PHẦN 3
Jansen Morati thấy đau ở cánh tay và cẳng chân. Tất nhiên là do cậu ngủ chập chờn. Cha giục cậu mau chóng theo ông đến ghi danh vào trường học của khu quân sự nơi ông đang phục vụ. Jansen Morati đợi bữa sáng. Cậu không dám nhắc đến nó.
– Con sẵn sàng đến trường chưa?
– Rồi thưa cha.
– Đi thôi!
Jansen Morati tự hiểu cậu phải từ bỏ bữa sáng. Cậu nghĩ đến những bạn học ở Belleville. Họ hẳn đang trong nhà ăn bánh mì, sôcôla, bơ, mứt, và uống sữa. Cậu tự hỏi liệu mình có thể nhịn đến giờ ăn trưa được không. Liệu cậu có theo được các tiết học trong lúc đói lả đi thế này không? Hoàn thành các thủ tục đăng kí là ngày mai cậu có thể đến học. Roger dẫn Jansen trở về nhà cho cậu nhỏ thuộc đường từ nhà đến trường. Người cha dừng lại hai lần để khi con trai bắt kịp mình, ông phát mạnh vào gáy thằng bé nhắc nó rảo bước lên. Mỗi lần như vậy, cậu nhỏ lại mất thăng bằng. Để tránh hình phạt thứ ba, cậu đi như chạy để theo kịp cha. Về tới nhà thì cậu đã thở không ra hơi. Cậu ngồi nghỉ mệt dưới gốc xoài ở góc sân. Roger Morati trở lại nơi làm việc.
Thời gian còn lại của buổi sáng Jansen Morati ngồi chơi với hai đứa em. Cuối cùng thì giờ ăn trưa cũng đến. Cậu đói ngấu rồi. Nhưng trước sự ngạc nhiên của cậu, bánh mì với một bát nhỏ nước đường đem ra chỉ dành cho hai đứa trẻ kia.
– Còn con ạ? – Cậu quay ra phía mẹ kế.
Người này hoàn toàn không hiểu cậu đang nói gì. Cậu nhìn hai đứa em cùng cha khác mẹ ăn mà bụng càng đói thêm. Cậu ra ngồi dưới gốc cây xoài, cơn đói giày vò dữ dội. Cậu uống một gáo đầy nước múc từ thùng chứa. Ngồi dưới bóng mát của cây xoài, cậu bước vào cuộc hành trình dài xuyên không gian và thời gian. Cậu nghĩ đến các bạn cùng trường Belleville mà cậu vừa vội vã từ biệt để gặp lại gia đình.
Cậu thấy mình đang dạo chơi trong không gian xanh đầy hoa tươi của ngôi trường. Hoa nở mới đẹp làm sao! Cậu muốn hái. Chú ý, không được phép hái hoa, cậu nhớ lại. Cậu hít hương hoa đầy căng lồng ngực rồi đi tiếp về phía cái xích đu. Cậu tự mình chơi xích đu rất thành thạo, không hề sợ ngã. Cậu mường tượng ra mình đang trong sân chơi cùng bạn bè. Họ cùng nhau chơi vòng kim, nhảy lò cò, chơi bắn bi. Đó là cả niềm vui được sống, được chơi đùa thỏa thích, hoàn toàn vô tư lự. Cậu nghe thấy tiếng còi báo hiệu giờ chơi kết thúc. Cậu bước vào lớp. Cậu gặp thầy giáo, người mà cậu yêu mến đến mức tôn sùng. Còi lại réo vang lần nữa. Tất cả học sinh tập trung trong nhà ăn. Thực đơn bữa trưa rất phong phú và thịnh soạn. Cậu ăn ngon lành, ăn thỏa thích. Rồi đến giờ ngủ trưa. Mỗi người một giường riêng cùng nệm, gối và chăn. Giấc ngủ đến tức thì. Gương mặt của các bạn cậu từ từ hiện ra trước mắt cậu, tươi cười và vẫy tay gọi cậu. Cậu muốn gặp lại họ biết bao. Tại sao cha cậu lại đến đường đột buộc cậu phải rời xa họ? Cậu lấy tay áo quệt dòng nước mắt đang chảy trên má. Cậu nhận ra niềm hạnh phúc lớn lao vừa đánh mất mà cậu có lẽ chẳng bao giờ có thể tìm lại. Để dứt cơn đói, cậu đi uống thêm thật nhiều nước. Cậu đến tựa lưng vào thân cây. Phóng tầm mắt ra xa, cậu lại lần nữa hồi tưởng về ngôi trường cũ của mình.
