm bụng, máu phún ra ướt rượt, đỏ cả vạt áo dù viên đạn chỉ xuyên qua phần mềm. Không còn băng cá nhân, Tùng phải xé áo lót băng cho Dũng rồi tiếp tục dìu anh chạy bươn về phía trước.

Càng chạy Dũng càng lả đi. Lối thoát duy nhất lúc này là án binh bất động, nằm im nghe ngóng chờ cơ hội. Biết Dũng khát nước vì mất máu, Tùng mò đi tìm được một dây chạc chìu to như bắp tay, chặt khúc, hứng được gần nửa bi đông đưa cho Dũng. Xong, Tùng lại bươn bả đi tìm quả rừng làm thức ăn cho bạn. Cánh rừng đã im ắng trở lại. Loanh quanh một lúc, Tùng chợt nhận ra mình bị lạc đường khi bắt gặp người đồng đội nằm chết gần xác tên lính to lớn. Anh lượm lại cái lưỡi lê của Dũng, dùng nó moi một hỏm đất, vùi người đồng đội xuống, cùng với khẩu súng của anh ta.

Khi Tùng quay lại được chỗ cũ, Dũng đã ngồi dựa vào gốc cây mà ngủ. Máu đã ngưng chảy, nhưng mặt Dũng thì bợt ra vì kiệt sức. Kiểu này, Dũng không thể đi được nữa. N còn xa lắm. Muốn đưa Dũng về tới nơi, cần phải dừng lại tìm cách hồi phục sức khỏe. Thế nhưng giờ thì chẳng có ai bên cạnh để giúp Tùng được nữa…

3.
Mãi cuối năm 1975 Tùng mới được ra quân. Với tấm giấy chứng nhận thương binh hạng năm, anh trở về làm bảo vệ nhà máy điện Yên Phụ. Không ai còn nhận ra Tùng là người lính ở chiến trường Quảng Trị. Anh gầy vêu vao và già khọm đi. Người yêu đã hi sinh trong đêm 19 tháng 12 năm 1972, trên trận địa làng Bưởi. Tùng thấy mình đã mất tất cả. Vậy thì còn cần gì nữa. Lương bảo vệ, chế độ thương binh, cọc cạch tem phiếu cũng đủ ăn. Sức khỏe không còn, lấy vợ chỉ làm khổ cho người ta.

Thời gian bò qua đời anh một cách nặng nhọc và chậm chạp. Cơ quan cấp cho cái phiếu mua cung cấp chiếc xe đạp Thống nhất. Với con ngựa sắt này, thỉnh thoảng Tùng vẫn đạp đi thăm thú bạn bè. Uống với nhau chén rượu, vại bia. Lâu lâu hùn nhau kéo lên đê sông Hồng làm bữa thịt chó. Chiến tranh chìm dần trong đầu anh, trở thành dĩ vãng nặng nề về sự mất mát quá lớn của con người.

Tùng sống thu mình một cách lặng lẽ. Mọi người trong cơ quan nhìn anh như nhìn một người kém năng lực. Họ làm việc cùng anh, nhưng cứ từng ngày, họ quên dần anh đang sống cùng với họ. Chỉ khi nào gặp lại đồng đội cũ, anh mới nhận ra, cuộc đời vẫn tuôn chảy đầy ý nghĩa. “Mày dở hơi vừa thôi! Kiếm con mái nào mà bù khú, mà hưởng lạc với nó. Sống khắc kỉ như vậy, rồi chết héo”. Có con mái nào để ý đến Tùng đâu. Giống đực mà ốm nhom như anh, ai người ta thèm để mắt.

Một chiều mùa đông, Tùng cùng bạn bè lên đê sông Hồng uống rượu thịt chó. Không biết ai đó dẫn đến một cô gái hăm sáu tuổi, người tròn, mặt tròn, ngực và mông cũng tròn. Cô ta cười với tất cả mọi người, uống với tất cả mọi người. Tan tiệc thì cô ta say khướt. Bạn bè giao cho Tùng đèo cô ta về nhà. Mới ngồi lên xe, cô ta đã vòng tay ôm bụng Tùng, rồi gục đầu vào lưng anh mà ngủ. Lúc đó Tùng mới hoảng hồn. Chở cô ta về đâu cơ chứ. Có ai nói số nhà của cô ta đâu. Anh dừng xe lại, vỗ vai cô gái, hỏi: “Em ơi! Em về đâu?”. Cô gái chỉ ú ớ gục gặc đầu.

