Phần 6
Viện Thiên Chúa giáo Taloa
Cô Naomile giải thích với giám đốc Viện, thầy Gildas Gabin, những lý do khiến cậu bé cô nhận bảo trợ nhập học muộn. Cô đặc biệt nhấn mạnh đến cơn chấn động tinh thần mà cậu bé phải gánh chịu. Cậu bé điền vào các mẫu giấy tờ đăng ký nội trú. Cậu nhận được giấy vào lớp.
Giờ thì cô Naomile buộc phải chia tay với con trai nuôi. Cô ôm chặt lấy nó mà nước mắt trào ra. Cô đưa nó địa chỉ liên lạc của mình và ghi lại địa chỉ trường. Jansen Morati vô cùng buồn nhớ khi phải xa cô.
Lạ một điều, cậu rất khó khăn để hòa nhập vào môi trường mới. Cậu thích ở một mình, trong khi những đứa trẻ tầm tuổi cậu chơi đùa. Cậu lại mường tượng ra những hình phạt thể xác mà cha cậu đã trút lên cậu. Tại sao lại nhẫn tâm với cậu đến vậy? – cậu tự hỏi. Cậu nghĩ đến cô Naomile.
Cuối cùng, cậu không thể ngăn mình càng lúc càng nghĩ đau đáu không nguôi về người mẹ đang ở đâu đó trên đất Việt Nam.
Cha tuyên úy của trường, linh mục Nestor, quan sát cuộc sống cô độc của cậu bé. Ông cố gắng chiếm cảm tình của cậu. Jansen Morati cũng muốn tìm ai đó để chuyện trò tâm sự. Dần dà, cậu tâm sự với cha Nestor. Cha lắng nghe chăm chú, không tìm cách ngắt lời cậu. Ông nhận ra rằng cậu có những hiểu biết nhất định về Kinh Phúc âm, điểm này khiến mối quan hệ giữa hai thầy trò càng trở nên gắn bó. Dịp nghỉ lễ Giáng sinh và Phục sinh, Jansen Morati ở lại trường trong khi bạn bè đều về nhà với cha mẹ. Cậu bắt đầu học nghề mộc và làm vườn. Cậu hiến mình cho Chúa, trong những lời cầu nguyện và trong những ngày nhịn ăn chờ ngày tựu trường. Đến kỳ nghỉ hè cậu vẫn muốn được ở lại trường.
Giám đốc Viện cùng cha tuyên úy thử can ngăn cậu chuyện này nhưng vô ích. Jansen ở lại trường suốt những kỳ nghỉ. Lễ Giáng sinh và Phục sinh năm tiếp theo cũng vậy. Giờ thì cậu đã trở thành một tín đồ Thiên Chúa đầy nhiệt tâm. Thậm chí cậu còn đi theo cha tuyên úy tại các buổi thuyết giảng của cha trong các làng khắp vùng Taloa.
Đến kỳ nghỉ lễ Phục sinh, giám đốc Viện cho mời cậu lên văn phòng để giới thiệu cậu với một cậu bé tầm tám, chín tuổi tên là Patrick. Patrick bị tàn tật, cụt mất chân phải. Vị giám đốc yêu cầu Jansen Morati từ nay sẽ ở cùng Patrick, cậu bé này sẽ ở lại trong Viện nhưng không đi học nữa. Patrick sẽ được bố trí ở một phòng trong Viện và có Jansen Morati ngủ cùng. Cậu sẽ lo việc đọc và giảng giải Kinh Phúc âm cho Patrick. Mỗi ngày họ cùng nhau cầu nguyện, đặc biệt là buổi tối trước khi đi ngủ. Jansen chấp nhận đề nghị này với niềm vui khôn tả. Theo yêu cầu của cha tuyên úy, Jansen và Patrick sẽ đọc những cuốn sách nhỏ kể về cuộc đời của Chúa Jêsu. Jansen đôi lúc cảm thấy rõ bạn mình đang đau đớn. Cậu kể lại với giám đốc nhưng ông trấn an rằng bệnh của Patrick không có gì nghiêm trọng. Jansen Morati lại ngày đêm cầu Chúa phủ hộ cho người bạn mới mau khỏi bệnh. Tình trạng sức khỏe của Patrick không ổn định.
