21h15’ tối thứ Tư ngày 15.6.2022, Cầm Kỳ Official bắt đầu phát truyện NGƯỜI CON LAI PHI CHÂU, nhân vật người con lai cũng là người viết ra cuốn truyện.

Và 21h15’tối hôm nay, thứ Năm ngày 14.10.2022, Người con lai Phi Châu-Nửa thế kỷ tìm mẹ Việt của người con Bờ Biển Ngà, được phát phần 18 – phần cuối truyện.

Sau 4 tháng phát câu chuyện này, Cầm Kỳ Official đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo quý khán giả, độc giả.

Chúng ta đã hiểu được những điều “Xung quanh cuộc đời một nữ chiến sĩ quân báo”; Và hành trình nửa thế kỷ tìm mẹ của người con BỜ BiỂN NGÀ,

Chúng ta đã chứng kiến cuộc gặp lịch sử của hai mẹ con, sự đoàn tụ vô cùng xúc động.

Tuy nhiên, câu chuyện này lại có một cái kết mà tất cả chúng ta đều không mong muốn…

Lời tri ân của tác giả

Tôi cảm ơn tất cả những người dù ít dù nhiều đã cổ vũ và giúp đỡ tôi thực hiện giấc mơ thuở ấu thơ: gặp lại mẹ tại Việt Nam. Hiển nhiên để tìm thấy mẹ là cả một cuộc hành trình hơn nửa cuộc đời. Giờ thì giấc mơ ấy đã thành hiện thực. Tự đáy lòng mình tôi xin tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới những người bạn đã khích lệ tôi trong chuyến phiêu lưu cảm động này.

LỜI ĐỀ TẶNG

Tôi tặng cuốn sách này cho tất cả

1. Những người lính gốc Phi đã hi sinh trên chiến trường Việt Nam. Họ hầu như không biết lý do tại sao mình lại chiến đấu trên mảnh đất này. Rất nhiều người đã hi sinh nơi đây, đến một chút vinh quang cũng không có, khác nào gia súc bị giết mổ rồi đem bày bán ở chợ. Chúng ta không có quyền lãng quên họ. Họ đã ngã xuống nơi chến trường, vì vinh quang và uy danh của mẫu quốc. Một tấm bia mộ, một đài kỷ niệm phải được lập nên trong mỗi đất nước châu Phi quê hương họ, những người bị đẩy vào cuộc chiến, không hề mưu toan lợi lộc gì cho bản thân mình.

2. Những thương binh và cựu chiến binh người Phi trong chiến tranh Việt Nam. Phần đông trong số họ hiện nay đang sống dưới mức nghèo khổ, sống trong tình trạng suy kiệt cả về thể xác lẫn tinh thần. Vậy mà, họ đã bằng cách nào đó tránh cho nước Pháp một trận thua nhục nhã ở vùng biên giới Đông Bắc Việt Nam tiếp giáp Lào, dù sau đó đã gặp phải trận thất bại Điện Biên Phủ lịch sử. Ngày nay, những người lính này đang sống lay lắt bằng khoản trợ cấp hưu trí ít ỏi nhận từ chính phủ Pháp. Những khoản tiền này không hề tương xứng với những hi sinh mà họ đã cống hiến cho “mẫu quốc” dưới thời thuộc địa.

3. Những người con, cháu của cư dân Đông Dương xưa kia có cha là lính đến từ châu Phi, từ Pháp hay Mỹ. Tôi cũng như các bạn, chúng ta là minh chứng sống cho một giai đoạn xuẩn ngốc và kinh khủng trong lịch sử nhân loại. Mỗi người trong chúng ta hãy trở thành một nhịp cầu trao đổi văn hóa xã hội, thể hiện tình đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới.

4. Những ai đang tuyệt vọng tìm kiếm người thân: cha, mẹ, con trai, con gái, chồng, vợ, người mình yêu mến. Con tim họ có thể đang đau xé vì nỗi buồn khi cuộc tìm kiếm thất bại. Tôi khuyên họ đừng bao giờ hết hy vọng, đừng bao giờ nản lòng. Cuộc chiến họ đang theo đuổi rất cao đẹp. Họ không thể lường trước những cung bậc cảm xúc mình sẽ phải trải qua. Có điều chúng hẳn sẽ củng cố quyết tâm và tinh thần chiến đấu để họ theo đuổi cuộc chiến chính đáng này: bất chấp mọi trở ngại để đạt mục tiêu. Có như vậy họ mới nắm chắc trong tay thắng lợi cuối cùng.

