Ông Văn Kim gặp mặt bà Quang Tâm

Cuối tháng Năm năm 2000, Jansen Morati gọi điện thoại cho ông Văn Kim. Ông Văn Kim thông báo lễ trao huân chương kháng chiến cho bà Quang – Tâm đã dời lại đến cuối năm. Thế nên phải kiên nhẫn.

Jansen phải chờ đằng đẵng bảy tháng nữa, trước khi ông Văn Kim có thể chính thức tiếp xúc với mẹ ông. Trong khoảng thời gian này, hai người thường xuyên liên lạc thư từ với nhau, cho đến ngày ông Văn Kim báo với Jansen thời hạn trao huân chương lại bị hoãn đến tháng Ba hoặc tháng Tư năm sau.

Jansen Morati đề nghị người đại diện của mình thay đổi chiến lược. Chuyến đi Tiền Giang không nhất thiết phải gắn với ngày trao huân chương cho mẹ ông nữa. Nhất định phải tách riêng hai sự kiện này ra. Cậu Tiêu sẽ đến nhà cô mình trước ngày 31 tháng Bảy năm 2001. Khi được hỏi ý kiến, cậu Tiêu nhất trí với kế hoạch này. Rồi đến lượt ông Văn Kim sẽ xuống Tiền Giang.

Ông Văn Kim tính toán chi phí cho hai chuyến đi này và quà cho bà Quang – Tâm, Jansen Morati tính dự trù thêm một phần ba nữa. Ngay ngày hôm sau, ông đăng kí chuyển nhanh số tiền này qua Pháp. Ông Văn Kim đã nhận được giấy lĩnh tiền. Thậm chí Jansen Morati còn đề nghị gửi bổ sung nếu số tiền này không đủ trang trải.

Ngày tháng trôi đi. Ông Văn Kim cay đắng thông báo lại rằng cậu Tiêu có vẻ không xác định sẽ đi chuyến này. Cậu ấy đòi phải dời chuyến đi đến cuối tháng Chín năm 2001. Tình hình này khiến Jansen Morati bất mãn. Ông gọi điện đề nghị Arnaud lập tức liên lạc qua Internat với văn phòng tìm kiếm người thân mất tích. Hãng này có trụ sở đặt tại thành phố Hồ Chí Minh chứ không phải ở Hà Nội. Ông thảo ra một bản thông tin tóm tắt rồi gửi cho Arnaud qua hòm thư điện tử.

Arnaud đề nghị sẽ sang Việt Nam nếu tình hình vẫn không tiến triển gì thêm. Cha cậu đồng ý. Hai cha con thống nhất nếu đi sẽ đi vào ngày nào. Hơn nữa, càng gần đến cuối tháng Chín, ông Văn Kim lại càng có cảm giác cậu Tiêu không muốn xuống Tiền Giang. Ông tâm sự với Jansen. Cả hai quyết đinh loại cậu Tiêu ra khỏi cuộc tìm kiếm này. Thêm vào đó, họ quyết định không bàn đến lễ trao huân chương đã bị hoãn lại suốt thời gian qua. Họ thống nhất chấp nhận rủi ro là bà Quang – Tâm có thể bị loại khỏi danh sách những người được tặng thưởng huân chương đợt này. Họ dự tính sau đó sẽ tiếp xúc với lãnh đạo cấp cao để bà không bị tước huân chương.

Thời gian đã gấp lắm rồi. Cuộc gặp giữa Jansen Morati và mẹ ông đã trở thành ưu tiên hàng đầu. Ông Văn Kim đã có thể nhập cuộc.

Tuy nhiên phải đợi đến mùa nước rút ở đồng bằng sông Mê Kông. Chuyến đi của ông Văn Kim sẽ diễn ra trong khoảng tháng Mười Một đến muộn nhất là tháng Mười Hai năm 2001.

Tính đến thời điểm đó là đã hơn mười tám tháng kể từ ngày Jansen Morati rời Việt Nam. Ông giục con trai Arnaud đẩy nhanh tìm kiếm mà không nói lại với ông Văn Kim. Ông bảo con chuẩn bị sẵn sàng sang Việt Nam bất cứ lúc nào. Trong trường hợp đó, mỗi người sẽ tự trang bị những thông tin hữu ích và đáp chuyến máy bay sớm nhất đến thành phố Hồ Chí Minh rồi hai cha con sẽ hẹn gặp nhau tại đó.

Jansen Morati và ông Văn Kim vẫn thường xuyên liên lạc với nhau, trao đổi thông tin. Arnaud cũng tiến hành phần việc liên hệ của mình rất nhanh khiến cha cậu rất hài lòng.

Ông Văn Kim cũng đã lên đường đi Tiền Giang, dự kiến trở về Hà Nội vào cuối tháng Mười Hai năm 2001.

Ngày kia là lễ Giáng Sinh, Jansen gọi điện hú họa cho ông Văn Kim. Bất ngờ tuyệt vời!

– Tôi rất mừng được thông báo với cậu là tôi vừa từ Tiền Giang về – ông Văn Kim nói – tôi đã gặp được mẹ cậu.

– Tin này thật tuyệt. Mẹ tôi có khỏe không? – Jansen hỏi.

– Mẹ cậu khỏe. Bà ấy gửi đến cậu lời chào thân thương nhất. Bà ấy cảm ơn những lời động viên mà cậu đã nhờ tôi chuyển tới bà ấy. Tôi đã đích thân nhắc lại những lời động viên mà cậu đã nhờ tôi chuyển tới bà ấy. Tôi đã đích thân nhắc lại việc cậu ủy thác, bà ấy cảm thấy được an ủi nhiều. Chuyến đi dài hơn một ngàn năm trăm cây số, đi lại cũng vất vả nhưng cũng bõ công sức. Vào đến thành phố Hồ Chí Minh là tôi phải nghỉ mệt trước khi xuống Tiền Giang. Tôi đi xe khách xuống đó, hỏi thăm bao nhiêu người rồi cũng tìm được nhà mẹ cậu.

– Mẹ tôi đón tiếp bác thế nào?

– Rất niềm nở, rất vui.

– Lúc đó dượng tôi có nhà không?

– Ông ấy đang ở nhà.

– Phản ứng của ông ấy thế nào?

– Tôi tự giới thiệu mình là cán bộ chính quyền tại Hà Nội. Tôi thuyết phục họ là mình được phái đến đây công tác, tìm hiểu về bà Quang, thu thập tài liệu phục vụ cho đợt trao huân chương tới đây. Vậy nên tôi phải hỏi bà ấy một số câu để điền bổ sung vào hồ sơ của bà ấy. Nhưng, bà ấy cũng phải đích thân ra Hà Nội để ký xác nhận bản khai và một số giấy tờ quan trọng khác.

– Kế hoạch tiếp cận thật tài tình.

