Phần 10 là chúng ta mới đi chưa được nửa phần câu chuyện. Nhưng Jansen Morati – nhân vật người con lai – đã mất cả quãng thời gian nửa đời người mong ước và quyết tâm tìm được mẹ.

Phần 10 là chúng ta được dự phần chứng kiến sinh nhật tuổi 48 của Jansen Morati, sinh nhật lần đầu tiên trên đất mẹ, vào thứ Sáu ngày 28 tháng Tư năm 2000.

Suốt cả cuộc đời, cho đến lúc này, ông đinh ninh mẹ mình tên là Tâm.

Nhưng dân làng Phương Liệt ở Hà Nội chỉ biết một người đàn bà khác, một nữ quân báo quả cảm, giống như mô tả về bà Tâm, nhưng lại có tên là Quang…

PHẦN 10:

Quang và Tâm là một người hay hai người khác nhau?
Thứ sáu ngày 28 tháng Tư năm 2000
Jansen Morati thức dậy lúc 5h sáng, hạnh phúc vì đã sống đến tuổi bốn mươi tám. Con số này tuy ít những đối với người châu Phi đây là một tuổi thọ khá cao. Ông cảm ơn Đấng Tối cao đã ban cho ông trường thọ so với hoàn cảnh sống trong một nước đang phát triển. Ông tạ ơn Ngài đã phù hộ ông được bình an mạnh khỏe như ông đã từng biết ơn Ngài suốt cuộc đời mình. Ông biết ơn Ngài đã cứu rỗi mỗi khi các thế lực xấu xa tìm cách tấn công mình. Chúa đã luôn che chở cho ông thoát khỏi tâm địa tàn nhẫn của một số người đem lòng ganh ghét đố kị. Ông biết được điều ấy qua những lời ăn năn hối cải của những người này. Ông biết ơn Ngài đã phù hộ cho tất cả các thành viên trong gia đình, vợ ông, con cái và cả cô con dâu tương lai. Đấng Toàn năng còn phù hộ cho việc học hành tấn tới và đường hoạn lộ của ông ngày càng rộng mở.
Từ ngày ông cất tiếng khóc chào đời, Chúa đã luôn bên cạnh ông, và cả bây giờ, mỗi khi ông cầu nguyện với lòng mộ đạo sâu sắc. Vì tất cả những lý do này, Jansen Morati có thể hãnh diện về những bước thăng tiến không ngừng trong sự nghiệp và sự thành đạt tương đối trong xã hội. Ông mong muốn bọn trẻ cũng sẽ gặp được những cơ hội tốt như ông. Ông luôn cầu Chúa sẽ giúp ông trở thành một người đàn ông chân chính, sống liêm khiết, khao khát công lý, chính nghĩa trong môi trường làm việc cũng như trong cuộc sống thường nhật. Tạ ơn Chúa đã cho chuyến đi đến Việt Nam trở thành hiện thực. Ông cầu xin Ngài mở lượng khoan dung để chuyến đi này có thể thực sự giúp ông tìm được mẹ, và tại sao lại không nhỉ, tìm được bà ngay trong ngày hôm nay, tại làng Phương Liệt, vào đúng sinh nhật lần thứ bốn tám của ông. Được vậy thì thật tuyệt.
“Dù ý chí của Người có thành hiện thực hay không thì con vẫn đang và sẽ mãi là kẻ tôi tớ tận tâm của Người”, Jansen kết thúc lời nguyện của mình.
Sau cuộc trò chuyện tâm linh này, Jansen Morati cảm thấy tinh thần đổi khác hoàn toàn. Ông không còn cảm thấy nỗi lo âu sợ hãi buộc ông ngày nào cũng phải ráng sức vượt qua để đạt tới tầm tư duy khoáng đạt hơn. Ông cảm thấy tràn đầy sinh lực, cả thể lực lẫn trí lực.
Ông với tay bật tivi. Như thường lệ, tầm giờ này, các kênh đều phát chương trình thể dục buổi sáng, các nhóm hướng dẫn viên nam, nữ thực hiện các động tác nhịp nhàng như múa. Đối với một người ngoại quốc như ông, đây chắc chắn là một lời mời cư dân trong độ tuổi lao động khởi đầu một ngày mới bằng những bài tập thể lực này. Có lẽ những bài tập này có tác dụng kích thích để khởi động một ngày làm việc mới tràn đầy sinh lực. Tiếp theo ông chuyển sang một kênh âm nhạc quốc tế, người ta chẳng nói âm nhạc xoa dịu tâm trạng căng thẳng đó sao? Ông vừa ăn xong bữa sáng thì có tiếng gõ cửa.
Một bất ngờ dễ chịu. Nhân viên lễ tân chuyển tới Jansen một bó lớn hoa tươi chúc mừng sinh nhật từ ban giám đốc khách sạn. Đó là một niềm vui lớn đối với ông.