Kỳ nghỉ Phục sinh kết thúc, khi học sinh trở về trường cũng là lúc Jansen quay về phòng ngủ cũ của mình cùng với các bạn. Nhưng cậu không thể không nghĩ đến Patrick, lúc này đang được thầy dòng Abraham chăm nom. Ngày nào cậu cũng đến thăm Patrick, thậm chí nhiều lần một ngày.
Một buổi sáng nọ, thầy Gildas Gabin cho cậu hay tin Patrick đã qua đời. Jansen Morati choáng váng. Cậu òa khóc. Giám đốc Viện tìm cách an ủi cậu.
– Ta biết con rất gắn bó với Patrick. Con muốn cậu ấy được chữa khỏi bệnh. Nhưng Chúa, với lòng khoan dung độ lượng vô bờ bến đã gọi cậu ấy về bên Người. Ta lấy làm tiếc và khổ tâm cho con.
– Thưa thầy, chúng ta có thể đưa cậu ấy đến bệnh viện cơ mà.
– Con không biết đấy thôi. Chúng ta thì biết rất rõ: cậu ấy mắc bệnh vô phương cứu chữa. Cậu ấy mắc chứng ung thư và sớm muộn gì cũng chết. Đó là lý do tại sao chúng ta muốn cậu ấy sống những ngày cuối cùng trong cuộc đời này với một cậu bạn đồng lứa. Và chúng ta đã nghĩ tới con.
– Ung thư là bệnh gì ạ?
– Đó là một căn bệnh chưa có cách nào chữa khỏi.
Jansen Morati xin phép được lui ra. Cậu đi đến nhà thờ nhỏ trong Viện để tĩnh tâm. Cầu nguyện cho người bạn Patrick mà cậu không cầm được nước mắt. Về đến phòng, cậu nhận được một lá thư của cô Naomile, thời gian này cô thường xuyên viết thư cho Jansen. Cô mời cậu về nghỉ hè cùng cô tại Bako. Jansen báo lại với thầy hiệu trưởng và cha tuyên úy. Họ rất vui mừng khi biết tin tốt lành này. Cô Naomile đến đón Jansen ở Taloa.
Vậy là Jansen Morati lại trở về Bako trong dịp nghỉ hè cùng với cô Naomile. Cậu nghỉ tại đó ba tuần.
– Con trai Jansen của ta, ta phải nói với con điều này. Thầy hiệu trưởng và cha tuyên úy đã nói với ta rất nhiều điều tốt đẹp về con, nhất là về cuộc sống khiêm nhường, đúng đạo lý của con. Ta rất mừng là con đã tin vào Chúa và sống đúng với đức tin ấy.
– Chính cô đã dìu dắt con những bước đầu tiên để đến gần bên Chúa.
– Con hẳn cũng như ta, biết rõ Chúa là Nhân từ và Bác ái. Con chớ quên ý nghĩa đích thực của những lời cầu nguyện mỗi ngày: “Hãy tha thứ tội lỗi của chúng con như chúng con”. Nếu con muốn Chúa tha thứ cho tội lỗi mà con gây ra như trong lời thỉnh nguyện thì con, chính con, cũng phải tha thứ cho những người đã đối xử không tốt với mình. Con phải học và chấp nhận tha thứ cho cha con, cho cha mẹ con.
– Không thưa cô, không bao giờ.