– Chồng bà ấy không thấy gì là bất tiện cả. Tôi bắt đầu hỏi bà ấy về thời gian hoạt động cho Việt Minh thì ông chồng ra ngoài vườn hái quả. Ông ấy chỉ đi một lát thôi.

– Bác đã tranh thủ lúc ông ấy ra ngoài để nói thật với bà ấy về danh tính của mình và lý do thật sự của chuyến thăm đó chứ?

– Chính xác. Tôi đã nói với bà ấy về cậu. Tôi đã nhắc lại mục đích chuyến đi của cậu tới Hà Nội. Tôi nhắc đến cuộc điện thoại mà bà ấy đã nói mình không phải mẹ cậu. Tôi phải vào chuyện chính ngay vì chồng bà ấy không vắng mặt lâu.

– Mẹ đã trả lời bác thế nào?

– Bà ấy im lặng, không nói một câu nào, mắt nhìn đau đáu. Tôi có cảm giác bà ấy đang hồi tưởng lại quá khứ xa xưa của mình. Rồi bà ấy khóc. Bà ấy cảm ơn tôi. Tôi gợi ý bà ấy ra Hà Nội sớm chừng nào hay chừng ấy để có thể nói chuyện tiếp với nhau. Tôi sẽ tranh thủ thông tin cho bà ấy biết tình hình cụ thể của cậu, con trai bà ấy. Tôi cũng đã nói nhanh rằng cậu sẵn sàng sang Việt Nam gặp bà ấy. Tôi lén đưa cho bà ấy ảnh của cậu. Đúng lúc chồng bà ấy quay vào. Tôi không nói thêm được chuyện gì nữa. Bà ấy cũng lau nhanh nước mắt.

– Bác đã nói được những thông tin chính. Đó mới là điều quan trọng nhất.

– Tôi đã nói với chồng bà ấy là tôi vừa phát hiện ra vợ ông ấy nguyên quán làng Phương Liệt. Tôi cũng gốc làng Phương Liệt thế mà lại không biết bà ấy.

– Dượng tôi phản ứng sao?

– Ông ấy công nhận dễ đến mười lăm, hai mươi năm nay vợ mình không bước chân về làng. Thế nên cũng chẳng ngạc nhiên khi một vài người không biết bà.

– Bác đã chuẩn bị cho cuộc gặp này chu toàn quá.

– Tôi đã xin với chồng bà ấy cho phép vợ ra Hà Nội càng sớm càng tốt vì hai lý do.

– Lý do thứ nhất liên quan đến chuyện ký giấy tờ và các tờ khai bổ sung để nhận huân chương.

– Đúng vậy. Và vì chính ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội triệu tập bà ấy ra Hà Nội nên tôi đã trích phần lớn số tiền cậu gửi để đưa lại cho bà ấy làm chi phí đi lại.

– Còn lý do thứ hai?

– Những ngày vợ ông ấy ở Hà Nội có thể kéo dài hơn dự kiến. Tôi đã nài để ông ấy cho phép vợ về thăm làng vài ngày. Họ hàng của bà ấy ở Phương Liệt hẳn là rất vui được gặp bà ấy sau bao năm xa cách.

– Ông ấy trả lời thế nào?

– Ông ấy đồng ý nhưng muốn chuyến ra Hà Nội này đợi đến sau Tết cổ truyền của Việt Nam, trùng với vụ thu hoạch lúa và cây ăn quả.

– Thời điểm đó rơi vào tháng mấy?

– Khoảng cuối tháng Hai, đầu tháng Ba năm sau, 2002.

– Mẹ tôi bằng lòng ra Hà Nội chứ?

– Nếu chuyện ấy chỉ phụ thuộc mình mẹ cậu thì bà ấy đã ra Hà Nội trước thời hạn này. Tôi đã chụp với bà ấy vài tấm ảnh, tôi sẽ gửi ngay qua đường bưu điện cho cậu. Trong tập ảnh này, cậu sẽ thấy một phụ nữ còn trẻ. Cô ấy là em gái cậu, tên là Nghiên.

– Em gái tôi à? Tôi không hiểu.

– Đúng vậy. Sau cậu, mẹ cậu còn sinh thêm một người con nữa. Hai người, cậu và cô Nghiên là do cùng một mẹ sinh ra. Tôi phải nói rõ rằng người chồng sống với mẹ cậu bây giờ không phải cha đẻ của cô Nghiên. Cô ấy là một phụ nữ rất năng động.

– Bác nói rõ hơn xem?

– Em gái cậu tự mình chăm sóc mẹ, cũng là mẹ cậu. Cô ấy buôn bán lặt vặt để giúp đỡ mẹ. Nhờ cô ấy tiết kiệm tiền nên mới xây được cho mẹ một căn nhà, rõ ràng là khá hơn nhiều so với chỗ ở cũ của họ, cậu đã thấy trong tấm ảnh người ta chuyển cho cậu hồi còn ở Hà Nội ấy.

– Tôi nhớ ra rồi.

– Giờ mẹ cậu và em gái cậu sống trong một ngôi nhà đàng hoàng hơn.

– Em gái tôi bao nhiêu tuổi rồi?

– Khoảng bốn mươi.

– Vậy là em gái tôi không còn trẻ nữa. Cô ấy đã lập gia đình chưa? Lấy ai? Có con chưa?

– Không. Cô Nghiên chưa kết hôn. Cũng chưa có con cái gì hết. Cô ấy đã từ chối bốn người rồi. Cô ấy khước từ tất cả những người có ý định tiến tới hôn nhân để có thể tiếp tục chăm sóc mẹ. Cô ấy không muốn để mẹ một mình.

– Em Nghiên đã hy sinh cả tuổi xuân để lo cho mẹ của chúng tôi.

– Đúng vậy. Cô ấy hiếu thảo lắm.

– Tình cảm cô ấy dành cho mẹ thật phi thường. Tôi rất cảm động trước tấm lòng hy sinh đó.

– Cậu và em gái có một điểm chung, cả hai anh em đều rất gắn bó với bà Quang – Tâm. Bà ấy đã có công sinh ra hai đứa con đều sẵn sàng hy sinh tất cả vì mẹ. Đúng là rất hiếm khi gặp được những người con như cô cậu.

– Cám ơn bác đã có lời khen. Tin bác thông báo hôm nay thật tốt lành. Tôi mừng lắm. Tôi nóng lòng gặp mẹ và em gái. Ngàn lần cảm ơn bác đã vất vả nhiều để giúp tôi.

