Phần 16
Bấy giờ cậu tài xế lái xe thẳng hướng Hà Nội. Người mẹ vẫn tựa vào con trai, không nói câu nào, mắt nhìn xa xăm. Hẳn là bà đang hồi tưởng lại quá khứ son trẻ với người chồng cũ, con trai và con gái. Jansen Morati không muốn khuấy động phút suy tưởng của bà. Ông chỉ dịu dàng ôm bà sát vào mình. Em gái ông nghiêng đầu tựa vào vai ông. Ba mẹ con ông ngồi đằng sau, ông Văn Kim ngồi ghế trước. Khoảng mươi mười lăm phút sau, ông Văn Kim mới lên tiếng phá vỡ không khí yên lặng trên xe.
– Chuyến bay của cậu từ Abidjan đến đây thế nào?
– Rất ổn bác ạ. Gặp được mẹ và em là tôi thỏa nguyện rồi. Tất cả là nhờ bác.
– Cậu thấy đấy, trong cuộc sống cũng cần phải biết kiên trì, nhẫn nại. Gia đình cậu khỏe cả chứ?
– Cả nhà đang chờ điện thoại của tôi gọi về. Còn bác gái sao rồi bác?
– Bà nhà tôi khỏe. Tôi đã đặt cho mẹ cậu hai phòng khách sạn: một phòng cho cậu, phòng kia cho mẹ cậu và cô Nghiên.
– Hy vọng mẹ và em gái tôi không đổi ý chứ bác?
– Về chuyện gì kia?
– Chuyện cùng về Bờ Biển Ngà, ở chơi với gia đình tôi hai tháng ấy.
– Hai mẹ con họ rất vui được đi chuyến này. Đây là lần xuất ngoại đầu tiên của cả hai mà.
– Mẹ và em Nghiên sẽ không phải tiếc đâu. Ông bà Nguyễn và ông bà Ngọc khỏe chứ bác, cả anh Tiêu nữa?
– Họ khỏe cả. Thằng bé Arnaud con trai cậu vẫn bên Mỹ hả?
– Vâng. Nó gửi lời chào bác, cả bác gái nữa ạ.
– Nhìn mẹ cậu lúc này, tôi biết bà ấy đang rất hạnh phúc. Cô Nghiên em cậu cũng vậy.
– Tôi cũng thế bác ạ, thậm chí còn hạnh phúc hơn ấy chứ. Tôi vẫn chưa thật tin cả ba mẹ con lại được bên nhau. Tôi ngỡ như đang mơ, cảm giác như đang được hồi sinh.
Chiếc xe đỗ xịch trước cổng khách sạn ông Văn Kim đã đặt phòng cho ba mẹ con Jansen Morati. Không phải khách sạn lần trước khi Jansen đến Hà Nội lần đầu tiên. Sau khi làm thủ tục nhận phòng ở quầy tiếp tân, Jansen cùng ông Văn Kim, mẹ và em gái lên phòng. Hai phòng sát cạnh nhau. Hai mẹ con bà Quang đã về ở đây từ ngày hôm kia.
Chương trình tiếp theo là để thời gian cho Jansen tắm rửa qua, rồi họ sẽ cùng về Phương Liệt.
“Tuyệt lắm” – Jansen đáp. Ông cẩn thận đặt bó hoa ở đầu giường. Trong lúc ông đi tắm, ông Văn Kim, mẹ và em gái ngồi chờ ông dưới sảnh khách sạn. Chưa đầy nửa tiếng sau, Jansen cũng xuống đến sảnh. Ông khoác tay mẹ và em gái cùng ra xe. Họ ghé qua nhà ông Văn Kim.
Bà Văn Kim và Jansen Morati mừng rỡ khi gặp lại nhau. Ở lại đó khoảng hai mươi phút, họ lại lên đường về Phương Liệt.
Vừa về đến sân nhà, Jansen đã được chào mừng bởi những tiếng hoan hô biểu lộ niềm vui sướng từ bốn phía. Họ hàng bên ngoại vồn vã lại gần khi ông từ trên xe bước xuống. Nam, phụ, lão, ấu, tất cả mọi người đều cùng lúc muốn ôm hôn ông. Ông về làng đã kích động một sự đón chào nồng nhiệt. Ông bất ngờ trước một sự đón tiếp quá đỗi thân tình, nồng hậu và mến khách đến thế. Một vài người không chỉ chào ông một lần. Họ hàng bên ngoại vây chặt lấy ông. Ai cũng muốn nhìn ông thật gần, muốn chạm vào ông. Ai cũng muốn nói với ông câu gì đó, ngay cả khi ông không hề hiểu những điều họ đang nói với ông bằng tiếng Việt. Những tiếng reo mừng vang lên khắp nơi.
Mẹ và em gái Jansen cũng được quan tâm không kém. Một người phụ nữ lớn tuổi mở lối chen về phía Jansen, ôm ghì lấy ông thật lâu, mắt dân dấn nước, trong tiếng vỗ tay hoan hô của các thành viên khác trong dòng tộc. Ông Văn Kim nói khẽ với Jansen người ấy là chị gái của mẹ ông, năm nay đã xấp xỉ chín mươi. Ông gọi bà bằng bác. Ở tuổi bà như thế là rất khỏe. Bà cầm tay cháu trai dẫn vào trong nhà, xếp chỗ cho ông ngồi giữa bà và mẹ Quang – Tâm của ông.