– Có chứ, con trai. Ta đã chịu đựng nhiều cùng con và cho con. Ta biết con phải chịu những vết thương về thể xác cũng như tâm hồn. Nhưng Chúa vẫn nhẫn nại yêu cầu con tha thứ cho cha con. Hãy đi về phía ông ấy, giảng hòa với ông ấy. Chính con phải làm điều đó, vì con là con trai ông ấy. Hãy là người nắm thế chủ động. Hôm nay, chắc cha con đang hối hận vì những sai lầm trong cách cư xử với con. Con phải quên tất cả những chuyện đó. Đó chính là cái giá để Chúa ban cho con vô số những ân huệ của Người. Một ngày kia, Chúa sẽ biến ước nguyện con vẫn nung nấu bấy lâu nay là đến Việt Nam và tìm lại mẹ con thành hiện thực. Mỗi việc đều có thời điểm của nó. Chúa sẽ vạch ra con đường dẫn con đến với mẹ con ở một thời điểm thích hợp. Ta tin vậy. Con sẽ tìm thấy mẹ con còn sống nhờ hồng ân từ Chúa.
Jansen Morati không biết phải nói gì nữa. Cậu nhìn cô Naomile, rồi nước mắt tuôn lã chã, lao vào vòng tay cô.
– Con biết là cô yêu con rất nhiều. Tuy không có mẹ ở bên nhưng đối với con cô luôn giống như một người mẹ thật sự. Con sẽ làm theo lời cô dạy.
– Cám ơn con, con trai. Bây giờ ăn chút gì đi đã. Sau đó con sẽ khiến cha mẹ con thật ngạc nhiên. Ngày mai, con sẽ kể lại mọi chuyện cho ta nghe.
Jansen Morati xách theo một vali nhỏ trở về nhà, lòng vẫn rất lo sợ.
Ngay khi nhận ra cậu, hai người mẹ kế đã thốt kêu lên mừng rỡ. Cậu đưa mắt tìm cha, Roger đang nằm võng liền đứng lên đón con trai.
– Cha rất hài lòng được gặp lại con – Roger kêu lên. Con nhìn khỏe hơn, béo ra. Con đã lớn lên nhiều.
– Con cũng vậy, con vui vì được về nhà với mọi người.
– Lại đây ngồi. Nói qua tình hình của con cha nghe xem nào. Mang cho con trai cốc nước mát đi hai bà.
Jansen Morati đâm ra hoài nghi trước sự tiếp đón nồng nhiệt này.
Cả kỳ nghỉ hè cậu chăm chỉ học tập và nhất là tiếp tục học giáo lý cùng cô Naomile. Đến gần cuối kỳ nghỉ hè, cô Naomile một lần nữa nhận quyết định chuyển công tác. Cô hứa sẽ viết thư liên lạc với Jansen ngay khi ổn định chỗ ở. Ngày tựu trường đang gần kề. Jansen Morati thu xếp hành lý quay trở lại Viện Thiên Chúa giáo Taloa.
Lúc đưa cho con trai tiền tàu xe, Roger không quên dặn dò đôi điều.
– Ta tin tưởng là ở trường con sẽ đạt kết quả học tập tốt. Con phải học hành thành tài thì gia đình mới thoát cảnh nghèo khổ cùng cực. Con hãy xem gia đình mình đang sống chật vật thế nào. Ngay cả chuyện để có chút tiền cho con đi tàu xe về trường, mẹ kế của con đã phải bán một trong những món trang sức hồi môn của bà ấy đấy.
– Con rất biết ơn mẹ.
Jansen Morati trở lại trường ở Taloa.
Ác mộng hay hiện hồn?