Hôm đó là lễ giáng sinh. Học sinh trường tập hợp đông đủ trên sân bóng vào lúc tám giờ tối. Ở đó, chúng đồng thanh hát vang ca khúc quen thuộc “Ông già tuyết bé nhỏ”. Một ngọn đèn chiếu công suất lớn rọi sáng nóc tòa nhà chính của trường. Trên đó, ông già Noel đang giơ tay chào chúng. Một cảm giác phấn khích tột độ cùng lúc xâm chiếm tất cả bọn trẻ. Đứa nào cũng muốn hét to hơn đứa đứng kế bên để ông già Noel nghe thấy giọng mình. Rồi đến phần phát quà bánh và đồ chơi. Đêm đó bầu không khí thật tuyệt biết bao! Những kỷ niệm về môi trường sống nơi hạnh phúc được san sẻ này làm Jansen Morati buồn thấu ruột gan. Giờ đây, cậu thấy mình không khác gì chim nhốt trong lồng. Cậu muốn gặp lại bạn bè ở Belleville. Cậu thật bất hạnh. Tại sao mẹ kế không cho cậu ăn trưa như hai đứa con riêng của bà? Phải chăng vì cậu không phải do bà dứt ruột đẻ ra? Chuyện cậu không có gì bỏ bụng suốt từ sáng đến giờ là lỗi của mẹ đẻ cậu. Tại sao bà ở lại Việt Nam thay vì đến đây với cậu?
– Đúng, là lỗi của mẹ đấy – cậu dằn dỗi từng tiếng trong đầu – Nếu chuyện này còn tái diễn thì con sẽ đi tìm mẹ ở Việt Nam. Con đói lắm, còn mẹ thì chẳng quan tâm đến con.
Chiều tối, Roger Morati về đến nhà. Đứa con trai cũng không hé môi về chuyện bị bỏ đói. Cậu ngồi một mình dưới gốc xoài, ruột gan cồn cào vì đói. Bà mẹ kế đang hối hả bên lò nơi bữa tối của gia đình đang được ninh nhỏ lửa trong một cái nồi.
Ông bố gọi hai đứa con trai vào ăn cơm. Jansen Morati vội vào nhà. Cậu đang chảy hết nước miếng rồi.
– Con biết món này chưa?
– Dạ chưa.
– Đây là khoai mì. Con bốc bột như thế này rồi chấm với dầu. Nuốt cẩn thận không là nghẹn đấy.
Jansen Morati bốc một nắm thứ bột củ ăn được đó. Cậu chấm qua dầu đỏ. Cậu không thích vị của nó chút nào. Nhưng biết phải làm sao? Bụng cậu rỗng tuếch. Kết thúc bữa ăn cũng là lúc cậu thấy khá no rồi. Bữa tối nay không hề có thịt hay cá.
Jansen đi ngủ. Ngày mai là ngày đầu tiên của cậu ở trường. Đêm thứ hai của cậu trong căn nhà này vẫn không hề suôn sẻ, nhất là vì muỗi. Thức dậy, cậu vẫn thấy mệt mỏi vì ngủ không đẫy giấc. Vẫn như hôm qua, không hề có bữa sáng. Cậu rất khổ sở vì đã quen ăn đủ ngày ba bữa. Chưa kể một bữa nhẹ lúc bốn giờ chiều. Cậu tự hỏi liệu mình chịu được chế độ ăn uống kham khổ này trong bao lâu? Cậu tới trường với dạ dày trống rỗng.
Cha đưa cậu đến tận lớp học. Quãng đường dài gần ba cây số.
– Chào thầy giáo! Thầy hiệu trưởng dặn tôi đưa giấy này để gửi con vào lớp của thầy.
– Tốt lắm. Cậu bé có thể ngồi vào chỗ cùng cả lớp. Cậu bé không bị muộn chương trình đâu. Niên học vừa bắt đầu thôi.
– Con nhớ đường về nhà chứ?
– Vâng, thưa cha.