5. Những ai nhận ra phần đời mình trong câu chuyện này, khi nhớ lại cách đối đãi bất công, những tước đoạt đau xót bản thân họ từng phải trải qua trong thời thơ ấu hay trong quá khứ gần. Họ, trong một khoảng thời gian nào đó, hay có thể mãi mãi là nạn nhân trong môi trường sống còn đầy rẫy những bất công của họ. Lời khuyên nào dành cho họ ư? Tha thứ phải chăng là câu trả lời thỏa đáng cho những hành động ức hiếp ấy? Đó là điều chúng ta nên cùng nhau suy ngẫm.

PHẦN 18

Phấn 18- cuối

Rồi cũng đến ngày những người mẹ kế của Jansen Morati đến chào mẹ ông, thứ bảy ngày 10 tháng Tám.

Jansen lên phòng thông báo với mẹ là các dì đã đến, đang ở dưới nhà. Bà Quang vịn vào tay con trai để bước từng bước chậm rãi trên những bậc thang dẫn xuống phòng khách. Nghiên nối gót hai mẹ con. Roger Morati giới thiệu mọi người với nhau.

– Mình là người đầu tiên của tôi – ông nói với mẹ Jansen – đây là dì thứ hai, thứ ba và thứ tư của Jansen.

– Rất hân hạnh được biết các chị. Đây là Nghiên, em gái Jansen.

Jansen nhẹ nhàng rút lui. Roger đảm nhận vai trò phiên dịch vì ba người vợ sau của ông không nói tiếng Pháp mà dùng tiếng mẹ đẻ. Người lớn tuổi nhất trong bọn họ lên tiếng thay mặt cho hai người còn lại.

– Chúng tôi chúc mừng chị đã đến Bờ Biển Ngà. Rất vui được làm quen với chị. Mấy hôm rồi anh Roger cứ nhắc đến chị suốt, anh ấy ca ngợi chị hết lời.

– Cảm ơn các chị. Nhân lần đầu tiên gặp nhau, tôi xin các chị nhận lấy lời cảm ơn tự đáy lòng tôi vì đã nuôi dạy Jansen khôn lớn lên người. Tôi không ở bên cạnh nó, các chị đã thay tôi bao bọc, dạy dỗ nó, để nó thành người như hôm nay.

– Chúng tôi cũng tranh thủ dịp này tỏ lòng biết ơn chị.

– Tại sao kia?

– Con trai Jansen của chị đã luôn coi mỗi người trong chúng tôi đây là mẹ đẻ của nó. Luôn luôn tôn trọng, lễ phép đối với chúng tôi. Chính Jansen là người trả học phí cho các em trai và em gái, mở rộng cửa đón tiếp chúng trong thời gian học tập trên thủ đô, lại còn tìm việc cho cả thảy mười đứa sau khi tốt nghiệp ra trường nữa. Chúng tôi sống ở làng không có điều kiện ra chơi thì Jansen tháng nào cũng về thăm, thường xuyên giúp đỡ tiền bạc, tài chính. Nhà chúng tôi đang ở cũng là do Jansen xây cho. Cảm ơn chị đã sinh ra một đứa con như thế.

– Tôi phải nói thêm cho đầy đủ là Jansen đã xây cho cha nó, là tôi đây, hai căn nhà mà tiền cho thuê hàng tháng là nguồn thu nhập đáng kể đối với cả gia đình. Hóa đơn điện, nước hàng tháng cũng do Jansen thanh toán. Nó vẫn thu xếp về làng thăm gia đình ít nhất hai tháng một lần. Tôi thật hãnh diện về đứa con trai do mình sinh ra cho tôi.

– Tôi rất vinh dự được nghe những lời khen đối với con trai Jansen của mình. Những điều này không làm tôi ngạc nhiên chút nào. Hãy nhìn tất cả những nỗ lực nó đã thực hiện để tìm lại tôi. Hãy nhìn những việc nó đã phải chịu đựng ở Việt Nam, để hôm nay chúng ta tụ họp trong cùng một gia đình, cùng một nơi thế này. Chính tôi mới phải mang ơn mọi người nhiều hơn cả. Tôi đã vắng mặt quá lâu nên chẳng làm gì được cho con. Tôi không đầu tư tâm trí, sức lực để đảm bảo cho tương lai của nó. Tuy vậy, lúc này đây tôi là người mẹ hạnh phúc nhất trên trái đất này. Chính vì thế mà tôi xin một lần nữa cảm ơn các chị đã yêu thương, dạy dỗ Jansen nên người.

Jansen xen vào.

– Mẹ và các dì đừng làm con ngại vì những lời khen quá mức như thể con là một đứa con lý tưởng không bằng. Con chỉ thực hiện bổn phận của người con trong gia đình. Con muốn chúng ta nói ngay sang chuyện khác thôi, chứ không muốn làm mọi người mất hứng đâu ạ.

Sau khi ba người vợ sau của Roger ra về là giờ ăn tối, vẫn luôn nhiều món và thịnh soạn như mọi khi.