Một đêm, khi đang ngủ cùng các bạn trong phòng ký túc xá, Jansen Morati tỉnh dậy bởi cảm giác như có ai đó đứng bên cạnh. Ai đó đang kéo nhẹ chăn của cậu. Cậu giương to mắt nhìn trong cảnh tranh tối tranh sáng của phòng ngủ. Cậu không thấy ai cả, trừ có một cái bóng khá tối. Cậu rất sợ hãi. Cậu túm lấy chăn, giữ chặt không để nó tiếp tục trượt khỏi người cậu. Cậu thấy như đầu chăn kia đang bị ai đó giằng lại. Cậu liền hét thật to. Cậu bật dậy. Các bạn cùng phòng lúc bấy giờ đều đã thức giấc. Họ thắp đèn lên. Cậu giải thích chuyện đã xảy ra với mình. Mọi người đi đến kết luận cuối cùng là cậu gặp ác mộng. Ai nấy trở về giường mình trước khi tắt đèn. Nằm vào giường rồi Jansen Morati vẫn tự hỏi thực ra cậu có mơ hay không. Chắc là mình nằm mơ thôi, cậu kết luận, để xua đi nỗi sợ hãi.
Đêm hôm sau, cậu cẩn thận trùm chăn kín đầu. Vẫn chuyện cũ tái diễn. Tim cậu khua rộn lên. Khi đã tỉnh táo hơn, cậu cố gắng nhìn thật kỹ vật đang kéo chăn cậu. Cậu chỉ vừa kịp nhận ra một cái bóng rất tối mơ hồ giống với hình dáng con người. Cậu gắng hết sức bình sinh kêu thét lên. Cậu nhảy khỏi giường, lao ra cửa. Trong lúc chạy, cậu lật đổ hàng loạt xô nhỏ để dưới chân giường. Tiếng loẻng xoẻng khiến cho tất cả học sinh trong phòng đều thức giấc. Họ hỏi cậu lại xảy ra chuyện gì. Cậu trả lời vẫn là cái bóng xuất hiện.
Một số bắt đầu xem chuyện này là nghiêm túc. Hai bạn cùng phòng to khỏe được cử ra, nằm sát hai bên Jansen. Từ đó cho đến sáng, cậu không thể ngủ lại.
Ngày hôm sau, cậu được gọi lên văn phòng hiệu trưởng. Thầy Gildas Gabin khẳng định những sự việc này là một cơn ác mộng để trấn an cậu. Tiếp đó, hai thầy trò đến nhà thờ cầu nguyện.
Đêm thứ ba, họ kê giường của hai người nằm bên sát vào giường của Jansen Morati. Các bạn nhắc cậu đừng có kêu. Theo họ đây là một linh hồn muốn cho cậu điều tốt chứ không phải điều xấu. Họ phỏng đoán linh hồn này muốn chuyện trò cùng cậu.
Jansen Morati quyết định chờ đợi. Lần này, cậu không ngủ nữa. Hãy chủ động nếu có thể, cậu nhủ thầm. Không may là cuối cùng cậu lại ngủ thiếp đi. Và những điều tương tự vẫn xảy ra trong đêm thứ ba liên tiếp.
Khi đầu óc hoàn toàn tỉnh táo, cậu cảm thấy một cái bóng tối sẫm phía bên mình. Cậu thu hết can đảm để không hét lên. Cậu liếc sang bên trái, rồi bên phải. Hai cậu bạn nhận trách nhiệm bảo vệ cậu đang ngủ say sưa.
– Nghe này, Jansen.
Jansen hét lên chói tai. Cả người cậu run bắn lên vì sợ. Cậu không thể ngồi dậy được.
– Khôngggggggggggggg.
– Có chứ, con sẽ ngoan ngoãn nghe lời ta.
– Khônggggggggg, không, không, không.
– Ta đến đây không phải để làm hại con đâu.Tuy nhiên ta biết rõ những đau khổ của con.
– Ngươi muốn gì? Ta xin ngươi. Hãy tránh xa ta.
– Ta đến để nhắc con đừng bao giờ quên lời thề nguyện của con. Đừng bao giờ quên lời thề ấy. Vậy nên ta sẽ luôn ở bên con để chăm sóc cho con, bảo vệ con, dẫn lối con đi và giúp đỡ con trong cuộc sống.
– Ngươi là ai?
– Điều đó không quan trọng. Ngày nào đó con sẽ đoán ra thôi, con sẽ biết ta là ai. Khi gặp khó khăn cùng cực hay trong cơn nguy khốn, hãy gọi ta. Ta sẽ tới cứu con.