(Minh hoạ: Ngô Xuân Khôi)

Màn đêm đã buông sậm sịt. Gió đông thổi buốt như kim châm. Đành phải chở cô ta về căn phòng mười hai mét vuông của mình. Chỉ có cái giường một. Tùng dìu cô nằm lên đó, lấy tấm chăn bông hai cân đắp cho cô. Còn anh lấy tấm ni lông trải xuống nền nhà, lót mấy tờ báo lên, rồi cuộn mình trong tấm pông xô của lính dù. Hơi đất phả lên thon thót. Giá lạnh luồn vào, lạnh tới đánh đàn răng cầm cập, không tài nào nhắm được mắt. Nhưng rồi say quá, cuối cùng Tùng cũng chìm vào giấc ngủ nặng nề, thảng thốt. Anh mơ thấy mình cùng tiểu đoàn vượt sông Thạch Hãn, đánh thốc vào Thành Cổ. Toàn thân ướt mèm như chuột lột. Xung quanh khói lửa rừng rực, thế mà quần áo vẫn không khô được, cứ dính bết vào da thịt, lạnh tới thót ruột, tới cóng tay, không xiết nổi cò súng. Thấy người đồng đội nằm gục bên cạnh, Tùng nghĩ đằng nào anh ta cũng đã hi sinh, liền cởi phăng áo của anh ta mặc thêm vào người. Vẫn cứ rét, cứ lạnh tới thắt ruột. Tùng nhớ chuyện Không gia đình của Hector Malot, liền kéo anh ta lại, ôm ghì vào lòng. Quả là có ấm lên thật. Càng lúc càng ấm. Bàn tay đã mềm trở lại, đã có cảm giác đang sờ trên báng súng. Bây giờ thì tha hồ mà nã đạn. Nã hàng loạt mới sướng. Cánh quân lực chu đáo không tưởng được. Đạn tiếp tế nườm nượp. Cứ tha hồ mà bắn. Bắn cho chúng mày chết. Ông là lính chủ lực. Ông bắn cho chúng mày chết. Tùng xiết chặt tay vào cò súng.

Trời ạ!
Cô gái đang nằm trong vòng tay của anh. Anh xiết tới mức cô gái ngạt thở thức dậy. Cả hai chìm trong tấm chăn bông. Tùng hoảng hốt ngồi bật dậy. “Sao cô lại tụt xuống đây?”. “Em sợ anh chết rét. Trời lạnh tới tám độ. Em định đưa anh lên giường, nhưng say quá bồng không nổi”. “Mấy giờ rồi?”. “Chắc cũng gần năm giờ sáng”. “Nhà cô ở đâu? Nếu xa thì tôi chở cô về”. “Việc gì phải khổ thế nhỉ. Hay là để em nấu nồi cháo. Trong rổ của anh còn mấy quả trứng gà đấy thôi”.
Vậy là họ thức với nhau.

4.

Ba ngày sau cô gái lại đến, cùng với một cân thịt bò và nửa cân hoa thiên lí, một chai Làng Vân. Tùng há hốc miệng, ngạc nhiên tới đờ cả lưỡi. “Anh cứ coi em như em gái được không. Tiền thưởng đấy”. “Cô không biết tôi còn độc thân à?”. “Biết chứ. Nhưng hôm nay em mượn con bạn chiếc xe đạp, anh đừng sợ phải chở em về nhà”.

