Phần 11:

Cho đến lúc này, họ hàng thân thích của Quang sống trong làng Phương Liệt vẫn không hề chú tâm đến thông cáo tìm Tâm. Đúng là họ không biết gì về Tâm cả. Dân làng Phương Liệt cũng vậy. Làng Phương Liệt thì nhỏ đến mức người ta có thể suy ngay ra là Tâm nhiều khả năng không tồn tại. Vậy là ông phải quyết định chấp nhận Quang là mẹ mình? Ông phải tìm đến nơi bà yên nghỉ và đặt lên phần mộ bà một nhành hoa sao? Ông sẽ quay lại Bờ Biển Ngà với một nỗi hoài nghi. Ông hẳn đã tìm lại được một người phụ nữ mang một cái tên khác mà ông nghĩ là mẹ mình, chỉ nghĩ thôi chứ không có niềm tin tuyệt đối.

Không, ông tự nhủ. Ông không thể sống nốt quãng đời còn lại trong sự mơ hồ như thế được. Trong trường hợp giả thiết cuối cùng này xảy ra thì ông cũng phải biết sự thật trước khi về nước. Thời điểm trở về Bờ Biển Ngà, ông phải không còn bất cứ một sự nhập nhằng nào nữa, không còn nghi ngờ nào, dù là nhỏ nhất về mối liên hệ chính xác giữa ông và bà Quang. Chỉ có như vậy thì ông mới thanh thản vì đã đạt được mục đích tìm lại mẹ của mình.

Dựa vào đâu mình lại tin chắc Quang chính là mẹ Tâm? – ông tự hỏi. Thông tin nào có thể đảm bảo chính xác rằng bà Quang chính là mẹ Tâm của ông? Ông biết rồi. Ông sẽ giữ lại cho mình một sự kiện mà chính ông sẽ xác minh tận nơi. Đó là một dữ liệu ông giữ kín cho riêng mình chứ không thổ lộ với bất cứ ai, kể từ ngày đặt chân đến Hà Nội. Nếu anh chị em bà Quang vẫn còn sống, mà ông sẽ gọi bằng cậu hoặc dì, một trong số họ có thể bác bỏ hoặc khẳng định chi tiết này. Ông chợt nảy ra một ý. Ông sẽ bóp méo thông tin thật này. Các thành viên của gia đình Quang sẽ sửa lại cho đúng. Nếu họ làm được thì ông sẽ hoàn toàn tin tưởng Quang chính là mẹ Tâm của ông. Để thâu tóm lại, ông nhắc lại ba giả thiết:

– Quang còn sống. Quang và Tâm là cùng một người. Dù thế nào Quang cũng phải đặt ra cho ông một câu hỏi có liên quan đến thông tin quan trọng mà đến thời điểm này ông là người duy nhất nắm rõ.

– Quang còn sống. Quang và Tâm là hai người khác nhau. Vậy Quang có thể định hướng hoặc giúp đỡ tìm ra mẹ Tâm. Câu hỏi để mẹ Tâm đặt ra cho ông vẫn còn đó.

– Quang không còn sống nữa. Để chắc chắn Quang chính là mẹ Tâm, để bày tỏ lòng tôn kính cho xứng đáng, ông dự định gặp các thành viên trong gia đình Quang. Họ sẽ thay bà đặt ra câu hỏi về thông tin mà cho đến giai đoạn tìm kiếm này, ông vẫn giữ lại cho riêng mình.

Ông muốn gọi cho con trai Arnaud rồi lại đổi ý. Nên thu xếp trước cho nó và hết sức tránh làm nó xáo trộn thêm. Với vợ ông cũng nên làm vậy. Chẳng kể thêm thì cả hai mẹ con đã đủ băn khoăn, lo lắng về chuyện của ông rồi. Ông vẫn phải tiếp tục chiến đấu nhưng không vì thế mà khiến họ phải bận lòng thêm.

Ông sẽ đợi đến mai, sau khi gặp cháu trai của bà Quang đã. Tất cả sẽ được đặt đúng chỗ hơn nếu Quang là Tâm hay không.

Quang chính là Tâm, mẹ của Jansen Morati

Thứ bảy ngày 29 tháng Tư năm 2000

Thức giấc Jansen Morati cảm thấy rất sảng khoái. Ngày hôm nay chắc chắn sẽ mang tính quyết định và có thể còn gây căng thẳng thần kinh nữa. Bây giờ ông đã quen với những biến cố ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần, bất chấp một sự chuẩn bị về tâm lý chịu đựng những thất vọng có thể xảy ra và xoa dịu những cú sốc.

Ông Văn Kim đến lúc 8h15. Họ cùng đến nhà ông Nguyễn Bào, trưởng giáo xứ Phương Liệt. Rồi ba người lên xe đến làng Phương Liệt.