– Làm thế nào các vị lại biết ngày sinh của tôi? – Ông hỏi cô lễ tân bằng tiếng Anh.

– Chúng tôi đã đọc tin nhắn tìm mẹ của ngài đăng trên báo.
Đúng vậy. Trong tin nhắn Jansen cho đăng báo có ghi ngày sinh của ông. Giờ thì ông hiểu tại sao bữa ăn sáng nay dành cho ông đặc biệt đến vậy.
Cười thật tươi và học theo cách của người Việt Nam, ông nhờ cô chuyển lời cảm ơn của mình tới giám đốc khách sạn. Ông đặt bó hoa xinh xắn ngay đầu giường, ngắm nhìn từng bông hồng. Ông nghiêng người xuống bó hoa để thích thú cảm nhận bằng khứu giác hương thơm buổi sáng của những bông hoa. Mắt ông ngấn nước. Ông hình dung cảnh chính ông tặng mẹ một bó hoa. Ông cầu xin Chúa ban cho ông tất cả năng lượng tinh thần cần thiết để vượt qua thành công những trở ngại gặp trên suốt hành trình.
Điện thoại đổ chuông. Đó là con trai cả Arnaud của ông. Nó gọi để chúc ông một sinh nhật vui vẻ, ước sao chuyến sang Việt Nam lần này sẽ khép lại bằng cuộc gặp gỡ được mong đợi bấy lâu nay giữa mẹ và con trai. Bày tỏ điều này mà giọng nó run lên vì xúc động. Jansen Morati không phải không hiểu con trai đang bị giày vò bởi nỗi lo chuyến đi này thất bại. Ông biết lòng nó đang lo lắng, sợ hãi vì khoảng cách đang chia cắt hai cha con, những mười hai múi giờ. Ông tin chắc rằng nó đang rất muốn ở bên ông để động viên tinh thần, hỗ trợ ông nhưng cũng là để tham gia tích cực vào cuộc tìm kiếm. Ông cũng nhân đó kể vắn tắt những việc đã tiến hành, với điểm nhấn hy vọng cho phép nghĩ tới một kết cuộc tốt đẹp.
Con dâu tương lai của ông đang ngồi cạnh chồng sắp cưới, cũng mong công việc tìm kiếm ông đang theo đuổi sẽ thành công. Ngay sau đó là cuộc gọi của vợ Jansen. Bà chúc ông một sinh nhật tuyệt vời, mạnh khỏe, sống lâu và hạnh phúc. Bà luôn tin trong chuyến đi này, giấc mơ thời thơ ấu tìm được mẹ mà bà vẫn luôn chia sẻ với ông sẽ thành hiện thực. Các con ông: Chamie, Kaity, Loan Fatim và Rayane cũng hỏi thăm cha qua điện thoại. Tất cả những giọng nói thân thương này an ủi trái tim Jansen, nhất là khi bấy giờ ở Abidjan đã quá nửa đêm.
Ông vừa dập máy thì lại có người gọi đến. Đó là Alix, thư ký của ông ở văn phòng, con người tốt bụng, thanh lịch, tận tâm khiến cả nhà coi bà như một thành viên trong gia đình. Bà đã tích cực lo liệu chuẩn bị cho chuyến đi này, không nề hà sắp xếp mọi cuộc hẹn, ở Abidjan, Paris và Hà Nội. Bà gọi điện chúc sếp một sinh nhật vui vẻ, mong ông sẽ còn tiến xa trong sự nghiệp, đặc biệt là sớm gặp lại mẹ như đã định.
Sau ngần ấy cú điện thoại, Jansen Morati lấy làm hãnh diện về đại gia đình hòa hợp và gắn bó của mình.
Ngày mới của ông khởi đầu thật tuyệt: bữa sáng đặc biệt, bó hoa bất ngờ, những lời chúc mừng sinh nhật. Từ những chuyện này ông đã tin chắc rằng sáng nay hạnh phúc đang chờ đợi ông tại làng Phương Liệt.
Vẫn như thường lệ ông Văn Kim rất đúng hẹn. Ông thay lời cho cả vợ ông chúc Jansen những lời làm tâm trí và trái tim Jansen như dịu lại.