Phòng khách trong nhà chật cứng người. Tất cả mọi người đều nói chuyện. Jansen Morati cảm thấy hơi mất phương hướng trong bầu không khí lễ hội khác thường này.
Ông ngắm nhìn căn nhà, một ngôi nhà xinh xắn, xây lên hai tầng, với những bức tranh rất đẹp treo trên tường. Đồ gỗ nội thất được chế tác theo một phong cách nghệ thuật rất tinh xảo, mẫu mã đẹp. Các cô gái trẻ mang nước mát lên mời mọi người cùng uống. Bác gái và mẹ Quang – Tâm rất hạnh phúc và tự hào được ngồi cạnh ông. Vị khách của ngày hôm đó thấy thi thoảng, mấy người phụ nữ lại kêu ầm lên, hình như là để trêu mẹ ông. Ông Văn Kim xin mọi người giữ im lặng trật tự một lát.
Ông giới thiệu lần lượt từng người với Jansen Morati. Bắt đầu bằng bà bác, con thứ sáu trong gia đình. Bà bác kế tiếp, người con thứ bảy không thể đến chung vui được, bà đang sống ở Hải Phòng. Bà Quang – Tâm là con thứ tám trong gia đình, cũng là con út. Tất cả những người anh chị khác của mẹ ông không may đã mất cả. Tuy nhiên, ông Văn Kim vẫn giới thiệu một vài người có mặt là con, cháu của họ. Tiếp đến là anh chị em họ của ông cùng với vợ, chồng, con cái của họ. Cuối cùng là chủ nhân của căn nhà họ đang ngồi quây quần đây. Người chồng là công an phường, người vợ là chị họ của Jansen, con của bà bác ban nãy đã dẫn Jansen vào nhà.
Đến lượt chủ nhà lên tiếng chào mừng Jansen Morati đến Việt Nam. Chị họ Jansen cũng khen ngợi ông về cuộc tìm kiếm đã tiến hành. Chị họ vẫn còn nhớ ông, khi còn nhỏ họ đã cùng chơi đùa với nhau ở Hà Nội. Thay mặt toàn thể gia đình, chị họ cảm ơn ông đã làm vẻ vang cho cả gia đình dòng tộc vì quyết tâm tìm lại mẹ của ông. Cũng nhờ ý tưởng này, cả họ mới được gặp lại cô Quang của chị đã rời làng từ gần hai chục năm nay. Niềm vui được nhân lên khi gặp lại bà sau ngần ấy năm xa cách, và cùng lúc gặp luôn cả cậu con trai mà bà đã bặt tin từ năm chục năm nay. Tất cả mọi người có mặt đều vỗ tay hoan hô.
Jansen Morati cảm ơn họ về cuộc đón tiếp thân tình và nồng hậu hôm nay. Ông rất tự hào có dòng máu Việt chảy trong huyết quản, bởi vậy ông đã lên đường tìm mẹ. Ông bày tỏ niềm vui, niềm hân hoan được gặp lần đầu tất cả những thành viên trong gia đình bên ngoại. Ông Văn Kim nhắc Jansen rằng những người có mặt tại đây mới chỉ là một phần rất nhỏ trong số họ hàng của ông. Jansen Morati ghi nhận thông tin này. Ông chuyển tới họ lời chào thăm hỏi từ gia đình ông đang sống ở Bờ Biển Ngà, ở Mỹ, và ở Luxembourg. Ông cũng nhân tiện mọi người đều có mặt tại đây để tỏ lòng biết ơn trân trọng tới ông Văn Kim, những người đã giữ vai trò quyết định trong cuộc gặp gỡ lịch sử với họ hàng của ông sống ở Phương Liệt. Cũng chính nhờ ông bà Văn Kim giúp đỡ ông mới tìm được mẹ mình. Ông muốn công khai cảm ơn hai vợ chồng ông Văn Kim.
Sau những bài phát biểu này, tất cả nâng cốc chúc mừng Jansen Morati và mẹ ông. Các cô gái lại dọn đồ ra ăn: miến xào, tim xoắn kiểu Việt Nam, canh miến, nộm rau, gà rang chua cay, súp tôm, thịt viên, hoa quả tươi. Một bữa tiệc thực sự được dọn lên trong một không khí hoan hỉ vui sướng tuyệt vời.
Mẹ và bác ruột của Jansen không ăn nhiều. Ngược lại, hai người chỉ trông chừng cho bát của ông luôn đầy ắp thức ăn, cứ thấy ông ăn được một miếng lại gắp thêm đồ ăn.
Sau bữa ăn thịnh soạn ấy, ông Văn Kim chuyển cho vị khách hai quyển hộ chiếu mới tinh của mẹ và em gái ông. Mấy người trong số chị em họ của Jansen cũng muốn sang Bờ Biển Ngà cùng họ. Bấy giờ ông xin phép cáo từ để Jansen được nghỉ ngơi.
Jansen Morati cùng mẹ và em gái xuống xe trước cổng khách sạn. Ba mẹ con cùng ngồi lại bên phòng mẹ và em gái Jansen. Rào cản về ngôn ngữ không cho phép họ trò chuyện với nhau bằng lời. Nghiên không hiểu dù chỉ là một từ tiếng Pháp, cũng không nói được tiếng Anh. Mẹ Jansen thì không còn nhớ tiếng Pháp đủ để nói thành câu. Vậy là ba mẹ con chuyện trò bằng cách ra hiệu.