Trái ngược với ngày hôm qua, rõ ràng Jansen Morati thấy đỡ căng thẳng hơn hẳn. Thậm chí ông còn tỏ ra lạc quan. Ông Văn Kim nhận thấy điều này. Họ đến thẳng nhà trưởng thôn Ngọc.

Trưởng thôn báo tin cháu bà Quang đã về làng từ hôm qua. Tên anh ta là Nguyễn Tiêu. Đêm qua họ đã trao đổi qua. Ông nhấn mạnh với Tiêu cần giữ kín chuyện này do tầm quan trọng của sự được và mất. Chỉ cần xác minh Quang có phải là Tâm hay không thôi. Họ đã trò chuyện rất lâu. Ông trấn an Jansen Morati rằng họ đang đi đúng hướng.

Jansen mừng rỡ khi nghe những lời này nhưng ông vẫn muốn biết họ đang đi đúng hướng nào? Ông Ngọc khuyên ông hãy kiên nhẫn. Ông mời cả ba người sang nhà Tiêu.

Nhà Tiêu không xa nhà trưởng thôn là mấy, đến nơi quả nhiên đã thấy chủ nhân ngồi đợi. Tiêu và Jansen Morati bắt tay thật chặt. Họ đều vui mừng khi gặp nhau. Ông Ngọc bắt đầu trao đổi với Tiêu. Ông Văn Kim chịu trách nhiệm phiên dịch.

– Cậu tên gì? Cha mẹ cậu sống ở đâu?

– Tôi tên Nguyễn Tiêu. Gia đình tôi sống ở Phương Liệt.

– Cậu có quen người này không? – ông chỉ sang Jansen.

– Cháu gặp anh ấy lần này là lần đầu tiên.

– Anh ta từ rất xa đến đây. Tận châu Phi, chính xác là từ Bờ Biển Ngà. Cậu biết tại sao anh ta có mặt ở đây không?

– Anh ấy đi tìm mẹ.

– Mẹ anh ta tên Tâm. Sinh năm 1929, theo đạo Thiên Chúa. Bà ấy từng bị giam trong trại Gia Lâm, gặp một người Phi rồi làm đám cưới. Họ có với nhau một mụn con trai. Rồi họ phải tạm biệt ở Sài Gòn, bà ấy ở lại Việt Nam còn chồng quay lại châu Phi với con. Cậu con trai của họ, hiện đang ngồi đây, trong khi trò chuyện, đã cung cấp cho chúng tôi những chi tiết khác. Hôm qua tôi đã bàn với cậu rồi. Anh ta thấy dân làng không ai biết bà Tâm cả. Mà làng nhỏ như lòng bàn tay. Nhưng một số cựu chiến binh và những bậc cao niên khác lại nhận ra những điểm trùng hợp đến khó hiểu giữa câu chuyện về Tâm và chuyện của bà Nguyễn Thị Quang, cô ruột cậu. Chúng tôi thậm chí đã tự đặt câu hỏi liệu đây là hai người hay cùng một người. Vì không thể phân định rõ ràng nên chúng tôi quyết định nhờ một người thân trong gia đình bà Quang tìm hiểu rõ. Bước tìm hiểu này phải được tiến hành kín đáo để tránh gây hy vọng giả tạo cho bà Quang. Bà hẳn không thể chịu được cú sốc tinh thần như vậy. Chính vì lý do này chúng tôi mới liên lạc với cậu. Cậu vẫn đồng ý hợp tác với chúng tôi chứ?

– Cháu sẵn sàng cung cấp tất cả những gì cháu biết, không giấu giếm gì cả.

– Cậu có thể nói gì với chúng tôi về bà Quang và bà Tâm?

– Cô Quang cháu với Tâm là cùng một người.

Vừa nghe những lời này, những cơn rùng mình chạy dọc cơ thể Jansen Morati. Ông ấy dám chắc như vậy. Những lời này thốt ra từ chính một người mà giờ đây có thể coi là anh họ đằng ngoại thật sự thuyết phục ông. Ông mỉm cười, nhắm mắt lại ngăn dòng lệ. Phần tiếp theo sẽ làm sáng tỏ hết mọi chuyện, ông nghĩ.

– Làm thế nào cậu biết được Quang và Tâm là cùng một người?

– Cha mẹ cháu đã cho cháu biết chuyện này. Họ thường kể cháu nghe những chiến công của cô Quang hồi chiến tranh theo Việt Minh chiến đấu.

– Chuyện bà Quang ghi công với Tổ quốc thì làng này ai cũng biết. Trái lại, chẳng ai biết Tâm, chúng tôi được biết là Tâm đã về làm vợ một lính đồng minh trong quân đội Pháp. Vậy thì Tâm sẽ ở bên đối địch của Quang. Họ không thể là cùng một người được mà phải là hai người khác nhau.

– Cháu xin nhắc lại Quang và Tâm chỉ là một.

– Vậy cậu giải thích sao về chuyện Tâm theo Pháp còn Quang lại theo Việt Minh.