Hôm nay là một ngày trọng đại, ngay hôm nay chúng ta sẽ tìm thấy mẹ cậu hoặc một thành viên trong gia đình bà. Chúng ta sẽ bắn một tên trúng hai đích, vừa đạt được mục tiêu của chuyến đi, vừa mừng sinh nhật cậu.
Ông Văn Kim bày tỏ hy vọng họ sẽ cùng nhau thành công trong cuộc chiến đấu này. Jansen Morati cảm ơn ông vì đã ủng hộ mình. Họ xuống quầy lễ tân.
Toàn thể nhân viên đang chờ để cụng ly chúc mừng sinh nhật của vị khách. Người quản lý khách sạn tin tưởng Jansen sẽ không phải về nước mà không gặp được mẹ mình. Bà còn tin chắc cuộc gặp đó sắp xảy ra.
Những sự kiện đáng chú ý ấy mang lại cho Jansen Morati bao hy vọng. Ông xúc động biết ơn tất cả mọi người. Rồi ông và ông Văn Kim đến nhà ông Nguyễn, trưởng giáo xứ Phương Liệt. Ông Văn Kim cho trưởng giáo xứ Phương Liệt biết hôm nay là sinh nhật lần thứ bốn mươi tám của vị khách đến từ châu Phi.
Ở đây cũng vậy, gia đình ông Nguyễn cũng chúc Jansen những điều chân thành nhất. Cả gia đình mong điều ước lớn nhất của Jansen Morati được thực hiện, ông sẽ gặp lại mẹ ngay trong ngày hôm nay. Sau đó, cả ba người cùng đến làng Phương Liệt, bà Nguyễn nhìn theo họ đầy trìu mến.
Trên đường đi Jansen Morati đã cảm thấy rõ ràng tim mình đập gấp hơn. Ông vẫn khó mà tin được cái ngày ông đã chờ đợi bấy lâu nay cuối cùng cũng đến. Hai bàn tay ông, và cả người ông rịn mồ hôi. Lần trước khi đến làng Phương Liệt ông chưa có cảm giác nào mãnh liệt đến thế. Ngay cả cặp kính của ông cũng đọng một lớp mờ hơi nước. Ông thầm nghĩ đây chính là những điềm báo đầu tiên về một sự kiện trọng đại sắp diễn ra. Ông nhìn ông Văn Kim ngồi kế bên đang mỉm cười với ông, như trấn an ông rằng mọi việc rồi sẽ suôn sẻ.
Đến nơi, Jansen Morati có cảm giác trong làng, ngoài ngõ, trước sân nhà dường như đều đông người hơn những lần trước. Những người đã gặp qua đều vồn vã, nồng nhiệt chào họ. Ông cảm tưởng khi ông đi khỏi họ sẽ bàn tán về ông.
Một bà cụ, tuổi rất cao đứng dậy. Cụ lê bước nặng nhọc về phía ba người. Cụ cầm tay Jansen để chúc mừng và khích lệ ông vì đã có ý chí trở về tìm mẹ. Họ cùng đến nhà trưởng thôn Ngọc.
Cùng ngồi với ông Ngọc còn có ba cựu chiến binh từng chiến đấu trong chiến tranh Đông Dương. Ông Ngọc giới thiệu mọi người với nhau. Họ đề nghị Jansen Morati tường thuật lại những thông tin về mẹ ông. Ông bèn kể lại. Ông đưa ra những chi tiết khác về nhân dạng của mẹ, mái tóc đen dài lạ thường của bà. Ông nói bà thường đến thăm một người họ hàng thời đó đang làm việc trong viện quân y Bạch Mai. Ông cố sao diễn tả thật đơn giản để ông Văn Kim có thể hiểu rõ và dịch lại cho mọi người cùng nghe.
Ông Ngọc giải thích lý do ba cựu chiến binh có mặt tại đây. Họ giữ liên lạc với rất nhiều bạn chiến đấu cũ trong suốt thời gian qua. Chính họ đã đi thu thập ý kiến của đồng đội về câu chuyện của Jansen Morati do trưởng thôn thuật lại. Một người trong số họ xác nhận là câu chuyện họ vừa được nghe Jansen kể không khác gì những thông tin thu thập từ nhiều nguồn khác nhau trong làng Phương Liệt.
Vậy là cuộc trao đổi có thể bắt đầu.
Jansen Morati nhìn hết người này đến người khác. Suốt thời gian ấy không ai lên tiếng. Sự đón tiếp hẳn đã khác ngay từ cổng làng nếu là tin tức tốt lành đang chờ mình, ông suy đoán. Ông Nguyễn hẳn đã thông báo ngắn gọn tin tốt lành ấy trước khi lên đường về làng bởi ông liên lạc thường xuyên với những người chủ chốt trong làng.