Thầy giáo và các bạn cùng lớp đón tiếp Jansen Morati rất nồng hậu. Đến giờ ra chơi, một đám đông bu lại quanh cậu. Cậu trả lời tất cả các câu hỏi đặt ra với tâm trạng cực kỳ phấn chấn. Cậu thấy các bạn mới rất dễ mến. Buổi trưa cậu đi thẳng một mạch về nhà. Mẹ kế mang ra cho cậu một bắp ngô. Đấy là bữa trưa của cậu. Tuy mới lần đầu nếm loại hạt ngũ cốc này, cậu thấy khá ngon nhưng không dám xin bắp thứ hai. Buổi chiều cậu về nhà, lần này cũng không hề lạc đường. Cậu vui sướng vì bầu không khí bạn bè thân thiện ở trường. Bữa tối có món bột củ mài chấm với nước sốt lá khoai lang. Phải viên nhỏ lại rồi bỏ vào miệng nuốt không cần nhai. Jansen Morati không quen miệng với thứ đồ ăn này. Cậu thậm chí còn buồn nôn. Rốt cuộc cậu cũng đành phải ăn.
Nhưng bất chấp những cam chịu, nhẫn nhịn để hòa nhập vào môi trường mới, cuộc sống của cậu bắt đầu trở thành một cơn ác mộng thật sự.
Lao dịch lúc bình minh và việc đồng áng
Một tuần sau ngày cậu gặp lại gia đình, bà mẹ kế của Jansen giải thích rõ những việc bà giao cho cậu làm mỗi buổi sáng. Cha cậu dịch lại để cậu hiểu ý của mẹ kế. Hàng ngày cậu sẽ phải dậy sớm, từ năm giờ sáng để quét sân và múc nước trong giếng nằm không xa phần tô giới của gia đình đổ đầy một thùng chứa lớn. Cậu sẽ chụm lửa đun nước cho mọi người tắm rửa. Cậu không hiểu tại sao mình lại phải làm những phần việc này. Tại sao cha cậu lại chấp nhận để cậu tuân theo những mệnh lệnh này tại nhà của vợ ông? Cậu vâng lời. Ngay ngày hôm sau, mẹ kế đến lôi cậu dậy. Jansen Morati chưa kịp mở mắt. Cậu càu nhàu ngái ngủ rồi lại nằm xuống. Cậu liền bị kéo tuột khỏi chiếu và bắt đứng dậy, cậu còn chưa tỉnh hẳn nên loạng choạng suýt ngã. Bà ta nói với cậu bằng một giọng giận dữ. Cậu đoán là bà nhắc cậu nhớ những việc cần làm. Cậu vừa bước ra khỏi nhà vừa ngáp. Không khí ngoài trời mát lạnh. Mẹ kế đưa cậu cây chổi tết bằng những cành cọ ngắn. Bà đi vào trong buồng. Cậu bắt đầu quét sân.
Bụi tung lên làm cậu chảy mũi liên hồi. Cậu nghẹt thở và thấy nhói buốt trong mắt. Cậu hiểu rằng mình phải đưa chổi nhẹ nhàng và từ tốn hơn, để tránh hất tung bụi lên. Với cậu việc này quá nặng nhọc. Cậu thấy đau ở lưng. Cậu ngồi dưới gốc xoài để nghỉ một lát. Không cưỡng lại được cơn buồn ngủ, cậu gà gật gục đầu xuống. Một cái tát mạnh ra trò hất cậu lăn quay ra đất. Cậu thốt ra một tiếng kêu khan đau đớn. Cậu đứng bật dậy, chạy xa khỏi người cha đang la hét mắng mỏ vì nghĩ cậu đang làm biếng. Bà mẹ kế cũng hùa theo ông. Jansen Morati xoa nhẹ má trái cho dịu cơn đau. Cậu cố gắng giải thích với cha là mình đã vô ý ngủ quên. Ông ra lệnh cho cậu tiếp tục công việc. Cậu bé hăng hái đến không ngờ. Nỗi sợ bị đòn thêm lần nữa khiến cậu tỉnh ngủ. Mặc kệ bụi! Kệ cho mắt mũi cậu đỏ ngầu! Kệ xác cái lưng đau! Cậu lấy vạt áo chùi khuôn mặt nhem nhuốc của mình. Cậu đã hoàn thành phần việc nặng nhọc được giao. Cậu hót sạch rác rồi đổ ngay gần sân nhà. Toàn thân cậu nhức mỏi ê ẩm, cổ họng khô rát.