Jansen Morati rất muốn biết thêm về cuộc sống của mẹ sau khi cha ông rời khỏi Việt Nam. Bà đã sống ở đâu trong thời gian đầu? Rồi dọn nhà đến sống ở đâu? Bà có tìm cách này hay cách khác để liên lạc với cha con ông hay không? Bà đã gặp những khó khăn gì? Bà đã vượt qua như thế nào? Bà đã phải chịu đau khổ thế nào vì nhớ thương cha con ông? Ông cũng muốn nghe bà chia sẻ hết những niềm vui, thậm chí cả những chiến công bà đã lập nên trên chiến trường. Chẳng phải những chiến công oanh liệt đó đã mang về cho bà một tấm huân chương sao? Từ lúc nào bà đã từ bỏ mọi hy vọng một ngày kia có thể gặp lại con mình? Lúc này bà cảm thấy thế nào?
Ông nhìn mẹ âu yếm. Ông tự an ủi rằng tất cả những điều ấy giờ đây không còn quan trọng nữa. Trong những giây phút đầu tiên hội ngộ, điều thú vị nhất là từ nay ba người bọn họ đã được ở bên nhau suốt đời. Jansen Morati và mẹ ngồi trên một trong hai chiếc giường kê trong phòng. Mẹ tựa đầu vào vai ông, lau dòng nước mắt đang chảy dài trên má trái của đứa con trai. Rồi bà cầm lấy bàn tay trái của con trai mà vuốt ve. Jansen đành bằng lòng với nụ cười thường trực với mẹ. Đó là cách hai mẹ con giao tiếp trong dịp trọng đại này. Thỉnh thoảng bà lại ngẩng lên ngắm khuôn mặt con thật lâu. Tay bà lướt trên gương mặt ấy, bà chỉnh lại cổ áo cho con, luồn ngón tay mình trong tóc con, lướt những ngón tay trên cằm, trên môi Jansen. Tất cả những cử chỉ âu yếm này của mẹ đã mang lại cho Jansen một cảm giác hạnh phúc khôn tả.
Thật tiếc là hai mẹ con không thể hiểu được lời nhau nói. Bản thân ông cũng có rất nhiều chuyện muốn kể với mẹ. Ông muốn kể mẹ nghe về gia đình nhỏ của mình, muốn giải thích những động lực đã thúc đẩy ông phải đi tìm mẹ. Ông muốn làm bà yên lòng rằng từ nay ông sẽ chăm lo cho bà và em Nghiên.
Em gái ông đang ngồi trong một chiếc ghế bành, quan sát hai người, cô mỉm cười với anh trai. Cô quay sang mẹ nói vài câu, mẹ ông liền ra hiệu cho ông về phòng nghỉ ngơi. Nói cách khác, mẹ gợi ý ông nên cố ngủ đi một lát để đỡ mệt sau một chuyến bay dài. Jansen Morati hiểu ý bà. Ông vẫn muốn ở lại với mẹ và em thêm một lúc nữa. Ông ôm hôn mẹ và em gái rồi lui về phòng mình, ngay cạnh đó.
Về đến phòng rồi, ông gọi điện cho vợ mình thuật lại những giây phút trang trọng của buổi tiếp đón nồng nhiệt tại làng Phương Liệt. Sau đó, ông gọi sang Mỹ cho Arnaud.
– Cuối cùng cuộc gặp cũng diễn ra. Con chia sẻ với cha niềm vui này. Con biết là nội yêu cha nhiều lắm mà. Mặc dù cả nhà ta đã nỗ lực để cha luôn được bao bọc trong tình yêu thương, mặc dù cha đã tương đối thành công trong sự nghiệp, con vẫn cảm thấy cha luôn thiếu một điều gì đó rất quan trọng mà không một ai, không một điều gì có thể bù đắp nổi. Hôm nay thì cả nhà ta được chung vui với cha rồi.
– Đúng vậy. Nếu cha vẫn chưa tìm lại được bà nội thì cuộc đời cha không khác gì một bản hòa tấu còn dang dở. Cha sẽ vẫn cực kỳ hối tiếc vì một nhiệm vụ chưa hoàn thành. Nhưng nhờ ơn Chúa, giờ cha đã là một người hạnh phúc.
– Con rất ngưỡng mộ lòng dũng cảm và nhất là ý chí bền bỉ của cha. Cha là một người có niềm tin sắt đá, nếu không cha hẳn đã bỏ cuộc từ lâu rồi.
– Con là con trai cả trong nhà. Các em con sẽ trông vào con, chúng sẽ coi con như một tấm gương để noi theo. Hãy biết rằng trong cuộc đời, phải luôn biết ước mơ những chuyện lớn lao. Trên cơ sở đó, không có sự hy sinh nào là thừa thãi cả. Con sẽ dễ dàng kết hợp những lựa chọn khả thi mang tính chất chiến lược để nhắm đến mục tiêu của mình chuẩn xác hơn.
– Con cảm ơn lời khuyên của cha. Cha có thể tin ở con. Mà cha vẫn chưa cho con biết tình hình của nội và cô Nghiên.