Ba ngày sau nữa cô gái lại đến. Lần này không phải thịt bò, hoa thiên lí, mà là thịt chó, dồi chó, với ngọn bí ngô và quốc lủi. “Anh tin không? Em lại có tiền thưởng nữa đấy. Bọn em móc cả đoạn cống dài gần cây số. Ngâm nước mùa đông nên được thưởng. Nhưng em nói thật nhé! Cũng phải bù thêm một ít”. “Vậy ra cô làm ở công ti vệ sinh à?”. “Vâng, đêm nào chúng em chẳng quét rác trên đường. Gớm, Hà Nội mình đang nghèo xác ra, vậy mà rác ở đâu nhiều thế không biết. Chúng em nhặt nhạnh được ối thứ bán ra tiền”. Và ba ngày sau nữa. Ba ngày sau nữa. Tới lần thứ bảy thì cô gái đã trở nên bạo dạn, bắt đầu tò mò lục lọi đọc mấy cuốn sách của Tùng. Bất ngờ tấm ảnh của Dũng rơi ra. Cô gái nhặt lên, lật mặt sau đọc tên, rồi quay lại hỏi Tùng: “Anh này giống con bác Lâm bộ trưởng đã nghỉ hưu quá. Lại cùng họ tên nữa”. “Cô mà cũng quen bộ trưởng à?”. “Chứ sao! Bác ấy còn chụp ảnh kỉ niệm với chúng em”. “Có bà con gì không?”.

“Cả nhà em truyền đời quét rác, bà con sao được. Là bác ấy đi tập thể dục buổi sáng, thấy chúng em đẩy xe rác thì tới bắt chuyện, mời tới nhà chơi. Mới đầu công an họ không chịu cho vào. May mà bác ấy đứng trên lầu nhìn thấy. Anh biết không? Nhà bác ấy nhiều đồ đẹp và quý lắm. Khách nước ngoài tới thăm, biếu làm quà kỉ niệm đấy”. Cô gái đang nói, bỗng ngừng lại, nhìn kĩ tấm ảnh một lúc rồi nói: “Em đoảng quá. Đúng anh này là con bác Lâm rồi. Nhà bác Lâm có ảnh anh ấy treo trên tường, lúc mới nhập ngũ. Bác Lâm cũng nói với chúng em là bác ấy có người con trai tên Dũng, hi sinh không tìm thấy xác ở chiến trường Quảng Trị. Hay là anh cho em mượn tấm ảnh, em đem đến cho bác ấy xem”.

Mấy ngày sau, Tùng đi làm về, đang lạch xạch mở khóa cửa thì có đứa bé hàng xóm chạy tới nói: “Chú Tùng có khách. Bác gì ấy già lắm, đang ngồi uống nước chè ngoài quán bà Thủy. Bác ấy dặn cháu, bao giờ chú về thì nhắn giúp để gặp”. Tùng không tin một ông bộ trưởng nổi tiếng cả nước, lại đạp xe đến nhà mình. Nhưng điều khiến anh phải tin, đó là Dũng, con trai duy nhất của ông, nhập ngũ ngay khi cha mình còn đang chức.

Sau cuộc gặp ấy mấy ngày, có người đưa xe hơi đến tận cơ quan xin phép cho Tùng đến nhà riêng ông bộ trưởng đã hưu trí. Khi nghe Tùng kể đến đoạn Dũng trút hơi thở cuối cùng, vợ ông bộ trưởng ôm chầm lấy Tùng, khóc nấc lên: “Con ơi!”. Rồi bà đứng dậy, thắp hương cho con trai. “Dũng ơi! Con sống khôn chết thiêng, trời đất run rủi cho anh Tùng đến nhà ta này con!”.

Khi mấy cây hương đã ngún khói, mẹ Dũng bình tâm trở lại, ngồi xuống nói với Tùng: “Tùng ơi, mẹ muốn nhận con làm con trai, con có đồng ý không?”. Ông bộ trưởng mở tủ lấy ra một chai rượu ngoại, rót ra ba cái cốc nhỏ có chân, nói với Tùng: “Cháu là bạn thằng Dũng, nhà bác chỉ có mình nó là con trai, cháu đừng làm bác gái buồn”.