– Tôi sẽ phải gọi ai đây? Mà tại sao lại là tôi? Tôi xin rồi mà. Để tôi được yên. Hãy đi đi.
– Tạm biệt.
Cái bóng mờ đục dần tan biến trước mắt cậu. Jansen ngồi trên giường. Những học sinh khác vẫn đang ngủ. Hai người bạn trấn giữ giường bên ngáy đều đặn. Lẽ nào không ai nghe thấy tiếng cậu kêu ban nãy? Cậu vớ lấy mép chăn lau mặt. Cậu thức luôn đến sáng. Những câu cậu nghe thấy vang lên dai dẳng trong tai cậu.
Sáng ra, ai cũng ân cần hỏi han cậu.
Jansen không biết phải trả lời các bạn ra sao. Theo họ thì lần này đêm trôi qua bình yên, không hề có bóng ma nào đó xuất hiện một cách ám muội cả. Jansen Morati đành phải mỉm cười.
– Ừ, đêm qua rất bình yên – cậu bảo với các bạn.
Tuy nhiên cậu vẫn đến kể lại chuyện xảy ra với thầy hiệu trưởng. Thầy rất bối rối. Thầy khuyên cậu cầu nguyện thật thường xuyên. Sau đó Jansen Morati cũng kể lại với các bạn. Bạn bè cậu chia ra làm hai phe. Một số không tin có chuyện đó. Số khác, như Cam Roland, cho chuyện đó là thực.
– Giọng người đó là giọng nam hay nữ?
– Mình cũng không rõ nữa. Lúc ấy mình sợ quá.
– Mình nghĩ cậu nên hỏi ý kiến cha cậu xem sao. Chắc ông ấy sẽ giải thích được chuyện này.
– Mình sẽ làm vậy.
– Nhưng lời thề nào vậy?
– Mình không hề biết.
– Cậu không hứa với ai điều gì chứ, một lời hứa mà nhất định phải thực hiện đến cùng ấy?
– Mình không nhớ đã hứa với ai và hứa điều gì.
– Bây giờ mong ước lớn nhất của cậu là gì? Cậu không tâm sự chuyện này với ai chứ?
– Cậu biết đấy, điều mình quan tâm nhất bây giờ là học thật tốt. Sau đó là tìm được một công việc kiếm ra nhiều tiền và về Việt Nam tìm mẹ mình.
– Cậu thường nhắc chuyện này với mọi người mà. Lời thề của cậu hẳn là xoay quanh ý định trở về Việt Nam tìm mẹ của cậu đấy.
– Có thể như thế Roland ạ.
– Ban nãy mình không dám nói với cậu. Nhưng mình tin chắc giọng nói cậu nghe thấy đêm trước có liên quan đến mẹ cậu.
– Mẹ mình đã đến nói chuyện với mình sao?
– Có thể lắm chứ.
– Cậu muốn nói là mẹ mình đã chết sao?
– Có lẽ là vậy.
– Mình không tin vào giả thuyết này.
– Ai muốn chăm lo cho cậu đến thế, nếu không phải là một người bà con cực kỳ gần gũi? Không phải là cha cậu vì ông ấy vẫn còn sống. Chỉ còn lại mẹ cậu thôi.
– Mình nói với cậu là mình không tin chuyện ấy có thể xảy ra cơ mà.
– Cậu chẳng hề có anh chị em ruột để khai thác theo hướng khác.
– Có chứ. Mình có một em gái.
– Nó đang ở đâu?
– Em mình mất rồi.
– Bao giờ?
– Cách đây rất lâu rồi, ít nhất cũng phải mười năm nay.
– Có phải cậu đã nghe thấy giọng trẻ con không?
– Roland, mình nhắc lại với cậu là mình không nhớ.