– Cô Quang cháu gia nhập đội du kích chống Pháp. Cô ấy hoạt động trong mạng lưới Việt Minh nằm vùng khu vực nội đô. Nhiệm vụ chính của đội du kích này là chuẩn bị phục kích những đoàn xe tiếp phẩm hay tiếp viện của quân Pháp. Ngoài ra, cô ấy còn hoạt động tình báo cho phe ta.

– Tất cả những chuyện này không chứng tỏ được hai người là một.

– Cháu nói đến đó đây. Nhờ những hoạt động này mà quân Pháp chịu nhiều phen thất bại. Cô Quang cùng đồng đội hoạt động rất năng nổ. Họ căm thù quân Pháp mà. Nhưng họ cũng phải đối mặt với bao hiểm nguy rình rập. Mật thám Pháp bằng cách nào đó đã nhận dạng được họ. Lệnh truy nã với tiền thưởng rất cao được ban bố khắp nơi. Nhận được tin các thành viên trong đội tạm thời tách ta hoạt động riêng lẻ. Họ không muốn tổ chức Việt Minh trong thành Hà Nội rơi vào tình thế nguy hiểm. Cô Quang bị sở đầm bắt trong một cuộc vây ráp dân thường. Khi bị tra khảo, cô khai tên mình là Tâm. Thế là tên Tâm được khai trong sổ sách của trại Gia Lâm. Cô ấy biết người mang tên Nguyễn Thị Quang đang bị săn lùng ráo riết mà.

Jansen Morati không thể cầm được nước mắt. Dòng nước mắt tuôn rơi lã chã trên má ông. Những giọt nước mắt của niềm vui và hạnh phúc. Những giọt nước mắt nói lên biết bao năm tháng hy vọng vẫn thường được đánh dấu bằng những lo âu, khiếp sợ và đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần. Ông vừa tìm thấy mẹ. Cuối cùng thì một ngày mới cũng đến. Ông không cố kìm nước mắt nữa, ông bật khóc nức nở.

Tất cả mọi người nhìn ông, không ai nói câu gì. Họ cũng đang xúc động chứng kiến cuộc chiến gian khổ bấy lâu ông theo đuổi đã đi đến thắng lợi cuối cùng. Họ tự hào vì cùng lúc vừa là nhân chứng, vừa là người trực tiếp tham gia vào chuyến phiêu lưu kỳ lạ và khắc khoải này. Họ biết nên để mặc Jansen xả hết những áp lực tâm lý bởi nhiều biến cố trong quá trình tìm kiếm đã tích tụ trong ông suốt những ngày qua. Ông Văn Kim đưa Jansen chiếc khăn tay. Jansen Morati cảm ơn và lau nước mắt.

Cuộc trò chuyện tiếp tục với chuyện kể của Tiêu.

– Sở tình báo và mật thám Pháp không biết mặt người phụ nữ chúng đang truy nã. Nhờ thế mà cô Quang thoát. Tuy nhiên cô vẫn bị tra cung như những tù nhân khác để khai thác về tổ chức Việt Minh trong thành Hà Nội. Tất cả tù nhân Việt Nam đều bị giới cầm quyền Pháp coi như tham gia hay ủng hộ Việt Minh hết. Rất ít người biết thân phận kép của cô Quang. Đồng đội dù bị tra khảo cũng không phản bội khai ra cô. Bản thân cô Quang cũng phải chịu nhục hình nhưng không khai điều gì, kể cả thân phận thật của mình. Chính vì thế mà cái tên Tâm vẫn lưu trong hồ sơ của cô ấy. Dưới cái tên này, cô đã được cấp giấy tờ tùy thân mới do chính giới cầm quyền Pháp xác nhận. Rồi cô ấy quen người sau này trở thành chồng mình, rồi sinh con. Bởi vậy Jansen có lý khi nói mẹ anh ấy tên là Tâm. Dân làng cũng thành thực khi khẳng định không ai trong số họ mang tên Tâm. Họ cũng không nhầm khi tìm ra những điểm trùng hợp đáng ngạc nhiên giữa Tâm và Nguyễn Thị Quang. Chính cô Quang cháu, với danh phận Tâm thường xuyên đến thăm anh cả, là Nguyễn Huyên, cha cháu ở bệnh viện Bạch Mai. Sau khi Pháp thất trận tại Việt Nam, chồng quay về châu Phi, cô ấy đã lấy lại tên thật Nguyễn Thị Quang. Thời chiến tranh chống Mỹ, cô ấy còn lấy một bí danh khác nữa. Bây giờ thì cô ấy chỉ dùng tên Nguyễn Thị Quang mà ông bà nội cháu đặt cho thôi.

– Họ hàng của bà ấy còn ai sống trong làng Phương Liệt không?

– Còn một cô trên cô ấy nữa, rất đông con cháu. Trong làng Phương Liệt có nhiều người trong họ cháu lắm.

– Bà ấy còn sống chứ?