Jansen Morati và mẹ Quang Tâm gặp nhau lần đầu tiên qua điện thoại

Sau khi nói chuyện điện thoại với ông Văn Kim, Jansen Morati vội thuật lại sự việc với vợ, Arnaud, bà Hortense và thư ký riêng của mình là bà Alix. Năm tuần sau, ông nhận được tập ảnh ông Văn Kim đã hứa gửi qua đường bưu điện. Ông lại được nhìn thấy mẹ. Khi nhìn Nghiên, ông không thể không nghĩ tới em gái Làn của mình đã không may mất sớm. Lòng ông tràn ngập một nỗi buồn. Nhưng Chúa thật công minh. Nghiên đã được sinh ra thế vào chỗ của Làn. Ông gọi điện cho ông Văn Kim báo mình đã nhận được ảnh.

– Tôi hy vọng cậu thích mấy tấm ảnh đó chứ?

– Tuyệt lắm bác ạ. Khuôn mặt mẹ tôi rõ hơn nhiều. Em Nghiên trông rất duyên dáng. Cảm ơn bác vì những bức ảnh rất đẹp này. Tôi mang ơn bác nhiều lắm. Tôi đồ rằng trong ảnh này, ngoài bác ra, người đàn ông còn lại là cha dượng tôi?

– Cậu nhìn đúng rồi đấy. Nhân thể tôi báo luôn để cậu biết là mẹ cậu, bà Quang – Tâm và cô Nghiên bốn tuần nữa sẽ ra đến Hà Nội. Chuyện này đã gần như chắc chắn rồi. Thế cậu định bao giờ sang Việt Nam?         

– Theo bác dự tính, mẹ và em gái tôi sẽ có mặt ở Hà Nội vào cuối tháng Hai năm 2002. Còn tôi có thể thu xếp đến Hà Nội ngay tuần đầu tiên của tháng Ba. Nhưng phải làm sao để khớp thời gian hai chuyến đi này. Tôi sẽ lấy phép hai tuần. Tôi cũng không giấu bác ý định muốn mời mẹ và em gái sang Bờ Biển Ngà chơi với gia đình tôi hai tháng. Nhân dịp này để mẹ tôi biết mặt con dâu và mấy đứa cháu nội.

– Bà ấy cũng sẽ có dịp gặp lại cha cậu.

– Bác có nghĩ mẹ và em gái tôi cùng họ hàng bên ngoại ở làng Phương Liệt sẽ thuận tình cho chuyến đi tới Bờ Biển Ngà này chứ?

– Tất cả sẽ đồng ý với đề nghị của cậu thôi. Cậu đừng lo chuyện đó. Tất cả chúng tôi đều biết cậu đủ khả năng tài chính để chăm lo cho họ. Hơn nữa, cậu còn có một quyết tâm không gì lay chuyển nổi là mang lại hạnh phúc cho họ.

– Tôi đang nghĩ không biết họ có hộ chiếu xuất cảnh chưa?

– Tôi tin là chưa đâu. Phải nhắc họ đi làm hộ chiếu mới được. Tôi sẽ lo chuyện này.

– Nếu thiếu tiền để mẹ và em gái tôi làm hộ chiếu hay những thủ tục khác xin bác cứ cho biết.

– Tiền cậu đưa lần trước vẫn còn. Cậu không phải đưa thêm. Nếu tính theo thời hạn cấp hộ chiếu thì cậu sẽ đến Việt Nam khoảng giữa tháng Tư hoặc đầu tháng Năm năm 2002.

– Không quan trọng bác ạ. Cái chính là tôi có thể trở về Bờ Biển Ngà cùng mẹ với em gái ở chơi những hai tháng. Trong lúc chờ đợi, tôi sẽ gọi cho bác thường xuyên.

Sau khi đã suy xét cẩn thận, Jansen Morati quyết định viết thư cho mẹ, nhờ ông Văn Kim chuyển cho bà. Bà có thể nhận được bức thư này vào tuần đầu tiên của tháng Ba, nghĩa là một tuần sau khi đến Hà Nội. Ông muốn chuẩn bị tâm lý cho mẹ về chuyện em Làn đã mất trên con tàu chở ba cha con về châu Phi. Ông sẽ giải thích cho bà hiểu. Như vậy sẽ tốt hơn. Vợ chồng ông Văn Kim sẽ biết cách an ủi bà. Bức thư sẽ tránh cho mẹ câu hỏi ông vẫn giữ cho riêng mình để xóa tan mọi ngờ vực. Nghĩ đến trái tim nhạy cảm của mẹ mình mới là người khôn ngoan.

Vậy là ông viết bức thư đề ngày mùng 4 tháng Hai năm 2002.

Nghiên và mẹ ra đến Hà Nội ngày mùng 4 tháng Ba năm 2002. Ông Văn Kim đã báo tin tuyệt vời này lúc Jansen gọi điện. Ông Văn Kim bảo Jansen hãy gọi lại vào 11h trưa mai theo giờ Abidjan. Ở Việt Nam sẽ là 6h tối. Ông Văn Kim sẽ ngồi cùng bà Quang – Tâm và Nghiên.

Jansen Morati quyết định sẽ ở một mình khi nói chuyện với mẹ. Ông không báo tin này cho ai biết. Quá nóng lòng được nói chuyện với mẹ lần đầu tiên nên ông gọi sớm hẳn bốn mươi nhăm phút. Thật may là ông Văn Kim có nhà.

– Tôi hy vọng không làm đảo lộn kế hoạch của bác chứ? Tôi nóng ruột quá nên mới gọi trước cả giờ bác hẹn.

– Không hề gì. Tôi cũng mừng khi thấy cậu gọi. Tôi hân hạnh thông báo với cậu rằng mẹ Quang – Tâm và em gái cậu, cô Nghiên đang ngồi cạnh tôi đây.

Jansen Morati sửng sốt bất chấp đã chuẩn bị tâm lý. Lần đầu tiên sau bốn lăm năm ròng rã, ông sẽ được nghe giọng nói của mẹ. Ông sẽ nói với mẹ. Mẹ sẽ nói với ông. Hai mẹ con sẽ cùng nhau chuyện trò. Ông càng lúc càng thấy khó thở. Ông buộc phải nuốt nước miếng liên tục để cổ họng đỡ khô rát. Người ông vã mồ hôi mặc dù trong phòng đang bật điều hòa. Hai bàn tay ông run run. Ông nhận biết rất khó khăn niềm hạnh phúc đang bắt kịp ông, suýt nữa làm ông nghẹt thở.

– Mẹ cậu muốn nói chuyện với cậu. Tiếng Pháp thì bà ấy nghe vẫn hiểu được nhưng nói thì không được thạo. Đã hơn ba chục năm mẹ cậu không dùng đến thứ ngôn ngữ này rồi. Tôi sẽ ngồi cạnh để phiên dịch, nếu cần.

Người Jansen Morati run lên từng đợt.

– Alô!

– Vâng, chào mẹ.

– Chào Jansen. Mẹ của con đây.