Cậu lấy gáo múc nước trong thùng chứa để rửa mặt rồi uống luôn một ngụm đầy. Cậu sẽ đi tắm rồi đến trường.
Những sáng tiếp theo Jansen Morati đều bị mẹ kế đánh thức từ rất sớm. Để không bị đòn lần nữa, cậu chuyên chú vào việc quét sân, xách nước đổ đầy thùng và đun nước tắm. Buổi chiều cậu đi học, nhịn luôn bữa trưa. Bạn cùng lớp thường mang bánh ngô nướng đến trường cho cậu ăn. Cậu rất bối rối khi nhận những đồ ăn các bạn dành cho nhưng cậu không còn lựa chọn nào khác.
Mặc dù hoàn cảnh sống đã tạm bợ như vậy nhưng vị trí của cậu trong xã hội còn tệ hại hơn. Bố cậu giải ngũ với mục đánh giá vô liêm sỉ “miễn tuyển quân”, đối với một người lính đã trải qua gần mười năm trên chiến trường Việt Nam và Algérie thế chân cho nước Pháp. Roger Morati quyết định chuyên tâm vào việc đồng áng.
Jansen Morati, ngoài phần việc hàng sáng ra từ nay sẽ phải tắm rửa cho hai đứa em. Sau đó cậu phải ra chợ mua đồ ăn để nấu bữa tối. Chợ cách nhà khoảng hai cây số. Đi chợ về cậu lại đến trường. Đến thứ bảy thì cậu cùng cả nhà ra đồng từ sáng.
Cha đưa cậu một cây cào để giẫy cỏ. Cậu bé xuống sức rất nhanh. Roger Morati lại cho là cậu lười nhác. Ông đến tận nơi vạch ra một vuông đất.
– Chưa giẫy sạch đám cỏ này thì đùng có về nhà – ông cảnh báo.
Jansen Morati bị đau bắp chân, đùi và lưng. Cậu phải nhỏm người thường xuyên. Cậu đưa mắt nhìn phần cỏ còn lại mà muốn khóc. Mặt trời bắt đầu lặn. Mồ hôi cậu túa ra đầm đìa. Cỏ đâm vào tay làm cậu ngứa điên lên. Họng bỏng rát nhưng cậu không biết tìm bình nước ở đâu. Cậu sợ phải hỏi cha mẹ. Hai lòng bàn tay cậu bắt đầu nóng ran, phồng rộp thành từng đám. Cậu không thể chịu đựng thêm, không thể điều khiển hai tay nữa. Cậu bật ra tiếng rên khan. Đám da phồng rộp trong lòng bàn tay rách tướp, huyết thanh rỉ ra. Cậu kinh hãi chạm vào lớp da đã bong rồi kéo nhẹ và ngay lập tức thấy đau đớn. Cha cậu đang quan sát từ xa tiến lại gần. Ông nhìn lòng bàn tay cậu và trấn an.
– Không hề gì – ông nói.
Roger Morati vê một nhúm đất mịn xoa khắp hai bàn tay của con trai rồi bảo nó tiếp tục làm việc. Tốc độ giẫy cỏ của Jansen Morati giảm hẳn. Cậu không còn hơi sức để tiếp tục. Cậu thở hộc ra đằng miệng. Cậu ngồi xệp xuống, hai tay ôm lấy đầu, toàn thân ngứa ngáy. Cậu nghe thấy tiếng cha bảo cậu công việc hôm nay kết thúc tại đây. Cuối cùng thì cậu cũng được nghỉ tay thật sự. Thế nhưng nghĩ đến ngày mai lại phải ra đồng là tinh thần cậu suy sụp. Cậu nghĩ đến bài phải học và bài tập ở nhà phải hoàn thành. Cậu hình dung ra những nhọc nhằn cậu sẽ phải chịu đựng khi cày bừa trên mảnh đất cằn cỗi này. Cậu không hiểu tại sao mình lại có mặt trong gia đình này. Cậu ăn không đủ no, phải gánh phần việc nặng nhọc mỗi sáng trước khi đến trường, ngủ không đủ giấc và không có chăn lẫn đệm. Cậu chưa từng nghĩ cha mẹ lại có thể đối xử với mình như vậy. Cậu nghĩ chắc mẹ đẻ sẽ không bao giờ bắt cậu phải làm những phần việc quá sức này. Bà hẳn sẽ cho cậu ăn no, ba bốn bữa mỗi ngày. Tại sao bà cứ ở mãi Việt Nam? Nghĩ đến đây cậu bắt đầu khóc tấm tức.