Đối với những cuộc trò chuyện sau này của cha mẹ ông, Jansen Morati luôn có mặt lúc mở đầu câu chuyện. Rồi ông rút lui để mặc hai người tiếp tục trò chuyện với nhau. Thảng hoặc ông mới ghé qua để yên tâm là mọi chuyện vẫn ổn. Thậm chí, đôi lúc cha mẹ còn mải nói chuyện không để ý đến sự hiện diện của ông. Như vậy lại tốt hơn, ông nghĩ, để cha mẹ còn tâm sự những điều sâu kín trong lòng. Hai lần đầu, cha và mẹ ông ngồi đối diện trong phòng khách. Những lần sau, họ ngồi cạnh nhau, rất gần, làm cho cậu con trai rất hài lòng. Họ ngồi hàng giờ như vậy, trò chuyện không biết chán. Rồi giờ chia tay cũng đến.

Ngày mai, thứ ba ngày 13 tháng Tám năm 2002, cha của Jansen Morati phải trở về nơi ở thân thuộc của ông tại Grabos, cách Abidjan khoảng bốn trăm cây số. Ngày hôm trước, Roger và Tâm ngồi lại với nhau rất lâu.

Ngày Roger lên đường, họ gặp nhau từ sáng sớm. Hai người đều rất buồn.

– Tôi rất hạnh phúc được gặp lại mình sau ngần ấy năm dài xa cách. Hôm nay thì tôi buộc lòng phải về làng để đối diện với những nghĩa vụ với gia đình.

– Em cũng vậy, rất vui được gặp lại mình ở Bờ Biển Ngà này. Tiếc quá! Những ngày mình ở lại đây quá ngắn. Chúng ta vẫn còn rất nhiều kỷ niệm để chia sẻ cùng nhau.

– Chưa đầy hai tháng nữa, tôi lại đến đây thăm mình, đúng dịp thằng Jansen tổ chức một bữa tiệc nhỏ để mừng ngày gia đình ta tái ngộ. Đến lúc đó, tôi sẽ thu xếp công việc ở nhà để ở chơi với mình khoảng ba tuần, thậm chí một tháng.

– Vậy thì chúng ta sẽ nhắc lại nhiều kỷ niệm ngày xưa nữa. Từ khi mình đến đây, nhiều chuyện em ngỡ quên biệt rồi dần dần lại trở lại trong tâm trí em. Những cảnh tượng trong quá khứ em đã chôn chặt trong lòng lại từ từ trỗi dậy.

– Tôi đi, nhưng lòng tôi vẫn nghĩ đến mình. Tôi biết mình ở nhà Jansen là chỗ đáng tin cậy nhất rồi. Tiếp sau buổi tiệc thằng Jansen tổ chức để chào mừng mình, tôi sẽ tổ chức một buổi khác cho mình ở làng. Nhân dịp này, tôi sẽ giới thiệu mình với tất cả thành viên trong làng.

– Tất cả những buổi hội hè ấy sẽ làm hai cha con mình tiêu tốn nhiều tiền lắm.

– Mình xứng đáng được như vậy mà. Niềm vui của hai cha con khi tìm lại được mình là vô giá. Thế nên hai cha con muốn chia sẻ niềm hạnh phúc này với hết thảy họ hàng thân thích, người quen.

– Con rất tiếc phải cắt ngang câu chuyện của cha mẹ nhưng đến giờ ra bến xe rồi.

Họ ôm nhau thật lâu. Jansen Morati lui ra trước.

– Con đợi cha ngoài xe.

Khi Roger bước ra, Jansen thấy rõ là cha mình đang đau khổ vì lần chia tay tạm thời này. Suốt quãng đường từ nhà ra bến xe khách liên vùng, Roger Morati, vốn rất hay chuyện, lần này lại không nói lời nào.

Hai cha con đến vừa kịp lúc. Chuyến xe về Grabos chuẩn bị lăn bánh.

– Cha không biết phải cảm ơn con thế nào vì đã cho cha cơ hội gặp lại mẹ con. Chúa ban phước lành cho con, con trai.

– Hẹn cha một tháng rưỡi nữa, con sẽ về làng đón cha lên vui với mẹ trong bữa tiệc mừng ngày hội ngộ.

Trở về nhà, Jansen Morati lên thẳng phòng mẹ.

– Con hy vọng mẹ không quá buồn.

– Không. Mẹ chỉ thấy hơi nhói trong lòng khi thấy cha con đi.

– Chuyện bình thường thôi mà. Cha mẹ đã không gặp từ gần năm chục năm nay. Cha mẹ lại có chung rất nhiều kỷ niệm. Thật tiếc là cha chỉ ở lại được ít ngày.

Vài ngày sau, đến lượt Chamie, con gái của Jansen Morati lên đường. Nó sẽ tiếp nối anh trai Arnaud sang Mỹ học lên sau khi nhận bằng tú tài. Bà nội khuyên nhủ nó rất nhiều.