– Bà nội khỏe. Tinh thần phấn chấn. Đáng lẽ bà nội phải khỏe mạnh hơn thế này. Những năm hoạt động bí mật trong chiến tranh ác liệt đã để lại cho nội những di chứng. Cha cảm thấy thể trạng của nội đã giảm sút nhiều. Nội con yếu rồi, việc di chuyển, đi lại rất khó khăn. Cha sẽ đặc biệt chăm lo cho đến sức khỏe của nội, đưa nội con đi khám định kỳ mới được. Còn cô Nghiên con thì rất vui và hãnh diện vì mình còn có một người anh trai.
Người thứ ba Jansen gọi điện báo tin là bà Hortense ở Luxembourg. Ông kể lại với bà Hortense ngày đáng nhớ của mình ở Hà Nội, từ lúc xuống máy bay đến làng Phương Liệt. Ông cũng báo tin cho bà Alix, người thư ký năng động, mẫn cán của mình. Xong xuôi, Jansen Morati cố gắng nghỉ ngơi thư giãn.
Ông nằm dài trên giường. Suốt chặng bay Chicago – Paris – Hà Nội, ông đã không thể chợp mắt. Kiệt sức nên ông nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.
Đến 7h rưỡi tối ông mới tỉnh giấc. Ông sang phòng bên gặp mẹ và em. Hai mẹ con đang xem tivi trong phòng. Ông đến ngồi cạnh mẹ. Hai mẹ con ôm nhau thật lâu. Rồi, bà Quang nhích người ra để ngắm con trai mình được kỹ hơn. Bà òa lên khóc nức nở, hai tay bưng lấy mặt. Jansen Morati kéo bà lại phía mình, mắt cũng ngấn nước. Nghiên chạy lại an ủi hai người. Mẹ Jansen đặt tay phải của mình lên vai trái ông. Bàn tay bà lướt chậm dọc theo cánh tay ông xuống bàn tay. Bà cầm những ngón tay của con trai, từng ngón một, xoa bóp nhẹ nhàng. Hai mẹ con nhìn nhau rồi cười với nhau, như để bày tỏ niềm hạnh phúc của họ trong phút giây này. Bà nhận thấy cổ Jansen đang rịn mồ hôi, bà liền bảo Nghiên bật điều hòa.
Bà đề nghị với hai con đi ăn tối. Jansen Morati cùng mẹ và em gái bước xuống phòng ăn của khách sạn, tay nắm tay. Trước khi dọn những món họ đã gọi ra, phục vụ đem đến những chiếc khăn ấm để lau tay. Người mẹ bèn cầm lấy chiếc khăn tự lau tay cho con trai.
Trong bữa ăn hôm đó, Nghiên và mẹ nói chuyện vui vẻ, thi thoảng lại phá lên cười. Nhìn hai người họ thật hạnh phúc. Hai mẹ con còn nói chuyện với nhân viên khách sạn đang nhìn sang Jansen Morati với con mắt cực kỳ thiện cảm. Hẳn là họ đang kể tường tận với những người đối thoại cuộc tìm kiếm của người con, người anh trai của từng người mà họ đã coi như một bản anh hùng ca.
Tất cả những thực khách hôm đó đã dừng bữa để lắng nghe trọn vẹn câu chuyện, được một lát lại vỗ tay hoan hô. Ba người khách tình cờ ngồi bàn bên, hai người đàn ông và một phụ nữ. đứng dậy để bắt tay họ. Ba người này còn trao đổi rất lâu với bà Quang, rất có thể là để chúc mừng bà.
Sau bữa tối, ba mẹ con cùng lên phòng, trong tiếng hoan hô của các thực khách và nhân viên khách sạn. Jansen Morati không về phòng ngay mà ngồi lại với mẹ và em. Ông ngồi trên ghế bành, mẹ ngồi đối diện. Bà ra hiệu hỏi con trai ăn có ngon miệng không, có hài lòng với các món trong thực đơn không. Ông gật đầu để tỏ ý hài lòng. Ông cũng bắt chước y hệt những cử chỉ ấy để hỏi lại mẹ và em. Cả ba mẹ con liền phá lên cười. Nghiên đi tắm. Người mẹ cầm lấy hai tay của con trai.
Ngồi đối diện nhau, hai mẹ con nhìn nhau không chớp. Ngón tay trỏ của bà chậm rãi lướt trên lông mày, trên mắt, mũi, miệng, cằm, ria mép của con trai. Bà mỉm cười với con. Ông thấy một dòng nước mắt chảy chầm chậm trên má trái của mẹ. Ông đưa ngón cái tay phải lên lau nước mắt cho mẹ. Bà lại nắm lấy hai tay con trai đặt lên môi mình. Dưới gầm chiếc bàn nhỏ đang kê giữa hai mẹ con, chân bà để trần đặt lên trên chân của Jansen. Đó là cách bà thể hiện tất cả tình cảm yêu thương của mình dành cho con, những tình cảm mà bà không thể nói bằng lời. Ông hiểu thông điệp đó. Đáp lại, ông cũng ấp chặt hai bàn tay mẹ. Ông đứng dậy, sang ngồi cạnh mẹ trên thành ghế, một tay vuốt mãi mái tóc đen của bà, tay kia đặt trên vai.