– Tin mình đi. Nếu đó không phải là mẹ cậu thì chính là em gái cậu đến gặp cậu ba đêm vừa rồi. Nhưng, cứ hỏi ý kiến cha cậu đã.
– Cậu có lý. Lát nữa gặp lại cậu. Mình đi cầu nguyện đây.
Khi được hỏi, Roger Morati cũng khẳng định không úp mở rằng giọng nói mà con trai ông nghe thấy là giọng của mẹ cậu vừa mới qua đời. Cũng có thể, Jansen công nhận. Vậy còn lời thề? Nếu mẹ cậu đã qua đời, tại sao bà còn muốn cậu nhất định phải đi tìm bà? Cậu tự hỏi. Cả câu chuyện này quá phức tạp đối với cậu. Cậu không muốn nghĩ tới nữa. Cậu viết cho cô Naomile để xin ý kiến cô. Cô Naomile trả lời cậu rằng đó chỉ là những cơn ác mộng.
Tốt nghiệp, đi làm
Học kỳ đầu Jansen trải qua ở trường trung học diễn ra tốt đẹp. Mỗi năm trôi qua lại củng cố thêm cho cậu quyết tâm sắt đá tìm lại mẹ ở Việt Nam.
Từ năm lớp mười một, một nỗi buồn vô hạn xâm chiếm tâm hồn Jansen. Cậu không nhận được tin tức gì của cô Naomile từ ngày cô nhận quyết định thuyên chuyển lần nữa. Cô không viết thư cho cậu nữa. Cậu không hiểu tại sao. Lo lắng nên lúc nào cậu cũng nghĩ đến cô, càng lúc càng nhiều hơn. Hình ảnh cô không ngừng hối thúc cậu tìm lại mẹ đẻ của mình.
Quan hệ giữa cậu và cha mẹ được cải thiện rõ rệt qua năm tháng, bất chấp những sự kiện đau lòng khác.
Gia đình Morati ngày càng đông đúc, số miệng ăn đã vượt quá con số mười lăm. Mỗi thành viên trong gia đình tự xoay sở trong khả năng của mình để đủ sống qua ngày. Jansen Morati phải vào rừng hái xoài mang bán. Đôi khi phải đi chặt củi đem ra chợ, cỏ cũng được tận dụng bán cho những lái buôn gia súc. Đôi khi cậu nhận những công việc thời vụ.
Với tiền kiếm được cậu tự lo tiền tàu xe trở về trường vào cuối mỗi kỳ nghỉ, phần còn lại để dằn túi.
Kết thúc năm cuối trung học phổ thông, vẫn ở Viện Thiên chúa giáo Taloa, cậu thi đỗ bằng tú tài. Sau khóa học dự bị quân sự, cậu trở lại trường đại học.
Là một trong số những sinh viên có học bổng, mỗi tháng cậu nhận được khoản tiền 25.000 phăng CFA. Cha cậu đề nghị cậu đóng góp mỗi tháng 12.500 phăng CFA để giúp đỡ gia đình đang ngày một đông đúc và lâm vào cảnh túng quẫn. Jansen thuận theo ý cha.
Để có thể nhanh chóng phụ giúp kinh tế gia đình, cậu theo học lớp nghiệp vụ nâng cao trình độ thợ kỹ thuật chuyên ngành điện lạnh. Học viên khóa này đều có học bổng hoặc đi Pháp hoặc đi Canada để học tiếp lên kỹ sư. Cậu là người duy nhất từ chối không nhận học bổng để tiếp tục học trong nước và lo cho gia đình.
Với sức học như thế, chàng trai trẻ được nhận về làm trong một công ty lớn của Bờ Biển Ngà.
Jansen được tuyển vào làm nhân viên kỹ thuật chuyên bảo trì và sửa chữa tủ điện. May mắn đã đến khi anh được thăng chức lên một vị trí phù hợp hơn. Anh leo dần lên những vị trí quan trọng.
Những nét đầu tiên của kế hoạch về Việt Nam tìm mẹ đã phác họa ra trong tâm trí Jansen.