Ít lâu sau, nhà Jansen đón một vị khách đã báo trước, đó là bà Hortensa đến thăm hỏi mẹ của Jansen Morati, bà ở lại Bờ Biển Ngà gần mười ngày.

Những ngày sau đó liên tiếp những cuộc viếng thăm của những người họ hàng bên nội của Jansen, họ vừa mới biết tin bà Quang cùng con gái sang đến Bờ Biển Ngà. Không khí trong nhà càng lúc càng vui vẻ.

Nhưng thật bất hạnh, trong đêm ngày 18 tháng Chín năm 2002, một cuộc nổi dậy vũ trang ở Bờ Biển Ngà làm đảo lộn tất cả.

Trở về Việt Nam sớm hơn dự định

Những loạt đạn pháo của các bên gây nên một cực điểm bạo lực chưa từng có và hoành hành ở Abidjan. Dư luận đã nói đến khởi đầu của một cuộc bạo loạn, rồi đảo chính không thành và cuối cùng là một cuộc khủng hoảng trầm trọng giữa các giai tầng chính trị trong xã hội. Lệnh giới nghiêm từ 7h tối đến 6h sáng hôm sau được ban bố trên toàn lãnh thổ Bờ Biển Ngà.

Dần dần, chiến tranh nổ ra và ngày càng trở nên dữ dội và khốc liệt. Số người thiệt mạng lên đến hàng trăm. Số dân phải di tản khỏi nơi ở lên đến vài chục ngàn người. Đất nước Bờ Biển Ngà bị chia làm hai, rồi làm ba phần. Nạn vòi tiền và tịch biên tài sản không cần đến phán xét của tòa án ngày càng lan rộng trên phạm vi cả nước. Những hố chôn tập thể được phát hiện.

Cộng đồng quốc tế được huy động để cứu Bờ Biển Ngà qua cơn nguy khốn, một đất nước đa chủng tộc, đa quốc tịch, và gián tiếp, trấn giữ vùng trọng điểm phía tây châu Phi. Theo thống kê chính thức có đến 26% cư dân sống ở Bờ Biển Ngà là người nước ngoài. Phần lớn những người này đã trở về nước. Các chuyên gia Pháp được khuyến cáo rời khỏi Bờ Biển Ngà trong thời hạn sớm nhất. Các trường học của Pháp mở trên lãnh thổ Bờ Biển Ngà cũng đóng cửa trong thời gian ít nhất là sáu tháng. Các công ty chuyển dần mọi hoạt động ra nước ngoài.

Tất cả các bên tham chiếm tranh nhau nguồn cung cấp đạn dược, đẩy giá cao lên làm bọn buôn bán vũ khí tha hồ thu lợi. Tình trạng an ninh bất ổn và tâm lý sợ hãi bao trùm lên đất nước. Khả năng xảy ra nội chiến đã đến rất gần.

Jansen Morati rất lo lắng vì tình cảnh hỗn độn này. Ông trao đổi với vợ và các con Arnaud và Chamie ở Mỹ về tình trạng này. Có nên đưa mẹ và em gái ông trở về Việt Nam vì lý do an ninh, trong khi thời gian vẫn còn kịp?

Những cam kết đạt được qua đàm phán thương lượng nhằm mang lại bình ổn và hòa hợp ngày nào cũng bị các đảng phái chính trị và những đối thủ khác công kích, làm giảm giá trị. Hy vọng được nhen nhóm qua hiệp định hòa bình của Linas – Marcoussis và Kléber ở Pháp cũng mờ mịt dần. Quan điểm của người này đi ngược hoàn toàn với lập trường của người kia. Đình chiến, ngừng bắn chỉ là những từ im lìm trên giấy. Những nhân viên cứu trợ hòa bình Liên Hiệp Quốc cũng rời khỏi Bờ Biển Ngà. Các bên tham chiến vẫn đụng độ thường xuyên, số người chết và bị thương ngày càng tăng. Báo chí mở đường, tiếp sức cho đầy rẫy những bài xã luận sặc mùi gây chiến. Trong các buổi phỏng vấn trên truyền hình, các chính trị gia chỉ đổ thêm dầu vào lửa. Họ kích động những cuộc đối đầu tiềm tàng giữa các bộ tộc, tôn giáo với nhau. Ngay các nho sĩ cũng tham gia vào đấu trường chính trị này.

Khắp Abidjan, thù oán cá nhân được thanh toán bằng những bằng chứng tố giác, đổ vấy cho nhau. Một toán vũ trang đã đến nhà Jansen Morati lục soát nhiều lần không rõ lý do nhưng chúng không tìm thấy những người tham gia vũ trang, kho chứa vũ khí cũng không, những tài liệu có thể làm liên lụy đến gia đình Morati lại càng không tồn tại. Xác minh lại thì ra họ chẳng có lệnh khám nhà của quân đội hay cảnh sát gì cả. Nguy cơ đất nước rơi vào tình trạng vô chính phủ không còn xa.