– Mẹ ơi, con trai mẹ đang chịu khổ đây. Mẹ đang ở đâu? Đến giúp con với. Đến cứu con với.
Nhìn xuống đôi tay mình đang bầm giập, Jansen Morati bật khóc nức nở. Ngước lên cậu nhận thấy bà mẹ kế đang tiến lại gần, cậu bèn quệt nhanh nước mắt. Đã đến lúc quay về nhà. Cậu cõng đứa em gái trên lưng. Thi thoảng một chiếc xe đi ngang lại hất tung một lớp bụi dày vây bọc lấy cả đám. Gia đình Morati lội qua một con suối nhỏ rồi dừng lại rửa ráy qua loa. Từ đó về nhà không còn xa mấy nữa. Bữa tối vẫn là bột củ mài với mướp tây nấu thành sốt sệt. Món ăn này rất khó ăn đối với Jansen Morati nhưng phải đành lòng mà nuốt nếu không muốn chết đói. Lúc bấy giờ, gan bàn chân Jansen nổi đầy những vết phù nề. Ngày mai, cả một lượng lớn công việc nặng nhọc đang đợi cậu: quét sân, xách nước, tắm rửa cho bọn trẻ con, đi chợ và đi làm đồng. Lịch làm việc quá sức này buộc cậu phải đi ngủ từ rất sớm, trước tất cả mọi người.
Ngày mai, quãng đường từ nhà ra đồng sẽ là một khổ nạn thật sự.
Jansen Morati vừa trải qua gần bốn cây số để đi chợ cho mẹ kế. Những nốt phồng rộp ở chân khiến cậu đau đớn. Cậu muốn tháo giày để chân trần mà đi bộ. Nhưng đường lổn nhổn sỏi còn làm cậu đau hơn. Cậu xỏ lại giày. Cha mẹ đang vượt trước cậu khoảng một trăm mét. Cậu chạy khập khiễng để bắt kịp họ, tay cầm bình nước nhỏ của mình. Vừa ra đến ruộng, cha nhắc cậu nhớ phải làm hết khoảnh đất mà ngày hôm trước cậu đã bỏ dở.
– Làm sao mà làm xong được đây? – Cậu thầm than.
Cậu bình tâm lại, tháo dây vải đang buộc bên tay phải ra. Bắt chước cha hôm qua, cậu cũng nhặt một nắm đất mịn rảy vào lòng bàn tay trái. Cậu bắt đầu công việc. Vì đã thấm mệt, cái cào trong tay cậu đụng trúng một hòn đá rồi đập mạnh vào ống đồng của cậu. Cậu thốt kêu lên đau đớn. Cha cậu chạy lại thấy chân cậu đang rỉ máu. Cũng giống cách chữa những vết phù trong lòng bàn tay cậu ngày hôm qua, ông lấy đất mịn xoa vào vết thương của con trai để cầm máu. Rồi ông lại bảo nó tiếp tục làm việc. Cậu bé thì muốn kết thúc luôn công việc khó chịu này. Giờ đây cậu đã căng thẳng quá mức. Cậu lấy mai đào đất không ngừng, mồ hôi túa ra đầm đìa. Thỉnh thoảng cậu lại nhỏm dậy một vài giây cho đỡ mỏi, lúc nào khát quá thì uống đỡ miếng nước. Lần này cậu đã cẩn thận mang theo nước uống. Uống rồi cậu vẩy đều ít nước lên đầu cho mát. Nước chảy ròng ròng trên người làm cậu sảng khoái và hoạt bát hơn. Cậu tự hào là cuối cùng cũng làm cỏ xong khoảnh đất được giao. Cha và mẹ ghẻ khen ngợi cậu. Nhưng cái giá phải trả là gì kia chứ? Hai lòng bàn tay cậu bầm giập. Lưng cậu đau, đau thậm tệ. Sau khi ăn qua loa ngay trên ruộng, họ trở về nhà.
