Chủ nhật, 23 tháng Tư năm 2000.

Trong lúc chờ ông Văn Kim đến, Jansen Morati ra ban công đứng như hôm trước.

Trong con phố buôn bán sầm uất chạy dọc theo khách sạn không thấy bóng dáng người hành khất nào. Rất đông phụ nữ người bản xứ bày bán hàng hóa dọc theo con phố: hoa quả, rau xanh, cá, đồ gia dụng… Trên vai họ là một loại quang gánh làm từ thân tre phẳng, dài khoảng hai mét, mỗi đầu treo một cái thúng chất đầy hàng để mời khách mua, nối với đầu kia bằng bốn sợi dây mảnh.

Gần 8h50, Jansen Morati xuống phòng lễ tân chờ ông Văn Kim. Ông ấy vẫn đúng hẹn như mọi lần. Họ gặp nhau trong một căn phòng nhỏ, ông Văn Kim chính thức nhận lời làm phiên dịch và phụ trách liên lạc cho Jansen. Về thù lao, ông sẽ chờ đến khi Jansen Morati rời Việt Nam mới đề cập đến. Ông hỏi vị khách của mình những thông tin cần thiết:

– Bà cụ thân sinh ra cậu tên gì? Sinh năm bao nhiêu?

– Mẹ tôi tên là Tâm, sinh năm 1929.

– Nơi sinh ở đâu?

– Ở Phương Liệt, tỉnh Hà Đông.

– Cậu có địa chỉ liên lạc của bà hay họ hàng của bà không?

– Rất tiếc là không.

– Cậu nghĩ hiện giờ bà ấy đang sống ở đâu tại Việt Nam?

– Tôi không rõ.

– Cậu có biết địa chỉ liên lạc của ai trong số họ hàng ở đây không?

– Tôi không có thông tin nào cả.

– Cậu có tấm ảnh nào của mẹ không?

– Không, tôi không có bức ảnh nào, ngay cả ảnh chụp bà ngày trẻ cũng không. Tôi không còn nhớ khuôn mặt của bà nữa. Như thể tôi chưa hề quen biết mẹ mình vậy. Tôi mới lên ba khi hai mẹ con xa nhau.

– Ông ngoại cậu tên gì?

– Tôi không biết.

– Còn bà ngoại?

– Tôi cũng không rõ nữa.

– Thông tin cậu cung cấp ít ỏi quá. Cha cậu tên gì?

– Roger Morati. Quê gốc cha tôi ở Bờ Biển Ngà, thuộc Tây Phi.

– Không giấu gì cậu là bước đầu sẽ rất khó khăn. Chúng ta không có đủ thông tin để xác định hướng tìm kiếm.

Chủ nhật là ngày nghỉ, không cơ quan nào làm việc để thu thập thêm thông tin về mẹ Jansen Morati. Ông Văn Kim suy nghĩ một hồi và quyết định sẽ bắt đầu cuộc tìm kiếm ngay từ sáng thứ hai. Còn bây giờ hai người sẽ sang Gia Lâm, nơi Jansen sinh ra, vùng ngoại thành phía bắc Hà Nội.

Hai người qua cầu Chương Dương bắc qua sông Hồng với những nhịp thép khổng lồ. Cầu Chương Dương dành cho ôtô và xe máy. Cây cầu cũ Long Biên nằm bên trái. Sau chiến tranh chống Mỹ, bất chấp nhiều đợt bom dội xuống phá hủy nghiêm trọng, cây cầu này vẫn chưa được tu bổ hoàn toàn. Nay cầu chủ yếu dành cho người đi bộ và xe thô sơ. Jansen Morati dễ dàng nhận thấy trên sông có rất nhiều thuyền gỗ, hẳn cũng là nhà của dân lênh đênh sông nước.

Về tới Gia Lâm, nơi chôn rau cắt rốn, ông có cảm giác được sinh ra lần thứ hai. Ông Văn Kim đưa Jansen Morati tới thẳng nhà hộ sinh, nơi ông cất tiếng khóc chào đời. Jansen quan sát tòa nhà xây từ thời Pháp thuộc này mà lòng nao nao. Ông dùng camera ghi lại những cảnh này. Hai người xem lại đoạn băng rồi cùng đi thăm các phố của Gia Lâm.