Tất cả những dấu hiệu này làm ai nấy đều lo lắng. Mẹ của Jansen, người đã sống gần bốn mươi năm cuộc đời qua chiến tranh sẽ không bị cuốn theo vòng xoáy bạo lực của cuộc nội chiến tại Bờ Biển Ngà này chứ? Em gái Nghiên của ông cũng vậy. Niềm hạnh phúc gặp lại con trai, anh trai sẽ biến thành ác mộng với họ sao? Họ đang sống ở Việt Nam trong hòa bình. Rất có thể họ sẽ lại phải chứng kiến những nỗi kinh hoàng của chiến tranh. Hai mẹ con đâu có đòi sang Abidjan. Chính Jansen Morati đã phá vỡ cuộc sống thanh bình của họ ở Tiền Giang đấy chứ. Chính ông đã thuyết phục họ theo ông về Bờ Biển Ngà.

Lúc này, ông lo sợ cuộc nội chiến có thể nổ ra bất cứ lúc nào kia sẽ để lại những hậu quả gián tiếp lên tâm lý mẹ mình. Ông lo dù có cố gắng vượt qua thì thần kinh bà cũng bị kích động, khủng hoảng. Ông sợ mẹ sẽ bị trầm uất nếu bà vô tình hoặc ngầm liên hệ giữa tình hình chiến trận ở Bờ Biển Ngà với quá khứ chiến đấu của mình trong hàng ngũ Việt Minh. Ông nhớ lại những lời khuyên chân tình của người sĩ quan về hưu, ông Hoàng Khải.

Jansen Morati quyết định sẽ bàn bạc thật cởi mở với mẹ chuyện này ngay bây giờ. Bà cần phải biết những mối đe dọa đang đè nặng lên Bờ Biển Ngà.

– Mẹ ơi, con hy vọng tình hình nước con xảy ra chiến tranh thế này không làm mẹ lo lắng chứ ạ?

– Con biết đấy, mẹ quen với chiến tranh rồi, em Nghiên con cũng vậy. Mẹ không sợ. Ngược lại, mẹ lo cho các con và các cháu nhiều hơn. Giờ các con mới lần đầu tiên biết thế nào là chiến tranh. Khủng khiếp lắm. Chiến tranh hủy hoại xã hội, chia cắt sâu sắc các tộc người và khiến cho nhiều gia đình ly tán. Chiến tranh thật tàn khốc và đáng ghê sợ.

– Mẹ đừng lo cho chúng con. Đụng độ vẫn còn cách khu vực này ba trăm cây số. Ở Abidjan này, chúng ta vẫn tương đối an toàn.

– Một khi chiến tranh đã nổ ra thì ba trăm cây số cũng chẳng là gì cả. Một toán quân có thể vượt quãng đường đó chậm nhất cũng chỉ trong có năm ngày. Điều làm mẹ an tâm đôi chút là Abidjan không bị máy bay ném bom. Nếu bị không lực địch tấn công và dội bom thì dân cư trong thành phố đành bất lực, các thành phố lớn còn là mục tiêu chính. Ngày nào mẹ cũng mong cuộc chiến đang manh mún tại Bờ Biển Ngà sẽ chấm dứt.

– Nhưng nếu thay vì chấm dứt, nó lại trở nên khốc liệt hơn?

– Đó sẽ là điều kinh khủng nhất đối với đất nước này. Không ở đâu, không ai được an toàn cả. Ngay cả hàng xóm của nhà ta trong khu phố này cũng có thể trở thành kẻ thù đáng sợ của nhau. Con tin là chiến tranh sẽ lan đến Abidjan sao?

– Không thể loại trừ khả năng đó, nó rất có thể xảy ra. Con tin là vậy.

– Vậy con tính sao?

– Con dự định đưa mẹ và em Nghiên về nơi an toàn. Con thật sự lo cho hai người.

– Thế nào? Tại sao lại lo cho mẹ và em Nghiên?

– Con muốn đưa mẹ và em về Việt Nam.

– Con muốn hai chúng ta về Việt Nam?

– Đúng vậy thưa mẹ.

– Thế còn các con và bọn trẻ?

– Chúng con sẽ ở lại Abidjan.

– Mẹ và em Nghiên sẽ cùng ở lại hoặc chúng ta cùng rời khỏi đây.

– Mẹ ơi, mẹ nghe con đã.

– Mẹ nói rồi, mẹ không thể bỏ mặc các con ở đây được.