Nghiên từ phòng tắm bước ra đi thẳng đến tủ lạnh, lấy ra một lon bia mời anh trai. Rồi cô đến ngồi đối diện với mẹ và anh, chỗ ngồi ban đầu của Jansen trong ghế bành. Cô nói mấy câu với mẹ, hai mẹ con quay sang bảo ông nên nghỉ ngơi đi ngủ. Ông ôm mẹ và em rồi về phòng mình. Họ tiễn ông sang tận cửa phòng ông.
Jansen Morati nằm xệp trên giường của mình. Thế là xong! Ông giơ hai cánh tay lên cao, bàn tay nắm chặt lại, dấu hiệu của chiến thắng. Ông đã mò mẫm trong một đường hầm suốt năm mươi năm trời. Gặp lại mẹ cũng đồng nghĩa với việc cuối cùng ông cũng thoát ra khỏi đường hầm ấy, nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Niềm hạnh phúc ấy mới lớn lao và sâu sắc biết bao. Những cơn trầm uất khi tưởng tượng mẹ đang ở đâu đó, nhưng không thể biết chính xác là ở đâu đã chấm dứt! Tất cả những câu hỏi hãi hùng lung lạc ý chí ông, khi ông nghĩ đến cuộc sống mẹ đã sống mà không có ông bên cạnh, không ai quan tâm chăm sóc đã thôi đeo bám tâm trí! Những suy đoán làm tinh thần suy sút rằng sẽ không bao giờ còn gặp lại mẹ nữa đã tan biến! Những ý nghĩ rùng rợn, chết chóc vẫn quấy rầy, ám ảnh ông mà ông vẫn phải gắng hết sức để đẩy lùi đã không còn! Ông có cảm giác từ giờ phút này, mình là một con người tự do, đôi chân không còn xiềng xích nữa.
Ông vinh danh Chúa đã cho hai mẹ con hội ngộ trong một cuộc gặp gỡ lịch sử. Ông biết rằng Đức chúa trời chưa bao giờ bỏ mặc ông trong cuộc chiến này. Hoàn toàn ngược lại, ông tin chắc rằng Người đã không ít lần đưa ra cơ hội để ông nắm bắt, phát triển và củng cố một vài nét tính cách: tính kiên trì, tinh thần chiến đấu, kiên cường, và tinh thần mạnh mẽ. Những phẩm chất này không phải sinh ra ông đã có được. Ông tin Chúa đã có mặt bên cạnh giúp ông đưa những phẩm chất đó vào tính khí của mình.
Do đâu mà Đấng Chúa trời đã lắng tai nghe lời nguyện cầu của ông? Ông là ai mà lại được hưởng một ân huệ thần thánh nhường này? Ông xứng đáng hơn những con chiên mộ đạo khác sao? Chắc chắn là không phải, ông, một mẫu hoàn toàn vô danh trong vô số những con chiên của Chúa. Vậy thì tại sao lại là ông? Những con đường của Chúa thật khôn lường, không thể đoán định được đối với người trần mắt thịt chúng con.
Jansen Morati đành tự hài lòng với một ghi nhận: nhìn nhận một cách khách quan thì không gì ngoài năng lực bản thân dẫn ông đến chỗ thành công trong học tập và chặng đường nghề nghiệp rồi vươn lên một vị trí cao trong xã hội. Chính Chúa cũng thấy những lời cầu nguyện mỗi ngày của ông thành hiện thực trong ngày đáng nhớ này là lẽ đương nhiên. Ông cảm tạ Đáng Tối cao đã mở lượng khoan dung vô bờ. Rồi lòng đầy cảm thương, ông nghĩ đến em gái Làn của mình đã không may mất sớm. Lẽ ra Làn phải được tham dự vào ngày hội hôm nay. Người em gái vẫn luôn hiện diện và sống mãi trong tim ông, suốt cả cuộc đời ông. Mãi mãi ông sẽ không bao giờ quên Làn.
Miên man suy nghĩ đến đây, ông ngủ thiếp đi.
Quay về Abidjan, Bờ Biển Ngà
Thứ tư, ngày 8 tháng Năm năm 2002.
Jansen Morati sang phòng bên gặp mẹ và em Nghiên.
Hai người đã đứng cả dậy, ra hiệu hỏi xem ông ngủ có ngon không và đã đỡ mệt chưa. Ông cũng hỏi thăm mẹ và em gái. Sau đó họ cùng xuống phòng ăn tầng dưới để dùng điểm tâm.
Ông Văn Kim đến khách sạn gặp họ thông báo chương trình của ngày hôm nay. Ông trao đổi vài lời với hai người phụ nữ trước khi quay sang nói với vị khách:
– Mẹ và em gái cậu nhờ tôi chuyển lời đến cậu rằng họ rất vui được đi cùng cậu. Hai mẹ con phàn nàn về rào cản ngôn ngữ giữa cậu và họ. Nhưng điều này không ngăn được họ yêu thương cậu bằng cả trái tim và rất tự hào về cậu. Sự hiện diện của cậu ở Việt Nam đã đề cao hình ảnh họ trong mắt họ hàng ở Phương Liệt.
– Tôi rất vui. Tôi vẫn chưa tin những chuyện đã xảy ra với mình. Thật tuyệt vời. Thỉnh thoảng tôi lại có cảm giác lâng lâng, bồng bềnh như đang đi trên mây. Bác hãy nói với mẹ và em gái tôi rằng tôi cũng rất hạnh phúc được ở bên cạnh họ. Tôi sẽ còn hạnh phúc hơn nếu cả ba mẹ con có thể ở cùng một nơi.