Anh đến Paris hai lần. Sang đến đó, anh bắt đầu liên hệ với những tổ chức phi chính phủ (ONG) hoạt động nhân đạo tại Việt Nam để đề đạt nguyện vọng của mình. Anh cho đăng tin tìm người trong cộng đồng người Việt sống tại Pháp.
Những việc này đều không mang lại kết quả đáng kể nào cho phép định hướng cuộc tìm kiếm.
Tại sao lại tiến hành tìm kiếm tại Pháp? Anh đặt giả thiết bà có thể đang sống lưu vong tại Pháp.
Năm 1990, Jansen Morati chuyển sang làm cho một công ty khác. Anh đều đặn tham gia nhiều khóa học hỗ trợ năng lực suy luận và phân tích vào mỗi tối. Anh còn tiến thêm một bước dài trong sự nghiệp.
Để có những chặng tuyệt vời này trong sự nghiệp của mình, Jansen phải biết ơn tổng giám đốc. Ông đã cho anh rất nhiều lời khuyên, trong đó có thể rút ra sáu ý chính làm nên thành công của một người làm công ăn lương: cố gắng bền bỉ, say mê công việc, hướng tới kết quả, sống có đạo đức, có chí tiến thủ và một ý chí không bao giờ dồn một đồng nghiệp hay một đối tác đến đường cùng, bao giờ cũng phải chừa cho họ một lối thoát.
Jansen Morati theo đuổi công cuộc tìm kiếm tại Pháp nhân ba chuyến công tác nữa. Vẫn không có kết quả. Chỉ còn lại phương cách cuối cùng là đến Việt Nam.
Phải nhảy xuống nước thôi, anh tự nhủ.
Lúc này Jansen Morati đã có một gia đình nhỏ. Anh bàn bạc chuyện này với vợ và con trai cả Arnaud, đang sống tại Mỹ. Và anh đã đi đến quyết định.
Jansen Morati yêu cầu hủy hợp đồng tiết kiệm hưu trí mà anh đã lập ra để chi trả cho chuyến đi lần này. Tài khoản đã được mở để tùy nghi sử dụng.
Hành trình của người chiến binh đã có thể bắt đầu, với tiếng kêu thốt ra tự đáy lòng: “Mẹ ơi, hẹn gặp ở Việt Nam”.
Phần III
MẸ VÀ CON
Chuẩn bị cho chuyến đi
Những điều kiện vật chất, tài chính và tâm lý đã hội đủ, vấn đề phải xét đến là những thủ tục cho chuyến đi.
Jansen Morati đã dành ra một khoản tiền cố định. Ông muốn chuyến đi Việt Nam lần này không gặp bất cứ trở ngại tài chính nào.
Ngày 20 tháng Tư được lấy làm ngày xuất phát từ Abidjan, Bờ Biển Ngà. Tin chắc sẽ tìm được mẹ, ông quyết định mừng sinh nhật mình ngay trong thời gian lưu lại Việt Nam.
Ông dự định bay sang Hà Nội chứ không phải thành phố Hồ Chí Minh. Hà Nội, bởi lẽ thành phố này là trung tâm hành chính, chính trị của Việt Nam. Hà Nội, bởi lẽ cha mẹ ông đã gặp nhau lần đầu tiên tại đó. Hà Nội, bởi lẽ ông đã chào đời tại một phố nhỏ trong thủ đô Việt Nam. Hà Nội, bởi lẽ theo lời chỉ dẫn của cha, quê ngoại ông gần Hà Nội hơn thành phố Hồ Chí Minh.
Arnaud, con trai cả của Jansen đang định cư tại Mỹ đã tự tìm trên internet thông tin về Việt Nam, phân loại rồi gửi về cho ông.