Buổi chiều, ông Văn Kim dẫn vị khách thăm hồ Hoàn Kiếm, tháp Rùa, cầu Thê Húc với màu sơn đỏ, và đền Ngọc Sơn có niên đại từ thế kỷ 13. Quần thể này nằm chính giữa đảo Ngọc Sơn, được xem như trung tâm văn hiến của Hà Nội. Ông Văn Kim giải thích, ngôi đền họ ghé thăm thờ vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Công trình văn hóa là một tuyệt tác gợi cho du khách tầm quan trọng của chủ nghĩa ái quốc và đề cao tri thức. Ông Văn Kim kể sự tích hồ Hoàn Kiếm bắt nguồn từ thanh gươm thiêng của vị thần hồ cho vua mượn. Thanh gươm đã đánh bại quân xâm lược phương Bắc thế kỉ mười lăm. Sau chiến thắng vẻ vang ấy, thần rùa nổi lên trên mặt nước, lấy lại gươm thần rồi lặn sâu xuống đáy hồ.

Chuyến du ngoạn ấy mang lại cho Jansen Morati một khám phá mới mẻ. Quanh hồ, rất nhiều cụ già tầm 65 đến 80 tuổi đang tập theo người hướng dẫn cùng lứa những động tác thể dục tao nhã đến kinh ngạc. Ông dừng lại chăm chú quan sát. Cả cơ thể các cụ chuyển động nhịp nhàng theo từng động tác chính xác. Các động tác uyển chuyển như múa, và thân thể họ như đang phác họa những biểu tượng. Các cụ như đang mô phỏng nhịp điệu của một bản hòa tấu không lời. Ông Văn Kim nói đây là bài tập thư giãn mỗi chiều trong vườn hoa công viên. Giờ thì Jansen Morati đã hiểu vì sao cư dân châu Á lại nổi tiếng sống lâu như thế.

Bước đầu tìm kiếm

Thứ hai ngày 24 tháng Tư năm 2000

 Ông Văn Kim và Jansen Morati tới sở địa chính để xác định vị trí huyện Hà Đông, làng Phương Liệt, nay có thể đã thành tên phố hay thị xã. Đây là quê của mẹ Jansen. Ông Văn Kim giới thiệu Jansen Morati với vị cán bộ trẻ tiếp họ và nói lý do Jansen Morati sang thăm Việt Nam. Vị cán bộ trẻ này quả quyết rằng huyện Hà Đông không có trong lưu bạ.

– Có thể là tên huyện này đã từng xuất hiện trong lịch sử Việt Nam – anh nói tiếp.

Anh giải thích thêm, sau chiến tranh có nhiều cải cách hành chính trong việc cắt đất, chia lại tỉnh.

– Vậy là không có cách nào xác nhận được sao? – Ông Văn Kim hỏi.

– Cháu phải biết xem địa danh Phương Liệt thuộc miền Bắc, Trung hay miền Nam Việt Nam thì mới có thể định hướng tìm giúp bác và anh.

Ông Văn Kim và Jansen Morati không hề biết địa danh đó ở phần nào trên lãnh thổ Việt Nam nên thoáng nản lòng. Họ cáo lui, trở về khách sạn và quyết đinh đăng tin trên báo, đài và truyền hình.

Ông Văn Kim viết bằng tiếng Việt:

“Tôi tên là Jansen Morati, sinh ngày 28 tháng 4 năm 52 tại Gia Lâm, Việt Nam. Tôi tới từ Abidjan thuộc Bờ Biển Ngà, Tây Phi. Tôi là con trai ông Roger Morati. Tôi tới Hà Nội ngày 22 tháng Tư năm 2000 mong tìm mẹ. Bà tên là Tâm, sinh năm 1929 ở làng Phương Liệt, huyện Hà Đông. Ai biết tin tức gì về bà xin vui lòng liên hệ với tôi tại phòng 302 khách sạn San Francisco. Tôi xin cảm ơn sự giúp đỡ nhiệt tình của các bạn. Con yêu mẹ và luôn chờ đợi mẹ, mẹ kính yêu của con”.

Ông ghi rõ số điện thoại liên lạc của cả hai người.