– Vâng. Cô Quang còn sống. Cô ấy cũng lớn tuổi rồi. Hai mươi năm hoạt động bí mật cũng làm sức khỏe suy yếu nhiều.

– Cậu có thể cho chúng tôi, và nhất là Jansen Morati, người đang rất nóng lòng muốn biết bà ấy hiện sinh sống ở đâu không?

– Cô ấy đang sống trong thành phố Hồ Chí Minh, đã nhiều lần dọn nhà nên cháu không biết chính xác địa chỉ nhà. Hôm nay cháu phải liên lạc với vài người đang sống ở Hà Nội thân thiết với cô ấy. Họ có thể cho địa chỉ chính xác. Mọi người đừng lo lắng về chuyện này. Cháu sẽ đưa ra câu trả lời thỏa đáng trong thời gian nhanh nhất có thể. Trong thời gian chờ đợi, cháu phải bắt tay người em họ đằng ngoại và nhiệt liệt khen ngợi cậu ấy vì tình thương yêu cậu ấy đã dành cho cô Quang cháu.

Họ ôm hôn nhau trong tiếng vỗ tay của những người còn lại. Tất cả đều đứng dậy. Mỗi người đều bắt tay Jansen Morati thật chặt chúc mừng ông. Jansen Morati đáp lại từng người một, ông Văn Kim, ông Nguyễn và ông Ngọc bằng những lời cảm ơn vì đã ủng hộ và khích lệ ông. Ông nhấn mạnh đến tấm lòng nhiệt tình giúp đỡ và sự cổ vũ quý báu của từng người.

Tiêu mời mọi người dùng trà trong không khí thân mật và nhất là tràn ngập hoan hỉ, phấn khích. Jansen Morati nghĩ đến phản ứng của những người thân khi được ông báo tin bất ngờ này.

Sau khi trao đổi nhanh, ông Văn Kim nói Jansen biết sẽ tạm thời không liên lạc với họ hàng bên ngoại của ông ở làng Phương Liệt trong thời gian này. Những người có mặt ở đây sẽ không tiết lộ bất cứ thông tin nào cho họ biết ông chính là con của Nguyễn Thị Quang. Theo họ việc cần làm trước tiên là tìm ra địa chỉ chính xác của mẹ ông ở thành phố Hồ Chí Minh đã.

Họ cho Jansen Morati biết mẹ ông đã tái hôn. Họ phải đề cập thật khéo léo chuyện này với bà để chuẩn bị tâm lý đón nhận tin mừng. Bên cạnh đó cũng phải thận trọng tiếp cận người chồng để không làm người này phải sốc hay phật lòng. Jansen Morati đồng ý theo các bước này.

Cuộc hẹn tiếp theo sẽ diễn ra lúc 10h ngày kia tại nhà ông Nguyễn, trưởng xứ đạo Phương Liệt. Hôm đó, Tiêu sẽ thông báo địa chỉ chính xác của cô Quang, mẹ Jansen Morati. Mai là ngày lễ mừng thống nhất đất nước ở Việt Nam, kỷ niệm ngày giải phóng Sài Gòn 30 tháng Tư năm 1975. Họ quyết định ai về nhà nấy, ngày kia mới gặp lại để tiện tham dự các chương trình riêng trong dịp lễ này. Trừ ông Văn Kim quyết định ở lại làng Phương Liệt.

Jansen Morati về khách sạn, lòng không còn vướng bận nữa và hạnh phúc vì đang trong hoàn cảnh thuận lợi. Lên phòng, ông ngồi trên ghế, tạ ơn Chúa đã cho giấc mơ điên rồ thuở nhỏ của ông thành hiện thực: tìm lại mẹ. Phải vượt qua biết bao trở ngại mới đến được đích. Ông hồi tưởng lại tuổi thơ bất hạnh đáng thương mà mình đã từng trải qua. Ông nhớ lại những đau đớn, những cơn đói, những bất công xảy ra như cơm bữa suốt thời thơ ấu. Ông nhớ những trận đòn tàn nhẫn đến thánh sẹo trên khắp thân thể, những trận đòn thừa sống thiếu chết hẳn đã cướp đi mạng sống của ông nếu không được cứu chữa kịp thời và chăm nom chu đáo.

Trong cuộc chiến đấu sinh tồn thuở ấy, đối mặt với thói cư xử tàn nhẫn trong môi trường gia đình, ông nhận thức mình trong cơn nguy khốn đã tuyệt vọng cầu cứu mẹ nhưng vô hiệu. Ông đã phải bỏ nhà đi bụi để thoát khỏi môi trường nghiệt ngã ấy, trở thành kẻ lang thang đường phố rồi thành một thằng lưu manh thật sự một thời. Trong môi trường tội phạm không biết đến xót thương này, ông phải tự mình học lấy cách đánh lộn, chịu đòn, ra đòn đôi khi hung bạo và tàn nhẫn.