Ông Văn Kim dịch lời nói của Jansen Morati rồi quay sang nói với ông:
– Họ cũng rất muốn sống cùng cậu.
– Tại Bờ Biển Ngà sao?
– Đúng vậy, tại Bờ Biển Ngà.
– Tuyệt quá. Tôi buộc phải rút ngắn thời gian ở Việt Nam vì lý do công việc. Bác đi cùng tôi hỏi xem các chuyến bay còn chỗ không được chứ?
– Không thành vấn đề.
– Tôi cũng mong được gặp bác Nguyễn, bác Ngọc và anh Tiêu.
– Lúc này vẫn còn sớm quá.
– Có vấn đề gì sao bác? Tôi còn món nợ ân tình với ba người bọn họ.
– Tôi sẽ giải thích với cậu sau tại sao cậu lại không thể gặp họ trong thời gian ở Việt Nam.
– Ngay cả trước khi trở về Bờ Biển Ngà cũng không được sao?
– Tôi lấy làm tiếc.
Hai người cùng ghé mấy hãng hàng không. Chuyến bay dự báo ngày 14 tháng Năm hành trình Hà Nội – Paris còn chỗ. Bà Quang và con gái Nghiên sẽ ở chơi Abidjan hai tháng rồi quay về Việt Nam. Họ sẽ sang Bờ Biển Ngà vào quý ba năm 2003 và lần đó sẽ ở chơi lâu hơn.
Sau khi đã đặt vé máy bay, ông Văn Kim đưa ba mẹ con đi thăm phố phường Hà Nội, Thủ đô hành chính và chính trị của Việt Nam. Đến giờ trưa, họ quay về khách sạn dùng cơm. Ba giờ chiều, ông Văn Kim và Jansen Morati đi thăm ông Hoàng Khải, một sĩ quan cao cấp của quân đội Việt Nam đã về hưu và nói tiếng Pháp rất thông thạo.
– Ông Văn Kim đã báo tôi biết là sẽ có cậu đi cùng. Ông ấy đã giải thích rất kỹ những lý do cậu có mặt tại Hà Nội. Tôi rất phục ý tưởng rất dũng cảm của cậu là lên đường sang Việt Nam tìm lại mẹ. Tôi cũng đã được thông báo là cậu đã tìm được bà ấy. Chúc mừng cậu.
– Cảm ơn bác.
– Tôi là một sĩ quan cao cấp phục vụ trong quân đội Việt Nam, giờ đã nghỉ hưu rồi. Tôi cũng đã từng chiến đấu kiên cường chống lại quân đội Pháp, giống như ông Văn Kim trước kia. Cá nhân tôi không biết mẹ cậu, khi bà chiến đấu trong hàng ngũ Việt Minh nhưng tôi đã được nghe kể nhiều về bà, về những chiến công của bà. Đó là một phụ nữ năng động và rất gan dạ. Lúc này cậu sang đón bà sang Bờ Biển Ngà cùng cậu, tôi muốn khuyên cậu vài điều.
– Rất vui được bác chỉ bảo.
– Tôi muốn nói mẹ cậu là một trong số rất nhiều những nữ anh hùng thời chiến của Việt Nam. Tôi muốn công nhận và nhấn mạnh điểm này. Cậu nên hãnh diện về mẹ mình, vì lòng dũng cảm và ái quốc của bà.
– Tôi rất tự hào về mẹ.
– Tôi biết mẹ cậu không may đã bị thực dân Pháp bắt và tù đày. Bà ấy là một phụ nữ có tính cách mạnh mẽ. Thường xuyên chịu tra tấn nhưng bà ấy vẫn một mực không khai điều gì, không bao giờ phản bội đồng đội và niềm tin của mình. Tôi muốn cậu lưu tâm rằng bà ấy vẫn luôn mang trên mình những di chứng của những đòn tra tấn ghê rợn này. Tất cả những phụ nữ Việt Nam đã bị tra tấn như mẹ cậu đều mang những dấu tích đòn thù trên cơ thể. Hãy quan sát kỹ hai bên thùy tai của bà ấy. Ngày bị bắt, tù đày, bọn cai tù đã nhiều lần cho xung điện lên tai mẹ cậu. Chúng mắc nối mạch điện lên một chiếc mũ kim loại rồi đội lên đầu bà ấy, phóng điện với cường độ mạnh dần lên để bắt bà ấy khai. Một số tù nhân đã chết vì kiểu tra tấn này.
– Thật kinh khủng.
– Kiểu tra tấn này rất hại đến bộ não. Chúng tôi đã gặp và nghiên cứu những trường hợp tương tự, có thể kết luận rằng bây giờ, nếu mẹ cậu muốn hồi tưởng lại những sự việc trong quá khứ, bà ấy sẽ gặp phải những lỗ hổng ký ức. Theo tôi được biết thì mẹ cậu cũng nhận thức được tình trạng này. Bà ấy đã cố gắng thử nhớ lại những phần còn thiếu trong quá khứ của mình nhưng không có kết quả. Những nỗ lực trong việc này khiến bà ấy đôi lúc bị trầm uất.
– Tôi không hề biết việc này.