Jansen Morati đợi sẵn một tin không mấy tốt lành. Cũng có thể không phải vậy, ông nghĩ. Ông Nguyễn hẳn sẽ báo trước cho ông Văn Kim, và ông Văn Kim hẳn sẽ nói lại với mình chứ. Tóm lại – ông tự nhủ – phải lạc quan và suy nghĩ theo hướng tích cực. Sự thật sắp được làm rõ rồi. Mọi sự Chúa sắp đặt đều tốt đẹp.
Một trong số ba cựu chiến binh kia lên tiếng. Ông hoan nghênh Jansen đã đến Việt Nam tìm gặp mẹ. Và còn nhiều điều khác nữa. Jansen chỉ nghe loáng thoáng những lời này, chúc tụng, động viên, vân vân. “Dài dòng quá”, và mãi chưa vào chủ đề chính. Không phải điều ông muốn nghe lúc này.
Ông muốn ngay lập tức xác nhận mẹ ông có mặt trong ngôi làng này hay không kia. Ông hít một hơi thật sâu để dằn lòng và thần kinh bớt căng thẳng. Ông cố hêt sức làm chủ bản thân, không để lộ ra thái độ gì có thể diễn giải thành thái độ thiếu tôn trọng với những người đang cùng nói chuyện. Đây hẳn không phải giây phút và nơi đã định. Ông gắng tỏ ra thoải mái với vẻ tự nhiên nhất có thể. Thậm chí ông còn nở một nụ cười.
Nhưng rồi, tai họa đến bất thần. Những câu cuối trong lời phát biểu của người cựu chiến binh này như một cú trời giáng đối với ông. Cả ba người cựu chiến binh đều thống nhất cho rằng không người phụ nữ nào trong làng Phương Liệt giống với câu chuyện của Jansen Morati. Họ không biết người phụ nữ nào sống ở Phương Liệt tên Tâm có liên quan đến câu chuyện này. Máu dồn nhanh lên đầu Jansen Morati.
Ông thiếu chút nữa thì ngất xỉu. Cả người gây gây váng vất. Ông có cảm giác những người khác đang xúm lại quanh ông. Rồi ông bấu chặt vào thành ghế. Cảm giác thân mình được nhấc lên để đặt nằm dài ra trong khoảng không, đầu gục về trước. Ông như nhìn thấy một hố đen ngay trước mặt đang muốn nuốt chửng mình. Bất chấp tất cả, trong một thoáng tỉnh táo, ông biết rằng mình có thể sẽ mất hết tri giác.
Bằng một nỗ lực tinh thần ngoan cường, ông đã lấy lại khả năng kiểm soát các giác quan. Bàn tay của ông Văn Kim đặt trên vai ông thật đúng lúc. Cử chỉ thể hiện tình bằng hữu mật thiết quả thật đã làm mờ ngay đi lập tức cơn khó ở trong người ông.
Dần dà Jansen Morati hồi tỉnh hoàn toàn. Áo sơmi của ông ướt sũng trong khi mồ hôi vẫn tiếp tục đổ ra như tắm. Ai đó đưa ông một chiếc khăn mùi xoa để lau mặt. Ông lau bớt mồ hôi ở cả hai cánh tay. Ông vươn mình ra sau để “kích hoạt” cột sống, lắc lắc đầu để gân cốt được “thả lỏng”, ông co duỗi liên tục hai chân để “hồi sinh” các bộ phận trên cơ thể. Ông quan sát một lượt xung quanh, biết rằng mình vừa thoát nạn. Ông trấn an mọi người, giờ thì ổn rồi. Thậm chí ông còn đứng dậy mà không hề loạng choạng để họ thật tin vào điều ấy. Ông ngồi trở lại, nở nụ cười thật tươi. Người ta mang lên cho ông một tách trà nóng mà ông rất vui lòng đón lấy. Rút cuộc ông đã trấn tĩnh lại.
Trưởng thôn Ngọc lên tiếng, rằng không việc gì phải thất vọng, vẫn còn một tia hy vọng nữa.
Ba người cựu chiến binh cùng những bậc cao niên trong làng Phương Liệt thống nhất dứt khoát tại một điểm. Câu chuyện Jansen Morati kể có nhiều điểm giống với câu chuyện của một phụ nữ Việt Nam khác. Nhưng bà không phải tên Tâm. Đúng ra tên bà là Nguyễn Thị Quang, cả làng này đều biết. Họ hàng bà vẫn sống trong làng. Câu hỏi mà ai nấy đều đặt ra là liệu Tâm và Quang có phải cùng một người hay không? Có một phép lọc để tìm kiếm ở cấp độ này. Cả hai người phụ nữ đều có chung những điểm sau:

