Người con trai sinh ra trong hoàn cảnh đầy biến động ấy sinh năm 1952, từ khi biết mình có một nửa dòng máu Việt, lúc nào người con trai Bờ Biển Ngà cũng đau đáu một nỗi đi tìm mẹ. Nhưng biết tìm như thế nào khi mà tất cả những gì anh ta biết về người mẹ Việt Nam của mình chỉ là dòng chữ ngắn ngủi: “Nguyễn Thị Tám, làng Phương Liệt”. Chấm hết. Anh chỉ còn tâm niệm một điều là học thật giỏi, tìm công việc tốt, kiếm được nhiều tiền để một ngày nào đó sẽ vượt đại dương tìm mẹ…
Vào một ngày cuối tháng 3/2006, tại một khách sạn trên đường Tôn Đức Thắng, Hà Nội, chúng tôi may mắn được gặp anh Jansen Morati người đã từng vượt nửa vòng trái đất đến Việt Nam tìm mẹ từ dòng chữ mong manh ấy. Nói về lí do đi tìm mẹ, anh kể: Cho đến khi lớn lên, lần đầu tiên anh thắc mắc về nguồn gốc của mình ấy là khi thấy trong tờ giấy khai sinh có dòng chữ về mẹ là Nguyễn Thị Tám, người làng Phương Liệt. Anh đã hỏi bố về những băn khoăn ấy nhưng đã không được giải đáp, có thể vì ông nghĩ rằng anh còn quá nhỏ. Moutti bảo, lúc đó và sau này, suy nghĩ của anh về mẹ thật mãnh liệt. “Ai cũng cần biết về gốc gác của mình và tôi thật hạnh phúc khi biết mình cũng có mẹ như bao người khác. Tôi sinh ra ở Việt Nam và trở lại Bờ Biển Ngà khi mới 3 tuổi. Tôi cũng đã mong có một cuộc sống thiên đường nhưng từ năm 9 tuổi tôi nhận thấy cuộc sống thật khó khăn, phức tạp. Mọi người thường nhìn tôi bằng con mắt khác vì tôi không giống họ. Tôi đã tự hỏi tại sao nhưng tôi không tìm được câu trả lời. Tôi đã từng phải lao động rất vất vả, từng phải sống cảnh lang thang ngoài đường phố để kiếm miếng ăn… Những lúc ấy, tôi nghĩ đến mẹ, rất cần có mẹ làm điểm tựa để tôi vượt qua những khó khăn của cuộc đời”. Và từ giờ phút ấy, anh đã nung nấu ý định đi tìm “điểm tựa” cưa mình dù anh biết hành trình đó không hề đơn giản.
Tại sao Morati lại thất lạc mẹ đến tận 50 năm. Và bà Nguyễn Thị Tám - mẹ anh, là ai?
Người nữ quân báo hoạt động trong lòng địch-Vỏ bọc gái nhảy và những “điệp vụ” táo bạo
Ông Nguyễn Văn Hậu, cựu tù chính trị Côn Đảo (1950 - 1954) từng là bạn học và cũng là bạn hoạt động cách mạng với bà Tám sau này, kể lại: “Bà Tám tên thật là Nguyễn Thị Loan, là con thứ tám trong gia đình có 8 anh chị em nên mọi người quen gọi là Tám.
Loan sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, cùng làng với tôi. Từ bé, chúng tôi học chung trường lớp với nhau. Ngay từ thời đi học Loan đã nổi tiếng xinh đẹp, được bao người nhòm ngó. Lẽ ra cô ấy có thẻ lấy được một người chồng tốt, một cuộc đời yên ổn nhưng cô không chọn con đường ấy mà cùng các bạn trang lứa tham gia hoạt động cách mạng”.
Năm 16 tuổi, Nguyễn Thị Loan tham gia vào đội du kích làng Phương Liệt. Nhiệt huyết và lanh lợi, lại sẵn cái duyên ăn nói của người Hà Thành nên cô được chọn vào trung đội Nguyễn Huệ do ông Nguyễn Văn Hậu làm trung đội trưởng. Trung đội Nguyễn Huệ - (thuộc đại đội 298, tiểu đoàn 250A, trung đoàn 35) gồm có 32 đồng chí nhưng chỉ có 6 người là nữ, chia thành 3 tiểu đội, trong đó cô Biên và cô Tám do có chút nhan sắc hơn người nên được chọn vào tiểu đội quân báo. Hai cô có nhiệm vụ đưa tài liệu từ Phương Liệt vào nội thành và ngược lại. Để công việc được thuận lợi, hai cô đã vào vai “gái nhảy” để tiếp cận với quân lính, moi thông tin địch ở bốt Bạch Mai (gần khu tập thể đài phát thanh hiện nay).
“Nhờ vậy mà chúng tôi có được nhiều thông tin quý giá cấp báo cho cấp trên” - Người cựu tù Côn Đảo trầm ngâm nhớ lại chuyện xưa - “Có lần các cô ấy được giao nhiệm vụ chuyển đạn dược vào thành phố. Từ Phương Liệt đến điểm hẹn, họ phải đi qua 3 chốt gác của địch là Tư Vọng, Kim Liên và Khâm Thiên. Đến chỗ ga Hà Nội bây giờ là coi như thoát. Dù là “bồ” của lính Pháp nhưng khi đi qua các chốt này các cô ấy vẫn bị lục soát. Mỗi lần như thế họ thường lấy cớ gì đó để nhờ các tên lính cầm giúp cái túi xách, để đánh lạc hướng và chuyển tài liệu ra. Nếu chỉ dựa vào nhan sắc mà không có sự thông minh, lanh lợi, biến tấu trong mọi tình huống thì khó mà trụ được lâu trong lòng địch” - ông Hậu kể tiếp. Dù vậy trung đội vẫn phải bố trí người để ngầm bảo vệ hai cô, cũng là để biết nếu có dấu hiệu bị lộ còn cấp báo kịp thời cho cấp trên.