– Không phải mẹ và em bỏ mặc chúng con đâu mà. Chúng con tự biết thu xếp. Con đang tìm cách bố trí để vợ con và bọn trẻ có thể sang nước láng giềng Ghana lánh nạn, trong trường hợp tình hình ở Abidjan xấu đi. Việc liên hệ đang tiến triển nhanh. Nếu nội chiến nổ ra, chúng con sẽ rời khỏi Bờ Biển Ngà ngay. Con tính đưa cả gia đình quá cảnh sang Accara thủ đô của Ghana trước khi quyết định điểm dừng chân cuối cùng. Trong thời loạn lạc này, mẹ và em Nghiên mà đi theo con thì chỉ làm một số thủ tục hành chính thêm phức tạp. Chính vì vậy mà con muốn mẹ và em lánh đi trước, tránh xa tác hại của một cuộc nội chiến sắp xảy ra. Mẹ và em nên bay về Hà Nội sớm chừng nào hay chừng ấy.

– Con cho mẹ thời gian suy nghĩ. Mẹ sẽ bàn với em Nghiên.

– Mai con sẽ qua xem mẹ và em quyết định thế nào.

Jansen Morati buộc phải hướng mẹ và em gái theo một giải pháp như vậy chứ đề nghị hai người quay lại Việt Nam, trong lòng ông cũng không vui chút nào. Ông rất khổ tâm khi đưa ra giải pháp này. Ông muốn được sống bên mẹ và em đến hết cuộc đời. Thỉnh thoảng ông sẽ đưa mẹ và em về Việt Nam thăm họ hàng, rồi ba mẹ con lại về Bờ Biển Ngà. Jansen Morati thậm chí còn tính đến chuyện đưa họ hàng bên ngoại sang Abidjan.

Hôm nay, ông buồn vì tất cả những dự định đó không biết còn thực hiện được hay không. Ông sinh ra trong chiến tranh. Chính chiến tranh đã tách ông khỏi mẹ lần đầu tiên. Lần này, vẫn là chiến tranh khiến hai mẹ con phải xa nhau. Ông thuật lại cho vợ nghe cuộc trò chuyện giữa hai mẹ con.

– Còn một lý do thứ hai nữa để anh đề nghị với mẹ trở về Việt Nam.

– Lý do gì vậy?

– Cả tuần trừ những ngày nghỉ lễ, mẹ ở nhà một mình cả ngày. Anh và em đều đến sở làm. Em Nghiên và bọn trẻ đến trường học. Mẹ không có ai ở bên cạnh để tâm sự. Chắc là mẹ cũng buồn chán lắm. Anh nghĩ chúng mình thật ích kỷ nếu cứ giữ bà ở lại, như giam bà trong một lâu đài bằng vàng vậy. Mẹ cần giao tiếp thường xuyên, giống như môi trường thôn xóm ở Phương Liệt, mẹ cần ra ngoài giao tiếp. Mẹ không than phiền lấy một lời là vì anh thôi. Anh phải nhận thức được tình trạng này. Mẹ chưa bao giờ đặt chân ra khỏi Việt Nam. Lần này đến Bờ Biển Ngà mới là lần đầu tiên ra nước ngoài. Trong hơn bảy nhăm năm qua, mẹ chỉ sống trong một môi trường thân thuộc. Chúng ta đã áp đặt cắt đứt mối liên hệ về văn hóa, xã hội của bà một cách đường đột.

– Em hiểu anh.

– Chuyện của Nghiên cũng khiến anh lo.

– Là chuyện gì vậy?

– Ở tuổi này rồi, em ấy vẫn còn độc thân và chưa con cái gì. Đó là do Nghiên đã lựa chọn cuộc sống ấy. Anh lo rằng nếu còn sống ở đây thì Nghiên sẽ mãi ở trong hoàn cảnh ấy. Nếu em ấy được sống trong môi trường tự nhiên ở Việt Nam, Nghiên sẽ có thể nhanh chóng tìm hiểu và xây dựng gia đình. Anh chỉ cần giúp đỡ về mặt tài chính để Nghiên có thể cải thiện vị thế trong xã hội. Vậy thì em ấy cũng không phải đặt nặng chuyện lo toan, chăm sóc mẹ nữa. Em gái anh sẽ dễ dàng tìm chồng ở Việt Nam hơn là ở Bờ Biển Ngà. Vợ chồng em ấy, mẹ anh và dượng cùng với những người họ hàng khác nữa, có thể đến ở Abidjan một khi hòa bình được lập lại ở Bờ Biển Ngà. Mẹ chồng em sẽ không thấy cô quạnh nữa. Đây là những lý do thứ yếu thúc đẩy anh đưa hai mẹ con về Việt Nam – môi trường thân thuộc của họ. Dĩ nhiên, mối đe dọa nội chiến sắp xảy ra ở Bờ Biển Ngà vẫn là nguyên nhân chính.

– Nghĩ đến chuyện anh đã phải gian khổ thế nào để tìm được mẹ, đưa mẹ về đây, vậy mà giờ lại buộc phải đưa mẹ đi xa khỏi chúng ta, em buồn quá.