Nghe những lời này, Jansen Morati không thể cầm lòng được nữa. Ông bật khóc vì xúc động và nhất là vui sướng. Ông khóc, khóc mãi. Nước mắt chảy giàn giụa hai bên má. Cái ngày xiết bao mong đợi, từ nhiều năm dài nay, đã đến rồi. Giây phút trang trọng này tuyệt vời quá đỗi. Cả người ông run bần bật rồi cơ bắp co rút liên tục. Mẹ ông cũng bật khóc nức nở.

Ông Văn Kim buộc lòng phải can thiệp.

– Tôi hiểu nỗi xúc động của cả hai mẹ con lúc này. Mẹ cậu đang khóc nhiều lắm. Bà ấy yếu lắm. Giờ bà nhà tôi đang chăm sóc bà ấy. Cậu đừng lo lắng. Tôi cảm nhận được cùng một cách thể hiện niềm vui của cậu. Đây là những giọt nước mắt của một hạnh phúc hai mẹ con ngỡ đã mất nay lại tìm thấy. Chúng ta đều muốn có một lần liên lạc trước khi cuộc gặp mặt lịch sử diễn ra. Hôm nay chuyện ấy đã thành hiện thực rồi. Cậu lau khô nước mắt đi. Mẹ cậu đang ngồi cạnh tôi đây. Tôi đưa máy cho bà ấy đây.

– Chào con Jansen.

– Con chào mẹ.

– Con khỏe không?

– Con khỏe ạ. Còn mẹ, mẹ có khỏe không?

– Mẹ cũng khỏe. Thế còn em gái con?

Hai mắt Jansen Morati lại ầng ậc nước. Ông thấy cay cay trong mắt. Ông không biết phải nói sao, phải trả lời mẹ sao nữa. Vậy là bà chưa nhận được lá thư ông đã gửi theo địa chỉ của ông Văn Kim từ ngày mùng 4 tháng Hai. Để tránh phải trả lời câu hỏi này trong trường hợp mẹ hỏi đến, ông đã viết bức thư thông báo với bà về hoàn cảnh em Làn mất sớm trên chuyến tàu chở ba cha con từ Sài Gòn về Abidjan. Bây giờ làm thế nào để báo tin rằng đứa con gái của bà mất đã lâu? Nói ra chuyện đó ngay bây giờ có thể sẽ khiến con tim bà vỡ ngay giây phút trọng đại này. Nói với mẹ rằng em vẫn khỏe là giải pháp thích hợp hơn trong hoàn cảnh này. Và nếu mẹ đòi nói chuyện với Làn thì sao?

– Jansen? Jansen ơi?

– Con vẫn đây mẹ ơi. Được gặp mẹ con mừng quá.

Ông Văn Kim phải vào làm phiên dịch.

– Mẹ cũng vậy con ạ. Còn em gái con?

– Em nó đi du lịch nước ngoài mẹ ạ, tuần sau mới về.

– Nó vẫn khỏe chứ?

– Vâng, em khỏe mẹ ạ. Con có báo cho em biết tin nên em cũng nóng lòng muốn nói chuyện với mẹ lắm.

– Thế còn gia đình con?

– Vợ con và bọn trẻ rất mong được gặp mẹ. Còn em Nghiên thì sao mẹ?

– Nó đang ở cạnh mẹ đây. Nó gửi lời chào con. Thế còn cha con?

– Cha con về hưu rồi.

– Cảm ơn con vì đã về tận Việt Nam tìm mẹ. Mẹ tự hào lắm. Con sẽ tha thứ cho mẹ về cách cư xử với con khi con đến Hà Nội lần trước chứ?

– Đừng nhắc đến chuyện đó nữa mẹ. Con không hề giận mẹ chút nào về chuyện đó. Con đã nói với bác Văn Kim chuyện đó rồi mà. Con đã nhờ bác ấy nhắn lại với mẹ.

– Con thật tốt và hiểu biết, Jansen ạ.

– Con muốn xin lỗi mẹ thì đúng hơn, vì đang làm ảnh hưởng đến việc mẹ được nhận huân chương kháng chiến.     

– Với mẹ lúc này, con còn quan trọng hơn huân chương kháng chiến, giờ với mẹ huân chương chẳng còn quan trọng nữa. Nếu không được nhận huân chương vì con thì mẹ cũng không hề tiếc. Con mới là huân chương của mẹ, thứ huân chương đẹp nhất trên đời này. Mẹ mong con, sắp tới con sẽ đến Hà Nội gặp mẹ chứ?

– Nhất định thế mạ à. Con sẽ theo mẹ đến Hà Nội sớm thôi. Con đang cùng bác Văn Kim xem xét điền một số giấy tờ trước khi bay sang Hà Nội. Mẹ đừng lo. Con sẽ sang mà.

– Mẹ mong gặp con quá, mong được ôm con vào lòng.

– Cậu Jansen Morati, tôi buộc phải chen ngang câu chuyện vì mẹ cậu có một cuộc hẹn quan trọng phải đến đúng giờ. Đã lâu bà ấy mới ra Hà Nội. Bà con họ hàng thì lại không biết có cuộc điện thoại này. Họ muốn hẹn gặp mẹ cậu gần như trùng giờ với cuộc trò chuyện lần đầu này giữa hai mẹ con. Vì thế mà hai cuộc hẹn này chồng chéo lên nhau. Chúng tôi xin cậu bỏ quá cho.

– Tôi hiểu. Cảm ơn bác đã giúp tôi gặp mẹ. Ôm hôn tất cả mọi người. Hai ngày nữa tôi sẽ gọi lại.

Sau cuộc tiếp xúc lần đầu với mẹ qua điện thoại, Jansen Morati đã cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Giấc mơ thời thơ ấu của ông đã, hay gần như đã thành hiện thực. Đây là đoạn kết hạnh phúc của ngần ấy năm tháng lo âu, sợ hãi, hoài nghi và hy vọng. Phải vượt qua biết bao chặng đường để đến được đây! Chịu đựng biết bao nhiêu sự xúc phạm! Bao nhiêu ức chế! Vượt qua bao nhiêu thử thách! Bao nhiêu phẫn nộ! Bao nhiêu cùng quẫn! Biết bao xúc động! Bao nhiêu hy vọng bị dập tắt! Lúc nào ông cũng phải nghĩ đến chuyện đứng thẳng dậy, ngẩng cao đầu trước mỗi thất bại để củng cố quyết tâm theo đuổi đến cùng cuộc chiến đấu này. Ông đã luôn phải tự đấu tranh vượt qua chính bản thân mình để không nản lòng. Ông đã bao lần phải gượng dậy, bắt đầu lại từ đầu để không bị chìm đắm trong những suy nghĩ u uất, sầu não. Ông đã phải bám lấy niềm tin sẽ có một ngày tìm được mẹ để không bị nỗi thất vọng hút vào. Hôm nay thì chiến thắng đã gõ cửa. Ông chỉ còn phải làm một động tác đơn giản là mở cánh cửa ra, bằng cách đến Việt Nam lần thứ hai. Nơi ấy hạnh phúc đang giang rộng cánh tay chờ đón ông. Không còn những cú nảy, những thay đổi bất ngờ nữa. Cuộc chiến đấu lâu dài của ông từ nay đã kết thúc. Những hành trình chinh phục đã khép lại. Mục tiêu đề ra đã đạt được. Cuối cùng thì một ngày mới cũng đến.