Ông Văn Kim và Jansen Morati liên hệ ba tòa nhật báo lớn và quyết định cho đăng tin liên tục một tuần lễ. Đăng tin trên sóng phát thanh và hai kênh truyền hình trong nước ngày hai lần. Họ dự định trong hai ngày tới sẽ gặp nhau nếu không có thêm thông tin. Nếu có tin mới sẽ gặp nhau ngay.

Hai người tạm biệt nhau.

Jansen Morati vẫn còn phân vân. Ông tính sẽ tự triển khai một kế hoạch đồng thời với kế hoạch của ông Văn Kim. Ông không thể khoanh tay ngồi chờ trong suốt bốn mươi tám tiếng đồng hồ được. Trong thời gian chờ đợi, ông muốn thử theo một hướng khác. Ông mở hòm thư điện tử. Không có thư từ liên quan đến thông điệp tìm mẹ đã đăng trên mạng ngày còn ở Abidjan. Ông nghĩ tới việc liên hệ với nhà báo người Việt đã tốt nghiệp đại học báo chí Lille tại Pháp, hiện đang làm trong Đài Truyền hình Việt Nam. Ông lưỡng lự rồi từ bỏ ý định này vì sợ làm ông Văn Kim phiền lòng. Ông thay đồ cho thoải mái, ăn nhanh bữa trưa tại khách sạn rồi ra phố thực hiện ý nghĩ vừa thoáng qua trong đầu.

Tiến hành sao đây? Phải đi theo hướng nào đây? Ông tạm hoãn kế hoạch đó lại. Ông đi bộ gần hai mươi phút và tìm cách bắt quen với ai đó biết tiếng Anh. Với vốn tiếng Anh cơ bản học trong trường phổ thông, ông tin rằng mình có thể làm cho người đối thoại hiểu được ý mình. Khéo léo một chút thì cũng đơn giản thôi mà.

Ông chú ý đến một sản phẩm bày bán trong cửa hiệu sang trọng. Ông giao tiếp với người bán hàng bằng tiếng Anh. Bốn cửa hàng đầu tiên đều không mang lại kết quả mong đợi.

Cửa hàng thứ năm bán túi du lịch. Jansen Morati bước vào. Ông nhận thấy một món hàng không quá đắt. Đó là chiếc ví bằng da. Ông hỏi bằng tiếng Anh chiếc ví này giá bao nhiêu đô-la Mỹ. Người bán hàng ra hiệu gọi một đồng nghiệp khác tới. Jansen Morati chào anh ta bằng tiếng Anh và hỏi xem chiếc ví da đang cầm trên tay giá bao nhiêu. Ông nhớ lại những câu mình đã nhẩm lại từ trước. Anh nhân viên mới đến căng tai lắng nghe, rõ ràng không hiểu khách hàng đang hỏi gì. Jansen chậm rãi nhắc lại, lần này anh nhân viên đã hiểu ra. Anh ta bấm máy tính và nói cái này giá sáu mươi đô-la. Nhưng trước khi mua, Jansen Morati giải thích cho anh nhân viên rằng mình là khách du lịch, đang ở khách sạn ngay gần cửa hàng. Ông muốn tìm một hướng dẫn viên du lịch Việt Nam biết cả tiếng Pháp và tiếng Anh. Lần này thì nhân viên bán hàng hiểu ngay ý ông. Anh dịch ra tiếng Việt cho đồng nghiệp kia hiểu, anh này bấm ngay điện thoại. Sau ba bốn phút trao đổi qua điện thoại, anh ra hiệu cho khách hàng chờ một chút. Jansen Morati mang chiếc ví ra quầy thanh toán.

Khoảng 20 phút sau, người phiên dịch mà cả ba đang chờ đến bằng xe máy. Đó là một người đàn ông trạc ba mươi tuổi tên Diên. Anh ta vất vả nói một câu tiếng Anh bồi. Jansen giúp anh mỗi khi anh ngập ngừng ở một từ dù đơn giản và thông dụng. Nói xong, Diên xin lỗi vì tiếng Anh của mình không được trôi chảy cho lắm. Anh muốn trao đổi bằng tiếng Pháp – ngoại ngữ mà anh thông thạo hơn. Jansen Morati liền thú thật là mình thạo tiếng Pháp trước sự ngạc nhiên và vui mừng của Diên.