Chúa đã giữ ông không sa ngã vào những thứ xấu xa tầm thường. Ông đã dừng lại đúng lúc, nếu không, ngày hôm nay ông đã không biết đến niềm vui được ôm mẹ trong vòng tay sau năm mươi năm xa cách. Ông ca ngợi Đấng Tối cao đã giúp ông thoát khỏi sự lôi kéo của băng đảng hè phố đã chớm làm ông mờ mắt. Bàn tay Chúa đã chăm lo cho ông. Tạ ơn Người đã ban cho ông sức chịu đựng dẻo dai để vượt qua những thử thách ấy. Tạ ơn Người đã gieo mầm trong ông lòng vị tha đối với cha mẹ, không lấy oán trả oán. Ngày hôm nay chính là phần thưởng Chúa dành cho ông vì lựa chọn đó. Ông nghe thấy những lời khuyên thấm thía của cô Naomile, người đã cưu mang ông thuở nhỏ. Tiếc là lâu nay đã bặt tin cô. Lúc này tâm nguyện đã thành, ông muốn xiết bao được chia sẻ cùng cô Naomile. Ông lại hình dung giây phút lịch sử hai mẹ con giáp mặt nhau. Trong khi chờ đợi cuộc gặp đáng nhớ này ông quyết định gọi điện cho vợ và con trai Arnaud để chia sẻ niềm vui.

Hai cuộc điện thoại đều ngập tràn niềm vui và nhẹ nhõm vì nhiệm vụ đã hoàn thành. Cả hai đều rất đỗi vui mừng khi nghe tin. Arnaud muốn sang Việt Nam để chứng kiến cuộc hội ngộ lịch sử này. Jansen bảo con hãy kiên nhẫn, trong lòng hơi ngạc nhiên về phản ứng quá mau lẹ này. Để ngăn nó lại, ông báo rằng nếu sớm nhất thì nó cũng không thể đến Việt Nam đúng dịp được. Khoảng cách giữa thành phố Détriot của Mỹ với Hà Nội là quá lớn. Hạn làm visa nhập cảnh vào Việt Nam có thể kéo dài đến một tuần, giống như ở Pháp. Nên hoãn kế hoạch ấy lại thì hơn. Jansen cũng nhắc luôn đến giá vé máy bay và những lý do tài chính. Arnaud đành chịu thuyết phục trước lý lẽ mà cha cậu đưa ra. Tuy nhiên Jansen vẫn rất tự hào vì phản ứng đó của con trai.

Vợ ông cũng nhắc đến chuyện dọn dẹp và trang trí phòng dành cho mẹ chồng, nghĩ đến chuyện đón tiếp mẹ chồng từ sân bay về nhà. Bà Jansen đề nghi gửi chuyển phát nhanh cho chồng tiền để chi trả chuyến đi cho mẹ. Jansen lại thêm lần nữa lúng túng trước những kế hoạch của vợ mình. Ông nhắc lại để bà nhớ rằng mục đích của chuyến đi là tìm gặp lại mẹ. Chuyện phải làm trước tiên là thiết lập một mối liên hệ, và xác định địa chỉ. Chặng sau này ông mới thu xếp đưa bà về Abidjan, Bờ Biển Ngà. Jansen Morati chắc chắn đã rất thỏa nguyện sau khi nghe những đề nghị này.

Đã đến giờ ăn trưa. Ông ngồi vào bàn và ăn rất ngon miệng. Ông muốn chợp mắt một lúc, nhưng không tài nào ngủ được. Quãng thời gian bốn mươi tám tiếng chờ đợi để gặp lại mẹ đối với ông như dài vô tận. Ông đã chờ đợi suốt bốn mươi tám năm qua, giờ chỉ còn bốn mươi tám tiếng nữa thôi, ông có thể đợi được. Dần dần, ý nghĩ đưa mẹ về Abidjan sống cùng mình vài tháng bắt đầu hình thành trong tâm trí ông.

Gợi ý này của vợ ông hợp lý. Thật tuyệt nếu đưa mẹ ông về sống trong gia đình ở Abidjan. Bọn trẻ sẽ rất mừng khi lần đầu tiên gặp bà nội chúng. Cha ông cũng sẽ vui nếu được gặp lại người vợ đầu tiên. Sẽ là một cuộc hội ngộ sau bao xa cách đầy cảm động. Tâm hẳn sẽ trách cứ Roger đã bỏ rơi bà, không chỗ trông cậy, không tin tức trong ngần ấy năm ròng. Nhưng niềm hạnh phúc thấy lại cậu con trai sẽ lấn lướt những trách giận người chồng cũ. Jansen hình dung ra niềm tự hào của cha khi báo tin cho những đồng đội cũ ở chiến trường Việt Nam đang sống ở Bờ Biển Ngà. Ông như thấy buổi tiệc lớn mà cha ông sẽ tổ chức để mừng mẹ ông về làng. Đề xuất của vợ ông rất hay. Ông quyết theo phương án này.