– Phải đặt lợi ích của mẹ và em Nghiên lên trên lợi ích của chúng ta, em ạ.

Hôm sau, như đã hẹn, Jansen lại lên phòng mẹ nói chuyện.

– Mẹ và em Nghiên đã quyết định ở lại với các con. Các con, các cháu nội chính là gia đình mới của hai người chúng ta.

– Mẹ ơi, mẹ nghĩ là con vui khi nói mẹ nên về Việt Nam sao? Năm mươi năm qua con nhớ mẹ không lúc nào nguôi. Con đã phải vượt qua chính bản thân mình, đôi khi với năng lượng của cảm giác mất hết hy vọng để tìm lại mẹ. Mong muốn của con chẳng phải là mẹ con mình sẽ luôn được ở bên nhau hay sao?

– Mẹ và Nghiên cũng đã nghĩ rằng nếu con cố nài thì chúng ta sẽ thuận theo ý con.

– Bảo vệ và giữ gìn sinh mạng của mẹ và em là bổn phận của con. Mẹ và em đừng lo cho chúng con. Chúng con biết phải rời khỏi Bờ Biển Ngà nếu nội chiến nổ ra. Con sẽ gọi điện để giữ liên lạc thường xuyên với mẹ. Con sẽ năng báo tin để mẹ an lòng. Mẹ đừng khóc. Cuộc đời vẫn thế mà. Nếu có dịp, con sẽ về Tiền Giang hay Hà Nội ngay để gặp mẹ, chắc chắn như vậy. Mẹ hãy nghe con.

– Lòng mẹ chỉ mong Bờ Biển Ngà được yên bình trở lại để mẹ con ta được chung sống vui vẻ, hạnh phúc, không phải lo toan, nghĩ ngợi.

– Con cũng mong thế. Lau nước mắt đi mẹ ơi. Mẹ đừng khóc nữa.

Jansen ghì chặt mẹ trong tay. Vết thương trong tim ông đang rỉ máu. Nhưng ông phải bình thản mà vượt qua một cơn đau xé lòng khác. Ông buộc mình không được chất thêm buồn phiền lên mẹ và em, họ đã quá đau khổ trong quyết định này rồi.

Ngày hai mẹ con khởi hành được ấn định vào chủ nhật ngày 16 tháng Ba năm 2003. Jansen báo cha biết tin này nhưng Roger không thể đến Abidjan vì vùng ông sinh sống chiến sự đang ác liệt. Jansen báo cho ông Văn Kim, nhờ ông báo lại với họ hàng bên ngoại ở Phương Liệt.

Ngày bà Quang và Nghiên lên đường, nỗi buồn hiển hiện trên gương mặt của cả gia đình Jansen.

– Con mong mẹ hiểu lòng con. Con muốn mẹ và em được an toàn. Tình hình chiến sự ở đây có thể nhanh chóng trở nên tồi tệ.

– Mẹ hiểu. Ngày nào mẹ cũng sẽ nhớ đên các con. Mẹ mong Jansen gọi điện hai đến ba lần một tuần. Mẹ cần phải biết cả nhà con được mạnh khỏe thì mới yên tâm được. Mẹ cần biết chắc không có điều gì xấu xảy đến với các con, muốn biết tình hình chiến sự ở Bờ Biển Ngà. Mẹ sẽ cầu nguyện cho hòa bình của cả hai nước Việt Nam và Bờ Biển Ngà.

– Mẹ đừng lo. Con sẽ năng gọi điện. Mẹ cho lắp đặt điện thoại ở nhà mẹ nhé.

– Về đến nơi mẹ sẽ cho mắc ngay.

– Lát nữa con sẽ gửi mẹ ít tiền coi như vốn làm ăn để em Nghiên khởi nghiệp kinh doanh. Mẹ hãy cho em ấy những lời khuyên hữu ích để thành công trong lĩnh vực kinh doanh em ấy chọn.

– Cứ tin ở mẹ, và nhất là tin ở em con. Nghiên buôn bán khéo lắm. Em nó còn quản lý tài chính rất chặt chẽ nữa.

– Con sẽ thường xuyên gửi tiền để hỗ trợ cho việc kinh doanh của Nghiên.

– Con không cần phải làm vậy.

– Cần chứ mẹ. Con muốn em thành đạt. Ban đầu chắc sẽ còn nhiều khó khăn. Con phải giúp em đến cùng cho đến lúc em có thể tự lực cánh sinh.

– Nhân dịp này mẹ muốn cảm ơn con lần nữa vì đã hao công tốn sức tìm mẹ.