Jansen Morati mời Diên sang quầy bar gần đó uống nước. Jansen giải thích cho Diên hiểu ông sang Việt Nam tìm mẹ. Ông đang ở khách sạn San Francisco, mẹ ông từng sống ở làng Phương Liệt, trong một huyện của tỉnh Hà Đông. Ông thuật lại cả lần đến phòng địa chính vừa rồi.

– Theo như tôi biết, Hà Đông là một thị xã thuộc tỉnh Hà Tây chứ không phải là một tỉnh. Vậy mà theo lời ông, Hà Đông lại là huyện mà ở Việt Nam lại không có huyện này. Tôi nghĩ rằng chẳng mất gì nếu chúng ta đến thẳng Hà Đông để xác minh lại. Có thể Phương Liệt là một khu phố nằm trong thị xã này.

– Nhất trí. Tôi cũng chẳng mất gì mà chỉ có được thôi. Chỗ cậu nói có xa không?

– Không. Đó là cửa ngõ phía tây nam Hà Nội.

Jansen Morati đồng ý sẽ tìm hiểu xem thị xã Hà Đông có quan hệ gì với huyện cùng tên không. Nhưng tiếc thay chuyến đi này không đem lại kết quả gì.

Trở về Hà Nội, Diên để lại địa chỉ cho vị khách phòng trường hợp anh có thể giúp được việc gì.

Ở khách sạn cũng không có tin nhắn gì cho Jansen Morati.

Quay về phòng, Jansen Morati hơi buồn và thất vọng. Hai hướng tìm kiếm hôm nay đều thất bại. Ông nhận thấy mục nhắn tin tìm người của mình đang phát trên VTV1. Tắm xong, ông gọi điện cho vợ ở Abidjan, sau đó gọi cho con trai cả Arnaud đang ở Mỹ kể cho họ nghe những việc đã làm trong ngày. Cả hai đều khuyên ông không nên chán nản mà phải kiên trì. Nếu ông tìm ra mẹ ngay trong ngày đầu tiên thì dễ dàng và đơn giản quá.

Trước khi đi ngủ, một ý nghĩ chợt thoáng qua đầu Jansen. Ông lại gọi cho Arnaud. Arnaud khuyên cha lên mạng tìm thông tin về Phương Liệt và Hà Đông qua trang thông tin của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam. Chẳng ai biết đâu, ông nghĩ. Arnaud hứa sẽ đưa ra câu trả lời muộn nhất là tối mai.

Khoảng 22 giờ, Jansen Morati đi nghỉ, lấy lại sức sau một ngày mệt nhoài. 3h25 sáng, ông tỉnh giấc, không làm sao chợp mắt được nữa.

Gặp gỡ vị trưởng xứ đạo Trần Giao tại Hà Nội

Thứ ba, 25 tháng Tư năm 2000.

Jansen Morati bắt đầu suy nghĩ và cân nhắc. Trong một đất nước theo chế độ xã hội chủ nghĩa thì thông tin vẫn là yếu tố chủ chốt để vận động và đoàn kết toàn dân. Vậy thì người dân nhất định phải thường xuyên theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng chính thống hơn bất kỳ nơi đâu. Vậy là tin nhắn của ông có nhiều cơ may đem lại kết quả. Điều này là hoàn toàn có cơ sở. Thực tế có khi còn hơn cả mong đợi. Trên đà hứng khởi, ông hình dung ra mẹ mình ngập trong vô số cuộc điện thoại gọi đến báo tin con trai bà hiện đang ở Hà Nội. Ông nghĩ đến tiếng reo vui, cảnh hân hoan của cả gia đình ở làng Phương Liệt quê ngoại. Ông chắc mẩm sẽ sớm gặp những người thân của mình ở Việt Nam. Chỉ cần họ đọc báo, nghe đài, xem ti vi là đủ. Điều đó thôi thúc ông muộn nhất là ngày mai phải xác định hướng đi rõ ràng.