Ông để mặc những hình ảnh diễu qua, chen chúc, đan lồng vào nhau xoa dịu tâm trí mình. Ông mường tượng tất cả những cuộc viếng thăm tấp nập của họ hàng, bạn bè, thân quyến đến tận nhà để thăm hỏi mẹ ông. Ông như đã nghe thấy những lời chúc mừng cho khám phá phi thường này. Ông sẽ thuật lại cho họ tất cả những biến cố trong chuyến phiêu lưu đến Việt Nam. Ông cũng nghĩ đến buổi đón tiếp tổ chức ở Abidjan để chính thức thông báo với tất cả mọi người là mẹ ông sang chơi. Đó sẽ là một ngày hội châu Phi đúng nghĩa, với những điệu múa dân gian, hát ứng tác, âm nhạc, kịch ngắn và một bữa tiệc thực sự. Ông dự định quay phim sự kiện đặc biệt này để lưu giữ mãi kỷ niệm. Ông muốn cháu chắt của mình một ngày nào đó có thể chiêm ngưỡng buổi tiếp đón cụ nội. Ông sẽ nhờ những người bạn làm bác sĩ chăm sóc đặc biệt đến sức khỏe của mẹ. Vợ ông sẽ học nấu các món Việt Nam để bà thưởng thức. Mẹ ông đã trải qua bốn mươi năm cuộc đời mình trong chiến tranh, đây là lúc bà tận hưởng tối đa cuộc sống bên con trai mình. Tiếp đó, ông sẽ thuyết phục để bà sang đây ở hẳn với vợ chồng ông. Ông cũng sẵn sàng mời chồng bà cùng sang, nếu ông ấy muốn sống ở Bờ Biển Ngà.

Chuông điện thoại reo vang kéo ông ra khỏi những mơ mộng.

Ông Văn Kim gọi hẹn có mặt ở khách sạn lúc 5h chiều để nói chuyện thân tình với ông. Vợ ông Văn Kim sẽ cùng đi. Jansen Morati đặt báo thức lúc 4h40. Ông chừa ra hai mươi phút để chuẩn bị tiếp đón họ. Đã thấm mệt với những dự định về chuyến thăm của mẹ về Bờ Biển Ngà, ông ngủ thiếp đi không chút khó khăn.

Vợ chồng ông Văn Kim có mặt đúng giờ hẹn. Ông Văn Kim đúng giờ đến mức đáng ngạc nhiên. Điều này khiến ông mỉm cười khi nghĩ đến các cuộc hẹn giờ giấc rất cao su của người châu Phi. Ông công nhận người dân châu Phi rất muốn bắt kịp những tụt hậu về mặt kinh tế và xã hội. Tuy nhiên họ không ngần ngại ngầm biện hộ cho sự chậm trễ trong việc quản lý thời gian.

Jansen tiếp ông bà Văn Kim ngay tại phòng. Ông Văn Kim ngồi trên giường, bà Văn Kim ngồi cạnh Jansen Morati. Bà chúc mừng Jansen vì ý chí quyết tâm và kiên trì của ông trong chuyến phiêu lưu tuyệt vời này. Phần kết có hậu đang rất gần, bà khẳng định điều ấy với giọng run run vì xúc động. Tự đặt mình vào vị trí của bà Quang, bà thấy rất hãnh diện vì con trai đã tìm được mình. Bà đặt tay lên tay Jansen Morati tỏ ý ngưỡng mộ với những việc ông đã làm. Ông Văn Kim lên tiếng thông báo ông đã ở lại làng Phương Liệt để thu thập những thông tin hữu ích từ một số người cao tuổi có quen biết bà Quang.

– Hy vọng là thông tin không đáng lo?

– Đúng vậy, không có gì đáng ngại cả. Tôi chỉ muốn biết thêm chút ít về bà Quang và giúp cậu hiểu mẹ rõ hơn trước cuộc gặp tới đây thôi.

– Tôi xin nghe.

– Bà Nguyễn Thị Quang là một người Việt Nam yêu nước và kiên trung, đã hy sinh cả tuổi xuân của mình để chiến đấu trong hàng ngũ Việt Minh. Kết thúc chiến tranh thì bà cũng đã hơn năm mươi, tức là cuộc đời đã trải qua hơn bốn mươi năm chiến tranh thì đã có hai mươi năm hoạt động trong đội du kích rồi. Mẹ cậu, bà Quang cũng là Tâm rất dũng cảm, táo bạo, thường xuyên tham gia vào những trận tác chiến của đặc công phục kích quân địch, cả thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Bà ấy còn chuyên về đặt mìn chống tăng và mìn sát thương, hai mươi nhăm năm hoạt động chủ yếu trong rừng, điều kiện vô cùng vất vả, thiếu thốn. Cậu nghe kịp chứ?

– Tôi vẫn đang nghe bác nói đây. Đang theo Việt Minh hoạt động tích cực, sao bà lại cưới cha tôi, tức là chấp nhận đứng về phía đồng minh của Pháp?