Giờ thì ông đã có thể tận hưởng niềm vui thú hoàn thành một nhiệm vụ khó khăn. Ông thuật lại cuộc trò chuyện điện thoại này với vợ, với Arnaud và những đứa con khác với niềm phấn khích tột độ. Ông cũng gọi điện kể cho bà Hortense nghe, thông báo cả cho bà Alix lẫn Tổng Giám đốc biết. Tuy nhiên Jansen Morati cũng quyết định chỉ báo tin này với một số rất ít người mà thôi. Cũng chỉ những người này biết dự định về Việt Nam lần thứ hai của ông. Lần này thì cả cha ông lẫn họ hàng thân thích đều không được báo tin. Ông sẽ gây ngạc nhiên cho họ khi dẫn theo cả mẹ lẫn em gái Nghiên về Bờ Biển Ngà. Phần đông bạn bè và người quen của ông cũng không hề hay biết dự định này của ông.

Công việc chuẩn bị cho chuyến sang Việt Nam lần thứ hai

Ông Văn Kim báo cho Jansen Morati biết mẹ mình đã xuống Hải Phòng vài ngày thăm một người chị ruột. Tâm trạng bà rất xáo trộn sau khi đọc lá thư con trai viết, đề ngày gửi mùng 4 tháng Hai năm 2002 mà bà vừa nhận được.

Jansen dễ dàng hình dung ra nỗi đau đớn của mẹ khi biết tin con gái mình đã mất. Ông không đủ can đảm để báo tin cho bà qua điện thoại, ngay từ lần liên lạc điện thoại đầu tiên ngày 5 tháng Ba năm 2002. Bà hẳn đang rất phiền muộn vì tin dữ này. Vì ông Văn Kim không nói thêm về chủ đề này nên ông cũng không nhắc đến sự kiện đau thương ấy nữa. Một khi đến Hà Nội rồi, ông sẽ có dịp thưa lại với mẹ. Ông Văn Kim báo mẹ ông sẽ trở về Hà Nội khoảng cuối tháng Ba để chờ Jansen.

Làm thế nào để liên lạc với bà qua điện thoại ở Hải Phòng? – Jansen hỏi. Thật không may, ông Văn Kim không có số điện thoại của nhà người chị của bà Quang ở Hải Phòng. Đành chịu vậy.

Để chuẩn bị cho chuyến sang Việt Nam lần thứ hai, Jansen Morati  sang Paris, ngày 20 tháng Ba năm 2002, đến Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp để xin hộ chiếu nhập cảnh. Vì những lý do nằm ngoài mong muốn, ông phải dời ngày khởi hành sang Việt Nam đến hai lần. Rồi ông cũng đặt được vé trên chuyến bay khởi hành ngày 27 tháng Tư năm 2002 từ Abidjan sang Paris. Nhưng chặng tiếp theo, từ Paris về Hà Nội lại chỉ còn vé sớm nhất ngày mùng 6 tháng Năm, dự kiến sẽ hạ cánh tại Hà Nội lúc 8h45 ngày mùng 7 tháng Năm. Ông báo tin cho ông Văn Kim.

Chỉ còn một vấn đề cần giải quyết, đó là làm sao lấy được hộ chiếu nhập cảnh vào Bờ Biển Ngà cho mẹ và em gái ông? Bờ Biển Ngà chưa lập Đại sứ quán tại Việt Nam. Về đến Hà Nội là ông phải tính ngay đến chuyện sang Hàn Quốc, Thái Lan hay Trung Quốc.

“Những thủ tục này thật rắc rối” – Jansen tự nhủ. Ông tìm đến Tổng cục An ninh Quốc gia Bờ Biển Ngà đặt tại thủ đô Abidjan. Còn một khả năng nữa. Ông phải điền vào một mẫu khai đặc biệt để xin cho mẹ và em gái nhập cảnh vào lãnh thổ quốc gia. Tuy nhiên, còn một vấn đề lớn nữa, ông buộc phải trình bản sao những trang đầu trong hộ chiếu của mẹ và em gái. Mà theo ông được biết cả hai đều chưa có loại giấy tờ du lịch này.

Jansen Morati xin được gặp Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát quốc gia. Tổng cục trưởng rất xúc động khi nghe câu chuyện của người đối thoại. Ông đặc cách chấp nhận cấp giấy phép nhập cảnh cho mẹ và em gái của Jansen. Tuy nhiên, hộ chiếu xuất cảnh của họ sẽ bị thu lại ngay khi đến sân bay Abidjan, thời gian lưu trú sẽ tuân theo thủ tục hiện hành.

Thế là xong! Jansen nhẹ cả người. Ông nồng nhiệt cảm ơn Tổng cục trưởng vì sự giúp đỡ quý báu. Tổng Cục trưởng có đáp lại rằng ông muốn bằng cách đó góp phần vào hành động nhân bản này.

Thứ bảy ngày 27 tháng Tư năm 2002.

Ngày khởi hành bay sang Paris đã đến. Cả gia đình Jansen Morati tiễn ông ra tận sân bay. Ai cũng chúc cho ông lần này trở về dẫn theo cả mẹ và em gái. Jansen có mặt tại Paris ngày hôm sau, lúc 6h20. Chuyến bay đến Hà Nội dự kiến vào ngày mùng 6 tháng Năm năm 2002.

Thay vì ở lại Pháp đợi đến hôm đó theo dự định ban đầu, phút chót ông quyết định bay sang thành phố Détroit, tại Mỹ. Ông muốn thăm cô cháu nội Sophia, con của vợ chồng Arnaud và Parker. Sophia đã được năm tháng tuổi mà ông còn chưa biết mặt cháu nội. Trong hộ chiếu của Jansen có hạn nhập cảnh vào Mỹ thời hạn mười năm nên không gặp khó khăn gì khi sang Mỹ lần này. Nhưng chuyến bay đến Détroit đã kín chỗ. Ngược lại, chuyến bay đến Chicago thì còn vé. Mà Chicago chỉ cách Détroit có bốn giờ đường. Jansen Morati đặt một chỗ trên chuyến này, máy bay sẽ cất cánh vào đầu giờ chiều. Ông gọi điện cho Arnaud để báo mình sẽ đến. Cậu sẽ đến đón ông ở sân bay Chicago. Cuối cùng thì cả gia đình Arnaud, Parker và Sophia cùng đến Chicago đón Jansen.