Niềm hạnh phúc lớn lao ấy không còn xa vời nữa mà trong tầm tay. Rốt cuộc ông sẽ được lần đầu tiên trong đời ôm mẹ trong vòng tay. Ông tận hưởng niềm vui sướng, niềm hạnh phúc vô hạn ấy. Ông cũng hình dung ra niềm vui của mẹ khi gặp lại con trai. Hẳn bà không thể ngờ sẽ gặp lại con trai. Ông mơ tới ngày hội tưng bừng làng Phương Liệt đón mừng ông. Sẽ là dịp để ông khám phá kho tàng dân ca phong phú của Việt Nam. Ông sẽ khoác tay mẹ đi giữa quan khách cảm ơn họ đã nhiệt tình tham dự bữa tiệc nhỏ mừng ngày hội ngộ.

Một tiếng còi trên phố kéo ông về với thực tại. Ông kéo rèm nhìn qua cửa sổ thấy trời đã hửng sáng.

9h, ông Văn Kim lên phòng tìm Jansen. Ông chỉ cho Jansen thấy những mẩu tin đã được đăng trên ba tờ nhật báo.

Giờ phải đặt hy vọng ai đó sẽ xuất hiện. Ông dặn lại lễ tân khách sạn, phòng trường hợp có người gọi điện về mẩu tin đã đăng.

Bấy giờ, ông Văn Kim muốn biết rõ hơn về mẹ của Jansen Morati. Ông yêu cầu vị khách cho biết tất cả những thông tin có được về mẹ. Ông suy luận rằng cha Jansen Morati chắc chắn đã cung cấp một số thông tin hữu ích trước khi đến Việt Nam.

Thoạt nghe đề nghị này, Jansen Morati nảy ra một ý. Theo lời cha, mẹ ông theo đạo thiên chúa. Hẳn là bà thường lui tới nhà thờ. Jansen nhấn mạnh chi tiết này bởi vì phần lớn dân Việt Nam theo đạo phật. Cộng đồng người theo đạo thiên chúa chỉ chiếm thiểu số. Và nếu cộng đồng này cũng có tại Hà Nội thì sao ta không bắt đầu tìm theo hướng này nhỉ?

Ông Văn Kim thấy đây là một ý hay. Ông biết một trong những nhà thờ ở Hà Nội, ông có thể liên hệ với người phụ trách giáo khu. Ngay lập tức họ quyết định đến gặp người này.

Ông Nguyễn Bào là người đứng đầu giáo khu Trần Giao ở Hà Nội ra tiếp họ. Ông nghe tiếng Pháp thì hiểu đôi chút nhưng lại không nói thạo nên dùng tiếng Việt. Ông mời hai người lên phòng làm việc của mình trong khu chung cư gần nhà thờ.

Sau khi giới thiệu, ông Văn Kim và ông Nguyễn Bào nhận ra giữa họ có một điểm chung, cả hai đều là cựu chiến binh. Họ cùng nhau ôn lại những thời khắc ác liệt của giai đoạn hào hùng chống thực dân Pháp. Sau đó ông Nguyễn chăm chú nghe ông Văn Kim vào chuyện chính.

Ông Văn Kim cho biết họ đang đi tìm cụ Tâm, mẹ của Jansen Morati. Có thể cụ vẫn đang tham gia cộng đồng tôn giáo của Hà Nội hoặc của Việt Nam. Ông Nguyễn hứa sẽ giúp họ, ông nhớ không ai trong giáo khu này mang tên đó. Thế nhưng ông vẫn lấy trong ngăn kéo ra một cuốn sổ ghi thông tin của giáo dân trong khu vưc. Danh sách này được chép tay, ghi cả ngày tháng năm sinh, địa chỉ nhà và số điện thoại của người thân, ông dò qua từng tên một.

Jansen Morati dõi theo ngón tay đang dò từng dòng.

Bỗng nhiên ông Nguyễn dừng ở một cái tên: Tâm. Jansen Morati hồi hộp. Là mẹ ông chăng?

Vị trưởng giáo khu ngước lên nhìn anh và lắc đầu. Người trùng tên này mới 18 tuổi, vậy là không phải. Ông Nguyễn hứa với họ sẽ gắng hết sức để tìm lại mẹ Jansen nếu quả thật bà ấy là con chiên của xứ đạo này. Nếu tòa giám mục Hà Nội cho phép, ông Nguyễn sẽ truyền tin đến tất cả các nhà thờ, nhất là trong dịp lễ Phục Sinh.