– Doanh trại của Pháp tại Gia Lâm bị quân du kích Việt Minh xâm nhập. Cần có ai đó luồn vào để phối hợp hành động. Hồi bị bắt làm tù binh, mẹ cậu đã chịu trách nhiệm thu thập tối đa thông tin về động thái của quân Pháp rồi liên lạc với các đầu mối khác đang được cài trong doanh trại. Ngay cả khi bị giam mà cách nào đó bà vẫn tham gia vào một số hoạt động trong vùng. Tuy nhiên tôi cũng phải báo cậu biết mẹ Quang của cậu đã chịu đòn tra tấn để lại di chứng. Ra tù thì bà ấy về làm vợ cha cậu, rảnh tay rồi bà tiếp tục chuyển tin tức thu nhận được từ trong trại cho Việt Minh. Chính bởi nhiệm vụ này đối với Việt Minh mà năm 1955 bà ấy không muốn cùng chồng về châu Phi.

– Tôi hiểu. Bà ấy đứng trước lựa chọn giữa tình cảm cá nhân và lòng yêu nước.

– Quả thật bà ấy dự định gặp lại cha con cậu khi chiến tranh kết thúc. Nhưng không may, liền sau đó lại là chiến tranh chống Mỹ.

– Tôi biết. Vậy là cha tôi không hề biết vợ mình là một điệp viên?

– Chính xác, với nghĩa cao quý và tinh thần ái quốc của từ này. Cha cậu chưa hề biết.

– Tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trong cuộc phiêu lưu mang dáng dấp tiểu thuyết này.

– Bà ấy đã được phong tặng nhiều huân chương chiến công nhưng đáng ngạc nhiên là bà ấy không bao giờ xem những thứ huân chương ghi nhận lòng dũng cảm và lòng yêu nước của mình là trọng. Mãi sau bà mới nhận một huy chương cao quý duy nhất.

– Dù thế nào tôi cũng rất hãnh diện về mẹ. Tôi thấy vinh dự nhờ tinh thần trách nhiệm, lòng trung hậu của bà đối với Tổ quốc. Cả đời mẹ đã nếm trải bao đau khổ, bà vẫn vươn lên bất chấp nghịch cảnh. Chuyện từ chối huân huy chương cho thấy bà rất khiêm nhường. Tôi ước mình thừa hưởng một vài nét tính cách ấy. Ông có thông tin gì về người chồng hiện nay của bà không?

– Không có thông tin cụ thể nào cả. Tôi chỉ biết họ gặp nhau và tổ chức đám cưới khi chiến tranh kết thúc. Khi ấy mẹ cậu cũng không còn trẻ nữa, bà ấy tái hôn hẳn để không phải sống một mình.

– Ngoài tôi ra, mẹ có người con nào khác không?

– Chuyện này tôi không rõ.

– Mẹ tôi có mang thương tật không?

– Tôi tin là không. Cậu Tiêu đã hứa gắng hết sức để trong hôm nay hoặc ngày mai xác định được nơi ở của bà Quang.

– Tôi mong Tiêu thành công để chúng ta có thể đến gặp bà.

– Anh họ cậu rất năng động. Chúng tôi tin tưởng cậu ấy. Nhất là khi cậu ấy có nhiều lý do để giúp chúng ta. Cậu ấy cũng đang nóng lòng tìm chỗ ở hiện tại của cô ruột mình. Họ rất gắn bó với nhau. Đây chỉ là một vài thông tin về bà Quang mẹ cậu mà tôi có thể thu thập giúp cậu. Đừng lo gì cả, ít lâu nữa cậu sẽ gặp mẹ. Bây giờ chúng tôi xin phép về nhà. Mai là ngày hội thống nhất đất nước. Tôi hy vọng cậu tranh thủ dịp này nghỉ ngơi thư giãn. Nếu cậu cần đến chúng tôi thì cứ gọi điện. Tôi sẽ đến khách sạn gặp cậu.

Ông bà Văn Kim cáo từ ra về.

Sau bữa tối, Jansen Morati không thể ngăn mình đưa ra một số giả thiết về điều kiện sinh sống của mẹ mình.