Họ cùng sinh năm 1929 tại Phương Liệt.

Cả hai đều thấp người và mảnh dẻ.

Cả hai đều có mái tóc đen dài xõa xuống vai.

Cả hai đều theo đạo Thiên Chúa và tích cực tham gia cộng đồng Thiên Chúa giáo.

Cả hai đều nói và viết tiếng Việt thành thạo.

Cả hai đều nói và viết tiếng Pháp thành thạo.

Cả hai đều bị quân đội Pháp bắt làm tù nhân, trong những hoàn cảnh giống hệt nhau.

Cả hai đều bị giam trong trại Gia Lâm, Hà Nội trong cùng một khoảng thời gian.

Cả hai đều bị lính Pháp tra tấn dã man.

Tâm đi thăm một người bà con trong quân y viện Bạch Mai. Quang đến thăm anh cả mình, Nguyễn Huyên làm việc ở đó.

Cả hai đều lấy chồng người Phi.

Cả hai đều sinh được một bé trai người lai.

Cả hai đều sinh con ở nhà hộ sinh Gia Lâm.

Sau đó cả hai đều vào Sài Gòn cùng chồng và con trai.

Cả hai đều không gặp lại con trai từ ngày vợ chồng ly biệt tại Sài Gòn.

Cả hai đều bặt tin chồng và con trai từ ngày ly biệt tại Sài Gòn.
Jansen Morati bám riết thông tin vừa nhận được này. Ông muốn tin vào điều đó. Thậm chí ông đã tin rồi, do linh tính mách bảo. Ông chắc chắn mình không nhầm lẫn được. Những điểm trùng hợp đến lạ lùng. Chắc chắn hai người phụ nữ đến thăm cùng một người trong quân y viện Bạch Mai. Từ những điểm trùng khớp suy ra đó chỉ là cùng một phụ nữ đi thăm cùng một người. Với ông, không có gì phải nghi ngờ thêm nữa. Tâm và Quang chỉ là một mà thôi.
Gương mặt ông lại một lần nữa sáng bừng lên. Viên đạn cuối cùng đã bắn ra rồi, ông dự đoán.

– Bà ấy ở đâu? – Jansen hỏi thăm.

– Không may là không ai biết chính xác hiện giờ bà ấy đang sống ở đâu – một cựu chiến binh đáp – Chỉ biết bà ấy chắc đang sống trong thành phố Hồ Chí Minh, tên mới của Sài Gòn.

– Quang rời khỏi làng cũng phải hai, ba chục năm nay rồi – trưởng thôn Ngọc giải thích.

– Họ hàng thân thích của bà còn ở làng không? – Jansen hỏi.

– Vẫn còn đấy – một cựu chiến binh khác đáp.

– Chúng ta có thể đi hỏi những người này để biết chính xác hơn được không, đi ngay bây giờ? – Jansen Morati nài nỉ.

– Chúng tôi đã nghĩ đến chuyện đó – trưởng thôn đáp – Chính cậu, rốt cuộc cũng đã chịu một cú sốc khi biết tin không ai ở đây biết về Tâm, mẹ mình. Cậu còn trẻ, còn tráng kiện. Cậu là nam giới trong khi bà Quang đã có tuổi rồi. Bà ấy đã chôn sâu quá khứ trong lòng đến mức phản ứng của bà ấy trong trường hợp này là không thể dự đoán được. Bà ấy hẳn đã đau khổ nhiều vì phải xa đứa con trai. Nhất định bà ấy đã cố gắng quên đi sự không may này. Có lẽ bà ấy đã chôn chặt quá khứ, làm lại cuộc đời, tạo ra cho mình một lẽ sống khác. Chúng ta không có quyền manh động mà phá vỡ cuộc sống mới của bà ấy. Khơi lại quá khứ đau thương này là đối mặt với nguy cơ lớn. Và nếu lại xác nhận được cậu không phải con trai bà ấy, bà ấy không phải mẹ cậu? Chúng ta sẽ mang lại một hy vọng đắng cay thậm chí không biết bà ấy sẽ ra sao khi hay tin. Ở tuổi này rồi, bà ấy có chịu nổi cú sốc này không? Phải tránh cho bà ấy nỗi khổ đau ấy. Nếu tình trạng sức khỏe không ổn định thì bà ấy không qua được mất. Bà Quang không nên gặp cậu, chừng nào chúng ta còn chưa chắc chắn bà ấy đúng là mẹ cậu, cậu đúng là con trai của bà. Nếu không còn nghi ngờ gì nữa, chắc chắn là mẹ và con trai, chúng ta có thể khẳng định mà không gặp phải nguy cơ nhầm lẫn, rằng Tâm là Nguyễn Thị Quang. Lúc ấy ta mới tiếp cận với bà Quang – Tâm để báo tin mừng. Trong khi chờ đợi, ta nên thận trọng, bởi Tâm và Quang khác nhau một điểm cơ bản. Bà Tâm mẹ cậu khi cưới cha cậu coi như đã tự nguyện đứng trong hàng ngũ địch là quân đội Pháp và đồng minh. Trong khi Quang lại là một chiến sỹ yêu nước đi theo Việt Minh. Bà ấy đã chiến đấu quật cường chống Pháp, tự tay cầm vũ khí tham gia chiến đấu, nằm vùng suốt hơn hai chục năm trời. Chi tiết không thể bỏ qua này khiến chúng tôi phân vân. Đây là lý do chính khiến chúng tôi muốn tiến hành xác minh cẩn thận.