– Công chúa nhỏ của ông dễ thương quá! Ta nghĩ là cháu mang những nét của bố cháu đấy. Nào! Thơm ông nội đi.

– Đi từ Abidjan sang Paris, rồi lại bay sang Chicago, chắc cha cũng mệt rồi.

– Cha có những một tuần để nghỉ ngơi cơ mà. Cha thấy các con và Sophia đều khỏe mạnh thế này là tốt lắm rồi.

Hành trình từ Chicago về Détroit rất suôn sẻ.

Về đến nhà rồi, Arnaud và Parker tổ chức mừng sinh nhật bất ngờ cho ông. Quả thật hôm đó là sinh nhật lần thứ năm mươi của Jansen Morati. Con trai và con dâu tặng ông một chiếc bánh sinh nhật đẹp. Jansen tranh thủ những ngày ở Mỹ để nghỉ ngơi dưỡng sức. Ông chuẩn bị tâm lý cho lần gặp mặt đầu tiên với mẹ và em gái, cũng là chuyến đi lần thứ hai đến Hà Nội. Ông thường xuyên gọi điện về Hà Nội gặp họ, luôn luôn có ông Văn Kim bên cạnh.

Arnaud tranh thủ chuyến thăm này dẫn cha đến thăm nơi mình làm việc. Hai vợ chồng cậu mua một sợi dây chuyền và một đôi khuyên tai bằng vàng nhờ cha chuyển tận tay bà nội.

Ngày mùng 5 tháng Năm năm 2002, Jansen khởi hành sang Paris.

Cuộc gặp mặt lần đầu tiên giữa Jansen Morati và mẹ

Sang đến Paris, Jansen Morati đáp chuyến bay ngày mùng 6 tháng Năm của hãng hàng không Vietnam Airlines đến Hà Nội. Ông cẩn thận gọi điện báo với ông Văn Kim giờ máy bay hạ cánh vào sáng hôm sau. Ông Văn Kim cũng báo tin mẹ và em gái ông vừa nhận được hộ chiếu du lịch.

Trong suốt hành trình bay đến Hà Nội, quá cảnh qua Dubai, tâm trí Jansen cứ để đâu đâu. Ông hình dung ra mẹ đang rất nóng lòng được đón ông. Mẹ biết ông đang trên chuyến bay đến Hà Nội để gặp bà. Mỗi phút trôi qua lại khiến hai mẹ con gần nhau hơn. Nhưng những phút còn lại hình như càng dài thêm. Ông muốn nằm ngủ và tỉnh dậy khi máy bay hạ cánh để không phải nhìn thấy thời gian ì ạch trôi. Nhưng không thể tìm thấy giấc ngủ sẽ khiến ông có cảm giác thời gian trôi nhanh hơn. Ông không thể ngăn được dòng suy tưởng. Tâm tư ông dồn cả về giây phút ông từ máy bay bước xuống. Ông để mặc những hình ảnh trong trí tưởng tượng phong phú của mình cuốn theo.

Ngay từ lối ra của sảnh đến trong sân bay, ông đã thấy mình đưa mắt nhìn quanh tìm mẹ, em Nghiên và ông Văn Kim. Ông nhận ra họ đang vẫy tay ra hiệu cho ông.

Theo bản năng, mắt ông và mắt mẹ giao nhau.

Hai mẹ con lao về phía nhau, trong ánh nhìn ngưỡng mộ của Nghiên và ông Văn Kim. Ông là người khỏe hơn nên rảo bước thật nhanh. Ông chen lên tất cả những người gặp trên đường đi. Khi đứng trước mặt nhau rồi, hai mẹ con dừng sững lại. Họ nhìn nhau ánh mắt tràn ngập yêu thương. Bà vừa nắm lấy tay ông vừa nói: “Jansen, con trai của mẹ”. Bà ngã vào cánh tay ông. Ông ôm ghì lấy mẹ. Cả hai mẹ con đều rơm rớm nước mắt. Ông dịu dàng vuốt mái tóc mẹ. Bà ngẩng lên và nhìn ông chăm chú, sau gần năm mươi năm. Bà không tin nổi vào mắt mình. Người đàn ông rắn chắc, hoạt bát này là con trai bà đây sao? Bà lau nước mắt cho con trai. Chỉ đến lúc này lời nói đầu tiên mới được thốt ra từ miệng Jansen: “Mẹ”. Bà hôn lên hai má ông, lên trán ông. Hai mẹ con lại ôm nhau thật chặt. Bà bật khóc vì niềm vui sướng gặp lại đứa con trai ngỡ đã vĩnh viễn không còn thấy mặt. Đến lượt Jansen lau nước mắt cho mẹ. Bà cầm tay con trai, siết thật mạnh, tay bà lướt trên mặt con trai mình. Bà muốn cảm nhận khuôn mặt đó hơn là chạm vào nó. Bàn tay mở rộng giờ đang đặt ngay trên ngực ông. Bà nhìn con trai lặng đi một thoáng rồi tựa vào người con trai.

Đám đông theo dõi cảnh tượng này rồi cũng hiểu ra. Họ vỗ tay hoan hô và chúc mừng hai mẹ con. Rất nhiều người chứng kiến không kìm nổi xúc động trước cảnh tượng hiếm gặp này. Ông Văn Kim tiến đến để chào ông, theo sau là Nghiên. Ông Văn Kim hỏi hành lý ông để đâu, lúc đó ông mới biết mình đã để quên vali trong sảnh lớn. Chính từ hình ảnh này mà Jansen trở về với thực tại.

…Ông vẫn ngồi trên máy bay. Ông liếc qua ống kính của máy bay, rồi nhìn đồng hồ. Vẫn còn phải chờ lâu lắm. Ông mở màn hình vô tuyến ở ghế ngồi ra để xem bộ phim. Phải giết thời gian thôi. Ông phải cố tập trung vào bộ phim chẳng cuốn hút mình chút nào. Ông cố gắng bật sang những kênh ca nhạc khác nhau để thôi không suy tưởng nữa. Chẳng có việc gì để làm cả. Ông thậm chí chẳng để ý đến âm lượng của nhạc phát trên truyền hình. Ông lật qua mấy tờ báo và tạp chí mà không đọc kỹ nội dung cụ thể của một bài viết nào. Ông liền chỉnh lại ghế để nằm ngả lưng ra sau, nhắm mắt lại, tha hồ tưởng tượng.