Ông hỏi thêm ông Văn Kim một chi tiết là quê gốc của Tâm ở đâu? Ông Văn Kim đáp mẹ Jansen sinh trong một ngôi làng có tên Phương Liệt, tỉnh Hà Đông mà hiện nay họ đang tìm cách xác định vị trí. Ông Nguyễn thoáng giật mình. Ông biết một thôn trước đây có tên là Phương Liệt mà nay nó là một xóm nhỏ của Hà Nội, không xa Trần Giao là bao. Vì Phương Liệt không thuộc quận Hà Đông xưa mà chính là quận Thanh Xuân nên chắc chắn không đúng chỗ. Ông nhắc nhở rằng ở Việt Nam có rất nhiều vùng ngoại ô trùng tên, chắc chắn làng Phương Liệt không nằm ngoài số đó.

Jansen Morati lại thất vọng lần nữa. Chừng nào chưa tìm ra ngôi làng thì ông chưa có cơ may tìm thấy mẹ.

Tuy nhiên, theo lời ông Nguyễn thì phần lớn dân làng Phương Liệt ở Hà Nội này đều theo đạo. Ngày mai, ông sẽ ghé qua hỏi thăm người làng về Tâm. Ông sẽ mời họ đến nói chuyện và gặp người đứng đầu ngôi làng lọt thỏm giữa lòng Hà Nội này.

Ông Văn Kim và Jansen Morati đồng ý.

Hôm sau, ba người gặp nhau lúc 10h tại nhà ông Nguyễn, cách nhà thờ không xa, nhân thể uống ly nước mát.

Họ dạo bộ. Đất vườn nhà trồng rất nhiều loại hoa. Ngôi nhà thật đơn sơ. Trên tường treo nhiều chân dung Chúa Giê-su và đức mẹ Đồng Trinh khổ lớn.

Chủ nhân hỏi ông Văn Kim vị trí của tỉnh Hà Đông. Theo ông, để vạch ra hướng tìm kiếm tin cậy nhất trước hết phải xác định địa danh này. Ông Văn Kim không biết. Ông thuật lại chuyến đi không kết quả tới phòng địa chính. Quay sang Jansen Morati, ông Nguyễn khuyên ông đừng vội thất vọng. Phải tin ở Chúa. Đến thời điểm thích hợp Chúa sẽ thực hiện lời nguyện cầu của ông.

Hai vị khách cảm ơn ông Nguyễn đã nhiệt tình giúp đỡ rồi cáo từ.

Hai người trở về khách sạn. Về đến nơi, họ hơi thất vọng. Không hề có cuộc gọi nào sau những thông tin đăng trên báo. Họ hẹn gặp nhau vào 9h30 hôm sau để cùng đến nhà ông Nguyễn, trưởng giáo xứ Trần Giao.

Jansen Morati ăn trưa tại khách sạn. Khoảng 16 giờ, ông quyết định dạo quanh thành phố cho bớt căng thẳng.

Xuống tới phố rồi, ông muốn qua đường. Thật điên đầu với những ai chưa từng quen cảnh xe cộ đông như mắc cửi thế này. Lúc nào ông cũng cảm giác những chiếc xe hai bánh kia sắp hất mình ngã nhào xuống đường. Càng chần chừ do dự thì càng dễ bị quệt phải. Một tài xế taxi mời ông lên xe dạo một vòng quanh thành phố. Jansen đồng ý.

Anh ta đề nghị đưa ông đi thăm khu di tích nhà sàn Bác Hồ. Căn nhà được dựng hoàn toàn bằng gỗ. Khoảnh sân trước nhà rợp bóng cây. Tầng trệt dành làm phòng họp bàn việc quốc gia đại sự của các thành viên chính phủ.