Lập luận này khiến Jansen Morati thấy đất dưới chân như sụt xuống. Đây là một chi tiết quan trọng có thể làm cho tất cả quay trở lại điểm xuất phát. Ngày hôm nay mọi chuyện vẫn còn chưa sáng tỏ, ngày mai cũng không – ông tự nhủ. Ông không biết phải nghĩ gì, làm gì nữa. Ông sẽ thuận theo ý Chúa, không phải theo lối tư duy chấp nhận thua cuộc mà là để dồn hết năng lượng cần thiết để tiếp tục cuộc chiến.
Với tất cả những gì ông đã phải chịu đựng cả về tinh thần lẫn tâm lý, từ nay, ông sẽ coi cuộc tìm kiếm này như một cuộc chiến phải theo đuổi chứ không phải như một bước tìm kiếm đơn giản thông thường. Trạng thái tinh thần cũng vì vậy mà biến đổi theo, không còn như trước nữa. Cuộc chiến ấy chỉ mới bắt đầu. Tuy nhiên, ông cũng bắt đầu bám riết lấy ý nghĩ người phụ nữ tên Quang cũng chính là Tâm, mẹ ông.
Ông hỏi thăm ông Văn Kim về đoạn cuối của câu chuyện đã có nét tựa như một chuyện dài kỳ huyền hoặc này. Đến lượt mình ông Văn Kim quay sang hỏi trưởng thôn, trưởng thôn bảo đã hẹn gặp một trong số những người cháu trai của bà Quang. Anh ta gọi bà Quang bằng cô ruột, cha anh ta không may mất đã lâu rồi. Anh ta vẫn có hộ khẩu trong làng nhưng thường trú tại Hà Nội. Chiều tối nay anh ta sẽ về làng. Trưởng thôn chỉ định hỏi duy nhất anh ta một cách kín đáo để biết rõ thêm về bà Quang. Lúc liên lạc trưởng thôn cũng đã trình bày rõ quan điểm đó nên anh ấy rất hiểu sự kín kẽ mọi người đang trông đợi ở mình. Không nên làm xáo trộn sự yên tĩnh bấy lâu nay bên phía gia đình họ mạc của bà Quang vẫn sống trong làng Phương Liệt. Anh ta sẵn sàng hợp tác với những người chủ chốt muốn nghe sự thật liên quan đến bà Quang, bà Tâm và Jansen Morati.
Tin này khiến Jansen Morati vui mừng hoan hỉ. Nếu Quang và Tâm là cùng một người thì rốt cuộc người họ hàng bên ngoại đầu tiên đã hiện diện, một người anh họ. Cuộc hẹn được ấn định vẫn tại làng Phương Liệt vào 9h sáng hôm sau.
Ông Nguyễn nãy giờ ngồi yên lặng lên tiếng cảm ơn trưởng thôn cùng ba vị cựu chiến binh, tất cả đều là bạn chiến đấu của nhau. Ông ca ngợi tinh thần sẵn sàng tương trợ, tương thân tương ái của họ trong sự việc nhạy cảm này. Ông cho rằng Chúa sẽ phù hộ cho Jansen Morati tìm ra và gặp lại mẹ mình sớm hơn mọi người vẫn nghĩ. Ông sẽ cầu nguyện cho điều ấy xảy ra. Ông giục mọi người ra về.
Jansen Morati và ông Văn Kim đưa ông Nguyễn về lại giáo xứ. Rồi họ lại tiếp tục quãng đường về khách sạn. Trước khi chia tay, Jansen Morati nhắc đi nhắc lại lời cảm ơn ông Văn Kim đã phải vất vả vì mình quá nhiều. Rồi ông trở lên phòng. Đã quá 1h trưa.
Cũng giống như bữa sáng, một bữa trưa thịnh soạn được nhân viên khách sạn mang đến. Tiệc mừng sinh nhật ông vẫn tiếp diễn. Ông muốn tắm trước khi ăn để sắp xếp lại suy nghĩ cho mạch lạc.
Ông đang tắm thì điện thoại đổ chuông, ông bước ra nhấc máy với cái khăn tắm quấn ngang người. Bà Hortense gọi đến từ Luxembourg chúc ông một sinh nhật vui vẻ. Nina, con gái nuôi của Jansen đang đứng bên cạnh bà. Cả hai đều động viên ông, họ mong ông sớm hoàn thành tâm nguyện tìm lại mẹ. Họ muốn biết việc tìm kiếm đang tiến triển tới đâu, Jansen đành trấn an hai người rằng việc tìm kiếm đang đi đúng hướng. Ông đang hy vọng hai mẹ con sẽ gặp nhau trước khi ông lên đường về Abidjan.
Dập máy, tắm xong ông mới ra dùng bữa. Bữa ăn rất thịnh soạn mà ông lại không thấy đói lắm. Nhận xét của trưởng thôn khiến ông lo lắng: Quang và Tâm thuộc về hai phe đối địch nhau trong chiến tranh.