Ông nghĩ đến Nghiên, em gái mình. Một phụ nữ phi thường! Cô ấy sống chật vật với khoản thu nhập còm cõi của mình để giúp mẹ, mẹ của cả hai anh em, mà không hề toan tính thiệt hơn. Vì muốn tự mình chăm sóc mẹ, cô ấy còn từ chối khéo những người đến tìm hiểu để tiến tới xây dựng gia đình. Cô ấy hy sinh cả tuổi xuân của mình để không bỏ mẹ lại một mình. Cô ấy thật là người con hiếu thảo và gắn bó với mẹ, nuôi mẹ, chăm lo, săn sóc mẹ như con mình. Tình cảnh ấy kéo dài, vậy mà cô ấy không hề than trách, không lấy đó làm phiền. Cô ấy lại còn bao bọc mẹ đẻ của hai anh em bằng cả tấm lòng yêu thương của mình. Cô ấy đã phụng dưỡng mẹ bất chấp hoàn cảnh đặc biệt còn nhiều khó khăn. Cô ấy đã quá tận tụy với bổn phận làm con của mình, Jansen tự nhủ. Giờ là lúc ông sẽ đảm trách nhiệm vụ này. Đến phiên ông lo cho cả mẹ và em gái. Họ sẽ không phải chịu cảnh sống tạm bợ nữa, không phải lần hồi kiếm cơm từng bữa nữa. Mặt trời sẽ mọc cho cả hai người. Em Nghiên có thể trông cậy vào sự giúp đỡ về tài chính của ông để kinh doanh trong một lĩnh vực có hiệu quả kinh tế cao hơn. Cô ấy có thể kết hôn, sinh con đẻ cái mà không cần phải lo nghĩ về mẹ nữa. Từ giờ trở đi, em gái ông đã có thể sống cho riêng mình, hưởng một cuộc sống đầy đủ. Nếu muốn, cô ấy có thể hưởng thụ gấp đôi như vậy. Đã có anh trai luôn ở bên cô để nâng đỡ và khích lệ, động viên. Ông sẽ tài trợ cho công việc kinh doanh của cô cả trong trường hợp ăn nên làm ra hay thất bát. Cô sẽ không phải lo gì hết. Ông sẽ biến cô thành một phụ nữ được nể trọng, và được thèm muốn, tại sao lại không nhỉ? Khiến người khác phải thèm muốn, phải ganh tỵ chẳng tốt hơn là thương hại hay sao?

Ông hãnh diện, thậm chí hết sức hãnh diện về cô em gái của mình. Cô ấy cần phải biết điều đó, ngay cả khi cô ấy cho rằng mình chỉ thực hiện bổn phận của con gái đối với người mẹ đã sinh ra mình. Ông phải biết ơn cô ấy, ngay cả khi quan hệ giữa họ là anh trai và em gái. Những người con gái cư xử được như cô ấy là rất hiếm hoi, nhất là trong hoàn cảnh sống còn thiếu thốn đủ đường như vậy.

Đúng lúc ấy, máy bay bay qua một vùng áp suất không khí cao làm ông giật mình choàng dậy. Ông chỉnh thẳng ghế lên. Một lát sau, ông xuống làm thủ tục quá cảnh ở Dubai.

Hành trình từ Dubai về Hà Nội, ông cố gắng tập trung vào khung cảnh bên trong máy bay. Ông lần lượt xem hết số báo, tạp chí để sẵn bên ghế ngồi. Lần này, ông đã quan tâm thật sự đến một số bài báo được đăng tải. Ông theo dõi diễn biến phim từ đầu đến cuối. Khi một nữ tiếp viên hàng không người Việt Nam rất duyên dáng thông báo máy bay đang hạ cánh xuống Hà Nội, tim ông mới bắt đầu đập mạnh.

Ông nhìn qua ô cửa kính. Máy bay vẫn còn ở trên cao, phía trên những đám mây. Ông cố sức điều tiết lại nhịp thở đang trở nên dồn dập bằng cách hít vào thật sâu và thở ra từ từ. Trên máy bay luôn có điều hòa không khí hoạt động, vậy mà cặp kính ông đang đeo vẫn mờ hơi nước. Ông lau sạch hai mắt kính thủy tinh.

Cổ họng ông khô rát. Ông có cảm giác nghẹn thở. Tiếp sau đó, ông phải nuốt nước miếng liên tục. Miệng ông trở nên lúng búng. Máy bay đang xuyên qua những tầng mây. Lúc này ông đã nhận thấy mặt đất, cây cối và những mái nhà lô xô phía dưới. Chuyến bay hạ cánh đúng giờ, ông biết mẹ, em gái và ông Văn Kim đang nóng lòng đợi ông ở sảnh chờ. Hẳn là trong sân bay người ta đã thông báo chuyến bay của hãng hàng không Việt Nam đã bắt đầu đáp cánh xuống đường băng.

Đây thật sự là một ngày tháng lịch sử cần ghi nhớ để truyền lại cho lớp con cháu mai sau: thứ ba, mùng 7 tháng Năm năm 2002. Ngày ghi nhớ cuộc gặp không thể quên của một người con trai lên đường tìm mẹ. Và đã tìm thấy, ngót nghét năm mươi năm sau.

Chỉ vài phút ngắn ngủi nữa thôi, Jansen Morati sẽ biết đến đoạn kết của cuộc phiêu lưu lạ thường; và tuyệt vời đôi lúc rất giống với một thiên anh hùng ca của mình.

Và tuyệt vời đôi lúc rất giống với một thiên anh hùng ca của mình.

Để hưởng niềm hạnh phúc vô biên không lời nào tả hết này một cách trọn vẹn, ông đã phải vượt qua hơn một trăm năm mươi ngàn cây số bằng máy bay, tương đương 22 lần quãng đường vòng quanh trái đất. Hai tư lần bước lên máy bay. Một người mẹ bằng xương bằng thịt lại không đáng được nhận ngần ấy tình cảm và sự quan tâm hay sao?

Máy bay chuẩn bị tiếp đất. Ông vuốt lại tóc, lau mặt, kiểm tra lại hộ chiếu đang đút trong túi áo sơmi carô đỏ. Ông cúi xuống lau sạch giày, chỉnh lại cổ áo sơmi. Ông phải chăm chút cho vẻ ngoài của mình, cho cuộc gặp gỡ khó quên giữa hai mẹ con.

8h50 giờ Hà Nội, máy bay dừng hẳn trên đường đỗ của sân bay Nội Bài.

Bất ngờ đầu tiên lại là một bất ngờ thú vị: phía bên ngoài của sân bay hoàn toàn mới. Còn nhớ lần đầu tiên Jansen Morati đến Việt Nam, cách đây hai năm, sân bay Hà Nội không thể sánh với sân bay ở thủ đô Abidjan của Bờ Biển Ngà. Hôm nay, với những gì ông nhìn thấy tại đây, thì sân bay Abidjan, dù được xếp vào những sân bay hiện đại bậc nhất của châu Phi chỉ được xếp ở mức xập xệ so với nơi này. Ông có lý do khi cho rằng dân tộc Việt Nam là một dân tộc thật sự cần cù trong lao động.