Anh hướng dẫn viên đưa du khách lên tầng trên thăm phòng ngủ và phòng làm việc của Hồ Chủ tịch. Hai gian phòng đều bài trí đơn sơ, giản dị, không có lấy một đồ quý vật lạ. Rồi du khách được dẫn ra thăm ao cá với nhiều cá đang quẫy trên mặt nước. Hướng dẫn viên thuyết minh lý do sở dĩ có ao này là do lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh có thú nuôi cá và câu cá. Du khách dạo một vòng quanh bờ ao và được khám phá một không gian đẹp lạ lùng với rất nhiều loài hoa cỏ và cây trái. Mỗi thứ cây, hoa là một món quà nhân dân các miền trên khắp Việt Nam gửi tặng Hồ Chủ tịch để khu vườn thêm hương sắc.

Jansen Morati quay về khách sạn khoảng 6 rưỡi tối. Và một bất ngờ lớn đã khiến ông nghẹt thở.

Tìm ra làng Phương Liệt

Tay Jansen Morati run lên khi nhận lấy bản fax từ nhân viên lễ tân. Ông không tin vào mắt mình. Sợ mình không đứng vững nổi, ông ngồi xuống ghế ngay trong sảnh khách sạn, thở một hơi thật sâu. Ông đọc bản fax chậm rãi không sót chữ nào, để chắc chắn là mình hiểu nghĩa của từng từ rồi cất giọng đọc thành tiếng để nghe rõ từng âm tiết. Không phải mình đang mơ đấy chứ? – ông tự hỏi. Nhấc tay phải lên bấu mạnh vào tay trái mình, thấy hơi đau ông mới thật tin là điều kỳ diệu mong ước bấy lâu đang thành hiện thực. Ông quyết định gọi ngay cho ông Văn Kim, rồi lại thôi. Ông muốn lên phòng trước đã, ông không muốn vội vàng đưa ra bất cứ quyết định nào.

Ngồi trên giường ông đọc lại lần nữa, to, rõ bản fax con trai ông đang định cư ở Mỹ vừa gửi sang. Arnaud nhận được bản fax từ Phòng văn hóa thuộc Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội rồi gửi tiếp sang Việt Nam cho ông.

Phần đầu bản fax có ghi:

“Phúc đáp dành cho ông Arnaud: sau khi trao đổi với ông qua điện thoại, tôi đã tìm và liên lạc điện thoại với Chủ tịch ủy ban nhân dân phường Phương Liệt thuộc Hà Nội. Dựa trên thông tin thu thập từ các bậc cao niên và các cựu chiến binh trong chiến tranh Đông Dương, tôi có thể khẳng định với ông rằng phường Phương Liệt ngày nay thuộc địa phận Hà Nội chính là làng Phương Liệt, thuộc huyện Hà Đông dưới thời Pháp thuộc. Giám đốc sở địa chính Hà Nội cũng khẳng định thông tin này. Phương Liệt giờ không còn thuộc Hà Đông nữa mà nằm trên địa bàn quận Thanh Xuân”.

Jansen Morati ngay lập tức xem nhiệm vụ tìm mẹ của mình chỉ còn là một thủ tục đơn giản. Ngày mai ông có hẹn với ông Nguyễn, trưởng xứ đạo Phương Liệt và ông Văn Kim để đến gặp Chủ tịch phường chính trong làng Phương Liệt, nay là một phường của Hà Nội.

Một niềm vui khôn cùng xâm chiếm ông. Cảm giác như mẹ đã rất gần ông, liệu bà có linh cảm giống mình không nhỉ? Hạnh phúc thay vì chuyến đi lần này đã đến đích nhanh như vậy. Ông ngồi trong phòng, nhắm mắt lại tận hưởng niềm hạnh phúc vô bờ bến đang dâng lên.

Ông nghĩ đến ngày mai, tại Phương Liệt, khi người đứng đầu làng báo cho mẹ biết con trai Jansen Morati mà mẹ đã không gặp lại từ ngót năm mươi năm nay hiện đang có mặt. Ông hình dung ra mẹ sẽ hoài nghi chuyện đó, giống như thánh Thomas vậy. Trước hết bà phải nhìn tận mặt bắt tận tay nó mới tin được chuyện này là thật.

Ông lại tự nhủ, chắc không nhất thiết như vậy. Tiếng gọi của tình máu mủ ruột rà sẽ mạnh hơn tất cả, hai mẹ con ông tất sẽ nhận ra nhau. Ông đứng đó, trong tiếng reo hò phấn khích của dân làng. Ông dự định xin trưởng thôn cùng tới nhà mẹ mình. Liệu trưởng thôn có nên báo trước cho bà biết không? Ông nghĩ nên làm vậy thì hơn. Bà cần chuẩn bị tinh thần gặp lại đứa con trai.