– Mẹ cậu rất minh mẫn. Bà ấy vẫn tư duy hoàn toàn bình thường, không bị mất tất cả năng lực trí tuệ. Trong thời gian đưa mẹ về Bờ Biển Ngà, cậu hãy tránh đặt ra với bà ấy những câu hỏi về quá khứ của bà ấy. Cậu có thể vô tình gây ra một cơn khủng hoảng tâm lý ở bà ấy.
– Tôi hiểu.
– Tôi mong cậu sẽ bao bọc mẹ cậu bằng một tình yêu thương lớn, cậu cũng như những thành viên khác trong gia đình, đúng như các bác sĩ đã khuyến cáo. Bà ấy cần được sống trong một môi trường đầy tình yêu thương khiến bà ấy yên lòng. Dần dần bà ấy sẽ tìm lại được một số kỷ niệm đã mất đi. Mẹ cậu sẽ tự nhớ lại những sự việc xưa cũ đã bị chôn sâu trong ký ức của bà.
– Giờ thì tôi đã rõ hơn.
– Nếu cả gia đình cậu ở Bờ Biển Ngà sưởi ấm bà ấy bằng tình cảm nhân ái, cậu sẽ thấy quá khứ của bà phục hồi tuần tự. Đến lúc đó, bà ấy có thể kể cho cậu hàng giờ những sự kiện xuất hiện trở lại trong tâm trí. Đó là những gợi ý của tôi đối với cậu. Lời khuyên cuối cùng: hãy trông chừng, tối đa có thể, để bà ấy không phải chứng kiến những cảnh xung đột vũ trang với những cảnh bạo lực, trên phim ảnh hay truyền hình chẳng hạn. Những lớp phim này có thể tác động rất xấu đến tâm lý và kích hoạt những bất ổn về thần kinh đối với mẹ cậu.
– Cảm ơn bác rất nhiều về những lời khuyên hữu ích này. Khi về đến Bờ Biển Ngà, tôi sẽ hết sức lưu ý.
Ông Văn Kim xen vào câu chuyện để cảm ơn ông Hoàng Khải. Viên sĩ quan cao cấp nghỉ hưu tiễn họ một đoạn đường dài trước khi quay trở về nhà mình.
– Tôi ủng hộ những lời ông bạn tôi vừa khuyến cáo cậu. Cha dượng của cậu không biết cách đem lại cho mẹ cậu môi trường tình cảm đáng ra đã cho phép bà ấy vượt qua tật nguyền về tâm lý này. Có vẻ như cuộc hôn nhân này không được như ý. Chính bởi vậy, cô Nghiên em gái cậu luôn ở bên mẹ để cố gắng bù đắp sự thiếu hụt tình cảm đó.
– Giờ thì tôi đã có thể nhận thức mọi chuyện rõ hơn.
– Một khi đã sang đến Bờ Biển Ngà, việc cậu phải làm là duy trì và củng cố hành động mà cô Nghiên đã làm với mẹ cậu. Có vậy bà mới có thể phục hồi toàn bộ năng lực trí nhớ của mình, hoặc gần như vậy. Tôi biết là mình có thể đặt niềm tin nơi cậu.
– Tôi hứa với bác chuyện đó.
– Giờ thì chúng ta quay về khách sạn thôi.
– Xin bác thứ lỗi tôi lại nhắc đến chuyện này. Chúng ta không thể ghé qua thăm hai bác Nguyễn và Ngọc cũng như anh họ Tiêu sao? Đó cũng là dịp để tôi thăm hỏi và chào tạm biệt hai bác gái đáng mến.
– Vì những lý do tôi chưa thể giải thích với cậu vào lúc này, ta nên tránh gặp họ trong thời gian cậu lưu lại Việt Nam thì hơn. Phần nhiều khả năng là họ đã biết cậu hiện đang có mặt tại Hà Nội. Họ chắc không phải không biết cậu đang ở cùng mẹ và em gái. Cuối cùng thì họ phải hay tin cậu đã đến tìm họ trước khi trở về Bờ Biển Ngà. Ở làng Phương Liệt này tin tức truyền đi nhanh lắm.
– Thật tiếc nếu không thể ghé qua nhà chào họ.
Jansen Morati tự hỏi đúng ra đã xảy ra chuyện gì khiến ông không thể tiếp xúc với ba người ấy? Cả ba đã góp phần tích cực trong cuộc tìm kiếm mẹ khi ông lần đầu tiên đến Việt Nam cơ mà.
– Tôi cũng lấy làm tiếc cho cậu. Quan điểm này cũng được hội đồng dòng tộc của cậu ở làng Phương Liệt thông qua. Quan điểm này rất có thể liên quan đến lập trường của cha dượng cậu. Tôi không thể cho cậu biết thêm điều gì.
– Tóm lại, quan điểm của dượng tôi là gì kia?
– Ngay lúc này đây, ông ấy đã đoán biết được cậu là ai, có quan hệ thế nào với vợ mình. Tuy vậy, coi như ông ấy vẫn chưa biết lúc này cậu đang có mặt tại Hà Nội. Chúng tôi sẽ cử ra một phái đoàn xuống Tiền Giang để giải thích rõ với ông ấy, sau khi cả ba mẹ con cậu lên đường sang Bờ Biển Ngà.
– Sau khi mẹ con tôi đi à? Tại sao không phải ngay bây giờ?
– Đó là quyết định của họ hàng cậu tại Phương Liệt.
– Vậy thì tốt. Tôi sẽ không nài thêm nữa.