Với ông, Quang tồn tại thật. Hiển nhiên là vậy. Dân làng Phương Liệt biết bà. Ngày mai ông phải gặp người cháu gọi bà bằng cô. Họ hàng của bà cũng đang sống trong làng. Vậy là thực tế họ có thể xác định Quang, người có cùng quá khứ với Tâm, mẹ ông. Hai người có khá nhiều điểm chung. Nhưng dân làng Phương Liệt không ai biết Tâm, còn Quang thì ngược lại. Rất nhiều khả năng Tâm không thật sự tồn tại, trừ khi người ta công nhận Tâm là Quang và Quang cũng chính là Tâm.
Vậy thì Quang chính là mẹ ông.
Tại sao trong đời mình Quang lại từng phải thay tên đổi họ để trở thành Tâm? Nếu Tâm là Quang, những người thân của bà hẳn phải giải thích làm thế nào Quang trở thành Tâm, rồi sau đó lại thành Quang. Quang không thể sống với thẻ căn cước của Tâm, cái tên chính thức ghi trên giấy khai sinh của ông, mà những người thân trong gia đình lại không biết. Tuy nhiên họ lại không liên lạc khi theo dõi được những thông cáo ông cho đăng trên báo, đài. Có nghĩa là họ hàng của Quang không hể biết bà từng mang tên Tâm ư? Cuộc gặp cháu trai của Quang ngày mai được quyết định để làm sáng tỏ sự nhập nhằng nước đôi này.
Giờ thì Jansen Morati lại đặt giả thiết Quang và Tâm là hai người khác nhau.
Dân làng Phương Liệt không ai biết Tâm. Nhưng bà lại bị bắt giam cùng một thời gian với Quang. Cả hai đều thông thạo tiếng Việt và tiếng Pháp, cả nói lẫn viết. Họ lại bị giam trong cùng một trại. Chắc chắn họ là bạn tù nên biết nhau. Khi chuyện trò có lẽ họ đã nhận ra hai người sinh cùng năm, đều gốc làng Phương Liệt, cũng có thể biết cả chuyện mỗi người đều đến thăm người thân hay người quen trong bệnh viện Bạch Mai. Cả hai lại cùng cưới lính gốc Phi. Điều này hẳn đã củng cố thêm mối quan hệ bạn bè giữa hai người. Mỗi người lại sinh một đứa con trai. Hai đứa trẻ đồng lứa hẳn nhiên sẽ chơi đùa cùng nhau nhất là khi mẹ chúng là bạn của nhau. Dựa trên những giả thiết này, dĩ nhiên là Quang biết rõ về Tâm và ngược lại. Và nếu Quang còn sống, bà sẽ cung cấp thông tin về cô bạn Tâm của mình. Ông gần như không cần tính đến khả năng Quang và Tâm không quen biết nhau.
Ngược lại, nếu Quang chính là mẹ Tâm của ông, cũng cần làm sáng tỏ tại sao bà lại thay tên đổi họ và nhất là hai người, vốn là cùng một người ấy, lại có thể đưng trong hai chiến tuyến đối địch nhau thời chiến tranh. Nếu Quang và Tâm là bạn, họ hàng thân thích của họ hẳn cũng quen biết, vì họ hàng hai bên đều sống ở Phương Liệt. Nhưng quá trình tiếp cận tìm hiểu của trưởng thôn cho thấy không ai trong làng Phương Liệt có họ hàng với Tâm nên khả năng Tâm không thực sự tồn tại là rất lớn.
Nghĩa là Tâm và Quang là cùng một người.
Tóm lại, Jansen Morati suy ra Quang chính là mẹ Tâm của mình, nếu không thì chí ít, Quang cũng biết mẹ Tâm. Theo ông không có cách lý giải nào khác.
Tất cả những phân tích này làm ông đau cả đầu. Ông uống một viên aspirine. Cũng cần xét đến những thế nước đôi khác. Nhưng ở vị trí vừa đệ đơn vừa xử án nên các giả thiết ông đưa ra cũng khó mà khách quan sáng suốt. Tiềm thức vẫn đẩy ông đến chỗ đưa ra những giả thiết nào có lợi cho mình. Tuy nhiên dựa trên cơ sở những phân tích nãy giờ thì lối thoát duy nhất cho ông là hạnh phúc vì cuối cùng sẽ được gặp mẹ hoặc biết tin tức về bà.
Tin chắc như vậy nên ông ngủ ngon lành, không bị chứng mất ngủ quấy rầy nữa. Ông nhờ bên lễ tân đánh thức lúc 4h chiều. Ông nhanh chóng ngã vào vòng tay của Morphée, vị thần giấc mơ trong thần thoại Hy Lạp. Và Jansen Morati bắt đầu mơ.