Cậu cố gắng học bài và làm bài tập, nhưng vì đã thấm mệt nên cậu không tài nào tập trung được. Cậu ra ngồi ở chỗ ưa thích trong sân, dưới gốc xoài. Cậu ngồi đó và tự đặt ra cho mình biết bao câu hỏi. Cuối tuần nào cậu cũng sẽ phải ra đồng để lao động kiểu này ư? Hôm nay cậu có cảm giác bị bóc lột như mọt loài súc vật thồ.
Cậu hết sức phẫn nộ khi thấy mẹ cậu thậm chí không cả đến để xem cậu sống trong hoàn cảnh thế nào. Nếu cha cậu đã có thể bắt liên lạc với cậu ở Belleville thì mẹ cũng có thể liên lạc với cậu ở Bako này chứ. Làm thế nào mà mẹ cậu lại nỡ ruồng bỏ cậu đến nước này? Sự thực là cậu cũng không hề nhớ bất cứ một dáng vẻ, đường nét nào của bà. Cậu không còn bất kỳ ký ức nào về mẹ mình.
Cha hẳn phải giữ ảnh cũng như địa chỉ liên lạc của mẹ, cậu tự nhủ. Cậu sẽ đi hỏi cha. Màn đêm buông xuống, cậu tới ngồi cạnh cha, tim đập dồn.
– Xin cha thứ lỗi. Con muốn thưa với cha chuyện này.
– Ta đang nghe đây.
– Con có thể biết tin tức về mẹ con được không ạ?
– Để lần khác, con trai ạ. Giải thích cho con hiểu thì chuyện dài lắm. Đợi con lớn thêm chút nữa, ta sẽ kể con nghe về mẹ. Ta sẽ nói con biết hết những gì con muốn biết về mẹ con.
– Chí ít con cũng được xem ảnh của mẹ chứ ạ?
– Bà ấy giữ tập ảnh của chúng ta. Thật không may là ta không giữ lại tấm ảnh nào của bà ấy cả. Ta rất tiếc.
– Thỉnh thoảng mẹ có gọi điện liên lạc với cha không?
– Không bao giờ. Nhà chúng ta làm gì có điện thoại, con biết mà.
– Con ngỡ hồi cha còn đi làm, mẹ gọi đến sở cho cha. Cho con biết địa chỉ của mẹ được không cha? Con muốn viết thư cho mẹ.
– Con không gặp may rồi. Ta không có địa chỉ của bà ấy. Nhưng bà ấy lại có địa chỉ của ta.
– Vậy mẹ đã viết cho cha chứ?
– Không. Từ khi rời Việt Nam, ta không nhận được thư từ gì của bà ấy cả.
– Thế là mẹ không tốt rồi. Mẹ biết con đang ở với cha mà.
– Chắc là mẹ con không có thời gian. Đất nước ấy vẫn đang chiến tranh.
– Mẹ con ở một đất nước khác sao? Con cứ nghĩ Việt Nam cũng thuộc Bờ Biển Ngà.
Jansen Morati sững sờ khi nghe thông tin này. Vậy ra mẹ cậu đang sống ở một đất nước khác!
– Sao lại có chiến tranh ạ?
– Việt Nam đang có chiến tranh chống Mỹ.
– Nhưng tại sao vậy?
– Ta không rõ.
– Lần cuối cha gặp mẹ cách đây lâu chưa ạ?
– Cách đây phải hơn năm năm rồi, ta tin là vậy.
Jansen Morati nhất định muốn tỏ tường hơn về Việt Nam.
– Việt Nam ở đâu ạ?
– Cách đây rất xa.
– Phải mất bao nhiêu ngày mới đến được đó?
– Tại sao con lại hỏi ta tất cả những điều đó?
– Con muốn gặp mẹ.
– Kiên nhẫn đi, một ngày kia con sẽ gặp mẹ con. Bà ấy cũng sẽ tìm gặp con. Chỉ có điều ta nói con hay rằng bà ấy sẽ thật đáng thương nếu chỉ gặp mỗi mình con.
– Tại sao thưa cha?
– Cha mẹ sinh được hai đứa con: em gái con và con.
– Em gái con ở lại với mẹ phải không cha?