5.
Tùng bị nắng chiếu vào mắt. Thức dậy, thấy mặt trời đã chênh chếch gần đứng bóng. Dũng ngồi tựa ở gốc cây, mắt nhắm nghiền. Thấy Tùng ngồi dậy, Dũng từ từ mở mắt rồi chậm rãi: “Nhà mày ở gầm cầu tàu hỏa phải không? Hồi nhỏ có đá bóng ở sân Long Biên không? Tao hay trốn nhà đến đó chơi. Có hôm cay cú vì thua, bọn tao lao vào đánh nhau. Có thằng đấm tao tới chảy máu mũi, có khi là mày cũng nên”. Im lặng một chút như để lấy sức, Dũng tiếp: “Tao không tiếc gì hết. Chỉ thương ông bà già. Nhà chỉ có tao với hai đứa em gái. Bây giờ chắc chúng nó đã vào đại học cả rồi”. Dũng ôm ngực ho khục khục ngước mắt nhìn lên: “Mày có người yêu chưa? Tao thì chưa. Hôm bị sập hầm trên cao điểm, tao ngất đi cả tiếng… Mày biết vì sao tao qua được, sống dậy không? Lúc đó, tự nhiên tao mơ thấy con Hoài Thu, bạn học cùng lớp. Nó đến rủ tao đi xem phim Chú bé Di Gan. Tao với nó đi bộ từ khu Ba Đình đến rạp Tràng Tiền. Trời rét kinh khủng”. Dũng duỗi chân, thả người nằm tựa hẳn vào gốc cây cụt ngọn, cháy xém tro bụi. “Mày đi lính 67 à? Tao đi 66. Lúc đó bạn bè chết vì sốt rét nhiều lắm. Tao cũng mấy lần thập tử nhất sinh. Có hôm ngủ dậy, gọi thằng bạn, không nghe nó ơi hỡi, tao cuốn tấm tăng lên, thò tay vào võng, thấy nó đã chết cóng. Lúc đó sợ tới rùng mình. Chỉ muốn có địch để bắn nhau thí mạng, chết mẹ nó cho rồi. Chết trên chiến trường còn quang vinh, chứ chết vì sốt rét, sợ lắm”. Thấy Dũng lại ôm ngực ho nấc lên, Tùng nói: “Anh ngồi đây, để em đi kiếm thứ gì ăn được. Bên kia đồi, biết đâu có người Vân Kiều hay người Pa Kô”.

Tùng đi đến xế chiều mới về tới nơi. “Em không gặp dân, nhưng gặp rẫy sắn của dân bỏ hoang. Vác có mỗi gốc sắn mà mệt muốn ngộp thở”. Tùng nhóm lửa nướng rồi đưa cho Dũng mấy củ đã bóc sạch lớp vỏ cháy đen. Thấy Dũng ăn bị nghẹn, Tùng nghĩ, đêm nay phải tìm cách bắt mấy con tắc kè, may ra Dũng mới khỏe lại được. Vết thương của Dũng đã bắt đầu có mùi. Thế này thì khó mà dìu về tới N. Cách tốt nhất là Tùng phải một mình đến N, gọi người vào cáng Dũng về cứ. Nhưng để Dũng ở lại một mình, lỡ có bề nào thì sao. Biết đâu số anh em thoát được trận tao ngộ chiến, sẽ báo cho trung đoàn đưa người vào tìm kiếm thương binh tử sĩ.

Rừng khuya im ắng đến kì lạ. Nghe có tiếng tắc kè ném lưỡi vào đêm, nhưng không có đèn, làm sao mà tìm thấy. Đành phải để đến sáng mai tìm cách khác.

Sáng hôm sau, Tùng lang thang trong cánh rừng loang lổ những vạt đất bị cày lên, đỏ bầm như máu vì bom và đạn pháo. Anh tìm được một cái mũ sắt, liền đem về lấy sắn nướng cho vào đó, nghiền ra, rồi đổ thêm nước vào. Vậy mà, Dũng ăn vẫn bị nghẹn. “Tùng này. Sức tao đã kiệt lắm rồi, đằng nào cũng chết. Thôi, mày cứ một mình về trung đoàn. Sau đó có điều kiện thì trở lại. Tao muốn được chôn xuống đất”. Quả là Dũng đã quá yếu. Vết thương càng lúc càng bốc mùi khắm lặm. Phải liều mạng xuống suối lấy nước rửa, nếu không, giòi bọ sẽ đục đến tận xương. Nhưng xuống suối là điều không thể. Suối quá xa, lại phải đi ngược về phía cao điểm. Đành phải đái vào cái mũ sắt, lấy nước tiểu mà rửa. Rửa xong, lau cho thật sạch, chắc cũng không đến nỗi nào.