Không thể biết trước những cảm xúc mãnh liệt sẽ dẫn đến đâu, biết đâu bà lại lên cơn đau tim. Từ xa ông sẽ nhận ra mẹ ngay tức khắc, ông sẽ chạy đến sà vào lòng bà. Nhưng cẩn thận, không được xô bà ngã. Đây rồi, ông đã thấy tay mẹ giang rộng chào đón mình. Ông mơ tưởng về cái ôm xiết đầu tiên đầy cảm xúc khiến cả hai mẹ con trào nước mắt. Họ sẽ nhìn nhau âu yếm để ghi vào tâm trí hình dáng, khuôn mặt của nhau. Ông sẽ dìu bà đi chào tất cả các thành viên trong gia tộc đang đứng xung quanh. Rồi ông sẽ ngồi xuống bên cạnh mẹ, cảm động đáp lại những lời chào mừng thăm hỏi của mọi người. Ông mường tượng những ánh nhìn tự hào xen lẫn hiếu kỳ của dân làng dành cho người con của làng vừa trở về từ một nơi rất xa.

Mở mắt ra, ông lại trở nên cảnh giác. Mọi việc có thể không xảy ra như mong muốn của ông. Jansen Morati lại đặt ra cho bản thân hàng tá câu hỏi. Nếu mẹ đang lâm bệnh nặng, nằm liệt giường thì sao? Nếu bà hiện không còn sống ở làng Phương Liệt? Nếu dân làng báo tin bà đã mất tích khỏi làng nhiều năm nay? Nếu họ thông báo bà đã mất lâu rồi? Thật là thảm kịch. Ông không muốn nghĩ theo hướng này nữa. Ông đứng dậy và bắt đầu cân nhắc.

Có nên báo ngay cho ông Văn Kim và ông Nguyễn biết về nội dung bản fax? Có nên tìm đến nhà trưởng thôn ngay đêm nay? Có nên gọi điện cho Arnaud cảm ơn nó đã chuyển cho ông thông tin quan trọng này? Có nên hỏi nó xem nên xử trí thế nào? Hay gọi điện hỏi vợ?

Sau hồi lâu cân nhắc, ông quyết định không nói ai biết chuyện này, cả ông Văn Kim lẫn ông Nguyễn. Về phần vợ và con trai Arnaud, ông muốn chờ đến mai gặp được trưởng thôn rồi mới liên lạc với họ. Ngày mai ông cần xác minh một thông tin: phường Phương Liệt hiện thuộc Hà Nội có phải làng Phương Liệt quê ngoại ông hay không. Chuyến thăm trưởng thôn phải xác minh được vấn đề này. Không phải bàn cãi gì nữa.

Ngày mai, mình sẽ tìm được quê ngoại, ông thốt lên. Ông cầu nguyện cho ngày mai mọi chuyện diễn ra suôn sẻ. Ông mong gặp mẹ trong niềm vui chung của tất cả mọi người và hạnh phúc sẽ được sẻ chia. Rồi ông bật tivi, nhìn lên màn hình mà chẳng biết mình đang xem cái gì vì tâm trí ông để tận đâu đâu. Những hình ảnh tuổi ấu thơ hiện lên rõ mồn một trước mắt ông, tuổi hoa niên và môi trường nghề nghiệp đã làm nảy sinh và hun đúc quyết tâm phải tìm lại mẹ bằng mọi giá.

Đây là kênh youtube chính thức của nhà văn Võ Thị Xuân Hà, xin mời đăng ký kênh tại đây: Cầm Kỳ Official

https://www.youtube.com/c/CầmKỳOfficial2022

để ủng hộ trang và nhận được thông báo mỗi khi có video mới.

Trên một số nền tảng số khác như:

Facebook: https://www.facebook.com/CamKyOfficial

Website: https://tonvinhvanhoadoc.net

#Võ Thị Xuân Hà

#Cầm Kỳ

#Nàng Thê

Email: [email protected]

Zalo & hotline: 0393 996 018