– Chính con mới là người phải biết ơn mẹ đã cho con cơ hội chứng tỏ tình cảm quyến luyến bấy lâu con dành cho mẹ. Dĩ nhiên tình cảm lớn lao mẹ dành cho con đã tạo nên động lực thúc đẩy cuộc tìm kiếm. Con yêu mẹ biết bao từ khi còn bé, đến nỗi con đã ngầm chiếm hữu một cách tự nhiên tình yêu của mẹ đối với con. Tình yêu thương của một người mẹ đối với đứa con của mình sẽ là một hạt giống bà gieo trong tim đứa trẻ. Con chỉ cần để hạt giống này nảy mầm suốt cuộc đời mình mà thôi. Hạt giống lại mọc lên thành cây to có thể chống chọi lại thời tiết bốn mùa. Hôm nay cái cây to lớn, vững chãi ấy đã cho quả ngọt. Chúng ta cùng được hưởng. Thế giới và cuộc đời vẫn thế. Như thang máy lên rồi lại xuống.

– Con lúc nào cũng tìm được cách nói để mẹ không cảm thấy tội lỗi. Dù thế, mẹ vẫn muốn xin lỗi con vì những phiền toái đã gây ra cho con vào dịp đầu tiên con đến Hà Nội. Mẹ…

– Chúng ta đừng nhắc đến chuyện đó nữa. Đó là chuyện quá khứ rồi.

Bà áp hai tay lên má con trai, nhìn con trai mình chăm chú, mắt loang loáng nước.

– Con là một đứa con trai mà người mẹ nào cũng muốn có. Mẹ hãnh diện biết mấy vì con rất biết chăm lo cho gia đình.

– Mẹ cũng là người mẹ mà nhiều đứa con mong muốn. Con cũng vinh dự có người mẹ yêu nước, hy sinh và trách nhiệm như mẹ.

Mẹ của Jansen không nói được thêm lời nào, chắc hẳn là cảm xúc của giờ chia tay đang đến gần. Cổ họng bà khô rát, bà thở sâu nhiều lần, cố gắng che giấu cảm giác khó ở đang bao trùm cơ thể, nước mắt chỉ trực trào ra. Hai mẹ con ngồi cùng nhau thật lâu trên giường, không ai nói câu nào. Bà âu yếm nắm lấy tay con trai mà bà thường vuốt ve theo thói quen. Bà đau khổ không nói lên lời, con trai bà cũng vậy.

– Con mời mẹ và anh xuống dùng bữa ạ – vợ Jansen thông báo.

Thật ra, chẳng ai còn tâm trạng đâu mà ăn uống. Hành lý đã thu xếp xong. Hộ chiếu và vé máy bay đã kiểm tra cẩn thận. Jansen đưa mẹ một phong bì đựng đôla Mỹ và tiền euro, đó là tiền dành cho Nghiên. Hai anh em Arnaud và Chamie gọi về chúc bà nội và cô chúng một chuyến đi bình an, may mắn.

Đã đến giờ ra sân bay. Phút cuối cùng tạm biệt trở nên không thể chịu nổi. Bà Quang và con gái không cầm được nước mắt, nhất là Nghiên. Vợ Jansen và bọn trẻ cũng bật khóc. Họ ôm ghì lấy nhau, thổn thức.

Jansen cố dằn lòng. Hôm qua ông đã xin được giấy phép của bộ phận an ninh sân bay để đưa mẹ và em vào tận khu vực cách ly lên máy bay. Ông thấy nhói sau gáy. Những hình ảnh hỗn độn, đứt quãng ùa về. Ông thấy tim mình đập nhanh, cùng lúc đó là cảm giác tức thở. Ông ôm mẹ và em thật lâu. Cả hai người nấc lên nghẹn ngào. Jansen đứng thất thần, không đủ sức để nói câu chúc lên đường bình an.

Họng ông nghẹn lại. Dõi theo hai mẹ con đang bước chậm lên cầu thang dẫn lên máy bay, tay ông nắm chặt lại, quai hàm bạnh ra. Khi hai mẹ con quay người lại lần cuối để vẫy tay chào, thậm chí Jansen không còn đủ sức đưa tay vẫy lại. Ông dõi theo họ. Họ đang bước vào máy bay. Hai dòng nước mắt lăn dài trên má ông. Chân ông khụy xuống, ông phải ngồi xuống ghế. Cứ ngồi như thế, bất động, không thốt nổi tiếng nào với ánh mắt nhìn của một người đang đau khổ tột cùng.

Từ sân bay, ông lái xe về nhà trong yên lặng chết chóc, váng vất.

Chặng đầu tiên của câu chuyện hy hữu, khác thường giữa người mẹ Việt Nam và đứa con trai mang quốc tịch Bờ Biển Ngà đã khép lại như thế vào 10h rưỡi sáng chủ nhật ngày 16 tháng Ba năm 2003.

Chiến tranh buộc hai mẹ con họ phải xa nhau lần nữa, sau hơn mười tháng chung sống tại Abidjan trong niềm hạnh phúc không gì sánh nổi.