Nhờ làm cách đó mà Dũng có vẻ tươi tắn được phần nào. Dũng nghiến răng chịu đau đến chảy nước mắt, ngồi yên cho Tùng lau chùi vết thương. Lúc Tùng băng lại xong xuôi, Dũng nắm tay anh, thều thào: “Tự nhiên tao thèm ăn một quả xoài quá đi”. Nói xong, Dũng hơi rướn người ngồi dậy, mặt đờ ra ngây dại. Tùng biết, mình có nói thì Dũng cũng không nghe được. Nhưng Dũng chỉ có một ước muốn ấy. Mình đã gặp rẫy sắn của đồng bào, nhất định sẽ gặp buôn làng của họ, nhất định sẽ có xoài, sẽ có người dân vào giúp.

Mới mờ sáng, Tùng đã cắt rừng đi về phía rẫy sắn. Anh tìm được mấy ngôi nhà sàn bằng tre xệch xạc, trống huơ thống hoác, mốc meo mùi bỏ hoang. Không có một thứ gì khả dĩ có thể đựng được nước. Nhưng may mắn là anh đã tìm được mấy quả xoài xanh.

Tùng về tới nơi lúc trời chiều bầm đỏ. Dũng nằm mê man. Tùng lay gọi hàng chục lần anh mới tỉnh. Nhìn thấy quả xoài, mắt Dũng vụt sáng, miệng nở nụ cười méo xệch. Anh cầm quả xoài lên, ấp nó vào ngực, hôn mấy cái, sau đó mới cắn một miếng lớn, nhai rau ráu ngon lành.

Ăn hết quả xoài, Dũng cầm tay Tùng áp lên ngực mình, nở nụ cười yếu ớt: “Tao đi đây! Chúng nó đang gọi”. Đầu Dũng gật sang một bên, lả xuống. Bàn tay vẫn còn nắm bàn tay của Tùng.

6.
Sư đoàn theo tiếng súng tiến về phía trước, nhưng Tùng thì tụt lại. Một mảnh pháo đâm lủng lá phổi bên trái, mảnh khác cắt ngắn ruột non của anh một khúc. Một mảnh bom rạch ngực anh thành đường rãnh sâu hoắm. Hai viên bi chui vào ngủ trong bụng dưới. Đẹp nhất là viên AR15 xuyên thủng hai má thành lúm đồng tiền, lúc anh vọt lên khỏi công sự, há miệng hô xung phong. Bởi vậy Tùng luôn trốn tránh những nơi ồn ào, hội hè, và nhiều phụ nữ.

Để đi tìm Dũng, Tùng cùng bố mẹ Dũng lên gặp anh Quân, cán bộ sở lao động thương binh tỉnh. Lật hồ sơ, tìm được tên Dũng, nhưng không xác định được Dũng nằm xuống ở nơi nào, giữa trùng trùng đồi núi huyện Lao Bảo. Vậy là đành nhờ vào trí nhớ của Tùng và ông Quyết – một nhà ngoại cảm có uy tín về tìm mộ liệt sĩ điều khiển từ xa. Khi tìm được ngọn đồi từng là cao điểm A6, ông bà Lâm tuổi cao sức yếu, đành phải ở lại nhà khách huyện ủy, chỉ có Tùng và anh Quân và mấy người dân Vân Kiều được thuê đi cùng để đào tiếp tục hành trình.

Buổi sáng, hai ông bà chỉ uống cốc sữa. Buổi trưa, hai ông bà không nuốt nổi hột cơm. Họ dìu nhau ra ngồi bên gốc bồ đề sum suê cạnh đường 9. Cả hai lặng lẽ tựa vào nhau, nhìn vọng về phía ngọn đồi A6.

Rất lâu. Rất lâu. Chợt bà Lâm nắm tay chồng, khóc nấc lên: Ông ơi, thằng Dũng nó về tới rồi này!
Nhìn ra, đường 9 uốn vút một đường cong mềm mại.

H.T.T

Truyện ngắn của Hồ Tĩnh Tâm

Nguồn: Văn nghệ Quân đội

Phạm Thuý Quỳnh đưa bài

Exit mobile version