Và cuộc vượt ngục ngoạn mục
Nói về đời hoạt động của bà Tám, bà Biên, ông Hậu nhớ nhất sự kiện năm 1950 có công rất lớn của hai đồng chí nữ quân báo này. Theo lệnh cấp trên, trung đội Nguyễn Huệ phải tìm cách giải thoát cho hai cán bộ quan trọng là Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 25A và bí thư huyện ủy Thanh Trì bị giam ở nhà Tiền (nhà giam Tràng Tiền). Một kế hoạch táo bạo được vạch ra: Hai nữ quân báo Trần Thị Biên và Nguyễn Thị Tám phải lấy cớ là vào thăm người quen. Xin phép vào đưa quà nhưng thực chất là đưa thư vạch kế hoạch cướp tù. Theo đó, sau khi vượt tường ra ngoài, các tù nhân sẽ thấy có hai chiếc xe đạp dựng bên cột đèn và quần áo để thay, sau đó sẽ có một chiếc xe khác đi đằng trước dẫn lối. Kế hoạch còn bố trí vài người đi bộ để nếu lính Pháp lúc truy bắt có hỏi thì sẽ chỉ ngược lại với hướng đi của các đồng chí vượt ngục. Còn lại hai nữ quân báo Biên và Tám sẽ vẫn tiếp tục ở lại để chuốc rượu bia cho lính canh ngục nhằm kéo dài thời gian. Sau khi có ám hiệu đã chạy thoát, hai “gái nhảy” được lệnh phải rút ngay lập tức tránh bị phát hiện. Kế hoạch này đã thành công mỹ mãn.
“Được biết, sau đó bà Biên và bà Tám đã bị bắt, họ bị bắt trong hoàn cảnh nào?” - tôi hỏi. Người cựu tù Nguyễn Văn Hậu nhớ lại: Ngày 18/1/1950 tại trận đánh sân bay Bạch Mai. Đến ngày 26/1 trung đội Nguyễn Huệ bị hi sinh, bị bắt gần một nửa. Một liên lạc viên trong tổ quân báo bị bắt khi đang chuyển tài liệu. Do không chịu đựng được những đòn tra tấn dã man của địch, anh này đã cung khai 13 đồng chí. Biết đã bị lộ, trung đội trưởng Hậu được lệnh giải tỏa toàn bộ trung đội vào Hà Nội, không ở Phương Liệt nữa. Nhưng không kịp. Vừa chạy ra đến cổng thì quân Pháp ập đến. Trung đội Nguyễn Huệ bị bắt giam hết. “Tôi bị chúng giam ở nhà tù Hỏa Lò, sau đó đưa ra tòa án binh của Pháp và bọ xử tội chung thân khổ sai, đày ra Côn Đảo. 12 đồng chí còn lại thì số bị đưa đi nhà giam Hỏa Lò, sô giam ở nhà Tiền. Năm 1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, chúng tôi mới được trả tự do. Mọi chuyện sau này của cô Tám tôi chỉ nghe các đồng chí của mình kể lại, chứ không trực tiếp chứng kiến như trước nữa. Họ cho biết, ngay cả khi đã là “dâu Tây” bà Tám vẫn giúp ích rất nhiều cho cách mạng bằng nhiều hình thức khác nhau chứ không chỉ là cung cấp thông tin” - ông Hậu khẳng định.
Những điều ông Nguyễn Văn Hậu kể với chúng tôi về quãng đời tham gia kháng chiến của bà Nguyễn Thị Tám cũng đã được ghi nhận trong cuốn “Lịch sử cách mạng Đảng bộ và nhân dân phường Phương Liệt”, in tháng 6/2005. Trong cuốn sách này còn đăng danh sách 32 đồng chí bị tù đày là công dân của làng Phương Liệt, trong đó có tên của bà Nguyễn Thị Tám.
Thân phận “dâu Tây” của người nữ quân báo làng Phương Liệt
Sau khi bị bắt, mọi thông tin về bà Tám coi như đã bị gián đoạn. Vì trong số người làm “dâu Tây” năm ấy chỉ có bà Tám và bà Biên. Chỉ có bà Biên là hiểu và biết rõ nhất về cuộc đời của bà Tám (sau này còn bị nhốt chung trong một nhà giam) thì hiện đang định cư ở Pháp với chồng từ sau năm 1954.
Đây là kênh youtube chính thức của nhà văn Võ Thị Xuân Hà, xin mời đăng ký kênh tại đây: Cầm Kỳ Official
https://www.youtube.com/c/CầmKỳOfficial2022
để ủng hộ trang và nhận được thông báo mỗi khi có video mới.
Trên một số nền tảng số khác như:
Facebook: https://www.facebook.com/CamKyOfficial
Website: https://tonvinhvanhoadoc.net
Võ Thị Xuân Hà
Cầm Kỳ
Nàng Thê
Email: [email protected]
Zalo & hotline: 0393 996 018