– Giờ chúng ta sẽ về khách sạn để cậu còn ăn trưa với mẹ và em gái. Họ chắc đang đợi chúng ta về.
Quả đúng là hai mẹ con đang chờ thật.
Buổi sáng hai mẹ con đã đi thăm họ hàng ở Phương Liệt, vừa về đến khách sạn. Chị họ của Jansen Morati cùng đi với họ. Ông Văn Kim thông báo cho bà Quang và Nghiên biết ngày giờ khởi hành đi Abidjan, rằng vé máy bay cũng đã mua. Ông Văn Kim tính ngày mai sẽ qua khách sạn đưa ba mẹ con đi dạo, thăm thú một vòng Hà Nội. Ông xin lỗi vì không thể ở lại dùng bữa trưa với mấy mẹ con, cô cháu.
Dùng bữa xong, Jansen Morati lui về phòng mình để ba người phụ nữ chuyện trò thoải mái hơn. Sau một giấc ngủ trưa ngắn, ông kiểm tra lại cuộn băng ghi hình lễ trao bằng tốt nghiệp cho con trai Arnaud cùng với các bạn học của nó bên Mỹ, sinh viên năm cuối trường Đại học Kỹ thuật Lawrence danh tiếng. Đó là một buổi lễ vui vẻ vào tháng Năm năm 2001 mà gia đình ông cùng bà Alix – thư kí văn phòng đều có mặt đông đủ. Arnaud và vị hôn thê Parker đã tranh thủ dịp này để thông báo chính thức lễ cưới của chúng ngày 9 tháng Sáu năm 2001 trước đủ mặt hai họ.
Jansen Morati ngồi trong phòng xem những hình ảnh được ghi lại. Sau đó ông bật lên cho mẹ và em gái xem để họ nhận mặt rõ hơn từng thành viên trong gia đình mới của họ. Trong những lần cố gắng giao tiếp trò chuyện thử gần đây, ông nhận thấy trình độ tiếng Pháp của mẹ đã tiến bộ rõ rệt. Một vài từ trở đi trở lại một cách tự nhiên trong những cuộc chuyện trò trao đổi của hai mẹ con.
Trong khi chờ đợi ngày khởi hành, ông Văn Kim, Jansen Morati cùng mẹ và em gái ông dành thời gian chủ yếu đi du lịch: thăm rất nhiều hồ và chùa chiền. Hôm trước khi lên máy bay, một buổi chụp ảnh đã diễn ra tại Phương Liệt. Hơn năm mươi bức ảnh được chuyển lại cho Jansen Morati làm kỷ niệm những ngày lưu lại làng. Họ hàng, chủ yếu là chị họ của Jansen chuẩn bị rất nhiều quà.
Ngày khởi hành sang Bờ Biển Ngà, thứ ba ngày 14 tháng Năm năm 2002 đã đến. Bà bác của Jansen Morati mời em gái Quang, cháu gái Nghiên và cháu trai đến từ Bờ Biển Ngà đến nhà chơi. Bà khuyên nhủ mẹ Jansen rất nhiều. Tiếp đó, mọi người sang nhà của con gái bà, chị họ Jansen, chị đã chuẩn bị sẵn một bữa ăn nhẹ cho mọi người.
Bầu không khí trĩu nặng trái ngược hẳn so với buổi tiếp đón tuần trước. Ai nấy đều im lặng, nghĩ ngợi và buồn bã. Những ánh mắt lảng nhìn ra chỗ khác. Mặc cho ông Văn Kim mời mọc mọi người bắt đầu dùng bữa, không ai thật sự thấy đói. Thỉnh thoảng, họ trao đổi với nhau vài lời, nhưng với giọng điệu sầu não. Jansen Morati ngồi cạnh mẹ, tay trong tay. Tất cả những ánh mắt đổ dồn về phía hai mẹ con. Giờ chia tay đã điểm. Đến bậc cửa thì những tiếng nức nở đầu tiên phát ra vừa đủ nghe.
Sau phút ôm hôn tạm biệt, một vài người phụ nữ nhanh chóng đi ra xa để không ai phải chứng kiến nỗi buồn của họ đang bật ra thành nước mắt. Số khác ở lại để theo xe tiễn ba mẹ con ra sân bay, thỉnh thoảng lại đưa tay gạt nước mắt. Nam giới cũng cố nén nỗi buồn. Trẻ con đứng nép vào người mẹ. Chúng nhận thấy điều gì đó rất đau đớn đang xảy đến, bởi vậy, chúng muốn giữ yên lặng.
Bà Quang và con gái Nghiên rất phiền muộn. Họ khó mà dứt khỏi những cái ôm tạm biệt cuối cùng của họ hàng. Nước mắt tuôn rơi trong yên lặng. Bước đến xe, cảm xúc đã dâng đến cực điểm. Những chiếc khăn tay chặn ngang miệng để ngăn giữ nỗi đau ly biệt. Những cô gái trẻ quay đi để không phải nhìn thấy chiếc xe lăn bánh. Mọi người giơ tay lên vẫy thay lời tạm biệt làm ông thấy mềm lòng, tâm trạng buồn bã. Những bàn tay ấy có chiều hướng bất động. Không khí buồn thảm, sầu não trong nhà như có tang. Họ đã thuê một chiếc xe để chở những người họ hàng gần gũi nhất tiễn ba mẹ con ra sân bay.