Trong giấc mơ ấy, Jansen lại ngồi trên chuyến bay Paris – Hà Nội cùng cha mình. Một nữ tiếp viên hàng không duyên dáng trong chiếc áo dài truyền thống của Việt Nam thông báo máy bay sẽ hạ cánh trong vòng năm phút nữa. Roger và Jansen Morati bước xuống sân bay Nội Bài. Họ bắt taxi về Gia Lâm. Xe chạy trong thành phố, Roger công nhận Hà Nội đã thay đổi rất nhiều trong mắt ông. Tuy nhiên, dòng xe cộ ngày một đông đúc, nhiều nhất là xe gắn máy. Jansen hỏi cha liệu ông có chắc chắn tìm ra nhà của mẹ không. Roger bảo con trai cứ yên tâm. Chiếc taxi đã lên cầu dẫn sang Gia Lâm. Họ vừa vào đến phố thì Roger bảo lái xe dừng lại. Jansen thanh toán tiền. Cha ông bảo:

– Có thấy ngôi nhà hai tầng sơn trắng kia không? Đó là nhà một người bạn Việt Nam của cha. Bọn ta chiến đấu cùng nhau. Ông ấy thường mời ta và mẹ Quang của con tới nhà dùng bữa. Mẹ Tâm của con cũng phụ ông ấy nấu nướng. Ông ấy sẽ rất ngạc nhiên khi trông thấy ta cho mà xem, năm mươi năm rồi còn gì.
Ông gõ cửa rồi một người đàn ông đứng tuổi ra mở cửa. Đó là người bạn thân thiết của Roger Morati. Người đàn ông Việt Nam này có vẻ không tin vào mắt mình khi trông thấy bạn chiến đấu gốc Phi thời chiến tranh. Họ ôm chầm lấy nhau. Rồi nhìn Jansen Morati chăm chú, ông tự hỏi liệu có phải con trai của Roger đang đứng ngay trước mặt mình không.

– Cháu đúng là con trai cha Roger ạ – Jansen đáp.
Ông ấy mời hai cha con vào trong nhà rồi mang đồ uống ra tiếp.

– Tôi đoán cậu đến để thăm vợ Tâm của cậu phải không nào. Lần vừa rồi tôi gặp cô ấy, cách đây không lâu, cô ấy vẫn còn giận cậu lắm. Cô ấy trách cậu không viết thư thông báo tình hình bọn nhỏ. Thế con gái cậu đâu, em gái của cậu chàng này ấy?

– Nó đã không may thiệt mạng trên tàu khi ba cha con trên đường về Bờ Biển Ngà – Roger đáp.

– Tôi lấy làm tiếc. Tôi chưa nghe tin này.

– Tâm sao rồi? – Roger hỏi.

– Quang cũng già đi nhiều, tái hôn rồi. Hai vợ chồng cô ấy sống cách đây không xa lắm. Tôi vẫn giữ quan hệ tốt với họ mà.

– Hai cha con tôi có thể sang chào cô ấy không?

– Đừng nôn nóng. Tâm giờ đã tái hôn rồi. Để tôi thăm dò xem tình hình thế nào đã. Tôi chắc cô ấy sẽ rất mừng được gặp lại con trai. Nhưng tôi không chắc cô ấy đã chịu tiếp anh. Đi nào, chàng trai. Chúng ta sẽ đến gặp mẹ Quang của cháu. Còn cậu, cậu ngồi đây đợi hai bác cháu tôi nhé.
Đợi khi hai bác cháu đã đi bộ ra đến đường, Jansen Morati mới hỏi bạn của cha liệu bác còn nhớ mẹ cháu không.

– Tất nhiên là nhớ. Ban nãy ta đã nói với cha cháu là thi thoảng ta vẫn gặp mẹ cháu đấy thôi.

– Tên mẹ cháu là gì ạ?

– Cháu không biết tên mẹ sao?

– Cháu biết. Nhưng khi thì ba cháu nhắc đến mẹ với tên Quang, khi thì Tâm. Bác cũng dùng cả hai tên ấy để gọi bà. Nên bây giờ cháu cũng rối tung lên. Quang và Tâm, tên nào mới là tên thật của mẹ cháu hở bác? Hai cái tên này chỉ cùng một người hay hai người khác nhau ạ?
Một chiếc ôtô đang đi theo chiều ngược lại muốn tránh một khách bộ hành. Chiếc xe lao về phía họ với tốc độ cao đang được kìm lại trong tiếng phanh nghiến ken két. Jansen Morati bừng tỉnh.


Thật may đó chỉ là một giấc mơ. Ông nhìn đồng hồ. Đã là 3h40 chiều. Sinh nhật thứ bốn tám của ông có quá nhiều cảm xúc mạnh mẽ, với những cú nảy bất ngờ như để sự chờ đợi kéo dài bất tận. Chuyện Quang và Tâm là cùng một người hay hai người khác nhau vẫn làm ông bấn loạn. Và nếu ngày mai họ thông báo với ông rằng bà Quang đã tạ thế. Việc tìm ra sự thật sẽ càng trở nên phức tạp. Nếu Quang cũng chính là Tâm thì còn ai có thể chứng nhận điều ấy đây?