– Không. Cả hai đứa đều đi cùng ta. Chẳng may em con đã chết trên tàu chở ba cha con về Bờ Biển Ngà. Mẹ con sẽ buồn lắm nếu biết tin dữ này. Giờ thì con đi học bài đi.
Roger thương hại nhìn đứa con trai đang đi ra. Ông tin chắc nó sẽ không bao giờ gặp lại mẹ nó nữa. Điều ấy làm ông đau khổ. Ông phải chuẩn bị tinh thần cho nó về chuyện này. Dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn dầu, con trai ông mở một quyển sách ra. Nó giả bộ như đang học bài.
Jansen nghĩ đến cuộc nói chuyện với cha hồi nãy. Cậu suy nghĩ miên man về đứa em gái ruột. Kỷ niệm về Làn tái hiện trong tâm trí cậu. Cậu rất đau khổ vì em gái mình yểu mệnh. Cậu đinh ninh cha cậu hẳn phải giữ ảnh và địa chỉ của mẹ. Cậu tính sẽ lục tìm bằng được trong đồ đạc của ông ngay khi có cơ hội.
Cha cậu gọi cậu ra ăn tối. Vẫn là món nhạt nhẽo, vô vị ấy.
Sáng hôm sau, khi đến trường, thầy giáo nhận thấy cậu không thuộc bài.
– Tại sao con không học bài môn địa lý và môn số học?
– Suốt hai ngày thứ bảy và chủ nhật con đi làm đồng.
Cậu chìa cho thầy xem hai lòng bàn tay của mình.
– Nhưng con bị thương rồi kìa. Vết thương đã bắt đầu nhiễm trùng. Sao con không bôi thuốc?
– Nhà con không có thuốc.
Thầy giáo cử một học sinh đi mua thuốc nước về bôi cho cậu. Mỗi sáng đến trường và mỗi chiều trước khi về nhà, thầy giáo lại thay băng cho cậu.
Jansen bận tâm đến việc chữa lành vết thương thì ít mà nghĩ đến làm thế nào để không phải suốt ngày bị đói thì nhiều. Cậu liền đi đến một quyết định. Cậu sẽ lấy một bộ quần áo để trong vali cậu giấu dưới đống gạch trong sân nhà. Trên đường từ trường về, cậu sẽ rẽ qua chợ đem bán với giá rẻ. Có tiền rồi cậu sẽ mua gì đó để ăn.
Cậu bắt đầu thực hiện kế hoạch.
Trong gần một tháng trời, cậu nhanh chóng bán vợi số quần áo trong vali. Càng ăn đủ no, tất nhiên là lén không cho ai biết, cậu càng quen với việc đồng áng. Từ đó trở đi, trưa nào cậu cũng ra đồng làm lụng trước khi quay về trường học ca chiều.
Một buổi trưa, như thường lệ cậu ra đồng. Mẹ kế đưa cậu một mẩu củ mài để ăn trưa. Cha cậu bảo ông đã quyết định lợp lại mái tranh. Ông cắt rơm, phơi khô rồi bó lại trước khi đem lợp. Cậu là con trai lớn trong nhà nên sẽ phải vác các đụn rơm về nhà. Vậy là một đụn rơm được chất lên trên đầu cậu. Nó quá nặng khiến cậu đi chệch choạc vài bước rồi ngã lăn ra đất. Mẹ kế đặt trên đầu cậu một chiếc cũi kê. Cha cậu dọa đánh nếu cậu còn cố tình làm đổ rơm. Phải hết sức cố gắng Jansen Morati mới giữ được thăng bằng. Cậu lê từng bước khó nhọc dưới mắt quan sát của cha mẹ. Lúc ra đến đường cái, cậu đã cảm thấy cổ mỏi nhừ. Cánh tay đang với lên để giữ đụn rơm thăng bằng càng lúc càng mỏi. Cậu vừa đi vừa khóc. Không thể chịu đựng thêm nữa, cậu thả cho nó rơi xuống đất. Nghỉ mệt xong, cậu đặt đụn rơm nằm dọc trên mặt đất. Hai chân quỳ gập, cậu kê đầu vào đoạn giữa đụn rơm rồi cố hết sức cùng lúc đứng lên và giữ nó trên đầu. Vô ích. Đụn rơm quá nặng so với sức cậu. Cậu thử lại lần nữa. Lần này thì chính cậu là người ngã vật ra. Cậu bỏ cuộc, chờ một người qua đường giúp sức. May mà cậu không phải đợi lâu. Trước khi về đến nhà, cậu phải xốc lại đụn rơm thêm ba lần nữa. Kiệt sức vì vác nặng, cậu ngồi tựa lưng dưới gốc xoài. Đã muộn giờ, cậu không thể tới trường chiều nay. Cậu nghĩ về mẹ.