Bà đã tích cực tham gia chiến đấu hơn hai lăm năm trời, đã giải ngũ hai lăm năm nay. Điều này có nghĩa là bà chưa bao giờ làm việc để dành dụm một khoản tiền nào. Chắc chắn cũng không có tiền tiết kiệm. Nhiều khả năng bà cũng không có tài sản nào đáng giá. Vào tuổi bà bây giờ, ông không thể tưởng tượng ra cảnh bà buôn bán đồ lặt vặt kiếm sống. Có vẻ như khoản trợ cấp hưu trí là nguồn thu nhập duy nhất của bà. Tuy có nhiều lợi thế để phát triển nhưng Việt Nam vẫn còn nghèo. Khoản tiền ấy chắc chắn chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, đối với rất đông những cựu chiến binh cùng hoàn cảnh với bà. Trong tình cảnh ấy, bà sẽ lệ thuộc chồng về kinh tế. Xuất thân của bà chắc cũng không phải giàu có để nghĩ bà có thể được thừa hưởng gia tài gì đáng kể. Nhà của anh trai bà, bố của Tiêu ở làng Phương Liệt là một minh chứng rõ ràng. Hẳn bà phải sống rất cơ cực. Jansen luận ra cảnh sống của mẹ rất giản dị, nếu không muốn nói là nghèo túng. Nhưng dù thế nào đi nữa, bà cũng không phải lo. Con trai bà từ giờ sẽ ở bên cạnh. Bà sẽ được hưởng tất cả những gì bà muốn có. Cậu con trai luôn vươn lên cuộc sống vì bà, từ ngày đi học cho tới lúc đi làm, để đạt đến một vị trí nào đó trong xã hội. Bất kể giàu nghèo bà cũng có quyền nhận truy lĩnh toàn bộ cổ phần tài chính mà con trai bà là ông đây đã gây dựng được.

Ông nằm dài trên giường để thư giãn, nhắm mắt lại để cố gắng mường tượng ra một hình ảnh về người mẹ ông không còn lưu giữ một kỷ niệm nào hết.

Chuông điện thoại reo. Arnaud gọi đến.

Jansen kể con trai nghe cuộc trò chuyện với ông Văn Kim ban nãy. Arnaud nghe như nuốt lấy từng lời cha nói, không nói một lời khiến trong giây lát Jansen ngỡ như điện thoại mất tín hiệu liên lạc.

– Nội con xuất thân từ tầng lớp bình dân khiến con rất hãnh diện. Con rất ngạc nhiên bởi tinh thần chiến đấu và đức tính kiên trung của bà. Nội hẳn phải là một người phụ nữ cá tính và không màng nguy nan.

– Không cần con nói vậy thì từ nay bà nội cũng đã trở thành một biểu tượng của gia đình mình, biểu tượng của lòng quả cảm, đức hy sinh xả thân quên mình, tinh thần ái quốc và tinh thần trách nhiệm.

– Chỉ tiếc là con ở xa nội và cha quá. Không được chứng kiến cuộc gặp gỡ lịch sử này con thấy bứt dứt không yên. Cha hãy hôn nội thay chúng con, con và vợ sắp cưới của con nãy giờ nghe cha con ta nói chuyện tới nội. Cô ấy rất ngạc nhiên và thán phục khi nghe câu chuyện cha vừa kể về nội. Chúng con luôn bên cha.

Cậu con trai đề nghị gửi cho cha một khoản tiền đủ chi phí vé khứ hồi đến Việt Nam. Dịch vụ chuyển tiền nhanh hoạt động rất hiệu quả. Người cha cảm ơn con trai đã nghĩ đến mình. Ông sẽ báo cho nó biết khi cần đến khoản tiền đó.

Lễ tân khách sạn cắt ngang cuộc trò chuyện để báo rằng một cuộc gọi nữa đang chờ ông, người gọi là thư kí của Jansen. Hai cha con liền hẹn ngày mai sẽ liên lạc lại.

Jansen Morati thuật lại chuyện với bà Alix.

– Tôi vẫn chắc chắn là ông sẽ thành công mà. Tôi chẳng biết nói gì để diễn tả niềm vui của mình lúc này. Hy vọng ông sẽ ghi lại cuộc gặp gỡ đáng nhớ này trên máy quay. Những người không được chứng kiến như chúng tôi đây sẽ được sống lại giây phút hạnh phúc đó.

– Tôi luôn mang theo máy quay bên mình. Cậu lái xe sẵn sàng giúp cho chuyện này.

– Ngài Tổng Giám đốc hỏi thăm ông. Tôi hứa sẽ gọi lại cho ông ấy ngay sau khi liên lạc được với ông.

– Cô nói để Tổng Giám đốc yên tâm là mọi việc đang tiến triển đúng hướng. Trong vòng bốn tám tiếng nữa thôi, tôi sẽ là người hạnh phúc nhất thế gian. Ngoài Tổng Giám đốc ra, đừng nói cho ai ở Abidjan biết chuyện vào lúc này. Hãy đợi tin của tôi rồi hãy nói rộng ra. Tôi đang không khác gì thánh Thomas. Tôi muốn nhìn thấy, cảm thấy, chạm vào bà ấy, ôm lấy bà trước khi loan báo tin tốt lành này.

Jansen Morati đi tắm, ông đứng rất lâu dưới vòi hoa sen, tận hưởng cảm giác khoan khoái, mát mẻ của nước ấm đang chảy trên cơ thể. Nước chính là cuộc sống. Và ông như tái sinh với ý nghĩ sẽ sớm được gặp mẹ, lần đầu tiên sau gần năm mươi năm trời. Dù bà có đang ở đâu trên đất nước Việt Nam này ông cũng không ngần ngại tìm đến với bà.

Exit mobile version