Những thủ tục theo thông lệ diễn ra nhanh chóng, không gặp khó khăn khúc mắc gì. Jansen Morati nhận lại hai chiếc vali của mình, đặt chúng lên một chiếc xe đẩy. Ông bước về phía cửa ra, mắt nhìn chăm chú những người đang đứng bên ngoài để ngóng một họ hàng hay bạn bè của mình. Ông đưa mắt tìm ông Văn Kim. Nếu nhìn ra ông Văn Kim thì ông biết chắc mẹ và em gái mình cũng đứng ngay cạnh đó. Ông bước chầm chậm. Vẫn chưa thấy ông Văn Kim đâu cả. Qua lớp cửa kính dày, ông nhận thấy cả một đám láo nháo bên ngoài sảnh đến. Ông dừng lại một thoáng vì tin rằng mình đã nhìn thấy ông Văn Kim. Ông nghiêng đầu để xác nhận nhưng không phải, ông đã nhìn nhầm người. Ông vẫn đang tiến về phía cửa ra. Hai tay ông rịn mồ hôi. Những bước chân ông bỗng trở nên ngập ngừng, không dứt khoát. Ông nắm chặt lấy tay nắm xe đẩy. Ông đã đến cánh cửa đóng mở tự động.

“Xảy ra chuyện gì vậy?” – ông tự hỏi. Ông dừng hẳn lại để nhìn kỹ một lần nữa những người vẫn đang đợi bên ngoài. Ông nhìn hết người này đến người kia, từ trái sang phải, nhìn kỹ mặt từng người lọt vào tầm mắt. Ông lau cặp kính. Nỗi hoài nghi thoáng qua trong đầu ông.

“Ôi không, đừng có đúng vào lúc này” – ông thốt lên. Ngay lúc đó ông nhìn thấy hai cánh tay giơ lên có vẻ như đang ra hiệu gọi mình. Có đúng người ta đang vẫy mình không nhỉ? Ông quay lại nhìn phía sau. Ông ở trong số những hành khách cuối cùng. Ông chỉnh lại kính để nhìn cho rõ. Hai mí mắt ông giật liên hồi. Ông đưa tay lên giữ lấy gọng kính như để ổn định tầm nhìn. Ông nhận ra đúng là ông Văn Kim đi cùng với hai người phụ nữ. Không còn nghi ngờ gì nữa, đó là mẹ và em gái ông. Hai mẹ con họ cũng giơ tay lên vẫy ông.

Người Jansen thoáng một đợt rùng mình. Mắt ông chỉ còn nhìn mẹ mình. Ông bước về phía bà một cách máy móc. Mẹ đây rồi! Ông cũng đây rồi! Hai mẹ con đều ở đây rồi, người này đang tiến về phía người kia. Ông cười thật tươi với bà. Bà cũng mỉm cười với ông. Ông rảo bước. Bà cũng tiến về phía trước. Giờ ông đã ở lối ra. Ông gạt chiếc xe đẩy ra khỏi đường đi của mình. Chỉ còn vài bước ngắn ngủi nữa thôi. Và alêhấp! Jansen Morati cảm động ôm chặt lấy mẹ. Điều thần kỳ bấy lâu mong đợi vừa xảy ra. Giấc mơ thời thơ ấu của ông đã thành hiện thực. Ông không thể kìm được nước mắt. Kìm nén để làm gì kia chứ? Đây là những giọt nước mắt vui sướng. Bà bật khóc nức nở, đầu tựa vào vầng ngực của con trai. Hai mẹ con đứng dựa vào nhau như thế một hồi lâu. Rồi bà ngẩng lên để nhìn con trai, vẫn chưa tin vào mắt mình. Ông cũng ngắm mẹ mình, kinh ngạc. Cả hai mẹ con đều ngỡ như mình đang mơ. Nhưng đây lại là sự thật. Họ nhìn nhau cười đầy trìu mến, tận hưởng niềm hạnh phúc tuyệt vời dưới ánh mắt của những người hiếu kỳ. Những người này cũng đã đoán được nguyên do của cuộc hội ngộ này, họ liền chia vui với hai mẹ con.

– Mẹ ơi, con yêu mẹ. Con yêu mẹ bằng cả trái tim mình. Con nhớ mẹ xiết bao.

– Mẹ của con cũng rất yêu con, Jansen ạ.

– Chào mừng cậu trở lại Việt Nam, cậu Jansen – ông Văn Kim nói.

– Cảm ơn. Cảm ơn về mọi chuyện.

– Đây là cô Nghiên, em gái cậu.

Nghiên đang cầm trong tay một bó hoa tươi rất đẹp. Cô tặng nó cho anh trai. Jansen Morati ôm em gái thật chặt. Niềm hạnh phúc trong lòng ông được nhân lên gấp đôi.

Ai đó đẩy lại chiếc xe chở hành lý về phía ông. Ông Văn Kim đón lấy. Bốn người tiến về phía chiếc xe ôtô đang chờ sẵn. Jansen Morati tiến chầm chậm từng bước, mẹ đang dựa vào ông. Thể trạng của bà đã yếu lắm rồi. Bà bước khó nhọc, chủ yếu dựa vào con trai. Hai mẹ con cầm tay nhau, một tay người mẹ vòng ngang người con trai. Cánh tay người con trai đỡ lấy vai mẹ. Họ bước thong thả.

Cậu lái xe đã cầm sẵn trên tay một chiếc máy quay để ghi lại cảnh tượng này. Tất cả dừng lại theo đề nghị của ông Văn Kim. Ông đứng trước máy quay và nói tóm tắt nguyên nhân dẫn đến cuộc hội ngộ này mà ông là người chứng kiến từ đầu đến cuối, chứng nhận tính lịch sử của nó. Ông rất tự hào về kết quả của cuộc tìm kiếm mà người con trai đã tiến hành để tìm lại mẹ. Ông nêu lên một sự trùng hợp may mắn với ngày 7 tháng Năm năm 1954. Đó là ngày quân đội Pháp thất thủ trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 7 tháng Năm năm 1954 đã xui nên chuyến đi gấp gáp của Jansen Morati và cha mình rời Việt Nam về Bờ Biển Ngà, dẫn đến lần ly biệt đau đớn giữa Jansen Morati và mẹ. Và lại là một ngày mùng 7 tháng Năm khác đánh dấu cuộc hội ngộ sau bao năm xa cách giữa hai mẹ con. Quả thật là một trùng hợp lịch sử.

Trong lúc ông Văn Kim phát biểu, người mẹ càng ôm con trai chặt hơn. Người em gái cũng ôm anh trai. Không một lời nào có thể diễn tả những điều ba mẹ con họ cảm nhận vào giây phút ấy. Họ hoàn toàn hạnh phúc và hân hoan.

Exit mobile version