– Mẹ xem này, tại sao cha lại ngược đãi con đến thế? Mẹ có phút nào hình dung ra con phải chịu đựng thế nào không? Lẽ ra mẹ không bao giờ nên chấp nhận để con đi cùng cha. Bằng chứng ư? Em con đã mất trên đường đi đấy thôi. Mẹ cũng sẽ sớm biết là con đã chết vì kiệt sức. Thế nào mẹ cũng đến đón con. Nếu mẹ không tìm đến con thì con sẽ tìm về với mẹ. Ngày mai con sẽ hỏi thầy giáo đường đi. Như thế mẹ sẽ ngạc nhiên khi gặp con.
Cha mẹ cậu từ ngoài đồng đã về tới. Cha cậu ngạc nhiên thấy cậu ở nhà.
– Mày không đến trường sao?
– Không, thưa cha.
– Sao thế?
– Con mệt quá. Cổ con mỏi nhừ.
– Ngày mai tao sẽ bó rơm nhỏ lại.
– Lại ngày mai nữa sao?
Cha cậu làm như không nghe thấy lời than của con trai. Hôm sau, thầy giáo hỏi cậu lý do vắng mặt bữa trước. Jansen Morati giải trình với thầy.
– Tại sao cha con lại bắt con làm đồng thay vì để con đến trường?
– Cha con tính lợp lại mái tranh. Con phải vác đụn rơm từ ngoài đồng về nhà. Chiều nay cũng vậy, con không đến lớp được.
– Không thể thế được. Báo cha con tới trường gặp thầy.
– Con không thể, thưa thầy.
– Thầy sẽ báo lại với thầy hiệu trưởng. Lại đây để thầy thay băng cho con.
Buổi trưa, Jansen Morati đi thẳng ra đồng. Cha cậu quả thật đã bó rơm nhỏ hơn, nhưng vẫn rất nặng đối với cậu con trai thân hình mảnh khảnh. Cũng giống như hôm trước, cậu không thể đến trường học ca chiều. Cứ như vậy suốt một tuần lễ. Trong thời gian này, Jansen càng lúc càng đau đáu nghĩ về mẹ. Cậu đã tàn tạ, kiệt quệ sức lực và đi đến quyết định: Cậu định trốn khỏi nhà đi lánh nạn tại nhà mẹ cậu ở Việt Nam. Chính vì vậy cậu phải dò hỏi thầy giáo đường đến Việt Nam.
– Thưa thầy, nhà ga có chuyến chở khách đến Việt Nam nằm ở đâu ạ?
– Nhà ga chở khách đến Việt Nam ư?
– Vâng, thưa thầy. Con muốn đến Việt Nam.
– Con biết ai ở Việt Nam nào?
– Mẹ con đang sống ở Việt Nam.
Thầy giáo đã đoán ra và hiểu ngay nỗi tuyệt vọng và bấn loạn tinh thần của cậu học trò.
– Không có tàu hỏa đến Việt Nam đâu con.
– Tại sao vậy thưa thầy?
– Việt Nam là một đất nước rất xa Bờ Biển Ngà.
– Đi bao nhiêu ngày mới tới đó ạ?
– Thầy không rõ. Nhưng thầy sẽ hỏi giùm con. Con thật sự muốn đến Việt Nam để gặp lại mẹ con sao?
– Vâng, thưa thầy.
– Con phải biết là chi phí để đến Việt Nam rất lớn.
– Không sao ạ. Mẹ con sẽ trả tiền vé khi con đến nơi.
Thầy giáo quyết định đến gặp cha cậu bé trong thời gian sớm nhất. Một buổi chiều, thầy bước vào sân nhà họ. Cậu bé nhìn thấy thầy giáo thì hết sức ngạc nhiên và cùng lúc cậu thấy sợ. Thầy giáo sẽ không phản bội cậu, không tố cáo cậu chứ?