Ông đọc tài liệu về đồng bản tệ của Việt Nam, Việt Nam đồng, và khả năng chuyển đổi của loại tiền này. Một phăng Pháp tương đương khoảng 2.000 đồng. Từ đó suy ra, một phăng CFA sử dụng tại Bờ Biển Ngà ngang bằng 20 đồng. Đô la Mỹ thì đổi được gần 15.000 đồng. Tài liệu do Arnaud thu thập trên mạng có đề cập đến khí hậu, nhất là khí hậu trong thời gian ông lưu lại Việt Nam. Cậu tìm hiểu thông tin về trang phục bản địa, ẩm thực, chênh lệch múi giờ, mức tiêu thụ điện, dịch vụ thuê ô tô, tiền boa, lễ hội và những ngày nghỉ lễ trong năm. Cậu còn đưa ra chỉ dẫn cụ thể về thể chế chính trị, tôn giáo, địa lý, đời sống xã hội và mức độ phát triển của mạng thông tin toàn cầu tại Việt Nam. Cậu chuyển cho cha một danh sách những khách sạn và mặt bằng giá cả ở Hà Nội cũng như trong thành phố Hồ Chí Minh. Arnaud dự định liên hệ với phòng Văn hóa của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội. Cậu cũng sẽ bắt đầu thu thập thông tin bên Đại sứ quán Việt Nam đặt tại Pháp và Mỹ.
Về phần mình, Jansen tìm hiểu các thủ tục hành chính cần thiết để xin hộ chiếu du lịch đến Việt Nam. Chưa có Đại sứ quán Việt Nam tại Bờ Biển Ngà, vậy là ông phải sang Pháp để hoàn thành các thủ tục này.
Ông nhận thấy trong mục yêu cầu về sức khỏe có ghi: không có loại vắc-xin nào là bắt buộc đối với du khách nhập cảnh vào Việt Nam. Ngược lại, khuyến cáo y tế cho du khách là hạn chế tối đa uống nước lã và tránh dùng đá viên. Jansen Morati rất ngạc nhiên về những lời khuyên kiểu đó. Ông gọi điện cho bác sĩ riêng, vị này khuyên ông nên dự phòng những loại thuốc chữa tiêu chảy, táo bón, sốt rét, chữa vết côn trùng cắn, đốt, mệt mỏi, đau đầu, bong gân, trật khớp, thêm cả thuốc diệt khuẩn. Sau khi thu thập ngần ấy dữ liệu, ông quyết định đến gặp cha mình ở Grabos, cách Bako hai mươi cây số, thuộc vùng trung tâm Bờ Biển Ngà.
Ông còn muốn thu thập nhiều nhất có thể thông tin chính xác về mẹ, tạo thuận lợi cho cuộc tìm kiếm tại Việt Nam. Để ông có thể dễ dàng trao đổi thông tin với những người có khả năng giúp ông tìm ra mẹ. Ông đã soạn sẵn hàng loạt câu hỏi dành cho cha. Để tránh nhầm lẫn hay bỏ sót thông tin, Jansen dự định sẽ ghi âm nội dung cuộc trò chuyện giữa hai cha con. Ông gọi điện cho cha thông báo mình sẽ tới Grabos ngày 25 tháng Ba năm 2000 và thông báo luôn ý định phỏng vấn cha về mẹ.
Roger Morati đoán ngay được ý định tìm lại mẹ đẻ của con trai. Nó muốn ở ông điều gì đây? Ông không hề ngăn cản, ngược lại còn khuyến khích nó ấy chứ.
Đây là kênh youtube chính thức của nhà văn Võ Thị Xuân Hà, xin mời đăng ký kênh tại đây: Cầm Kỳ Official
https://www.youtube.com/c/CầmKỳOfficial2022
để ủng hộ trang và nhận được thông báo mỗi khi có video mới.
Trên một số nền tảng số khác như:
Facebook: https://www.facebook.com/CamKyOfficial
Website: https://tonvinhvanhoadoc.net
#Võ Thị Xuân Hà
#Cầm Kỳ
#Nàng Thê
Email: [email protected]
Zalo & hotline: 0393 996 018